
Everything posted by Joker
-
22 Jump Street (2014)
- 0 downloads
Bộ đôi Schmidt và Jenko trở lại màn ảnh rộng, cải trang thành các sinh viên đại học và tiếp tục gây náo loạn, tạo nên nhiều trò lố. Cuối những năm 1980, loạt phim truyền hình 21 Jump Street trở thành một trong những cái tên được giới trẻ yêu thích nhất trên kênh truyền hình của hãng Fox. Phim đã góp phần đem lại danh tiếng cho tài tử Johnny Depp và cả nam diễn viên gốc Việt Dustin Nguyễn. Năm 2012, phiên bản điện ảnh với diễn xuất của Jonah Hill và Channing Tatum đã đem về cho hãng Sony hơn 200 triệu USD - gấp 5 lần so với kinh phí sản xuất. Sau hai năm, bộ đôi hài hước này tiếp tục trở lại màn bạc trong một phi vụ mới gay cấn và hài hước hơn. 22 Jump Street có bối cảnh sau khi hai anh chàng cảnh sát hậu đậu Schmidt (Jonah Hill) và Jenko (Channing Tatum) phá vỡ mạng lưới buôn bán ma túy ở trường trung học. Cả hai tiếp tục được cử đi nằm vùng tại một đại học địa phương để điều tra về những kẻ buôn bán một loại thuốc gây nghiện có tên “Why Phy”, sau cái chết thương tâm của một nữ sinh viên. Tuy nhiên, khi cải trang thành sinh viên thì Jenko lại nhận ra mình “tâm đầu ý hợp” với đội bóng của trường. Schmidt thì hòa mình vào đời sống của các sinh viên ngành nghệ thuật. Họ bắt đầu chia rẽ và đặt dấu hỏi về việc cộng tác với nhau… Tiếp nối những trò lố trong trường trung học ở phần đầu, lần này đã trở thành sinh viên đại học nên Schmidt và Jenko lại thỏa sức quậy hơn trước. Được giao nhiệm vụ điều tra, hai anh chàng nhanh chóng thâm nhập vào đời sống sinh viên nhưng theo những cách khác nhau. Nếu như Jenko sôi nổi, hoạt náo tìm thấy niềm vui ở những người bạn mới trong đội bóng thì Schmidt lại có vẻ trầm hơn, bay bổng giữa các sinh viên ngành nghệ thuật. Trường đoạn anh chàng cảnh sát có ngoại hình hơi “quá khổ” này đọc thơ trong câu lạc bộ là một trong những cảnh hài hước, gây cười nhất của 22 Jump Street. Thuộc dòng phim Bromances - nói về tình bằng hữu của đàn ông, 21 Jump Street xây dựng hai nhân vật nam chính với hình ảnh rất đối lập nhau. Schimdt thông minh nhưng lại quá “sách vở” và chậm chạp, nặng nề. Trong khi đó, Jenko điển trai, có cơ bắp săn chắc, khỏe mạnh nhưng kiến thức cơ bản của cảnh sát lại rất kém đúng theo kiểu “tứ chi phát triển”. Cả hai anh chàng bị đẩy vào thành một đội và phải bổ trợ cho nhau. Ở phần trước, sau nhiều thử thách, họ đã trở thành đồng nghiệp thân thiết thì sang phần này, tình bạn ấy tiếp tục bị thử thách bởi những sự khác biệt khó có thể dung hòa. Câu chuyện phần hai được xây dựng chặt chẽ hơn với nhiều câu thoại hài hước, châm biếm một số bộ phim nổi tiếng như Mr and Mrs. Smith hay cả các ngôi sao như Beyonce, nhóm Destiny’s Child. Khán giả cũng được gặp lại một số nhân vật cũ từ phần trước. Rapper da màu Ice Cube tiếp tục vào vai Dickson - sếp của hai anh chàng cảnh sát hậu đậu. Trong phần này, Dickson và Schmidt sẽ gặp phải một tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười gây nhiều bất ngờ. Nam diễn viên gốc Việt, Dustin Nguyễn - người từng xuất hiện trong phiên bản 21 Jump Street truyền hình năm xưa, cũng trở lại với một vai diễn khách mời ở phần này. Channing Tatum và Jonah Hill vẫn thể hiện được khả năng diễn xuất hài hước rất có duyên của họ. Gương mặt “thộn” đặc trưng của Jonah khiến người xem không thể nhịn được cười mỗi khi nhìn thấy anh trên màn ảnh. Trong khi đó, Channing khoe cơ bắp và có những pha hành động rất hấp dẫn. Cả hai phối hợp ăn ý và làm cân bằng giữa hai yếu tố hành động - hài hước, biến 22 Jump Street trở thành một tác phẩm giải trí thỏa mãn được người xem. Câu chuyện lần này không chỉ diễn ra tại bối cảnh trường đại học, 22 Jump Street còn đưa người xem tới thành phố biển San Juan sôi động của Puerto Rico - nơi mà số đông sinh viên trải qua kỳ nghỉ Spring Break trên bãi biển tràn ngập nắng vàng và những đường cong. Dẫu cho hai anh chàng cảnh sát Schmidt và Jenko thi thoảng vẫn “thở” ra những câu triết lý rất ấu trĩ hay trường đoạn “làm lành” rất “sến” nhưng về mặt bằng chung, 22 Jump Street là một bộ phim hiếm hoi mà phần sau hay hơn phần đầu. Ở đoạn kết phim, khán giả cũng khó có thể rời mắt khỏi màn hình với một phần credit độc đáo. Các nhà làm phim đã khéo léo đưa đẩy người xem đi cùng hai anh chàng Schmidt và Jenko tới những cuộc phiêu lưu tiếp theo chỉ trong chớp nhoáng. -
Full Metal Jacket (1987)
- 0 downloads
Phim Áo Giáp Sắt – Full Metal Jacket năm 1987 về đề tài cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và được xếp thứ 95 trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất trong 100 năm do Viện Phim Ảnh Mỹ xếp hạng Phim dựa trên tác phẩm tiểu thuyết The Short – Timers của Gustav Hasford vốn là 1 sĩ quan phóng viên chiến trường, tác phẩm viết về những tàn phá và chết chóc trong chiến trường Việt Nam do đạo diễn kỳ tài Stanley Kubrick dàn dựng với sự hợp tác của Michael Herr – tác giả cuốn ký sự về cuộc chiến Việt Nam, Dispatches Michael Herr cho biết Kubrick không chủ định làm một bộ phim phản chiến, “Ông ấy muốn cho thấy tính muôn mặt của chiến tranh là như thế nào!”. Do lo ngại tựa đề của cuốn sách The Short-Timers sẽ bị khán giả hiểu sai rằng nó ám chỉ những người chỉ quen làm việc nửa ngày, nên Kubrick đổi tên phim thành Full Metal Jacket – ám chỉ một loại đạn có sức sát thương lớn của lính thủy đánh bộ Mỹ. Nội dung Phim Áo Giáp Sắt – Full Metal Jacket chia 2 phần rõ rệt : Phần I, nói về một nhóm tân binh gia nhập trại huấn luyện thủy quân lục chiến Mỹ với các cảnh về phương pháp huấn luyện khắc nghiệt dot trung sĩ Hartman huấn luyện với các câu nói chửi thề liên tục và chủ trương tẩy não các binh sĩ trở thành vũ khí giết người ghê rợn theo tiêu chí : “Sinh ra để giết” – “Born to Kill” Phần II nói về các tân binh sau khi hoàn thành khóa huấn luyện và được gửi sang chiến trường Việt Nam trong các đơn vị thủy quân lục chiến và tham gia cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 tại Huế. Và tại đây, các cảnh bắn giết và tàn phá được đẩy lên cao trào với những tình tiết mạch lạc, gay cấn khiến người xem không thể rời mắt Thông qua hãng phim Warner Bros, Kubrick thông báo tuyển diễn viên trên khắp nước Mỹ và Canada và bộ phận xét duyệt đã tuyển ra hàng trăm diễn viên đa phần là người mới cho các cảnh quay. Cựu giảng viên huấn luyện thủy quân lục chiến Mỹ, R. Lee Ermey, lúc đầu được thuê làm cố vấn chuyên môn quân sự cho phim nhưng nhờ kinh nghiệm thực tế lẫn sự sáng tạo đã cho ra 1 nhân vật chỉ huy trại huấn luyện thủy quân lục chiến, trung sĩ Hartman và được đánh giá là nhân vật đáng nhớ nhất trong phim và giành giải thưởng diễn viên phụ xuất sắc nhất Full Metal Jacket 1987 được thực hiện với kinh phí 17 triệu USD. Nhờ ảnh hưởng tích cực từ phim Platoon (Phim Trung đội) của Oliver Stone năm 1986, nên bộ phim này cũng có doanh thu khả quan với gần 47 triệu USD tiền vé và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Tờ Variety đánh giá đây là một “bộ phim dữ dội, mạch lạc, được thực hiện một cách xuất sắc!”, còn Vincent Canby của tờ New York Times nhận xét bộ phim “Gây đau lòng và… tuyệt hay!”. Trong giai đoạn 1987 – 1989, phim được đề cử 11 giải thưởng trên toàn thế giới và cuối cùng giành được 5 giải thưởng với 1 cho diễn viên Emrey và 4 cho đạo diễn Stanley Kubrick Năm 2008, tạp chí Empire xếp hạng phim Áo Giáp Sắt đứng vị trí 457 trong số 500 phim hay nhất mọi thời đại. Kênh truyền hình Channel 4 của Anh xếp hạng phim đứng thứ 4 trong số những bộ phim hay nhất về đề tài chiến tranh. Năm 2001, viện Phim Ảnh Mỹ – America Film Institue (AFI) đã xếp hạng phim Áo Giáp Sắt đứng vị trí 95 trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất trong 100 năm vừa qua ( AFI’s 100 Years…100 Thrills ) -
Goodfellas (1990)
- 0 downloads
“Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn muốn trở thành một tay gangster. Với tôi, làm gangster còn sướng hơn làm tổng thống Mỹ”. Câu nói mở đầu phim Goodfellas (tựa Việt là Chiến hữu) của nhân vật Henry Hill (Ray Liotta thủ vai) đủ khiến người xem cảm thấy bị cuốn hút bởi gã anh chị này nói riêng và thế giới gangster nói chung. Được ra mắt vào năm 1990 trong thời điểm Hollywood tràn ngập những tác phẩm nói về giới gangster như The Godfather III, Miller’s Crossing, King of New York hay Men of Respect … Goodfellas vẫn tách biệt hẳn với phần còn lại để đứng chung hàng ngũ với hai phần đầu The Godfather trong danh sách những phim về tội phạm hay nhất mọi thời đại. Đỉnh cao của phim gangster Giống như The Godfather, Goodfellas cũng là một tác phẩm chuyển thể. Nếu The Godfather được mô tả một cách lãng mạn hóa qua ngòi bút của Mario Puzo về giới gangster như những kẻ nghĩa khí, thanh toán địch thủ để bảo toàn danh dự thì Goodfellas lại trần trụi hơn rất nhiều. Đơn giản là bởi để thực hiện cuốn sách Wiseguy: Life in a Mafia Family với những gã mafia và các câu chuyên có thực mà sau này Goodfellas được dựa trên, tác giả Nicholas Pileggi đã trực tiếp tới phỏng vấn người trong cuộc Henry Hill. Hill vốn tiếp cận với những tay anh chị khi mới chỉ lên 11 tuổi và trưởng thành, va vấp trong thế giới của tiền, rượu, súng và gái đẹp ấy. Vì lẽ đó, góc nhìn của gã cho thấy một góc khuất mà nhiều người vẫn ngó lơ hay tặc lưỡi chấp nhận: một thế giới của những tên mafia bất tuân luật lệ, coi tiền như rác và xem mạng người như cỏ rác. Goodfellas dưới ngòi bút của Pileggi và ống kính của đạo diễn Martin Scorsese hiện lên như vậy: chân thực, gai góc mà không kém phần giải trí lôi cuốn. Câu chuyện được dẫn dắt bởi Henry Hill, từ khi gã còn là cậu bé chạy việc nhìn sang ô cửa đối diện của đám anh chị với con mắt thèm thuồng cho tới khi gã trở thành một phần của những tên du thủ du thực đó. Bối cảnh bộ phim được đặt trong giai đoạn từ 1955 tới 1980 và đã chứng kiến biết bao các phi vụ động trời mà Hill cùng đồng bọn đã nhúng tay vào. Mọi thứ từ bảo kê, cướp hàng, buôn chất cấm cho tới cả giết người … chúng đều đã kinh qua. Bản cáo trạng của Henry Hill ngoài đời thực thậm chí còn dài tới mức đạo diễn Scorsese buộc phải gọt bớt khi đưa lên phim và vụ dàn xếp tỉ số môn bóng rổ vào năm 1979 của gã thậm chí chỉ được nhắc tới trên màn ảnh nhờ … một câu thoại! Đúng như cái tựa phim mang ý nghĩa “Chiến hữu”, Henry Hill không hề đơn độc. Hắn có hai “cạ cứng” hành tẩu là Jimmy Conway (Robert De Niro) và Tommy DeVito (Joe Pesci). Nếu như Jimmy ra dáng của đàn anh và thường ủ mưu sâu đằng sau gương mặt luôn thân thiện với nụ cười thường trực thì Tommy đích thị là một ngọn núi lửa luôn chực phát nổ. Chính những cá tính khác biệt ấy trong nội bộ nhóm “chiến hữu” này đã góp phần biến 25 năm trong nghề của Henry Hill đầy những thăm trầm, hỉ nộ ái ố. Ngày Goodfellas mới được khởi chiếu, đã có không ít những ý kiến bi quan được dành cho bộ phim. Kinh phí 25 triệu USD vốn không phải quá lớn so với những bom tấn Hollywood thông thường song lại là phim có chi phí tốn kém nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Martin Scorsese. Thời điểm ấy, Scorsese thậm chí còn nhận nhiều lời đe dọa tới tính mạng sau khi bộ phim gây tranh cãi về tôn giáo The Temptation of Christ (1988) của ông được ra mắt. Ngay trong buổi chiếu thử, đã có tới 40 khán giả bỏ về sau 10 phút đầu tiên do những màn bạo lực gây sững sờ. Song cuối cùng một bộ phim hay sẽ luôn được công nhận đúng với vị thế xứng đáng của nó. Goodfellas được đề cử sáu giải Oscar năm đó, bao gồm cả “Phim xuất sắc nhất” đồng thời độc chiếm ngôi đầu trong danh sách những phim hay nhất năm 1990 của nhiều nhà phê bình. Ngày nay, hiếm khi nào ngôi đền những phim hay nhất mọi thời đại vắng bóng Goodfellas. Nhà phê bình phim quá cố Roger Elbert thậm chí còn nhận xét rằng “Chưa từng có bộ phim nào về tội phạm có tổ chức được làm xuất sắc đến vậy, kể cả nếu đem so với The Godfather!”. Xuất sắc đến từ từng tiểu tiết Để làm ra được một bộ phim tầm cỡ như Goodfellas đòi hỏi sự gắng sức của không phải một cá nhân mà là cả một ê-kip. Người đứng đầu ê-kip ấy không ai khác chính là đạo diễn Martin Scorsese – tác giả của những Means Street, Taxi Driver hay Raging Bull kinh điển. Nhà làm phim ấy vốn chẳng hề xa lạ gì với những gã mafia người Mỹ gốc Ý nhờ lớn lên ở khu Little Italy của New York. Ông từng tự hứa với bản thân rằng sẽ chẳng bao giờ làm một phim gangster nữa, cho tới khi bắt gặp cuốn Wiseguy. Để đưa câu chuyện đời của Henry Hill lên màn ảnh rộng, Scorsese đã cùng tác giả Pileggi viết đi viết lại kịch bản tới tận 12 lần! Dẫu có thời lượng hai tiếng rưỡi nhưng Goodfellas không hề đem lại cảm giác dài dòng bởi tài kiểm soát câu chuyện của Scorsese. Ông kể chuyện phim theo phong cách phi tuyến tính với những đan xen giữa thực tại và quá khứ, có những cú chuyển cảnh bất ngờ nhưng vẫn đủ để khán giả nắm được mạch thời gian qua ngoại hình của nhân vật. Goodfellas được thuật lại chủ yếu qua lời dẫn chuyện của Henry, song đôi khi vai trò người kể chuyện lại được giao cho cô vợ của Henry là Karen (Lorraine Bracco). Người xem có thể nhận thấy sự thay đổi tâm lý nhân vật rõ rệt thế nào qua góc nhìn của Karen: từ một cô gái ngoan hiền khi mới gặp Henry cho tới một cô vợ đanh đá và sẵn lòng trở thành một phần trong đường dây buôn chất cấm của chồng mình. Việc đổi góc nhìn ấy cho thấy sự tài tình của Scorsese, khi ông thể hiện rằng hấp lực của thế giới gangster đủ sức thay đổi cả những con người tưởng như “lành” nhất! Ông tái tạo đúng cái thế giới bạo lực, đen tối nhưng cũng rất mời gọi với quyền lực và tiền bạc ấy … lên màn ảnh, để khán giả tự phán xét về những nhân vật và hành động của họ thay vì cố giảng giải đạo đức hay truyền thông điệp. Scorsese chú ý tới từng tiểu tiết trong phim tới mức còn tự thắt cravat cho Ray Liotta để đảm bảo mọi thứ đều như ông hình dung. Cho đến ngày nay, người ta vẫn nhắc tới việc ca khúc kinh điển Layla được lồng vào Goodfellas trong cảnh đám mafia bị thủ tiêu hợp lý đến mức nào, và theo tiết lộ của một nhà sản xuất thì Scorsese đã “chọn ra ba chục ca khúc để lồng vào từng đoạn trong phim từ ba năm trước khi bộ phim được phát hành!”