
Everything posted by Joker
-
The Secret Life of Pets 2 (2019)
- 0 downloads
Phim do Chris Renaud đạo diễn khắc họa tình huống dí dỏm khi chó nhà Max được chó nông trại dạy nhiều bài học cuộc sống. Tác phẩm là phần hai của The Secret Life of Pets (2016) - hoạt hình ăn khách với 875 triệu USD toàn cầu. Lúc này, chú chó Max (Patton Oswalt lồng tiếng) đã hòa hợp với cậu bạn cùng nhà to lớn Duke (Eric Stonestreet) sau khi họ trải qua cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ khắp New York (Mỹ). Max đối diện thách thức mới khi cô chủ Katie sinh ra cậu nhóc đáng yêu tên Liam. Với bản năng loài chó, Max lo lắng quá mức cho cậu chủ đến mức bị rối loạn hành vi, nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm rình rập và lo sợ chính thành phố mình đang sống. Trong chuyến nghỉ dưỡng của gia đình ở nông trại, Max càng áp lực hơn do lối cư xử khác biệt của các con thú nơi đây, cũng như do không được chung phòng với chủ như trước. Max gặp chú chó chăn cừu Rooster (Harrison Ford) và bước vào cuộc phiêu lưu mới. Rooster cũng dần chỉ cho Max cách vượt qua các nỗi sợ trong cuộc sống. Cũng như phần một, thay vì tập trung vào con người, câu chuyện kể từ góc nhìn của chó mèo. Những ứng xử mang tính bản năng của loài vật được các nhà làm phim chuyển hóa thành lời thoại, chuyển động vui nhộn. Tương tác giữa chó nhà Max và chó nông trại Rooster là điểm nhấn của phim với nhiều tình huống gây cười nhờ khác biệt hai bên. Thông qua người bạn mới, Max dần hiểu ra những bài học về lòng dũng cảm cũng như cách ứng xử với Liam. Ngoài tuyến của Max, câu chuyện có thêm hai hành trình phụ: cuộc phiêu lưu giàu tính hành động của thỏ Snowball (Kevin Hart lồng tiếng) và phi vụ của cô chó Gidget (Jenny Slate). Snowball tự cho mình là siêu anh hùng và muốn giải cứu một chú hổ bị giam trong đoàn xiếc. Còn Gidget nhờ cô mèo Chloe (Lake Bell) dạy cho cách hành xử giống mèo để đột nhập vào một ổ mèo, đoạt lại món đồ chơi của Max. Sự chuyển đổi linh hoạt giữa ba hành trình khiến khán giả bớt nhàm chán, đồng thời mở rộng các tuyến phụ. Mỗi nhân vật đều có thời lượng xuất hiện hợp lý và hoàn thành trọn diễn biến tâm lý. Dự án có kinh phí 80 triệu USD duy trì thế mạnh về kỹ thuật hoạt họa từ phần trước. Các nhân vật thú cưng được tạo hình đa dạng theo hướng gần gũi với trẻ em, thường có mặt tròn và mắt to. Trong khi đó, chú chó Rooster có vẻ ngoài cao lớn, dáng đứng hùng dũng tạo ra sự khác biệt với các sinh vật khác. Kết hợp với giọng đọc thoại của tài tử gạo cội Harrison Ford, nhân vật toát lên vẻ trưởng thành và nam tính. Một giọng lồng tiếng khác gây ấn tượng là Kevin Hart - nghệ sĩ Mỹ xuất thân hài độc thoại, từng ghi dấu trong Jumanji: Welcome to the Jungle. Anh lột tả được vẻ ngầu đời, có phần hơi giang hồ của thỏ Snowball. Trong khi đó, diễn viên Patton Oswalt không khó khi thể hiện sự lo âu của nhân vật chính Max. Anh được chọn vào dự án sau khi Louis C.K. - người lồng tiếng Max phần trước - vướng scandal tình dục. Oswalt từng góp giọng cho nhân vật chính trong hoạt hình Ratatouille (2007) nổi tiếng của Disney. The Secret Life of Pets 2 truyền tải bài học về việc chấp nhận khác biệt, sự trưởng thành. Tuy nhiên, nội dung phim hướng đến đối tượng trẻ em, hơi đơn giản với ít tình tiết bất ngờ. Phim dài 98 phút, khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 7/6 với tựa Đẳng cấp thú cưng 2 và nhãn P (dành cho mọi đối tượng khán giả). Bản lồng tiếng Việt có Jun Phạm, Khả Như, Puka góp giọng. -
Iron Man 2 (2010)
- 0 downloads
Tony Stark trở lại trong tập tiếp theo nghẹt thở nhưng cũng đầy hài hước của quả bom tấn "Người Sắt". Được cả thế giới tôn vinh như anh hùng nhưng chàng dũng sĩ lại trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Iron Man 2 sử dụng nhiều pha hành động và kỹ xảo hơn phần 1 ra đời năm 2008. Thử thách trong quá trình xây dựng phần 2 là tìm ra phương thức để vừa bám lấy những yếu tố mà khán giả hưởng ứng trong phần trước, đồng thời phải nâng chúng lên một cấp độ cao hơn trong mọi khía cạnh. Nếu quá phức tạp, phim sẽ trở nên rắc rối và mất đi sự tinh tế của phần đầu. Nhưng nếu các nhà làm phim không có sáng tạo gì mới mẻ, khán giả sẽ không mặn mà với nó. Quá trình viết kịch bản cho Iron Man 2 bắt đầu trước khi tác giả kịch bản Justin Theroux được mời tham gia vào dự án. Các diễn viên chính, đạo diễn và các nhà sản xuất ngồi lại với nhau và bắt đầu bàn bạc những vấn đề như điều gì khiến họ hứng thú tiếp tục thực hiện trong phần 2, các nhân vật sẽ phát triển như thế nào, cuộc phiêu lưu mới nên khởi đầu ra sao... Đạo diễn Favreau nhận định: "Câu chuyện dành nhiều đất hơn để kể về sự phát triển của các nhân vật, khởi nguồn và kết thúc của họ, những thử thách mà họ phải đối mặt, và những con người đó thay đổi ra sao. Quá trình chuyển hóa nội tâm thường liên quan đến những khoảnh khắc rõ ràng, khi bạn nhận ra rằng cần phải có một sự thay đổi, và nhất thiết phải thực hiện điều đó". Việc xây dựng câu chuyện đối với các nhà làm phim vừa lợi thế về nguồn tài liệu dồi dào từ hơn 600 tập truyện tranh Iron Man từng xuất bản trong gần 50 năm qua, vừa khó khăn khi phải chắt lọc để không quá ôm đồm. Sau khi thừa nhận mình là Người Sắt, Tony Stark trở thành anh hùng trong mắt người dân bởi anh đã giữ cho thế giới được yên bình, nhưng chính phủ lại cảm thấy một mối đe dọa khi một thứ vũ khí có khả năng hủy diệt lại ở trong tay một thường dân "sáng nắng chiều mưa". Tính cách của Tony Stark cũng có sự xoay dòng nhưng trái ngược với phần 1. Ở phần 1, từ tay sản xuất vũ khí ích kỷ ý thức được hậu quả công việc của mình để trở thành con người cống hiến cho hòa bình thì trong phần 2, nỗi tuyệt vọng của con người đang đi dần đến cái chết nhưng vẫn phải tỏ ra mạnh mẽ khiến chàng Người Sắt có những hành động điên rồ và ngày càng trở nên cô độc. Pepper Potts - trợ lý tin cậy và không thể thay thế được của Tony - được anh bổ nhiệm vào vị trí CEO của tập đoàn. Điều này khiến khoảng cách giữa họ bắt đầu nới rộng. Tony cắm đầu vào xưởng để sáng chế các bộ giáp mới và đương đầu với vô số mâu thuẫn, còn Pepper chuyển sang quay cuồng xử lý công việc kinh doanh. Người bạn tốt của anh, đại tá Rhodey quay sang đối đầu khi Tony từ chối giao nộp bộ giáp Người Sắt cho chính phủ. Trong tập phim này, Rhodey có một vai trò lớn hơn. Anh là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Cỗ máy chiến tranh. Một điểm cộng cho Iron Man 2 là sự xuất hiện đầy quyến rũ và mạnh mẽ của Scarlett Johansson trong vai Natalie Rushman - Góa phụ đen, một bậc thầy chiến đấu tay không. Kẻ địch của Tony Stark trong Iron Man 2 cũng mạnh mẽ hơn. Đó là chuyên gia kỹ thuật người Nga bí ẩn tên là Ivan Vanko, tự xưng là Roi Điện. Về nhân vật này, các nhà làm phim phát biểu rằng, "Chúng tôi không muốn thể hiện Ivan một cách quá huyền bí, bởi vì có những điều bạn có thể làm trong với truyện tranh nhưng không nhất thiết phải đưa lên phim. Bạn không muốn xây dựng tên tội phạm này quá mạnh đến mức khó tin được". Người Sắt không chỉ phải đối đầu với Roi Điện mà còn với cả tập đoàn người máy do Roi Điện tạo ra. Cuộc chiến khốc liệt giữa hai kẻ không đội trời chung được xây dựng với những kỹ xảo công phu, đẹp mắt, vừa hoành tráng bởi những màn đấu nảy lửa của những kẻ khổng lồ, vừa lãng mạn đẹp mắt như màn bắn pháo hoa. Khả năng diễn xuất của các diễn viên ở phần 2 Người Sắt cũng đáng được khen ngợi. Robert Downney Jr. vai Tony Stark vẫn là một quý ông lịch lãm, cuốn hút và mạnh mẽ như trong phần 1 hay ở Sherlock Holmes, nhưng diễn tả thành công nội tâm đa chiều của nhân vật. Cả nhà sản xuất và đạo diễn đều cho rằng, anh sinh ra để dành cho vai diễn này. Scarlett Johansson không chỉ chấp nhận một chuỗi thử thách sức khỏe và sự dẻo dai khi diễn xuất Góa phụ đen, mà còn phải khắc họa một vẻ đẹp huyền ảo khi vào vai Natalie, nữ trợ lý mới của Stark. "Sự tham gia của Scarlett cứ như một giấc mơ vậy. Cô ấy đã chấp nhận mạo hiểm và đã thoải mái trải nghiệm quá trình diễn xuất, không như mấy ông già chúng tôi đây. Nhân vật Natalie khá phức tạp và khó nắm bắt, tuy nhiên, Scarlett đã nhập vai hết sức tuyệt vời" - Robert Downney Jr. hào phóng khen ngợi. Mickey Rourke đem đến sự thú vị nhờ lối diễn xuất cổ điển cho vai Ivan Vanko. Theo đạo diễn Jon Favreau, Mickey rất kỹ tính: "Khi tôi nói với anh ấy về ý tưởng một tên cướp, một cựu tù nhân người Nga có nhiều hình xăm trên cơ thể, tôi đưa cho anh ấy xem những mẫu xăm chúng tôi đã chuẩn bị và anh ấy chọn từng hình một, quyết định sẽ xăm chúng ở đâu. Anh ấy có ý tưởng về kiểu tóc hay hàm răng mạ vàng để trông chúng giống với cách làm răng của Đông Âu, thậm chí còn đến nhà tù để chuẩn bị cho vai diễn. Anh ấy chăm chút đến từng chi tiết cho nhân vật của mình". Trong khi đó vai Pepper Potts của Gwyneth Paltrow trở nên cá tính, ấn tượng hơn với phần 1. "Cô ấy rất vững vàng - một cô gái tốt. Tôi nghĩ phần một đã dựng lên một thế giới, nơi những nhân vật này tồn tại, nó có sức hấp dẫn riêng, có sự hài hước riêng" - người đẹp tóc vàng hào hứng nói về nhân vật của mình. -
Rocketman (2019)
- 0 downloads
Tác phẩm tiểu sử có những màn trình diễn náo động đan xen tự sự về cuộc sống nhiều nỗi niềm của danh ca Anh thời trẻ. Rocketman xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp của Elton John (Taron Egerton đóng) - ca sĩ lừng danh, có số lượng bản thu âm bán ra cao thứ năm mọi thời. Rocketman bắt đầu bằng cảnh phim gây bất ngờ khi Elton John đến gặp một nhóm trị liệu, thú nhận nghiện tình dục, ma túy, ăn uống vô độ và không thể kiểm soát cơn giận. Sau đó, tác phẩm quay về những tháng năm tuổi trẻ của ông - từ thập niên 1950 đến 1980, khi còn là cậu bé đến khi thành một ngôi sao. Tài năng thiên phú của Elton được phát hiện từ rất sớm. Cậu có thể chơi lại những tác phẩm âm nhạc kinh điển trên piano chỉ sau một lần nghe qua. Được học hành bài bản, Elton giành học bổng tại Học viện Âm nhạc, sau đó theo đuổi hướng đi riêng cùng Bernie Taupin (Jamie Bell đóng) - nghệ sĩ viết lời. Elton dần vang danh. Tuy nhiên, hào quang, cá tính dị biệt, sự tàn nhẫn của ngành công nghiệp âm nhạc, nỗi lo bị phát hiện là người đồng tính dần đẩy Elton John vào lối sống tiêu cực. Rocketman mang phong cách kết hợp giữa phim tiểu sử và kỳ ảo. Các trích đoạn về chuyện đời ông đan xen những khoảnh khắc hư cấu, như khi Elton thấy một phi hành gia nhí dưới bể nước. Một cảnh tiêu biểu khác là màn thể hiện ca khúc Rocketman qua năm bối cảnh khác nhau, nặng tính hình tượng với cao trào khi Elton bay lên trời. Phim cũng mang yếu tố nhạc kịch khi các nhân vật đôi khi dùng tiếng hát để bộc bạch suy nghĩ. Thứ tự các ca khúc trong Rocketman không tương ứng với thời điểm sáng tác. Các nhà làm phim chọn bài hát để truyền tải cảm xúc phù hợp với từng bối cảnh và tâm lý nhân vật. Ca khúc I Want Love được sử dụng trong cảnh Elton (khi còn nhỏ) buồn lòng trước sự lạnh nhạt của bố mẹ. Ca khúc Saturday Night's Alright (For Fighting) vang lên trong cảnh cậu thiếu niên Elton hào hứng trước sự trưởng thành. Tuy nhiên, ở ngoài đời, chúng được sáng tác khi nhân vật chính đã lớn. Một đặc trưng của danh ca Anh là các bộ trang phục lộng lẫy, đôi khi dị thường. Nhà thiết kế Julian Day đảm nhiệm khâu trang phục cho Rocketman. Trên CNN, Day nói không muốn lặp lại y hệt những trang phục mà khán giả từng thấy Elton mặc. Áo đấu của câu lạc bộ bóng chày Dodgers (khi Taron hát Rocketman) là trang phục duy nhất Day sao chép y hệt. Phần còn lại là các thiết kế được cách điệu từ nguyên bản. Day cho biết đã làm hơn 50 cặp mắt kính, 50 đôi giày, sử dụng nhiều nguyên liệu như vải bạc, lông thú và đặc biệt là pha lê Swarovski để tạo nên gần 70 bộ trang phục cho phim. Khi lên phim, những trang phục này tô điểm cho tính cách hào nhoáng của Elton, đồng thời khiến các phân cảnh bắt mắt hơn. Đạo diễn Rocketman là Dexter Fletcher - người đã thay thế Bryan Singer hoàn thành Bohemian Rhapsody, phim âm nhạc gây tiếng vang năm ngoái. Hai phim tương đồng ở yếu tố âm nhạc gây phấn khích, câu chuyện kể góc khuất nhân vật. Cũng như Freddie Mercury của phim Bohemian Rhapsody, Elton John là người đồng tính, giàu có, kiêu hãnh nhưng cô đơn. Thế giới của Elton khác người thường, luôn sôi sục các giai điệu và nỗi nghi ngờ với người xung quanh. Đa phần các mối quan hệ gia đình, tình yêu, bạn bè của ông đều không bền vững. Ngoài ra, ông cũng rơi vào thế lưỡng nan khi vừa chán ghét cỗ máy công nghiệp âm nhạc tàn nhẫn - đo đếm thành công nghệ sĩ qua những con số, vừa phải gắn chặt với nó để duy trì hào quang. Elton John cố quên những điều này bằng những cuộc vui thâu đêm, dần lệ thuộc vào rượu, ma túy và mua sắm vô tội vạ. Ở một cảnh, nhân vật thừa nhận đã quan hệ với hàng loạt người và thử mọi chất kích thích. Ý tưởng Elton John có thể tự sát được nhắc lại nhiều lần suốt phim, từ chính ông hoặc người xung quanh. Cuộc sống suy sụp này được khắc họa đan xen, đối lập với những cảnh diễn hào nhoáng và truyền cảm hứng trên sân khấu. Diễn xuất của Taron Egerton là điểm sáng của Rocketman. Tài tử xứ Wales có ánh mắt tinh nghịch, phong cách giàu năng lượng giống Elton. Trên phim, anh tự thể hiện tất cả ca khúc. Theo Insider, Taron phải dành sáu tuần để tập hát và chơi piano cùng huấn luyện viên Michael L. Roberts. Anh phải tập luyến láy một số từ như "quite", "but" - được Elton phát âm theo cách đặc trưng. Giọng hát và phong thái trình diễn của Taron thuyết phục người xem về hình ảnh của Elton, đồng thời có sáng tạo riêng. nhưng cũng tránh được sự sao chép cứng nhắc. Trên New York Post, Taron chia sẻ Elton muốn anh tự do thể hiện các ca khúc của ông thay vì bắt chước giống hệt. Sao nam sinh năm 1989 làm mới một số ca khúc, tiêu biểu là Your Song với cách hát chậm và nhẹ nhàng hơn so với phiên bản gốc. Trên sân khấu, Elton John hay có những động tác hình thể khi trình diễn cùng piano. Ở ca khúc Crocodile Rock trên phim, Taron tái hiện những khoảnh khắc đáng nhớ của Elton như đặt chân lên piano hay nhảy lên. Khả năng biểu cảm đa dạng, chuyển đổi cảm xúc nhanh của Taron cũng là một điểm nhấn, tiêu biểu như hình ảnh nhân vật từ mệt mỏi bỗng tươi vui, ngạo nghễ bước ra sân khấu hát Rocketman. Tuy có nhiều điểm sáng, Rocketman còn điểm yếu kịch bản. Câu chuyện giữa Elton và người vợ Renate diễn ra chóng vánh, không kịp để người xem cảm nhận. Mối quan hệ tình ái giữa Elton và người quản lý John Reid (Richard Madden đóng) chưa đủ điểm nhấn dù được đặt ở tuyến chính của phim. Việc danh ca thoát khỏi cuộc sống trụy lạc cũng được khắc họa quá nhanh chóng. Chỉ sau vài lời tự bạch, Elton dễ dàng thay đổi lối sống, dù trước đó tác phẩm khắc họa ông giống như đang lạc vào mê cung không lối thoát. Rocketman được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) năm nay và nhận tràng pháo tay dài hơn 4 phút. Phim hiện nhận 89% đánh giá tích cực từ chuyên trang Rotten Tomatoes. Một số tờ báo như Telegraph, The Guardian đánh giá cao diễn xuất của Taron Egerton, nhận định anh là ứng viên tiềm năng cho giải thưởng Oscar năm nay. -
