
Files posted by Joker
-
Pearl là một bộ phim được sản xuất năm 2022, với nội dung câu chuyện xoay quanh cô gái trẻ là Pearl, với ước mơ trở thành một vũ công nổi tiếng, cô sống cùng mẹ và một người bố bại liệt ở một trang trại. Ngay từ những phân đoạn đầu của phim rất dễ để thấy cô có một nhân cách khá rối loạn khi giết một con ngỗng để làm mồi cho cá sấu hay bóp nát một quả trứng. Nhưng cô chỉ dám làm những điều ấy khi không có sự quan sát của ai, khi quay về nhà cô phải làm tròn nghĩa vụ của người phụ nữ có chồng phục vụ cho chiến tranh, chạy việc vặt trong nhà, tắm rửa cho người bố bại liệt và những cuộc đối thoại đầy mâu thuẫn với người mẹ độc đoán.
Dù phim được sản xuất trong thời gian hiện đại và lấy bối cảnh trong những năm 90 nhưng trong phim xuất hiện chi tiết dịch cúm và khiến mọi người phải đeo khẩu trang hay cách ly vài tuần, dễ làm bất cứ ai có thể liên tưởng đến đại dịch Covid. Một tình tiết mang tính thời sự trong bối cảnh hiện tại này, đã góp phần làm dày lên sự cô lập mà Pearl đã trải qua.
Chỉ xem thôi mà mình cũng đủ cảm nhận được sự ngột ngạt bao trùm lên ngôi nhà này và không khó để thấy Pearl chỉ cảm thấy thoải mái nhất là khi cô được thoát khỏi nó, trong những lần được lên thị trấn làm việc vặt, những lúc đó là lúc cô cảm thấy được tự do nhất. Đến rạp chiếu bóng xem phim vũ kịch - những sở thích rất đỗi bình thường nhưng trong mắt mẹ cô đó là một thứ xa xỉ và gieo rắc mầm bệnh cho ngôi nhà trong thời gian lúc bấy giờ.
Tại đây, cô gặp người đàn ông làm việc ở phòng vận hành chiếu phim (có thể cho cô xem miễn phí bao nhiêu lần tùy thích) và nói với cô rằng “Chăm sóc gia đình trong thời đại này là điều đáng ngưỡng mộ nhưng cũng đừng quên sống cuộc đời của mình".
Chi tiết trên đoạn đường về nhà, Pearl đã rẽ vào cánh đồng ngô và cưỡi lên người con bù nhìn, lúc đầu mình cảm thấy cô hơi bệnh hoạn nhưng xem đến cuối phim, mình có thể lý giải theo cách hiểu của bản thân rằng, việc gặp người đàn ông ấy đã phần nào làm trỗi dậy những ham muốn xác thịt đơn thuần, mà người chồng Howard đã để cô ở lại trang trại một mình trong sự cô đơn.
Bị kiểm soát trong mọi thứ, thậm chí là việc ăn uống, bởi người mẹ cay nghiệt, cộng hưởng cùng sự cô đơn đến phát ngấy mà cô đã và đang nếm trải, đã đủ để cô muốn thoát ra khỏi nơi này càng xa càng tốt - cũng là điều duy nhất mà cô cầu nguyện hằng đêm, trái với lời cầu nguyện khiên cưỡng cô buộc phải làm trên bàn ăn mỗi ngày cùng bố, mẹ.