. Mỗi cảnh quay phim đều có sự hiện diện của những người từng quen với các nhân vật trong phim ở ngoài đời, để Scorsese có thể an tâm rằng ông đã làm ra một bộ phim chân thực tối đa. Đến như Henry Hill ở ngoài đời xem xong phim cũng phải tấm tắc khen Goodfellas đã lột tả gần như y hệt quãng đời trước đây của gã! Diễn xuất ngoại hạng Nhưng Scorsese cũng may mắn khi có dưới trướng mình những diễn viên tuyệt hạng là Robert De Niro, Joe Pesci và Ray Liotta. Ở thời điểm Goodfellas được bấm máy, De Niro đã là một siêu sao và là cái tên đảm bảo uy tín lẫn kinh phí sản xuất cho dự án này trong khi hai người sau thì kém tiếng hơn. Ray Liotta đã 35 tuổi khi đó dù trong phim, nhân vật Hill bắt đầu hẹn hò với Karen khi mới 21 tuổi. Song chẳng hề gì, khi gương mặt trẻ hơn tuổi và quyết tâm của Liotta đã đủ để bù đắp khoảng cách về tuổi tác. Sự thực là sau khi được Robert De Niro tiến cử cho Scorsese, Liotta đã trải qua một quãng thời gian thử thách. Khi ông tới dự Liên hoan phim Venice và thấy Scorsese, Liotta đã lại gần và bị cận vệ của Scorsese chặn lại. Nhưng thay vì nổi cáu, Liotta vẫn tỏ ra bình tĩnh và “ghi điểm” trong mắt Scorsese, bởi nhân vật Henry Hill ở ngoài đời cũng là một người trầm tính. Sau khi được giao vai chính, Liotta đã nghe băng cassette thu lời của Henry Hill từng ngày trên đường tới trường quay đến mức thuộc nằm lòng cách nhả chữ của nhân vật này! Trái ngược với Hill, nhân vật Tommy của Joe Pesci lại là một gã khùng đúng nghĩa khi hắn ta sẵn sàng nổi cáu và giết người bởi những việc nhỏ nhặt nhất. Pesci vốn được biết tới nhiều trước đó với tư cách một diễn viên hài nhưng trong Goodfellas, ông đích thực là một gã “quỷ lùn” đáng sợ. Hiếm ai từng xem Goodfellas mà có thể quên cảnh gã dọa đồng bọn “Mày nói tao hài hước là ý gì?’. Năm 1991, Joe Pesci đã được trao giải Oscar Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất nhờ màn trình diễn đầy ngẫu hứng ấy. Goodfellas lôi cuốn khán giả bởi nhiều đoạn thoại vừa hay lại vừa bỗ bã, tục tĩu rất “đời”. Không ít trong số những câu thoại đó được các diễn viên “tự biên tự diễn” khi ngồi tập kịch bản với nhau và được Scorsese ghi lại. Scorsese thậm chí còn giấu một số hành động hay câu thoại với các diễn viên khác, để họ có phản ứng bất ngờ một cách tự nhiên khi thấy bạn diễn nói những thứ không có trong kịch bản. Chẳng thế mà sau khi Goodfellas được ra rạp, gã Henry Hill ngoài đời thực đã tự hào về bộ phim tới mức đi công khai danh tính thực của bản thân và bị FBI gạch tên khỏi chương trình bảo vệ nhân chứng! Vào năm 1986, Scorsese đã gọi điện cho tác giả Pileggi sau khi đọc xong cuốn Wiseguy và bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Tôi đã chờ cuốn sách này cả đời rồi”. Pileggi đã mỉm cười đáp lại: “Còn tôi cũng đã chờ cuộc điện thoại này cả đời!”. Và khán giả thì cảm ơn duyên số đã đưa hai cao nhân này tới với nhau, để rồi bốn năm sau đó dòng phim gangster đón nhận một kiệt tác mang tên Goodfellas. -
Gandhi (1982)
- 1 download
Mahatma Gandhi tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi (1869 - 1948) là một anh hùng, một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Ấn Độ. Bằng phương pháp đấu tranh bằng biện pháp bất bạo lực, Gandhi đã lãnh đạo khởi nghĩa, khích lệ những người dân khác phấn đấu cho nền độc lập của nước nhà và đưa Ấn Độ thoát khỏi sự đô hộ của Đế quốc Anh. Với mỗi một vị lãnh tụ, họ đều cất cao tiếng hát lên một bài hát tự do của riêng mình. Với cá nhân Gandhi, ông cũng hát cho mình một bài hát tự do, nhưng với một giọng ca hoàn toàn khác so với những vị lãnh tụ khác. Giọng hát mà Gandhi lựa chọn là giọng hát không có tiếng súng, mà sử dụng lý luận, kiến thức, sự khôn ngoan và một trái tim nhân hậu, bác ái để chiến thắng cường quyền, đàn áp cả về cá nhân, tâm linh và chính trị. Có thể liệt kê một số thành tựu chính của ông như sau: - Phong trào vận động quyền công dân tại Nam Phi (1906): Gandhi lần đầu áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo lực, khuyên đồng hương phản bác luật mới mà chính quyền Nam Phi đưa ra và chịu đựng bị đàn áp để thực hiện việc này thay vì phản kháng bằng phương tiện bạo lực. - Biểu tình tại Champaran và Kheda (1918): Gandhi tổ chức biểu tình cùng hơn 10.000 nông dân không có đất, nông nô và những nông gia nghèo khổ. Họ bị ép buộc phải trồng những nông sản bán được trên thị trường thay vì những loại cung cấp thực phẩm cần thiết cho sự sinh tồn của họ. Bị đàn áp bởi dân binh của điền chủ (phần lớn là người Anh), họ được trả công rất ít nên cuộc sống rất vất vả cơ hàn. - Hành trình Chấp trì chân lý muối (1930): Năm 1930, ông phát động một chiến dịch phản đối thuế muối, được nhấn mạnh bởi cuộc Hành trình muối (Salt March) đến Dandi nổi tiếng kéo dài từ 21 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1930. Ông đi bộ 400 km từ Ahmedabad đến Dandi để lấy muối cho riêng mình. Hàng nghìn dân chúng Ấn Độ tham gia cuộc hành trình đến bờ biển này. Hành trình muối này là một trong những chiến dịch thành công nhất của ông với kết quả là hơn 60.000 người bị bắt giam...v.v cùng rất nhiều công cuộc đấu tranh khác. Ông thường nhịn ăn lâu ngày, dùng nhịn ăn như một vũ khí chính trị. Ông từ chối không ăn cho đến chết hoặc cho đến khi những yêu cầu của ông được thực 34 năm sau khi ông mất, bộ phim tài liệu - một thiên anh hùng ca về Gandhi của đạo diễn Richard Attenborough đã ra đời. Ngày 30/11/1982, bộ phim Gandhi đã ra mắt ở New Delhi. Tuy là bộ phim tiểu sử và mang đậm màu sắc chính trị, nhưng bộ phim lại vô cùng cuốn hút người xem, và thành công cả về nghệ thuật lẫn thương mại. Chỉ riêng tại Mỹ, Gandhi đã thu được gần 53 triệu USD. Gandhi thể hiện bối cảnh, nhân vật và các tình tiết rất công phu, không chỉ có giá trị thương mại và còn có giá trị cao về đạo đức, lịch sử, nghệ thuật. Bộ phim được đề cử 11 giải Oscar và thắng 8 giải, trong đó có các hạng mục quan trọng như Phim hay nhất, Nam chính xuất sắc nhất (dành cho Ben Kingsley), Đạo diễn xuất sắc nhất (dành cho Richard Attenborough), Kịch bản xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất… ngoài ra còn đại thắng ở các giải thưởng khác như Quả Cầu Vàng, Phim Gandhi khởi quay ngày 26/11/1980, tại Ấn Độ. Kịch bản của John Briley đòi hỏi phải có 87 bối cảnh để sử dụng cho 189 cảnh trong phim. Sau 24 tuần quay ở Ấn Độ, và thêm 2 tuần bổ sung những cảnh quay còn lại ở London, bộ phim đã hoàn thành vào ngày 10/5/1981 sau 6 tháng rưỡi thu hình. Trong suốt 3 giờ đồng hồ, phim Gandhi liên tục khiến cho người xem phải choáng ngợp trước những đại cảnh vĩ đại và giàu cảm xúc, được dàn dựng rất công phu với hàng ngàn diễn viên quần chúng được quay tại nhiều địa điểm trên đất nước Ấn Độ. Có thể nói những đại cảnh ấy đã góp phần quan trọng trong việc mang lại một tầm vóc xứng đáng cho bộ phim. Ấn tượng nhất là cảnh đám tang của Mahatma Gandhi. Thủ đô New Dehli được tái tạo lại để quay trường đoạn này. Đoàn phim cho in tờ bướm và đăng quảng cáo trên các tờ báo ở Delhi kêu gọi 300.000 diễn viên quần chúng tham gia cảnh này, trong đó khoảng 200.000 là tình nguyện viên còn 94.560 thì được trả thù lao tượng trưng. Các diễn viên quần chúng chỉ được phép mặc quần áo trắng, an ninh được thắt chặt đến mức tối đa. Để cảnh quay diễn ra một cách sống động như thật, đoạn phim được chọn bấm máy vào ngày 31/01/1981, nhân kỷ niệm lần thứ 33 ngày đưa tang Mahatma Gandhi. Ben Kingsley được hóa trang nằm trên một quan tài phủ đầy hoa, 11 ê-kíp quay được bố trí ở nhiều góc độ đã quay hơn 6.706 mét phim, chỉ để sử dụng có 125 giây trên phim. Con số 300.000 người tham gia đã được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là cảnh có đông quần chúng tham gia nhất trong lịch sử điện ảnh. Mahatma Gandhi là con người biểu tượng cho hòa bình, tình yêu và lòng nhân hậu, những giá trị sẽ luôn luôn chiến thắng. Cuộc đời ông là một bài học, con đường ông đi và tư tưởng của ông là một bài học. Xin trích dẫn một số câu nói nổi tiếng của Gandhi trong phim thay cho kết thúc: An eye for an eye only ends up making the whole world blind. - Đổi một con mắt để lấy một con mắt khác chỉ khiến cho thế giới trở nên mù lòa mà thôi. They may torture my body, break my bones, even kill me. Then... they will have my dead body. NOT MY OBEDIENCE! - Chúng có thể tra tấn cơ thể tôi, đập nát xương tôi, thậm chí giết tôi. Và sau đó … họ sẽ có xác chết của tôi. NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ SỰ PHỤC TÙNG CỦA TÔI! Whenever I despair, I remember that the way of truth and love has always won. There may be tyrants and murderers, and for a time, they may seem invincible, but in the end, they always fail. Think of it: always. - Bất cứ khi nào tôi tuyệt vọng, tôi nhận ra rằng con đường của sự thật và tình yêu luôn luôn chiến thắng. Có thể có những bạo chúa và những kẻ giết người, và trong một khoảng thời gian nhất, chúng có vẻ như bất khả chiến bại, nhưng cuối cùng, chúng luôn thất bại. Hãy nghĩ về nó: luôn luôn nghĩ về nó. -
Jaws (1975)
- 0 downloads
Mùa hè năm 1975, tức cách đây đúng 40 năm, bộ phim mang tựa đề Jaws Hàm Răng Cá Mập được công chiếu rộng rãi ở Hoa Kỳ. Vào thời ấy, không ai ngờ rằng bộ phim của đạo diễn mà chẳng ai biết đến lại nhanh chóng biến thành một hiện tượng toàn cầu. Nhờ vào cú đột phá ngoạn mục này mà Steven Spielberg trở thành một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất Hollywood. Chi phí thực hiện bộ phim Hàm Răng Cá Mập là khoảng 4 triệu đô la, do bị trễ nải nên lên tới gần 9 triệu, nhưng doanh thu sau đó lại được nhân lên gấp 50 lần. Nói cho thật chính xác là 52 lần vì bộ phim này đã thu về cho hãng phim Universal Studio hơn 470 triệu đô la toàn cầu. Tuy nhiên, khi đoàn làm phim bấm máy khởi quay, không có gì dự báo là bộ phim Hàm Răng Cá Mập sẽ ăn khách. Trong suốt quá trình thực hiện, bộ phim gặp nhiều trục trặc kỹ thuật, lịch làm việc gặp nhiều chậm trễ, cho nên suýt nữa dự án này bị gián đoạn. Hồi tưởng lại giai đoạn này, Steven Spielberg gọi đó là một cơn ác mộng, lúc nào cũng như chứng đau răng âm ỉ nên buộc phải nhổ, lúc nào cũng như có lửa đốt trong bụng khiến ông đứng ngồi không yên, vóc dáng tiều tụy hao gầy, xuống đến 10 cân do biếng ăn mất ngủ. Hàm Răng Cá Mập (Jaws) là bộ phim truyện thứ hai của đạo diễn Steven Spielberg, lúc đó mới 28 tuổi, dựa trên quyển tiểu thuyết best seller của Peter Benchley, do nhà xuất bản Doubleday Publishing phát hành vào năm 1974. Do quyển sách này thu hút rất nhiều độc giả, cho nên hãng phim Universal mới quyết định chuyển thể thành phim truyện. Chỉ có điều là kịch bản phóng tác rất kém, quá nhiều nhân vật và tuyến truyện, đâm ra phức tạp khó hiểu. Khi thừa hưởng dự án này, đạo diễn Spielberg đã viết lại toàn bộ kịch bản, ông tập trung khai thác mối hiểm nguy rình rập qua hình tượng hoán dụ của hàm răng sắc bén dao mài. Nội dung bộ phim đơn thuần nói về các đợt tấn công của một con cá mập trắng khổng lồ dữ tợn ngoài khơi bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Bất chấp những lời cảnh báo, cũng như mức độ rủi ro đối với du khách, giới kinh doanh ngành du lịch khách sạn vẫn muốn biến địa điểm này thành một trạm nghỉ mát ven biển lý tưởng. Thế nhưng Jaws còn là một câu chuyện ngụ ngôn đầy ẩn ý : cá mập chuyên săn mồi do bản năng tự nhiên, con người hảm hại đồng loại là do tính ích kỷ tham lam, lòng thâm độc nham hiểm. Kịch bản phác thảo trên giấy có vẻ rất đơn giản, nhưng tới khi bấm máy quay phim thì chẳng đơn giản một chút nào. Trong suốt quá trình thực hiện, không có gì xảy ra đúng như kế hoạch dự tính ban đầu. Spielberg do rất ngưỡng mộ phong trào điện ảnh Làn sóng mới của Pháp, đã quyết định quay phim với cảnh thật với ánh sáng ban ngày trong môi trường hoang dã thiên nhiên. Ý tưởng này rất đáng khen ngợi nhưng lại vô cùng phức tạp để đạt được kết quả mong muốn : những thay đổi bất thường của thời tiết, ánh sáng tự nhiên chỉ đủ để quay vài giờ mỗi ngày. Các cuộc đua du thuyền ngoài khơi Martha’s Vineyard khiến cho đạo diễn càng thêm nhức đầu. Đoàn làm phim buộc phải chờ đợi cho tới khi các chiếc thuyền buồm cuối cùng rời khỏi chân trời, ra ngoài khung ảnh thì họ mới có thể bắt đầu bấm máy quay phim. Để làm y như thật, đoàn làm phim đã chế tạo những con cá mập bằng chất liệu hỗn hợp, ở bên trong có gắn máy móc điều khiển. Mỗi con cá như vậy nặng gần cả ngàn kí lô, chi phí lên đến 150.000 đô la. Tốn kém thì nhiều mà hiệu quả chẳng bao nhiêu : khi thả vào nước, cá mập không hề trôi nổi mà luôn bị chìm xuống đáy do nó cồng kềnh quá nặng. Nước mặn, muối biển làm cho máy móc nhanh chóng bị sét rỉ. Rốt cuộc, đoàn làm phim đành phải dùng thợ lặn, xe có gắn dây để kéo con cá mập cho nó có thể trồi lên, lội sát mặt nước. Cá mập càng khổng lồ, đoàn phim càng khổ lòng. Trong cái khó lại ló cái khôn, đạo diễn Steven Spielberg nhận ra ông cần phải làm khác với dự tính ban đầu, khi quay phim ông hy vọng rằng công chúng sẽ không bật cười khi nhìn thấy cái hàm răng giả tạo của con cá mập bằng nhựa …. Nhà làm phim khéo léo khai thác sự hồi hộp nhỏ giọt, ít cho khán giả thấy tận mắt mà buộc người phải đoán những gì đang xảy ra ở ngoài màn hình. Đạo diễn này sử dụng tài tình thủ pháp ngoại khung, ông quay cận ảnh một nhân vật đang bơi, nhưng bỗng nhiên lại bị tấn công bởi một con quái vật từ dưới đáy nước. Người