Don't Look Now (1973)
- 0 downloads
Càng gần đến ngày ra mắt tại các rạp chiếu vào dịp Lễ Tình nhân, bộ phim “Fifty Shades of Grey” (tựa Việt là “50 sắc thái”) lại càng hâm nóng các diễn đàn điện ảnh sau những lời đồn đoán rằng phim có tới “20 phút cảnh nóng.” Nhân dịp này, báo chí chuyên về điện ảnh Mỹ cũng điểm lại những bộ phim khiến khán giả “bỏng mắt” nhất trong lịch sử Hollywood. Theo tạp chí GQ, các đạo diễn, nhà sản xuất đồng ý rằng "Don't Look Now”, ra đời năm 1973, do Donald Sutherland và Julie Christie thủ 2 vai chính, chính bộ phim gợi cảm nhất mọi thời đại. Bộ phim này không chỉ gợi cảm ở mức bình thường. Các cảnh “yêu đương” trong phim thực sự rất nóng bỏng. Họ đã thực hiện trường đoạn đó bằng cách đan xen giữa cảnh chăn gối của đôi nam nữ với những hình ảnh họ chuẩn bị sửa soạn đi chơi tối, ngay sau cuộc mây mưa. Nhờ thủ pháp này mà khán giả thấy được những dư âm hạnh phúc của một đôi lứa được ở bên nhau hiện lên trên khuôn mặt họ, họ có ý nghĩa như thế nào với đối phương. Từ đó, khán giả nhận ra cốt lõi của toàn bộ câu chuyện, bởi vì bạn không chỉ nhìn thấy một cảnh làm tình, mà bạn còn cảm nhận được tác động của tình dục. Có lẽ hiếm có bộ phim nào, cả về sau này, có một trường đoạn nóng nóng bỏng hơn, rõ nét hơn cảnh nóng trong bộ phim tâm lý của Nicolas Roeg. Thực tế, vượt trên những cảnh mây mưa, phim miêu tả tâm lý nhân vật cực kỳ tinh tế. “Don’t Look Now” kể về một cặp tình nhân (Donald Sutherland và Julie Christie thủ hai vai chính) sống ở Venice và đang phải cùng nhau vượt qua cơn khủng hoảng sau cái chết bất ngờ của con gái. Đây là một bộ phim ghi dấu ấn bởi cách dẫn chuyện không liền mạch, những ảo giác vô định, và đâu đó chút siêu thực hiển hiện. Nó là một kiệt tác về những mối quan hệ rối bời, buồn đau và đam mê, tình yêu và cái chết. Ví dụ đáng nhớ nhất là phân đoạn khi hai nhân vật chính vượt qua nỗi đau khổ trong lòng, để rồi tâm hồn, lẫn thể xác, hòa làm một. Và không chỉ bởi từ lâu người ta đồn cảnh nóng giữa hai diễn viên chính không chỉ là "diễn." Những tranh luận xoay quanh liệu cảnh nóng giữa Sutherland và Christie có phải do họ "làm thật" hay không rõ ràng đã có đóng góp vào tiếng tăm cho bộ phim (đạo diễn Roeg, với vị trí của mình, dĩ nhiên là phủ nhận). Điều tiếp theo làm cho bộ phim trở nên đáng nhớ, phải kể đến tài năng của đạo diễn Roeg. Trong cảnh phim khi họ nằm cạnh nhau trên giường, Christie chầm chậm, phần nào vô thức, ve vuốt tấm lưng trần của Sutherland, khiến anh hôn lấy tay cô - cử chỉ âu yếm thông thường làm tăng cảm xúc yêu thương của cảnh phim, và hướng họ tới việc hướng sự chú ý hoàn toàn vào đối phương. Nhanh chóng sau đó, hai nhân vật quấn lấy nhau theo cái cách vừa lúng túng vừa hờ hững, nồng nhiệt, bốc đồng và không kiểm soát. Những chuỗi hành động này đã tạo ra cho cảnh phim đó một cảm giác thật đến khó tả. Có lẽ đó cũng là một phần khiến dư luận nghĩ 2 diễn viên đã "sex thực" trước ống kính camera. Đóng góp thêm vào cho sự thành công của cảnh phim ấy, là những quyết định lão luyện bậc thầy của Roeg khi xen vào trường đoạn nóng bỏng ấy những hậu cảnh sau cuộc "mây mưa," khi họ đang mặc đồ. Những lồng ghép tài tình này tạo ra cảm giác hài hòa giữa các giai đoạn của một cuộc yêu. Hơn thế nữa, trong những khung hình cảnh Christie và Sutherland mặc lại quần áo, bộ phim đã muốn lột tả cảm giác thỏa mãn của hai nhân vật. Theo GQ, phim mô tả thành công ý niệm sâu xa về tình dục, về tình yêu của con người trong cuộc sống hữu hạn./. -
Superman: Red Son (2020)
- 0 downloads
"Superman: Red Son" là một bộ phim hoạt hình của DC Comics phát hành vào năm 2020, dựa trên miniseries cùng tên của Mark Millar. Câu chuyện của "Superman: Red Son" diễn ra trong một vũ trụ thay thế, nơi Superman không được sinh ra ở Kansas, Mỹ, mà là ở Ukraine trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cốt truyện xoay quanh việc Superman, sau khi được sinh ra trong Liên Xô, trở thành một siêu anh hùng phục vụ cho chế độ cộng sản. Điều này dẫn đến một thế giới nơi các giá trị và lý tưởng của Superman được định hình bởi chủ nghĩa cộng sản. Trong khi đó, các nhân vật như Batman, Wonder Woman, và Lex Luthor đều có những vai trò khác biệt so với thế giới truyền thống. -
Zootopia (2016)
- 0 downloads
Đã lâu lắm rồi, àh không nói cho chính xác thì chắc đây là lần đầu tôi đi ra rạp để xem 1 bộ film hoạt hình. Và tôi đã chọn Zootopia, và tôi đã không hề thất vọng khi bộ film hoạt hình nay đã làm cho tôi suy nghĩ động não, cười quặn ruột và cảm động gần như mọi lúc. Lúc tôi đi xem để ý xung quanh rất nhiều em nhỏ, và có 1 số em có vẻ vẫn chưa nắm được hoàn toàn ý nghĩa của film làm tôi cũng hơi bồn chồn, hy vọng anh chị em nào có những đứa em nhỏ hoặc cháu nhỏ đi xem thì nếu bài review nhỏ nhặt này đến được với mọi người thì hãy truyền đạt lại các em nhỏ ý nghĩa của 1 animation tuyệt vời thế này nha Zootopia kể về hành trình của 1 nữ thỏ can đảm Judy Hops với ước mong trở thành cảnh sát để giúp ích cho đời, và Thành phố thiên đường dành cho động vật Zootopia là nơi cô bắt đầu chắp cánh ước mơ khi slogan của thành phố là "mọi ước mơ đều có thể", nơi cô điều tra 1 vụ mất tích cùng với 1 con cáo lừa đảo Nick Wilde. Càng lúc, họ càng hé lộ ra nhiều bí mật , nhiều mâu thuẫn hơn nhưng Judy vẫn không bao giờ bỏ cuộc để "thay đổi cả thế giới" như mong muốn của mình ngày nhỏ để cứu lấy Zootopia. Thiết kế thành phố Zootopia phải nói thực là đẹp 1 cách kinh khủng, đến cả tui còn muốn phải được xuất hiện ở đó: Từng khu vực phù hợp cho từng loài vật khác nhau, và dù có là ở trong 1 thành phố thì mỗi khi đi qua 1 khu vực khác thì cũng chẳng khác nào đi du lịch; Khu sa mạc cho các động vật khắc khổ, khu rừng nhiệt đới sinh động với những trận mưa theo gió mùa và sinh vật đa dạng, khu vực vùng cực cho những sinh vật quen với giá lạnh, và trung tâm là 1 thành phố hiện đại nhà cửa cao chót vót sát vanh vách nhau với nhiều khu dân cư dành riêng cho từng chủng loại. Vừa riêng biệt lại vừa hòa hợp, Zootopia quả thực là 1 nơi vô cùng tuyệt vời và chả trách mọi sinh vật ở vùng quê đều muốn đên đây. Về tạo hình nhân vật thì ôi thôi, chỗ này nếu phân tích ra chỉ có cười và cười. Judy Hops 1 nàng thỏ khờ khạo đầy ước mơ, Nick là 1 con cáo ranh mãnh nhưng thật chất cũng là 1 người tốt, sếp Bogo trâu nước (Nói thât, tạo hình ông này cứ vừa nhìn thấy thì suy nghĩ đầu tiên người lồng tiếng PHẢI là Dwayne "The Rock" Johnson, và biệt danh The Rock hồi còn thi đấu là The Brahma Bull), con báo mập ham ăn dễ thương Clawhauser, nữ ca sĩ Gazelle- Shakira và còn nhiều nhân vật nhưng với tui ấn tượng nhất là con lười Flash vô cùng "tục" do cứ coi nó hành động là chả khác nào đang xem các đoạn slow-motion của Cô Dâu 8 tuổi (Và nói thật, đi làm giấy tờ mà gặp mấy con kiểu này chắc bóp cổ sớm) và Bố già chuột chũi Mr. Big... (Bố Già đúng nghĩa đen đấy, rip-off hoàn toàn từ Vito Corleone của Godfather luôn, xem đến con này tui đã cười như 1 thằng điên mà chắc cả rạp cũng không hiểu vì sao, và Disney cũng đã từng chơi cái trò rip off này 1 lần với Jackson trong Hannah Montana rồi, well played!)... Và hàng tá những sinh vật tròn ủm dễ thương khác, và còn có cả gợi ý về những film khác như Frozen, Big Hero 6. Tất cả những nhân vật là Zootopia đưa đến đều vào những thời điểm vô cùng hợp lý và xét ra, từ đầu đến cuối không có 1 vai nào là thừa cả. Zootopia đi theo đúng "bản chất" của Pixar: Biến động vật thành con người rồi đưa ra những câu chuyện kì thú, nhưng kỳ này thì nhà sản xuất đã mang đến 1 thế giới động vật tiến hóa hệt như con người và sống cộng sinh với nhau cho dù là thú ăn thịt hay ăn cỏ, một xã hội thật sự. Và nếu đã là xã hội, thì những vấn đề của nó chắc chắn là phức tạp hơn là những gì xảy ra trong những film "động vật" trước của Pixar. Zootopia đã đưa đến những cái nhìn rất rất thực tế, thậm chí là đối với 1 bộ film hoạt hình và đối tượng là những em nhỏ, về sự bất công và ngang trái trong cuộc sống khi mà Hops cứ nghĩ mình tốt nghiệp xuất sắc sẽ được bắt bớ tội phạm, nhưng sếp thì cũng chẳng quan tâm và bảo cô đi ghi vé phạt đậu xe, và khi cô làm tốt việc thì xã hội dè bỉu chửi cho 1 trận, giúp Nick nhưng cuối cùng thật ra bị gạt, nhưng cô vẫn cắn răng cười về với cha mẹ (Xem đến đoạn này chắc có nhiều sinh viên xa nhà có thê liên tưởng). Nhưng quan trọng nhất, Zootopia đã đưa ra 2 ý nghĩa mà theo tui chắc chắn là cực kỳ to lớn cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ: + Hãy là con người thực của mình: Đa số bộ nào thì cũng nói đến vấn đề này rồi, nhưng vẫn đáng để nhắc lại để thấy được rằng Judy đã là 1 người hay ho thế nào: Khao khát lập công, thay đổi thế giới, nhưng khi nhận ra "sai lầm" thì vinh quang cũng không cám dỗ được cô, sẵn sàng từ chức nhận trách nhiệm, và vẫn không quên việc khi tìm ra đầu mối mới, hãy là chính bản thân để hướng đến những giấc mơ của riêng mình... Và chưa kể đến là tình bạn phát triển giữa Nick và Judy khi họ chia sẻ về cuộc đời của nhau, hãy cứ là chính mình và chúng ta sẽ tìm được bạn tốt. + Phân biệt, kì thị chủng tộc: Cái này mới đáng nói đến đây. Việc 1 loại bệnh xảy ra khiến các loài thú ăn thịt bị "quay về" bản tính nguyên thủy đi săn các đông vật khác đã làm gây nên làn sóng phẫn nộ của công chúng, sự sợ hãi của chúng đối với loài ăn thịt (như cảnh mẹ con thỏ nép qua sợ hãi khi có con cọp đi lên tàu điện ngồi đọc báo vô hại), ca sĩ Gazelle đi diễu hành kêu gọi chống lại sự kì thị với thú ăn thịt, sự ghê tởm của Nick ngày còn nhỏ khi bị kì thị và ăn hiếp, loài thú ăn thịt như con báo Clawhauser bị đuổi khỏi bàn tiếp khách để "giữ hình ảnh"... Có lẽ những con thú ăn thịt- hay người khác chủng tộc không phải là vậy, nhưng vì sự chèn ép, chế tài đã làm họ bức bối và vì thế bị theo luồng xã hội (Ví dụ: cáo không phải loài lừa đảo, nhưng vì định kiến không thể tin cáo đã khiến Nick bị kì thị và vì thế trở thành kẻ lừa đảo)... Chính chúng ta với sự kì thị chủng tộc đã chia rẻ cả thế giới, nhưng chỉ cần 1 tình bạn như của Judy và Nick là ta có thể xoá bỏ dược ranh giới đó. Vấn đề chủng tộc được đem vào Zootopia có giá trị nhân văn cực kì to lớn. -
It's a Wonderful Life (1946)
- 0 downloads
Giáng sinh vừa qua, một năm nữa lại sắp đến và giữa cơn bão lòng vì cảm thấy một năm đã trôi qua vô nghĩa, mình đã chọn xem lại bộ phim It’s a wonderful life (1946) với mong muốn kéo tâm trạng ủ dột lên khỏi chứng rối loạn lo âu. Và đúng vậy, dù nghe hơi sáo rỗng, nhưng mình đã học được nhiều điều từ bộ phim này. Mình đã khóc, đã cười, đã đồng cảm với nhân vật chính George Bailey trên con đường đi tìm hạnh phúc vô cùng gập ghềnh của anh. Và giữa hàng ngàn tin nhắn công việc tới tấp, những deadline, những đêm mất ngủ vì stress, mình đã học cách thỏa thuận với bản thân để tìm ra những niềm vui, dù chỉ là nhỏ nhoi của mình. Dưới đây là một vài điều mình đúc kết ra từ bộ phim này: 1. ‘Nothing ever goes as planned’ hay hãy làm quen với những ngã rẽ George Bailey là một người khi sinh ra đã mang trong mình những lý tưởng, hoài bão to lớn. Anh đã tự vẽ ra bản đồ của cuộc đời mình. Rằng anh sẽ làm một thuyền trưởng ngoài khơi xa, vùng vẫy với những con sóng và chèo lái cuộc đời mình. Thế nhưng cuộc đời không bao giờ xoay vần như ta dự tính. Hàng loạt các biến cố ập đến khiến George phải đột ngột xóa đi bản vẽ cuộc đời trong đầu anh. Cha mất, anh phải gồng gánh cả sự nghiệp của gia đình và để em trai có cơ hội thực hiện được ước mơ của cậu. Thay vì trở thành một thuyền trưởng, anh phải làm quen với tiền, những con số, chiến đấu lại những đối thủ cạnh tranh đáng gờm và những cơn khủng hoảng tài chính. Anh chìm mình trong những công việc mình không yêu thích hay hứng thú, nhưng vì trách nhiệm của một người con, anh đã phải hy sinh và chôn vùi những giấc mơ của mình. Cuộc sống luôn như vậy, luôn biến chuyển theo hướng ta chẳng thể lường được. Đôi khi ta không thể làm chủ được những gì xảy đến với mình, nhưng ta luôn có thể làm chủ được thái độ và hành động với những biến cố ấy. Mỗi bước đi, mỗi ngã rẽ, đều là cơ hội để chúng ta khám phá ra những khả năng không ngờ tới của chính bản thân mình. Nói về những ngã rẽ, mình lại nhớ đến nhân vật Forrest Gump, anh sống chẳng vì một mục đích cao cả nào, tất cả những gì anh làm là chạy trên những cung đường mà mình muốn, như một linh hồn tự do, phóng khoáng, hồn nhiên, luôn yêu, lao động và cống hiến hết mình. Anh sống như những gì mà Bob Dylan đã hát: Những chuyến hành trình của cuộc sống đều đầy ắp những bất ngờ. Cách mà chúng ta đối mặt với nó đó là phải thích ứng, phải can đảm, phải hết mình và hãy cứ trôi theo như những chiếc lá bay trong cơn gió. George Bailey,và cả Forrest Gump đều đã sống trọn vẹn với những gì mà cuộc đời mang đến. 2. Sợi dây liên kết vô hình nhưng vững chắc giữa con người và gia đình, xã hội George luôn nghĩ bản thân là gánh nặng của gia đình, rằng anh là một kẻ thất bại. Anh tức giận và căm phẫn với giấc mơ đã ngủ yên của chính mình, anh giận rằng mình không thể che chở đùm bọc cho vợ và các con, không thể bảo vệ được cho cơ nghiệp của người cha đã mất, George đã mong ước rằng mình chưa từng được sinh ra. Khi sự nghiệp của George đâm vào bước đường cùng và anh đã nghĩ đến cái chết, và khi thiên thần Clarence lời ước mong chưa từng được sinh ra của anh được thực hiện, cũng là khi George nhận ra vị trí quan trọng của cuộc đời mình trên thế giới. Khi George không được sinh ra, em trai Harry của anh đã mất vì đã không được anh cứu khi ngã xuống sông băng. Ông chủ của anh hóa điên khi mắc tội sát nhân khi anh không ngăn cản ông kịp, khu dân cư Bailey Park sẽ không xuất hiện, thay vào đó là Pottersville – khu dân cư mà đối thủ làm ăn của anh dựng nên, vợ anh sẽ trở thành một bà cô không chồng do cô không thể yêu ai khác, và căn nhà cũ kỹ mà gia đình anh vẫn đang chung sống đầm ấm giờ chỉ còn là một căn nhà hoang đổ nát. Chứng kiến những cảnh tượng đó, George đã sợ hãi và cầu xin Clarence cho anh được lấy lại cuộc sống vốn đầy rẫy chông gai nhưng quý giá đó. Clarence đã nói rằng: Thật kỳ lạ, phải không nào? Một cuộc đời có thể chạm tới biết bao cuộc đời khác. Và khi họ biến mất, thế giới sẽ trống đi mất một phần. Đó cũng là lúc George nhận ra cuộc sống thật quý giá biết nhường nào. Anh ôm chầm lấy những người thân yêu của mình, anh âu yếm và xin lỗi những đứa con vì đã lỡ mắng chúng trước đó, anh hôn cả chiếc tay nắm cầu thang đã rời ra vì cũ kỹ. Anh nâng niu và trân trọng những thứ không hoàn hảo mà anh đã từng muốn vứt bỏ. Mỗi người đều vật lộn với những cuộc chiến của