Jump to content

Joker

Quản Trị
  • Joined

Everything posted by Joker

    • 0 downloads
    Được chuyển thể từ tiểu thuyết tự truyện cùng tên của văn sĩ Marguerite Duras, “L’Amant” là một trong những bộ phim về tình dục táo bạo nhất của điện ảnh thế giới. Đông Dương năm 1929, trên một chuyến phà qua sông Mekong, một cô gái Pháp tựa người vào lan can, chân trái hơi nhấc lên để gió thổi tung bay vạt váy. Nàng đội một chiếc mũ rộng vành của đàn ông, chân đi một đôi giày đính cườm sờn rách, môi đỏ rực không đều vì lén dùng son của mẹ. Nhìn y phục có thể đoán ngay được rằng nàng không giàu, thậm chí còn lâm vào cảnh bần hàn. Những đường cong trên cơ thể tố cáo rằng nàng còn rất trẻ, chỉ cố làm ra vẻ người lớn. Thực tế nàng mới 15 tuổi rưỡi, đang trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Nàng không đẹp rực rỡ nhưng có một khuôn mặt bầu bĩnh, ưa nhìn. Làn da trắng muốt lấp ló sau lớp váy mỏng manh gợi những liên tưởng êm dịu. Cách vắt tay hờ hững trên lan can, ánh mắt mơ màng và điệu bộ uể oải của nàng trông lạ lẫm giữa bối cảnh chuyến phà đông đúc đầy nghịt người da vàng lam lũ. Cùng lúc ấy, trong một chiếc xe limousine màu đen bóng lộn, một gã Hoa kiều lặng lẽ chiêm ngưỡng và thán phục nàng. Hai người nhanh chóng lao vào nhau, cuồng nhiệt, khờ dại như cách thiêu thân lao vào lửa. Họ buông mình vào những cuộc truy hoan bất tận, không cần tương lai, không cần quá khứ. Chính nàng, một thiếu nữ mới lớn, là người dẫn dắt cuộc chơi. Nàng dâng hiến trinh tiết của mình bằng một thái độ cương quyết mà bình thản. Cô gái ấy có vẻ phóng túng và nổi loạn nhưng những người tinh ý có thể chỉ ra: đằng sau một kẻ bất cần thường là một lòng kiêu hãnh bị tổn thương. Cha nàng mất sớm, mẹ nàng phải vật lộn để nuôi sống ba đứa con. Sau một vụ đầu tư thất bại, nhà nàng lâm vào cảnh khánh kiệt. Mẹ nàng gần như phát điên. Những người da trắng coi gia đình nàng là một điều sỉ nhục, luôn tìm cách lánh xa. Những người da vàng sợ hãi người có dòng giống từ Pháp cũng không dám lại gần. “Chân không tới đất, cật chẳng tới giời”, gia đình nàng bị cô lập, hầu như chẳng giao tiếp với ai. Nàng đã sống cô đơn như vậy, trải qua tuổi dậy thì với lòng căm ghét dành cho người anh trai bạo lực và sự thương hại dành cho người mẹ khốn khổ. Những ẩn ức bị đè nén bên trong, ẩn sau vẻ ngoài bình lặng. Cô gái ấy luôn rách rưới, luôn kiêu hãnh, vừa ngây thơ, vừa già cỗi. Lúc nào cũng thảm hại, lúc nào cũng buồn bã, lúc nào cũng đáng yêu. Nàng tìm đến tình dục như một sự nổi loạn, như một biểu hiện của sự chống đối. Vừa mới bước vào tuổi dậy thì, ở nàng hừng hực những ham muốn ái ân. Cô gái ấy, cũng giống như Lolita, có sự trưởng thành rất sớm về mặt tính dục. Nghèo khổ, rách rưới, như một lẽ tự nhiên, nàng bị thu hút bởi vẻ giàu có của người đàn ông: chiếc limousine đen sang trọng, bộ vest trắng bảnh bao, chiếc nhẫn kim cương to chễm chệ trên ngón áp út. Là một kẻ lãng mạn bẩm sinh, yêu văn học và luôn muốn trở thành một nhà văn, nàng thích những chuyện phiêu lưu. Một người đàn ông trưởng thành, một ngôi nhà bí mật, những chuyện ái ân vụng trộm… tất cả đều kích thích trí tưởng tượng của cô gái mới lớn. Lý do gì, động cơ nào khiến một cô gái trong trắng, vừa bước vào tuổi cập kê có thể dễ dàng trao thân cho một người xa lạ như thế? Khán giả có thể đoán nhưng không thực sự biết. Chính cô gái cũng chưa chắc đã biết. Chỉ biết rằng chiều chiều, nàng lại tìm đến ngôi nhà ở Chợ Lớn để nhấn chìm mình và người tình trong “vương quốc nhục cảm” của hai người. Đây là vai diễn đầu tiên của nữ diễn viên Jane March khi cô vừa tròn 18 tuổi. Với chất giọng mượt nhẹ, gợi cảm, Jane hút hồn người đàn ông gốc Hoa và bỏ bùa mê với khán giả. Nếu tâm lý của cô gái rất phức tạp và khó phân tích thì có thể gọi tên ngay tình cảm của người đàn ông gốc Hoa là “tình yêu”. Giàu có, sướng từ trong trứng, chàng chẳng biết làm gì ngoài chuyện làm tình. Chàng sống phụ thuộc vào gia đình, tự ý thức được rằng phải ngoan ngoãn nghe lời cha. Nếu không có tiền của ông, chàng chẳng là gì. Dẫu vậy, chàng đã yêu cô gái người Pháp bằng một tình yêu mãnh liệt và dịu dàng, dai dẳng và nhẫn nại. Một kẻ nổi loạn và một người cam chịu đã yêu nhau bằng một tình yêu vừa uể oải, chán chường, vừa nồng nàn, khắc khoải. Khoảng 1/5 thời lượng của phim là cảnh ân ái giữa hai người. Trong căn phòng tối, dọc ngang những ánh sáng loang lổ từ ngoài hắt vào là hai thân thể trần trụi ôm siết lấy nhau trong cơn hoan lạc. Mùi ẩm mốc, vẻ tĩnh mịch, những giọt mồ hôi rịn trên da thịt trong một ngày oi ả của Sài Gòn có một cái gì đó “như nhục cảm… một cái gì chín nẫu” mời gọi. Ngoài kia, ngăn cách với cánh cửa, là tiếng ồn ào, huyên náo của cuộc sống mưu sinh. Sự trái ngược ấy làm việc hưởng thụ trái cấm như có cái gì đó thách thức và khiêu khích hơn. Đạo diễn và quay phim đã khéo léo quay cận cảnh những đường cong trên cơ thể như để tôn vinh sự hòa nhịp giữa xác thịt. Cảnh ân ái trong phim nóng bỏng, táo bạo nhưng không hề phản cảm. L’Amant có những cảnh đẹp làm khán giả phải nín thở và nuốt khan. Đó là cảnh chàng nghịch những ngón tay của nàng ở đầu phim hay cảnh nàng hôn hờ lên cửa kính. Ngôn ngữ cơ thể của cả Jane March và Lương Gia Huy thật tuyệt vời. Họ như những thỏi nam châm hút nhau mãnh liệt. L’Amant là bộ phim nước ngoài đầu tiên và cho đến nay vẫn là bộ phim có kinh phí lớn nhất từng được thực hiện tại Việt Nam. Đạo diễn Annaud đã định chọn một nơi khác như Malaysia, Thái Lan, Philippines - những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để quay phim. Nhưng cuối cùng, ông vẫn phải quay lại nơi đây vì cảm thấy phải là Sài Gòn, phải là Việt Nam mới diễn tả được cái không khí thuộc địa mà Marguerite Duras miêu tả trong tác phẩm. L’Amant đã đưa đến cho khán giả một Sài Gòn sũng nước, nóng hầm hập 35 độ, trời không một chút gió. Đó là khu Chợ Lớn dơ dáy bẩn thỉu, ngập trong mùi “hủ tíu, thịt heo quay, mùi hoa nhài, bụi rậm và mùi than củi…”. Tiếng ruồi muỗi vo ve trong những hôm trời nồm. Những cơn mưa trắng trời trắng đất đặc trưng của miền Nam. Tất cả đem lại một hình ảnh về Đông Dương của những năm 1920 lộn xộn nhưng gợi cảm. L’Amant mơn trớn người xem bằng cảm giác dễ chịu của một bàn tay mềm mại vuốt dọc sống lưng. Bộ phim đã thành công trong việc tạo không khí, nhịp điệu, cảm giác, hình ảnh… Tất cả đều đẫm chất thơ. Nhưng bản thân câu chuyện tình giữa thiếu nữ người Pháp và chàng trai gốc Hoa có một cái gì đó ủy mị và không đáng tin. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết tự thuật của Marguerite Duras, được kể theo điểm nhìn của cô gái. Câu chuyện ấy giống như tưởng tượng của một người đàn bà muốn tin rằng tình yêu đã tồn tại hơn là câu chuyện đã thực sự diễn ra. Những ngày tháng tuổi trẻ đắm mình trong hoan lạc ấy phải có một ý nghĩa gì chứ? Sau những say đắm xác thịt, người đàn bà buộc phải tin rằng có một cái gì đó cao hơn, tồn tại giữa hai người. Đó là lòng kiêu hãnh mơ mộng của phụ nữ. Họ vin vào những điều như thế để sống. L’Amant là một hồi ức đẹp về tình yêu đã mất. Thông qua cái nhìn hồi tưởng, những nét xấu xí bị tước bỏ đi, chỉ còn những dịu ngọt ở lại. Bộ phim có thể khiến cho những người thực tế nhăn mày, nhưng lại dễ chịu, duyên dáng vô song đối với những người yêu sự gợi cảm và lãng mạn.
    • 0 downloads
    Sau sự kiện ngày 11-9 gây chấn động, cuộc chíến tranh Iraq kéo dài 8 năm và sự lên ngôi của chủ nghĩa khủng bố đã trở thành đề tài bất tận cho môn Nghệ thuật thứ 7. Tính chất ác liệt của nó và vô số những câu chuyện về các tấm gương anh hùng đã góp phần tạo nên 1 dòng phim chiến tranh kiểu mới song song với dòng phim thế chiến vốn có quá nhiều tác phẩm kinh điển. The Hurt Locker có thể coi là 1 đại diện ưu tú cho dòng phim ấy với cách thể hiện chân thực và sâu sắc. Năm 2009, The Hurt Locker gây tiếng vang lớn khi giành chiến thắng 6/9 hạng mục được đề cử Oscar lần thứ 82, trong đó có hạng mục phim hay nhất và đưa Kathryn Bigelow – cựu phu nhân của đạo diễn huyền thoại James Cameron – trở thành nữ đạo diễn đầu tiên trong lịch sử giành tượng vàng Oscar. 2game-26-11-tonghop3-32.jpg (800×1069)Kathryn Bigelow trở thành nữ đạo diễn đầu tiên trong lịch sử giành giải Oscar. William James được điều về làm đội trưởng đội gỡ mìn, đại đội Bravo thuộc lực lượng Xếp gỡ chất nổ quân dụng (IOD) thay thế Matt Thompson vừa tử nạn trọng 1 nhiệm vụ trước đó. Cùng với JT Sanborn và Owen Eldridge, công việc hàng ngày của họ là nhận thông báo về các địa điểm nơi các viên đạn chưa nổ, các khối thuốc nổ tự chế của quân khủng bố hay những quả mìn trên khắp các đường phố Iraq để vô hiệu hoá chúng. Nội dung chủ đạo của phim là miêu tả những khó khăn, nguy hiểm của những người lính làm công việc thoả hiệp với tử thần,đào sâu vào tâm lý của họ, những con người xa nhà, xa quê hương nhưng không biết liệu có được ngày về. CHÂN THẬT – đó là những gì ngắn gọn nhất để nói về The Hurt Locker. Khi xem phim khán giả như được sống với những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở khi Will và đồng đội của mình xử lý những quả bom nguy hiểm. Có những lúc tưởng chừng đã có thể thờ phào nhẹ nhõm thì phát hiện lại có 1 sợi dây dẫn nối đến những quả bom khác, hoặc có lúc đội của họ gặp phải 1 chiếc ô tô chứa đầy những quả đạn còn nguyên vẹn…. Những tình huống, chi tiết ấy được làm rất khéo léo và tự nhiên khiến người xem đi từ hồi hộp này đến hồi hộp khác. The Hurt Locker có kịch bản với diễn biến xoay quanh tâm lý của các nhân vật chính. Bắt đầu từ lúc Will đến khi Sanborn và Owen chưa thực sự quên đi được người đồng đội cũ; với tính cách ngang tàn và vẻ bề ngoài bất cần, Will tỏ ra là kẻ khó ưa vô cùng đến mức có lúc Sanborn thoáng nảy ra ý định kích nổ 1 quả mìn để thổi bay kẻ đáng ghét kia thành nhiều mảnh. Rồi qua khó khăn tình cảm của những người lính nảy sinh và họ xích lại gần nhau hơn. Xét tổng thể thì nội dung phim khá đơn giản, không chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa nhưng cũng không thiếu đi sự sâu sắc. Chúng ta dễ dàng thấy được nhiều thông điệp mà đạo diễn Kathryn Bigelow gửi gắm qua các tình tiết phim, như hình ảnh cậu bé Beckham bán đĩa DVD gần doanh trại, hồn nhiên với ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Rồi sau đó, Will và các đồng đội phát hiện ra cậu bé bị sát hại với cơ thể bị phanh ra và nhồi 1 khối thuốc nổ vào trong đó. Will đã rất ảm ảnh, cái chết ấy khiến anh như rơi vào khủng hoảng và trong phút chốc thiếu đi sự tỉnh táo. Nhưng rồi 1 sớm mai thức dậy, Will lại thấy dường như vẫn cậu bé ấy ôm trái bóng và xoè đống DVD chào bán. Thái độ của anh lúc này lại chẳng hề bận tâm nữa. “Có gì khác nhau giữa những đứa trẻ tại Iraq thời điểm ấy, số phận của chúng sẽ chẳng khác gì nhau. Trong chiến tranh, không ai đặc biệt cả…”. Hay hình ảnh bước chân của Will khi quay trở lại chiến trường trên con đường dài vô định. Một đứa con trai kháu khỉnh, một người vợ xinh đẹp và mái ấm gia đình không khiến tâm trí anh ngừng thôi thúc anh quay về với mảnh đất Trung Đông sặc mùi màu và thuốc súng. “Chiến tranh là một cơn nghiện” Về phong cách quay phim, đạo diễn cho sử dụng những máy quay cầm tay là chủ yếu trong phần lớn thời lượng phim tạo cảm giác như 1 bộ phim tài liệu chiến tranh. Các góc máy rung lắc, các cú lia cận cảnh vào các nhân vật khiến chúng ta hồi hộp theo từng hành động của họ. Những khán giả yêu phong cách quay phim đậm chất nghệ thuật hay các góc máy theo tiêu chuẩn “vàng” kiểu The Girl with the Dragon Tatoo có thể sẽ đôi phần hụt hẫng khi thưởng thức phim. Nhưng ngẫm lại, trong bom đạn chiến tranh thì làm gì có vẻ đẹp hoàn mỹ. Dàn diễn viên trong phim đã thể hiện tốt hình ảnh của những người lính trên chiến trường. Từng hành động, cử chỉ, tác phong của họ được biểu đạt hết sức thuần thục tạo cho người xem cảm giác đang được quan sát những người lính thực sự chứ không phải các diễn viên. Diễn suất tốt nhất có lẽ thuộc về Jeremy Renner, đây được xem là vai diễn “chào hàng” của anh với Hollywood và từ đó đến nay chúng ta có 1 nam diễn viên phim hành động hạng A chuyên trị những phim bom tấn. Jeremy Renner đã thể hiện một Will cá tính, bất cần với cái đầu lạnh nhưng sở hữu một trái tim nồng nhiệt và dễ giao động. Người viết đảm bảo rằng các bạn sẽ được thấy 1 trong những người lính ngầu nhất trên phim ảnh mà mình từng xem. Các vai diễn khác của Anthony Mackie và Brian Geraghty cũng được thể hiện khá tốt. Ngoài ra phim cũng khá chịu chơi khi mời diễn viên từng 2 lần được đề của Oscar Ralph Fiennes đóng 1 vai phụ trong chưa đầy 5 phút phim. The Hurt Locker không phải 1 bộ phim hoàn hảo kể cả với những giải thưởng mà nó giành được. Thật vậy! Phim có cách kể chuyện tương đối hời hợt và thiếu điểm nhấn cần thiết. Một ít về nghiệp vụ xử lý bom mìn, một ít về tình đồng đội, một ít về nội tâm nhân vật. Thậm chí cả những tình tiết trung tâm về việc vô hiệu hoá bom mìn cũng được miêu tả khá đơn giản, chưa cho thấy được sự phức tạp của công việc này.Việc đưa vào phim nhân vật bác sỹ tâm lý chữa trị cho Owen nhìn sơ qua có thể là một tình tiết đắt giá để khiến cho phim có chiều sâu hơn nhưng do thể hiện chưa tới nên lại trở thành khá dư thừa. Với kinh phí chỉ vỏn vẹn $11 triệu và nội dung về chiến tranh hiện đại, mặt nghe nhìn cũng là 1 thành công khác của The Hurt Locker khi phim rất biết chắt chiu những trường đoạn cháy nổ để khiến nó trở nên chân thực nhất có thể. Đạo cụ làm phim cũng được đầu tư tốt mang tính thực tế cao, nhất là những trái bom, những khối thuốc nổ luôn khiến ta có cảm giác rợn người khi nhân vật chính sờ vào nó. Âm thanh của phim rất xuất sắc; tiếng nổ, tiếng súng, âm thanh hỗn loạn trên chiến trường, tiếng sột soạt, mò mẫn khi xử lý bom mìn đã được mô tả giống thật hết sức có thể. Tóm lại, tuy còn nhiều tranh cãi về nội dung trên phương diện 1 bộ phim độc lập với kinh phí eo hẹp, chiến thắng của The Hurt Locker tại Oscar lần thứ 82 là 1 chiến thắng toàn diện theo nhiều mặt. Bộ phim vinh danh những người hùng thầm lặng trên chiến trường và góp phần thay đổi tư duy của giải thưởng danh giá này khi không nhất thiết 1 bộ phim được đỡ đầu bằng 1 hãng phim khổng lồ với chiến dịch PR rầm rộ mới trở thành đối thủ đáng gờm. Dí dỏm hơn, đạo diễn Bigelow đã có 1 chiến thắng knock out trước người chồng cũ James Cameron ngay tại hạng mục chỉ đạo. Kết bài đánh giá, có lẽ xin phép diễn giải 1 cách chủ quan của tình huống Will bất lực trong việc giải cứu người đàn ông Iraq mang chiếc áo bom trên người. Phải chăng đó chính là hình ảnh của nước Mĩ đang sa lầy trong cuộc chiến do họ tạo ra, Iraq với Mỹ đã chẳng thể cứu vãn thêm được nữa (Tất nhiên là tại thời điểm phim được chiếu, năm 2011 Mĩ đã rút đơn vị lính chính quy cuối cùng ra khỏi Iraq)