xem không thấy cá mập nhưng vẫn hồi hộp vì mối hiểm nguy rình rập bốn bề, tiềm ẩn tứ phía. Nhạc nền của phim lặp đi lặp lại, càng lúc càng dồn dập, mô phỏng theo nhịp đánh trống tim thình thịch thoi thóp …. Từ một khuyết điểm, đạo diễn Steven Spielberg lại biến diễn tiến câu chuyện thành một ưu điểm. Công nghệ kỹ xảo giữa những năm 1970 không tối tân hiện đại như thời nay, nhưng bộ phim Hàm răng cá mập lại gay cấn nghẹt thở nhờ chỗ ít cho thấy hơn là trực diện tường tận. Cứ vào mỗi buổi tối ông chỉnh sửa các chi tiết kịch bản cho đến nửa khuya, rồi đem ra quay thử vào ngày hôm sau. Các diễn viên đôi khi khám phá các lời thoại của họ vào giờ phút cuối, và thường là rất khác với kịch bản gốc mà họ đã đọc khi ký hợp đồng đóng phim. Tất cả mọi thứ phải được hoàn tất trước Independance Day ngày 04 tháng Bảy, ngày lễ Độc lập của nước Mỹ cũng là ngày khai mạc mùa chiếu phim thương mại nhân dịp hè. Nhưng rốt cuộc đạo diễn Steven Spielberg sẽ không làm kịp thời hạn, vì sau khi quay phim còn phải có thêm phần hậu kỳ. Các nhà sản xuất của hãng phim Universal bắt đầu hoảng sợ : ngân sách leo thang vùn vụt, vượt quá bốn triệu đô la kinh phí ban đầu. Điều đó không hẳn là do phí tổn quay phim, mà chủ yếu là các phụ phí bất ngờ. Vào mùa hè tại trạm ngỉ mát Martha's Vineyard, giá phòng khách sạn tăng gấp ba lần, tiền thuê xe hơi hay các thiết bị lặn cũng vậy. Nhưng đã phóng lao thì đành phải theo lao, hãng phim đắn đo lắm đành phải buộc chi thêm tiền để hoàn tất cuộn phim nhưng vẫn không chắc sẽ thu hồi vốn, do kế hoạch phát hành phim bị dời lại tới mùa hè năm sau. Đạo diễn Steven Spielberg lúc đó vẫn còn non tay nghề suýt nữa bị đuổi việc, các nhà sản xuất từng đề nghị với ban giám đốc một số đạo diễn khác thâm niên hơn để thay thế. Nhắc lại giai đoạn này, nhà làm phim cho biết ông bàng hoàng như một người mộng du, sửng sốt như một kẻ sống sót sau một trận động đất, nhưng ông vẫn phấn đấu cho tới cùng để giữ nguyên tay lái. Theo đạo diễn Spielberg, nếu một người khác đến quay phim thì hẳn chắc họ sẽ quay thêm những hình ảnh cho thấy tận mắt con cá mập và như vậy sẽ phá hỏng quan điểm sáng tạo của ông. Sau hơn hai tháng chậm trễ, bộ phim Jaws cuối cùng cũng được hoàn tất vào ngày 15 tháng Chín. Tưởng chừng là tai họa đã qua, nào ngờ trong những tháng sau đó, không khí lại càng gay go hơn. Đạo diễn Spielberg trong suốt giai đoạn lồng âm thanh, buộc phải trổ tài hùng biện trước các nhà sản xuất, để họ không xen vào công việc dựng phim, để rồi cắt xén chỉnh sửa bộ phim của ông. Từ kinh nghiệm ‘’xương máu’’ ấy, mà sau này cho mỗi dự án làm phim ông luôn cố gắng giữ quyền độc lập, bảo vệ quan điểm cá nhân. Phim được dựng theo chủ ý của nhà đạo diễn (director’s cut) chứ không phải là để chiều lòng giới sản xuất đã bỏ vốn đầu tư vào cuộn phim. Bộ phim Jaws Hàm Răng Cá Mập được công chiếu vào trung tuần tháng Sáu năm 1975. Đây là lần thứ nhì một bộ phim được phát hành rộng rãi khắp nước Mỹ vì có gần 700 rạp công chiếu cùng lúc. Bộ phim thành công một cách nhanh chóng và ngoạn mục ban đầu tại Bắc Mỹ rồi sau đó trở thành một hiện tượng toàn cầu khi được khai thác tại các quốc gia khác. 470 triệu đô la doanh thu cho một bộ phim với kinh phí khoảng 9 triệu, ngay cả hãng phim Universal cũng không ngờ là bộ phim Jaws lại ăn khách đến như vậy. Nhờ vào thành tích này mà đạo diễn Steven Spielberg trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu, được giới sản xuất ve vãn chiêu dụ, được các hãng phim lớn mời sang hợp tác. Bản thân đạo diễn Steven Spielberg rất am tường thấu hiểu cách vận hành guồng máy điện ảnh Hollywood, cho nên ông đầu tư khá nhiều thời gian để phát triển các dự án làm phim, xen kẻ các tác phẩm đậm chất nghệ thuật (Amistad, The Color Purple, Schindler's list …. ) với những bộ phim nặng tính thương mại hơn. Sau một loạt phim ăn khách như ‘’quái vật’’ E.T, anh hùng thám hiểm Indiana Jones hay là phim khủng long trong Công viên kỷ Jura, Spielberg được công nhận là một bậc kỳ tài trong lối dẫn dắt câu chuyện (story telling), dựng phim dồn dập, thủ pháp ngoại khung ….. Đối với giới chuyên ngành, thành công vượt bực của bộ phim Jaws tạo ra môt cột mốc quan trọng trong làng phim Hollywood. Nhiều người cho rằng Hàm Răng Cá Mập là bộ phim ‘’bom tấn’’ đầu tiên của Mỹ, cho dù thực tế không hẳn là vậy. Nhưng ít ra, bộ phim Jaws áp đặt mô hình của loại phim blockbuster, chủ yếu xem để tiêu khiển giải trí, được công chiếu rộng rãi để có thể lập kỷ lục doanh thu trong một thời gian ngắn. Mùa chiếu blockbuster thường là vào các dịp lễ lớn, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là những tháng hè, hầu lôi kéo vào rạp hát các khán giả thích ăn kem và bắp rang, có nhiều thời gian nhàn rỗi, phim không quá nặng nề để tâm trí đỡ phải suy nghĩ, khán giả càng bận tâm mệt óc càng cần những giây phút thư giãn. 40 năm sau ngày phát hành bộ phim Jaws, công thức khai thác các bộ phim blockbuster vẫn còn rất thịnh hành tại Hollywood với một sự lạm phát đáng kể về mặt kỹ xảo, đôi khi quá đà quá trớn, chứ ít còn có chuyện làm phim thủ công như vào thời của đạo diễn Spielberg những năm 1970. Thủ công mà vẫn hay, ít kỹ xảo mà vẫn hiệu quả : 40 năm sau ngày ra đời, Hàm Răng Cá Mập vẫn được xem như là một trong những tác phẩm gay cấn hồi hộp nhất lịch sử điện ảnh. Trên danh sách 100 bộ phim rùng rợn ly kỳ nhất của Viện phim Mỹ (American Film Institute), bộ phim Jaws của Steven Spielberg đứng hạng nhì, chỉ thua có tác phẩm Psycho (phát hành năm 1960) của đạo diễn người Anh Alfred Hitchcock, còn hạng ba là bộ phim The Exorcist (Quỷ Ám phát hành năm 1973) của đạo diễn Mỹ William Friedkin. Cũng trên danh sách này, đạo diễn Hitchcock chiếm vị trí đầu bảng vì ông là người có nhiều phim nhất với tổng cộng là 9 tác phẩm (trong đó có North by Northwest và The Birds). Steven Spielberg về nhì với 6 bộ phim lọt vào bảng xếp hạng. Đạo diễn Stanley Kubrick đứng hàng thứ ba với tổng cộng là 5 bộ phim. Gay cấn hồi hộp theo lối nhỏ giọt chứ không rùn rợn đến mức kinh tởm, bộ phim Jaws vẫn được giới phê bình đánh giá cao bởi vì đó không chỉ đơn thuần là câu chuyện của một con ‘’thú dữ’’ săn mồi mà nội dung còn hàm chứa nhiều ngụ ý. Hàm răng sắc bén của cá mập khổng lồ làm cho người ta phải hoảng sợ là chuyện đương nhiên, nhưng đáng gờm hơn nữa là lòng tham con người vô đáy ….. Chỉ cần một con cá mập không thôi, thì người bơi cũng đủ bị xé xác banh thây, huống chi lội với một bầy. -
Jerry Maguire (1996)
- 0 downloads
Jerry Maguire (Tom Cruise) là một đại diện thể thao thành đạt nhưng đang cảm thấy bất mãn với công việc và cuộc sống của mình. Sau một sự kiện đau lòng và suy ngẫm sâu sắc, anh viết một bản báo cáo nêu rõ các vấn đề đạo đức trong ngành đại diện thể thao, kêu gọi sự thay đổi và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cá nhân hơn là chỉ chú trọng vào tiền bạc và thành công. Sau khi phát hành bản báo cáo này, Jerry bị sa thải bởi công ty nơi anh làm việc và chỉ còn lại một khách hàng duy nhất, một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng tên là Rod Tidwell (Cuba Gooding Jr.). Điều này dẫn đến việc anh phải bắt đầu lại từ đầu, xây dựng lại sự nghiệp của mình với chỉ một khách hàng và không có bất kỳ hỗ trợ nào từ công ty cũ. Cùng lúc đó, Dorothy Boyd (Renée Zellweger), một nhân viên kế toán của công ty cũ, quyết định ủng hộ Jerry và theo anh ra ngoài để bắt đầu một công ty đại diện mới. Cô ấy là người duy nhất tin tưởng vào tầm nhìn và mục tiêu của Jerry, và họ dần phát triển một mối quan hệ lãng mạn sâu sắc. Jerry phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng lại sự nghiệp của mình, quản lý khách hàng duy nhất của mình, và duy trì mối quan hệ mới của mình với Dorothy. Phim theo chân hành trình của Jerry khi anh đấu tranh để chứng minh rằng sự chân thành và mối quan hệ cá nhân có thể tạo nên sự khác biệt trong thế giới thể thao đầy cạnh tranh. Cuối cùng, Jerry và Dorothy kết thúc với một mối quan hệ vững chắc và Jerry thành công trong việc lấy lại danh tiếng và xây dựng lại sự nghiệp của mình, chứng minh rằng sự tận tâm và lòng trung thành có thể đem lại thành công thực sự. Phim kết thúc với một cảnh tượng cảm động, nơi Jerry và Dorothy cùng nhau khẳng định tình yêu và sự đồng hành của mình. -
Rad (1986)
- 0 downloads
"Rad" (1986) là một bộ phim thể thao và hành động của đạo diễn Hal Needham, nổi tiếng với việc kết hợp giữa môn thể thao BMX và các yếu tố hài hước. Bộ phim không chỉ là một tác phẩm giải trí nhẹ nhàng mà còn là một phần quan trọng trong văn hóa pop của những năm 80, đặc biệt là đối với những người yêu thích môn thể thao đạp xe BMX. -
The Deer Hunter (1978)
- 0 downloads
Để thực sự miêu tả đươc trọn vẹn điện ảnh Hollywood đầu thập niên 1970 trở đi quả là một điều gần như không thể: Nó đa dạng, hỗn loạn và phong phú y hệt như tình hình chính trị nước Mỹ lúc ấy. Khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn cuối và phong trào phản văn hóa hippie cũng đã chấm dứt, để lại dư âm là sự thiếu tổ chức và một nhà nước chuyên quyền bên dưới cái văn hóa “tự do” của một thể chế lắt léo, với những kẻ tiêu thụ chính là thế hệ baby boomer. “Giấc mơ đã kết thúc”, như những gì mà John Lennon đã nói, và thập niên 60 mơ mộng kết thúc để nhường chỗ cho một thập niên 70 khốc liệt và tàn tạ. Cuộc chiến tranh vô nghĩa cũng đã để lại không ít những tổn thất to lớn cho nền kinh tế, quân sự, và trên hết là nhân sự. Những người lính Mỹ đã trở về - không những là về với hai bàn tay trắng - mà họ trở về với tâm trí và cơ thể không còn nguyên vẹn nữa. Họ được chẩn đoán với căn bệnh tâm lý PTSD - rối loạn stress sau sang chấn và phải học cách tái hòa nhập với xã hội một cách miễn cưỡng cùng những suy nghĩ càng lúc càng xa rời thực tại. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn mới nổi tài năng hiện thời, đặc biệt là những đạo diễn trong phong trào Làn Sóng Mới như Francis Ford Coppola (Apocalypse Now), Martin Scorsese (Taxi Driver), hay một cái tên ít được biết hơn là Michael Cimino với tác phẩm The Deer Hunter. The Deer Hunter là một tác phẩm kết tinh của những gì làm nên điện ảnh thập niên 70: Nội dung gai góc, lối diễn xuất tự nhiên bồi thêm bằng kịch bản như có sự ứng tác tự nhiên hơn là sự giả tạo như ở các thập niên trước, thể hiện qua những góc máy lột tả vạch trần được sự bẩn thỉu đen tối. Với những diễn viên có tiếng tăm nhất thời điểm ấy như Robert De Niro, Christopher Walken và Meryl Streep, The Deer Hunter đã được đề cử Oscar vào năm 1979. Những gì bộ phim chạm đến, đơn giản là nỗi đau và mất mát. Nhưng những nỗi đau mà Cimino khắc họa trong Deer Hunter nó dường như sâu hoắm hơn bất cứ tác phẩm về chiến tranh nào khác. Nếu như Apocalypse Now của Coppola tập trung vào sự ác liệt tàn khốc vô nghĩa mà những binh lính phải trải qua, Deer Hunter lại muốn khán giả cảm nhận những hậu quả dai dẳng đeo bám họ nhiều năm sau cuộc chiến. Một phần ba đầu phim được Cimino dành trọn để xoay quanh lễ cưới...Đó là khoảng thời gian dành trọn cho sự hồn nhiên trong trắng của những người lính trước khi bị lấy đi bởi sự khốc liệt bom đạn mang lại. Khoảng thời gian mà những người bằng hữu ngân lên giai điệu “Can’t Take My Eyes Off Of You”, đánh bi-a, uống bia và trêu đùa nhau thay vì nơm nớp lo sợ ngày qua ngày rằng mạng sống của bản thân sẽ bi tước đoạt vì một viên đạn của phe địch, hay là của chính bản thân. Đúng vậy, một chủ đề lớn nữa trong Deer Hunter chính là trò chơi mang tính sinh tử: Russian Roulette - Nòng xoay Nga. Một trò chơi đầy sự phi nhân tính và tàn khốc tuy không thực sự tồn tại trong chiến tranh Việt Nam song vẫn được thêm vào phim, đóng vai trò tô điểm và nhấn mạnh nỗi khổ tâm, đồng thời là ẩn dụ cho cuộc chiến tổng thể lớn hơn. Về cơ bản, cách chơi của Russian Roulette bao gồm một khẩu súng sáu nòng revolver và một viên đạn. Người chơi bỏ một viên đạn vào nòng, xoay lên, chĩa súng vào đầu, rồi bóp cò. Năm ổ trống và một ổ có đạn. Tỷ lệ là một trên sáu, chỉ một trên sáu, cho cuộc đời của một con người. Những người lính Mỹ trong phim đã bị ép buộc phải chơi nòng xoay Nga, bao gồm hai nhân vật chính là Michael và Nick. Đến cảnh quay ấn tượng nhất của bộ phim, khi Nick và Michael bị ép buộc phải chơi Russian Roulette với ba viên đạn. Đây chính là một trong những cảnh quay căng thẳng và chân thực nhất từng được đưa lên màn ảnh của Hollywood. Cả Robert De Niro, Jon Savage và Christopher Walken đều ở giai đoạn đỉnh cao nhất của sự nghiệp trong Deer Hunter; thế nhưng vai diễn Nick của Walken mới tỏa sáng hơn cả với sự biểu hiện chuyển biến tâm lý sau dư chấn của chiến tranh. Nick như trở thành một con người khác hoàn toàn, một con người dường như sau khi đã chạm đáy nỗi khốn cùng đã vực dậy và trở nên vô cảm hoàn toàn sau bao nhiêu lần cận kề với cái chết. Đoạn kết của phim với bài hát “God Bless America” được cất lên có phần chua cay, cắt sâu vào lòng tự tôn dân tộc của những công dân Mỹ với một niềm tin một mực vào Đế quốc hùng mạnh với một lý tưởng, một giấc mơ chung cùng những cuộc chiến tranh được họ gán ý nghĩa. Chúa phù hộ cho nước Mỹ, thế liệu Chúa có phù hộ cho Việt Nam? Lần đầu tôi xem bộ phim này, tôi mới chỉ là một thằng nhóc lớp 9. Một thằng bé chưa có đủ sự trải đời và kinh nghiệm sống cũng như một cái nhìn cảm quan trưởng thành về phim ảnh. Thế nhưng ngay sau khi bộ phim kết thúc, tôi biết mình vừa chứng kiến một kiệt tác điện ảnh lịch sử đương đại. The Deer Hunter đã chạm vào một cái gì đó sâu thẳm nhất bên trong tôi, một nỗi lòng, một sự đồng cảm, một niềm oán hận chất chứa bên trong đối với không chỉ là với những cựu binh Mỹ, cựu binh Việt, mà là bất kỳ những ai đã từng trải qua cái gọi là mất mát, cam chịu và khổ đau. Bao gồm cả người ra đi và người ở lại. Bỗng chợt, những câu hát của cô Thanh Tuyền trong Rừng Lá Thấp lại văng vẳng trong đầu tôi: “Sao Không hát cho những người còn mải mê Lá rừng che kín đường về phồn hoa Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua.” Michael Cimino không có bất cứ bộ phim nào thành công như Deer Hunter nữa. Dự án Heaven’s Gate tốn kém của ông tiếp theo sau đó đã lụn bại một cách thê thảm trên cả hai phương diện nghệ thuật và thị trường, thậm chí còn được mệnh danh là “thất bại nặng nề nhất trong lịch sử điện ảnh”. Cimino mất vào năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi. -