chính mình, thế nhưng sẽ luôn có những điều nhỏ bé, những thứ không hoàn hảo mà chúng ta muốn giữ gìn. Bởi mỗi người đều có một sợi dây vô hình kết nối với những cuộc đời khác. Mỗi chúng ta, nếu so về kích thước vật lý thì chỉ bé như những hạt bụi trong vô vàn vì tinh tú. Thế nhưng sức ảnh hưởng của mỗi con người lên cuộc sống đều rất to lớn. Giống như hiệu ứng cánh bướm, khi mà một cánh bướm đập có thể gây ra một cơn bão ở bán cầu bên kia, mỗi một hành động nhỏ của một con người đều có thể mang đến những ảnh hưởng nhất định cho cuộc sống. 3. Một hạt giống lòng tốt sẽ trồng nên những cánh rừng rậm rạp nhân hậu George Bailey không giàu, nhưng anh là một con người giàu lòng nhân hậu. Anh có thể sẵn sàng hy sinh tính mạng của bản thân để cứu em trai bị ngã xuống sông băng, cứu ông chủ khi ông gửi nhầm thuốc chữa bệnh thành thuốc độc, anh sẵn sàng hy sinh ước mơ của mình để vực lại cơ ngơi gia đình, thậm chí dành toàn bộ số tiền đi trăng mật của mình để giải quyết khủng hoảng tài chính cho khách hàng. George luôn luôn cho đi và cho đi, dù anh cũng phải sống trong cảnh khó khăn bần hàn, nhưng chưa khi nào George ngừng cho đi. Cũng vì thế, hạt giống lòng tốt của anh đã nảy nở đâm chồi và làm nên những cánh rừng rậm rạp của tình người. Khi gặp biến cố, những người đã được anh cứu giúp, nâng đỡ, đều quay lại chung tay để cho anh một bờ vai.Tưởng chừng như những món nợ đã đánh dấu chấm hết cho cuộc đời anh, nhưng những người bạn, những khách hàng, những người hàng xóm yêu quý của anh đều sẵn sàng cứu anh thoát khỏi những vũng lầy, và ôm ấp anh bằng tình yêu thương và đưa anh trở lại với cuộc sống. Một lần nữa, thiên thần Clarence lại gửi cho anh một thông điệp: Anh bạn, hãy nhớ rằng, không ai là một sự thất bại khi họ có những người bạn. Trên hành trình cuộc đời anh, bằng lòng nhân hậu và cống hiến hết mình, anh đã mua được những thứ còn quý hơn cả tiền – những người bạn, những người sẵn sàng giúp đỡ anh khi gặp giông bão. Đó là món quà Giáng Sinh tuyệt vời nhất của George khi anh nhận ra giá trị của cuộc sống và tình yêu thương luôn hiện hữu trong cuộc sống vốn không hoàn hảo của mình. Lời kết It’s a wonderful life (1946) mang đến những thông điệp không mới, nhưng chúng ta vẫn thường hay quên lấy chúng, trong cuộc sống vốn bủa vây bộn bề. Thông điệp về tình yêu thương, về lòng tốt, về sự biết ơn đến những gì mình có được gửi gắm qua bộ phim là một cái ôm ấm áp vào mùa Giáng sinh và năm mới, khi rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang chiến đấu với bao khó khăn thường nhật. Dịch bệnh, biến đổi khí hậu toàn cầu, các cuộc nội chiến, xung đột chính trị,….vẫn là những vấn đề nhức nhối hàng ngày. Thế nhưng nếu ta dừng lại một lúc, thở chậm lại, cho bản thân thời gian, chúng ta vẫn có thể tìm ra những thứ mình thấy biết ơn, dù vô cùng nhỏ bé. -
Big Hero 6 (2014)
- 0 downloads
Biệt đội Big Hero 6 là bộ phim được sản xuất với sự kết hợp của Disney và Marvel, kể về Hiro Hamada – thần đồng nhỏ tuổi và Baymax – chú robot chăm sóc sức khỏe được phát minh bởi anh trai của Hiro. Từ một cậu nhóc chỉ thích đấu robot, Hiro đã được anh trai của mình dẫn đến ngôi trường anh đang theo học và những điều thú vị cậu bé 13 tuổi gặp tại đây đã khiến Hiro quyết tâm trở thành bạn cùng trường với anh trai. Thế nhưng ngày cậu nhận được lời mời nhập học, cũng là lúc anh trai Hiro mất mạng do cố gắng cứu giáo sư khỏi đám cháy. Đau lòng bởi sự ra đi đột ngột của anh trai, Hiro thu mình khỏi thế giới xung quanh và từ chối giao tiếp với tất cả mọi người. Nhưng may mắn thay Hiro có Baymax ở bên, Baymax không chỉ là món quà anh trai để lại cho cậu nhóc mà còn giúp cậu nhóc phát hiện ra bí mật khủng khiếp trong đám cháy đã cướp đi tính mạng anh trai. Và với sự giúp đỡ của Baymax và những người bạn thân của anh trai, Hiro đã quyết phải lột bỏ tấm mặt nạ của kẻ hung ác. Big Hero 6 là bộ phim dành cho tất cả mọi đối tượng khán giả từ người lớn đến trẻ nhỏ. Nội dung phim khá đơn giản nên các bạn nhỏ hoàn toàn có thể hiểu được những gì đang diễn ra, và bị cuốn vào cuộc truy tìm kẻ xấu của Hiro và những người bạn. Còn đối với những khán giả lớn tuổi thì bộ phim cho thấy được bản chất xấu xa ẩn sâu trong mỗi người, chỉ khi bị đẩy đến bước đường cùng họ sẽ trở nên vô cùng đáng sợ. Cuối cùng cái thiện cũng sẽ chiến thắng cái ác và ai cũng cần sự đồng hành của những người bạn để cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn. Bộ phim ghi điểm với khán giả bởi câu chuyện về sự trưởng thành của Hiro. Khi đang ở độ tuổi dậy thì ẩm ương, lại phải chịu nỗi mất mát quá lớn đã khiến cuộc sống của Hiro như không có lối thoát. Nhưng với tình cảm và sự quan tâm chân thành đến từ bạn bè, đặc biệt là Baymax Hiro đã trưởng thành hơn và có những suy nghĩ cực kỳ chính chắn, cũng rất thiện lương. Bộ phim cũng mang đến cho khán giả những tình huống đầy hài hước đến từ anh bạn Baymax mập mạp. Một chú robot được lập trình để chăm sóc sức khỏe đã trở thành một người bạn rất đáng yêu và sẵn sàng làm những điều không có trong lập trình để bảo vệ người bạn của mình. Baymax đã mang đến cho các bạn nhỏ rất nhiều tiếng cười thích thú. Lồng tiếng -
Tangled (2010)
- 0 downloads
“Tangled” là bộ phim thứ hai của hãng Walt Disney mà tôi xem trong năm nay. Bộ phim đã làm cho tôi có được những tò mò và háo hức nhất định sau khi xem trailer. Nàng công chúa của Walt Disney hiện lên rất bình dân, nhưng không kém phần lém lỉnh và cũng đầy bản lĩnh. Có thể nói “Tangled” đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Walt Disney đối với thể loại phim hoạt hình. Tôi đã xem bộ phim hai lần, một lần 2D và một lần 3D ở rạp cùng với những người thân yêu và lần nào cũng cảm thấy hết sức xúc động. Cảnh phim rất đẹp, từ ngọn tháp trong rừng nơi Rapunzel ở cho đến lễ hội và đỉnh cao là đêm đèn lồng lung linh mừng sinh nhật công chúa. Walt Disney thậm chí đã chú ý đến cả phục trang của Rapunzel, cô mặc một bộ váy màu tím giản dị, chân không đi giày. Hãy để ý màu tím trên lá cờ có hình mặt trời của vương quốc. Rõ ràng ở một khía cạnh nào đó, nàng công chúa mất tích vẫn luôn hướng về gia đình thực sự của mình, mặc dù chỉ qua cách ăn mặc. Đặc điểm hay trong phim này là tính chất hoàng gia không nhiều. Nàng công chúa được giáo dục rất tốt, biết nấu nướng, may vá, vẽ đẹp, chơi guitar chứ không phải piano, thậm chí rất chăm chỉ dọn nhà. Rõ ràng là một cô gái ngoan, có giáo dục và rất bình dân. Nàng giao lưu được cả với quân trộm cướp và thức tỉnh được những đức tính tốt đẹp bên trong tâm hồn họ. Nhân vật nam chính cũng không phải là hoàng tử như trong nguyên tác truyện cổ tích. Flynn Rider chỉ là một tên trộm ranh mãnh nhưng luôn che giấu đi những mong ước giản dị trong trái tim mình và luôn biết vươn lên từ lúc còn nhỏ. Nếu không gặp cô gái tóc dài đáng yêu kia, chắc hẳn cuộc sống của chàng sẽ mãi trôi đi trong sự đơn điệu. Cô gái mong ước khám phá thế giới bên ngoài gặp anh chàng hay phiêu lưu và họ đã trở thành một cặp đôi hoàn hảo với đầy hoài bão mới lạ. Cho đến cuối phim, tôi thấy tình yêu của họ thực sự rất cảm động, nhất là khi anh chàng cắt mái tóc diệu kỳ của Rapunzel để phá vỡ giao kèo của nàng với mẹ nuôi, trả lại cho nàng sự tự do mà nàng khao khát. Anh yêu Rapunzel hơn cuộc sống của mình mới có thể làm được như vậy. Một điểm nữa khiến tôi thấy bộ phim có nét nhân văn là hình tượng nhân vật ác mẫu Gothel. Bà ta xuất hiện trong phim không phải là mụ phù thủy trồng mùi tây như trong cổ tích Grim, chỉ là một chút ích kỷ chiếm giữ đóa hoa mặt trời. Ác mẫu cũng tỏ ra khá tử tế khi chăm sóc cô con nuôi Rapunzel. Thay vì chỉ giữ mái tóc của nàng, Gothel cũng nuôi dạy Rapunzel đâu ra đấy. Ít ra bà biết con thích ăn súp hạt dẻ và thậm chí mất công đi đến ba ngày đường để mua màu vẽ cho con. Cách bà quan tâm đến Rapunzel cũng giống một bà mẹ lo lắng cho cô con gái quá non nớt trước những cám dỗ của cuộc sống, muốn bảo bọc con suốt đời. Vì thế tôi không thích sự chống đối quá mạnh mẽ từ phía Rapunzel khi nhớ ra sự thật. Cách cư xử của nàng có vẻ thái quá, đẩy tiết tấu phim lên nhanh hơn so với phát triển tâm lý nhân vật thông thường. Rapunzel hoàn toàn giận dữ chứ không có chút gì giằng xé về mặt nội tâm cũng như đau khổ khi người chăm sóc mình bấy lâu lại là kẻ bắt cóc xấu xa. Kết cục dành cho Gothel có vẻ hơi quá khắt khe, nhưng thật may là bà ta không chết. Gothel chỉ biến mất trước khi rơi xuống chân tháp mà thôi! Bộ phim cũng chăm sóc khá kỹ đến tuyến nhân vật phụ. Lần này hai nhân vật chú ngựa Maximus và tắc kè đều rất đáng yêu, khôn ngoan dù không hề hé răng nói ra lời nào. Điều này cũng khác hẳn với những phim hoạt hình cổ tích có loài vật trước đây của Walt Disney. Nếu nói đến thành công của “Tangled” thì không thể không kể đến những bài hát xen kẽ trong tình tiết phim, đúng như phong cách mà Walt Disney hay làm. Alan Menken đã không hổ danh là nhà soạn nhạc tài ba khi viết những bản nhạc vui vẻ như “I’ve got a dream”, nhẹ nhàng đầy tình cảm như “I see the light” hay hài hước như “Mother knows best”. Nối tiếp những bản nhạc đã thành công của các phim “Little Mermaid”, “Beauty and the Beast”, “Aladin”, nhạc phim “Tangled” đã góp phần làm cho kho tàng âm nhạc của Walt Disney thêm phong phú. Với tất cả niềm yêu thích đối với phim hoạt hình và nhạc kịch, tôi nghĩ rằng “Tangled” hoàn toàn là một sự lựa chọn rất hợp lý cho một ngày cuối tuần bên những người thân yêu nhất của mình. Tôi đã rất hài lòng với “Tangled” và những bản nhạc phim đầy ý nghĩa như vậy./. -
Moana (2016)
- 0 downloads
Lại một lần nữa mình phải công nhận rằng 2016 là một năm của những bộ phim hoạt hình. Phim nào cũng hay cũng nặng kí cả. Moana gia nhập danh sách phim hoạt hình hơi muộn nhưng lại không vì thế mà kém cạnh các bộ phim khác. Sau thành công của Frozen vào năm 2013, Walt Disney tiếp tục khai thác đề tài nữ quyền ở bộ phim hoạt hình thứ 56 của mình và không ngừng khẳng định bản thân không tụt dốc. Lấy cảm hứng từ sự tích của vùng biển Polynesia phía Nam Thái Bình Dương, bộ phim kể về cuộc hành trình của cô gái trẻ Moana cùng người bạn đồng hành là á thần Maui và chú gà Heihei lần đầu ra biển khơi, vượt bao khó khăn thử thách để cứu quê hương mình khỏi bóng đen đang dần nuốt chửng sự sống của các hòn đảo. Cái hay của bộ phim lần này chính là đây không phải câu chuyện về một nàng công chúa nào cả. Cũng sẽ chẳng có chàng hoàng tử bạch mã hay tòa lâu đài tráng lệ nào. Mặc dù gốc gác tổ tiên của Moana là những người vượt biển cực kỳ dũng cảm và cô có sức mạnh điều khiển nước (mà thực chất là đại dương đã “chọn” cô), ta vẫn phải thừa nhận rằng Disney đã dần thoát khỏi mô típ hoàng tử công chúa happy ever after. Câu chuyện là sự kết hợp bất đắc dĩ nhưng hóa ra lại vô cùng ăn ý giữa Moana và Maui. Moana là một cô gái trẻ hoang mang với tương lai của mình, gánh trên vai trọng trách cao cả với ngôi làng; nhưng lại luôn hướng lòng ra đại dương xanh thẳm nơi cô tin rằng mình thuộc về. Còn Maui lại là một á thần ám ảnh với những kỳ tích hùng tráng và có một tuổi thơ đau buồn. Cách xây dựng nhân vật đầy mâu thuẫn này lại khiến người xem không khỏi ngẫm nghĩ. Không chỉ vậy, Moana còn truyền cho người xem những bài học vô cùng ý nghĩa. Đó là bài học về cách dạy dỗ và sự bảo vệ của người lớn đôi khi lại phản tác dụng, vô tình cản trở con cái. Đó là thông điệp về lớp trẻ đầy ước mơ và hoài bão, mong muốn được thể hiện cái Tôi. Đó là lời kêu gọi về bảo vệ môi trường và tôn trọng, lắng nghe cũng như cứu lấy thiên nhiên, v…v Ngoài những thông điệp ý nghĩa được gửi gắm trong câu chuyện, Walt Disney cũng mạnh tay đầu tư về mặt hình ảnh và âm nhạc. Theo như mình tìm hiểu, thì kinh phí mà Disney chi cho bộ phim lên tới 150 triệu USD (Wikipedia) vì vậy chắc hẳn đồ họa cũng như âm thanh của Moana đều hoàn hảo. Hình ảnh thiên nhiên, biển khơi, hoa lá v…v vô cùng mãn nhãn. Màu sắc trong phim tươi sáng và sặc sỡ đậm chất nhiệt đới. Nhạc phim lần này tuy không có quá nhiều cảnh hát hò và so với Frozen vẫn không xuất sắc bằng (theo mình là thế), nhưng vẫn luôn là thế mạnh của nhà Chuột. Đó là sự kết hợp của Pop, Tropical và một chút Broadway nên vừa vui nhộn, hùng tráng và dẫn dắt cảm xúc người xem rất tốt. Nhất là đoạn Moana lần đầu quyết định đi theo tiếng gọi trái tim. Tiếng trống, tiếng sóng biển, tiếng giông bão khi ngồi rạp cũng khiến ta có trải nghiệm thú vị. Tính đến thời điểm hiện tại, Moana vẫn là một trong những bộ phim hoạt hình mình yêu thích nhất. Bộ phim truyền cảm hứng rất nhiều cho mình, nhất là mỗi lần cảm thấy không tự tin vào bản thân. -
1917 (2019)
- 0 downloads