Pearl có thể là một cô gái đơn giản, buộc phải hạ thấp khả năng phòng thủ của mình và học cách trở nên dễ bị tổn thương trước mặt người khác để tìm kiếm một cảm giác an toàn và được yêu thương. Những tưởng kết hôn với Howard là một sự giải thoát cho cô nhưng có lẽ đây chính là “số mệnh" của cô khi không có “một lời cầu nguyện nào từ cô được Chúa hồi đáp
Phim về kẻ sát nhân là một chủ đề đã quá quen thuộc với bất cứ ai, chúng ta có thể phẫn nộ hoặc đồng cảm. Đó là lựa chọn của mỗi người.Riêng mình Pearl là một kẻ sát nhân đặc biệt, kẻ sát nhân thì vẫn là một kẻ sát nhân, không nên phủ lên nó một lớp vải về ý niệm nhân danh việc giết người cho một điều gì đó cao cả, để làm mờ đi tội ác mà cô đã gây ra. Mình chỉ đơn giản nghĩ rằng Pearl đặc biệt, vì cô có ước mơ trong sáng như bao cô gái trẻ khác và điều làm cô đặc biệt chính là dám theo đuổi nó đến cùng, trong phim có xuất hiện một câu mà Pearl đã nói với mẹ của mình
“Nếu số phận của con là dành cả quãng đời này sống cùng bố mẹ ở trang trại này thì cũng được thôi. Nhưng con chỉ có một thời thiếu nữ, con phải biết là con đã cố gắng, nếu không con sẽ hối hận cả đời". Điều này làm mình khá xúc động và có chút đồng cảm với cô.
Diễn xuất của Pearl (Mia Goth) là một điểm sáng để lột tả nhân vật Pearl - những lớp lang về cả mặt sáng và tối trong tính cách của cô, khi thì trong sáng, ngây thơ đầy mong ước mãnh liệt, lúc lại lạnh lùng và ghê rợn như cách mà cô bày biện bữa ăn ở cuối phim và đợi chồng trở về (thực sự chỉ khiến mình cảm thấy buồn nôn). Hay lúc Pearl trải lòng về tất cả mọi thứ với người em chồng về mọi thứ đã diễn ra xung quanh cuộc đời cô, là một trường đoạn độc thoại với nhiều cảm xúc lẫn lộn mà diễn xuất lại không hề khô khan. Và cả nụ cười, khóc lẫn lộn ở kết phim đầy ám ảnh.
Pearl là tiền truyện của X (hậu truyện của cuộc đời Pearl khi về già), có thể sẽ hơi khó hiểu hoặc không muốn hiểu nếu bạn xem X trước nhưng theo mình thì Pearl mang một ý nghĩa về nhu cầu được tự do của bất cứ ai và không ai có quyền được đoạt đi sự tự do của bạn, ngoài bạn.
-
"Delicatessen" (1991) là một bộ phim hài đen và giả tưởng của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet và Marc Caro. Câu chuyện diễn ra trong một thế giới hậu tận thế, nơi thức ăn trở thành hàng hiếm và cuộc sống hàng ngày bị chi phối bởi nỗi lo sợ và bạo lực.
Phim theo chân một người đàn ông tên là Louison (Dominique Pinon), một nhạc công thất nghiệp, khi anh đến một tòa nhà cũ kỹ để thuê phòng. Tại đây, Louison gặp gỡ một nhóm cư dân kỳ quặc và chủ sở hữu tiệm thịt, trở thành nơi cung cấp thực phẩm cho cộng đồng. Chủ tiệm thịt, người có những mưu đồ tăm tối, thường chuẩn bị các món ăn từ những người sống trong tòa nhà.
Louison, với tính cách lạc quan và tình cảm, bắt đầu nảy sinh tình cảm với Julie (Marie-Laure Dougnac), con gái của chủ tiệm. Khi mối quan hệ của họ phát triển, Louison dần phát hiện ra những bí mật đáng sợ về tiệm thịt và những cư dân xung quanh.
Phim nổi bật với phong cách hình ảnh độc đáo, sự sáng tạo trong thiết kế và cảm xúc tinh tế, mang đến một câu chuyện vừa hài hước vừa u ám, khám phá những khía cạnh tối tăm của nhân tính trong bối cảnh khắc nghiệt. Phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi và trở thành một tác phẩm kinh điển trong điện ảnh Pháp.