Parasite (2019)
- 0 downloads
Phim Parasite, giống như “The Host” hay “Snow Pierce”, đào sâu vào cách biệt giàu – nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội (Hàn Quốc nói riêng, và bất cứ quốc gia nào nói chung). Giàu và nghèo, có tất cả và không có gì cả, trên cao và dưới thấp, ánh sáng và bóng tối, mênh mông và chật chội, ngây thơ và toan tính… Khán giả sẽ bắt gặp rất nhiều những phạm trù đối lập xuất hiện trong bộ phim này, nhiều tới độ, bản thân bộ phim giống như một cuốn sách về sự đối lập vậy đó. Lưu ý bài viết review và ý nghĩa phim Ký Sinh Trùng (Parasite) tiết lộ nhiều tình tiết trong phim, vì vậy nếu chưa coi phim thì hãy lưu lại để coi xong thì vào đọc. Nếu đã coi phim rồi và chưa hiểu thì tiếp tục. Sự đối lập giữa bối cảnh sống và giai cấp xã hội thể hiện trong “Parasite” xoay quanh góc nhìn về “sự giàu có” của gia đình bốn người nhà Ki-taek. Đây thực sự là một gia đình thú vị theo cách châm biếm đầy hài hước và cay đắng. Nhà Ki-taek sống trong một căn hộ dưới tầng hầm, làm nghề dán vỏ hộp pizza với tiền công bèo bọt để kiểm sống trong họ đều đang ở độ tuổi lao động. Người bố Ki-taek, theo như giới thiệu từ những khung hình đầu phim từng là một vận động viên, ông thậm chí còn từng dành huy chương. Nhưng rồi chỉ có vậy. Ở độ tuổi trung niên, ông ta sống chen chúc cùng vợ con trong một căn hộ nằm ở đáy của đáy thành phố, nơi mà một người đi đường say xỉn cũng có thể tè bậy vào nhà họ qua ô cửa sổ sát mặt đất. Cuộc sống đắp đổi giật gấu vá vai ấy cứ tiếp nối ngày qua ngày cho tới khi cậu bạn của người con trai cả sắp đi du học mang đến cho gia đình này một tảng đá phong thủy với ý nghĩa mang lại giàu sang phú quý, và đề nghị cậu con trai tới thay cậu ta gia sư cho một cô tiểu thư nọ, với mong muốn thực sự là nhờ cậu bạn thân “giữ chỗ” hộ mình trong trái tim cô tiểu thư ấy. Sự kiện ấy mở ra phần thứ hai của bộ phim, với trọng tâm là kế hoạch “đổi đời” của nhà Ki-taek, được lên kế hoạch bởi cô con gái út – “mastermind” của cả gia đình. Trường đoạn này làm mình nhớ đến một cảnh trong bộ phim Hồng Kông mình xem hồi tháng trước có tên “House with a View” cũng có một cảnh cả gia đình cùng đồng tâm hiệp lực cho một mục tiêu lớn. Sự đoàn kết của gia đình trong bộ phim ấy cuối cùng cũng biến gã hàng xóm cơ hội trở thành một cái xác bị ném xuống biển, còn trong “Parasite”, sự hợp lực của gia đình Ki-taek cuối cùng cũng giúp họ thao túng được gia đình nhà Park, một sự thao túng ngầm mà những con người giàu có nhưng ít va vấp với cuộc đời kì không hề nhận ra. “Người giàu tốt vì họ giàu, hay họ giàu vì họ tốt?” – Câu hỏi của Ki-taek chính là dấu chấm khép lại phần thứ hai của bộ phim, khi cả gia đình họ nhân lúc nhà Park đi dã ngoại mừng sinh nhật cậu con trai mà kéo đến ăn nhậu xay xỉn trong căn biệt thự vắng chủ. Đúng là từ đầu phim, gia đình Park luôn cử xử hòa nhã, đối đãi rộng rãi với gia đình Ki-taek, họ nghe bất cứ điều gì mà gia đình này nói ra, không mảy may nghi ngờ hay tò mò tính xác thực. Kế hoạch của cô con gái nhà Ki-taek cũng được xây dựng trên sự cả tin này, và thành công rực rỡ cũng nhờ nó. Gia đình Park ngây thơ đến nực cười. Cứ như thể cuộc sống giàu sang về vật chất chính như một môi trường vô trùng đầy an toàn nuôi dưỡng họ quá lâu, khiến họ mất đi hoàn toàn sức đề kháng trước sự tấn công của hiện thực khắc nghiệt trong dáng hình của gia đình bốn người kia. Quay lại với câu hỏi lớn. Tốt vì giàu hay giàu vì tốt, gia đình Ki-taek ngay lập tức đã được đặt vào một tình huống thử thách để tìm ra câu trả lời. Người quản gia đã bị đuổi đi bỗng chốc xuất hiện trong đêm mưa gió, xin được vào trong nhà để lấy món đồ bà ta để quên dưới tầng hầm. Sự xuất hiện trở lại của người quản gia này mở ra phần thứ ba của bộ phim, khi gia đình Park – hiện thân của tầng lớp thượng lưu tạm thời rút khỏi bộ phim, nhường lại sân khấu cho những người cùng một giai tầng và những vấn đề của riêng họ. Nếu phần thứ hai của phim làm mình thích thú vì kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, thì phần thứ ba của phim lại khiến mình hồi hộp vì sự vô kế hoạch của nó. Và khi con người hành động không có kế hoạch hay phán đoán cụ thể, thì thứ dẫn dắt họ tiến về phía trước chính là ham muốn và bản năng. Ban đầu, người quản gia cũ cư xử với gia đình Ki-taek như những người cùng cảnh ngộ – nghèo khổ, phải đi làm thuê cho nhà chủ để kiếm tiền nuôi thân. Sự cảm thông này nhanh chóng bị xóa bỏ, và câu chuyện trở thành trận chiến giành thế thượng phong – một cái “thế thượng phong” khó hiểu khi cả hai bên đều phải lén lút. Điểm chung duy nhất giữa họ chỉ là ngày qua ngày họ đều bí mật “chấm mút” một chút từ gia đình nhà Park để vun vén cho bản thân mình. Phim Parasite cũng đặt ra một ranh giới. Tiến đến ranh giới đó, bạn là người mưu cầu no ấm và hạnh phúc, đặt chân lên ranh giới đó bạn là kẻ sa ngã, còn vượt qua ranh giới đó, bạn rơi. Cũng không phải điều gì đặc sắc đúng không? Nhưng cách mà Bong Joon-ho thể hiện “cú rơi” đó lại khiến khán giả theo dõi bộ phim của ông cảm thấy đăng ngắt trong lòng. Gia đình Park phải bỏ dở chuyến cắm trại vì trời mưa, quay trở về nhà trong đêm. Tình huống bất ngờ ấy đặt nhà Ki-taek vào một cuộc chạy trốn khổ sở và nhục nhã. Họ thoát ra được khỏi ngôi nhà, chạy chân trần trong cơn mưa, xuống ga tàu điện ngầm, xuống hết bậc thang này đến bậc thang khác để trở về ngôi nhà của mình. Nước mưa rơi xuống từ trời, thấm ướt khoảng sân vườn của biệt thự nhà Park, chảy theo đường đồi thoải xuống lối đi dưới ga tàu điện ngầm, rồi qua các rãnh nước, các đường cống ngầm, cuốn theo mọi thứ bẩn thỉu bụi bặm ở phía bên trên. Ba người nhà Ki-taek cũng chạy cùng hướng với dòng chảy ấy để về ngôi nhà của mình. Cứ như thể cơn mưa kia cũng đang cố gắng cuốn họ đi khỏi thế giới thượng lưu trên những quả đồi cao kia như người ta cố gắng rửa trôi rác bẩn. Trường đoạn chạy trốn ấy, kết thúc bằng cảnh trong ngôi nhà ngập khép lại phần thứ ba của “Parasite”. Gia đình Ki-taek giống như chú nhện trong bài đồng dao con trẻ, Con nhện trèo lên máng nước, trèo mãi trèo mãi. Rồi một cơn mưa lại cuốn nó về điểm bắt đầu. Sau cơn mưa là một ngày quang đãng đẹp trời. Gia đình Park quyết định tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho con trai họ. Và đây chính là lúc khán giả thấy được mép vực sâu hoắm ngăn cách giữa hai giai cấp – trên cùng và dưới cùng của xã hội. Bữa tiệc trong vườn không chỉ ê hề đồ ăn thức uống, nó còn quy tụ ở đó những gia đình thượng lưu khác, có ca sĩ hát opera, có những câu chuyện mà cả đời gia đình nhà Ki-taek cũng chẳng nói với nhau. Nhà Ki-taek vốn tự đắc họ nắm thóp được gia đình nhà Park, lừa đảo và kiếm tiền được từ họ, nhưng hóa ra đến phút sau cùng, những tổn thất mà họ gây ra cho gia đình thượng lưu kia lại chẳng bõ bèn gì. Ngược lại, bản thân họ vì cố gắng đeo bám nó mà đã tự sa vào vũng lầy không lối thoát, đánh mất cùng lúc cả nhân tính và chuỗi ngày sống thanh bần bên nhau. Nói Bong Joon-ho làm “Parasite” để bênh vực người giàu vạch tội người nghèo cũng chẳng đúng, mà bảo là vạch tội người giàu thương cảm người nghèo lại càng đâu đâu. Nhưng chắc chắn bộ phim này nhắc nhở khán giả xem nó rằng có những giới hạn không nên vượt qua, mọi tội ác đều phải trả giá trước thứ công lí mang tên nhân – quả… và có lẽ con người sống tốt nhất khi là chính họ dưới ánh mặt trời chứ không phải núp dưới thứ vỏ bọc giả dối và bóng bẩy nào. -
Lawrence of Arabia (1962)
- 0 downloads
Phim bắt đầu bằng cảnh Lawrence như một thường dân lái xe mô tô xuống một con đường nông thôn hẹp ở Anh và bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong khi ông cố tránh va chạm với hai người đi xe đạp. Tang lễ của ông diễn ra tại nhà thờ Thánh Paul. Các phóng viên cố tìm hiểu về người đàn ông bí ẩn này từ những người biết về ông, nhưng họ chỉ thu được rất ít thông tin. Sau đó, phim đưa khán giả trở lại Cairo trong Thế chiến I, Lawrence đang là một trung úy trong quân đội viễn chinh Anh và nổi tiếng nhờ sự ngạo mạn và kiến thức về bộ lạc Bedouin. Dù bị tướng Murray (Donald Wolfit) nghi ngờ về năng lực, anh vẫn được ông Dryden (Claude Rains) của văn phòng Ả Rập gửi đến giúp ông Hoàng Feisal (Alec Guinness) trong cuộc nổi dậy chống lại quân Thổ, đồng minh của Đức. Trong cuộc hành trình của mình, người Bedouin hướng dẫn anh bị tộc trưởng Ali (Omar Sharif) giết vì uống nước từ giếng của ông ta mà không xin phép. Ngay bên ngoài lều trại của Feisal, Lawrence gặp sĩ quan giám sát của mình, đại tá Brighton (Anthony Quayle), và ngài ra lệnh cho anh giữ im lặng trước khi giới thiệu anh với ông Hoàng rồi bỏ đi. Nhưng Lawrence đã bỏ qua những mệnh lệnh này khi trò chuyện với Feisal. Tính cách thẳng thắn của anh gây ấn tượng cho ông Hoàng. Brighton khuyên lãnh tụ Ả Rập rút lui sau một thất bại lớn, nhưng Lawrence tiến cử giải pháp thay thế: tấn công thành phố chiến lược Aqaba. Nếu chiếm được thành phố này, nó sẽ cho quân Anh một cảng để bốc dỡ những tiếp tế cho quân nổi dậy, đồng thời bảo vệ họ chống lại một cuộc tập kích từ phía biển. Lawrence thuyết phục Feisal cho anh 50 người, trong đó có Sherif Ali và hai thanh niên mồ côi Daud (John Dimech) và Farraj (Michel Ray) vốn là người hầu cận của anh. Toán quân băng qua sa mạc Nefud khắc nghiệt mà chính người Bedouin còn phải ngán ngại. Họ đi suốt ngày đêm để sớm đến nơi có nước uống. Gasim (I. S. Johar), một thành viên trong đoàn bị ngủ gật và ngã khỏi lạc đà khi đêm xuống mà không ai hay biết. Những người còn lại đến được ốc đảo, nhưng Lawrence quyết định quay trở lại tìm đồng đội, dù biết làm vậy là nguy hiểm tính mạng. Khi anh cứu được Gasim, Ali thực sự cảm kích và chấp nhận anh là bạn. Sau đó Lawrence gặp Auda abu Tayi (Anthony Quinn), lãnh đạo bộ lạc Howeitat đầy quyền lực cai quản khu vực này và thuyết phục Tayi chống lại quân Thổ. Kế hoạch của Lawrence tưởng như bị phá sản, khi một người của Ali giết thủ hạ của Auda vì nợ máu. Anh tuyên bố sẽ tự mình xử kẻ sát nhân, nhưng sững sờ khi biết đó chính là Gasim, người anh đã cứu. Dù vậy, Lawrence vẫn bắn Gasim như động thái nhằm xóa bỏ hận thù giữa hai bộ tộc. Liên minh được tái lập, đoàn quân tiến đến Aqaba và chiếm được thành phố một cách không mấy khó khăn. Lawrence trở về Cairo để báo tin chiến thắng cho tướng Dryden và chỉ huy mới của anh, tướng Allenby (Jack Hawkins). Nhưng dọc đường, Daud chết khi ngã vào xoáy cát. Lawrence được thăng hàm thiếu tá, được cho vũ khí và tiền để chi viện cho người Ả Rập. Anh hỏi Allenby có phải liệu điều người Ả Rập nghi ngờ, quân Anh sẽ chiếm đất nước họ sau khi quân Thổ rút đi là đúng? Vị tướng nói ông không phải là nhà chính trị, nên không thể trả lời câu hỏi này. Nhưng sau đó ông lại khẳng định quân Anh không hề có ý đồ này. Được giải tỏa mối nghi ngờ, Lawrence mở cuộc chiến tranh du kích, đánh tan nhiều chuyến tàu hỏa của người Thổ và liên tục quấy rối phe địch. Phóng viên chiến trường Mỹ Jackson Bentley (Arthur Kennedy) biến anh thành người nổi tiếng thế giới, bằng cách công bố những chiến công của anh. Khi mùa đông đến, nhiều người bộ lạc trở về nhà nên quân số ngày một mỏng dần khó có thể tiếp tục cuộc chiến. Trong một cuộc bố ráp, Farraj bị thương nặng trong lúc đặt thuốc nổ trên đường ray. Để tránh cho Farraj lọt vào tay quân Thổ và bị tra tấn, Lawrence buộc phải bắn chết đồng đội trước khi đào thoát. Chỉ còn 20 người, anh cùng Ali cải trang lẻn vào thành phố Daraa đang bị quân Thổ chiếm giữ. Họ bị bắt cùng với nhiều người Ả Rập khác và được đưa đến trình diện tướng Thổ Bey (Jose Ferrer). Tại đây Lawrence phát hiện ra Tướng Bey là một người đồng tính và có ý xâm hại anh, Lawrence cự tuyệt ông ta để rồi bị quân Thổ đánh đập một cách tàn nhẫn và bị ném ra ngoài đường. Nếm trải những kinh nghiệm đau thương, Lawrence ngưng chiến đấu và tìm cách trở lại cuộc sống bình thường. Đến Jerusalem, Allenby khuyên anh quay về với hàng ngũ và tham gia cuộc tấn công lớn vào Damascus và hứa sẽ cung cấp tiền bạc cùng khí tài quân sự đầy đủ cho anh. Lúc đó Lawrence đã là một người khác, độc ác hơn. Anh ra lệnh giết chứ không giữ tù nhân, dẫn đến cuộc thảm sát những người lính Thổ tháo chạy tại Tafas. Đa số người tham gia đạo quân của Lawrence là vì tiền hơn là vì người Ả Rập. Dù vậy, họ vẫn chiếm được Damascus trước Allenby. Người Ả Rập thành lập một hội đồng để cai quản thành phố, nhưng hành xử công việc như những người xuất thân từ các bộ lạc, chứ không từ một quốc gia. Không có điện, điện thoại và nước, họ thường xuyên đụng độ với nhau và không lâu sau giao gần hết Damascus cho người Anh. Lawrence được thăng hàm Đại tá rồi quy cố hương, chuyển những cuộc thương lượng chia sẻ quyền hành cho ông Hoàng Faisal, người Anh và người Pháp. -
The Blues Brothers (1980)
- 0 downloads