Năm 2014, Birdman đã làm khán giả kinh ngạc với kỹ thuật dựng phim one-shot (cảnh dài không cắt) thì năm 2020, phim ‘1917’ chiêu đãi một màn tiệc hình ảnh ngoạn mục gấp bội phần. Bằng cách khéo léo dựng và ghép nhiều cảnh quay dài, đạo diễn Sam Mendes khiến phim như chỉ được quay trong 1 cú máy duy nhất từ đầu đến cuối. Tác phẩm thể hiện được tài năng của Roger Deakins nhà quay phim với nhiều đề cử Oscar nhất còn sống và Thomas Newman với bản nhạc nền vô cùng đáng nhớ cho bộ phim này (hãy nghe track Come Back To Us trong album nhạc phim này). Nội dung phim 1917 diễn ra vào ngày 6 tháng 4 năm 1917, trinh sát trên không đã quan sát thấy rằng quân đội Đức, vốn đã rút lui khỏi một khu vực của Mặt trận phía Tây nước Pháp, không rút lui hoàn toàn mà để lại một trận phục kích pháo binh tại chiến tuyến Hindenburg để tiêu diệt quân Anh. Không còn công cụ liên lạc do những đường dây điện thoại dã chiến bị cắt, hai lính trẻ người Anh, Lance Corporals Will Schofield (Dean-Charles Chapman) và Tom Blake (George MacKay), được Tướng Erinmore ra lệnh mang theo một thông điệp tới Đại tá Mackenzie thuộc Tiểu đoàn thứ hai của Trung đoàn Devonshire. Nếu thành công, họ có thẻ cứu sống hơn 1.600 người lính, bao gồm cả anh trai của Blake, Trung úy Joseph Blake. Xét về kịch bản, phim không nhiều kịch tính và phức tạp như những tác phẩm về chiến tranh khác, thậm chí có đoạn còn hơi quá trùng hợp như “chỉ có trên phim”. Đó là đoạn Will vô tình lấy được một ít sữa bò ở trang trại và đến gần cuối phim thì đưa cho một đứa bé đang khát sữa mẹ, tình tiết này có thể nhằm truyền tải thông điệp về sức sống vẫn trỗi dậy bên dưới cuộc chiến khốc liệt nhưng có phần gượng ép. Dẫu vậy, phim 1917 vẫn kể một câu chuyện lôi cuốn và cảm động đến tận giây phút cuối cùng. Hành trình của Blake và Will không hề dễ dàng, ngược lại vô cùng trắc trở và không ít lần cận kề cái chết. Trên hành trình đó, những người lính giải khuây bằng những câu chuyện phím vô thưởng vô phạt nhưng lại vô cùng ẩn ý, truyền tải thông điệp rõ ràng từ đạo diễn. Tuy có một kịch bản tuy vô cùng đơn giản, nhưng đạo diễn Sam Mendes đã đem đến cho người xem một trải nghiệm vô cùng chân thực và cảm xúc qua biểu cảm và lời thoại của nhân vật. Có thể nói 1917 được làm ra để thể hiện kỹ thuật quay phim, dựng phim hơn là để kể một câu chuyện hấp dẫn. Chìm vào bối cảnh của 1917, bạn như đang thực sự trải nghiệm một game nhập vai với góc nhìn thứ 2 luôn đi bên cạnh nhân vật chính trong suốt gần 2 tiếng thời lượng. Sẽ như bạn đang bước giữa những chiến hào, bãi bom, đầm lầy, những khu nhà đổ nát,… Điều đặc biệt của phim 1917 đó chính là người xem chỉ nhìn được những gì nhân vật chính đang nhìn, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn cảm thấy hồi hộp, bất an giữa một chiến trường tiềm ẩn đầy những nguy hiểm. Bạn sẽ không biết được điều gì sắp xảy đến, là một phát đạn xẹt qua bên tai hay một trái pháo nổ ngay bên cạnh, cảm giác nghẹt thở như đang trải nghiệm một bộ phim hành động hay kinh dị dật gân trong thời gian thực. 1917 không có những đại cảnh xáp lá cà hoành tráng hay những màn đấu súng giữa quân đồng minh và phát xít, thay vào đó, phim thu hẹp câu chuyện chỉ xoay quanh hai anh lính thực hiện nhiệm vụ của mình. Phim chiến tranh mà không có những đại cảnh thì còn gì hay? Đạo diễn Sam Mendes “khoe” sự hoành tráng bằng cách đưa hai nhân vật đi qua những chiến hào dài không có điểm dừng với số lượng binh lính nhiều không đếm xuể. Mọi góc máy, nhân vật điều được dàn dựng kỹ lưỡng để nhân vật chính đi đến đâu, mọi thứ diễn ra trôi chảy và chân thực đến bất ngờ. Càng về cuối, khi Will đi đến càng gần tiền tuyến, mọi thứ càng trở nên choáng ngợp với người xem. Với một cú máy rất dài, Will phải vượt qua hàng dài những binh lính đi lại dưới hào quân sự, cảm tưởng như đó chính là 1600 binh lính thật sự đang được Will đến cứu sống. Ekip của 1917 có thể xem là những bậc thầy trong việc dàn dựng bối cảnh và sắp xếp góc máy, trong năm 2019 vừa qua, khó có tác phẩm nào có thể vượt qua trên đường đua Oscar. Hai vai chính được trao cho gương mặt tương đối trẻ George MacKay và Dean-Charles Chapman, tuy không phải là “tân binh” làng phim nhưng cũng chưa nổi tiếng lừng lẫy cho hai vai quan trọng nhất. Vẻ trẻ trung, mới mẻ của họ tạo cảm giác fresh và dễ cảm hơn là lựa chọn các siêu sao quen thuộc. Nó rất khác với khi Colin Firth và Benedict Cumberbatch xuất hiện, vì ta sẽ mất một lúc để “vượt qua” cảm giác, “ồ đây là Colin Firth, đây là Benedict Cumberbatch” để tập trung vào cảnh quay, dù sự thể hiện của họ có tốt đến đâu. Đánh giá phim 1917 là một tác phẩm đáng xem trong năm 2019, một tác phẩm hội tụ cả yếu tố kể chuyện và kỹ thuật làm phim vượt trội. Lấy đề tài chiến tranh khốc liệt nhưng lại kể một lắt cắt rất nhỏ giữa chiến trường rộng lớn, Đạo diễn Sam Mendes cho thấy sự tài tình trong việc thể hiện cảm xúc và thông điệp song song cùng những hình ảnh hoành tráng choáng ngợp -
Suspiria (2018)
- 0 downloads
Bản phim 2018 làm lại (remake) tác phẩm Suspiria (1977) được nhào nặn dưới tay Luca Guadagnino vừa được ra mắt trong tháng này đã ngay lập tức gây chia rẽ trong cộng đồng nhà phê bình. Bộ phim sẽ khắc họa hay tháo gỡ nỗi ám ảnh kinh niên đến mức bệnh hoạn của dòng phim tâm lý-kinh dị với sự sâu kín, huyền bí, tâm lý không ổn định và nham hiểm của phụ nữ như thế nào? 98 phút của những xúc động mạnh mẽ Suspiria (1977) là tác phẩm đầu tiên trong bộ ba phim kinh dị/siêu nhiên của đạo diễn Dario Argento về truyền thuyết "Ba Bà Mẹ" phù thủy cổ đại với phép thuật mạnh mẽ và hắc ám. Được lấy cảm hứng và đặt tên theo tuyển tập tiểu luận theo phong cách tâm lý/ảo tưởng của nhà văn người Anh Thomas de Quincey, Suspiria (tạm dịch: tiếng thở dài) với những sáng tạo trong cách sử dụng không gian, ánh sáng và âm thanh mang lại 98 phút tràn trề, thuần túy và tận cùng của những xúc động mạnh mẽ. Giallo là một thể loại phim kinh dị phát triển, phổ biến và đạt cực thịnh ở Italia trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước. Những bộ phim này thường đầy bạo lực và đẫm máu, xoay quanh các chủ đề về tâm lý cuồng loạn, hoang tưởng, hay tình dục; mở đường cho thể loại phim chém giết gây sốc của những thập niên sau này, đặc biệt là ở Hollywood. Các tác phẩm điện ảnh ở Italia được xếp vào thể loại giallo trong giai đoạn này thường không chú trọng vào phần xây dựng cốt truyện mạch lạc, logic mà chủ yếu đề cao các yếu tố về hình ảnh, kỹ thuật. Đây có thể coi là yếu tố nghệ thuật nhất quán, chủ đạo nhất của thể loại này. Về cơ bản, nội dung của những phim này thường dễ đoán trước, các đề tài vốn không xa lạ trong thể loại phim kinh dị, nhân vật phe thiện-ác được nhấn mạnh rõ ở ranh giới hai thái cực. Cũng giống như nhân vật chính của Suspiria - vũ công ballet trẻ tuổi Suzy Bannion - các nhân vật chính trong thể loại phim giallo thường là những người phụ nữ trẻ, những "kẻ ngoại đạo" vừa mới chân ướt chân ráo đến một miền đất mới. Do chú trọng vào khai thác đến mức cực đoan và vô độ những yếu tố kinh dị gây sốc dựa trên tình dục và bạo lực với nạn nhân luôn luôn là phụ nữ, những bộ phim thể loại giallo đôi khi bị những nhà phê bình cáo buộc mang tính chất căm hận phụ nữ. Nhận định này là có cơ sở, vì thể loại phim tâm lý- kinh dị vốn luôn bị mê hoặc bởi phụ nữ và tính nữ (một điển hình là bộ ba phim thuộc Apartment Trilogy của Roman Polanski hay các bộ phim của Alfred Hitchcock). Tàn bạo và đẹp một cách thản nhiên Cùng với Deep Red (1975) - một bộ phim khác của Dario Argento - Suspiria (1977) là ví dụ tiêu biểu, mẫu mực nhất trong sách giáo khoa về dòng phim giallo: những người phụ nữ trẻ bị đeo bám và sát hại trong khung cảnh đẫm máu, những màu sắc sống động và góc quay kỳ quái, những cú đảo máy và lia máy chóng mặt, những cận cảnh ái vật phi lý, những khung hình nghiêng ngả mất phương hướng, âm thanh chói tai, gai người. Bộ phim không thèm đếm xỉa đến tính hiện thực trong diễn xuất, lời thoại và xây dựng nhân vật. Quay trên nền phim technicolor rực rỡ, với thiết kế sản xuất bóng bẩy, phức tạp như một phiên bản cường điệu, quá trớn của đạo diễn Stanley Kubrick, Suspiria là một tập hợp những mảnh ghép màu sắc neon sinh động, siêu thực, kích thích của vẻ đẹp thị giác và nỗi khiếp sợ bản năng. Trong một sự cải biên đầy ác mộng của truyện cổ tích, cô gái trẻ đẹp, trong sáng Suzy Bannon như nàng Bạch Tuyết tình cờ lạc vào một ngôi nhà mà không biết điều gì đang chờ đợi mình sau khe cửa. Nếu như Bạch Tuyết lang thang trong nhà, trong thiên nhiên xung quanh, thì Suzy băng qua khu rừng giữa đêm bão tố đen tối, lang thang điên cuồng theo những hàng lang uốn lượn, rộng lớn, những căn phòng vô tận, những mê cung ẩn giấu. Không có nhiều điều đáng nói về cốt truyện của Suspiria - tất cả những tinh túy, hấp dẫn, đặc biệt nhất của bộ phim được phơi bày trên bề mặt của nó. Đó là những hình ảnh ấn tượng, baroque, những màu sắc cơ bản nóng sáng, ghê gớm, khủng khiếp. Học viện ballet dày đặc những tấm gương hình thù kỳ quái, những tấm màn nhung đỏ. Màu đỏ như máu của Argento đã hiện lên ngay từ phân cảnh đầu tiên khi Suzy bước xuống sân bay. Màu đỏ bao trùm lên cửa ra sân bay, tung tóe như những vết máu qua trang phục của những hành khách xung quanh cô, phản chiếu lên khuôn mặt của Suzy khi cô ngồi trên xe taxi tới học viện - tất cả dự báo cho cuộc tàn sát sẽ xảy ra. Ánh sáng đỏ tượng trưng cho sự cô lập và hoang mang, sợ hãi. Màu đỏ của động mạch xen kẽ màu xanh của tĩnh mạch, đôi khi hòa lẫn xanh xao bệnh hoạn. Trong những phân cảnh nổi bật, táo bạo, khủng khiếp khác của phim, một con chó dẫn đường đột nhiên quay sang tấn công, xé nát từng tảng thịt trên cổ người đàn ông mù. Suzy đang chải tóc vào ban đêm khi cô tìm thấy một con giòi trong chiếc lược. Và rồi một con khác. Một thiếu nữ khác rơi vào bẫy đầy dây thép gai. Máy quay nhìn xuống, lạnh lùng, tàn bạo, thích thú, không động đậy, khi cô cố gắng vùng vẫy, đấu tranh và lún sâu hơn, sâu hơn vào vô tận. Dàn diễn viên đa quốc tịch của Suspiria nói nhiều ngôn ngữ khác nhau trong quá trình quay phim, sau đó bản phim gốc được lồng tiếng Ý trong quá trình hậu kỳ. Điều này tạo ra một sự đứt gãy giữa âm thanh và khẩu hình, góp phần vào sự bứt rứt, khó chịu của khán giả khi xem phim. Cũng không nằm ngoài ý đồ nghệ thuật của Argento, kết cấu âm thanh mang hơi hướng progressive rock (*) rung lên hồi hộp như nhịp tim đều đều, dai dẳng giữa bầu không khí kỳ quái, đáng sợ như tiếng vo ve của những con dơi. Trong lịch sử điện ảnh, không nhiều tác phẩm có thể dùng những thứ thật khủng khiếp để tạo ra những thứ trông thật tuyệt vời. Giống như nhà phê bình Peter Sobczynski nhận xét, "ngay cả những vệt máu cũng sống động giống như tranh của Jackson Pollock (*)". (*) progressive rock là một thể loại nhạc rock tiên phong từ Bắc Ireland, phổ biến ở thập niên 70. (*) Jackson Pollock là họa sĩ Mỹ trừu tượng nổi tiếng với phong cách vẽ vảy sơn. -
Wonder Woman: Bloodlines (2019)
- 0 downloads
Wonder Woman (Diana Prince) là một chiến binh huyền thoại đến từ đảo Themyscira, nơi cô sống cùng các nữ thần Amazon. Cô được nuôi dưỡng và đào tạo để trở thành một chiến binh mạnh mẽ và kiên cường. Một mối đe dọa mới xuất hiện khi Cheetah (Barbara Ann Minerva), một nhân vật phản diện từng là bạn của Diana, biến thành một quái vật do một lời nguyền ma thuật. Cheetah trở thành một kẻ thù đáng gờm, có sức mạnh siêu nhiên và mong muốn trả thù Diana vì cảm thấy bị phản bội. Diana phải đối mặt với Cheetah trong khi cũng phải đối phó với những xung đột nội bộ và mâu thuẫn từ chính cộng đồng của mình. Cô còn phải đối mặt với những thách thức về việc làm thế nào để duy trì mối quan hệ giữa các nữ thần Amazon và thế giới bên ngoài. Trong hành trình của mình, Wonder Woman còn gặp gỡ và phối hợp với các nhân vật quen thuộc như Steve Trevor, một quân nhân và người bạn đồng hành đáng tin cậy của cô. Cô cũng đối đầu với một loạt các nhân vật phản diện khác như Medusa và Silver Swan. Bộ phim không chỉ là một cuộc phiêu lưu hành động, mà còn khám phá sâu hơn về sự trưởng thành và trách nhiệm của Diana, cùng với những mâu thuẫn trong việc cân bằng giữa các vai trò cá nhân và trách nhiệm của một anh hùng. Thông điệp chính của bộ phim là về sự hi sinh, lòng dũng cảm, và việc tìm kiếm sự công lý trong một thế giới phức tạp. -
Monsters, Inc. (2001)
- 1 download
Có một thành phố song song mang tên Monstropolis, nơi sinh sống của hàng vạn quái vật được cung cấp năng lượng nhờ những tiếng hét của trẻ em ở thế giới loài người. Tại Công ty Quái vật, các nhân viên quái vật được gọi là các "hù dọa viên" sẽ mạo hiểm tiến vào phòng ngủ của những đứa trẻ và tìm cách hù dọa nhằm thu thập năng lượng tiếng hét của chúng. Họ sẽ sử dụng các cánh cửa tủ quần áo như những cánh cổng. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm bởi loài quái vật tin rằng trẻ em rất độc hại, nếu ai chạm vào chúng có thể tử vong ngay lập tức. Tuy nhiên, việc sản xuất năng lượng tiếng hét đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi lũ trẻ cũng bớt sợ bị dọa nạt hơn và chủ tịch công ty Henry J. Waternoose III buộc phải tìm cách giải quyết vấn đề này. Cặp hù dọa viên hàng đầu của công ty là James P. "Sulley" Sullivan cùng trợ lý - người bạn thân thiết Mike Wazowski luôn có một mối thù địch với đối thủ của họ, một con quái vật tắc kè hoa có tên Randall Boggs. Trong một ngày làm việc tưởng chừng như rất bình thường tại "tầng hù dọa", một hù dọa viên đã vô tình mang vớ của một đứa trẻ vào nhà máy, khiến các nhân viên Cơ quan Phát hiện Trẻ em (Child Detection Agent - CDA) phải đến đó và làm sạch nó. Mike luôn bị nhân viên tiếp tân Roz nhạo báng bởi sự chậm trễ của anh trong việc hoàn tất các giấy tờ làm việc. Trong thời gian sau giờ làm việc tại nhà máy, Sulley phát hiện ra Randall đã để quên một cánh cửa tại tầng hù dọa và bước vào trong cánh cửa. Một bé gái nhỏ đã lẻn ra khỏi cánh cửa và bước vào nhà máy khiến Sulley sợ chết khiếp và tìm cách lẩn tránh nó. Sau một vài lần đưa cô bé trở lại bất thành, anh bèn giấu cô bé vào trong một túi xách khi Randall đến để trả cánh cửa về kho lưu trữ. Trong khi đó Mike đang ăn tối cùng với người bạn gái Ceila, Sulley đến đó nhờ giúp đỡ. Nhưng Sulley và Mike đã vô tình để cô bé trong túi xổng ra ngoài gây nào loạn ở nhà hàng và khắp thành phố. Các nhân viên CDA đã được lệnh đến phong tỏa thành phố và tìm kiếm cô bé. Mike và Sulley may mắn thoát khỏi sự truy lùng của CDA, và sau một loạt những tình huống dở khóc dở cười, họ mới nhận ra cô bé hoàn toàn không hề độc hại như mọi quái vật khác nghĩ. Sulley nhanh chóng chiếm được cảm tình của đứa bé gái và đặt tên cho nó là "Boo". Ngày hôm sau, hai quái vật mang cô bé đến công ty dưới một lớp cải trang, và Mike cố gắng tìm cánh cửa để đưa đứa bé trở về. Nhưng Randall đã vô tình phát hiện ra cô bé ở trong nhà máy sau khi nhìn thấy nó ở trên một tờ báo với Mike. Hắn ta tìm cách bắt cóc Boo, thế nhưng cuối cùng lại bắt nhầm Mike. Tại tầng hầm bí mật, Randall tiết lộ với Mike rằng hắn đang chế tạo một loại máy tra tấn mang tên Sceam Extractor. Nó sẽ vẫn thu được tiếng hét mà không cần tới các hù dọa viên làm việc nữa. Sau đó Randall trói chặt Mike vào ghế để thử nghiệm, nhưng Sulley đã nhanh trí tháo phích cắm và giải thoái kịp thời cho Mike, rồi báo cáo hết âm mưu của Randall cho Waternoose. Tuy nhiên Mike và Sulley sau đó phát hiện ra Randall và Waternoose đã hợp tác với nhau từ lâu và bị mắc mưu đày ải đến Himalaya. Hai quái vật tìm đến chỗ ở của Yeti và được anh gợi ý về việc quay trở lại nhà máy thông qua một ngôi làng dưới chân núi. Sulley định thực hiện ý định đó cùng Mike thì bị anh từ chối bởi sự thất vọng và mâu thuẫn giữa hai người trước đó. Sulley một mình quay trở lại nhà máy và giải cứu Boo thành công khỏi chiếc máy Scream Extractor. Trong lúc bỏ chạy khỏi sự truy đuổi của Randall thì Sulley gặp lại Mike. Mike luôn tìm cách xin lỗi về hành vi không đúng của mình trước đây nhưng anh lại vô tình giúp Sulley đánh bại Randall trong một cuộc chiến hết sức giằng co. Randall tiếp tục truy đuổi Mike và Sulley khi hai người chạy khắp nhà máy và cuối cùng nhảy lên các cánh cửa trốn vào kho lưu trữ. Tới đây tất cả mới phát hiện ra một đường dây lưu trữ khổng lồ với hàng triệu cửa tủ quần áo cất giữ tại đây. Tiếng cười của Boo kích hoạt các cánh cửa hoạt động và tạo nên một cuộc truy đuổi hấp dẫn và kịch tính của các quái vật qua những cánh cửa. Trong cuộc chiến sống còn với Randall, Sulley trở nên thất thế nhưng bé Boo đã vượt qua được nỗi sợ của mình và đánh bại hắn trước khi Mike và Sulley trừng trị hắn thích đáng. Kết cục của Randall là bị ném vào một cánh cửa trong một ngôi nhà di động và liên tiếp bị mẹ con trong nhà đó dùng xẻng đánh tơi bời. Dù cuối cùng đã tiếp cận cánh cửa của Boo, thế nhưng Waternoose và CDA lại gửi trả nó trở lại Tầng hù dọa. Trong khi Mike đánh lạc hướng CDA, thì Sulley và Boo trốn thoát cùng cánh cửa trước sự truy đuổi của Waternoose ở phía sau. Trong lúc tranh cãi với Sulley, Waternoose vô tình tiết lộ kế hoạch của mình và Randall là bắt cóc trẻ em và sử dụng máy Scream Extractor để khôi phục lại kinh doanh cho công ty và đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng năng lượng. CDA đã xuất hiện và bắt giữ Waternoose sau khi nghe lời thú nhận của hắn. Lúc đó lãnh đạo của CDA mới lộ diện là Roz, người đã hoạt động ngầm suốt hai năm rưỡi để vạch trần âm mưu của Waternoose và cảm ơn hai quái vật vì sự giúp đỡ. Sulley và Mike buộc phải nói lời chia tay với Boo và trở về nhà sau khi chiếc cửa của Boo bị nghiền nát. Sau này Sulley trở thành giám đốc mới của Công ty Quái vật, và nhờ vào kinh nghiệm của mình trước đây với Boo, anh đã vạch ra kế hoạch mới và chấm dứt thành công cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhiều tháng sau, tân giám đốc Sulley đã thay đổi toàn bộ cách vận hành của Công ty. Giờ đây các quái vật phải vào phòng ngủ của trẻ em để làm cho chúng cười bởi năng lượng của nụ cười còn gấp 10 lần tiếng hét (từ sau vụ Boo cười sau khi Mike bị ngã vào trong cái sọt rác). Mike đã kéo Sulley sang một bên và hé lộ bất ngờ với anh rằng Mike đã sửa xong những mảnh ghép trong chiếc cửa của Boo, chỉ còn thiếu một miếng sót lại mà Sulley mang về làm vật kỉ niệm. Sulley bước vào trong cánh cửa và đoàn tụ với Boo. -