    • 0 downloads
    Bộ phim của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan đặt ra câu hỏi liệu có tồn tại một tình bạn vượt qua mọi khoảng cách về sắc tộc trong một xã hội tàn ác dưới sự thống trị của người da trắng? Năm 1994, đạo diễn Frank Darabont có màn ra mắt ấn tượng với khán giả và các nhà phê bình bằng bộ phim đầu tay xuất chúng về bi kịch và lòng quả cảm của con người - The Shawshank Redemption. Bốn năm sau, Darabont tái xuất với một tác phẩm điện ảnh cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Stephen King: The Green Mile (Dặm xanh). Thú vị hơn, The Green Mile cũng được lấy bối cảnh nơi ngục tù (green mile - "dặm xanh" là tiếng lóng dùng để chỉ quãng đường từ buồng giam của tử tù đến phòng thi hành án). Frank Darabont là người viết kịch bản cho phim này và ông tỏ ra khá trung thành với nguyên tác của Stephen King. Sự hấp dẫn của bộ phim nằm ở hai nhân vật chính đặc biệt được thể hiện qua diễn xuất thành công của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan. Nếu như các câu chuyện của Stephen King có điểm chung thì đó hẳn sẽ là chủ đề "sự trả thù ngọt ngào". Dường như những tác phẩm của ông luôn xoay quanh một típ nhân vật quen thuộc: những người hiền lành, tốt bụng, cô đơn, bị hoàn cảnh xô đẩy và biến thành hung ác, trong thâm tâm luôn chất chứa thù hằn và chỉ chờ đến một giây phút đỉnh điểm, cao trào để đòi nợ cuộc đời. Trong hầu hết tác phẩm đã được dựng thành phim của King, người ta luôn thấy bóng dáng hình mẫu nhân vật độc đáo này. Họ đều bị hành hạ, ngược đãi một cách không thương tiếc. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là họ luôn sở hữu một quyền năng siêu nhiên nào đó. Có thể là khả năng di chuyển đồ vật mà không cần chạm vào nó hay khả năng tạo ra lửa bằng ý nghĩ. Trong phim, yếu tố siêu năng lực của nhân vật John Coffey chính là điểm mấu chốt quan trọng nhất để dẫn dắt, kết nối câu chuyện. Khả năng đặc biệt này không hề mang màu sắc kinh dị, đáng sợ vốn quen thuộc trong các tác phẩm của King. Trái lại, hình ảnh tử tù da màu John Coffey hiện lên nhẹ nhàng, huyền ảo như một đấng cứu thế. Theo ông, quyền lực siêu nhiên là một phần không thể thiếu trong thể loại văn học viễn tưởng, ly kỳ hồi hộp nhưng không nhất thiết phải gắn liền với cái ác hay sự đáng sợ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Để chứng minh cho triết lý này, King nhào nặn nên một nhân vật mà việc sở hữu năng lực siêu phàm đồng nghĩa với cái tốt và sự tuyệt vọng, vì cái tốt đó bị đặt vào một xã hội quá xấu xa. Vai diễn John Coffey có thể coi là vai diễn "để đời" của Michael Clarke Duncan, người mà trước đó với ngoại hình quá khổ của mình chỉ được biết đến qua những vai phụ rất nhỏ, không để lại nhiều ấn tượng như người gác cổng hay vệ sĩ. John là một người chậm phát triển, ít nói, nhút nhát, chân thành, dễ xúc động. Ở nhân vật này luôn tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt, giúp John trông giống như một vị thánh. Đó chắc chắn là một điều mà những nhân vật khác trong phim không thể ngờ tới khi vừa nhìn thấy dáng dấp to lớn khổng lồ như người nguyên thuỷ và thân hình chi chít sẹo của người tử tù da đen. Trong bối cảnh xã hội miền nam nước Mỹ đầy loạn lạc, bi quan và tiêu điều trong cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930, John bị kết án tử hình vì tội hiếp dâm và giết hại dã man hai bé gái da trắng. Nhờ tính cách và năng lực đặc biệt của mình, John dần xây dựng được tình bạn với Paul (Tom Hanks đóng) - người quản giáo da trắng, và cuối cùng được minh oan (dẫu cho không thể thoát khỏi án tử). Paul là một người nghiêm túc, kỷ luật, làm việc theo nguyên tắc, nhưng đồng thời rất ôn tồn, nhân ái, không bao giờ lạm dụng quyền lực để ngược đãi tù nhân. Đặc biệt là đối với John, Paul luôn tỏ ra ân cần, tử tế và đầy cảm thông. Paul nhìn thấy bản chất tốt đẹp của John, thấy sự ngây thơ trong sáng như một đứa trẻ của người tù nhân đang chờ ngày thi hành án. Với vai diễn người quản giáo Paul Edgecomb, Tom Hanks diễn tròn vai một típ nhân vật vốn không xa lạ gì với tài tử này. Tom Hanks thường được biết đến trên màn bạc với hình ảnh một người Mỹ điển hình, bình dị, hiền hoà, sống có đạo đức, chuẩn mực đúng đắn, tốt bụng và có đức tin ở Chúa Trời. Thế nhưng tình bạn của Paul và John không hoàn toàn trong sáng, thuần túy và cao đẹp như vẻ bề ngoài của nó. Sự khác biệt về màu da trong một xã hội còn rất phân biệt chủng tộc đã làm phức tạp hoá và phần nào vẩn đục tình bạn tưởng như trong sáng ấy. Lỗi không hẳn thuộc về đôi bạn John và Paul, nhưng có một sự thật không thể chối bỏ luôn tồn tại trong mối quan hệ của họ là sự bất bình đẳng. John luôn là người "cho đi" và Paul luôn là người được nhận. John chữa bệnh cho Paul và bà vợ sếp Hal. Cũng chính John là người gián tiếp giết chết Bill "điên" và khiến Percy hoá điên – hai kẻ vốn là cái gai trong mắt Paul ở nhà tù. Đổi lại, John nhận được gì từ Paul? Không gì cả, ngoại trừ sự cảm thông. Paul không thể cứu John thoát khỏi án tử hình - điều làm anh đau đớn và dằn vặt trong suốt quãng đời còn lại của mình. Chính như thế, Paul đã vô tình lợi dụng người bạn của mình, như một ông chủ da trắng (trường hợp này là vô thức) bóc lột người đầy tớ da đen. John chọn cho mình cái chết, vì đã mệt mỏi với cuộc đời đầy rẫy cái ác, hay vì sự nhẫn nhục chịu đựng, cam phận trước sự bất bình đẳng chủng tộc? Hình tượng nhân vật người da đen tốt bụng, thật thà, chấp nhận thân phận thấp hèn trong xã hội và coi đó là lẽ đương nhiên rất điển hình trong phim Hollywood những năm đầu thế kỷ 20. Khi mà những tiến bộ xã hội về quyền bình đẳng bắt đầu diễn ra nhưng chưa triệt để, sự quan tâm của người da trắng đối với người da đen (được thể hiện trong các bộ phim) vẫn chủ yếu chỉ dừng lại ở mức tò mò, có hứng thú, và có lòng thương xót. Khoảng cách giữa người da đen và người da trắng rất xa, khi người da đen vẫn còn bị kỳ thị vì sự khác biệt màu da, ngoại hình. The Green Mile, bộ phim lấy bối cảnh những năm 1930, khắc họa chính xác hình tượng người da đen như trong các bộ phim ra đời vào thời kỳ này: màu da, ngoại hình của họ làm cho họ trở nên thú tính, hoang dại, nguyên thuỷ, vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ. Cái cách mà John chữa bệnh cho mọi người là minh chứng rõ ràng nhất cho nét tâm lý mấu chốt này. Khi phải thi hành án, Paul làm việc với chân lý nhanh chóng và gọn nhẹ để không kéo dài đau đớn cho tù nhân. Nhưng khi John thực hiện năng lực siêu nhiên của mình để chữa lành bệnh bằng cách tiếp cận thể xác rất gần gũi, hành động này rất mạnh mẽ, dữ dội, gây căng thẳng cho người xem vì nó giống như một hình thức bạo lực tình dục. Trong tất cả những bộ phim về thời kỳ này, cơn ác mộng khủng khiếp nhất của bất cứ kẻ phân biệt chủng tộc nào chính là nỗi sợ bị xâm hại tình dục bởi người da đen. Chính nhân vật luật sư bào chữa cho John cũng là một kẻ da trắng phân biệt chủng tộc như thế. Hắn so sánh người da đen như những con chó mà khi nó ngoan, trung thành thì được người chủ yêu quý. Còn khi con chó trở nên hung dữ, người chủ không hề ngại giết chết nó. Paul không đồng tình với quan điểm này, nhưng lại không làm gì để cứu John, để rồi phải sống trong hổ thẹn và đau đớn. Chỉ có nỗi đau khôn cùng là điểm chung giữa họ.
    • 0 downloads
    "Dương cầm" là một bản hòa âm hoàn hảo của tình yêu, chứa đựng sự hấp dẫn mãnh liệt và những dư vị bâng khuâng để lại cho người xem. (Jic) Lấy mốc thời gian vào giữa thế kỷ 19, phim xoay quanh Ada (Holly Hunter thủ vai) - một người đàn bà góa chồng và bị câm - chuyển đến New Zealand để bắt đầu cuộc hôn nhân sắp đặt với một địa chủ trong vùng. Ada mang theo cô gái nhỏ Flora (Anna Paquin thủ vai) cùng cây đàn dương cầm mà cô vô cùng yêu quý. Hành trình đến ngôi làng của người chồng mới rất vất vả nên cuối cùng, người chồng đã quyết định bỏ lại chiếc đàn của cô mà cô hết sức trân trọng bên bờ biển. Đau khổ và tuyệt vọng, cùng nỗi cô đơn nơi đất khách, không ít lần Ada muốn tìm cách ra bãi biển để mang cây đàn về. Tình cờ cô gặp được Baines (Harvey Keitel thủ vai), một người đàn ông nghèo cùng làng. Baines thấy được nỗi khát khao và sự cô đơn trong Ada. Anh đã tìm cách mang cây đàn dương cầm về nhà mình và tìm cách tiếp cận cô. Một tình cảm mới bắt đầu nảy sinh giữa Ada và Baines. Chồng của Ada biết được và ông vạch ra một kế hoạch để hành hạ Ada, cách ly cô khỏi tình yêu với Baines và cây đàn dương cầm. Nhưng cuối cùng, Baines cũng vượt qua mọi trở ngại để đưa hai mẹ con Ada trở về đất liền... Xem The Piano, người xem bị ấn tượng và thu hút mạnh bởi tính cách của nhân vật chính. Cả cuộc đời cô tính đến lúc đó luôn gắn liền với hai chữ: Tình yêu. Đầu tiên, đó là tình yêu giữa Ada và cây dương cầm. Ada bị câm, vì thế tiếng nói của cô được thoát ra qua những nốt nhạc, những giai điệu và cây dương cầm chính là phương tiện để cô giao tiếp với thế với bên ngoài, để gửi vào đấy những cảm xúc, những suy nghĩ. Trong chuyến đi ấy, hai mẹ con Ada đã cố gắng mang theo cây đàn piano yêu quý nhưng đến vùng đất của người chồng mới thì anh ta đã bỏ lại cây đàn ngay ở bờ biển. Ngay sau đó, hai mẹ con đã quyết định ngủ lại bên bờ biển bên cạnh cây đàn, nhưng sáng hôm sau, họ vẫn phải trở về nhà mà không có nó. Hình ảnh Ada đứng trên núi nhìn xuống, cây đàn piano chỉ là một chấm nhỏ xíu ở xa, đã lột tả phần nào tình yêu của cô đối với cây đàn. Ada hằng ngày đứng bên cửa sổ, tưởng tượng về hình ảnh cây đàn yêu quý của mình. Khi người chồng thông báo rằng anh ta sẽ đem cây đàn đổi lấy mảnh đất, Ada đã phẫn uất, cô không thể nói được nên mọi trạng thái cảm xúc cô đều bộc lộ ra hành động: cô giật quần áo, khăn vải trên dây xuống, cô đập bàn, cô ghi một một giấy “it’s mine, just mine” và gạch chân chữ “mine” như để nhấn mạnh quả quyết và triệt để sự sở hữu và tình yêu của cô với cây đàn. Sau đó, cô và con gái Flora đã đi tìm Baines để nhờ anh giúp và ngồi lỳ ở ngoài nhà cho đến khi anh ta đồng ý đưa hai mẹ con ra bãi biển để nhìn ngắm cây đàn. Trường đoạn ở ngoài bãi biển được thể hiện rất sâu sắc và đầy tính nhạc. Người xem có thể nhìn ngắm được nụ cười của Ada khi cô đánh đàn, đúng là chỉ khi được ngồi bên cây đàn piano, được “nhảy múa” những ngón tay trên từng phím đàn và chơi những bản nhạc hay, Ada mới được là chính mình. Cô thoải mái thả hồn vào từng giai điệu, cô cười, cô vui sướng. Dường như, khoảnh khắc đó chỉ còn lại Ada, cây đàn và trời đất. Cùng đồng điệu và hòa hợp với cảm xúc của Ada là con gái Flora của cô. Ngoài cây đàn, Flora cũng là “thông dịch viên” của mẹ, là cầu nối để Ada đến với cuộc sống giao tiếp bên ngoài. Trong lúc mẹ đàn, cô bé vô tư, hồn nhiên chạy nhảy trên bãi biển và thi thoảng cất tiếng hát, tiếng gọi “mẹ, mẹ ơi, xem con này”, đầy phóng khoáng và tự do. Còn Baines, ban đầu thấy khó chịu với hai mẹ con, nhưng khi chứng kiến cảnh hai mẹ con vui đùa bên cây đàn và thấy được tình cảm của Ada, anh ta dần dần hiểu được nỗi lòng và cảm xúc của cô. Baines chỉ im lặng, đi lại xung quanh cô, đôi lúc vẽ nguệch ngoạc gì đó xuống cát… Đến lúc này, bộ phim bắt đầu đi theo hướng khác, không đơn thuần là tình yêu giữa Ada với cây dương cầm nữa, mà đã có thêm tình yêu nam nữ. Kể từ giây phút đưa hai mẹ con Ada ra bãi biển và cảm nhận nỗi lòng của cô, tình cảm trong Baines đã bắt đầu được nhen nhúm. Vì muốn hiểu cô hơn, muốn gần gũi và đồng điệu với tâm hồn của cô hơn, nên Baines đã tìm cách đưa cây đàn về nhà mình và nhờ Ada dạy anh chơi đàn. Thực chất, dù biết chơi đàn hay không với Baines không quan trọng, cái anh cần chỉ là được nhìn thấy Ada, “đem” cô về không gian riêng của mình, được lắng nghe tiếng đàn của cô, nhìn thấy cô cười hạnh phúc và được “chạm” vào nỗi lòng cô qua những khúc nhạc. Dần dần, trái tim lạnh lùng của người đàn ông đã bị chinh phục bởi tiếng đàn ấy. Và với Baines, tình cảm đó đã không dừng lại ở “nhìn”, mà anh còn muốn “sờ”, muốn cảm nhận trực tiếp da thịt của Ada. Baines đã đưa ra một thỏa thuận với Ada, rằng cô sẽ được mua lại cây đàn nếu thực hiện mọi điều Baines nói, và anh sẽ bán dần từng phím đàn cho đến khi cô có thể mua lại toàn bộ nó, bù lại cô sẽ phải cởi áo, vén váy… còn anh sẽ được nhìn ngắm cô. Phải nói rằng, trường đoạn này mang đậm “tính dục” nhất trong phim, không trần trụi, phô trương mà ngược lại vô cùng kín đáo và tinh tế. Hình ảnh Baines chui xuống gầm cây đàn, nằm dưới chân cô, nhìn lên, rồi đưa tay vân vê xung quanh một lỗ rách nhỏ trên đôi tất của Ada - nơi hé lộ ra một phần nhỏ làn da trắng muốt của cô, người xem cảm nhận được rõ tình yêu và lòng ham muốn của Baines, và hơn hết, đó là tình yêu nồng cháy anh dành cho cô. Tình yêu đó ngày một lớn lên, cùng những đụng chạm và gần gũi giữa hai người. Cây đàn piano đã trở thành nhân vật thứ ba trong câu chuyện tình yêu. Từng phím đàn, tiếng đàn là vật kết nối tình yêu khiến nó bùng lên và cháy mãnh liệt. Chính bằng sự đồng cảm và tình yêu chân thành, Baines đã khuấy động tâm hồn vốn câm lặng của Ada. Không nói được thành lời, Ada đã đàn, tiếng đàn như tiếng nói của Ada, là tiếng lòng của trái tim cô. Khi phải đối diện với người chồng lạnh lùng và hung hãn, tình yêu trong Ada mới thực sự trỗi dậy. Lại một lần nữa, chúng ta được chứng kiến tính cách mạnh mẽ của Ada khi cô tìm mọi cách đến với Baines, lao vào vòng tay của anh và được anh ủ ấm, khi cô mộng mị và mơ nghĩ đến anh trong những ngày bị giam hãm tại nhà, khi cô gửi lời yêu thương của mình đến Baines qua một phím đàn bất chấp sự nguy hiểm nếu bị phát hiện… Người đàn bà ấy cũng đã câm lặng hoàn toàn khi bị chồng chặt đứt ngón tay, cô không rên la, không gào thét, với khuôn mặt vô hồn tưởng như cảm xúc đã chết, Ada chỉ ôm ngón tay đang chảy máu ròng ròng ngồi bệt xuống giữa đống bùn lầy, đẫm mình trong mưa. Phải chăng lúc đó, tình yêu đối với cây đàn piano đã tự động trở thành bức nền cho tình yêu của Ada và Baines, nỗi đau thể xác đối với cô lúc đó dường như không có ý nghĩa nữa. Trong lễ trao giải Oscar năm 1993, The Piano - bộ phim của Jane Campion, một trong số ít những nữ đạo diễn gặt hái thành công, nhận nhiều đề cử và đoạt Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc (Holly Hunter), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Anna Paquin) và Kịch bản gốc hay nhất. Ngoài ra, phim còn đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 1993.