Phim bắt đầu với việc Jake Blues (John Belushi) mới ra tù sau một thời gian ở trong tù. Anh tái hợp với anh trai mình, Elwood Blues (Dan Aykroyd), và họ quyết định tiếp tục con đường âm nhạc của nhóm nhạc blues mà họ đã từng đứng đầu trước khi Jake bị bỏ tù. Jake và Elwood khám phá ra rằng tu viện nơi họ lớn lên, do các nữ tu quản lý, đang gặp nguy cơ bị đóng cửa vì thiếu tiền để trả thuế. Họ quyết định rằng họ cần phải giúp đỡ để cứu lấy tu viện. Với sự trợ giúp của bạn bè và các nghệ sĩ trong giới âm nhạc, họ lập kế hoạch để kiếm tiền bằng cách tổ chức một buổi biểu diễn và thu hút sự chú ý của công chúng. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Jake và Elwood gặp phải nhiều tình huống éo le và gây cười. Họ bị truy đuổi bởi cảnh sát, các nhóm đối thủ và nhiều kẻ thù khác, đồng thời gặp gỡ nhiều nhân vật kỳ quặc và tham gia vào các cuộc rượt đuổi gay cấn. Phim nổi bật với nhiều màn trình diễn âm nhạc blues và soul, với sự xuất hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng như James Brown, Ray Charles, Aretha Franklin, và nhiều người khác. Những màn trình diễn này không chỉ là điểm nhấn của phim mà còn góp phần tạo nên không khí sôi động và đầy năng lượng. Sau nhiều tình huống dở khóc dở cười và rượt đuổi, Jake và Elwood cuối cùng thực hiện được kế hoạch và quyên góp đủ tiền để cứu tu viện. Bộ phim kết thúc bằng một cảnh tượng hoành tráng với một màn biểu diễn đặc biệt và một cảnh truy đuổi kịch tính của các nhân vật chính với cảnh sát và các kẻ thù. -
The Invisible Man (2020)
- 0 downloads
Tác phẩm kinh dị mở đầu với cảnh cô gái Cecilia Kass (Elisabeth Moss) hốt hoảng, tìm cách trốn khỏi nhà, khi người chồng Adrian (Oliver Jackson-Cohen) vẫn say ngủ. Cô sống nhờ nhà người bạn - cảnh sát James (Aldis Hodge), một ngày bất ngờ hay tin Adrian đã tự sát, để lại cho vợ gia tài lớn. Cô nghi ngờ cái chết có uẩn khúc và dần cảm thấy luôn có người theo dõi mình. Càng cố gắng chứng minh điều đó với những người xung quanh, Cecilia càng khiến họ nghĩ cô gặp vấn đề thần kinh. Phim ban đầu được phát triển như một phần của Vũ trụ Điện ảnh Quái vật. Nhưng sau khi phim The Mummy có Tom Cruise đóng chính thất bại, hãng Universal gác lại kế hoạch, biến The Invisible Man thành phim riêng. Kịch bản chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết lừng danh The Invisible Man của H. G. Wells, thay đổi hầu hết cốt truyện và bối cảnh. Đạo diễn Leigh Whannell đứng trước thách thức làm mới câu chuyện khá cũ. Ở năm 1987, khi H. G. Wells viết tiểu thuyết, đề tài vô hình còn tương đối mới mẻ với công chúng, nhưng nay được khai thác nhiều trên màn ảnh, nhất là các phim siêu anh hùng. Để không đi vào lối mòn tình tiết, Whannell quyết định kể câu chuyện từ góc nhìn của Cecilia - một người lần đầu đối mặt với kẻ vô hình. Leigh Whannell là cộng sự nhiều năm của "ông hoàng kinh dị" James Wan. Một điểm mạnh mà anh kế thừa từ nhà làm phim gốc Á là cách xây dựng nỗi sợ từ bối cảnh và tâm lý nhân vật, chứ không lạm dụng jumpscare (chèn hình ảnh hay âm thanh gây giật mình). Dù đường dây chính lộ từ trailer, đạo diễn linh hoạt trong cách kể để duy trí sức hút. Ở giai đoạn Cecilia bán tín bán nghi sự việc, tác phẩm tạo nỗi sợ từ sự bất định. Ngôi biệt thự của Adrian tạo vẻ rùng rợn mơ hồ với nhiều góc và không khí ảm đạm. Thiết kế trong nhà của James cùng cách dùng ánh sáng giúp phủ lên khung hình sự bí hiểm, khó đoán diễn biến. Nhà làm phim nhiều lần khai thác các cảnh nội với Cecilia một mình giữa không gian trống. Ngoài nhân vật chính, khán giả dễ bị hút vào những đồ vật xung quanh để phát hiện những điều bất thường. Cách dùng máy quay được thay đổi linh hoạt, từ góc độ trung lập (tức đơn thuần ghi lại sự việc) tới những chuyển động khá lạ so với quy tắc thông thường - tạo cảm giác người xem đang nhìn từ mắt của chính kẻ vô hình. Không khí ngột ngạt được thiết lập tốt do những thủ pháp về góc máy và vị trí nhân vật. Bên dưới yếu tố kinh dị hay khoa học viễn tưởng, sự bạo hành, khống chế cảm xúc là chủ đề chính của phim. Nửa đầu phim giống cuộc vờn mồi, trong đó kẻ ác nắm thế chủ động. Khi câu chuyện đã khá rõ, đạo diễn Whannell bất ngờ đẩy cao nhịp độ bằng loạt cảnh ghê rợn. Lúc này, sự thông minh của nhân vật chính giúp nâng tầm tác phẩm khỏi dạng phim kinh dị "rượt đuổi" thông thường. Nửa sau phim giống một cuộc đấu trí giữa Cecilia và kẻ thù. Những khoảnh khắc ở bờ vực sụp đổ tinh thần giúp nhân vật trở nên đời thường, cũng là nút thắt báo hiệu sự thay đổi trong hành động của cô: mạo hiểm và cực đoan hơn. Cách phản ứng của Cecilia trước sự việc có sự hoang mang, sai lầm để khán giả đồng cảm, nhưng cũng đủ nhanh trí để không rơi vào mẫu nhân vật chính "vô dụng" trong phim kinh dị. Elisabeth Moss được đánh giá là bước tiến mới sau dấu ấn trong series The Handmaid's Tale và phim Us. Sao nữ sinh năm 1982 không nổi trội về sắc vóc như cô tự nhận trên báo Âu Mỹ, nhưng chứng tỏ thực lực khi thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc nhân vật. Ở một số cảnh, nét mặt Cecilia thậm chí chuyển sang vẻ hắc ám, phản ánh sự biến đổi khi phải chống trả quá lâu với cái ác. Trong kịch bản mới, năng lực vô hình đến từ công nghệ máy móc, gần gũi khán giả hiện đại. Lối sắp đặt này dẫn đến một tình tiết gợi mở ở hồi kết, có thể dùng cho các phần tiếp theo. Tuy nhiên, vài cảnh phim còn điểm khó hiểu trong cơ chế hoạt động của thiết bị, cũng như sự chủ quan quá mức của cảnh sát. The Invisible Man được giới chuyên môn khen ngợi với 92% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Tác phẩm cũng nhiều khả năng thắng lớn phòng vé, được dự đoán đạt doanh thu mở màn trên 24 triệu USD ở Mỹ, trong khi kinh phí chỉ 7 triệu USD. Phim chiếu ở Việt Nam với tựa Kẻ vô hình và nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi). -
Top Gun (1986)
- 0 downloads
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua cái tên Tom Cruise hay loạt phim hành động "Nhiệm Vụ Bất Khả Thi" của nam diễn viên này. Nhưng có lẽ bạn sẽ ít nghe đến một bộ phim hành động nổi tiếng khác của Tom Cruise, bộ phim đã đưa ông đến sự thành công. Hãy ngược về quá khứ để khám phá Top Gun – bộ phim kinh điển của Tom Cruise. Tom Cruise – Nam diễn viên người Mỹ nổi tiếng với hàng loạt phim như Endless, The Mummy,…và đặc biệt ông quen thuộc với khán giả Việt Nam thông qua loạt phim Nhiệm Vụ Bất Khả Thi. Trước khi ông thành công với loạt phim hành động này, ông đã có một phim hành khác là Top Gun, bộ phim đã đưa ông đến sự thành công như ngày hôm nay cũng như là bước đầu trong những dự án phim hành động của Tom Cruise. Top Gun được ra mắt vào năm 1986 do bàn tay của vị đạo diễn tài ba Tony Scott. Bộ phim xoay quanh nhân vật trung úy Pete “Maverick” Mitchell do tài tử Tom Cruise thủ vai, là một quân nhân trẻ thuộc Không Quân Hoa Kỳ. Bộ phim kể về những đấu tranh tâm lý của Maverick ở những trận chiến đầy căng thẳng trên bầu trời và đồng thời là câu chuyện tình yêu của anh và chuyên viên cũng là giảng viên của trường quân sự Top Gun - Charlotte "Charlie" Blackwood. Sau khi ra mắt, Top Gun đã gặt hái dược nhiều thành công, trở thành phim có doanh thu cao nhất nước Mỹ năm 1986 với 353,8 triệu đô. Nhạc phim - bài hát do hai nhạc sĩ Giorgio Moroder và Tom Whitlock đồng sáng tác “Take My Breath Away” với sự trình bày của ban nhạc Berlin sau đó đã nhận được giải Oscar và giải Quả cầu Vàng cho ca khúc trong phim hay nhất. Bên cạnh đó Top Gun còn tác động mạnh mẽ đến rất nhiều người trẻ ở Mỹ. Đơn xin gia nhập các lớp đào tạo của Hải quân và Không quân Mỹ tăng lên đột biến do hình ảnh của các nhân vật trong phim. Không chỉ ở Mỹ, phim còn lan rộng ra khắp Thế Giới. Trung úy Misashi Matsushima trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Nhật, nữ phim công đã nói: “Từ lúc xem phim Top Gun thời tiểu học, tôi luôn hâm mộ những phi công lái máy bay chiến đấu trong phim. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Như đã thấy bộ phim không chỉ thành công về mặt danh thu còn mang lại ý nghĩa về nội dung. Bây giờ hãy ngược về quá khứ và khám phá bộ phim Top Gun của Tom Cruise. Maverick là một anh chàng không quân tài năng, thừa hưởng từ người cha quá cố của anh. Nhưng anh lại có một cá tính mạnh, anh luôn chiến đấu không theo những quy tắc được chỉ huy. Anh luôn muốn khẳng định năng lực bản thân, yêu thích sự mạo hiểm và liều lĩnh. Tuy có lúc thành công và thất bại nhưng không ai pủ nhận tài năng của Maverick. Mong muốn Maverick trở thành một không quân chín chắn và học thêm nhiều bài học hơn, cấp trên đã cử anh đến trường đào tạo những không quân giỏi nhất Top Gun và mọi chuyện bắt đầu từ đây. Tới Top Gun, Maverick không còn là không quân giỏi nhất như ở đơn vị cũ, anh phải sống ở một môi trường nhiều những người giỏi, họ kỷ luật và tôn trọng sự tác chiến, điều này hoàn toàn khác với phong cách chiến đấu của anh. Và rồi cú sốc đầu tiên đến với anh, thất bại một vố nghiêm trọng trước những người bạn học, đã làm lật đổ đi niềm tự tin và sự tự hào, kiêu hãnh bấy lâu nay của anh. Tài năng cá nhân thôi vẫn chưa đủ nó vẫn bị khuất phục bởi tinh thần tập thể. Cú sốc thứ hai như giáng vào lòng tự trọng của Maverick khi anh và tất cả các học viên trong lớp biết được câu chuyện về cha anh, cũng là một phi công tài năng nhưng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong một lần tác chiến khiến những đồng đội bên ông phải bỏ mạng. Và đỉnh điểm của sự đấu tranh tâm lý của nhân vật Maverick là trong một lần tham chiến cùng người bạn thân đã đồng hành cùng anh rất lâu - Goose đã hy sinh. Từ đây, anh luôn trách bản thân mình vì đã gây ra cái chết ấy mặc dù tòa án đã tìm được nguyên nhân không phải do anh. Vì nhận ra phẩm chất và cho rằng sau cú sốc lớn về tâm lý này anh sẽ trở nên kỷ luật, cấp trên vẫn tiếp tục cho anh bay lượn. Và rồi anh không thể nào thoát khỏi cái bóng tâm lý ấy. Cho đến một ngày, anh được cấp trên giao trọng trách cùng với đội của người giỏi nhất đi tham chiến. Sau nhiều nghi ngờ của những người đồng đội khác, Maacerick đã lấy lại được sự bình tĩnh và chiến đấu một cách tuyệt vời, anh đồng đội và kỷ luật hơn cho bản thân. Nhân vật Maverick được “đo ni đóng giày” cho Tom Cruise nên không gì phải bàn cải về sự thể hiện hoàn hảo của nam diễn viên tài ba này. Những đấu tranh tâm lý của nhân vật Maverick cũng phần nào đưa ra bài học cho chính bản thân chúng ta về sự tự tin và kiêu ngạo. Tưởng chừng một bộ phim hành động chỉ có những cảnh chiến đấu khô khan nhưng đâu đó vẫn lồng ghép ý nghĩa, bài học cho mỗi người. Tài năng cá nhân sẽ không bao giờ có thể thắng nổi tinh thần tập thể. Chỉ có kỷ luật mới tạo sự hùng mạnh. Bộ phim sẽ trở nên buồn chán khi không có thêm gia vị của tình yêu. Goose – anh chàng bạn thân nhất của Maverick, anh là anh chàng vui tính và anh đã có gia đình, một gia đình vui vẻ kiểu Mỹ. Anh và Maverick là cặp đôi tham chiến từ lúc ở Không Quân Hoa Kỳ. Chuyển sang trường Top Gun, họ vẫn tiếp tục là đồng đội của nhau. Mặc dù Maverick là một anh chàng cá tính, liều lĩnh nhưng anh vẫn luôn ở bên cạnh tham chiến cùng người bạn của mình. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta gặp được tri kỉ trong đời. Tình bạn của Goose và Maverick cũng vậy. Anh cảm thấy nguy hiểm khi bay nhưng anh không bao giờ bỏ rơi anh bạn của mình. Để rồi không may, tai nạn đã xảy ra với anh. Cả trường quân sự đều thấy thương tiếc cho anh. Và không ai khác người đau khổ nhất là Maverick, cái chết của anh coi như là cột mốc lớn nhất tạo ra sự thay đổi cho nhân vật do Tom cruise thủ vai. Tình đồng đội còn thể hiện và là chi tiết khiến tôi rất nhớ, khi Iceman nhân vật đứng đầu trường Top Gun, an ủi Maverick, cả trường đều buồn và thương tiếc cho Goose. Mặc dù họ cạnh tranh nhau nhưng tình người, tình đồng đội vẫn luôn trong họ. Bộ Phim không hề có nhân vật phản diện và những trò chơi khăm nhau trong trường. Top Gun chỉ tập trung vào diễn biến tâm lý của nhân vật. Không chỉ Maverick mà còn những người xem phim cũng sẽ nhận ra tình đồng đội đáng quý biết bao. Tinh thần tập thể được đề cao trong trường Top Gun. Charlie là một nữ chuyên viên cũng như là giảng viên của trường Top Gun, một nữ chuyên viên xinh đẹp, bản lĩnh. Tuy rằng bộ phim tập trung vào diễn biến tâm lý của Maverick nhưng với tôi, cô thể hiện cho hình tượng một cô gái tuyệt vời, xinh đẹp, lại giỏi giang, trở thành chuyên viên phân tích đường bay, giảng viên cho những người không quân giỏi nhất. Chuyện tình của cô và Charlie bắt đầu ở một quán bar, khi cả hai người không biết danh tính của nhau. Và rồi họ gặp nhau trong trường, tình cảm của họ bắt đầu nảy nở. Những cảnh xuất hiện của cả hai được khéo léo thể hiện trên nền nhạc “Take My Breath Away”, làm người xem cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn khi trải qua cảm xúc nghẹt thở của những trận chiến trên không. Tưởng chừng câu yêu của họ suôn sẽ nhưng không, tình yêu giữa cậu học trò bướng bỉnh và giảng viên xinh đẹp cũng gặp nhiều khó khăn và rào cản. Họ cũng trải qua những khó khăn và vấn đề của riêng mình. Nhưng cả Maverick và Charlie đều dành vị trí của nhau trog trái tim chân thành. Họ xa nhau nhưng sau tất cả họ cũng về với nhau. Cuộc gặp gỡ tạo sự kết thúc nhẹ nhàng cho Top Gun. Tuy sự có mặt của nhân vật khác chỉ xuất hiện rất ít trong phim nhưng họ vẫn để lại những dấu ấn riêng. Vợ của Goose cho chúng ta một cảm giác thân thiện, vui vẻ, khi Goose qua đời, cô khóc nhưng vẫn thể hiện sự mạnh mẽ của người phụ nữ Mỹ. Tiếp theo là nhân vật sỹ quan Mike Retcalf, ông là sỹ quan giỏi, trên thế giới khó có người thứ hai. Ông phải vệ bí mật quân sự về cha của Maverick nhưng ông vẫn giúp đỡ anh và tiết lộ bí mật cho anh biết, cha anh không phải là người bỏ mặt đồng đội mà đã hy sinh cho đồng đội của mình. Cuối cùng, nhân vật Iceman, người đứng đầu Top Gun, với dáng vẻ ngông cuồng, có lẽ ai cũng cho rằng anh rất khó thân thiện, nhưng với tôi anh là một con người có tính đồng đội cao, sự kỷ luật đã đưa anh trở thành người đứng đầu. Những câu nói của anh dành cho Maverick không là lời trêu chọc mà là nói lên những sự nguy hiểm của Maverick trong cách chiến đấu. Trong sự ra quân cuối cùng, anh cũng nói với sỹ quan Mike về sự có mặt của Maverick. Câu nói khá ấn tượng, anh không hề mang tính cá nhân, trong một nhiệm vụ lớn, Maverick lại vừa có tâm lý không tốt. Tất nhiên sự nghi ngờ sẽ có, Iceman tôn trọng tính đồng đội và sự an nguy của cả tập thể. Từng nhân vật dù vai chính hay chỉ đóng góp một phần nhỏ trong phim đều thể hiện rất tốt, đem lại dấu ấn khác nhau cho người xem. Bộ phim là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình ảnh người chiến binh đầy dũng cảm trên không và câu chuyện tình yêu lãng mạn như sự hòa quyện giữa cương và nhu. Những góc quay sáng tạo làm bộ phim trở nên hồi hộp trong những pha chiến đấu. Top Gun tuy rằng không phải bộ phim quá hoàn hảo nhưng lại một bộ phim đầy thành công trong việc xây dựng một hình ảnh đẹp mạnh mẽ và đầy quyến rũ của người không quân đã tác động lớn đến giới trẻ ở Mỹ và nhiều nước trên Thế Giới. Bên cạnh đó từ nhạc phim, phong cách của các nhân vật trong phim cũng trở nên nổi tiếng vào năm 1986. Top Gun còn là bộ phim giúp Tom Cruise vụt sáng trở thành một ngôi sao phim hành động lớn. -