-
Truyện phim kể về cô nàng Bess McNeill kết hôn với Jan, một công nhân làm trên giàn khoan dầu ở ngoài khơi bắc Scotland, bất chấp ý của dân làng và Giáo hội Trưởng Lão (Cơ Đốc) của cô. Bess khá giản dị và ngây thơ, vất vả khi chồng đi làm trên giàn khoan và luôn cầu nguyện cho chồng sớm trở về với mình. Một ngày kia Jan trở về sau một tai nạn lao động, bị gãy cổ và bị liệt, Bess đã tin rằng đây là lỗi của nàng.
Jan không còn khả năng tình dục và bị ảnh hưởng tâm thần, Jan yêu cầu vợ làm tình với các người đàn ông khác rồi về thuật lại các chi tiết cho chồng nghe. Ban đầu Bess còn ngại ngùng, sau rồi cũng dấn thân làm tình với người khác, và Bess bắt đầu tin rằng việc mình làm là hợp với ý muốn của Chúa và giúp cho Jan sống sót
-
Câu chuyện xoay quanh Jeanne du Barry, một phụ nữ thuộc tầng lớp thấp, cô đã dùng sắc đẹp và trí thông minh của mình để thăng tiến trong xã hội Pháp thế kỷ 18. Cô trở thành tình nhân của Louis XV, người đàn ông quyền lực nhất lúc bấy giờ, và từ đó trở thành một phần của triều đình.
Phim không chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa Jeanne và nhà vua mà còn khắc họa những xung đột chính trị, xã hội và văn hóa trong thời kỳ này. Nó thể hiện cách mà Jeanne phải đối mặt với sự phản đối từ những người xung quanh và nỗ lực để được chấp nhận trong một thế giới đầy quyền lực và nghi kỵ.
Với những cảnh quay đẹp mắt, phục trang công phu và diễn xuất ấn tượng, "Jeanne du Barry" mang đến một cái nhìn sâu sắc về một nhân vật lịch sử thú vị, đồng thời khám phá các chủ đề về tình yêu, quyền lực và sự đấu tranh.
-
"U-571" (2000) là một bộ phim hành động chiến tranh do Jonathan Mostow đạo diễn, lấy bối cảnh trong Thế chiến II. Phim kể về một nhiệm vụ liều lĩnh của quân đội Mỹ nhằm chiếm lấy một tàu ngầm Đức U-Boat.
Câu chuyện xoay quanh một nhóm lính hải quân Mỹ, do Trung sĩ Mike Dahlgren (Matthew McConaughey) lãnh đạo, được giao nhiệm vụ thâm nhập vào một tàu ngầm Đức đã bị đánh chìm để thu hồi một máy mã Enigma, thiết bị quan trọng giúp mã hóa thông tin quân sự. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm gặp phải những khó khăn và nguy hiểm lớn khi tàu ngầm của họ bị phát hiện và tấn công.
Phim không chỉ miêu tả các pha hành động căng thẳng mà còn thể hiện tinh thần đồng đội, sự hy sinh và quyết tâm của các nhân vật. Với những cảnh quay ấn tượng và không khí hồi hộp, "U-571" đã nhận được sự chú ý từ khán giả và giới phê bình, dù cũng gây tranh cãi về sự chính xác lịch sử của một số yếu tố trong phim.
-
Có thể nói không ngoa rằng bộ phim The Pianist của đạo diễn Roman Polanski, và được thể hiện một cách vô cùng chân thực bởi nam diễn viên Adrien Brody, với 7 đề cử và 3 tượng vàng Oscar năm 2003, là một trong những tượng đài lớn nhất của dòng phim Phản chiến của điện ảnh Thế giới.