    • 0 downloads
    Michael Powell và Emeric Pressburger là một cặp đôi đạo diễn – biên kịch độc đáo trong lịch sử điện ảnh Anh. Họ cùng nhau làm nhiều phim, những bộ phim khiếm Michael Powell trở thành một trong những đạo diễn vĩ đại của thế giới điện ảnh, nhưng Emeric Pressburger luôn luôn đứng cùng tên trong mục đạo diễn, dù vai trò chính của ông là biên kịch. Sự hợp tác Biên Kịch – Đạo diễn đã mang lại cho họ những thành công vang dội thời đó với những tác phẩm như The Life and Death of Colonel Blimp (1943), A Canterbury Tale (1944), Black Narcissus (1947)… Đặc biệt là The Red Shoes (1948), một trong những tác phẩm đỉnh cao về nghệ thuật múa ballet, nhưng cũng đầy ám ảnh về tuổi trẻ và đam mê. The Red Shoes là tên một tác phẩm cổ tích của đại văn hào Đan Mạch Hans Andersen. Câu chuyện kể về một cô gái trẻ, một ngày cô mang vào chân đôi giày đỏ mà cô rất thích, thích hơn hết thảy mọi thứ trên đời, nhưng đó là đôi giày đã bị phù phép, nên khi đeo vào chân cô cứ phải nhảy, nhảy không ngừng cho đến khi chết. Câu chuyện cổ mang hàm ý về đam mê, sự yêu thích quá lớn vào một thứ sẽ khiến người người ta mờ mắt, khiến cô gái không nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực, để rồi cô chỉ còn tìm đến cái chết. Nó như ám thị vào số phận của nữ nhân vật chính, cô gái Victoria Page (Moira Shearer), một người có đam mê duy nhất là múa ballet. Victoria Page được người cô của mình giới thiệu đến Lermontov (Anton Walbrook), người đang sở hữu đoàn múa ballet nổi tiếng, hiện lưu diễn tại London. Khi Lermontov hỏi vì sao cô múa? Victoria Page đã trả lời không do dự rằng nó giống như ta phải sống vậy, múa là bản năng, là thứ cô làm như hít thở hàng ngày, là ý nghĩa của cuộc đời cô. Lermontov, một ông bầu quyền lực, cay nghiệt. Ông nhìn thấy ở Victoria Page một cô gái ông cần, một người ông có thể giúp biến thành một vũ công ballet vĩ đại. Đối với Lermontov, một người đàn ông trung niên, nhưng vẫn độc thân, độc đoán, cay nghiệt, và dành hết tâm huyết của mình cho Ballet. Ông không chấp nhận vũ công của mình đi lấy chồng, ông coi tình cảm yêu đương là tầm thường và sẽ ngăn cản người vũ công trở nên vĩ đại. khuôn mặt luôn nghiêm túc, giọng nói cứng rắn, thái độ lạnh lùng hoàn toàn trái ngược với Victoria Page, đầy đam mê, và tình yêu. Lermontov với cái nhìn đầy bản năng của một người đàn ông đầy kinh nghiệm trong nghệ thuật múa. Ông quyết định trao cho Victoria Page làm nhân vật chính trong vở The Red Shoes mà ông đang muốn dựng. Niềm tin tuyệt đối của ông dành cho Victoria Page đã biến cô trở thành nàng thơ của chính mình sau đêm công diễn, với âm nhạc ấn tượng được soạn bởi nhạc sĩ trẻ tuổi Julian Craster (Marius Goring). 15 phút tuyệt vời của bộ phim dành cho vở The Red Shoes là một trong những điều khiến bộ phim trở nên vĩ đại. Ta như được chiêm ngưỡng một vở ballet thực sự, với những động tác nhảy điêu luyện, với cách dàn dựng sân khấu ấn tượng, mang đậm màu sắc cổ tích, Victoria Page nhảy, cô xoay trên đôi chân thần kì đang mang đôi giày đỏ. Cô như thể chính là cô gái trẻ trong câu chuyện của Andersen, phải mang đôi giày phù phép, cô nhảy, từ ngôi làng thân yêu, đến rừng núi, sa mạc. Bối cảnh sân khấu liên tục thay đổi và chuyển động, âm nhạc tuyệt vời, và sự say mê của cô vũ công, những góc máy ấn tượng. Đấy chắc hẳn là 15 phút tuyệt đẹp của một bộ phim vốn vô cùng đẹp như The Red Shoes. The Red Shoes như tôi đã nói, chứa đựng sự xung đột giữa đam mê và tình yêu. Lermontov là một ông chủ lạnh lùng, cao ngạo. Ông cần sự trung thành và vâng lời tuyệt đối. Và bản thân ông cũng sẽ đảm bảo những gì dưới trướng của ông sẽ thành công không gì ngăn cản được. Như sự thành công của Victoria Page, hay sự thành công của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi Julian Craster. Nhưng có một điều ông không thể khiến người khác vâng lời, đó là bắt người ta không được yêu. Câu chuyện phim chuyển hướng thành sự xung đột của Lermontov vốn đặt Ballet, đam mê về ballet hơn hết thảy, và tình yêu của Victoria Page với chàng nhạc sĩ Craster. Một mối tình đẹp, ai cũng tin vậy, ai cũng thấy điều đó bình thường trừ Lermontov. Ông không chỉ ghen, chắc hẳn không phải là thứ tình cảm ghen tuông nam nữ, thứ mà Lermontov chưa bao giờ thể hiện trong bất kì cảnh phim nào. Điều gì đó lớn lao hơn nhiều khi con đường của ông bị ngăn trở. Ông đã muốn Victoria Page trở nên vĩ đại. Nhưng ông nói: Sự lãng mạn đẹp đẽ đan cài với thái độ thù địch của Lermontov. Victoria Page không thể tiếp tục tham gia cùng đoàn với Lermontov. Tất nhiên sự nổi tiếng của cô có thể giúp cô kiếm việc ở bất kì đâu. Nhưng để vĩ đại, chỉ có Lermontov có thể làm được. Cô đã mang sẵn trong tim mình một đôi giày đỏ, thứ khiến cho cô có đam mê bất tận với việc Nhảy, và thèm khát một đỉnh cao để đạt tới trong đam mê của mình. Lermontov hiểu điều đó, vì ông giống như gã phù thuỷ trong truyện của Anderson, chế ra đôi giày cho Victoria Page. Ông bắt cô chọn, một bên là tình yêu, một bên là đam mê. Một sự lựa chọn đau đớn và khó khăn, vì không có gì bản năng hơn tình yêu, nhưng cũng không có gì bản năng hơn đam mê. Những vũ công Ballet với điệu nhảy điêu luyện và tuyệt đẹp, âm nhạc đầy ấn tượng và mê hoặc, tất cả đã được những diễn viên thể hiện tuyệt vời. Đặc biệt là Moira Shearer, sức sống ở một cơ thể căng tràn khoẻ mạnh, đôi mắt đẹp, và thần thái quyến rũ, một diễn viên điện ảnh trong vai một diễn viên kịch với đầy đủ những phẩm chất của một vũ công ballet chuyên nghiệp. moira Shearer quyến rũ người xem từ ánh mắt của cô cho đến những bước nhảy Ballet duyên dáng. Moira chắc chắn là một trong những chìa khoá làm nên sự vĩ đại của The Red Shoes, một cách không nghi ngờ. Sức nặng của đam mê và tình yêu chính là tuổi trẻ. Tuổi trẻ của Victoria Page, của Julian Craster. Họ còn trẻ, họ để đam mê cuốn đi đến những đỉnh cao mà họ muốn, nhưng họ cũng không đủ kinh nghiệm để thoát khỏi lưới tình. Đặc biệt là cô gái ngây thơ và chân thành như Victoria Page. Tuổi trẻ không có đam mê là sự nhạt nhẽo, tuổi trẻ không có tình yêu là sự nhàm chán. Nhưng khi tuổi trẻ có cả hai thứ đó, và nó trở thành đối trọng xung đột nhau, thì tuổi trẻ đó tràn đầy bi kịch. Bi kịch của một người sống quá cảm tính để có thể lựa chọn con đường ổn định cho cuộc đời mình. Nên The Red Shoes, đôi khi tôi nghĩ, là bộ phim về bi kịch của tuổi trẻ.
    • 0 downloads
    Một cuộc xung đột vũ trang buộc đôi vợ chồng trẻ Pedro và Alma Madrigal với những đứa con sinh ba (Julieta, Pepa và Bruno) phải chạy trốn khỏi ngôi làng quê hương của họ ở Colombia. Những kẻ tấn công giết Pedro, nhưng ngọn nến của Alma bỗng dưng trở nên mầu nhiệm thổi bay chúng và tạo ra ngôi nhà tri giác tên là Casita, rồi núi cao dâng lên bao quanh vùng đất Encanto thần kỳ. 50 năm sau, một ngôi làng mới đã phát triển trù phú dưới sự bảo vệ của cây nến. Phép thuật mà nó ban tặng cho mỗi hậu duệ nhà Madrigal lúc họ lên 5 tuổi được dùng để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Trước đó 10 năm, Bruno Madrigal, người bị phỉ báng và ghẻ lảnh bởi phép thuật nhìn thấu tương lai của mình, trốn chạy khỏi Encanto và vào cùng thời điểm đó, cô bé Mirabel 5 tuổi bí ẩn thay lại không được cây nến ban phép mầu. Vào sinh nhật lên 5 của Antonio Madrigal, cậu bé được ban khả năng nói chuyên với động vật. Trong lúc gia đình đang ăn mừng, Mirabel đột nhiên phát hiện những vết nứt xuất hiện tại Casita và ngọn lửa của cây nến trở nên lập lòe, song những lời cảnh báo của cô bị bỏ ngoài tai vì dường như đó chỉ là ảo giác. Sau khi nghe trộm được Alma cầu nguyện bên ô cửa sổ, Mirabel quyết tâm cứu lấy phép mầu. Ngày hôm sau, cô nói chuyện với người chị tráng sĩ Luisa, người mà thú nhận rằng có điều gì đó không ổn với phép mầu và thổ lộ hết nỗi lo âu mà chị ta đã đè nén bấy lâu. Luisa chỉ dẫn cho Mirabel đột nhập vào căn phòng Bruno ở tháp cấm của Casita, nơi có lẽ ẩn chứa câu trả lời. Ở đó, Mirabel tìm thấy những mảnh thủy tinh lục bảo chứa thị kiến tương lai của Bruno và sống sót thoát ra khỏi căn phòng dần sụp đổ. Sau khi nghe lời cảnh cáo của gia đình về người cậu Bruno, Mirabel vẫn cố chấp ghép lại những mảnh vỡ và thấy hình ảnh của chính mình đứng trước một Casita bị nứt mẻ. Tối hôm đó, người chị ruột có khả năng khiến trăm hoa đua nở của Mirabel, Isabela, ra mắt trước người chồng đã được đính hôn là Mariano Guzmán. Giữa lời thỉnh hôn của Mariano dành cho Isabela, Dolores tiết lộ khám phá của Mirabel cho mọi người nhờ khả năng siêu thính giác của cô, khiến cho Casita lại rạn nứt, và phá hỏng bữa tối trịnh trọng sau khi Pepa vô tình gây ra một trận mưa như trút nước. Giữa cả thảy hỗn loạn đó, Mirabel bám theo một đàn chuột tha những mảnh vỡ lục bảo và phát hiện một lối bí mật đằng sau một bức chân dung, nơi cô tìm thấy Bruno đang ẩn náu. Bruno hóa ra chưa bao giờ rời khỏi ngôi nhà, anh tiết lộ rằng thị kiến về tương lai của Mirabel không hoàn toàn chắc chắn, khiến anh tin rằng cô bé chính là chìa khóa để giải cứu phép mầu; trước đây do không muốn làm tổn thương Mirabel, Bruno đã phá vỡ thị kiến của mình và từ bỏ gia đình. Trong phòng của Antonio, Bruno miễn cưỡng nhìn vào tương lai theo lời của Mirabel và chứng kiến cảnh cô bé ôm lấy người chị gái Isabela, điều mà có lẽ sẽ hồi sinh phép mầu. Mirabel đành đi xin lỗi Isabela, người thú nhận rằng không muốn kết hôn với Mariano và bị gánh nặng bởi vẻ ngoài hoàn hảo của mình. Mirabel thông cảm với Isabela và cả hai ôm chầm lấy nhau làm cho ngọn nến bùng cháy. Tuy vậy, Alma buộc tội Mirabel gây ra bất hạnh cho gia đình bởi vì tủi thân do không có năng lực. Mirabel cãi vã với Alma rằng chính bà mới là nguyên nhân khiến phép thuật suy yếu. Mâu thuẫn giữa Mirabel và Alma khiến ngọn nến vụt tắt, chẻ đứt dãy núi bao quanh Encanto và hủy diệt Casita. Mirabel đau đớn chạy trốn khỏi gia đình. Alma tìm thấy Mirabel đẫm lệ tại dòng sông nơi Pedro hi sinh thân mình để cứu đoàn dân tị nạn. Alma chia sẻ bi kịch của mình với người cháu gái và giải thích tại sao việc bảo tồn phép mầu lại quan trọng với bà đến nhường đó. Mù quáng vì thế nên Alma đã đặt kỳ vọng quá cao lên con cháu, mà chẳng hề hay biết gia đình mình đang rạn nứt dưới áp lực đó. Bà chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra; Mirabel và Alma hòa giải và cả hai, hội ngộ với Bruno, tụ họp với các thành viên Madrigal khác. Với sự giúp đỡ của dân làng, họ tái xây dựng Casita. Mirabel được trao cho một tay nắm cửa và sau khi cô bé lắp nó lên cửa chính, phép thuật được hồi phục và Casita sống lại. Kết phim, cả gia đình Madrigal, bao gồm Mirabel và Bruno, cùng nhau chụp tấm hình kỷ niệm.
    • 0 downloads
    Được thực hiện bởi Edward Wright – đạo diễn của Baby Driver, bộ phim Last Night in Soho (tạm dịch: Đêm cuối ở Soho) đã khiến mình tò mò ngay từ trailer đầu tiên. Một câu chuyện được kể bằng ánh sáng neon, kết nối hai con người ở thế kỷ XXI và thập niên 60s, với những tình tiết kinh dị được hé lộ. Ngay từ giây phút ấy, mình đã đặt Last Night in Soho vào shortlist năm nay, cùng với những bộ phim The French Dispatch, The Green Knight, The Lamb, Titane, The Hunt, The Matrix Resurrections… Bộ phim mở đầu bằng câu chuyện của cô bé Eloise từ vùng quê nước Anh lên London theo học ngành thiết kế thời trang. Tại đây, một cô bé có phần “quê mùa”, hơi “weird”, yêu thích nhạc cổ điển, đã bị đám bạn cùng ký túc kỳ thị, dẫn tới việc cô phải tìm đến một nhà trọ cũ kỹ ở London. Ngay từ đêm đầu tiên qua đêm ở căn nhà trọ này, Eloise đã hóa thân và được chứng kiến câu chuyện về cô gái trẻ xinh đẹp Sandie ở thập niên 60s. Sandie – với tham vọng trở nên nổi tiếng ở London, đã đến quán Cafe de London nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, làm quen với Jack. Sandie và Jack vừa có mối quan hệ tình cảm lãng mạn mà Eloise hằng mơ ước, bên cạnh đó, Jack cũng hứa hẹn sẽ đưa Sandie trở thành một ngôi sao. Eloise gần như bị cuốn vào thế giới quá khứ đó. Cô nhận ra đó không chỉ là mơ, bởi vết hickey của Jack lên Sandie vẫn hằn trên cổ Eloise khi cô hóa thân thành Sandie. Vậy là Eloise luôn mong chờ tới ban đêm để được du hành về quá khứ, nhập thân vào “thần tượng” Sandie, khám phá cuộc tình lãng mạn của hai người; cũng như được Sandie truyền cảm hứng để Eloise tự tin bên ngoài đời thực. Nhưng liệu rằng mối tình của Jack và Sandie có đẹp như Frank Sinastra và Ava Gardner? Không. Biến cố xảy ra giữa hai người, và Eloise nhận ra cuộc sống của Sandie rơi vào địa ngục. Đó cũng là lúc Eloise bị nỗi ám ảnh mang tên Sandie đeo bám ra ngoài đời thật. Kể từ đây, mạch phim trở nên nhanh, với nhiều tình tiết rùng rợn, kỳ ảo và ám ảnh. Điều khiến mình ấn tượng nhất với bộ phim, đó là bộ phim rất đẹp. Từ cinematography, tới thiết kế bối cảnh, phục trang; và đặc biệt là khâu edit phim cùng với VFX đều rất ấn tượng. Nếu như cảnh quay có nhiều góc quay qua gương và đổi vai ấn tượng giữa Eloise và Sandie, thì ánh sáng phim được kết hợp chủ đạo bởi hai màu neon đỏ và xanh cũng tạo một cảm giác huyền bí, ám ảnh. Mạch phim được đội ngũ Editor cắt rất có nhịp điệu và ý đồ, với nhiều pha chuyển cảnh ấn tượng, khiến cho bộ phim thực thực, ảo ảo, nhưng xem vẫn không quá khó hiểu như những phim của Christopher Nolan. Kỹ xảo cũng là điểm đáng khen của bộ phim, khi tạo hình của những “bóng ma” không bị giả, “rẻ tiền”; ngược lại, thực sự ấn tượng và ám ảnh. Có nhiều trường đoạn đội ngũ VFX đã xử lý để kết hợp giữa tưởng tượng với thực tế; hoặc những phân cảnh mang đậm chất fantasy, khiến cho Last Night in Soho thêm phần kỳ ảo và nghệ thuật. Thông thường với một bộ phim hơi hướng kinh dị, teenager như này, mình thường không đánh giá cao về nội dung kịch bản. Nhưng phải nói Last Night in Soho có một kịch bản rất hay, rất cuốn hút mà cũng lại rùng rợn. Ban đầu, mình đồng cảm và yêu thích cô bé Eloise lạc lõng (có lẽ do mình cũng hay cảm thấy khác người và lạc lõng như vậy), để rồi sau đó hoàn toàn đi theo gót chân của Eloise để khám phá quá khứ của Sandie. Câu chuyện bi kịch của Sandie cũng vừa đủ để tạo ý nghĩa cho bộ phim, cũng như gây ấn tượng với khán giả, dù cho với mình không quá mới mẻ. Ý nghĩa này ta có thể tìm thấy như trong Bombshell, Promising Young Woman, Girl From Nowhere; nhưng đảm bảo cách dẫn dắt và cảm xúc phim trong Last Night in Soho hoàn toàn khác biệt so với những phim kể trên. Đạo diễn Edward Wright cũng rất biết cách biến tấu kịch bản để Last Night in Soho không trở nên nhàm chán; khi biến những kẻ gây bất hạnh cho Sandie trở thành những bóng ma ám ảnh Eloise ngoài đời thực, qua đó kết nối hai quãng thời gian, hai thế giới, thông qua tiềm thức của Eloise. Chúng ta như được nhập vào Eloise để trải qua cơn ác mộng, mà đôi khi giống như cảm giác bị bóng đè: sợ hãi, bất lực, không biết đâu là thực, đâu là hư. Đây chính là điểm đặc sắc và thú vị nhất của bộ phim. Cùng với đó, bộ phim cũng giải quyết cao trào bằng những plot twist vừa đủ để khiến khán giả không dễ dàng nhận ra. Dù cho những người hay xem phim và tinh ý, có thể nhận ra trước thời điểm mà bộ phim cho chúng ta thấy, thì chúng ta cũng khó đoán đúng plot twist ngay từ trước khi cao trào diễn ra. Như vậy, về kịch bản, Last Night in Soho có một kịch bản tương đối chắc chắn, cuốn hút, thú vị, ám ảnh và cũng đầy bất ngờ, ý nghĩa. Bộ phim Last Night in Soho cũng có sự góp mặt của nữ diễn viên xinh đẹp Anna Taylor-Joy (từng đóng vai chính trong The Queen Gambit) trong vai Sandie và Matt Smith (từng đóng vai chính trong Dr.Who) trong vai Jack. Đội ngũ diễn viên của phim, bao gồm cả những diễn khác, đều diễn rất thành công, đủ để làm nên một bộ phim hay. Có thể nói, Last Night in Soho nằm ở ranh giới giữa giải trí và nghệ thuật, tương tự như cách bộ phim kể câu chuyện ở ranh giới giữa thế kỷ XXI và thập niên 60s của thế kỷ trước. Mình rất mong Last Night in Soho sẽ được đề cử ở những giải thưởng sắp tới, nhưng theo mình đánh giá, ý nghĩa và mức độ nghệ thuật của bộ phim chưa đủ đạt đến tầm đó. Mình hy vọng bộ phim sẽ góp mặt ở các giải kỹ thuật trong các giải thưởng sắp tới, bởi theo mình đánh giá, Last Night in Soho xuất sắc hơn Baby Driver nhiều. Tổng kết lại, theo mình, Last Night in Soho là một bộ phim hay, có sự kết hợp của giải trí lẫn nghệ thuật. Bộ phim thực sự cuốn hút, rùng rợn và có cả sự bi thương nếu ta suy nghĩ sâu về nó. Nhưng về ý nghĩa, bộ phim chỉ nằm ở lưng chừng, vừa đủ để hay hơn các phim giải trí, nhưng chưa đủ ý nghĩa khi so sánh với các phim hàn lâm. Dù sao chăng nữa, Last Night in Soho với mình cũng là một bộ phim hay, và phù hợp với tất cả mọi người.