Onward (2020)
- 0 downloads
Onward là bộ phim xen kẽ phù thủy với hiện đại, nhưng cũng không hẳn là phim đầu tiên lấy bối cảnh hiện tại xen kẽ phép thuật, tuy nhiên nếu xét về vai trò hiện đại và phép thuật thì với Onward đã làm rất tốt với vai trò về gia đình, quá khứ và phép thuật. Không chỉ có thế, Onward lấy giá trị nhân sinh, tình cảm, mâu thuẫn giữa anh em và sự nương nhờ, đồng tính, chủng tộc đưa vào trong phim như một sự trọng tâm, một điều nữa là Onward cũng lấy giá trị đi tìm năng lực của bản thân mà đã bị lãng quên, điều này khá là nói rõ ràng, như các nhân vật “ông tiên nhỏ”, và cô nàng The Manticore chưa bao giờ biết bay. Khi đó, Barley là người truyền năng lực cho việc đi tìm những điều quá khứ, hoặc là khả năng mỗi con người, mỗi người điều có khả năng gì đó mà đã bị lãng quên hoàn toàn, hoặc là bản chất tôi là ai, tôi là ai, tôi có nên đi tìm lại bản thân mình không? Chính vì điều này mà bộ phim Onward giành được lòng người rất cao, bởi đây là điều cốt lõi mà Onward đã truyền tải, trọng tâm của bộ phim. Khi cả hai nhóc Barley và Ivan tới để gặp The Manticore tìm bản đồ, The Manticore đã như hóa điên khi chính bản thân cô đã đánh mất giá trị bản thân vốn sẵn có và khả năng bẩm sinh của mình nên cô đã biết rằng mọi thứ hiện tại đã đi quá xa mà so với nguyên thủy vốn có của cô, cô là ai? Nên cô đã nổi điên, làm mọi thứ tan tành. The Manticore đã thật sự tìm lại bản thân cô khi cô tìm lại thanh kiếm và bay lên trời, chiến đối với con rồng, đó mới thật sự là bản chất thật sự của cô, so với thời hiện đại, cô không còn là cô khi thế giới nguyên thủy là phép thuật, phưu lưu, chiến đấu đã biến mất, nhường chỗ cho những cỗ máy. Đó mới thật sự gọi là sự biến mất của nền văn minh quá khứ, đôi khi chúng ta cần phải bảo tồn, thậm chí trong cảnh phim Barley đã ngăn cản mọi người đập phá di tích của nền văn minh cũ, đó là những bộ phim muốn truyền tải. Bộ phim Onward không dừng lại ở đó, thêm vào một việc thiếu thốn tình cảm của người cha dù có người cha dượng, yếu kém trong giao tiếp, gầy gò, thể lực kém, và mọi thứ không đủ tự tin để làm như Ivan, sẽ không bao giờ dám mạo hiểm như người anh trai, như việc lái xe là minh chứng cho việc cậu sợ hãi như thế nào, nhưng cũng may nhờ anh trai khuyến khích và là người tạo ra động lực đã khiến cho cậu trở nên tự tin hơn tất cả mọi thứ. Rào cản tâm lý có thể vượt qua nếu chúng ta có một người động viên hoặc chính chúng ta động viên là thứ cốt yếu mà phim Onward đã nhắc, lập đi lập lại để nhắc nhở mọi người hãy mạo hiểm, vượt qua mọi thứ dù bản thân gặp bệnh tật hay bất cứ gì đó thì hãy vượt qua nó và hãy thực hiện giấc mơ, đừng để mọi thứ quá muộn. Phim Onward đã gợi cho mình về các game thể loại Nhập Vai (RPG) mà mình đã từng chơi trước kia, khi mà hai anh em Barley và Ivan bước qua cây cầu, đi đến địa bàng mới, đi vào bên trong hang động, vượt qua những bãy, đánh bại con rồng, thi triển phép thuật, đó là thứ gây cho mình cảm giác mạnh, mạnh đến nỗi mình xem xong bộ phim phải search game nào đó chơi để tìm lại cảm giác. Chính vì thế mà Onward đã nổi bật, tạo ra nguồn cảm hứng mà người xem muốn chơi game, chủng tộc là thứ quan trọng trong bộ phim, đó cũng là thứ mà Onward nhấn mạnh một lần nữa sau chủ nghĩa cá nhân, khi mà nước Mỹ đang trong tình trạng phân biệt chủng tộc nặng nề và bộ phim muốn nhắc nhở tất cả mọi chủng tộc điều bình đẳng, điều có thế mạnh riêng. The Manticore là tượng trưng cho nữ cường, cũng là lesbian, khó có thể chấp nhận nổi nhân vật này phải không? Nhưng nếu bạn để ý trong tình tiết khi The Manticore lên xe của Laurel và nói “tôi thích cô rồi đấy.” cũng như mọi hành động có phần mạnh mẽ và thích thú với Laurel chính là nó. Nói hơi phiến diện thế thôi chứ mọi người có thể nghĩ kiểu khác cũng được, chỉ là mình thấy trong cuối cảnh của bộ phim, trong quán của The Manticore thì có hai nhân vật nữ cạnh nhau chụp ảnh mấy đứa con đang nghe kể truyện, và kể lần đầu tiên hai anh em nhà Lightfoot bước chân vô cũng đã thấy hai người mẹ này đang chụp ảnh. -
Zombie (1979)
- 0 downloads
Bộ phim bắt đầu với một chiếc tàu ma quái cập bến New York, trên tàu có một người chết sống lại. Cảnh sát và bác sĩ được gọi đến để điều tra và phát hiện rằng người này đã bị nhiễm một loại virus kỳ lạ biến họ thành zombie. Một nhà báo tên là Peter West (Ian McCulloch) và một người bạn tên là Anne Bowles (Tisa Farrow) điều tra nguồn gốc của loại zombie này và tìm thấy một cuốn nhật ký của bác sĩ, cho thấy sự liên kết với một hòn đảo nhiệt đới ở Caribbean. Cùng với nhóm thám hiểm, họ lên đường đến hòn đảo này để tìm hiểu nguyên nhân. Tại hòn đảo, nhóm thám hiểm phát hiện ra rằng các cư dân địa phương đã bị biến thành zombie bởi một bác sĩ điên cuồng, người đang thực hiện những thí nghiệm quái đản để chữa bệnh và bất tử. Những cư dân này đã bị biến đổi thành zombie và bắt đầu tấn công bất cứ ai đến gần. Khi nhóm thám hiểm cố gắng rời khỏi hòn đảo, họ phải đối mặt với những xác sống khát máu và những thử thách tàn khốc. Phim xây dựng bầu không khí căng thẳng và ghê rợn, với nhiều cảnh hành động và bạo lực nổi bật. -
Justice League Dark: Apokolips War (2020)
- 0 downloads
"Justice League Dark: Apokolips War" (2020) là một bộ phim hoạt hình siêu anh hùng của DC, được đạo diễn bởi Matt Peters và Christina Sotta. Đây là phần tiếp theo của "Justice League Dark" (2017) và là một phần trong chuỗi phim hoạt hình DC Animated Movie Universe. Phim tiếp tục câu chuyện về cuộc chiến chống lại Darkseid và thế lực của hắn. -
Top Gun: Maverick (2022)
- 0 downloads
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhắc đến Top Gun (1986) là một bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp của nam tài tử Tom Cruise; hay phong cách thời trang gắn liền với thanh thiếu niên thời điểm đó như chiếc áo bomber, kính Aviator… Thậm chí theo thống kê của Hải Quân Mỹ vào năm 1987 – tức một năm sau khi bộ phim công chiếu – số lượng thanh niên tình nguyện đăng ký nhập ngũ đã tăng lên tới 500% so với những năm trước đó. Thành công của Top Gun (1986) vượt ngoài sức tưởng tượng, trở thành một di sản văn hóa đại chúng của người dân Mỹ. Vì vậy, khán giả lo sợ họ sẽ phải xem một phần hậu truyện nhạt nhòa, thiếu sức sống và ăn theo phiên bản năm 1986. Song Top Gun: Maverick (2022) đã vượt xa kỳ vọng của khán giả và giới phê bình, trở thành một hiện tượng phòng vé vào thời điểm ra mắt. Nhà phê bình chính của trang Variety là Peter Debruge còn khẳng định rằng bản thân cũng bị sốc khi yêu thích tác phẩm này. Bộ phim dẫn ta tới chàng Maverick điển trai ngày nào giờ đây đã là một anh lính già sắp nghỉ hưu. Trong khi bạn bè đã trở thành những vị Tướng hay Đô đốc thì anh vẫn còn giữ chức Đại tá và né tránh việc được thăng chức. Trong một nhiệm vụ đặc biệt, Maverick được điều trở lại lực lượng không quân tham gia một chiến dịch bất khả thi. Tuy nhiên lần này anh sẽ không trực tiếp tham chiến mà phải đào tạo cho những phi công trẻ. Tại đây anh gặp con trai của một chiến hữu đã hy sinh trong quá khứ và điều này làm anh khó xử. Đó là quá khứ tội lỗi mà anh cần buông bỏ và tha thứ cho chính mình. Top Gun: Maverick (2022) là một câu chuyện đơn giản, một motip thường thấy của những bộ phim chủ nghĩa anh hùng dân tộc Mỹ vào những năm 70- 80 của thế kỷ trước: một anh hùng dân tộc bị quên lãng hay thất thế tìm cách chứng minh lại bản thân sau những sai lầm của quá khứ. Rõ ràng về mặt cấu trúc, Top Gun: Maverick không quá đặt nặng việc giải quyết những mâu thuẫn cá nhân hay vấn đề về mặt cảm xúc nhân vật. Điểm sáng lớn nhất giúp bộ phim duy trì được nhịp điệu căng thẳng của mình là những trải nghiệm của nhân vật khi đối mặt với khó khăn và thử thách. Một mặt, Maverick cần huấn luyện những phi công trẻ này thành công trong một nhiệm vụ bất khả thi – cho dù họ là những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Mặt khác, anh cần giải quyết mối bất hòa của mình với Rooster – con trai của người đồng đội đã hy sinh – cũng như tìm cách tha thứ cho sai lầm của bản thân mình. Với một cấu trúc và nội dung đơn giản như vậy, Top Gun: Maverick rất có khả năng đi theo vết xe đổ của những bộ phim hậu truyện đã thất bại khác. Song điều đó đã không xảy ra, khi bộ phim sở hữu một cốt truyện vững chắc làm nền tảng. Sự cân bằng giữa các nhân vật cũng rất quan trọng, khi bộ phim khai thác tất cả tính cách của những nhân vật phụ đủ để mà không hoàn toàn tập trung vào Maverick. Từ đó, những nhân vật trong phim hiện lên với những tính cách rõ ràng và không bị mờ nhạt hay lép vế trước một Maverick huyền thoại. Đó là một Jake “Hangman” Seresin kiêu ngạo nhưng tài năng, một Bradley “Rooster” Bradshaw luôn hết mình vì đồng đội nhưng bảo thủ, và một Pete “Maverick” Michell huyền thoại nhưng không hoàn hảo. Tất cả những nhân vật đó đều có khiếm khuyết và điều đó đã giúp họ giống một nhân vật gần gũi mà ta dễ dàng bắt gặp ngoài đời hơn trong điện ảnh. Bên cạnh đó, đạo diễn Joseph Kosinski đã khéo léo lồng ghép những chi tiết hồi tưởng có chủ đích, để từ đó thúc đẩy những nhân vật tiến tới giải quyết những vấn đề mà bản thân mình còn thiếu sót. Mặt khác, sức hấp dẫn lớn nhất của bộ phim đến từ những phân cảnh hành động. Mặc dù gần như cả bộ phim, khán giả sẽ không được chứng kiến kẻ thù của những phi công là ai. Tất cả chỉ được mô phỏng qua mô hình địa hình mà họ cần luyện tập. Mãi cho tới khi bộ phim gần kết thúc, ta mới thấy 3 chiếc chiến cơ tối tân của kẻ thù xuất hiện. Việc sử dụng những góc máy từ trên cao để quay cảnh bay lượn của chiếc máy bay trong những phân cảnh luyện tập hoặc chiến đấu, rồi đột ngột chuyển sang góc nhìn thứ nhất trực tiếp vào khuôn mặt những phi công làm khán giả trở nên căng thẳng. Đó là khi Coyote ngất xỉu trong quá trình luyện tập và chiếc máy bay lao thẳng xuống đất; là khi Hangman và Rooster phải luyện tập cách chịu áp lực của lực G khi phải lao máy bay thẳng đứng tránh những ngọn núi; là lúc Rooster phóng quả tên lửa vào mục tiêu hay lúc Maverick phải đối mặt với không quân địch. Tom Cruise và toàn bộ đoàn làm phim đã phải trải qua những giờ tập bay căng thẳng thực sự và đạo diễn Joseph Kosinski cũng rất tiết chế sử dụng CGI trong tác phẩm của mình. Sự chân thực đến trần trụi khi khán giả liên tục chịu những cú “xô đẩy” vô hình từ những cú lia máy chóng mặt, tới những khung hình bị đảo lộn trong buồng lái. Cùng với đó là tiếng gió rít và động cơ đã cho chúng ta cảm giác như thể chính mình đang điều khiển chiếc F-18 trong đội hình bay của Maverick vậy. Sự chân thực ấy đã tạo nên một không khí căng thẳng nghẹt thở từ đầu cho tới cuối bộ phim, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Nhà phê bình phim Peter Debruge đã viết, rằng không gì trong Top Gun: Maverick làm bạn ngạc nhiên, ngoại trừ việc nó làm gần như tất cả những điều mà khán giả muốn và mong đợi nó làm tốt như thế nào. Thực vậy, bằng sự khéo léo và tài tình, cùng thái độ làm việc nghiêm túc, nỗ lực không mệt mỏi, Top Gun: Maverick (2022) đã tránh được cái bẫy chết người của một phần hậu truyện dễ mắc phải. Tác phẩm giống như một buổi tiệc chiêu đãi khán giả sau nhiều năm chứng kiến những tác phẩm hậu truyện nửa vời và nhạt nhòa. Cho dù khán giả chưa từng xem phần đầu của tác phẩm cũng hoàn toàn có thể nắm được nội dung và thưởng thức nó như một tác phẩm độc lập hoàn chỉnh. Top Gun: Maverick (2022) là một trong những ứng viên nhận được đề cử giải Oscar cho “Phim xuất sắc nhất” năm 2023. Và đứng trước những “đối thủ” sừng sỏ khác, liệu chàng phi công Maverick có thể chiến thắng thêm một lần nữa hay không? Chúng ta cần phải chờ tới ngày 13/3 năm nay để tìm câu trả lời cho chính mình. -
The Mask of Zorro (1998)
- 0 downloads