Dựa trên một câu chuyện có thật về sự sống sót thần kỳ của nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan Władysław Szpilman tại thủ đô Warsaw trong suốt khoảng thời gian từ năm 1939, khi Phát xít Đức chiếm đóng, mở đầu Thế chiến thứ II cho đến khi Warsaw được Liên Xô giải phóng vào năm 1945; mặc dù lấy bối cảnh là thời điểm chiến tranh kinh khủng nhất, cùng sự tàn sát của Đức Quốc Xã với chủng tộc Do Thái của Szpilman, thế nhưng khác với các dòng phim Phản chiến khác, điểm đặc biệt nhất của The Pianist là chỉ xoay quanh khát vọng sinh tồn của một người đàn ông bình thường mà thôi!
Gần 20 năm sau, bây giờ tôi mới có dịp xem lại lần thứ hai, và lúc này, dưới cảm nhận của một người đàn ông trưởng thành, những ký ức của cậu bé năm xưa dường như không còn giống một chút nào nữa, đây là một bộ phim quá đỗi nặng nề và ám ảnh đến cùng cực!
NHỮNG SỰ TƯƠNG PHẢN NGHIỆT NGÃ
Thủ pháp ẩn dụ và tương phản đối lập đã được đạo diễn Roman Polanski sử dụng vô cùng tinh tế xuyên suốt, khiến The Pianist trở nên đặc quánh và căng thẳng hầu hết thời lượng 150 phút của bộ phim.
ÂM THANH
Mở đầu bằng giai điệu piano được Szpilman chơi trong Đài phát thanh Warsaw, thế nhưng rất bất ngờ và ngay lập tức, cả không gian bị xé toạc bởi tiếng bom mà Đức Quốc Xã dội xuống Ba Lan trong đợt không kích đầu tiên ngày 01/09/1939, mở đầu Thế chiến thứ II.
Âm thanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cách thể hiện của Roman Polanski. Mọi thứ âm thanh, tiếng động đều được khai thác một cách bình dị và tạo ra cảm giác chân thực nhất: từ tiếng dương cầm của Szpilman, tiếng người cười nói trên phố đến tiếng súng đạn chát chúa, hay thậm chí là tiếng rơi vỡ của chồng bát đĩa… tất cả hòa quyện lại, khiến người xem cảm giác như đang được xem những thước phim tài liệu chứ không phải là một tác phẩm điện ảnh, cái tài tình và vĩ đại của Polanski nằm ở chỗ đó.
Âm thanh, lại một lần nữa là yếu tố khiến nhịp phim dù từ tốn, nhưng ẩn bên trong nó là sự dồn dập, không ngừng nghỉ, dẫn lối cho cảm xúc được đẩy lên dần đều với mỗi phân cảnh.
HÌNH ẢNH
Khi Szpilman lần đầu tiên được đi ra ngoài khu tập trung, một lần nữa người xem lại cảm thấy bàng hoàng. Đối lập với những điều khủng khiếp phía bên kia bức tường quây người dân Do Thái ngay trong thủ đô Warsaw tươi đẹp, với cái chết, nạn đói, sự man rợ diễn ra hàng ngày; thì ngay bên kia bức tường Ghetto, cuộc sống của những người dân Ba Lan còn lại vẫn diễn ra nhộn nhịp. Những khung hình xoáy sâu vào những sạp hàng đầy bánh mì, tiếng trẻ em đùa vui vẻ, tiếng người qua lại, những bộ xiêm y lộng lẫy…
Chứng kiến sự xa hoa, sầm uất đó qua đôi mắt vô tư không hề có sự căm phẫn hay hận thù nào của Szpilman càng làm lồng ngực tôi đau nhói. Trong cùng một thành phố, cùng những con người từng là hàng xóm, người thân của nhau, mà nay vì chiến tranh, vì chủng tộc mà cuộc sống thay đổi không khác gì thiên đường và địa ngục, được phân chia bởi một bức tường! Cách khắc họa nạn diệt chủng Do Thái khủng khiếp Holocaust bằng hình ảnh của Polanski không chỉ dừng ở việc mô tả sự tàn nhẫn của Đức Quốc Xã, mà còn ở chính những thước phim bình yên này.