    • 0 downloads
    "Ghostbusters: Afterlife" (2021) là phần tiếp theo của loạt phim "Ghostbusters" gốc, mang đến một câu chuyện mới nhưng vẫn giữ được tinh thần của nguyên tác. Phim xoay quanh một gia đình đang gặp khó khăn, bao gồm mẹ Callie và hai con, Phoebe và Trevor, khi họ chuyển đến một thị trấn nhỏ ở Oklahoma sau khi nhận được di sản từ ông của họ, một trong những thành viên của đội Ghostbusters. Tại đây, Phoebe — một cô bé thông minh và đam mê khoa học — bắt đầu khám phá những bí mật liên quan đến quá khứ của ông mình, trong khi Trevor làm việc tại một tiệm sửa xe. Họ phát hiện ra các thiết bị và vật dụng liên quan đến các vụ bắt ma của Ghostbusters, cùng những hiện tượng siêu nhiên đang xảy ra xung quanh thị trấn. Khi những thế lực siêu nhiên bắt đầu xuất hiện trở lại, cả gia đình phải hợp tác để đối phó với những mối đe dọa và cứu lấy thị trấn, đồng thời kết nối với di sản của tổ tiên. Bộ phim không chỉ mang đến những tình huống hài hước và hành động hấp dẫn mà còn chứa đựng nhiều yếu tố về tình cảm gia đình và sự kế thừa. "Ghostbusters: Afterlife" đã nhận được sự ủng hộ từ cả người hâm mộ cũ lẫn khán giả mới, nhờ vào sự tôn vinh các nhân vật gốc và tinh thần của loạt phim ban đầu.
    • 0 downloads
    Một ngày của bé siêu quậy 1994, Baby's day out Phim hài hước kể về cuộc phiêu lưu thú vị của cậu bé Bink 1 tuổi từ trong nôi ra ngoài đời. Vốn là con của 1 gia đình triệu phú, lúc mới sinh đã được bao bọc trong nhung lụa nên Bink dễ dàng trở thành mục tiêu của bọn bắt cóc tống tiền. Sau khi cải trang và chiếm được bé Bink, 3 tên tội phạm Eddie, Norby và Veeko vô cùng hí hửng vì nghĩ mình sắp vớ được 1 món hời lớn. Tuy nhiên, cũng từ đây, những rắc rối, không phải bắt nguồn từ cảnh sát mà từ chính cậu bé chỉ vừa mới chập chững biết bò này, đã liên tục xảy ra với bọn chúng. Eddie, Norby và Veeko lần lượt trở thành những “nạn nhân tội nghiệp” cho những trò nghịch phá hồn nhiên của Bink. Bằng sự thông minh, ngây thơ và hài hước cùng sự giúp đỡ của những nhân vật tốt bụng như chú đười ươi trong vườn thú, cô giữ trẻ hay những cựu chiến binh hóm hỉnh, Bink đã lần lượt cho bọn bắt cóc 1 bài học đích đáng, khiến bọn chúng phải bao phen sống dở chết dở.
    • 0 downloads
    "A Hard Day's Night" (1964) là một bộ phim âm nhạc hài hước, nổi bật với sự tham gia của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Phim theo chân bốn thành viên của nhóm — John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr — trong một ngày thú vị và điên rồ khi họ chuẩn bị cho một buổi biểu diễn. Câu chuyện bắt đầu khi nhóm đang đối mặt với sự nổi tiếng và những áp lực đi kèm. Họ phải chạy đua giữa các cuộc phỏng vấn, sự kiện truyền thông và buổi diễn, trong khi vẫn cố gắng giữ cuộc sống cá nhân và mối quan hệ với gia đình. Phim không chỉ nổi bật với những bài hát kinh điển của The Beatles mà còn thể hiện sự hài hước và sự năng động của nhóm. Thông qua những tình huống hài hước và hình ảnh sinh động, "A Hard Day's Night" đã định hình lại thể loại phim âm nhạc và trở thành một tác phẩm kinh điển trong điện ảnh. Bộ phim cũng phản ánh cuộc sống của những người trẻ trong thập niên 60, với thông điệp về tình bạn và đam mê.
  1. Joker posted a file in Điện Ảnh
    • 0 downloads
    "Juice" (1992) là một bộ phim tâm lý hình sự tập trung vào cuộc sống của một nhóm thanh niên ở New York, đặc biệt là bốn người bạn thân: Q, Bishop, Raheem và Steel. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của họ trong bối cảnh đô thị, nơi mà sự cám dỗ và áp lực từ xã hội xung quanh đang tác động mạnh mẽ đến họ. Nhân vật chính, Q (do Omar Epps thủ vai), có đam mê với âm nhạc hip-hop và muốn trở thành DJ, trong khi Bishop (do Tupac Shakur thủ vai) lại bị cuốn vào lối sống gangster và tìm kiếm quyền lực. Khi một sự kiện bi thảm xảy ra, nhóm bạn phải đối mặt với những quyết định khó khăn và mâu thuẫn, dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng cho cả nhóm. Bộ phim không chỉ khai thác những vấn đề về bạo lực và tội phạm mà còn thể hiện sâu sắc tình bạn, sự trưởng thành và những lựa chọn trong cuộc sống. "Juice" được đánh giá cao về cách xây dựng nhân vật và thông điệp mạnh mẽ về hậu quả của sự tham lam và tìm kiếm quyền lực.
    • 0 downloads
    Phim Will Smith đóng chính dựa trên chuyện có thật về nỗ lực của Venus và Serena Williams - huyền thoại quần vợt thế giới. Phim nhận sáu đề cử Oscar 2022 bao gồm: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc (Will Smith), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Aunjanue Ellis), Kịch bản gốc xuất sắc, Dựng phim xuất sắc và Ca khúc trong phim hay nhất (Be Alive - Beyonce). Dự án là sự trở lại màn ảnh của Will Smith - ứng viên sáng giá nhất của hạng mục nam chính, từ sau Gemini Man (2019). Tác phẩm dõi theo hành trình của Richard Williams, người cha nuôi dạy hai vận động viên tài năng trở thành nhà vô địch bộ môn tennis. Lấy bối cảnh những năm 1990 ở thành phố Compton, phía Nam Los Angeles, Mỹ, nơi tập trung đông người da màu, phim ghi lại những năm đầu trong sự nghiệp quần vợt của Venus và Serena Williams. Ban ngày, Richard cùng hai con tập luyện trên các sân tennis công cộng. Ban đêm, ông làm bảo vệ tại một khu chợ địa phương để trang trải sinh hoạt phí cho bảy thành viên trong nhà. Ông dành thời gian đi đến những sân tennis của giới nhà giàu giới thiệu tài năng của con mình với các huấn luyện viên nhưng đều bị từ chối, thậm chí còn bị chế nhạo. Giữ vững niềm tin, người cha chở hai cô gái đến sân tập của huấn luyện viên Paul Cohen (Tony Goldwin), nhờ ông đào tạo. Nhưng chỉ có Venus nhận được cái gật đầu từ huấn luyện viên, sau đó cô về nhất giải Tennis thiếu niên. Bất đồng quan điểm với Cohen, Richard tìm đến Rick Macci (Jon Bernthal) - người thầy của tay vợt chuyên nghiệp Jennifer Capriati. Từ đây, Richard cùng Rick hỗ trợ về mặt kỹ năng cho Venus. Vợ ông - Oracene Williams (Aunjanue Ellis), là hậu phương vững chắc, động viên tinh thần cho chồng và con gái. Hóa thân chân thật của Will Smith là điểm cộng lớn cho phim. Tài tử thể hiện được tâm lý của một người cha, một người bạn luôn đồng hành và che chở các con. Richard sống nguyên tắc, có kế hoạch bài bản. Ông kiên định theo đuổi những mục tiêu, có tầm nhìn xa rộng để biết hai con sẽ đạt được thành công thế nào sau khi khổ luyện. Có năm người con nhưng Richard không thiên vị ai, luôn tìm cách bảo vệ con trước những cạm bẫy của xã hội. Ông chịu đựng khi bị gangster đánh hội đồng, trước đó ông đã đánh tên cầm đầu vì buông lời khiếm nhã với con gái lớn Tunde. Ông khước từ những hợp đồng béo bở của những kẻ đặt lợi ích của họ lên trên tài năng của con gái mình. Richard không bắt các con làm theo ý ông mà dạy họ những bài học thực tế của cuộc sống, để con tự trải nghiệm. Ông dạy con trong bất kỳ tình huống nào cũng phải sẵn sàng đương đầu, vượt qua mọi nghịch cảnh. Ông cho năm người con xem phim hoạt hình Cinderella để học được bài học về sự khiêm tốn. Ông cũng dạy những người con của mình trong cuộc đời không có gì là miễn phí vì mọi thứ luôn đi kèm với điều kiện. Một trong những cảnh xúc động của phim là khi Richard cắt ngang buổi phỏng vấn Venus - mới 14 tuổi - trên đài National TV năm 1994, khi người phỏng vấn cố khiến cho cô con gái da màu trẻ tuổi nghi ngờ về tài năng của mình, khi đó Venus mới 14 tuổi. Richard thể hiện ông không phải là người cha dễ nhân nhượng trước những tình huống khiến các con ông bị cuốn theo sự phán xét hay định kiến của xã hội. Diễn viên trẻ Saniyya Sidney (Venus Williams) và Demi Singleton (Serena) nỗ lực vào vai hai tay vợt có sức ảnh hưởng của làng thể thao thế giới. Cả hai mất nhiều tháng để học chơi tennis chuyên nghiệp. Saniyya và Demi diễn xuất ăn ý. Trong những cảnh quay riêng của từng nhân vật, Saniyya thể hiện tốt sự tập trung và tinh thần thể thao của Venus khi thi đấu, còn Demi khiến khán giả đồng cảm khi cô e sợ bản thân quá nhỏ bé với chiếc bóng của chị. Bên cạnh hai diễn viên trẻ đầy triển vọng, đạo diễn Reinaldo Marcus Green còn sử dụng những tay vợt thực thụ nhằm làm tăng độ chân thực cho các pha thi đấu. Tác phẩm kể theo thời gian tuyến tính, dựng phim phát huy tối đa kỹ thuật chuyển cảnh 'cutting on action', cho thấy được kỹ thuật ghép nhiều góc máy với nhau để tạo nên sự liền mạch cho câu chuyện trong cùng một phân cảnh. Có thể kể đến như những cảnh Venus thi đấu trên sân tennis với những cảnh toàn bao quát sân, trung cảnh Venus phát bóng sau đó lia máy theo chuyển động của cô bé khiến cho người xem cảm giác như được trực tiếp theo dõi trận đấu. Việc sử dụng góc đặt máy qua vai (over the shoulder shot) trong những phân cảnh đối thoại đã phát huy khả năng dẫn dắt câu chuyện của bộ phim, biến người xem trở thành một phần của cuộc trò chuyện, tiêu biểu là cảnh đối thoại giữa Rick Macci và nhà Williams trong lần đầu gặp mặt, hay cảnh cãi vã của hai vợ chồng Richard khi ông không đồng ý cho Venus thi đấu chuyên nghiệp. Ngoài miêu tả sự khắc nghiệt của những băng đảng ở Compton, King Richard còn lên án nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Phim đề cập quá khứ của nhân vật chính, ông từng bị người da trắng nhiều lần đánh đập. Nhà làm phim lấy hình ảnh Richard, Venus và Serena để cất lên tiếng nói cho cộng đồng người da màu, tinh thần nữ quyền. Theo Harper's Bazaar, bài hát Be Alive do Beyonce thể hiện ở cuối phim đã tôn vinh sự kiên cường và những chiến thắng của chị em nhà Williams.
    • 0 downloads
    Ba tiếng đồng hồ xem The Wolf of Wall Street là một trong những trải nghiệm điên rồ nhất của tôi đối với điện ảnh, đến mức dù đã xem không dưới 3 lần bộ phim dài 3 tiếng đồng hồ này, tôi vẫn tự hỏi, mình vừa xem cái quái gì vậy? Nhưng, nếu để chọn ra một trong mười kiệt tác của điện ảnh thế kỷ 21, tôi không ngần ngại chọn bộ phim này nằm trong số đó. Hơn cả một tác phẩm điện ảnh, với nhịp điệu cuồng loạn và tràn ngập sự phóng túng, không ngần ngại phơi bày sự trác táng và dâm dật của những kẻ sống trên tiền, huyền thoại Martin Scorsese và dàn diễn viên, được dẫn đầu bởi Leonardo DiCaprio đã mang đến cho chúng ta một kiệt tác về lòng tham và lối sống đồi bại, sự tha hóa đạo đức đến tận cùng. Nhưng cũng lạ lùng thay, nó phản ánh rất chính xác nền văn hóa dư thừa vật chất ở phố Wall mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn từng khao khát. Lời tự thú của một con sói già phố Wall The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) là một bộ phim tiểu sử, hài châm biếm (dark comedy) dựa theo cuốn hồi ký của Jordan Belfort, do đạo diễn huyền thoại đương đại Martin Scorsese dàn dựng vào năm 2013. Đây là màn hợp tác thứ 5 giữa ông và Leonardo DiCaprio, đồng thời cũng là bộ phim đạt doanh thu cao nhất của cả hai trong những lần hợp tác chung. Phim cũng giành 5 đề cử Oscar cho Phim hay nhất, Đạo diễn, Kịch bản chuyển thể, Nam chính (Leo) và Nam phụ (Jonah Hill) xuất sắc nhất. Và dù không đoạt bất cứ giải nào, nhưng có hề gì, luôn có những kiệt tác điện ảnh vượt qua những giải thưởng của giới Hàn lâm để tồn tại lâu dài. (trong khi nhiều phim đoạt giải đã bị quên lãng từ lâu) Bộ phim mở đầu bằng lời tự thuật của Jordan Belfort bằng cách nhìn thẳng vào ống kính, một cách “kể chuyện” phá vỡ bức tường thứ 4 mà Martin Scorsese từng thực hiện trước đây với một kiệt tác khác về thế giới của gangster là Goodfellas (1992). Belfort nói rằng thế giới của giới đầu tư, của phố Wall như một khu rừng nhiệt đới mà ở đó, bò rừng, gấu, hổ… xuất hiện ở mọi nơi và hiểm nguy ở mọi ngõ ngách. Và anh ta tự nhận mình và các cộng sự ở công ty Strantton Oakmont là những chuyên gia, dẫn bạn vượt qua vùng hoang vu của tài chính và giúp bạn tránh hiểm nguy, đồng thời làm giàu giúp bạn. 26 tuổi, với vai trò là giám đốc công ty môi giới chứng khoán, Jordan Beford đã kiếm được 49 triệu USD/năm, nhưng anh ta vẫn chưa thỏa mãn vì thiếu chút nữa là kiếm được 1 triệu USD/tuần. 4 năm trước đó, Jordan đặt chân đến phố Wall khi còn là một thanh niên 22 tuổi trắng tay và gặp Mark Hanna (Matthew McConaughey). Mark là kẻ “khai sáng” cho anh ta về cách kiếm tiền ở phố Wall và giữ được sự tỉnh táo bằng… ma túy và gái. Bởi nếu không thỏa mãn nhịp điệu dưới thắt lưng, những kẻ như gã sẽ mất thăng bằng và nổ tung bất cứ lúc nào: họ sẽ bị điên loạn với các con số, thập phân, tần số… nhảy múa trên các bảng giao dịch. Nhờ sự hướng dẫn tận tình và bài học “khai sáng” của “con sói già, Mark Hanna, 6 tháng sau Jordan đã tường tận phố Wall, kiếm được nhiều tiền. Anh ta lái những chiếc siêu xe cỡ Ferrari mới cáu cạnh, những căn biệt thự triệu đô, sở hữu những con ngựa đua đắt tiền, hai nhà nghỉ mát, du thuyền dài 52m, máy bay riêng lộng lẫy và cô vợ siêu hot Naomi sẵn sàng “thổi kèn” cho anh ta trên xa lộ. Anh ta sống đồi bại và trác táng không thể tưởng tượng: hít ma túy từ “cửa sau” của gái điếm, uống rượu như cá uống nước, bạo dâm và chơi gái tuần 5,6 lần. Những thứ ma túy mà anh ta dùng trong một tuần đủ để cả thành phố Manhattan, Long Island và Queens an thần trong một tháng, như Jordan tự thừa nhận. Anh ta dùng Quaaludes 10 đến 15 lần mỗi ngày cho chứng “đau lưng”, uống Adderall để tập trung, uống Xanax để an thần, cần sa để giảm căng thẳng, cocaine để tỉnh táo, và morphine đơn giản vì nó quá “phê”. Trong tất cả các loại “thuốc” trên cõi đời này, có một loại mà Jordan cực kỳ thích, thứ mà anh ta cho rằng để chinh phục thế giới và moi ruột kẻ địch: đấy là TIỀN. Có tiền, anh ta có thể có mọi thứ, từ những ngôi biệt thự hàng chục triệu đô, du thuyền, gái đẹp. Thêm vào đó có thể làm từ thiện, hỗ trợ tài chính cho đảng mà anh ta yêu thích, thậm chí cứu một loài động vật nào đó đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tiền có thể biến anh ta thành người… tốt! Nhưng ngày 19/10/1987, được gọi là Ngày Thứ Hai Đen Tối, thị trường chứng khoán phố Wall sụp đổ với mức tuột tệ hại nhất từ Ngày Thứ Ba Đen Tối từ năm 1929. “Phố Wall nuốt chửng và ‘ị’ tôi ra một lần nữa”, như lời anh ta tự thú. Jordan trắng tay và trở về với vạch xuất phát. Nhưng vốn có thừa kinh nghiệm và trải nghiệm trong tay, anh ta lại khởi đầu thêm một lần nữa. Jordan “bán cặn bã cho kẻ cặn bã” và kiếm tiền từ đấy. Anh ta gặp Donnie (Jonah Hill), một kẻ buôn bán đồ trẻ em sống cùng chung cư. Và cả hai bắt đầu khởi nghiệp với nghề môi giới chứng khoán từ một garage cũ. Bọn họ trở thành “chiến hữu”, tuyển thêm một đội quân bán hàng, đa phần là xuất thân từ dân bán cần sa hoặc ma túy và đào tạo bọn họ nghệ thuật “hard sale”. Phương pháp kiếm tiền cơ bản của bọn họ là lừa đảo “bơm và bãi” (pump and dump). Để che đậy điều này, Jordan đặt cho công ty cái tên sang chảnh: "Stratton Oakmont". Thế giới của những kẻ ngập trong tiền, hưởng lạc, sa đọa và trống rỗng Câu chuyện của Jordan Belfort, kẻ đã bị FBI bắt với tội danh thao túng thị trường chứng khoán và gian lận, rửa tiền vào năm 1999 thì hẳn chúng ta đã biết từ trước khi xem bộ phim này, qua cuốn hồi ký cùng tên (đã được dịch ra tiếng Việt). Để tái hiện lại câu chuyện của Jordan ở phố Wall từ tự truyện của anh ta, cách thuyết phục nhất là tái dựng lại cái thế giới của những kẻ kiếm tiền dễ như trở bàn tay nhờ mánh lới và lừa đảo. Qua cách kể chuyện tràn năng lượng của Martin Scorsese, một đạo diễn kỳ cựu của điện ảnh Mỹ ở tuổi ngoài 70, ta sẽ thấy được tận mắt chứng kiến (qua màn ảnh) thế giới của những kẻ ngập trong tiền và hưởng lạc nhưng cũng trống rỗng đến tận cùng. Với lời tự thuật của Jordan Belfort, qua màn diễn xuất đỉnh cao và xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Leonardo DiCaprio, Sói già phố Wall là một thiên sử thi của sự… sa đọa, một vở opera ăn chơi trác táng không có điểm dừng. Kiếm tiền quá dễ dàng, anh ta cũng ném tiền qua cửa sổ dễ dàng không kém. “Văn hóa công ty” của Jordan là những bữa tiệc trác táng với ma túy và gái điếm cao cấp được trả bằng thẻ tín dụng, những cuộc mây mưa tập thể diễn ra ngay tại văn phòng, trên du thuyền và thậm chỉ cả trên máy bay. Khi đã quá dư dật về tiền bạc, Jordan cũng sẵn sàng từ bỏ người vợ tần tảo đầu gối tay ấp khi nghèo khó để cưới một cô vợ chân dài và quyến rũ (Margot Robbie). Lời dẫn chuyện của Jordan Belfort xuyên suốt bộ phim, gợi nhớ đến cách mà Ray Liotta (vai một gangster) từng kể về cuộc đời của hắn ta trong Goodfellas. Cách mà Martin Scorsese kể về những kẻ tội phạm, lừa đảo hay thế giới ngầm của bọn chúng: không phải là do ai đó kể, mà do chính bọn họ - những kẻ trong cuộc kể. Không răn dạy, không lên án, không có sự phẫn nộ về mặt đạo đức, đơn giản là Marty để cho bọn họ tự thuật lại cuộc đời mình. Và chúng ta, là những kẻ được chứng kiến, rồi từ đó, rút ra điều gì cho bản thân – tùy! Hai phân đoạn tả thực cảnh ăn chơi lầy lội của Jordan và đồng bọn là phân đoạn Jordan và Donnie chơi… “thuốc thánh” rất khan hiếm trên thị trường khiến bọn họ “ngáo” từ chân lên tới đầu, phải bò bằng đầu gối và đánh mất khả năng ngôn ngữ, trong khi vẫn cố giữ đầu óc tỉnh táo để tránh bị một tay thám tử của FBI đang nghe lén và điều tra. Một phân đoạn cao trào khác, có thể xem là đỉnh điểm của nhịp điệu cuồng loạn được kiểm soát cực kỳ chắc tay trong dàn cảnh và cắt dựng, là cảnh du thuyền lộng lẫy của bọn họ gặp bão giữa đại dương khi tìm cách sang châu Monaco để “giải cứu” một khoản tiền đen khổng lồ. Dù sắp chết đến nơi, Jordan vẫn phải cứu lấy… túi thuốc Quaalludes to tướng của gã. Martin Scorsese đã tái hiện một thế giới cuồng loạn của những kẻ dư dật trên tiền bạc, hưởng lạc đến tận cùng nhưng trống rỗng đến tận cùng. Và tất nhiên, bọn họ phải trả giá. Leonardo DiCaprio chưa bao giờ xuất sắc như thế Phim của Martin Scorsese (Marty với cách gọi thân mật) chưa bao giờ dở. Nhưng xuất sắc và tràn trề năng lượng cỡ The Wolf of Wall Street thì cũng chỉ tầm 4, 5 phim trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 6 thập niên của ông mà thôi. Sức hấp dẫn của Sói già phố Wall ngoài kịch bản phóng túng được chấp bởi Terence Winter, tài năng dàn dựng và chỉ đạo bậc thầy của Marty, dựng phim của Thelma Schoonmaker; tất nhiên còn phải kể đến dàn diễn viên tài năng, từ Leonardo DiCaprio, Jonah Hill, Margot Robbie… cho đến một diễn viên khách mời chỉ xuất hiện khoảng 5 phút nhưng hoàn toàn hút hồn người xem, là Matthew McConaughey. Điều thú vị là trong cuộc đua Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm đó, Leonardo DiCaprio bị đánh bại bởi Matthew McConaughey với một bộ phim tiểu sử khác: Dallas Buyers Club. Cho dù tiếp tục bị Viện Hàn lâm từ chối (để rồi sau đó được công nhận với một vai diễn không hay bằng trong The Revenant, 2015), Leonardo đã cống hiến cho màn bạc một vai diễn “thần sầu” với hơn 100% năng lượng diễn xuất. Jordan qua tài năng của Leo trở thành một nhà truyền bá đầy cảm hứng về cách kiếm tiền và tiêu tiền, về lối sống thác loạn không thể kiềm chế. Lối diễn xuất của Leo kích thích adrenaline và tăng testosterone trong máu. Vừa điên rồ vừa hài hước, vừa mãnh liệt vừa trống rỗng, Jordan của Leo đã tái hiện chính xác chân dung của một kẻ tôn sùng lối sống kim tiền và hưởng lạc đến giây phút cuối cùng trên cõi đời này. Đến mức mà đôi lúc, khi xem bộ phim dậm dật năng lượng này, ta tự hỏi Marty và Leo đang cổ xúy hay châm biếm, chế nhạo lối sống này đây? Để rồi ta tự trả lời rằng, hẳn là phải hiểu nó đến tận cùng, ta mới chế nhạo được nó, còn không, chúng ta chỉ là những kẻ nhìn đời qua cửa kính mà thôi. Nhịp điệu dồn dập và xoay vòng, dựng phim nhanh đến mức không cho ta dừng lại một giây để thở, chưa nói gì đến chuyện phải suy nghĩ hay tự vấn, đơn giản là Marty kéo xộc chúng ta đi trong một thiên sử thi của sự sa đọa, cho đến khi bọn họ trở thành nạn nhân cho lối sống của chính mình. Sự châm biếm của Marty phải chăng là ở đó? Sói già phố Wall hay là "vật tổ" cho nền văn hóa thái quá của chúng ta? Trong đoạn kết của Sói già phố Wall, ta được chứng kiến sự đổi vai thú vị. Jordan Belfort thật ngoài đời sắm một vai cameo là host của một TV show về làm giàu, đang phỏng vấn Jordan Belfort do Leo đóng. Lúc này, Jordan đã ra tù sớm nhờ hợp tác với FBI và trở thành một… diễn giả truyền cảm hứng, tác giả của hai cuốn sách best-seller về “self-help” và bán hàng. Và cảnh kết này, một lần nữa có thể giúp ta “sáng mắt” ra về thông điệp và chủ đề của bộ phim mà Martin Scorsese muốn truyền đạt. Cho dù là một kẻ tội phạm lừa đảo và rửa tiền, một kẻ tham nhũng và ăn chơi bệnh hoạn bị bỏ tù, Jordan Belfort vẫn là một kẻ… truyền cảm hứng về làm giàu và bán hàng. Anh ta là một kẻ bán hàng bẩm sinh, một kẻ có “giác quan thứ 6” về tiền với nguồn năng lượng vô biên. Những đôi mắt của đám khán giả bên dưới nhìn anh ta đầy ngưỡng mộ, và thậm chí coi anh ta như một… vị thần, một kẻ hứa hẹn với bọn họ kiếm 1 triệu đô trong vòng 8 tám bước đơn giản. Người hacircm mộ Ánh nhìn của những "người hâm mộ". | Nguồn: Paramount Pictures. Jordan là con sói ở phố Wall, rõ rồi. Nhưng phải chăng, anh ta còn là đại diện, là vị “vật tổ” trong một nền văn hóa thèm khát vật chất, dư dật vật chất và hưởng lạc vật chất mà hầu hết chúng ta đều theo đuổi?
    • 0 downloads
    Nội dung Kể về Amano Hina trong bệnh viện với mẹ mình, rồi cô trông thấy ánh nắng ở phía xa xa chiếu rọi một khu dân cư bỏ hoang, trên tầng thượng có chiếc cổng cầu nguyện, cô tới đó, tới tầng thượng và cầu nguyện. Chuyển cảnh về nhân vật chính Morishima Hodaka tới Tokyo xin việc làm, nguyên nhân dẫn đến việc này là cậu muốn rời xa gia đình, khi trời mưa đến, cậu ra ngoài để nhận cơn mưa thì bỗng tàu nghiêng ngả vì sóng, cậu xém bị rời con tàu và được Keisuke Suga cứu. Hodaka đãi Suga một bữa vì cứu cậu, Suga đưa cho Hodaka thẻ giới thiệu khi cậu cần giúp đỡ. Hodaka đến Tokyo để xin việc, hầu hết mọi người từ chối cậu vì còn quá trẻ, cậu ngủ ở trước cửa một nơi nhà thổ, người ta đuổi cậu đi và cậu vô tình đụng phải thùng rác làm rơi các lon ra ngoài, cậu nhặt vào trong thùng rác thì trông thấy một bịch giấy dán vào nhau và cậu đi vào một nhà ăn hamburger. Mở ra thì trông thấy một khẩu súng nên cậu liền bỏ vào túi, cậu ngủ tại nơi này, rồi Hina tặng cho cậu một bánh hamburger để ăn. Rồi cậu đi tìm Keisuke Suga để tìm việc và nơi ở, khi đến văn phòng của Keisuke Suga, Suga không có ở nhà mà chỉ có Natsumi đang ngủ ở đó, rồi cả hai nói chuyện với nhau, Suga về nhà và cũng là lúc cậu nhận được việc tại nơi này. Lúc cậu đi thăm con mèo con ở ngoài hẻm, thì vô tình bắt gặp Hina đi cùng hai người mà lúc trước đi vào Club rồi đuổi cậu ra ngoài, cậu vô tình nghe được bọn họ dụ dỗ Hina đi vào nhà thổ liền ra ngăn cản và cùng chạy với Hina, thế nhưng cậu bị hai người kia tóm được và thằng cha lúc trước đó đánh cậu, cậu rút súng ra tự vệ nhưng may là cậu bắn trượt, cậu và Hina trốn vào trong căn nhà bỏ hoang. Cậu và Hina cãi nhau vì rút súng ra thế nhưng cũng làm hòa với nhau vì cậu đã cứu Hina. Rồi lý do liên kết nào đó đã dẫn hai người đến với nhau, cũng là lúc tòa soạn của Suga đi tìm cô gái nắng và phỏng vấn những người trông thấy cô gái nắng, Hina đã dẫn Hodaka đi đến một nơi, đó là đền cầu nguyện trên khu dân cư cũ, rồi cô cầu nguyện, ánh nắng mặt trời đến trên sân thượng. Hodaka nảy ý tưởng sử dụng ánh nắng mặt trời để kinh doanh, thế rồi Hina lôi kéo em trai mình là Nagi để kinh doanh kiếm tiền, thế nhưng Natsumi và Suga đến một ngôi đền và được nghe về cô gái nắng – đứa con thời tiết. Cả ba người Hodaka, Hina và Nagi đến một ngôi nhà của người dân để thực ánh nắng mặt trời, cũng như nói với người bà ở đó rằng sẽ thực hiện thêm một vụ ánh nắng mặt trời lần cuối cho sân bóng. Suga đã mướn cô gái nắng để thực hiện chơi với đứa con gái của anh, và Hodaka mới vỡ lẽ ra anh là người mướn nhóm cậu để thực hiện, lúc này Hodaka mới biết đến đứa con gái và Natsumi là cháu của Suga, lúc này Natsumi nói với Hina về việc cô gái nắng sẽ tế thần cho mặt trời và Hina mới thật sự buồn. Lúc này, sở cảnh sát truy tìm người đàn ông đã dụ dỗ Hina và suýt bị Hodaka bắn, rồi sở cảnh sát đến nhà Hina và nhà Suga để điều tra, khi cảnh sát đến nhà hina, Hina đã nói dối với cảnh sát là không có Hodaka ở đây, đồng thời cảnh sát cũng báo với cô bé là sẽ có người đến bảo hộ cô và đứa em vào sáng mai. Suga chờ Hodaka ở trên xe trước cửa nhà Hina, Nagi nói với Hodaka là anh biết chuyện cảnh sát chưa, sau đó Hodaka vô trong xe nói chuyện Suga, Suga cho biết anh không thể chứa Hodaka ở trong nhà vi hiện tại đang giành quyền nuôi con và không thể xảy ra tình huống xấu nào trong hiện tại. Hodaka, Hina và Nagi bắt buộc phải rời bỏ căn phòng hiện tại để bỏ trốn, thế nhưng trong thời tiết xấu nên hầu hết đã hết phòng hoặc không nhận học sinh hoặc dưới 18 tuổi, đang lúc đang đi tìm thì bị cảnh sát đến kiểm tra và Hodaka cố gắng chạy trốn, nhưng bị cảnh sát bắt lại, cũng may Hina đã dùng lời cầu nguyện để sét đánh trúng vào xe tải và thoát được cảnh sát. Rồi cả ba người tìm được khách sạn. Trong lúc đó, Hina nói với Hodaka cô là vật tế thần, nếu tế cô thì trời sẽ hết mưa, trong đêm đó cô biến mất, trời nắng lại và cảnh sát đến bắt hai người là Hodaka và Nagi, khi đến sở cảnh sát Hodaka đã xin được đi tìm Hina nhưng cảnh sát không đồng ý, rồi Hodaka bắt buộc phải bỏ trốn. Cảnh sát rượt đuổi theo, may sao lúc đó Natsumi cũng có mặt rồi chở Hodaka chạy trốn, nhưng không may là lúc tới đoạn đường ngập, Hodaka bắt buộc phải chạy trên đường ray. Cảnh sát đến văn phòng Suga để tìm Hodaka nhưng Suga bảo không có tại đây, lúc này Suga mới biết Hodaka đã chạy trốn và anh biết Hodaka ở đâu, Nagi bị bắt, cũng may có hai cô bạn gái đến thăm và cải trang để thoát ra khỏi phòng cảnh sát. Hodaka đến khu dân cư bỏ hoang gặp được Suga, Suga khuyên nhủ không được, Hodaka bị bắt, nhưng Suga ngăn cản cảnh sát và Hodaka đi đến sân thượng, Hodaka đến đền và cầu nguyện, gặp được Hina và bảo mặc kệ tất cả, thế rồi cả Hodaka đã lôi Hina trở về. Thành phố Tokyo ngập ngụt, ba năm sau Hodaka quay lại đi tìm Hina. Review Tích cực Đây là bài viết review thứ hai của mình sau bài viết Review Mary and The witch’s Flower (2017), vì vậy có rất ít kinh nghiệm để review Anime vì vậy mong các bạn lượng thứ cho ạ. Khi Weathering With You ra mắt, đạt được khá nhiều thành công và đón nhận từ phía khán giả, cũng như đạt doanh số khá cao, hầu hết là xuất phát từ nội dung hay của Weathering With You cũng như thiêng về tình yêu của thanh thiếu niên. Kèm theo nữa là thần thoại xen kẽ lịch sử Nhật Bản, mặc dù không đi vào chi tiết hóa nhưng được thông qua lời thoại của các nhân vật phụ. Weathering With You đã mang lại cho chúng ta cảm xúc nhẹ nhàng, êm dịu từ phía âm nhạc, ý nghĩa về tình cảm bất chấp mọi khó khăn, thử thách và trông thấy những điều trái chiều về cuộc sống, hơn hết, khi xem xong mình nhận ra tình cảm ý nghĩa như thế nào nếu chúng ta thật sự biết yêu và bất chấp cái khó khăn đó để làm mọi thứ. Đây không phải là bộ phim duy nhất về tình cảm thiếu niên, nhưng cũng là bộ phim có âm nhạc tạo ra điểm số cao hơn, đồng thời cũng là bộ phim đầu tiên mình có thể cảm thụ âm nhạc và đánh giá cao hơn các bộ phim khác. Một điều ý nghĩa nữa là cầu nguyện, hình như đạo diễn Shinkai Makoto đã muốn truyền tải đến cho mọi người là hãy cầu nguyện, mọi thứ sẽ ổn và bầu trời sẽ lắng nghe và sẽ đem lại theo ý muốn của mọi người nếu như thành tâm cũng như thường xuyên cầu nguyện. Rất ít bộ phim đem mang thông điệp là cầu nguyện, ngoại trừ các tôn giáo ra thì các nhà làm phim không bao giờ muốn truyền tải điều này vì người xem chưa muốn hoặc chưa có đất diễn cho hành động này. Ý nghĩa khác nữa là mang thông điệp tích cực, niềm tin và tình yêu thì vũ trụ sẽ đáp trả cho ta những thứ xứng đáng với ta, đó là thứ mình yêu thích bộ phim Weathering With You, mang cho người xem vừa nhẹ nhàng, vừa mang thông điệp từ bầu trời, cũng như tinh thần và tình yêu giữa cặp đôi thuần khiết. Hãy bảo đảm rằng những điều bạn mong muốn, nhắc đi nhắc lại trong tiềm thức, đó gọi là Luật Hấp Dẫn – hay nói cách khác gọi là Luật xứng đáng những thứ bạn có. Thì với Hodaka, một cậu nhóc, mang tình yêu nặng tình với Hina, và cái xứng đáng đã và đang diễn ra với cậu, vì vậy Weathering With You đã gần như nhắc rằng, những thứ xứng đáng luôn là những thứ phải mất đi điều gì đó để nhận lại điều lớn lao, nếu không, hiện tại cũng chỉ có thế, với thứ mong muốn lớn lao sẽ không đến nếu chúng ta không hành động hoặc hướng về nó. Mặt khác cũng truyền tải đến thông tin về môi trường, còn nhiều điều về bầu trời cũng như biển cả mà con người chưa thật sự khám phá hết, sự hủy hoại sẽ dẫn hậu quả khó lường, để nhận được một điều gì đó từ ánh nắng mặt trời sẽ phải đánh đổi, không phải thứ cho không là miễn phí, thứ mong muốn điều có được. Bối cảnh Bối cảnh thuộc thành phố Tokyo, trọng tâm của các nhân vật là 5 nhân vật quan trọng, 6 nhân vật phụ – những nhân phụ này chủ yếu dẫn dắt vào cốt truyện khá quan trọng, do đó tuy các nhân vật ít trong bối cảnh lớn, cho tới thành phố bị ngập lụt vào trong giây phút cuối, nhưng đã làm tốt vai trò, không dẫn đến nhân vật quá ít mà không gian rộng tạo ra cảm giác cô độc – cái này nói rõ thêm là có rất nhiều bộ phim cũng lấy bối cảnh rộng và nhân vật ít nhưng cũng tạo ra cho người xem cảm thấy như thành phố chết hoặc là quá chú trọng vào các tuyến tính nhân vật mà các nhân vật dàn cảnh trong phim như là làm cho có. Do đó Weathering With You đã tạo ra một bầu không khí không quá cô độc hoặc lạc loài giữa chốn đông người, nhưng ngược lại cũng tạo ra người khác cảm giác vui tươi như sau cơn mưa trời lại sáng vậy. Đặc biệt là không có một chút nét nào của tăm tối xuyên suốt trong phim – khi mà hầu hết các bộ phim nhẹ nhàng cho tới tăm tối thì việc cơn mưa luôn là một thứ gì đó thuộc về buồn bã, vì vậy mình cảm thấy bộ phim Weathering With You nhẹ nhàng từ đầu cho chí cuối không một chút buồn bã dù Hodaka và Hina rời xa nhau khoảng ba năm trời hay cho tới lúc cảnh Hina biến mất và để lại hai người ở trong phòng. Tóm lại, bối cảnh Weathering With You đã thành công về mặt bối cảnh không gian mà hầu hết các bộ phim khác dễ mắc phải sai lầm. Đồ họa Về mặt đồ họa thì có thể nhận ra Anime đã phác họa trên máy tính, các tòa nhà, đường ray, thuyền, pháo hoa và ánh nắng cực kỳ đẹp mắt và 3D hóa, dù vậy cũng không hẳn là 3D cả luôn nhật vật, mà các nhân vật thì được vẽ bằng tay do đó chúng ta cũng không thấy được chiều không gian nhân vật như các tòa nhà và pháo bông được chiếu ra. Mình thấy hầu hết các nhân vật 3D thường không được đẹp như vẽ bằng tay, thật đấy, hay tại mình chưa chứng kiến bộ phim 3D thuộc Anime nào? Tóm lại, màu sắc tươi sáng, lấy màu xanh dương da trời làm trọng tâm, màu tối cũng không hề có (hoặc rất ít) tạo ra một bộ phim tình cảm lãng mạn thời niên thiếu. Âm nhạc Thật ra mà nói mình thấy nền nhạc trong phim rất nhẹ nhàng, êm dịu, thậm chí mình cực kỳ thích bài The Taste Of Kindness, làm mình gợi nhớ về game DEEMO, đây là game dẫn mình đến những khoảng cách nhẹ nhàng và thanh tịnh, sau khi bạn xem xong bộ phim, hãy đến nghe các bài hát tại đây để cảm nhạc đầy đủ hơn nhé. Tiêu cực Đây là bộ phim thuộc thể loại tình cảm lấy thần thoại Nhật Bản làm nền cho câu chuyện, thế nhưng việc lấy thần thoại làm nền và các nhân vật phụ khác kể về đứa con thời tiết khá mơ mờ, tới cuối phim chúng ta được biết trước đây 200 năm có xảy ra hiện tượng tương tự như vậy nhưng không kể nốt và tạo cho nhân vật chính tự hỏi. Mình không có ý kiến về việc này nhưng về việc nội dung thần thoại vốn dĩ từ đầu cho tới cuối khá nông, tức là không có chiều sâu hơn thế nữa, kiểu làm nền và sẽ không bao giờ có một câu trả lời nào sẽ xảy ra và để cho người xem tự thắc mắc, thế nhưng chiêu bài này khá là được nhưng trong trường hợp lấy thần thoại làm nền tảng thì sẽ bị dội ngược. Do đó sẽ khiến cho người xem thích thú nhưng không ấn tượng gì về đứa con gái mưa, ý mình là người xem sẽ tự hỏi là cách nào và trước đây là chuyện gì, làm sao có thể giải quyết được nó? Hầu hết các đánh giá thấp điều xuất hiện nội dung chưa khai thác hết, cũng như chứa quá nhiều điều nhưng chỉ xuất hiện ở bề mặt mặt nước, chính vì vậy, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ khi xem, chúng ta sẽ nhận ra điều đó, nhẹ nhàng, dễ hiểu và cảm động, nhưng chưa thật sự thuyết phục ta ở bên trong nội dung, cụ thể hơn là thần thoại, cho ra cái kết cục mở sau này. Vấn đề lại nằm ở cái kết cục, thì có thể đạo diễn Shinkai Makoto muốn người xem đoán kết cục cho cả thành phố sau này lẫn cả tình cảm, tuy nhiên, không hẳn bộ phim nào cũng có thể làm tốt điều này, và bộ Weathering With You nằm trong số các bộ phim chưa làm tốt kết thúc phim. Kiểu như thế, bộ phim Weathering With You đã làm tốt vai trò của mình là kể câu chuyện tình cảm của cậu nhóc và cô bé, dù vậy nội dung và thần thoại chưa thật sự có chiều sâu nhưng không thể vì thế mà đánh giá thấp bộ phim Weathering With You được. Tóm lại Đây là bộ phim Anime tình cảm nhẹ nhàng, nếu như bạn có người yêu, hãy xem cùng với người đó nhé, còn không có cũng không sao, xem xong bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng với âm nhạc của Weathering With You đem lại sẽ làm cho bạn thư giãn và yêu mến bộ phim hơn, cũng như sẽ khiến cho bạn tìm hiểu về Anime nhiều hơn là dừng tại bộ phim này. Tóm lại Weathering With You xứng đáng là một Anime của năm 2019, với tình cảm và nhiều thông điệp khác nhau, sẽ không phí thời gian dành cho bạn.