Knives Out (2019)
- 1 download
Phim Knives Out được cầm trịch bởi đạo diễn Rian Johnson – một nhà làm phim thú vị luôn tìm những cách mới mẻ để biến những mô típ cũ kĩ trở nên khác biệt và lạ lẫm. Nếu đã xem phim “Looper” hay “Star war: The Last Jedi”, bạn chắc chắn sẽ nhận ra nét đặc trưng của vị đạo diễn tài năng này. Một phong cách thích tạo ra sự bất ngờ trái với kỳ vọng của khán giả có thể làm nhiều người xem phim khó chịu nhưng ẩn trong đó là những câu chuyện độc đáo. Đây là phong cách làm phim đáng nhận được sự tuyên dương bởi họ là những nhà làm phim có gan dám chấp nhận rủi ro để theo đuổi giá trị thực sự. Nội dung phim Knives Out kể về vụ án tưởng chừng đơn giản nhưng lại đầy phức tạp sau cái chết của nhà văn trinh thám Harlan Thrombey trong ngày sinh nhật thứ 85 của mình. Thám tử lừng danh Benoit Blanc (Daniel Craig) được một người ẩn danh thuê đến để tiến hành điều tra nhằm tìm thủ phạm thực sự. Con cháu trong họ bắt đầu tề tựu về căn nhà của ông, vừa để bàn chuyện phân chia tài sản vừa hỗ trợ việc đều tra. Thế nhưng, Các thành viên này phần lớn đều là những người có tính cách và lối hành xử kì lạ khiến việc tìm ra nguyên nhân thực sự của cái chết càng gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình đều tra, thám tử Benoit phát hiện mỗi người trong nhà đều có ít nhất một động cơ để sát hại ông Harlan. Tuy nhiên, ai cũng có một chứng cớ ngoại phạm và lời khai đầy thuyết phục. Những đầu mối càng lúc càng bị khép lại, vụ án rơi vào bế tắc. Điểm ấn tượng đầu tiên về phim chính là việc xây dựng kịch bản thông minh, lôi cuốn và khó đoán. Mở đầu, người xem đinh đinh phim đang theo hướng tìm động cơ và hung thủ giết chết Harlan. Nhưng thật bất ngờ, cách thức và nguyên nhân cái chết lại được tiết lộ một cách chóng vánh. Tưởng chừng câu chuyện chỉ dừng lại ở đó thì lại là lúc những diễn biến mới xảy ra, câu chuyện rẽ sang một hướng khác. Càng về cuối những bí ẩn mới dần được tiết lộ, người xem ráp nối các tình tiết lại với nhau, để đến cuối phim trở thành một bức tranh hoàn chỉnh. Những plot twist bất ngờ là điểm nổi bật nhất của phim. Cứ mỗi khi khán giả tưởng đã biết hết món nghề của phim thì ngay lập tức, phim lại mang đến những bất ngờ mới. “Kẻ đâm lén” không chỉ là câu chuyện đi tìm sự thật quanh một vụ án, mà còn là lát cắt thật sâu vào đi tìm bản chất của những kẻ mang vẻ ngoài hào nhoáng và đã quen sống trong nhung lụa. Một tác phẩm quy tụ đầy đủ các yếu tố kịch tính: bi kịch gia đình, một chút chính trị, bài học về giá trị của lòng tốt,… “Kẻ đâm lén” mang đậm phong cách Rian Johnson, phim thể hiện những điểm mạnh của ông đến mức tối đa. Rian vẫn tạo ra những gì cơ bản nhất: một thành viên trong gia đình chết, một tá người khác đầy nghi ngờ, một tay thám tử dẻo mồm và luôn miệng nói cách phá án của mình khác thông thường như thế nào. Đáng lẽ ta chỉ việc dựa ghế khoanh tay mà chép miệng “hừm kẻ nào là thủ phạm nhỉ?”, thế nhưng ông lại cho ta thấy những thông tin, những manh mối quan trọng ngay từ đầu, khiến khán giả phải bất ngờ trước cách xử lý có một không hai này. Những căng thẳng dồn dập vẫn ở đó, cho dù phim có hài hước, đôi lúc tào lao và điên rồ, và cuối phim vẫn phải có một đoạn dài, một màn trình diễn ngôn từ của gã thám tử đã tìm ra sự thật. Dàn diễn viên đình đám có thể làm người xem nhầm tưởng về một vai trò lớn hơn so với phim thể hiện, và ta có thể bực bội vì những ngôi sao ta yêu thích phải nhường chỗ, tạo tiếng cười và màu sắc cho khung cảnh lớn hơn, đó là cách Rian “hy sinh” để ông tạo kịch tích và cái hay của câu chuyện. Vài thành viên trong gia đình chỉ phục vụ cho một câu đùa là điểm trừ lớn nhất của phim. Còn những sự “hy sinh” kia lại rất cần thiết để “Knives out “có thể trở thành “Knives out”. Ở Hollywood, có những nhà làm phim tài năng mê những thứ mang tính biểu trưng, họ sử dụng những mô típ hay ý tưởng có sẵn, vừa xây dựng những câu chuyện mới có dấu ấn khác biệt rõ ràng vừa để tri ân thế hệ cũ. Những tác phẩm ấy vẫn đầy chất giải trí, kịch tính và lôi cuốn, nhưng vẫn đủ yếu tố nghệ thuật từ trong kịch bản, góc quay, âm nhạc và diễn xuất. Quentin Tarantino là một ví dụ tiêu biểu của thế hệ này, nhưng sau khi ông giải nghệ, hy vọng Rian Johnson sẽ có được vị trí đó. Về mặt hình ảnh, “Kẻ đâm lén” có cách xây dựng bối cảnh và tạo hình nhân vật vô cùng xuất sắc, kỹ thuật làm phim bài bản, mượt mà… Phim có tông màu u ám như chính cái không khí ngột ngạt trong căn nhà đầy những “vấn đề” của Harlan. Trái lại, những trang phục với màu sắc tương phản mạnh nhằm thể hiện sự đa dạng nét tính cách của các nhân vật. Một phong cách sử dụng màu sắc đầy ẩn ý khá thú vị. Nhạc phim không quá ấn tượng nhưng âm thanh lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự lôi cuốn và hồi hộp của phim. Tóm lại, trải nghiệm xem “Kẻ đâm lén” cực kỳ sướng tai, sướng mắt một phong cách rất riêng của đạo diễn Rian Johnson. Đánh giá Phim Knives Out là một bộ phim trinh thám hấp dẫn và lôi cuốn. Phim hội tụ đầy đủ các yếu tố tạo nên một tác phẩm đáng để xem lại nhiều lần. Một tác phẩm không thể bỏ lỡ của những khán giả yêu thích thể loại trinh thám. -
Boyz n the Hood (1991)
- 1 download
Trong tác phẩm nổi tiếng “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, nhân vật Chí Phèo có một câu thoại rất nổi tiếng, rằng:“Tao muốn làm người lương thiện, ai cho tao lương thiện?”. Rồi gã giết chết Bá Kiến và tự sát. Cái chết là cách giải thoát cuối cùng gã có thể nghĩ ra. Vì gã không còn “lương thiện”. Có phải vì phân chia giai cấp hay chính thời đại đó, xã hội đã trở nên mục rữa đến nỗi rồi đến cả người hiền lành nhất cũng bị tha hóa, thay đổi? Los Angeles, thành phố của những thiên thần tại Mỹ. Nhưng trái ngược với cái tên của mình, nơi này là một trong những thành phố tồn tại nhiều tội ác nhất cả nước. Tại đây, số lượng những băng đảng giang hồ lên tới hàng chục, hàng trăm nhóm lớn nhỏ khác nhau. Thành phố đã trở thành cái nôi của tội ác những năm 70s- 80s khi những băng nhóm liên tục được ra đời và mở rộng phạm vi hoạt động, lãnh thổ của mình sang Bờ Đông như băng đảng Crips (a.k.a Cripz), băng đảng Bloods, những băng đảng từ đất nước Mexico…Tất cả đã biến khu vực Bờ Tây trở thành nỗi ám ảnh cho những người dân nước Mỹ. Chúng biến nơi đây thành nơi tiêu thụ ma túy lớn nhất cả nước, rồi từ đó vượn rộng ra những thành phố phía Bờ Đông như New York City. Một bộ phim tài liệu về hồ sơ tội phạm nói riêng về băng đảng Crips cho rằng, số lượng thành viên của Crips có thể lên tới 30.000- 35.000 thành viên. Những thành viên của băng đảng này đều là những thanh niên người Mỹ gốc Phi và thường gia nhập Crips khi chỉ 14-15 tuổi. Họ đều có tiền án, tiền sự về tội cướp có vũ khí, tàng trữ vũ khí trái phép, buôn bán ma túy, mại dâm, thậm chí cả giết người. Năm 1997, ước tính số tiền Crips thu về hàng ngày nhờ việc buôn bán ma túy lên tới vài nghìn dollar một ngày. Và cũng chính từ món lợi ma túy khổng lồ này đã biến thành phố Los Angeles trở thành nơi tiếng súng nổ không ngừng của những cuộc chiến tranh băng đảng, mà nổi tiếng nhất là mối thâm thù giữa 2 băng đảng tàn ác không kém gì nhau là Crips và Bloods. Và cũng từ nơi này, cái nôi của Gangsta Rap đã được ra đời với tư tưởng đề cao giá trị băng đảng, ủng hộ ma túy và vũ khí, đả đảo luật pháp bất công với những người da đen của Chính Quyền. Boyz n The Hood (1991) của đạo diễn John Singleton đã lấy bối cảnh tại Crenshaw và Compton, hai thành phố nhỏ tại Los Angeles với tỷ lệ người da màu cao và không khí luôn tràn ngập mùi khói súng. Rapper Ice Cube từng nói đùa rằng:“Khi mày ở Compton, mày sẽ thấy trước của mỗi nhà là túi đựng xác” cũng đủ để ta thấy nơi đây là một nơi bạn có thể chết chẳng vì lý do gì. Bối cảnh phim bắt đầu từ năm 1984 tới năm 1991, khi nước Mỹ đang thiệt hại kinh tế nặng nề sau những năm tháng chiến tranh lạnh và cũng là thời điểm việc buôn bán ma túy bùng nổ mạnh mẽ. Tre Styles, một cậu bé 10 tuổi đã được mẹ mình gửi tới nhà bố anh là Furius Styles để sống và trưởng thành đúng nghĩa một người đàn ông. Tại đây, Tre gặp hai anh em Ricky và Darrin a.k.a Doughboy. Khác với những đứa trẻ coi đường phố là nhà như Doughboy, Tre được bố mẹ dạy dỗ cẩn thận và học hành tới nơi tới chốn. Nhưng dù học thức có hơn những đứa bạn cùng trang lứa trong khu phố, Tre vẫn không thể kiềm chế được những cảm xúc của mình. Cậu dễ cáu giận, sẵn sàng muốn lao vào cuộc chiến bảo vệ danh dự của bản thân và bạn bè nhưng lý trí lại giữ chân cậu lại. Cậu có thể nhận biết thực tế xung quanh rằng sự nguy hiểm của nơi mình đang sống, nhưng lại muốn thể hiện trước đám bạn của mình. Tri thức và môi trường sống chênh lệch ấy của Tre đã khiến cậu trở thành một người phức tạp với những trăn trở không câu trả lời. Ricky luôn muốn trở thành một cầu thủ bóng bầu dục, để thoát ly cuộc sống nhuốm đầy bạo lực này, để thay đổi của đời. Còn Doughboy lại tỏ ra hứng thú với cách sống của một gangsta “buôn đồ với khẩu súng giắt bên hông” hơn chuyện học hành. Năm 10 tuổi, cậu cùng thằng bạn thân của mình đã bị tóm vào trại giáo dưỡng vì ăn cắp đồ. Những năm tháng tiếp theo, Doughboy tạo nên những hồ sơ tiền án của mình chất cao như núi khi cậu thường xuyên “vào khám” tại các nhà tù khác nhau. Lối sống nơi này ảnh hưởng với Doughboy tới mức, cậu sẵn sàng nhìn vào một xác thanh niên bị bắn chết, đánh nhau giành lại đồ của mình với những kẻ thuộc những băng đảng máu mặt khi chỉ mới là một cậu bé 10 tuổi. Dù là kẻ thô lỗ, một tay anh chị máu mặt nhưng Doughboy lại rất gần gũi với gia đình. Với Doughboy, người mẹ thường xuyên quát nạt mình là người anh yêu quý nhất còn người anh Ricky là người cậu tự hào nhất. Dù không thể hiện tình cảm với mẹ và Ricky bằng lời nói nhưng Doughboy luôn thể hiện bằng hành động. Như khi cậu đánh nhau với một gã to lớn hơn mình để giành lại quả bóng cho Ricky, dù mồm vẫn đang chửi anh trai không ngớt. Cậu chấp nhận những hành động thô bạo của mẹ với mình, cắn răng nghe những lời mắng chửi vì Doughboy hiểu rằng cậu vẫn còn một nơi gọi là nhà để quay về. Furious, cha của Tre, một người đàn ông cao lớn và có học thức luôn nhìn nhận mọi thứ dưới con mắt khắt khe. Trong một lần khi ông đưa Tre và Ricky tới khu Compton ông đã nói và phân tích cách sống nơi đây hủy hoại cơn người ra sao. Đúng, người da trắng (nạn phân biệt chủng tộc thời điểm này chưa hoàn toàn chấm dứt), có thể là những người ra luật lệ và ép những người da màu quá đáng. Nhưng họ không bắt những thanh niên da màu bán ma túy và trở thành gangsta hay bắn giết nhau vì địa bàn. Tất cả đều xuất phát từ cách nhìn nhận bản thân và vấn đề để rẽ cuộc đời của mình sang một hướng khác, tốt hơn và không còn mùi thuốc súng trên phố. Điều tôi ấn tượng nhất trong bộ phim đó là diễn viên/ rapper Ice Cube. Thực tế, Ice Cube là một trong những rapper sinh ra và lớn lên tại Compton; là người cùng Eazy- E, Dr. Dre, MC Ren, DJ Yella khai sinh ra gangsta rap và nhóm N.W.A- nhóm nhạc được mệnh danh nguy hiểm nhất hành tinh, khi cả Ice Cube, Eazy- E và MC Ren là thành viên của băng đảng Crips. Dù tuổi niên thiếu của mình, Ice Cube sống trong một gia đình gia giáo và học hành đến nơi đến chốn, nhưng lối sống băng đảng của vùng Compton đã tạo nên một Ice Cube như vậy. Tôi thực không thể hình dung ra ai khác ngoài Ice Cube có thể vào vai Doughboy nữa, khi anh đính thực là một gangsta vùng Compton. Không chỉ nói về cuộc sống khó khăn của những người dân nơi đây, đạo diễn John Singletion còn đề cập với sự phân biệt chủng tộc. Nếu để ý kỹ sẽ rất khó thấy một người da trắng nào xuất hiện trong phim ngoài trừ 3 phân cảnh với những tuyến nhân vật “đặc trưng” của những công dân lương thiện. Đó là một cô giáo người da trắng nhưng cả lớp học lại là những đứa trẻ da màu. Là những doanh nhân, mặc những bộ quần áo sang trọng đang ngồi trong một nhà hàng đắt tiền. Và là những cảnh sát, người trực tiếp bắt bớ những thanh niên da đen vì lý do “trông giống gangsta”. Nhưng điều khiến sự phân biệt chủng tộc được đẩy lên cao trào nhất là khi một cảnh sát da đen tra hỏi Tre. Gã dí súng vào đầu cậu, lăng mạ và tra hỏi xem Tre thuộc băng đảng nào. Họ trở nên điên cuồng với những thanh niên cùng màu da với mình, đánh đập người khác không tiếc tay như một cách để khẳng định bản thân, tỏ ra khinh miệt màu da và vươn lên cùng người da trắng. Khi làm bộ phim này, đạo diễn John Singleton mới chỉ 23 tuổi. Nhưng có thể, giống như Ice Cube, John Singleton- một người sinh ra và lớn lên tại L.A mới hiểu nơi này tường tận như vậy. Bộ phim là cuộc sống của những con người da màu, của sự trưởng thành, mất mát và sám hối. Bạo lực tràn ngập trên khu phố. Chỉ cần va chạm nhau trên phố, những người như Doughboy sẵn sàng kéo áo lên để kẻ khác thấy khẩu súng giắt trong thắt lưng của mình. Những gã khác lại xả cả băng đạn lên trời để hăm dọa kẻ thù. Và cũng có những gã giết người. Thù hận nối tiếp thù hận, những cái chết cứ thế được nhân rộng ra tại thành phố “Thiên Thần” này. Để rồi cuối phim, cuộc đời của những người như Doughboy chỉ được tóm gọn lại trong một dòng chữ rằng, hai tuần sau anh bị giết chết trên phố. Hai tuần sau khi Doughboy quyết định làm lại cuộc đời. (fun fact: vì Ice Cube ngoài đời thuộc băng Crips, một băng nhóm chuyên dùng màu xanh dương để đánh dấu lãnh thổ và coi đó là biểu tượng của mình. Vì vậy những kẻ thù của nhân vật Doughboy đều mặc đồ màu đỏ, ý chỉ băng đảng có mối thâm thù sau nặng ngoài đời thực với băng Crips và băng Bloods, một băng nhóm dùng màu đỏ làm biểu tượng.) -