Ngay khi chính những đồng bào của mình đang bị tàn sát, thì đại bộ phận những người Ba Lan khác vẫn vui vẻ sống bình yên, hưởng thụ và thậm chí là bị tẩy não bởi chiến tranh. Một điều đáng buồn là vào lúc mà người Do Thái cần cứu giúp nhất thì ở nhiều nơi trên thế giới các cánh cửa đã đóng lại với họ. Luật di dân của Mỹ đã ngăn cản họ vào nước Mỹ. Còn đất tổ Palestine, từ năm 1938, đã ban bố “sách trắng” đóng cửa với người Do Thái. Cuộc diệt chủng này đã dẫn đến cái chết của hơn 6 triệu người Do Thái trên toàn Thế giới thời kỳ đen tối đó.
SỰ PHẢN KHÁNG
Những tưởng toàn bộ The Pianist chỉ là sự mô tả và cam chịu, thế nhưng hoàn toàn không phải như thế. 17 năm sau lần đầu tiên xem phim, lần đầu tiên, bây giờ, tôi cảm nhận được phía sâu bên trong 150 phút phim này luôn là những sự phản kháng bền bỉ, được Polanski lồng ghép cực kỳ tinh tế.
Chuỗi ngày chui lủi của Szpilman vẫn tiếp diễn ngay cả khi ông đã trốn ra khỏi khu tập trung, bị bỏ đói, bị nhốt, phải vật vã chiến đấu với bệnh tật một mình trong làn lửa đạn… thì đâu đó quanh ông, ngoài sự kháng chiến bằng vũ lực của người Do Thái mà đại diện là Majorek, cuộc sống của con người vẫn tiếp tục như một hình thức đấu tranh mạnh mẽ khác mà tôi muốn nói đến, đó là tình yêu, ước mơ và nghệ thuật!
Trong căn phòng trú tạm tồi tàn, lần đầu tiên sau gần 4 năm chui lủi, Szpilman gặp lại cây dương cầm. Có một điều vô cùng thú vị của bộ phim, đó là dù mang tên “Nghệ sĩ dương cầm”, nhưng suốt thời lượng, chúng ta chỉ nghe thấy tiếng đàn của Szpilman đúng ba lần: đầu phim, khi anh còn tự do; cuối phim, khi hòa bình lập lại; và nửa gần kết phim, khi anh được chơi cho sĩ quan người Đức Hosenfield nghe. Thế nhưng với tôi, có lẽ lần chơi đàn trong căn phòng trống đó là khoảnh khắc Szpilman hạnh phúc nhất, dù anh chỉ chơi trong tưởng tượng vì “tuyệt đối không được gây ra tiếng động để người khác biết anh đang trốn ở đây!”
Bởi khát vọng nghệ thuật trong anh vẫn cháy bỏng sau ngần ấy năm. Chạm vào cây đàn, sờ từng phím đàn, sự đam mê và cả sự hân hoan đến tuột cùng đó đã tạo ra sự khích lệ lớn hơn bao giờ hết trong anh. Trong cam khó nghiệt ngã, những điều thân quen, những niềm vui dù là nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng cũng đủ đem đến cho con người niềm hạnh phúc lớn lao nhất, cũng giống như ước mơ “được trở thành nghệ sĩ Cello” của Janina, người bạn của Szpilman trước chiến tranh đã trở thành hiện thực. Bản nhạc anh chơi lúc này là Grande Polonaise brillante Op. 22 của Chopin, đó cũng là lý do tôi cảm nhận như vậy và sẽ phân tích chi tiết hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.
Âm nhạc là sự phản kháng lớn nhất, dữ dội nhất và cũng là một thủ pháp nghệ thuật tinh tế nhất của Polanski với bộ phim.