    • 0 downloads
    "Robot Carnival" (1987) là một bộ phim hoạt hình anthology Nhật Bản, bao gồm nhiều câu chuyện ngắn về robot, được sản xuất bởi một nhóm các đạo diễn và họa sĩ nổi tiếng. Phim được chia thành tám phần, mỗi phần có phong cách và thể loại khác nhau, từ hành động đến hài hước và cả bi kịch. Câu chuyện chung xoay quanh một lễ hội robot, nơi mà những cỗ máy và công nghệ thể hiện sự sáng tạo và khả năng của con người. Mỗi đoạn phim khám phá những khía cạnh khác nhau của mối quan hệ giữa con người và robot, cũng như những cảm xúc và trải nghiệm mà chúng mang lại. Một số phần trong phim nổi bật với hình ảnh ấn tượng và âm nhạc đầy cảm xúc, mang đến cho người xem những trải nghiệm độc đáo. "Robot Carnival" không chỉ thu hút người xem bởi kỹ thuật hoạt hình tinh xảo mà còn bởi những thông điệp sâu sắc về công nghệ, tình cảm và bản chất con người. Bộ phim đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong thể loại hoạt hình khoa học viễn tưởng.
    • 0 downloads
    "Epic" không còn là một từ thường xuyên được dùng để miêu tả các tác phẩm điện ảnh. Vào thập niên 50 và 60, đây là tên gọi dành cho nhưng bộ phim phiêu lưu sử thi như Ben-Hur hay Lawrence of Arabia, với quy mô khổng lồ, kỳ vĩ tới mức huyền ảo. Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ kỹ xảo, điện ảnh dường như lại tập trung hơn vào những "set piece" công phu, thay vì muốn nhấn chìm khán giả vào một không gia rộng lớn. Dune và Dune: Part Two vì thế sừng sững hiện lên như một ngoại lệ. Chuyển thể từ tác phẩm kinh điển năm 1965 của Frank Herbert, hai bộ phim đưa khán giả tới một thế giới xa xôi, mênh mông tới nỗi chỉ có thể được ghi lại trên khổ phim 70mm. Giống như người tiền thân, Dune: Part Two là một bản thiên hùng ca uy nghi hùng vĩ gây choáng ngợp mọi giác quan, dày đặc về mặt nội dung với những yếu tố trải dài từ chính trị tới tôn giáo. Nhưng khác với phần một, Dune: Part Two có phần lộn xộn hơn, nhưng cũng giàu cảm xúc và đậm tính con người hơn rất nhiều. Đối với những khán giả chưa xem phần một, thì 165 phút của Dune: Part Two sẽ là khoảng thời gian phải căng não. Bởi lẽ bộ phim không tốn giây phút nào để nhắc lại nội dung của Dune, mà kể tiếp câu chuyện ngay sau cái kết đột ngột của phần một. Năm 10191 tại hành tinh sa mạc Arrakis. Gia tộc Atreides vừa bị tàn sát bởi nhà Harkonnen, dưới sự chỉ đạo của lão Nam tước Vladimir (Stellan Skarsgård). Harkonnen giành lại Arrakis để tiếp tục thu hoạch Hương dược, một loại tài nguyên quý giá có khả năng kéo dài tuổi thọ, gây ảo giác và cho phép du hành không gian. Như lời dẫn truyện đầu bộ phim đã nói: "Ai kiểm soát Hương dược, kiểm soát tất cả." Nhưng Paul Atreides (Timothée Chalamet) và mẹ vẫn còn sống sót ngoài sa mạc cằn cỗi, được tiếp đón bởi tộc người bản địa Fremen. Nhiều người Fremen tin rằng Paul là Lisan al-Gaib, một vị cứu tinh trong truyền thuyết sẽ giúp họ giành lại được Arrakis, biến hành tinh này thành một thiên đường. Nhưng Paul biết rằng lời tiên tri này thực chất được gieo mầm bởi các Bene Gesserit, một dòng nữ tu vốn từ lâu đã âm thầm thao túng chính trị của vũ trụ. Và những ảo mộng về tương lai cảnh báo Paul rằng nếu hiện thực hóa vận mệnh như lời tiên tri, cậu sẽ mở ra một cuộc thánh chiến và tàn sát cả vũ trụ. Song Paul vẫn cần sự ủng hộ của người Fremen, nếu cậu muốn thành công trong con đường trả thù nhà Harkonnen và Hoàng đế Shaddam IV (Christopher Walken), người đã bí mật tiếp tay sát hại nhà Atreides. Tượng đài mới của dòng phim khoa học viễn tưởng Dune: Part Two là một tượng đài tham vọng tới khó tin của thể loại khoa viễn tưởng và điện ảnh nói chung, là một trải nghiệm phi thường nhấn chìm giác quan và trí tưởng tượng của khán giả vào một thế giới không tồn tại. Qua ống kính của đạo diễn hình ảnh Greig Fraser cùng sự kết hợp tài tình giữa công nghệ kỹ xảo và hiệu ứng thực tế, những đụn cát sa mạc, những con sâu khổng lồ, những cỗ máy thu hoạch Hương dược thô kệch hiện lên hùng vĩ tráng lệ, biến khán giả trở nên tí hon và bất lực trước quy mô khổng lồ của từng thước phim. Các phân cảnh hành động của Dune: Part Two, từ Paul cưỡi sâu rẽ cát dọc sa mạc, tới trận đánh du kích của tộc người Fremen, được đẩy lên một tầm cao mới với những điệu nhạc tựa sấm rền của Hans Zimmer. Ngược lại, những đụn cát với tinh thể Hương dược phảng phất trong gió, đi kèm với những nốt nhạc tí tách như tiếng lấp lánh của kim cương, lại đem đến một vẻ huyền ảo như thể chính khán giả đang được trải nghiệm thứ tài nguyên gây ảo giác này. Đạo diễn Denis Villeneuve muốn cho thấy đây là một cuộc chiến âm hưởng khắp vũ trụ, và vì vậy đưa khán giả tới nhiều hành tinh khác nhau như Arrakis, Kaitain hay Caladan, mỗi nơi đều sặc sỡ một cách riêng biệt. Vậy nhưng địa điểm gây trầm trồ nhất lại chỉ sử dụng màu sắc ở hai điểm cực của dải quang phổ. Đó là tại hành tinh Geidi Prime của gia tộc Harkonnen, nơi tên phản diện Feyd-Rautha được giới thiệu qua một trận giác đấu. Toàn bộ đấu trường được phủ một màu đen trắng rùng rợn, tạo cảm giác nơi này khắc nghiệt và quỷ quyệt tới nỗi màu sắc cũng không thể tồn tại. Dune: Part Two có thể là một bộ phim yêu cầu sự tập trung dài hạn của khán giả, nhưng một khi đã chiêm ngưỡng, khó ai có thể rời mặt khỏi màn hình. Câu chuyện giàu cảm xúc và đậm tính con người Yếu tố hình ảnh, dù kỳ vĩ tới đâu, không thể là thứ khiến Dune: Part Two đột phá quá nhiều so với người tiền nhiệm, và 6 tượng vàng Oscar ở các hạng mục kỹ thuật của phần một là minh chứng cho điều này. Thứ tách biệt Dune: Part Two, là một câu chuyện giàu cảm xúc và đậm tính con người hơn. Dune và Dune: Part Two, vừa là hai phần phim chiến tranh khoa học viễn tưởng, nhưng cũng là một câu chuyện coming-of-age hay tuổi mới lớn của Paul Atreides (trong tiểu thuyết, Paul mới chỉ 15 tuổi). Nếu phần một Paul chỉ như một nạn nhân bị động liên tục bị cuốn theo những biến cố của câu chuyện, thì ở Dune: Part Two, khán giả thấy rõ được sự xung đột bên trong cậu. Được thể hiện đầy tinh tế bởi Timothée Chalamet với một sự yếu đuối và mông lung của tuổi trẻ ẩn sau vẻ duyên dáng đầy lôi cuốn, khán giả thấy rõ Paul đang đứng giữa hai lựa chọn mà cậu biết đều không hoàn toàn tốt. Chi tiết này đẩy câu chuyện mang "motif" đã lạc hậu về Người được chọn hay Đấng cứu thế da trắng trở nên dễ đồng cảm hơn. Bên cạnh Paul là Chani (Zendaya), người đã được trao cho một vai trò thực sự sau khi gần như chỉ xuất hiện trong những ảo mộng ở phần một. Nữ chiến binh Fremen đóng vai trò mỏ neo tới nhân tính của Paul, (cố gắng) nhắc nhở cậu không bị trôi quá xa trong vô vàn những lời hô hào từ các giáo đồ. Mối quan hệ thân thiết ngoài đời thực của Timothée Chalamet và Zendaya thẩm thấu vào vai diễn, tạo cảm giác liên kết thực sự giữa hai nhân vật, giúp tình yêu của họ Và đó là chưa kể tới màn hóa thân rợn tóc gáy của Austin Butler trong vai tên tâm thần máu lạnh Feyd-Rautha; Công nương Jessica (Rebecca Ferguson) người đang ngày một trở nên quyền lực và bí hiểm với những toan tính mờ ám của riêng mình; hay "ông chú" Stilgar (Javier Bardem), nhân vật khiến bao khán giả phải bất ngờ bật cười mỗi lần ông tung hô Paul. Chưa phải cái kết? Dune: Part Two không phải không có những khiếm khuyết. Bộ phim, giống phần một, thêu dệt nên một câu chuyện dày đặc với quy mô khổng lồ, chứa đựng những yếu tố vĩ mô như địa chính trị hay thánh chiến. Vì vậy nên đôi khi, kịch bản của bộ phim cảm giác chật chội vì bị nhồi nhét quá nhiều. Một phần ba cuối của bộ phim diễn ra gấp gáp như thể thiếu mất một vài phân cảnh quan trọng. Thế nhưng ít nhất khi đang ngồi trong rạp chiếu phim, hiếm khán giả nào sẽ để ý quá về điều này, khi ai cũng đang bận trầm trồ trước những kỳ quan trên màn ảnh. Dune: Part Two là tác phẩm chuyển thể khép lại cuốn tiểu thuyết gốc của Frank Herbert, nhưng chắc chắn sẽ chưa phải cái kết của câu chuyện mà Denis Villeneuve muốn kể. Nếu được "bật đèn xanh", một viễn cảnh rất khả thi nếu xét về thành công mà Dune: Part Two đang nhận được, thì bộ phim thứ ba sẽ chuyển thể tác phẩm Dune: Messiah. Khi đó, câu chuyện của Paul Atreides, ít nhất là Paul Atreides của Timothée Chalamet mới khép lại. Có thể lại là ba năm nữa, hoặc cũng có thể là sớm hơn.
    • 0 downloads
    "American Underdog" (2021) là một bộ phim tiểu sử thể thao kể về cuộc đời của Kurt Warner, một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng, người đã trải qua nhiều thử thách để trở thành một trong những quarterback xuất sắc nhất trong lịch sử NFL. Bộ phim theo chân Kurt từ những ngày đầu khó khăn, khi anh không được chọn vào đội bóng đại học và phải làm việc để kiếm sống. Mặc dù gặp nhiều trở ngại, bao gồm cả việc chăm sóc gia đình và tìm kiếm cơ hội chơi bóng, Kurt không từ bỏ ước mơ của mình. Phim cũng khai thác mối quan hệ của anh với người vợ Brenda, người luôn ủng hộ và động viên anh trong hành trình theo đuổi sự nghiệp bóng đá. Qua những thử thách và thất bại, Kurt cuối cùng đã có cơ hội tham gia NFL và nổi lên như một ngôi sao, đưa đội bóng của mình đến Super Bowl. "American Underdog" không chỉ là một câu chuyện về thể thao mà còn là thông điệp về niềm tin, sự kiên trì và sức mạnh của tình yêu gia đình.
    • 0 downloads
    "The Guns of Navarone" (1961) là một bộ phim chiến tranh và phiêu lưu dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Alistair MacLean. Câu chuyện diễn ra trong Thế chiến II, khi một nhóm lính Đồng minh được giao nhiệm vụ phá hủy hai khẩu đại bác khổng lồ của Đức nằm trên một hòn đảo ở Biển Aegean. Những khẩu súng này có khả năng tiêu diệt tàu chiến của Đồng minh, đe dọa một chiến dịch cứu hộ quan trọng. Đạo diễn J. Lee Thompson đã khéo léo tạo nên một không khí căng thẳng và kịch tính, với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Gregory Peck, David Niven và Anthony Quinn. Nhóm lính phải đối mặt với nhiều thử thách, bao gồm địa hình hiểm trở, sự giám sát của quân Đức và những mâu thuẫn nội bộ. Bộ phim không chỉ xoay quanh hành động mà còn khai thác sâu sắc các chủ đề về tình bạn, lòng dũng cảm và sự hy sinh. Với kỹ xảo đặc sắc và cốt truyện hấp dẫn, "The Guns of Navarone" đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong thể loại phim chiến tranh.