Ford v Ferrari (2019)
- 0 downloads
Bẽ mặt trước Ferrari, Henry Ford II giao nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi cho cấp dưới - đánh bại hãng xe vô địch này trong 90 ngày. Ford v Ferrari dựa trên những sự kiện có thật vào thập niên 1960, khi hãng xe Ford của Mỹ gặp khó trong tăng trưởng kinh doanh. Henry Ford II (Tracy Letts đóng) - chủ tịch hãng - quyết định đầu tư vào mảng đua xe nhằm thu hút khách hàng trẻ. Ông dự định mua lại Ferrari - hãng xe của Italy đang giữ thế độc tôn ở những giải đấu - nhưng bất thành. Bị chế giễu trong cuộc thương lượng, Henry Ford II dồn tiềm lực cho kế hoạch đánh bại Ferrari tại giải đua Le Mans 24 Giờ (Pháp). Họ chiêu mộ Carroll Shelby (Matt Damon đóng) - tay đua người Mỹ duy nhất từng thắng giải Le Mans, đã giải nghệ. Để vượt những người Italy đang thống trị đường đua, Shelby cố thuyết phục Ken Miles (Christian Bale đóng) - một tay đua tài ba nhưng lập dị, xem tốc độ là lẽ sống. Ford v Ferrari có thời lượng khá dài (152 phút), bao quát nhiều vấn đề như sự ganh đua của hai hãng xe, cách những người giỏi như Shelby và Miles vượt thử thách. Đầu phim, Ford và Ferrari được mô tả là hai hãng xe có phương châm hoạt động khác biệt. Ford chú trọng doanh số bán những mẫu xe dân dụng. Còn Ferrari - dưới sự điều hành của Enzo Ferrari - lại ưu tiên thành tích ở những giải đua xe để xây dựng hình ảnh. Cuộc đấu của hai hãng là xung đột giữa những "gã khổng lồ" trong làng xe, mỗi bên đều có thành tích lẫy lừng. Triết lý của cả hai được minh họa rõ nhất qua hai người chủ. Henry Ford II là cháu nội của Henry Ford - nhà sáng lập hãng Ford, đồng thời từng đua xe. Khác người ông, Henry Ford II chỉ thể hiện sự lọc lõi trong kinh doanh và ít thân quen những mẫu xe tốc độ. Phương pháp của ông là dùng thật nhiều tiền để tạo đột phá trước kình địch. Trong khi đó, Enzo Ferrari ở thế yếu hơn về tài chính nhưng đầy nhiệt huyết, thật sự đam mê tốc độ và đủ lọc lõi để đương đầu đối thủ. Dù không nhiều đất diễn, nhân vật gây ấn tượng qua nhiều câu nói thể hiện khí khái "ông trùm". Phần còn lại của phim là hoạt động của Carroll Shelby và Ken Miles. Với kiến thức về máy móc, kinh nghiệm đua xe, tài thuyết phục người khác và điều hành dự án, Shelby đóng vai trò như "cầu nối" giữa ban điều hành hãng Ford và tay đua "ngựa chứng" Ken Miles. Shelby là nhân vật có nhiều mẩu đối thoại ấn tượng nhất phim, tiêu biểu là hai lần anh thuyết phục Henry Ford II, dẫn dụ ông chủ làm theo ý mình. Trong các nhân vật, Ken Miles được xây dựng theo kiểu thiên tài kỳ dị và giàu chuyển biến (dynamic character). Anh có thể gây gổ với bất kỳ ai - từ ban tổ chức cuộc đua, cộng sự, đến những người trả thù lao cho mình. Nhưng sự quyết liệt cùng cách cư xử của Miles lại tạo nên sức hút cho bộ phim. Trong thế giới có quá nhiều người nói lời hoa mỹ, một kẻ chuyên nói thẳng, nói thật như anh trở nên đặc biệt. Điểm nhấn trong Ford v Ferrari là tình bạn giữa Shelby và Miles - được xây dựng theo hướng lúc thăng lúc trầm, nhưng về cơ bản kết nối sâu sắc nhờ đam mê tốc độ. Một số câu thoại về cảm giác phấn khích lẫn sự nguy hiểm khi di chuyển với vận tốc cao được đan cài suốt phim. Kịch bản được xây dựng chi tiết với nhiều câu thoại về kỹ thuật khi chế tạo mẫu xe Ford GT40 Mk, từ chuyện làm nhẹ trọng lượng, thay thế chất liệu và cải tiến mẫu xe. Khâu thiết kế sản xuất của phim được trau chuốt khi tái hiện hàng chục chiếc xe thập niên 1960. Nhằm đảm bảo tính chân thật, các nhà làm phim sử dụng những chiếc replica - bản sao chép hình thức và chất lượng y như thật thường được các nhà sưu tầm xe yêu thích. Việc tái hiện những cảnh tốc độ, va chạm mạnh bằng kỹ xảo thực khiến kinh phí lên đến 97 triệu USD. Những cảnh đua xe trong phim hầu hết được tái hiện bằng dàn dựng thật ở hiện trường (practical effect). Ê-kíp dựng bối cảnh trường đua, gắn những chiếc xe đua vào xe chuyên dụng di chuyển với tốc độ cao để ghi hình. Phim có nhiều cảnh quay góc nhìn bám sát mặt đường với tốc độ cao gây phấn khích. Một phần ba hầu hết là cảnh đua xe ở Le Mans, chứa đựng nhiều diễn biến kịch tính cả trong khu kỹ thuật, trên đường chạy lẫn khán đài. Về diễn xuất, hai tài tử kỳ cựu Matt Damon và Christian Bale tiếp tục chứng tỏ thực lực. Damon lột tả hình ảnh một người đa tài, nặng tình và nhiều chiêu trò thuyết phục người khác. Còn Bale đã quá quen thuộc với kiểu vai dị biệt. Dáng đi, điệu bộ của anh toát lên sự bất cần của nhân vật. Tài tử Anh nổi tiếng là "tắc kè hoa" của màn ảnh nhiều năm qua, biến hóa đa dạng phong cách, từ chính diện, phản diện đến kiểu nhân vật khác thường. Ra mắt tại LHP Telluride (Mỹ), Ford v Ferrari nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn lẫn khán giả. Tác phẩm được 91% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và điểm 81/100 ở Metacritic. Tờ Indiewire và Variety đánh giá cao Matt Damon và Christian Bale. Trong khi đó, The Playlist và Entertainment Weekly bị thuyết phục bởi câu chuyện và phần hình ảnh ấn tượng. Ford v Ferrari cũng được xem là một trong những tác phẩm tiềm năng ở Oscar 2020. -
A Beautiful Day in the Neighborhood (2019)
- 0 downloads
Quá khứ đẹp sẽ trở thành kỷ niệm nhưng ngược lại, nó sẽ chuyển biến thành những vết thương trong tâm hồn nếu nó là những hồi ức đau thương. Chúng đè chặt và ám ảnh vào tâm trí, dần dà ta trở thành một người mang nhiều nỗi đau. Sẽ ra sao khi ta không những chối bỏ mà còn phủ nhận quá khứ? Và sẽ thế nào khi nguyên do của những vết thương đó lại đến từ chính người thân của mình?img_0 Lloyde Vogel của A BEAUTIFUL DAY IN THE NEIGHBORHOOD là như vậy, một người đàn ông với tổn thương đến từ mối quan hệ trong gia đình, nhưng anh chọn giải quyết chúng bằng sự hận thù. “Một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng” như để nói về Lloyde, che lấp vết thương tâm hồn bằng sự giận dữ khi quá khứ đau thương tìm lại về với anh. Mối quan hệ của Lloyde với cha đi vào ngõ cụt chỉ vì cả hai chẳng ai nhường ai, nói ra một lời xin lỗi hay giãi bày những bức xúc trong lòng là điều khó hơn tất thảy. Hai cha con cứ như vậy cho tới khi Lloyde gặp gỡ Fred Rogers, một người dẫn chương trình truyền hình cho trẻ em nổi tiếng khắp nước Mỹ. Hai người đàn ông, hai chân dung với quan điểm về cuộc sống khác nhau, Fred Rogers và Lloyde Vogel đã cùng nhau xây dựng nên một tình bạn tri kỷ. Tình bạn đó khởi đầu từ khi Lloyde đứng sau cánh gà quan sát Fred dẫn chương trình cho tới những cuộc đối thoại chân thành về giá trị của cuộc sống, đặc biệt là lòng vị tha, sự tử tế giữa con người với nhau. Nhờ có Fred, Lloyde đã dũng cảm đối mặt với quá khứ, tha thứ cho người làm tổn thương mình và vượt qua những cảm xúc tiêu cực. A BEAUTIFUL DAY IN THE NEIGHBORHOOD dựa trên câu chuyện có thật giữa tình bạn của Fred Rogers và nhà văn Tom Junod. Nếu dành lời khen cho diễn xuất của Tom Hanks cho vai Fred Rogers trong phim thì có lẽ nó hơi thừa thãi vì đó là điều hiển nhiên. Cũng chính từ sự cảm mến Tom Hanks mà mình mới xem bộ phim này và hơn cả mong đợi. Bộ phim đó làm mình khóc và qua phim, mình được biết đến Mr. Rogers, một nhân vật có tầm ảnh hưởng tới xã hội bằng lòng vị tha và trái tim nhân hậu. Đây là một bộ phim nhẹ nhàng về tình tiết nhưng sự dữ dội trong tâm lý nhân vật trong phim mới thực sự là điều đáng nói. Cả Lloyde và Fred, hai con người với nhiều tâm tư, diễn biến nội tâm phức tạp được thể hiện qua những góc máy tập trung vào ánh mắt nhân vật. Đối với cá nhân mình, phân đoạn tâm đắc nhất đó là lúc cả Fred và Lloyde ngồi cùng nhau trong quán ăn, im lặng và suy tư. Khi đó, giống như nhân vật trong phim, yes, mình đã thở một hơi thật dài và khóc. QUÁ KHỨ là một thứ gì đó chẳng tồn tại dưới dạng vật lý nhưng nó lại mang theo sức nặng. Là sức nặng vô hình, có thể dìm tâm trạng con người ta trùng xuống mỗi khi nghĩ về nó. Đúng! Ta hãy cứ buồn, thành thật với cảm xúc của bản thân và đừng cố gắng vùi lấp nó đi. Như một căn phòng với chiếc cửa sổ, người khác có thể nhìn thấy nhưng họ sẽ không thể nghe được ta đang nói gì nếu nó cứ bị đóng chặt. Khi sẵn sàng, hãy mở lòng cũng như chiếc cửa sổ của căn phòng ký ức ấy ra, nói lên những điều bấy lâu nay bị giấu kín cho người có thể lắng nghe ta một cách thật tâm nhất. Phải chăng giữa cuộc sống bộn bề đầy hối hả như bây giờ, cái ta cần là một phút mỗi ngày để suy niệm về những người ta gặp, thầm cảm ơn họ vì đã hiện diện trong cuộc đời và cứu ta khỏi những ám ảnh về quá khứ đau thương? -
WALL·E (2008)
- 0 downloads
Chợt muốn hát vang Trái đất này là của chúng mình (tác giả Trương Quang Lục) khi bộ phim vừa kết thúc. Sẽ ra sao nếu Trái đất không còn là "quả bóng xanh bay giữa trời xanh" như các nhà làm phim Wall-E, robot biết yêu (*) đã lo xa? Trái đất dần lụi tàn bởi rác tràn ngập. Để tồn tại, con người buộc phải lánh nạn, sống tập trung ở siêu phi thuyền Axiom lơ lửng trong không gian. Và hàng triệu Wall-E (Waste allocation load lifter Earth-class, tạm dịch: người máy dọn dẹp chất thải chỉ định trên Trái đất) đã được tung ra để dọn dẹp Trái đất. 700 năm trôi qua từ khi Trái đất không còn sự sống, và trong hàng triệu robot Wall-E "sống" và làm việc nhờ năng lượng mặt trời chỉ còn một Wall-E "vẫn chạy tốt". Hằng ngày, Wall-E này tận tụy làm việc nhưng không khỏi chạnh lòng trước công việc buồn tẻ và nỗi cô đơn. Cậu luôn mơ có ngày được kết giao với ai đó, cùng khiêu vũ như đoạn phim trong cuộn băng cậu đã tìm thấy và giữ lại trong khi làm sạch Trái đất. Rồi "ai đó” xuất hiện, trắng tinh và lạnh lùng hệt Tiểu Long Nữ ngày mới gặp Dương Quá. Eve (extra-terrestrial vegetation evaluator - người máy đánh giá thực vật ngoài Trái đất) là tên của nàng. Nhiệm vụ của Eve là tìm và mang về bất kể một mầm sống nào từ Trái đất. Chỉ cần một bằng chứng cho thấy Trái đất có sự sống, loài người sẽ trở về. Mầm sống là một chồi non mà Wall-E lần đầu nhìn thấy trong cuộc đời dọn dẹp đầy bụi bặm. Chẳng biết đó là gì nhưng cậu vẫn quyết định mang cây con bé xíu đó về nhà bởi màu xanh non nổi bật giữa không gian xám xịt của Trái đất. Tặng Eve chồi xanh với hi vọng được khiêu vũ cùng nàng, Wall-E đâu ngờ Eve lập tức "giam giữ" món quà và quay về phi thuyền Axiom mà không một lời giải thích. Theo tiếng gọi con tim, Wall-E dại khờ bám theo Eve... Tại Axiom tối tân và tinh tươm, con người tồn tại trong tẻ nhạt. Ăn, uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, thậm chí yêu cũng theo lập trình. Mọi việc trong xã hội đều do người máy thực hiện và con người chỉ việc nằm phè hưởng thụ. Con người mất khả năng tư duy. Con người không còn biết giao tiếp trực tiếp. Con người không thể đứng dậy mỗi khi té. Và con người không còn nhiều cảm xúc cho đến khi Wall-E xuất hiện cùng tình yêu với Eve. Người ta bỗng có cơ hội đứng dậy ngắm dải thiên hà lung linh, huyền ảo. Người ta tập chào hỏi nhau bằng những câu đơn giản. Người ta chợt nhớ đến việc phải quay về Trái đất thân thương. Và người ta đồng lòng đứng lên chống lại các robot phản loạn đang cố công ngăn cản loài người quay về hành tinh xanh. Những định nghĩa bị lãng quên như: cây xanh, đất, đại dương... được tìm lại trên các từ điển điện tử. Và con người đã trở lại Trái đất để được sống một cuộc đời đích thực. Thật đáng ngại khi cơ hội sống thứ hai của con người lại phải cậy vào sự tận tụy dọn dẹp Trái đất và tình yêu vô tư, mãnh liệt của Wall-E bé nhỏ. Càng ngại hơn khi những cảnh báo về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nặng nề ở kênh Nhiêu Lộc, Ba Bò... ngày một dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Con người cứ vô tư tàn phá môi trường sống, đồng thời cũng rất thiện chí trong việc tìm kiếm sự sống mới nơi sao Hỏa hay Mặt trăng. Những chuyến du lịch Mặt trăng tiêu tốn hàng trăm triệu USD đang trở thành thú vui của không ít người giàu. Nhưng có nơi đâu ấm áp, mát lành bằng hành tinh xanh của chúng ta (như thông điệp của toàn bộ phim)? Trái đất sẽ mãi là môi trường sống lý tưởng của "chúng mình" khi mỗi người là một Wall-E... -
Up (2009)
- 0 downloads
“Vút bay” là 1 trong những tuyệt phẩm đỉnh nhất của Pixar, sau lần đầu tiên xem vào năm 2009, nó vẫn mang cho tôi những cảm xúc tươi mới nhất. Steve Jobs đã nói : “Pixar là công ty giải trí công nghệ tiên tiến nhất.” (Pixar is the most technologically advanced entertainment company) khi Pixar đã cho ra được một chuỗi các kiệt tác điện ảnh hoạt họa thì không hề tự phụ chút nào. Hai nhân vật chính là ông Carl và cậu bé Russel chỉ cho người xem thấy những bài học cũ của nhân loại, nhưng theo một cách thức làm tâm hồn của bất cứ ai đã dán mắt vào “Vút bay” đều thổn thức và khát khao. Ông Carl có thể gọi vui là “ông già gân”, ông lạc lõng với thời đại nhưng giấc mơ thám hiểm thì không bao giờ tắt – hình mẫu của ông đại diện cho sự trường tồn của những giấc mơ hoang dại nhất, xa xôi nhất mà người thường không thể tưởng tượng ra và quan trọng hơn hết tuổi già chưa bao giờ là rào chắn trái tim của ông với Thác thiên đường. Ông gợi tôi nhớ tới những vị Giáo sư đã có độ tuổi trên 80 và vẫn hằng ngày cắp cặp sách đến với những tâm hồn trẻ háo hức với thế giới tri thức. Để tạo ra một bước tiến khoa học cho nhân loại hay để đào tạo ra những thế hệ vàng, ở cương vị nào họ cũng luôn hết lòng hiến dâng cả trí tuệ mình. Cậu bé Russel còn cho tôi nhiều kinh ngạc hơn. Sự tò mò cùng với lòng tốt thuần khiết của cậu luôn là điều tôi yêu nhất ở trẻ con, và tôi đoán sẽ có một lượng rất lớn người đồng ý với nhận định này. Cậu bé là một tình nguyện viên và là nhà thám hiểm cực kì trẻ tuồi, cậu đã đạt được rất nhiều huy hiệu cho sự đóng góp cộng đồng của mình cho tới 1 cái cuối cùng – huy hiệu giúp đỡ người cao tuổi. Đó cũng chính là cái cớ dẫn cậu tới với ông Carl. Cậu như là một phiên bản cấp tiến hơn của ông Carl lúc trẻ – một cậu bé có ham muốn thám hiểm nhưng khá rụt rè và hiền lành. Trong khi Russel dù có hơi chút mũm mĩm, tuy nhiên luôn hoạt bát và đầy đam mê trong từng việc cậu làm, từng thứ cậu chạm vào. Hẳn một cậu bé có chỉ số PQ (Passion Quotient) rất cao, tôi đoán vậy sau khi đã chứng kiến lòng can đảm đầy ấn tượng của cậu. Ông Carl cùng với tuổi già và những kỉ niệm buồn cuối đời cùng người vợ Ellie đã tạo nên một khí chất có phần nóng nảy, tuy nhiên nó chỉ là vỏ bọc là cho lòng tốt vô hạn của ông – thứ y đúc mà Russel cũng có. Một bộ đôi có những điểm bù trừ cực kì tuyệt vời cho một chuyến hành trình đầy những chướng ngại. Họ lại nhắc tôi nhớ về bộ gene BOSI trong mỗi người (B – Builder, O – Opportunist, S – Specialist, I – Innovator). Ở ông Carl hiển hiện rõ nhất phẩm chất của một nhà đổi mới (Innovator), ông sáng tạo đủ để lưu giữ những quả bóng bay trong căn nhà gỗ và bộ điều khiển