Hình tượng người hùng trừ gian diệt bạo, chống lại cường quyền và giúp đỡ dân nghèo xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim của Hollywood. Một trong số những người hùng đó là Zorro. Zorro là một nhân vật hư cấu do nhà văn Johnston McCulley xây dựng từ năm 1919. Nhân vật mang tính biểu tượng cao này đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học, kịch và phim truyền hình từ đó tới nay. Vì thế, thật dễ hiểu khi các nhà làm phim Hollywood quyết tâm đưa nhân vật đầy hấp dẫn này lên màn bạc. Và The Mask of Zorro (Mặt nạ của Zorro) đã ra đời. Sau nhiều năm trừ gian diệt bạo, người hùng Zorro đã bắt đầu bước vào ngưỡng tuổi già. Trong một lần hành động, ông vô tình để lộ thân thế. Cái giá phải trả rất đắt: vợ ông bị sát hại, con gái bị bắt cóc và bản thân Zorro bị cầm tù. 20 năm sau, Zorro vượt ngục và nung nấu quyết tâm trả thù và tìm lại cô con gái. Việc đầu tiên ông phải làm là tìm một môn đồ, người sẽ tiếp bước ông để trở thành Zorro. The Mask of Zorro được coi là bộ phim hay nhất về nhân vật anh hùng này. Bộ phim có kịch bản chặt chẽ, nhiều nút thắt mở gây bất ngờ. Xen kẽ trong cả bộ phim là những pha đuổi bắt trên lưng ngựa ở tốc độ cao, những màn đọ kiếm nảy lửa và những pha đấu trí căng thẳng. Thành công của The Mask of Zorro còn những diễn xuất của bộ ba diễn viên tài năng bậc nhất tại Hollywood: Antonio Banderas, Catherine Zeta-Jones và Anthony Hopkins. Với một tác phẩm rực lửa, lôi cuốn và hấp dẫn từ đầu đến cuối như The Mask of Zorro (Mặt nạ của Zorro), khán giả yêu thích phim hành động chắc chắn sẽ có cảm giác thỏa mãn và hài lòng. -
Maleficent: Mistress of Evil (2019)
- 0 downloads
Ở phần hai của phim ăn khách Maleficent (2014), nàng tiên do Angelina Jolie đóng tiếp tục gắn bó với con gái nuôi Aurora (Elle Fanning). Tuy nhiên, quan hệ giữa họ rạn nứt khi Aurora thông báo sắp cưới hoàng tử Philip của nước láng giềng. Dù ban đầu phản đối cuộc hôn nhân, Maleficent sau đó nhún nhường vì hạnh phúc của con gái, đồng thời chấp nhận cơ hội kết giao giữa xứ tiên và xứ người vốn không đội trời chung. Tuy nhiên, tiên hắc ám vẫn rơi vào cái bẫy của hoàng hậu Ingrith, dần mất kiểm soát và bị ám hại. Maleficent được tộc tiên cứu sống, phát hiện những sinh vật cùng giống loài với cô đang sống chui lủi vì sự săn đuổi của con người. Vì sự chèn ép của loài người, Maleficent sát cánh cùng tiên tộc chiến đấu. Cô trở thành sứ giả hòa bình của hai nước. Trang The Verge nhận xét Maleficent: Mistress of Evil đã hoàn toàn thoát khỏi cốt truyện Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng) từng tạo cảm hứng cho phần một. "Bộ phim tựa một câu chuyện ngụ ngôn, gửi gắm thông điệp phản đối chiến tranh, khuyến khích con người thuộc các chủng tộc khác nhau chung tay xây dựng hòa bình", chuyên gia của trang này viết. Phim còn đề cao tính nữ quyền khi để hai chiến binh nữ - Maleficent và nữ hoàng Ingrith - đứng đầu hai chiến tuyến. Diễn xuất của Angelina Jolie thu hút khán giả. Ngoài vẻ lạnh lùng, quyền uy, phần 2 khắc họa những khía cạnh con người hơn của tiên hắc ám. Maleficent học cách giao tiếp, mỉm cười với con người, chấp nhận dùng khăn che đi cặp sừng của mình khi gặp gỡ để bàn bạc về cuộc hôn nhân của con gái. Nội tâm nhân vật thể hiện rõ qua đôi mắt, đặc biệt trong cảnh tiễn đưa đồng loại đã khuất hay lúc thấy con gái Aurora gặp nguy hiểm. Hoàng hậu Ingrith do Michelle Pfeiffer thể hiện sinh động, biến hóa tốt trong các cảnh quay. Nhân vật có vẻ ngoài phúc hậu nhưng che giấu nhiều âm mưu độc ác bên trong. Khi đã "ngửa bài" với mọi người, Ingrith để lộ vẻ nham hiểm qua từng cái lườm nguýt, bĩu môi, nhíu mày và những câu thoại hằn học. Aurora của Elle Fanning không có nhiều đất diễn so với hai nhân vật còn lại trong bộ ba nữ chính. Tuy nhiên, so với phần một, công chúa xinh đẹp chủ động hơn trong việc tìm kiếm hạnh phúc, đấu tranh vì lợi ích của xứ tiên. Tuyến nhân vật phụ như ba bà tiên tí hon Knotgrass (Imelda Staunton), Thistlewit (Juno Temple) và Flittle (Lesley Manville), quạ Diaval (Sam Riley) tiếp tục gây cười cho khán giả bằng nhiều câu thoại ngô nghê. Phim gân ấn tượng với khán giả ở phần kỹ xảo đẹp mắt, do hai hãng Move Picture Company và Mill Film thực hiện. Thế giới thần tiên với cây cỏ, núi non hiện lên sinh động. Các cảnh chiến đấu diễn ra đẹp mắt, hùng tráng. Tạo hình của các nhân vật đa dạng, phù hợp tính cách. Maleficient không chỉ bó mình trong áo choàng đen, mà có lúc xuất hiện với váy bó, xẻ cao khoe vóc dáng. Đôi cánh của Maleficent khá chân thật trong cảnh quay cận. Aurora diện nhiều trang phục lấy cảm hứng từ hoa cỏ, với các gam xanh, hồng pastel, phù hợp tính cách của công chúa ngây thơ. Mỗi nhân vật trong tộc tiên có cặp sừng, đôi cánh với màu sắc, hình dáng khác nhau, không tạo cảm giác lặp lại và nhàm chán. Các yếu tố giả tưởng khiến Maleficent 2 hấp dẫn không kém các tác phẩm Jupiter Ascending (2015) hay Valerian và City of a Thousand Planets (2017). Âm nhạc trong phim, dưới bàn tay của Geoff Zanelli, biến tấu lúc trầm bổng, nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ. Nhờ đó, tác phẩm tạo ra không khí tươi sáng, bớt u ám hơn phần một. -
Mortal Kombat Legends: Scorpion's Revenge (2020)
- 0 downloads
Hanzo Hasashi loses his family during an attack by a rival clan the Lin Kuei. He is given the chance to compete in an inter-dimensional tournament to save his loved ones while other fighters try to save the Earth realm from annihilation. -
Beauty and the Beast (2017)
- 0 downloads
Beauty and the Beast là một bộ phim xuất sắc cả về hình ảnh và nội dung. Được làm lại từ phiên bản hoạt hình năm 1991, Beauty and the Beast chỉ thêm rất ít chi tiết khác với nguyên tác, khiến phim trở nên thân thuộc và gần gũi hơn với thời đại mới. Hình ảnh trong phim được Disney đầu tư vô cùng công phu. Lâu đài của quái vật trong phim được xây dựng thật ngoài đời, chỉ để phục vụ cho bộ phim. Từng cảnh quay và kĩ xảo khiến người xem vô cùng choáng ngợp, từ ngọn đồi xanh ngút tầm mắt ở thị trấn nơi Belle ở, lâu đài với hàng triệu ánh nến lung linh, ánh bình minh rọi qua lâu đài đang chuyển mình, đến khung cảnh tuyệt đẹp khi giai điệu “Be Our Guest” vang lên,… Màu phim khá tối so với tưởng tượng của tôi, nhưng không vì thế mà kém phần lung linh huyền ảo. Nhạc phim đậm tính nhạc kịch lộng lẫy rực rỡ quá đỗi, mang lại cảm giác choáng ngợp cho người xem. Ngoài những bài đã gắn liền với tác phẩm như “Belle”, “Beauty and the Beast” hay “Be Our Guest”.., nhiều bài hát mới được viết thêm, góp phần truyền tải cảm xúc nội tâm của các nhân vật. Với hình tượng Belle, Disney đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về nữ quyền ở thế kỉ 21. Hình tượng này rõ nét và để lại ấn tượng hơn hình tượng Belle của nguyên tác hoạt hình. Một cô gái khác biệt với vẻ đẹp nội tâm. Một cô gái yêu thương hiếu thảo hết mực. Một cô gái thông minh, lãng mạn, có tình yêu lớn với sách và những con chữ. Một cô gái giàu tình yêu thương, luôn muốn giúp đỡ mọi người. Một cô gái có phần cứng đầu và luôn làm theo điều trái tim mách bảo. Một cô gái mạnh mẽ, không hề biết sợ hãi. Một cô gái yêu tự do, luôn tò mò và không ngừng khát khao khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Một cô gái dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn muốn được làm chủ cuộc sống của chính mình… Tình yêu trong Beauty and the Beast chắc chắn là một hình mẫu lý tưởng. Tình yêu xuất phát từ những tâm hồn đồng điệu, cùng chung sở thích, cùng cảm thông về quá khứ của nhau và cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc hiện tại. Tình yêu vượt lên trên định kiến, vượt lên những ấn tượng ban đầu. Tình yêu đủ lớn, đủ mãnh liệt để thay đổi con người, giúp họ tìm lại bản thân đã đánh mất. Tình yêu cứu rỗi con người. Các diễn viên được lựa chọn cũng rất giống với nguyên tác. Emma Watson xuất hiện xinh đẹp trong từng cảnh phim. Dường như Belle thông minh cá tính ấy cũng chính là một phần trong Emma. Dan Stevens (vai quái vật) chỉ xuất hiện rất ít ở cuối phim nhưng đủ khiến người xem ấn tượng với đôi mắt sâu thẳm hút hồn. Luke Evans và Josh Gad cũng rất thành công với vai Gatson và LeFou. Một bộ phim làm lại từ nguyên tác tất nhiên sẽ không tránh khỏi việc bị so sánh với nguyên tác. So với bản hoạt hình, bộ phim đã khéo léo lồng vào giây nhỏ cho cảnh gay, không hề gượng gạo hay khó coi mà vô cùng ăn ý với toàn bộ phim. Bản live action cũng có thêm chi tiết về quá khứ của Belle và quái vật với nỗi đau mất mẹ từ nhỏ. Ta như thấy được góc khuất nội tâm của cả hai. Tình yêu của hai người xuất phát từ những cảm xúc đồng điệu nên cũng vì thế mà hợp lý và tự nhiên hơn. So với nguyên tác, tôi khá thích phần Belle tâm sự với quái vật vào buổi sáng tuyết phủ và sau khi hai người khiêu vũ, nó bộc lộ rõ hơn tâm hồn của Belle và khiến quyết định trở về gặp lại cha của Belle ít gượng hơn nguyên tác. Khi Belle đã rời đi, nguyên tác có một câu tôi rất thích và muốn được nghe lại ở bản mới, câu quái vật trả lời lí do để Belle đi: “Vì ta yêu nàng.” Một câu nói đánh dấu sự thay đổi trong tâm hồn của anh, một trái tim đang yêu, yêu đến mức chấp nhận chịu tổn thương vì người mình yêu. Nhưng ở bản mới, tôi khá thất vọng vì người nói câu đó lại là bà Potts (ấm trà). May thay, ngay sau đó, cảnh quái vật hát với cảm xúc thật từ tận đáy lòng có chút vớt vát lại nỗi thất vọng của tôi. Emma rõ ràng rất hợp với vai Belle, nhưng biểu cảm và cách diễn của Emma dường như có phần thiếu phong phú và hơi đơ. Diễn xuất mà tôi thích nhất trong phim có lẽ là của Luke và Josh. Ở cuối phim bản mới, khi tất cả đều được trở lại làm người, mỗi người đều có hạnh phúc với gia đình nhỏ của riêng mình. Bản mới đã nâng định nghĩa hạnh phúc lên một tầm mới. Hạnh phúc không chỉ là có cơ hội trở lại làm người, mà còn là được yêu thương, chăm sóc với tư cách là con người. Hạnh phúc không chỉ tập trung ở cặp đôi chính mà lan toả rộng khắp, mang sự ấm áp đến tất cả mọi người. Beauty and the Beast là một bộ phim đáng để bạn bỏ tiền ra rạp xem, để một lần nữa bước vào thế giới cổ tích tuyệt đẹp, ngân nga giai điệu đã thuộc lòng từ bé, và lắng nghe câu chuyện mãi trường tồn với thời gian. Vẫn biết cổ tích chỉ là một giấc mơ, nhưng Beauty and the Beast không phải một giấc mơ hão huyền, mà là một giấc mơ mọi cô gái đều hoàn toàn có thể theo đuổi và nắm bắt – giấc mơ về một cuộc sống tự do được là chính mình, về một cuộc sống bản thân được làm chủ, không phải phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng của bất kì ai. -
Ip Man 4: The Finale (2019)
- 0 downloads
Năm 1964, sau khi vợ là Trương Vĩnh Thành qua đời vài năm, Diệp Vấn phát hiện ra mình bị ung thư vòm họng do hút thuốc. Sau khi người con trai Diệp Chính phản kháng chống lại một học sinh côn đồ và bị đuổi học, Diệp Vấn quyết định đến San Francisco để tìm cho con một trường học tốt hơn. Tại đây, đệ tử cũ của ông là Lý Tiểu Long đã làm đảo lộn giới võ thuật người Hoa bằng cách mở một võ đường Vịnh Xuân quyền, dạy võ cho người Mỹ và viết một cuốn sách tiếng Anh về võ thuật.[5] Diệp Vấn biết được rằng nếu muốn cho con mình nhập học tại đây thì phải có thư bảo lãnh từ Tổng hội người Hoa. Vạn Tông Hoa, Hội trưởng Tổng hội người Hoa, từ chối viết thư bảo lãnh vì Diệp Vấn không đồng ý việc ép buộc Lý Tiểu Long phải theo quy tắc của giới võ thuật người Hoa bảo thủ. Trong khi rời khỏi trường học sau cuộc gặp mặt hiệu trưởng, Diệp Vấn tình cờ gặp Vạn Nhược Nam, một nữ sinh người Hoa, và giải cứu cô khỏi nhóm bạn côn đồ do Becky Walters, một thành viên đội cổ vũ, cầm đầu. Khi đưa Nhược Nam về, Diệp Vấn mới biết cô chính là con gái của Vạn Tông Hoa. Tông Hoa chỉ trích Diệp Vấn đã sử dụng con gái mình để lấy lòng mình và tìm cách xin thư bảo lãnh. Ông thách đấu Diệp Vấn và cuộc giao đấu giữa hai cao thủ Vịnh Xuân quyền và Thái cực quyền diễn ra bất phân thắng bại, chỉ dừng lại khi có một trận động đất xảy ra. Diệp Vấn nói rõ là ông chỉ muốn hộ tống Nhược Nam về nhà an toàn, sau đó ông ra về. Trong lúc bắt nạt Nhược Nam, Becky vô tình tự cắt vào mặt mình bằng một cây kéo nhưng lại đổ tội cho Nhược Nam cố tình hại mình. Andrew Walters, bố của Becky đồng thời là quan chức của Sở Di trú và Nhập tịch, đã gây áp lực cho Tổng hội người Hoa, bắt buộc họ chịu trách nhiệm và sẵn sàng trục xuất bất cứ người Hoa nào liên quan đến vụ việc trên. Hartman Wu, một Trung sĩ người Mỹ gốc Hoa trong lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, cố gắng thuyết phục Trung sĩ Barton Geddes đưa võ thuật Trung Hoa vào huấn luyện cận chiến tay không. Tuy nhiên, Geddes cho rằng Karate hiện tại của Thủy quân lục chiến là mạnh nhất và yêu cầu Hartman giao đấu với người huấn luyện viên Colin Frater. Hartman bị đánh bại một cách dễ dàng. Tuy vậy, anh vẫn không nản chí mà tìm cách thuyết phục sĩ quan chỉ huy về điều tương tự và được yêu cầu quay phim lại những màn biểu diễn võ thuật của cộng đồng người Hoa tại lễ hội Trung thu để chứng minh cho lập luận chống lại Geddes. Geddes đề nghị Frater thách đấu các võ sư người Hoa tại lễ hội để làm mất mặt họ. Frater kiêu ngạo đánh bại vài người trong số những võ sư người Hoa cho đến khi Diệp Vấn can thiệp và đánh bại hắn. Trong khi đó, Tông Hoa bị các sĩ quan Sở Di trú bắt đi nên không thể có mặt tại lễ hội. Khi thấy Frater bị đánh đến nỗi nhập viện, Geddes tức giận xông vào Tổng hội người Hoa để tìm Tông Hoa và đánh gục nhiều võ sư ở đây. Sau đó Geddes đe dọa Walters để được phép chuyển Tông Hoa đến căn cứ Thủy quân lục chiến trước khi buộc Tông Hoa giao đấu với hắn. Nghe lời khuyên của Billy, một đệ tử của Tiểu Long, những người trong Tổng hội đã trốn thoát kịp thời trước khi các sĩ quan Sở Di trú ập vào để bắt giữ họ. Tiểu Long cũng cung cấp nơi ẩn náu cho các võ sư của Tổng hội, nhờ vậy anh có được sự tôn trọng của họ. Mặc dù võ công cao cường nhưng Tông Hoa vẫn bị Geddes đánh trọng thương. Diệp Vấn gọi điện về Hồng Kông, tiết lộ với người bạn Ba Mập rằng ông bị ung thư, Diệp Chính dù giận cha mình nhưng khi biết tin ông bị ung thư thì rất xúc động và đồng ý nghe cuộc điện thoại của ông. Vì muốn lấy lại danh dự cho võ thuật Trung Hoa nên Diệp Vấn được đưa vào căn cứ Thủy quân lục chiến để giao đấu với Geddes và đánh bại hắn sau một trận đấu dữ dội. Tông Hoa chuẩn bị viết thư bảo lãnh cho Diệp Vấn nhưng Diệp sư phụ nói rằng ông không cần nữa vì ông không còn muốn định cư ở Mỹ, nhận ra đất nước này không giống như ông tưởng tượng. Diệp Vấn quay về Hồng Kông đoàn tụ với Diệp Chính. Ông bảo con trai mình quay phim lại cảnh ông luyện võ với mộc nhân thung. Năm 1972, Diệp Vấn qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 79 tuổi. Tiểu Long cũng có mặt trong đám tang của sư phụ. Dòng chữ cuối phim cho biết lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã chấp nhận đưa võ thuật Trung Hoa vào huấn luyện cận chiến từ năm 2001. -