    • 0 downloads
    Kết thúc của Dune dừng lại trong cuộc đấu trí căng thẳng và để lại khá nhiều thứ chưng hửng, băn khoăn cho khán giả. Dune: Part One được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của nhà văn Frank Herbert vào năm 1965, tác phẩm từ khi ra đời đã tạo ra nhiều tiếng vang cũng như mang về không ít giải thưởng danh giá. Một kiệt tác khoa học viễn tưởng đề cập đến những vấn đề lớn của nhân loại như chủ nghĩa thực dân, chính trị, tôn giáo, xã hội học. Phần kết của Dune(2021) chỉ kết thúc ở việc giải quyết nửa đầu của cuốn tiểu thuyết, chính vì lẽ đó nó đã gây nên không ít tranh cãi khó chịu cho người xem, ngược lại nhìn một cách tích cực, đó là tín hiệu của một phần phim hấp dẫn tiếp theo đang chờ đợi chúng ta từ đạo diễn Villeneuve. Không dẫm lại bước chân sai lầm của David Lynch, Dune của Villeneuve nhận được nhiều đánh giá khởi sắc hơn. Part One kết thúc khi Paul và Jessica chạm trán với người Fremen. Sau khi gần như thoát chết trong gang tấc dưới sự truy lùng của lực lượng Harkonnen và Sardaukar, Paul tự tay giết chết Jamis và cùng người mẹ gia nhập bộ tộc dưới sự dẫn dắt của Stilgar. Chani do Zendaya thủ vai khi chứng kiến điều này đã đưa ra nhận xét Đây mới chỉ là sự khởi đầu của hành trình bọn họ chuẩn bị tiến vào sa mạc Arrakis. Những hạn chế nhất định sẽ xảy ra khi chuyển thể một tác phẩm khoa học viễn tưởng dày đặc thông tin và những thứ mới mẻ cần được khám phá như thế này. Chính vì điều đó, tác phẩm văn học khi được xây dựng thành phim cũng mang đến nhiều chi tiết hoặc khoảnh khắc khó nắm bắt đến với khán giả, mà đó sẽ càng đúng với những người chưa từng thưởng ngoạn trước bộ tiểu thuyết này cũng như nắm bắt được các thuật ngữ của riêng Dune. Đơn giản là bộ phim không thể giải thích rõ các nghĩa tường tận chỉ trong thời lượng 2 tiếng rưỡi của, điều đó mang đến nhiều băn khoăn và để lại dấu hỏi lớn trong lòng người xem. Phần lớn những câu hỏi bỏ ngỏ của Dune xuất phát từ những sự kiện và cuộc trò chuyện bị bỏ sót từ tiểu thuyết, may mắn là bộ phim vẫn xây dựng trung thành sát với nguyên tác nhất. Và những câu trả lời phần khuyết của bộ phim sẽ không cần tìm đâu đấy xa xôi mà nó nằm chính trong những trang sách kiệt tác của Frank Herbert. 1. Giáo phái Bene Gesserit đóng vai trò như thế nào đối với Paul và Jessica ở Arrakis? Trong bản Dune của Frank Herbert, Lệnh bà Jessica nhận được hướng dẫn từ Bene Gesserit phải hạ sinh con gái cho Công tước Leto, đó như một phần của kế hoạch nhân giống kéo dài hàng thế kỷ nhằm đánh thức sự sống của Kwisatz Haderach, một nam nhân hội tụ yếu tố gen vượt trội không bị giới hạn bản sắc di truyền của nữ giới. Tuy nhiên, Jessica đã bất chấp mệnh lệnh và sinh ra Paul, khiến cho Kwisatz Haderach được tạo ra quá sớm. Đây chính là lý do Paul của Dune có những giấc mơ kỳ lạ và khả năng nhìn về tương lai lẫn quá khứ. Cũng chính điều đó, Mẹ Gaius Helen Mohiam đã thử nghiệm gom jabbar trên người Paul. Sau bài thử kiểm tra, Mohiam nói với Jessica rằng Bene Gesserit sẽ làm tất cả những gì họ có thể để vạch ra con đường sáng suốt, dẫn dắt Paul khi ở Arrakis. Đó là tình tiết đề cập đến Missionaria Protectiva, một nhánh của Bene Gesserit cũng nhằm gieo rắc niềm tin mê tín và mang đến những lời tiên tri để hỗ trợ cho thế lực chính trị của phụ nữ. Mặc dù, thuật ngữ Missionaria Protectiva không hề được nhắc đến trong phần reboot của Dune, nhưng đây có thể xem là một lời lý giải cho việc tại sao nhiều người Fremen và nhiều người dân khác ở hành tinh Arrakis coi Paul như một Đấng Tối Cao. Đây cũng là một phần của kế hoạch của Bene Gesserit nhằm tạo đường cho Kwisatz Haderach. 2. Hai cận thần Gurney Halleck và Thufir Hawat của Công tước Leto liệu còn sống sót? Sau khi gia tộc Harkonnen tấn công gia tộc Atreides, Dune không hề có bất cứ tình tiết nào đề cập đến hai nhân vật Gurney Halleck và Thufir Hawat. Trong sách, bậc thầy vũ khí Halleck vẫn còn sống sót sau cuộc chiến, nhưng bị vỡ mộng khi chứng kiến sự sụp đổ của Atreides, ông đã trở thành một tay buôn lậu. Trong một lần bị bắt bởi người Fremen, ông đã có dịp hội ngộ với Paul và quyết định thực hiện tôn chỉ trung thành với vị Công tước trẻ tuổi. Trong lúc đó, Hawat lại đầu quân trở thành cố vấn cho gia tộc Harkonnen. Đáng chú ý, sự vỡ mộng của Halleck cũng bắt nguồn từ việc ông nghi ngờ Lệnh bà Jessica chính là gián điệp của Harkonnen. Và Hawat cũng buộc tội Jessica phản quốc ngay cả trước khi âm mưu của Harkonnen bị bại lộ. Quay trở lại với phần phim, sự tồn tại của cả hai nhân vật này vẫn là một băn khoăn lớn, họ vẫn có thể trở lại trong phần phim tiếp theo và mang đến nhiều rắc rối cho Jessica. 3. Tại sao Hoàng đế Padishah lại phản bội gia tộc Atreides? Hoàng đế Padishah chính là người đã ban mệnh lệnh cho gia tộc Atreides trị vì Arrakis, người có công trong cái bẫy của Harkonnen. Tuy được nhắc đến tương đối nhiều nhưng Hoàng đế chưa bao giờ thật sự xuất hiện trong phim, và cũng không có một lời giải thích rõ ràng nào việc ông ta đã cho phép Harkonnen tiêu diệt toàn bộ một gia tộc quyền uy như thế, thậm chí còn cho phép Sardaukar tham gia vào cuộc chiến. Trong sách được tiết lộ rằng Hoàng đế Shaddam IV của gia tộc Corrino không có người thừa kế là nam giới, chính vì thế hai gia tộc Atreides và Harkonnen chính là mối nguy hiểm tiềm tàng đe dọa triều đại tồn tại hơn 10000 năm của họ. Tuy nhiên, Hoàng đế của Dune coi Atreides là mối đe dọa với quyền lực lớn hơn rất nhiều so với Harkonnen. Hơn nữa, gia tộc Harkonnen không chỉ giàu mạnh mà còn đủ sự xảo quyệt của giúp Hoàng đế loại trừ Atreides. Vai trò của Hoàng đế ở Arrakis có lẽ sẽ được gợi mở hơn ở phần phim tiếp theo, hoàn thành nửa sau của cuốn tiểu thuyết. 4. Chính xác thì người Fremen điều khiển được Sâu Cát bằng cách gì? Mối nguy hiểm tiềm tàng được tôn vinh là những bậc thầy thực thụ ở Arrakis chính là những con Sâu Cát khổng lồ lang thang dưới vùng sâu của sa mạc, được người Fremen gọi là Shai-Hulud. Trong đoạn trailer, Dune cho khán giả thấy người Fremen đang cưỡi Sâu Cát, thực tế trong phim Jamis đã xuất hiện trước mặt Paul khi anh ấy đang mang trong người một chiếc móc, chính là dụng cụ người Fremen dùng để điều khiển trên lưng Shai-Hulud. Tuy nhiên, suốt quá trình diễn biến bộ phim không thật sự cho khán giả thấy được người Fremen điều khiển Sâu Cát bằng cách nào và chỉ đưa đến những phân đoạn khi mọi sự đã diễn ra xong xuôi cả rồi. Theo nguyên tác, người Fremen dẫn dụ những con Sâu Cát bằng dùi gọi, tạo ra những nhịp điệu lặp đi lặp lại nhiều lần khiến Shai-Hulud không thể cưỡng lại được. Sau khi thực hiện trôi chảy sự kêu gọi đó, người Fremen dùng dây thừng và móc để đặt lên lưng nó và điều khiển. Chiếc móc có thể sử dụng để đưa Sâu Cát đi đến hướng mà người lái muốn di chuyển. Phần phim đầu tiên chỉ lột tả sơ qua về sự nguy hiểm tiềm tàng cũng như giới thiệu lướt qua phần người Fremen có thể điều khiển Sâu Cát, thì ở phần phim tiếp theo chúng ta có thể hy vọng nhiều tình tiết về sinh vật bí ẩn này sẽ được tiết lộ qua góc nhìn của Paul. 5. Fremen Sietch trông như thế nào? Duncan Idaho sau chuyến dò thám của mình, đã mô tả với Công tước Leto nơi người Fremen sinh sống. Đó chính là ngôi nhà hoặc những hốc đá rộng lớn ẩn dưới lòng đất, chứa được đến hàng nghìn con người và có được những khe nước sâu quý hiếm ẩn trong sa mạc. Phần phim đã khép lại khi nhóm người Fremen dẫn đầu là Stilgar đồng ý dẫn Paul và Jessica đến nhà của họ. Dune: Part Two sẽ dựa trên nửa sau còn lại của quyển tiểu thuyết, khả năng cao là nó sẽ tiết lộ sietch - nơi sinh sống của người Fremen trông như thế nào và thậm chí là cách chúng hoạt động ra sao. Trong sách, Fremen sietch là một thành phố rộng lớn dưới lòng đất, các lối vào được bảo vệ bởi những lớp màn chống ẩm. Bên trong, người Fremen phát triển các công nghệ bảo quản nguồn nước khác nhau, thực hiện các nghi lễ thần bí và tiêu thụ Spice (Hương dược), xem nó như một phần gia vị thiết yếu trong các bữa ăn thường ngày. 6. Tiến sĩ Liet Kynes là mẹ của Chani? Tiến sĩ Liet Kynes là người hỗ trợ Atreides trong việc quản lý Arrakis và cả khi lánh nạn khi gia tộc Harkonnen tấn công. Theo tiểu thuyết, Liet Kynes ban đầu là nam, sau đó được tiết lộ là cha của Fremen Chani (Zendaya). Đây chính là lý do mà các fan của tác phẩm này lại đặt ra câu hỏi lớn liệu Liet Kynes trong Dune có phải thật sự là mẹ của Chani hay không. Và nếu câu trả lời là phải, nó có thể xảy ra nhiều giả thuyết có ảnh hưởng lớn đến mạch phim chính, kể cả với câu chuyện của Liet Kynes hay mối quan hệ với những đứa trẻ của Paul và Chani. Trong Dune, tính linh cảm được cảm nhận phân biệt khác nhau giữa hai giới nam và nữ, thể hiện ở việc giáo phái Bene Gesserit chỉ có thể truy cập chính xác ký ức của tổ tiên là giới nữ. Nếu Tiến sĩ Liet Kynes có cùng dòng dõi với những đứa con của Paul và Chani, thì sự giới hạn này sẽ được phá bỏ và nó sẽ còn gợi mở được rất nhiều vấn đề khác nữa. Cuốn sách thứ ba của Frank Herbert Children of Dune đã đề cập rất nhiều về những đứa con sau này của Chani và Paul, nhưng nó không nằm trong quyển mở đầu, vì thế điều này khó có thể được khai thác ở phần phim tiếp theo. 7. Dune (2021) có phải là lần cuối để chúng ta thấy được Duncan Idaho? Trong Dune, chiến binh dũng cảm của Atreides là Duncan Idaho đã chiến đấu tới hơi sức cuối cùng với bọn người Sardaukar, nhằm giúp Paul và Jessica có thời gian tẩu thoát. Tuy nhiên, cũng có nhiều khả năng cho rằng Duncan sẽ trở lại vào một phần phim khác của Villeneuve, nếu mọi thứ được dựa theo nguyên tác trong quyển sách thứ 2 Dune: Messiah. Trong phần truyện đó, Duncan đã tái sinh thành một con ma cà rồng, sau đó được mang tặng cho Paul bởi Bene Tleilax. Trên thực tế, cái chết của Duncan trong phim chỉ là một trong những cái chết mà nhân vật này phải trải qua vô số lần trong các cuốn sách tiếp theo của Frank Herbert. Và sau mỗi lần tái sinh, anh ta đều biến thành ma cà rồng. 8. Tại sao Paul luôn nhìn thấy hình ảnh con chuột ở Xứ Cát? Lần đầu tiên Paul bắt gặp hình ảnh con chuột trong sa mạc là nhờ vào những cuốn phim tài liệu ba chiều anh xem khi ở Arrakis. Lần tiếp theo hình ảnh con chuột lại xuất hiện một lần nữa khi anh ấy cùng mẹ Jessica ẩn náu trong sa mạc khi gặp nguy. Con chuột được đại diện cho một biểu tượng kiên cường trong sa mạc, chúng có thể cảm nhận được sự chuyển động của Sâu Cát và đôi tai có thể hấp thụ được không khí hơi ẩm ở sa mạc. Trong sách, người Fremen gọi những sinh vật này là muad’dib. Điều này gợi nhắc đến việc Paul cũng được gọi là Muad’dib trong những phân đoạn hồi tưởng ở đầu các chương sách đầu tiên. Cái tên này do chính Paul đã chọn khi người Fremen chấp nhận sự gia nhập của anh trong cộng đồng, vì muad’dib của sa mạc là biểu tượng của sự kiên cường và trí tuệ. 9. Paul nhìn thấy được một cuộc chiến nổ ra với danh nghĩa của anh ấy? Những hình ảnh tiên đoán về tương lai đã cho Paul thấy chuẩn bị có một cuộc chiến chuẩn bị nổ ra dưới danh nghĩa của anh ấy là dấu hiệu biểu hiện tính linh cảm bí ẩn của nhân vật này. Trong Dune của Frank Herbert, những hình ảnh mà Paul đã thấy về cuộc chiến đó đã thật sự diễn ra trong phần cuối của cuốn sách đầu tiên. Khi Paul trở thành Hoàng đế và cai trị Arrakis, người Fremen và những dòng dõi thân cận khác đã lấy danh nghĩa của Paul để phát động cuộc chiến tranh với các thiên hà khác nhằm chinh phục khắp vũ trụ. Lúc này, Paul không còn khả năng để ngăn chặn sự diệt chủng mà cuộc chiến mang lại. Tuy nhiên, nếu lạc lối trên con đường này sẽ buộc phải hy sinh tính mạng của cả Paul hoặc Jessica, Paul đã cố gắng vượt qua và sử dụng khả năng nhìn thấy tương lai của mình một cách khôn ngoan hơn. Nó giúp anh giảm thiểu thiệt hại trong các cuộc chiến. Viễn cảnh mà Paul nhìn thấy được ở những cuộc chiến tương lai không chỉ đơn giản là những điềm báo, chúng còn cho thấy sự cân bằng trong khả năng lãnh đạo của Paul, sức nặng chàng Công tước trẻ tuổi phải gánh vác khi góp phần trong những sự kiện lịch sử và trở thành Đấng Tối Cao của Dune. 10. Tại sao lính tráng trong Dune không dùng súng mà chỉ dùng kiếm Công nghệ cao luôn là điều hiện hữu trong tâm trí khán giả khi nhắc đến thể loại phim khoa học viễn tưởng. Và nó được thể hiện thông qua những vũ khí "siêu ngầu" mà hai bên dùng để "choảng nhau". Nhưng tiếc thay, trong Dune chỉ có những thanh kiếm và tấm áo giáp có vẻ là công nghệ cao, mà những thanh gươn này còn không phải những thanh gươm ánh sáng huyền thoại của các Jedi. Một câu hỏi đặt ra tại sao súng ống hiện đại lại vắng mặt ở Dune? Dune là một quyển sách vô cùng khó chuyển thể, "vô cùng" đã là một cách nói giảm. Một điều mà phiên bản của Villeneuve đã đúng là bản chất của hành động trong vũ trụ Dune. Lý do chính khiến thế giới có rất ít vũ khí đạn đạp là vì có một tấm chắn năng lượng cá nhân rẻ và sẵn có bao bọc quanh cơ thể người đeo nó và bảo vệ họ khỏi gần như tất cả các loại vũ khí bắn đạn. Nó đủ nhỏ và di động để vừa với một chiếc vòng tay và có thể được bật lên ngay lập tức. Tất cả binh lính và mọi thành viên của một gia đình quý tộc đều mang một chiếc. Holtzman Shield là một bước ngoặt trong sự tiến bộ công nghệ ở đây và dòng thời gian của nó. Việc phát minh ra lá chắn khiến chiến tranh tầm xa, như súng chẳng hạn, gần như lỗi thời. Có một số cách để xuyên thủng tấm lá chắn này. Đó là sử dụng một vật sắc nhọn chuyển động từ từ như kiếm hoặc dao. Holtzman Shield, như Gurney Halleck giải thích ngắn gọn với Paul Atreides trong quá trình huấn luyện đấu kiếm của họ, đẩy lùi các vật thể chuyển động nhanh nhưng cho phép một thứ gì đó di chuyển chậm vượt qua. Có lẽ điều này là do đó người đeo Khiên Holtzman vẫn có thể thao tác với các vật thể và thở, đồng thời có thể tự do di chuyển mà không bị hạn chế bởi độ cứng của lá chắn. Việc di chuyển dao, kiếm chầm chậm cho đến khi xuyên qua được tấm chắn rõ ràng là khó khăn và đòi hỏi kỹ năng hơn cầm súng và bóp cò. Điều này không có nghĩa Dune không có vũ khí đạn đạo. Nhưng chúng là các viên "đạn" thông minh, có thể điều khiển được và điều chỉnh được chuyển động của nó, như viên đã hạ gục Công tước Leto (Oscar Isaac).
    • 0 downloads
    Hai bộ phim với hai thời gian khác nhau, bối cảnh xã hội khác nhau đến từ hai nền điện ảnh khác nhau nhưng đều miêu tả nhân vật nam giới có nhiều nét tương đồng đặc sắc. Với Uncut Gems, một bộ phim sản xuất bởi Netflix và A24 lấy bối cảnh là quận Kim Cương ở thành phố New York xa hoa, nơi mà những tệ nạn xấu xa, những sự ngột ngạt luôn bao trùm. Nhân vật nam chính Howard (do Adam Sandler thủ vai) là một ông bố tệ hại khi làm chủ tiệm đá quý nhưng nợ nần chồng chất, đam mê trò chơi cờ bạc, cá độ, đã có gia đình nhưng lại cặp kè với cô nhân viên và không giành sự quan tâm cho gia đình. Trong khi đó, Bi ơi, đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di), lấy bối cảnh Hà Nội cuối những năm 2000, với sự ngột ngạt ở những khu tập thể, trong xí nghiệp làm đá. Nhân vật người bố sau khi đi làm về lại lao những quán rượu, nhậu say be bét tới khuya, gội đầu mát xa, bỏ mặc người vợ chờ đợi cơm ở nhà. Bên cạnh đó, nhân vật người ông trở về sau mấy mươi năm ở nước ngoài khi bệnh tình đã trở nặng và chờ ngày chết. Những nhân vật nam này tuy có những hoàn cảnh khác nhau, phông văn hóa cũng khác nhau nhưng dường như đều được xây dựng trên hình tượng "Tính nam độc hại (toxic masculinity)". Với việc họ luôn phải chứng minh sự nam tính của bạn thân qua những sở thích như nhậu nhẹt, bia rượu, gái gú,... để làm chứng minh được con người "đàn ông" của họ. Như nhân vật người ông trong Bi ơi, đừng sợ dễ làm ta liên tưởng tới nhân vật người chồng của bà chủ trong phim Mùa đu đủ xanh của Trần Anh Hùng khi họ bỏ gia đình ở lại, đi biền biệt vài năm tới vài chục năm rồi chỉ trở về khi gần đất xa trời mà không ai biết họ đã làm gì sau bây nhiêu ngày. Những người đàn ông ấy chối bỏ cuộc sống gia đình vì những lí do nhất định, đâu đó có thể là áp lực về trụ cột gia đình mà không thể gánh vác hay đơn giản là sự lười nhát và tự cho mình quyền được lười nhát như vậy. Tới nhân vật người bố trong phim của Phan Đăng Di, không chút quan tâm tới gia đình, luôn nhậu nhẹt thâu đêm và về nhà khi đã say bí tỉ. Không những vậy, anh ta còn có cặp bồ với cô gái ở tiệm gội đầu mát xa hay lui trong khi người vợ vẫn trông ngóng ở nhà. Anh ta dường như bát lực với cuộc sống hiện tại, không còn đủ lí trí cần có để dứt ra khỏi vòng tròn bế tắc ấy. Trong Uncut Gems cũng có nhân vật tương tự là Howard. Khi anh ta luôn bị đắm chìm vào những trò cờ bạc đỏ đen với những trận bóng rổ và đợi chờ cơ hội đổi đời. Điều này làm anh ta nợ như chúa chổm và lấy hết đi những gì anh ta đang có, thậm chí đó là cả tính mạng. Và họ luôn chiều chuộng với người tình bên ngoài để lại những giá trị gia đình sang một bên để cảm thấy được độc lập, mạnh mẽ trong họ. Đây thực sự là những nhân vật vừa đáng trách, cũng vừa đáng thương khi trong những hoàn cảnh đó buộc họ phải phát triển theo hướng tiêu cực như vậy mà không tìm ra được một căn tính về giới tính nào tốt hơn.