không lưu nhằm chuẩn bị cho chuyến bay thám hiểm cuối cùng và vĩ đại nhất trong cuộc đời. Còn ở cậu bé Russel thì lại có những phẩm chất của một người cơ hội (Opportunist) – luôn luôn lạc quan, làm việc rất chăm chỉ và luôn tươi cười rất nhanh sau những “va vấp”. Sau khi tạm biệt hai chàng trai từ trại dưỡng lão, ông Carl cất cánh cùng ngôi nhà gỗ đầy kỉ niệm vui buồn của 2 vợ chồng, hướng đến Thác thiên đường, giấc mơ từ thời niên thiếu vẫn luôn cháy bỏng trong ông. Có 5 điều đáng quan tâm ở Thác thiên đường theo thứ tự là : nhà thám hiểm độc địa Charles Muntz, đám chó phục vụ cho lão, chú chó Dug hồi tâm chuyển ý theo ông Carl, chú chim dẽ quý hiếm Kevin và cuối cùng là vẻ đẹp của Thác thiên đường. Muntz hiển hiện cho một trí tuệ tuyệt vời nhưng lại dùng sai nó cho mục đích giết chóc các sinh vật quý hiếm và bất cứ nhà thám hiểm nào muốn đến khám phá Thác thiên đường, ông ta gợi cho tôi nhớ tới Kevin Mitnick và Gary Mckinnon, 2 hacker mũ đen nổi tiếng nhất vì tài năng làm sập một loạt các hệ thống dữ liệu cực kì quan trọng trên thế giới, đám chó phục vụ cho Muntz suy cho cùng là những kẻ đầy tớ trung thành, chỉ không may là chúng chọn nhầm chủ. Mặc khác, Dug là 1 chú chó thông minh và khôn ngoan hơn để nhìn thấy ông chủ tốt thực sự, Kevin thì lại là 1 sinh vật hiền lành và có chút hiếu kì cùng sự trung thành hiếm có. Cuối cùng vẻ đẹp của Thác thiên đường như 1 bông hoa thơm ngát mà tôi vẫn chưa đủ tỉnh táo để miêu tả lại vì nó quá đẹp đẽ. Ngoại trừ Thác thiên đường thì những thứ còn lại cho tôi thấy bài học về tình bạn, hay trong công việc thì là bài học về nhân sự : “Hãy đối xử tốt với những thứ, những người ta gặp, ta không làm hài lòng tất cả, nhưng sẽ có thêm vài người đồng sự thân thiết”. Như rapper vĩ đại Eminem: “Tôi không quan tâm bạn là người da đen hay da trắng, bạn bình thường hay lưỡng tính, đồng tính nam hay đồng tính nữ, lùn hay cao, béo hay gầy, giàu hay nghèo khó. Nếu bạn tốt với tôi thì tôi cũng sẽ tốt lại với bạn. Chỉ đơn giản thế thôi !” Riêng về vợ chồng ông Carl và bà Ellie thì họ đã cho tôi thêm cảm hứng về một tình yêu thuần khiết. Lớn lên cùng những giấc mơ thuở còn thơ, trải nghiệm thám hiểm cùng nhau, làm một đám cưới giản dị, xây nhà cùng nhau, tiết kiệm tiền bạc cho những sự cố cùng nhau, chăm sóc cho nhau, luôn mơ về những điều tốt đẹp khi nhìn lên trời cao, dù không thể sinh được con nhưng họ vẫn lạc quan đến vô thường. Cuối cùng, cuốn nhật kí thám hiểm của cả 2 chính là nơi họ khởi đầu cho tình bạn và là chặng cuối cùng của tình yêu ở Thác thiên đường cùng nhau trong khung cảnh có 2 chiếc sofa đặt ngay cạnh dòng thác mát lạnh. Khung cảnh cuối khi ông Carl trao cho Russel “huy hiệu Ellie”, khi cậu bé sáng bừng khuôn mặt vui mừng, tôi nhớ tới Mozart và một trích dẫn của ông : “Tất cả những gì tôi đã trải qua, không có gì khác, ngoài việc cho thế giới thấy rằng bạn không bao giờ sợ hãi. Hãy yên lặng, nếu đó là lựa chọn của bạn, nhưng khi thời điểm cần thiết đến, hãy nói – và nói trong một cung cách mà tất cả đều sẽ khắc ghi nó trong lòng.” -
Shutter Island (2010)
- 0 downloads
Shutter Island là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Dennis Lehane. Dennis Lehane là một cái tên nổi tiếng qua loạt tiểu thuyết hình sự tội phạm, bí ẩn và suspense (một thể loại thật khó dịch - hồi hộp, căng thẳng và bịnh hoạn haha). Ông này còn được nổi tiếng hơn nữa là nhờ những tiểu thuyết của ông chuyển thể lên màn ảnh rộng đều rất thành công như Mystic River (đạo diễn Clint Eastwood), Gone Baby, Gone (đạo diễn Ben Affleck). Giống như Thomas Harris với những câu chuyện ly kỳ xoay quanh nhân vật phản diện nổi tiếng là bác sĩ Hannibal Lecter, Dennis Lehane chú trọng phân tích tâm lý nhân vật khá kỹ, nhất là mối dằn vặt nội tâm của họ trong câu chuyện. Mỗi câu chuyện của Lehane đều có một cái kết thúc mở, gây nên nhiều dư vị trong lòng độc giả/khán giả. Mỗi người đều có thể tự tìm thấy 1 kết cục theo ý mình. Thực hiện Shutter Island là đạo diễn kỳ cựu Martin Scorsese và diễn viên cộng sự lâu năm của ông Leonardo Di Caprio. Đây là lần thứ 4 hai người bắt tay nhau thực hiện một bộ phim sau Gangs of New York, The Aviator và The Departed. Đây cũng là bộ phim truyện dài hơn đầu tiên mà Marty thực hiện trở lại sau thành công của The Departed. Có những người luôn luôn giữ được sự xuất sắc của mình trong công việc của họ mà một trong những người đó là Martin “Marty” Scorsese và cũng có thể kể đến cả Leonardo Di Caprio nếu tính từ Gangs of New York một bộ phim thay đổi hình tượng của Leo nhưng xuất sắc gần đây là từ The Departed, Blood Diamond, Revolutionary Road và dĩ nhiên là Shutter Island. Marty thì khỏi chê mặc dù bộ phim đúng chất “đen” của Marty mà tôi thích gần đây nhất là Casino (từ năm 1995). The Departed rõ ràng cũng là một phim xuất sắc khác của Marty nhưng tôi thích nguyên bản hơn bản làm lại này của Marty và nó cũng không mang nhiều phong cách đặc trưng của Marty cho lắm. Trở lại với Shutter Island, đây là bộ phim sau nhiều năm Marty trở lại với phong cách phim “đen” (film-noir hay neo-noir) quen thuộc của mình. Có thể nói Marty đã xử lý/điều tiết tình tiết trong phim thật xuất sắc. Bộ phim được mở đầu chậm rãi với cảnh hai thanh tra của Marshal (những người truy tìm tù nhân trốn trại hoặc bị truy nã) đến trại tù tâm thần trên đảo Shutter để điều tra vụ biến mất bí ẩn của một nữ tù nhân tên Rachel. Rachel tự dưng biến mất trong khi phòng giam khóa kín cửa. Điều mà hai nhân viên Marshal nhận thấy là thái độ kỳ lạ của những nhân viên quản lý tù và cả ông bác sĩ chính điều hành. Họ có vẻ như đang giấu giếm một chuyện gì đó, lo ngại rằng hai viên thanh tra sẽ khám phá ra và kín đáo dò xét hành tung của hai viên thanh tra. Và rồi thanh tra Daniels (Leo) tìm thấy mẩu giấy trong phòng nữ tù Rachel có ghi dòng chữ “Ai là người tù thứ 67?”. Daniels tình nghe nghe được từ bác sĩ trưởng trại là có tất cả 66 bệnh nhân/tù nhân trên đảo. Và sau đó Rachel lại được tìm thấy một cách bất ngờ. Và rất nhiều điều khó hiểu xảy ra sau đó đối với Daniels. Để rồi Daniels khám phá ra cả hòn đảo là một phòng thí nghiệm khổng lồ của chính phủ Mỹ dùng để thử nghiệm các thí nghiệm về não con người (Marty còn đưa ra đối chiếu giữa Shutter Island và các trại tập trung của Đức quốc xã hay hòn đảo Gulag ở Liên Xô thời Stalin) và chính những người tù ở đây là những con chuột bạch cho các thí nghiệm đó. Mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi người đồng sự của Daniels đột nhiên mất tích. Daniels nửa cho rằng người đồng nghiệp hợp tác với Shutter Island nửa cho rằng chính những bác sĩ của Shutter Island đã bắt anh ta để thí nghiệm não. Tình tiết lúc này trở nên dồn dập hơn, đẩy khán giả hồi hộp hơn với số phận của Daniels. Giữa những đoạn đó Marty cũng khéo léo đặt những đoạn flash-back nhằm khán giả biết thêm về quá khứ của Daniels và cũng góp phần làm khán giả cảm thấy khó hiểu hơn. Bi kịch gia đình của Daniels được nói rõ: vợ anh dìm chết 3 người con và chính anh đã giết vợ. Đoạn phim đậm chất Marty nhất có lẽ là cảnh đối thoại giữa Daniels và George Noyce - một người tù trên đảo (do Jackie Earl Haley - Rorschach của Watchmen đóng). Đó là khung cảnh xà lim tối tăm và Daniels phải dùng những que diêm đốt sáng để dò hỏi George và khám phá ra bí mật thật sự của hòn đảo: thí nghiệm con người. Đoạn action hiếm hoi khi Daniels tìm kiếm Laeddis và đánh nhau với hắn cũng là một đoạn hồi hộp xuất sắc khác. Shutter Island không đến mức gây sợ hãi như những phim kinh dị nhưng lại mang một sự rùng rợn ngầm, làm cho người xem nghĩ đến đều rợn gáy. Nó đều nhờ vào những cảnh quay tĩnh và chậm thật xuất sắc, cho người xem cảm giác được cả không gian hòn đảo: Đó là những dãy hành lang tối thui dài dòng dọc không bóng người, hoặc hành lang giữa hai dãy nhà ngục làm gợi nhớ đến nhà tù của The Silence of the lambs nơi giữ bác sĩ Hannibal Lecter hay khuôn viên bên ngoài hòn đảo gồm nhiều cây cối, những vách đá dựng đứng và cả ngọn hải đăng mang một vẻ chết chóc đầy ám ảnh ngấm ngầm. Tất cả điều đó làm cho Shutter Island của Marty thêm phần ngột ngạt tù túng lẫn vẻ rờn rợn nổi gai ốc. Có thể nói, Shutter Island là một bộ film-noir xuất sắc của Marty nói riêng và của cả Hollywood nói chung trong những năm gần đây. Dàn diễn viên của Shutter Island rất đồng đều trong từng tuyến nhân vật của họ. Leonardo vẫn được khai thác vẻ đau khổ khóc lóc từ Revolutionary Road, nhưng lại có nét quả quyết tạo nên một hero của câu chuyện từ thời The Departed/Blood Diamond. Mark Ruffalo có một vai diễn phụ nhưng cũng tròn vai. Vai bác sĩ của Ben Kingsley cho thấy ông vẫn còn rất đáng sợ trong vai diễn đòi hỏi sự lạnh lùng của một vai phản diện. Cả ba người tung hứng với nhau khá nhịp nhàng bên cạnh một dàn cast phụ cũng đạt không kém. Elias Koteas trong vai Laeddis có ngoại hình khá giống với Robert De Niro trong Taxi Driver, nhất là đoạn ngồi bên lò sưởi với khuôn mặt lạnh lùng và những câu đối thoại sắc bén làm gợi nhớ nhiều đến nhân vật Travis Bickle của Taxi Driver. Âm nhạc là một nét hay của Shutter Island khi Marty quyết định dùng những bản nhạc dây (string - violin, cello) classics làm film score để tô đậm chất film-noir cho phim hơn là sáng tác ra những film score mới. Bản nhạc một tiết tấu được mở đi mở lại trong những đoạn hồi hộp làm nhớ nhiều đến những phim film-noir thứ thiệt của Alfred Hitchcock và cộng sự là nhà soạn nhạc tài ba Bernard Herrmann. Nhìn chung, Shutter Island khó so với những film-noir kinh điển nhưng trong thời buổi superhero và kinh dị remake hiện nay thì Shutter Island là một suspense film chuyển thể đậm chất film-noir rất đáng xem. Thay vì như trong truyện người xem được kể từ hồ sơ bệnh án của vị bác sĩ trưởng trại Shutter Island, Marty đã dẫn dắt câu chuyện hoàn toàn theo quy trình role-playing của bệnh nhân Teddy Laeddis và coi như đây là một đường dây câu chuyện thực sự. Cộng thêm những flashback về quá khứ làm khán giả hoàn toàn bị mắc lừa, và đều có cảm giác Shutter Island chính là hòn đảo thí nghiệm con người thực sự và Daniels là chính là nạn nhân chứ không phải tất cả những diễn biến trong phim đều do anh nghĩ ra. Đoạn đối chất với bác sĩ trưởng trại và anh đồng sự xuất hiện trở lại bỗng biến thành bác sĩ điều trị chính cho Daniels làm nên một cú twist xuất sắc của cả phim. Có thể với nhiều người đã xem qua truyện Shutter Island hoặc những bộ phim tương tự khác như The Machinist, Memento, Chicago hay Fight Club khi mà nhân vật chính tưởng tượng ra toàn bộ diễn biến cảm thấy hơi nhàm chán. Nhưng cái cách Marty xử lý tình tiết của Shutter Island và mở ra một kết thúc mở thật xuất sắc. Người xem thấy trong đoạn chất vấn trên ngọn hải đăng, Daniels cuối cùng đã buông xuôi và chấp nhận là mình bị bệnh hoang tưởng, tất cả những diễn biến trong phim đều do anh hoang tưởng ra. Cả những nhân vật “tưởng tượng” như George Noyce, Rachel Solando thật và giả và cả Andrew Laeddis - người mà làm cho ta biết được Daniels và Andrew Laeddis thực sự chỉ là một. Cái vẻ buông xuôi tất cả của Daniels làm cho khán giả thêm hy vọng chính anh là nạn nhân thực sự và những gì bác sĩ trưởng trại Cawley (Ben Kingsley) nói với Daniels/Laeddis đều là dựng nên. Ngay cả cái bi kịch trong quá khứ của Laeddis về việc vợ anh giết chết 3 đứa con rồi bị chính anh bắn chết được kể lại rành rành. Chính vì điều ấy mà anh buông xuôi và chấp nhận thực tế phũ phàng thì càng làm người xem phim thêm hoang mang không biết thực hư thế nào. Đoạn đối thoại không đầu không đuôi cuối phim giữa Laeddis và bác sĩ điều trị cho anh kiêm đồng sự trong suốt quá trình điều trị role-playing (Mark Ruffalo) càng làm khán giả thắc mắc không hiểu Laeddis trở nên hoang tưởng trở lại hay chấp nhận buông xuôi: Có vẻ như với đoạn đầu, Laeddis đã bị hoang tưởng trở lại vẫn tưởng là mình là Daniels và bác sĩ Sheehan là người đồng sự Chuck. Chính vì điều này mà Sheehan ra dấu cho Cawley đành đưa Laeddis đi mổ não - phương pháp điều trị cuối cùng với bệnh nhân tâm thần. Nhưng câu nói “Which would be worse, to live as a monster or to die as a good man” của Laeddis (câu nói làm liên tưởng đến câu thoại trong The Dark Knight “Either you die hero or you live long enough to see yourself become a villain”) làm Sheehan và cả khán giả bất ngờ thêm một lần nữa. Cảnh những nhân viên bệnh viện dắt tay Laeddis để đến phương pháp điều trị mổ não đã không cho khán giả biết được sự thật cuối cùng là liệu Laeddis lại hoang tưởng những điều ban đầu hay đã thực sự trở lại với thực tế nhưng không thể chấp nhận quá khứ là anh đã giết chết vợ và cả việc mặc cảm chính mình cũng có trách nhiệm với việc vợ giết chết 3 đứa con. Do đó, tuy đã hồi tỉnh hoàn toàn nhưng Laeddis vẫn làm ra vẻ bị hoang tưởng trở lại để không muốn đối diện với cái quá khứ tàn nhẫn này và chấp nhận “die as good man” để chấp dứt tấn bi kịch cuộc đời hơn là sống như “monster” để hằng ngày đối diện với cái sự thật tàn khốc ám ảnh anh trở nên điên loạn và hoang tưởng. Cái “good man” này một lẩn nữa có thể làm khán giả liên tưởng đến cuộc đào thoát không thành công và chính Daniels là nạn nhân thực sự của hòn đảo kinh hoàng dùng con người làm những thí nghiệm y khoa chứ không phải là một Laeddis mắc bệnh hoang tưởng và đang được chữa trị bằng phương pháp roleplay. Và chính cái vẻ bề ngoài đầy đáng sợ và nghi ngờ của bác sĩ trưởng trại Cawley (có cái tên thật giống một giáo chủ thờ Satan nổi tiếng là Crawley) không có gì để người xem tin ở lời giải thích của ông ta. Một lần nữa, người xem sẽ có những suy nghĩ và kết luận của riêng mình đối với kết cục của Shutter Island giống như đoạn kết mở của Gone Baby Gone hay Mystic River. Phương pháp điều trị mổ não (lobotomy) cũng khiến người ta liên tưởng đến kết cục của hai nhân vật chính “bất trị” trong A Clockwork Orange và One Flew Over The Cuckoo’s Nest. Khi mà họ chết đi thực sự hay con người cũ “chết đi” (chỉ sự thay đổi đầu óc và trí nhớ). -
Jojo Rabbit (2019)
- 0 downloads