A Bug's Life (1998)
- 0 downloads
Flik, một con kiến có khả năng sáng chế, sống trong một đàn kiến ở một vùng khô cằn. Đàn kiến được lãnh đạo bởi công chúa Atta và nữ hoàng, mẹ của cô. Bầy kiến bị áp bức bởi một băng đảng châu chấu, đứng đầu bởi Hopper, những kẻ thường ép buộc đàn kiến phải cung cấp thức ăn cho chúng. Một ngày, khi mà toàn bộ thực phẩm dùng để cung cấp cho bầy châu chấu bị rơi xuống dòng nước do phát minh mới của Flik, một chiếc máy gặt tự động, gây ra, bầy châu chấu yêu cầu đàn kiến phải cống nạp gấp đôi như một cách đền bù. Do cảm thấy tức giận và phiền phức với Flik, đàn kiến đã lừa Flik rời tổ bằng cách chấp nhận kế hoạch thuê những "chiến binh bọ" để đánh lại bầy châu chấu của anh. Trong khi Flik thực sự tin tưởng kế hoạch này, những con kiến khác chỉ quan tâm đến việc họ sẽ được giải thoát khỏi Flik và rắc rối. Khi đến được "thành phố", Flik lầm tưởng một gánh xiếc côn trùng vừa bị ông chủ P.T. Flea xa thải là những chiến binh mà anh đang tìm kiếm. Đồng thời, những con bọ này cũng lầm tưởng Flik là một chuyên gia tìm kiếm tài năng và chấp nhận đề nghị đi tới tổ kiến của anh. Khi đến nơi, đàn kiến và Flik nhận ra sự nhầm lẫn của họ khi xem màn biểu diễn chào mừng của bầy kiến. Dưới sự cầu xin của Flik, họ chấp nhận đóng giả những chiến binh để có thể tiếp tục nhận được sự chú ý và hiếu khách từ đàn kiến. Việc đụng độ với một con chim trước đó đã gợi ý cho Flik tạo ra một con chim giả để dọa bầy châu chấu. Trong khi con chim đang được chế tạo, Hopper dạy những con châu chấu khác về việc số lượng kiến áp đảo chúng như thế nào và lo lắng rằng đến một lúc nào đó bầy kiến sẽ chống lại chúng. Khi con chim giả được hoàn thành, đàn kiến tổ chức tiệc ăn mừng. Khi bữa tiệc đang diễn ra, danh tính thật của đàn bọ bị bại lộ khi P.T. Flea đến để tìm chúng. Bị xúc phạm bởi sự dối trá của Flik, đàn kiến trục xuất anh và quay lại thu thập thức ăn cho bầy châu chấu một cách tuyệt vọng. Khi bầy châu chấu nhìn thấy những vật phẩm tầm thường mà đàn kiến giao nộp, chúng chiếm quyền kiểm soát cả đàn kiến, đòi lấy đi thực phẩm dự trữ cho mùa đông của đàn. Sau khi nghe lén được kế hoạch giết nữ hoàng của Hopper, Dot, em gái của Atta, đã đi tìm Flik và nhóm bọ, thuyết phục họ trở lại dùng con chim giả để cứu đàn kiến. Kế hoạch dùng con chim giả gần thành công thì P.T. Flea, lầm tưởng đó là một con chim thật, đã đốt cháy và phá hủy nó. Hopper đánh Flik để trả thù và tuyên bố rằng kiến là loài hạ đẳng và tồn tại là để phục vụ loài châu chấu. Mặc dù vậy, Flik đã đáp trả là loài kiến thực ra là một loài độc lập mà không cần sự giúp đỡ từ châu chấu. Điều này đã cổ vũ toàn bộ đàn kiến và nhóm xiếc bọ đứng lên đánh đuổi bầy châu chấu khỏi tổ kiến. Hopper bị bắt bởi đàn kiến và khi sắp bị cho nổ thì trời bất ngờ đổ mưa. Trong khi đám kiến đang hỗn loạn, Hopper bắt cóc Flik và bay đi. Atta đuổi theo và giải cứu Flik sau khi những nỗ lực của đàn bọ gánh xiếc bị thất bại. Hopper tức giận săn đuổi họ và bị Flik lừa đến tổ của con chim mà anh đã đụng độ trước đó. Nhận nhầm con chim thật là giả, Hopper chế nhạo con chim trước khi hắn bị con chim bắt lấy và trở thành mồi cho chim con. Một thời gian sau, những sáng chế của Flik cuối cùng cũng hoàn thiện và được đàn kiến đánh giá cao. Atta thú nhận tình cảm của mình với Flik. Đàn kiến công nhận Flik như một anh hùng, tổ chức tiệc chia tay với nhóm bọ gánh xiếc và mong rằng họ sẽ tiếp tục đến thăm trong những năm tới. Atta trở thành nữ hoàng và Dot trở thành người thừa kế cho ngôi vị. -
Monsters University (2013)
- 0 downloads
“Monsters University” (MU) là prequel đầu tiên trong lịch sử hãng Pixar, khi đại gia làng hoạt hình này quyết định trở lại quá khứ, trước những sự kiện trong “Monsters, Inc” nhằm cho khán giả được biết khởi đầu tình bạn khăng khít sau này giữa Mike và Sulley. Tại thành phố quái vật Monstropolis, mọi nguồn năng lượng sinh hoạt đều được lấy từ ... tiếng thét của trẻ em. Có những “ông kẹ” chuyên đi hù dọa con nít để lấy năng lượng và rất được trọng vọng. Nhưng để có thể thành công như vậy trong lĩnh vực hù dọa, họ đều từng trải qua những bài học vỡ lòng khó khăn trong MU. Ngôi trường này quy tụ đủ mọi thành phần, từ cô hiệu trưởng dữ dằn Hardscarbble (Helen Mirren), nhóm những sinh viên tài năng Roar Omega Roar hay những kẻ chẳng ai thèm chú ý Oozma Kappa. Mike là một cậu tân binh với đam mê trở thành một ông kẹ xuất sắc, nhưng ngoại hình nhỏ bé lại có phần dễ thương khiến cậu bị nhiều người xung quanh xem thường. Quyết tâm vượt qua khó khăn, Mike chăm chỉ học hành và trở thành học sinh giỏi nhất về mặt lý thuyết. Điều này khiến cậu học trò lười Sulley – kẻ to như gấu và thuộc dòng dõi quái vật danh giá Sullivan – cảm thấy chướng mắt. Nhưng không ai ngờ rằng sau một sự cố, họ lại buộc phải bắt tay với nhau nếu muốn được ở lại học MU. Hai kẻ trái tính trái nết này phải hợp tác với những kẻ hậu đậu Oozma Kappa để tham gia cuộc thi giữa những nhóm sinh viên ưu tú nhất trường, trong đó có cả Roar Omega Roar lừng lẫy... Dù chưa đạt tới tầm “kỳ quan hoạt hình” như nhiều tác phẩm khác của Pixar song “Monsters Univeristy” cho thấy các bộ phim của hãng này vẫn trên tầm nhiều xưởng phim khác. Pixar nổi tiếng bởi phong cách làm phim “dành cho mọi lứa tuổi”, khi khiến không chỉ đối tượng chính là trẻ em mà cả thanh niên, người lớn cũng có thể tận hưởng bộ phim một cách thích thú. Cốt truyện thú vị, nhiều tình tiết hài hước và những thông điệp ý nghĩa ... là những yếu tố làm nên thương hiệu của Pixar. Và tới “Monsters University”, chúng vẫn được đảm bảo khi khán giả được chìm đắm trong thế giới rực rỡ sắc màu của những quái vật. Không có ngoại hình đáng sợ, các nhân vật được thiết kế tương đối ngộ nghĩnh và với những cá tính riêng, giúp người xem dễ dàng nắm bắt được phong cách của họ. Nếu chưa xem qua “Monsters, Inc” thì cũng đừng ngần ngại bởi Pixar có phần giới thiệu đủ để bạn “nhớ mặt thuộc tên” những Mike, Sulley hay Randy (Steve Buscemi) ... Với các em nhỏ chưa kịp đọc phụ đề thì phương án xem phim lồng tiếng Việt (Ngọc Trai cùng Hữu Châu góp giọng) là một lựa chọn hợp lý cho cả bé lẫn phụ huynh. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” – “Monsters Univeristy” sẽ đưa bạn vào một thế giới của những học sinh siêu quậy, với đủ mọi chiêu trò phá phách. Các tình huống vui nhộn cũng được xuất phát từ đây, khi cuộc thi giữa các nhóm quái vật ngày càng diễn ra gay cấn sau mỗi vòng thi. Tuy hài hước là tông chủ đạo nhưng “Monsters University” lại ghi dấu ấn bởi những câu chuyện đầy ý nghĩa. Với bối cảnh là trường đại học, bộ phim tập trung khai thác mối quan hệ giữa các học viên, đặc biệt là tình bạn giữa Mike và Sulley. Có xem phim mới biết rằng trước khi thân thiết không thể tách rời trong “Monsters, Inc”, họ đã từng là hai kẻ đối nghịch nhau hoàn toàn. Nhưng dần dần thời gian trôi, Mike đã nhìn ra chân tướng của gã sinh viên cơ hội Randy đồng thời phát hiện ra tính tốt từ Sulley, trong khi gã khổng lồ này cũng nhận ra Mike là kẻ “không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn”. Và từ đó, một tình bạn vĩ đại, với người này bổ sung cho khuyết điểm của người kia bắt đầu. Bộ phim còn đưa ra thông điệp rằng không có ai là kẻ vô dụng hoàn toàn mà chỉ chưa biết sử dụng năng lực của mình đúng cách. Ví dụ tiêu biểu là nhóm Oozma Kappa, với Terry hai đầu lóng ngóng, Squishy mập ú hay “chuyên viên bán hàng” Carlton – những người bị MU xem thường – về sau đã chứng tỏ được chân giá trị và được mọi người yêu quý. Những bài học như vậy được đan xen khéo léo qua các cảnh phim vui nhộn, với cuộc phiêu lưu càng về cuối càng hấp dẫn giúp các bé có thể xem phim mà vẫn được giáo dục. Dù chưa cảm động như câu chuyện với bé Boo ở tập phim gốc nhưng tình bạn giữa các học viên ở MU vẫn giúp “Monster University” trở thành một tác phẩm hay, lôi cuốn. -
Beauty and the Beast (1991)
- 0 downloads
Một nữ phù thủy cải trang thành một bà cụ ăn xin tới gặp một chàng hoàng tử ích kỷ và kiêu căng, mong được đổi một bông hoa hồng lấy một đêm ngủ nhờ trong lâu đài của anh. Chàng hoàng tử đã cười nhạo ý định đó và đuổi bà lão đi. Để trừng phạt sự lạnh lùng và ích kỷ của anh, nữ phù thủy đã biến anh thành một con quái thú gớm ghiếc, và biến những người hầu của anh thành các vật dụng trong nhà. Bà đưa cho anh một chiếc gương thần có thể cho anh biết những gì đang xảy ra ở bất cứ nơi đâu, cùng với bông hoa hồng sẽ nở vào lần sinh nhật thứ 21 của hoàng tử. Để phá bỏ lời nguyền, hoàng tử phải học cách yêu thương người khác và phải được một người con gái yêu lại trước khi những cánh hoa hồng rụng hết, nếu không hoàng tử sẽ phải ở trong bộ dạng quái thú mãi mãi. Một vài năm sau, có một cô gái trẻ đẹp tên là Belle sống ở một thị trấn cùng với cha mình, ông Maurice, một nhà phát minh lập dị. Là một người đam mê sách, Belle luôn mong ước có được một cuộc sống mới nhằm thoát khỏi thị trấn buồn tẻ và đơn điệu của nàng. Sắc đẹp và lối sống phóng khoáng không theo lễ nghi của nàng thu hút sự chú ý của mọi người trong thị trấn và có nhiều chàng trai muốn theo đuổi nàng, đặc biệt là Gaston, một gã kiêu ngạo luôn quyết tâm cưới nàng. Mặc dù Gaston là mẫu người được rất nhiều cô gái mong đợi và nhiều chàng trai trong thị trấn ngưỡng mộ, nhưng Belle không có chút thích thú nào với gã. Trên đường tới hội chợ để giới thiệu chiếc máy chẻ củi của mình cùng với con ngựa Phillipe, Maurice bị lạc trong rừng sâu. Bị một đàn chó sói truy đuổi, Maurice tình cờ tới lâu đài u ám của Quái thú, nơi ông đã gặp những người hầu của hoàng tử gồm Lumière - một cây nến, Cogsworth - một chiếc đồng hồ, Mrs. Potts - một chiếc ấm trà, và con trai của bà, Chip - một tách trà con, được tiếp đãi rất chu đáo. Quái thú sau đó đã phát hiện và bắt giữ Maurice. Phillipe đưa Belle đến tòa lâu đài này, và nàng đề nghị được thế chỗ cha mình đang bị giam giữ; và Quái thú đã chấp nhận, bất chấp sự phản kháng của Maurice. Trong khi Gaston đang bực bội trong quán rượu vì cầu hôn Belle không thành, Maurice tới nhờ mọi người giúp cứu con gái ông khỏi tay Quái thú. Không ai tin lời ông nói là nghiêm túc cả nên Maurice đã lên đường một mình. Đêm đó Belle từ chối ăn tối cùng Quái thú, làm nó tức giận điên cuồng; Lumière không nghe lời Quái thú rằng không được cho nàng ăn tối nữa. Trong khi Lumière và Cogsworth đưa Belle đi dạo quanh lâu đài, nàng bước vào Căn phòng Phía Tây cấm kỵ, và thấy bông hoa hồng kỳ diệu. Quái thú trở về, thấy Belle ở đó nên vô cùng giận dữ đuổi nàng đi. Belle tìm cách chạy trốn khỏi lâu đài với Phillipe, nhưng họ bị một đàn chó sói trong rừng tấn công. Quái thú tới giúp nàng và đánh đuổi bọn chó sói đi, nhưng không may lúc đó nó đã bị thương. Belle băng bó cho Quái thú, và nó bắt đầu có tình cảm với nàng. Nàng cảm ơn nó đã cứu nàng lúc nguy hiểm và Quái thú đã gây ấn tượng với Belle khi nó tặng cho nàng toàn bộ thư viện khổng lồ của lâu đài. Khi cả hai dành nhiều thời gian bên nhau, họ lại càng thân thiết với nhau hơn. Trong lúc đó, tên Gaston độc ác đã đút lót cho Monsieur d′Arque, quản lý trại tâm thần của thị trấn, để bắt Maurice đi nếu Belle không chấp nhận lời cầu hôn của hắn. Belle và Quái thú đã tận hưởng bữa tối lãng mạn, nhảy cùng nhau trong căn phòng khiêu vũ rộng lớn dưới nền nhạc bài hát Người đẹp và quái thú của Mrs. Potts. Belle nói với Quái thú rằng nàng rất nhớ cha mình, và Quái thú đã để nàng dùng chiếc gương thần để xem cha mình đang ở đâu. Khi thấy cha sắp chết cóng trong khu rừng vì đang cố tìm cách cứu mình, Belle vô cùng hoang mang lo lắng. Mặc dù vô cùng thất vọng, nhưng vì tình yêu, Quái thú đã cho phép Belle rời khỏi lâu đài để đi cứu cha, đồng thời tặng nàng chiếc gương để lúc nào nàng cũng có thể nhớ tới mình. Belle tìm thấy cha và đưa ông trở về nhà. Sau đó Gaston tới để thực hiện kế hoạch xấu xa của mình, nhưng Belle đã chứng minh cha mình hoàn toàn tỉnh táo bằng cách cho mọi người xem Quái thú trong chiếc gương thần. Phát hiện ra Belle đã đem lòng yêu Quái thú, Gaston kích động sự giận dữ của đám đông, nói với họ rằng Quái thú là một con quái vật ăn thịt người cần phải bị tiêu diệt, và đưa họ tới lâu đài. Gaston nhốt Belle và Maurice trong tầng hầm nhà họ, nhưng Chip, người đã trốn trong túi đồ của Belle, đã giải thoát cho hai cha con bằng chiếc máy chẻ củi của chính Maurice. Người hầu của Quái thú đã đánh bại đám đông trong khi Gaston đi tìm Quái thú. Ban đầu, Quái thú quá chán nản và thất vọng không buồn đánh lại, nhưng nó đã lấy lại được ý chí khi thấy Belle quay lại lâu đài. Sau khi chiến thắng trong trận đấu nảy lửa, Quái thú đã tha mạng cho Gaston và bảo hắn biến đi. Khi Quái thú đoàn tụ với Belle thì Gaston bất ngờ đâm nó từ phía sau, nhưng sau đó bị mất thăng bằng, hắn đã ngã xuống vực và chết. Lát sau, Quái thú đã không qua khỏi, và Belle đã thổ lộ tình yêu của mình với nó ngay khi cánh hồng cuối cùng rụng xuống, và lời nguyền đã được phá bỏ. Quái thú tỉnh dậy và trở lại thành người, tất cả những người hầu của chàng cũng vậy. Belle và hoàng tử nhảy cùng nhau trong phòng khiêu vũ trước sự chứng kiến của Maurice, và những người hầu vô cùng hạnh phúc đứng vây quanh họ.