    • 0 downloads
    Bộ phim lần này có lẽ không xa lạ với nhiều người, đặc biệt là văn hoá Mỹ. Có thể nói đây là một trong những bộ phim gia đình kinh điển ở Mỹ, nhắc đến không ai là không biết, đưa tên tuổi nhiều diễn viên đi lên từ đây, đồng thời làm dậy sóng trào lưu Goth và thời trang lúc bấy giờ. Xuất phát điểm là một truyện tranh ngắn viễn tưởng vẽ bởi Charles Addams, nhằm trào phúng về gia đình kiểu Mỹ lý tưởng trong thế kỷ 21: giàu có, kỳ cục, thích thú với sự kinh dị và chẳng quan tâm rằng người khác nghĩ mình quái dị hoặc đáng sợ. Ban đầu đây chỉ là một dải truyện ngắn đăng trên The New Yorkers, sau đó vì gây được sức hút và có một bối cảnh thú vị nên nhà đài ABC đã chuyển thể thành TV series năm 1946, tiếp đó phim hoạt hình về nhà Addams cũng được ra mắt năm 1973. Phiên bản mình xem là phim điện ảnh The Addams Family (1991) kể về hành trình tìm kiếm người anh trai thất lạc Fester của bố Gomez Addams sau 25 miệt mài trong vô vọng, cuối cùng người bác của gia đình cũng trở về, nhưng mọi người đều nhận thấy ông ta thật “bất thường”, vì ông ta hành xử hệt như những người bình thường! Bộ phim khắc hoạ một thế giới hoàn toàn mới mẻ về ma cà rồng (một thể loại mà mình luôn luôn bị cuốn hút): ví dụ như mẹ Morticia chỉ cắm cành hoa và cắt đi bông hoa hồng, hay Thing là vật nuôi trong nhà với hình dạng một bàn tay, hay Gomez thường hỏi yêu vợ rằng “Unhappy, darling?”, căn nhà của gia đình Addams nằm giữa đồng không mông quạnh, cỏ trơ trụi, cây khô héo, và họ thích điều đó! Trong phim mình thích nhất là Morticia và Wednesday (mà có lẽ ai cũng vậy). Vì hai người phụ nữ ngầu hơn cái gầu này lúc nào cũng quyết đoán và rất thông minh sắc sảo, lại còn xinh đẹp nữa chứ. Thiệt tình. Đây là phim nhẹ nhàng, rất thích hợp để xem trong đêm Giáng Sinh cùng với gia đình nếu gu của bạn là anti-Frozen, nhưng mình nghĩ nên hạn chế cho trẻ nhỏ xem vì phim có phần bình thường hoá những trò đùa hạng nặng (ví dụ như ngồi ghế điện, bắn nỏ…) Xem xong mình muốn xem nữa xem nữa, và dù đã xem luôn cả bản điện ảnh Addams Family Value (1993) nhưng mình cảm thấy không thoả mãn, nên quyết định sẽ cày thêm series trắng đen (vì cô Morticia trong phim này cũng rất đẹp, mê cái đẹp quá biết sao giờ nhỉ :)) ). Nếu ai biết phim có nội dung tương tự như thế này hãy giới thiệu mình với nhé. Xin cảm ơn. Tổng kết lại, mình rất vui vẻ vì xem được phim hay, đẹp, thú vị cùng những câu đùa thâm thuý trong phim. Tạo hình và tính cách nhân vật rất quái dị, nhưng có nét đáng yêu, diễn viên đóng đạt, thế giới khá lạ lùng, cốt truyện dễ đoán nhưng nhạc hay (soạn bởi Hans Zimmer và David Kitay mà lị)
    • 0 downloads
    Caine lớn lên trong một khu phố đầy bạo lực và tội phạm. Sau khi mất đi những người thân yêu và chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp, anh bị cuốn vào cuộc sống tội phạm, tham gia vào các hoạt động buôn bán ma túy và bạo lực. Mối quan hệ với bạn bè, gia đình, và những người xung quanh cũng trở nên phức tạp khi anh phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Phim không chỉ kể về cuộc sống của Caine mà còn phản ánh thực trạng xã hội mà nhiều thanh niên phải đối mặt, bao gồm cả sự bất công và những hệ lụy từ môi trường xung quanh. Qua đó, "Menace II Society" đặt ra những câu hỏi về số phận, lựa chọn và sự sống còn trong một thế giới đầy thử thách.
    • 0 downloads
    Công viên giải trí Disney là một thiên đường vui chơi không chỉ cho trẻ nhỏ mà cả người lớn vì những thứ hấp dẫn và thú vị ở trong đó. Sức ảnh hưởng của nơi này lớn đến nỗi mà một trò chơi trong Disneyland cũng được các nhà làm phim lấy cảm hứng để dựng thành phim với sự tham gia của hai ngôi sao hàng đầu Hollywood hiện nay – The Rock và Emily Blunt. Hãy cùng Ghiền review lên thuyền và khám phá thử xem Jungle Cruise (2021) có làm hài lòng người xem không các bạn nhé. Nào, chúng ta cùng bắt đầu thôi! Cốt truyện: Nhà khoa học Lily cùng em trai MacGregor vì muốn tìm ra những cánh hoa Nguyệt Lệ trong truyền thuyết để bào chữa thuốc chữa trị cho mọi người nên họ đã đến Brazil, xuôi theo dòng Amazon và truy tìm thứ mà ai cũng cho là hoang đường này. Tại đây, cô gặp Frank, một tên lái tàu lươn lẹo đô con nhưng rất am hiểu mọi thứ trên dòng sông dài thứ nhì thế giới. Cả ba cùng băng qua muôn vàn nguy hiểm trên đường đi và phải thoát khỏi sự truy đuổi, cạnh tranh của tên bạo chúa khét tiếng Joachim. Liệu rằng Nguyệt Lệ có tồn tại và các nhân vật của chúng ta có thể bình an trở về hay không? Xem phim để có câu trả lời các bạn nha. Điểm thú vị của Jungle Cruise (2021) chính là đưa người xem cùng với các nhân vật chính đi phiêu lưu khắp vùng Amazon để khám phá ra những điều kỳ bí. Phim làm khán giả thích thú khi kết hợp được những ưu điểm của các bộ phim như Indiana Jones, Jumanji, Tarzan hay The Jungle Book vì mang đến cho chúng ta những điều bất ngờ và bí ẩn của thiên nhiên hoang dã. Tò mò vốn là bản tính tự nhiên của con người và các nhà sản xuất phim đã biết cách dựa vào điều này để khiến một bộ phim có câu chuyện đơn giản, thậm chí hơi luẩn quẩn lòng vòng trở nên sinh động và có sức lôi cuốn khá mạnh mẽ đối với khán giả. Không chỉ gây ra sự tò mò, Jungle Cruise (2021) còn mang đến những tình tiết bẻ lái và plot twist khá thú vị, đủ sức khiến khán giả cảm thấy bất ngờ và hạn chế được cảm giác nhàm chán khi theo dõi phim nơi người xem. Yếu tố kỳ ảo và thần thoại được phim lồng ghép vào mạch truyện khá phù hợp cộng với sự mới mẻ trong những chuyến phiêu lưu nên càng giúp phim thêm phần giải trí và đáng xem hơn hẳn. Một điểm sáng khác của phim đó chính là dàn cast khá xịn xò với những nét duyên dáng trong diễn xuất. Cả The Rock và Emily Blunt đều mang đến những làn gió mới mẻ cho vai diễn của họ qua màn tung hứng ăn ý, giúp Jungle Cruise (2021) trở nên vui nhộn, lãng mạn và đỡ tẻ nhạt hơn. Cái kết của phim khá nhẹ nhàng, dễ đoán nhưng bù lại đáp ứng được sự mong đợi và khiến khán giả cảm thấy hài lòng, y như vừa mới được đọc một câu chuyện cổ tích vậy các bạn a. Tuy nhiên nếu đánh giá khách quan về chất lượng thì Jungle Cruise (2021) vẫn chưa thực sự tốt và trọn vẹn. Phim vẫn có rất nhiều điểm yếu trong khâu kịch bản, đặc biệt là sự logic và phát triển tình tiết. Cảm giác như các nhà biên kịch phim bị bí ý tưởng khi đang xây dựng cốt truyện hay sao mà cảm giác nội dung phim cứ bị lộn xộn và xoay vòng giữa các tình tiết cũng như các phe phái. Sự bất hợp lý trong phim rất cao, thiếu thuyết phục và cực kỳ hư cấu nên những khán giả khó tính có thể sẽ không dễ chấp nhận với cách xử lý tình huống của Jungle Cruise (2021). Ngoài sự hài hước nhẹ nhàng và thiếu sức nặng để làm khán giả cười lên khoái chí thì yếu tố cảm xúc của phim cũng chưa được làm đến nơi đến chốn. Không có bất cứ một phân cảnh nào có thể khiến bạn phải rưng rưng nước mắt hoặc xúc động đậy theo biểu cảm của nhân vật. Bên cạnh đó, phản diện của Jungle Cruise (2021) được xây dựng chưa tốt, thoạt đầu có vẻ vừa điên vừa ác nhưng càng về sau thì lại càng tỏ ra thiếu muối và đáng quên. Thông qua câu chuyện phim, Jungle Cruise (2021) muốn nhắn gửi đến người xem về thông điệp gieo nhân nào gặt quả đó. Phim còn nhấn mạnh về tình bạn, tình yêu động vật và tình yêu đôi lứa cũng như đề cao về sự can đảm, dũng cảm và sức mạnh của người phụ nữ, qua đó truyền tải khao khát cất lên tiếng nói nữ quyền trong giai đoạn những năm 20 của thế kỷ 20. Nhìn chung nội dung phim khá phù hợp cho gia đình xem giải trí chứ không thực sự quá hấp dẫn nên Ghiền review chấm 6/10 các bạn ạ. Hình ảnh – Âm thanh: Mặc dù phim có kỹ xảo đồ hòa khá tốt, tái hiện lại một cách thú vị về quang cảnh lưu vực sông Amazon nhưng độ chân thực của phần bối cảnh chưa cao vì trông vẫn giống như quang cảnh đồ họa máy tính và phim sitcom hơn là phim điện ảnh. Các phân cảnh hành động và thần thoại chưa được mãn nhãn lắm trong khi đó phần âm thanh của phim khá sống động, đã tai dù không có bài nhạc nào để lại ấn tượng cho người xem. Do đó, Ghiền review chấm phần này 7/10 nha. Diễn xuất: Như đã nói ở trên, một điểm sáng rất lớn của Jungle Cruise (2021) chính là sự phù hợp vai diễn của các nhân vật. Mặc dù tính cách và cách xây dựng nhân vật trong phim có vẻ hơi tưng tửng, con nít nhưng chính sự duyên dáng trong cách thể hiện cũng như sự tung hứng phối hợp nhịp nhàng của các diễn viên đã khiến cho bộ phim có sức sống mãnh liệt hơn. Đáng tiếc là các diễn viên phụ của phim hơi thiếu đất diễn và không một ai để lại được ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Vì vậy, Ghiền review chấm phần diễn xuất 7/10 luôn. Tóm lại, Jungle Cruise (2021) là một bộ phim giải trí dành cho gia đình và các em nhỏ thưởng thức, đặc biệt trong mùa giãn cách xã hội như hiện nay. Phim rất bình thường, đơn giản với nhiều tình tiết hư cấu vô lý nhưng lại thu hút người xem nhờ đề tài thám hiểm, khám phá rừng xanh cùng nội lực diễn xuất của dàn cast xịn xò. Nếu như không được đi du lịch quá lâu, bạn có thể xem phim để đỡ ngứa ngáy chân tay nè.
    • 0 downloads
    Câu chuyện bắt đầu với Bruce Wayne trở về Gotham sau nhiều năm du hành, mang trong mình quyết tâm chống lại tội ác. Anh bắt đầu huấn luyện bản thân và phát triển hình ảnh Batman để trở thành biểu tượng của hy vọng cho thành phố. Trong quá trình này, Bruce gặp gỡ các nhân vật quan trọng như Jim Gordon, một sĩ quan cảnh sát mới chuyển đến, người mà sau này trở thành đồng minh thân cận của Batman.
  2. Joker posted a file in Điện Ảnh
    • 0 downloads
    Đây là một trong những trích dẫn đắt giá nhất từ bộ phim Ran (Loạn) ra đời năm 1985 bởi "hoàng đế" của điện ảnh Nhật bản - Akira Kurosawa. Kyoami - gã hề của lãnh chúa Hidetora Ichimonji đã nói câu này khi chủ nhân của mình rơi vào cơn điên loạn bởi dằn vặt bản thân, thực tế phũ phàng và dục vọng tầm thường của con người và thời thế. “Kurutta kono you-de kuruu nara ki-wa tashika-da”, nếu ông như vậy (điên) thì cũng chẳng sao đâu (trong thế giới điện loạn này). Trong mắt gã hề, sự điên loạn của Ichimonji dường như là chuyện bình thường và thật đáng mừng vì thế giới này vốn đã hỗn loạn, chỉ những kẻ điên như ông mới là người tỉnh táo trong cái thế giới ấy. Ran là câu chuyện về lãnh chúa Ichimonji Hidetora, người dành cả cuộc đời để chinh chiến với chiến công là ba tòa thành trì và trở thành đại lãnh chúa của cả một vùng rộng lớn. Một ngày nọ, nhân buổi đi săn, Hidetora biết bản thân không còn nhiều thời gian nên đã thông cáo cho các quan khách rằng mình sẽ nhường lại ngôi vị cho con trưởng Taro, còn bản thân thì về ẩn cư. Hidetora lấy ba mũi tên, bảo với ba đứa con rằng, một mũi tên thì dễ bẻ nhưng gộp cả ba lại thì không thể bẻ được. Chứng kiến hai người anh giả vờ bất lực trước ba mũi tên kia, người con trai út là Saburo đã dùng chân làm điểm tựa và bẻ gãy cả ba một cách dễ dàng. Đứa con trai đã mắng cha là kẻ lẩm cẩm và điên rồ vì suy nghĩ đó... Cảm thấy mất mặt trước quan khách, Hidetora nổi giận ra lệnh trục xuất con trai út rồi về làm phận khách tại Đại Thành của con trưởng. Và từ đây, sự thật về lòng hiếu thảo của từng người con mới được bộc lộ... Sau khi con trai cả lên nắm quyền, vợ của anh ta, Kaede, vẫn luôn oán hận về việc Hidetora đã chiếm đất đai và tàn sát gia đình cô, Kaede đã xúi giục chồng mình chiếm đoạt quyền kiểm soát toàn bộ gia tộc Ichimonji và đuổi người cha ra khỏi Đại Thành. Hidetora tức giận rời đến Nhị Thành của người con thứ Jiro, để rồi bàng hoàng nhận ra mình cũng chỉ là con tốt để lật đổ Taro. Cuối cùng ở Tam Thành, khi không còn đứa con út nữa, Hidetora đã bị cận thần và hai đứa con trai mình tin tưởng giao hết binh quyền dẫn quân đến để trừ khử mầm mống đe dọa đến quyền lực của mình. Trong tòa thành ấy, vị lãnh chúa kiêu ngạo một thời đã sợ hãi chứng kiến đội quân của hai đứa con giết từng người lính của ông, thê thiếp phải tự sát để giữ gìn khí tiết, đứa con thứ giết chết người anh trai để lên nắm quyền. Ngọn lửa điên cuồng của tham vọng ích kỷ nuốt chửng lâu đài trong cơn điên loạn của Hidetora, đến cả chết ông trời cũng không cho ông già khốn khổ ấy được toại nguyện... Ran kết thúc với cái chết của đứa con út bởi người anh Jiro khi trên đường đi cứu cha mình, còn lãnh chúa "tối cao" Hidetora thì ôm xác đứa con trai mình đã vứt bỏ mà uất hận ra đi. Ở phân đoạn cuối cùng, ta thấy bức ảnh Đức Phật rơi xuống nơi vách thành đổ nát, vẫn tỏa sáng nhưng thật lẻ loi và yếu ớt giữa bóng tối bủa vây xung quanh. Trong câu chuyện của Ran, ta thấy sự đối lập giữa hai nhân vật là phu nhân Sue và phu nhân Kaede, cả hai người đều có quá khứ đau thương được gây ra bởi lãnh chúa Hidetora. Mảnh đất của họ bị chà đạp, gia đình họ bị thảm sát rồi lại bị gả cho con gái của kẻ thù. Đứng ở hoàn cảnh ấy, Kaede đã để nỗi hận thù lấp đầy tâm hồn mình, rồi hy sinh cả danh dự và tính mạng chỉ để trả thù gia tộc Ichimonji và đẩy họ đến diệt vong. Còn với Sue, ở hoàn cảnh tương tự Kaede nhưng cô lại chọn con đường của sự tha thứ, bình yên hơn, thiện lương hơn. Hình tượng phu nhân Sue luôn gắn liền với Đức Phật, người đã bỏ lại ân oán để sống cho hiện tại tốt đẹp hơn. Một điều kỳ lạ là nhân vật này chưa bao giờ để lộ khuôn mặt một cách rõ ràng, mặc dù luôn được miêu tả là một người phụ nữ xinh đẹp. Vẻ đẹp của Sue không chỉ từ bên ngoài, thứ mà Kaede cũng có dù không bằng, đó là nét đẹp thuần túy, tinh khiết trong tâm hồn, một cảm giác yên bình lạ thường. Còn với cái ác của dục vọng trả thù đã chiếm giữ tâm hồn Kaede thì luôn bùng cháy, lấn át cả chút tính "người" còn lại. Nhưng rồi sao, những tưởng những người tốt như Saburo và Sue sẽ có cái kết viên mãn thì định mệnh nghiệt ngã không cho họ cái cơ hội ấy. Dù là thiện hay ác, tất cả đều chung một kết cục. Ran giống như một tấn bi kịch nhưng lại không có chút phẫn uất nào mà chỉ toàn những xót xa. Vì thời cuộc, vì tham vọng, vì ích kỷ cá nhân mà Hidetora vấy bẩn mình với máu của những người vô tội, mà anh em nhà Ichimonji phải tương tàn, mà những người phụ nữ phải chịu uất ức không biết nên chọn con đường nào mới là đúng. Sau cùng, "'loạn' lạc sinh ra ở nhân tâm, mà lòng người thì biến hóa không ngừng". Ran không chỉ phản ánh những xấu xa vốn có trong con người mà còn là sự xấu xa của thời đại, nơi cái thiện dù có tỏa sáng đến đâu rồi cuối cùng vẫn bị bóp nghẹt. Cái chết của Sue, cũng như bức ảnh Đức Phật rơi xuống nơi vách thành đổ nát, trong cái thế giới ấy, chẳng có con người nào, chẳng có thần thánh nào có thể tồn tại mà lớn hơn dục vọng và ích kỷ cá nhân. Bạo lực, hỗn loạn đến vô vọng, nơi mọi giá trị nhân văn về tình yêu và sự tôn trọng (giữa anh chị em, vợ chồng, cha con) đều nhường chỗ cho sự trả thù, tàn ác, chiến tranh, khát vọng quyền lực và tự hủy hoại. Đó là sự vô vọng của cái thiện trong một thế giới bị cái ác thống trị hoàn toàn. Nhưng cái ác ấy từ đâu mà ra, từ bản chất thế giới này hay từ chính những kẻ đang sống trên nó? Ai mới là người sai? Ai mới là kẻ đúng? Có lẽ đây là những câu hỏi khó để trả lời. Đặt mình trong hoàn cảnh của nhân vật, liệu ta sẽ tốt đẹp hơn những "cái ác" kia không? Hay sẽ để những dục vọng, ích kỷ tầm thường nuốt chửng "cái thiện" mỏng manh, trơ trọi ấy? Mình thì vẫn chưa biết câu trả lời, vậy còn bạn?