Có lẽ đây là bộ phim gây tranh cãi nhất sau khi mở màn ở LHP quốc tế Toronto khi gây ra phản ứng trái chiều ở các nhà phê bình phim, có lẽ còn hơn cả Joker. Cốt truyện của Jojo Rabbit thực sự thú vị một cách bất ngờ, mà Scarlett Johansson đã từng nói khi phỏng vấn Actors on Actors khi nhận kịch bản, cô ngạc nhiên vì chưa bao giờ trong sự nghiệp thấy một kịch bản độc đáo như vậy. Một bộ phim đong đầy cảm xúc nhưng lại hài hước một cách châm biến, khéo léo không đi quá xa đậm chất Taika Waititi. Jojo, một cậu bé “Phát xít nhí” 10 tuổi, luôn mơ ước chiến đấu cho Đức Quốc Xã và khiến anh hùng trong mắt cậu - Adolf Hitler, tự hào. Mọi đứa trẻ trong phim sẽ đều có người bạn tưởng tượng của mình, như Bing Bong trong Inside Out, Jojo cuồng tín đến mức tưởng tượng Hitler là bạn thân nhất của mình để cho cậu mọi lời khuyên, điều mà chẳng ngạc nhiên là thường không phải những thứ hữu ích. Sau một tai nạn ở trại thanh niên Hitler, Jojo bị thương, phải về nhà với mẹ và vô tình phát hiện mẹ cậu đang giấu Elsa - một người Do Thái trong nhà. Trong khi bối rối không biết nên làm gì với Elsa và cố gắng tìm hiểu về “loài” Do Thái, Jojo dần nhận ra Elsa là một người đáng yêu và chu đáo, không phải con quái vật mà niềm tin Phát Xít luôn nói với cậu. Thật kì lạ khi một nhà làm phim đang rất thành công với những dự án phim hành động (Thor 3, Thor 4, What If,...) lại bắt đầu một dự án mạo hiểm: một bộ phim về một cậu bé cuồng tín Phát Xít, tưởng tượng Hitler là bạn thân mình và phát hiện mẹ mình nuôi người Do Thái trong nhà. Taiki nhìn thế giới bằng một con mắt khác thường, và cũng thật phi thường. Anh nhìn thấy sự hài hước trong sự khốc liệt, nhân tính trong sự tàn bạo. Bộ phim là sự châm biếm khéo léo, không giống những bộ phim chính kịch về chiến tranh khác, phê phán sự tàn bạo của chiến tranh một cách chẳng ai nghĩ tới. Cao trào của Jojo Rabbit, đau lòng một cách tất yếu, để người xem trở về thực tại đây là một bộ phim hài kịch, hài kịch về chiến tranh. Để rồi khi chiến tranh kết thúc và “Heroes” của David Bowie vang lên, cảm giác đó như vô tận. Hiếm khi một bộ phim hài kịch lại có nhiều khoảnh khắc cảm động và lấy nước mắt người xem như Jojo Rabbit. Tuyến nhân vật trong phim đều có sức ảnh hưởng, đặc biệt là Scarlett với tần suất trong phim rất ít nhưng có sức nặng rất lớn lên sự phát triển suy nghĩ của Jojo. Roman Griffin Davis trong vai Jojo và chính đạo diễn Taika Waititi trong vai Hitler cực kỳ đáng yêu. Kể cả tuyến phụ như Sam Rockwell, Rebel Wilson đều mang lại tiếng cười cho người xem. Suy cho cùng, Jojo Rabbit là câu chuyện về tính nhân văn và bản tính con người, về cách mà chúng ta nắm giữ sự sai trái cho đến khi chân lý trở nên rõ ràng; thực sự là đối thủ nặng ký cho Oscar năm nay. -
Doctor Sleep (2019)
- 0 downloads
Doctor Sleep tiếp nối chuyện diễn ra trong The Shining - phim kinh điển năm 1980. Sau sự kiện kinh hoàng tại khách sạn Overlook, cậu bé Dan bị sang chấn tâm lý dù đã thoát nạn. Dan dần làm quen với năng lực thấu thị của bản thân, phát triển khả năng giao tiếp thông qua tâm trí. Dan lớn lên (lúc này do Ewan McGregor đóng), tìm được công việc tại trung tâm điều dưỡng, dùng khả năng của mình giúp những người sắp chết khuây khỏa. Anh dần kết nối với Abra (Kyliegh Curran đóng) - cô bé có cùng khả năng. Abra đang rơi vào tầm ngắm của True Knot - những kẻ chuyên săn đuổi, hấp thụ năng lực những đứa trẻ có khả năng thấu thị nhằm kéo dài tuổi thọ. Abra và Dan hợp sức chống lại True Knot, đứng đầu là Rose The Hat (Rebecca Ferguson đóng). Tác phẩm mới khai thác yếu tố kinh dị từ bối cảnh, các thực thể kỳ lạ, sự rùng rợn từ cảnh nhóm kẻ xấu hành hạ nạn nhân. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào diễn biến tâm lý như trong The Shining, tác phẩm nghiêng về chất hành động, truy đuổi, gợi nhớ đến các phim siêu anh hùng. Hai tuyến nhân vật trong Doctor Sleep đều có siêu năng lực và thường có những màn đối đầu trực diện với tốc độ nhanh, xen kẽ giữa việc đấu trí qua khả năng thấu thị với việc hạ gục đối thủ bằng những vũ khí sát thương cao. Dan Torrance là nhân vật trung tâm, có chức năng dẫn dắt câu chuyện. Trên CinemaBlend, Stephen King chia sẻ động lực để ông viết nên phần mới cho bộ tiểu thuyết là mong muốn được nói về Dan khi lớn lên. Trong Doctor Sleep, Dan không thể thoát khỏi những ám ảnh, mộng mị kinh hoàng năm xưa, trở nên mê rượu chè, không thể tập trung. Chỉ khi kết nối cùng Abra, Dan mới tìm được mục đích sống rõ nét. Những cảm xúc của nhân vật này được thể hiện khá tròn qua diễn xuất của tài tử Ewan McGregor. Giống The Shining, Doctor Sleep được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Stephen King. Hai phần của bộ tiểu thuyết này ra đời cách nhau 36 năm, lần lượt vào năm 1977 và 2013. Trên Slashfilm, Trevor Macy - nhà sản xuất của Doctor Sleep - nói êkíp cố gắng kế thừa, dung hòa giữa tiểu thuyết cùng tên và bản phim The Shining (vốn khá khác truyện gốc). Phần mới có nhiều cảnh quen thuộc trong The Shining, tiêu biểu như đoạn Dan đạp xe trong hành lang khách sạn Overlook, cảnh người đàn bà trong bồn tắm, hai bé gái song sinh, hay cảnh Jack cầm rìu truy đuổi. Lúc này, góc máy và thiết kế bối cảnh gần như tương đồng phim cũ. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng tái hiện những cảnh ấn tượng trong The Shining - với sự thay đổi vai trò các nhân vật mới tương ứng câu chuyện trong Doctor Sleep, như cảnh hai nhân vật giằng co ở cầu thang hay truy đuổi trong mê cung phủ tuyết. Âm nhạc và thiết kế bối cảnh trong Doctor Sleep có sự kế thừa từ phần trước. Phần mới sử dụng lại một số giai điệu - vốn gắn liền phần trước - nhằm tái hiện không khí ám ảnh, tạo sự gắn kết giữa hai phần phim. Bối cảnh tại khách sạn Overlook trong Doctor Sleep được thiết kế giống trong The Shining, đặc biệt là phần nội thất với những chi tiết nhỏ như thảm lót sàn hay vết nứt trên khung cửa. Doctor Sleep cũng tái hiện những cảnh toàn ấn tượng của The Shining như đoạn lấy góc nhìn từ trên cao bám theo chiếc xe của nhân vật (aerial tracking shot) trên đường lên khách sạn Overlook, hay cảnh thu góc nhìn từ mặt đất lên không trung (zoom out) ở mê cung. Ở tuyến phản diện, Rose The Hat gây ấn tượng với vẻ quyến rũ nhưng sẵn sàng ra tay tàn bạo. Ả xứng đáng với vai trò lãnh đạo của True Knot, với khả năng thuyết phục và thu nạp những thành viên nguy hiểm. Một số cảnh Rose bộc lộ cảm xúc với chiến hữu giúp nhân vật "đời" hơn, không bị sa vào lối mô tả kẻ ác một chiều. Đảm nhận vai này là Rebecca Ferguson - diễn viên nổi tiếng với vai "đả nữ" trong loạt phim Mission: Impossible. Tuy có nền tảng tốt, Doctor Sleep chưa phải tác phẩm xuất sắc. Việc giới thiệu hệ thống nhân vật đông khiến cho phần đầu của phim khá lộn xộn. Nhân vật Abra được mô tả quá mạnh từ đầu khiến một số cảnh phim thiếu kịch tính. Một số tình tiết được giải thích quá rõ ràng, cố gắng hợp lý hoá câu chuyện, khiến tác phẩm đánh mất sự mơ hồ, khó đoán của The Shining. Hai tuyến nhân vật thiện ác phân chia rõ ràng, phim trở nên dễ đoán vì tương đồng nhiều bộ phim hành động hiện nay. Đạo diễn kiêm biên kịch của phần phim mới là Mike Flanagan. Flanagan được đánh giá là một nhà làm phim "mát tay" ở thể loại kinh dị. Anh gây dấu ấn trong những bộ phim có chất lượng như Hush, Ouija: Origin of Evil, đặc biệt là Gerald's Game - một tác phẩm cũng chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King. Doctor Sleep nhận được những ý kiến trái chiều sau khi ra mắt. Trang IGN đánh giá bộ phim là sự nối tiếp xứng đáng của The Shining. Trong khi đó, The Wrap và The Playlist cho rằng sự cố gắng pha trộn để làm hài lòng những người yêu thích tiểu thuyết của Stephen King lẫn phim The Shining đã làm hại tác phẩm mới. -
The Wizard of Oz (1939)
- 0 downloads
Câu chuyện bắt đầu với Dorothy Gale, một cô bé sống ở Kansas cùng với chú cháu và chú chó nhỏ tên là Toto. Một ngày nọ, một cơn lốc xoáy quét qua và cuốn cả Dorothy và Toto đến một vùng đất kỳ lạ và huyền bí có tên là Oz. Tại Oz, Dorothy gặp được những nhân vật đặc biệt: một con người bằng rơm (Scarecrow) muốn có trí thông minh, một người bằng kim loại (Tin Man) khao khát có trái tim, và một con sư tử nhút nhát (Cowardly Lion) muốn có lòng dũng cảm. Họ cùng nhau lên đường đến Thành phố Ngọc (Emerald City) để nhờ sự giúp đỡ của Phù thủy Hùng (Wizard of Oz), người có thể giúp họ thực hiện những ước mơ của mình. Trong hành trình của mình, nhóm bạn phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm cả sự tấn công của Phù thủy Áo Đen (Wicked Witch of the West), người muốn lấy lại đôi giày đỏ quyền năng mà Dorothy đang mang. Cuối cùng, Dorothy nhận ra rằng sự giúp đỡ mà cô tìm kiếm không đến từ bên ngoài mà chính là từ bản thân mình và tình yêu gia đình. -
Joker (2019)
- 0 downloads
Joker xoay quanh Arthur Fleck (Joaquin Phoenix đóng) - một người sống dưới đáy xã hội tại thành phố giả tưởng Gotham. Arthur kiếm sống bằng cách hóa trang thành một gã hề, làm hoạt náo viên cho những sự kiện cộng đồng. Anh mắc chứng cười không kiểm soát và bất ổn trong tâm lý. Sau khi bị đuổi việc và đánh đập, Arthur đối mặt bước ngoặt cuộc đời. Từ một kẻ bị ức hiếp, anh trở thành "ngòi nổ" cho phong trào phản kháng của tầng lớp yếu thế tại Gotham. Sau sự sụp đổ của những chỗ dựa tinh thần cuối cùng, Arthur trở thành Joker - tên tội phạm nguy hiểm và điên dại. Joker dựa trên nhân vật nổi tiếng cùng tên của truyện tranh DC Comics, xuất hiện từ năm 1940. Khi được chuyển thể lên màn ảnh, nhân vật gây ấn tượng mạnh qua những bộ phim như Batman (1989, Jack Nicholson đóng) và The Dark Knight (2008, Heath Ledger đóng). Trong những tác phẩm này, Joker được khắc họa như một tên tội phạm nguy hiểm với ngoại hình và tính cách quái gở, cùng khả năng lập những kế hoạch phạm tội chi tiết, có độ chính xác cao. Trong Joker, đạo diễn kiêm đồng biên kịch Todd Phillips xây dựng nhân vật theo hướng mới. Bộ phim khắc họa hình ảnh Joker lúc còn là một công dân yếu thế, phải đấu tranh giữa lằn ranh thiện - ác trước sự khắc nghiệt của xã hội và số phận của bản thân. Phillips thể hiện phim theo phong cách nghiên cứu nhân vật (character study), tức tập trung vào việc khắc họa nhân vật thông qua cuộc sống, những mối quan tâm và xung đột dẫn đến sự chuyển biến của nhân vật. Cuộc sống của Arthur được thể hiện qua những yếu tố đời thường - với công việc, gia đình và những mục tiêu. Tuy nhiên, những yếu tố đó đều chứa đựng sự bấp bênh. Trong công việc hàng ngày, Arthur bị trêu chọc và bắt nạt nhưng không nhận được sự bênh vực mà còn bị chủ chèn ép. Trong cuộc sống gia đình, Arthur phải chăm sóc người mẹ già yếu. Xuất thân của Arthur không rõ ràng và cuộc sống của anh hoàn toàn thiếu vắng người cha. Arthur mơ ước trở thành một nghệ sĩ hài độc thoại. Anh nghiêm túc học hỏi vì mơ ước này, nhưng gu hài hước trong anh và công chúng hoàn toàn khác biệt. Sự trớ trêu được thể hiện rõ nét trên phim khi những lần Arthur khiến người khác cười là lúc anh nghiêm túc nói về suy nghĩ và mơ ước của mình. Ngoại hình là điểm nhấn trong việc xây dựng nhân vật trong Joker. Hình ảnh nhân vật Arthur trong phim gây ấn tượng bởi vẻ ngoài gầy gò, rũ rượi. Các nhà làm phim khai thác nhiều khung hình khi Arthur ở trần, để lộ thân hình trơ xương và tím bầm vì những vết thương. Những cảnh Arthur thể hiện điệu nhảy vặn vẹo, hay cách trang điểm quái dị khiến khán giả ám ảnh. Trong những tác phẩm trước đây, nhân vật Joker gây ấn tượng với những câu thoại sâu sắc. Đặc điểm này được tái hiện trong tác phẩm mới của đạo diễn Todd Phillips. Thoại và những dòng tự sự trong sổ tay của Arthur thể hiện trăn trở vừa mỉa mai vừa đau đớn. Khi nói chuyện với người đối diện, những câu hỏi tu từ của anh thường khiến họ phải né tránh vấn đề. Joker theo thể loại kịch tính tâm lý, hướng đến câu chuyện có tính ly kỳ, được dẫn dắt thông qua nhân vật chính có tâm lý bất ổn. Bộ phim được kể theo thời gian tuyến tính, xen kẽ những diễn biến thực và ảo, thông qua trạng thái tâm lý lúc tỉnh táo lúc điên dại của Arthur. Người xem nhận ra yếu tố hư ảo khi các nhà làm phim cài cắm hồi tưởng, kể lại diễn biến theo góc nhìn khác. Cách đan xen này giúp diễn biến tâm lý của Arthur không phát triển theo hướng đơn điệu mà đa chiều, qua đó người xem cũng cảm nhận được sức nặng mỗi lần nhân vật trải qua cung bậc từ hy vọng đến bế tắc. Hỗ trợ cho câu chuyện khai thác tâm lý nhân vật, kịch bản lồng ghép những chi tiết có tính đối lập. Arthur luôn trăn trở về ý nghĩa sự tồn tại của bản thân, muốn được xã hội công nhận. Ngược lại, những chi tiết gợi cái chết, tiêu biểu là cảnh Arthur kề súng vào đầu xuất hiện lặp lại. Thông qua cách xây dựng bối cảnh cho thành phố giả tưởng Gotham, các nhà làm phim nêu lên thông điệp mang tính xã hội. Gotham trong Joker mang vẻ ảm đạm, tồi tàn. Hệ thống công quyền và phúc lợi xã hội đang trên bờ vực sụp đổ. Tầng lớp xã hội của Gotham có sự phân chia rõ rệt, tạo nên những bất công và chia rẽ không thể hàn gắn. Trong xã hội ngột ngạt và căng thẳng như Gotham, thêm một ngày tồi tệ là đủ để đẩy những người đang đứng trên lằn ranh như Arthur về phía tội ác. Diễn xuất của Joaquin Phoenix trong vai Arthur có vai trò quan trọng. Anh dành nhiều tâm huyết trong giai đoạn chuẩn bị cho vai diễn. Theo Los Angeles Times, Phoenix phải giảm đến 24 kg. Ngoài ra, anh tham khảo video ghi lại cảnh cười mất kiểm soát của các bệnh nhân để tập luyện cho kiểu cười của nhân vật Arthur. Trên Variety, Phoenix nói dành thời gian để đọc sách về những kẻ sát nhân mang mục đích chính trị để hiểu hơn về động cơ của kiểu nhân vật này. Nét diễn của Phoenix trong mỗi lời nói, động tác đều gợi cảm giác vừa đáng thương vừa đáng sợ. Phoenix có những phần độc diễn gây ám ảnh, tiêu biểu như cảnh cười mất kiểm soát hay nhảy múa điên dại. Hầu hết chuyên trang phê bình Âu Mỹ khen ngợi màn hóa thân của Phoenix. Trong đó, những trang uy tín như Total Film và IGN đánh giá cao khả năng anh nhận được đề cử Oscar 2020 "Diễn viên nam chính xuất sắc". Phần âm nhạc - do nhà soạn nhạc Hildur Guðnadóttir phụ trách - là điểm sáng trong Joker. Trên Indiewire, Guðnadóttir chia sẻ nhạc nền trong phim được cô hướng đến chất thể nghiệm, với mục tiêu kết nối với thế giới nội tâm của nhân vật Arthur. Các bài nhạc kết hợp giữa nốt cao của violin và nốt trầm của contrabass, được hỗ trợ nhịp điệu bởi bộ gõ. Phần nhạc nền mang giai điệu nhức nhối tác động mạnh đến cảm xúc của người xem theo từng diễn biến xoay quanh nhân vật Arthur. Trong bài phỏng vấn trên IMDb - On the Scene, đạo diễn Todd Phillips chia sẻ tác phẩm lấy cảm hứng từ những phim kinh điển như Taxi Driver, Raging Bull, Serpico, One Flew Over the Cuckoo's Nest... Trong đó, có những chi tiết tri ân được lồng ghép vào Joker như hình tượng nhân vật Murray Franklin (Robert De Niro đóng) tương đồng với nhân vật Rupert Pupkin (cũng do chính Robert De Niro đóng) trong phim The King of Comedy. Joker được chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Venice 2019. Bộ phim giành giải Sư Tử Vàng - giải thưởng cao nhất tại Venice - cùng tràng pháo tay dài tám phút. Với giới phê bình, Joker nhận nhiều luồng đánh giá. Những cây bút từ The Guardian, Empire, Total Film dành cho phim điểm số tối đa. Trong khi đó, Time và The New Yorker chấm phim điểm số gần như tối thiểu, đồng thời nêu những lo ngại về sự nguy hại và khả năng dẫn đến bạo lực đời thực. Joker được nhà sản xuất Warner Bros. định hướng là một tác phẩm độc lập, khởi đầu cho DC Black - loạt phim độc lập mang màu sắc đen tối, bạo lực dựa trên truyện tranh của DC.