Cũng chính trong căn phòng đó, Szpilman nghe được tiếng cặp tình nhân phòng bên tâm sự, khúc khích cười đùa, vui vẻ cùng nhau, trái tim anh như ấm lại vì chỉ cần còn tình yêu, thì con người vẫn còn nuôi dưỡng được hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng tất cả, lại một lần nữa, bị phá tan một cách tàn nhẫn và bất ngờ bằng tiếng súng và lựu đạn chát chúa đến lạnh người trong cuộc nổi dậy của quân khởi nghĩa bên phía bên kia bức tường ngày 19/4/1943. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bộ phim lại tiếp tục cuốn người xem vào vòng xoáy vô định, bởi thân phận con người vô tội trong chiến tranh là thế, chẳng có gì được dự báo trước cả…
Dấu ba chấm của tôi, như một sự tiếc nuối đến khôn cùng khoảnh khắc đẹp đẽ đó…
CON NGƯỜI
Có lẽ đây là sự tương phản đáng sợ nhất và cũng là nhân văn nhất trong “trường ca Nghệ sĩ dương cầm". Trong thời kỳ đen tối kinh hoàng nhất của Thế chiến lần thứ II và của người dân Do Thái, con người chính là sự vô định lớn nhất.
Giai đoạn này, những người Ba Lan bị phân tách thành hai nhóm: người Do Thái, đối diện với súng đạn, đói khát, cái chết hàng ngày, trên đường phố của khu tập trung; và những người còn lại với điều kiện sống hầu như bình thường. Mặc dù luôn có những người Ba Lan yêu thương đồng bào, tìm mọi cách giúp đỡ vô điều kiện cho người Do Thái như vợ chồng Dorota, vợ chồng Janina… nhưng ngược lại, dưới sự đàn áp và tuyên truyền của Đức Quốc Xã, không ít những người Ba Lan khác coi người Do Thái là kẻ thù.
Họ tố cáo, gào lên trong hận thù hay thậm chí đuổi bắt khi gặp Szpilman. Lại một lần nữa, chúng ta được hiểu chiến tranh là như thế, con người xét cho cùng cũng là sinh vật khao khát được sống mà thôi. Cứ thế, cứ thế, Szpilman chạy trốn trong sự truy đuổi của kẻ thù, và cả chính những đồng bào của mình!
Thế nhưng, đâu đó luôn tồn tại tình thương giữa người với người. Trong chuỗi ngày đó, Szpilman vô tình gặp Hosenfield, sĩ quan chỉ huy cao nhất của Đức Quốc Xã tại chốt phòng thủ cuối cùng của mặt trận Warsaw, là một người yêu nghệ thuật. Bản nhạc được chơi và được thưởng thức trọn vẹn bởi hai con người hai bên chiến tuyến, nhưng lại đồng điệu trong tâm hồn, bỏ qua mọi sự đối địch trong văn hóa, chiến tranh, hận thù… có lẽ đã khắc họa được giá trị cốt lõi nhất của nghệ thuật. Đồng cảm đã khiến Hosenfield giúp đỡ Szpilman tồn tại trong những ngày cuối cùng trước khi Hồng quân tiến vào Warsaw.
Sự đối lập nghiệt ngã ở chỗ, trong bĩ cực, đồng bào có thể quay lưng lại với nhau, nhưng đôi khi kẻ thù lại giúp đỡ và cứu sống nhau. Điều này có lẽ lại làm tăng thêm xót xa với mỗi chúng ta mà thôi…
ÂM NHẠC VÀ SỰ ĐẤU TRANH
Như tôi đã chia sẻ ở phần trên, xuyên suốt The Pianist, âm nhạc được sử dụng như một thủ pháp sâu sắc nhất để khắc họa cảm xúc, tinh thần và sự phản kháng dữ dội nhất của bộ phim. Sẽ là không đủ nếu đưa Âm nhạc của The Pianist như một trong những yếu tố thể hiện sự đối lập, thế nên tôi tách ra một phần riêng để phân tích được sâu hơn.
Toàn bộ OST của The Pianist đều sử dụng âm nhạc của Chopin, trừ bản “Moving to the Ghetto” của Wojciech Kilar (Nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng của Balan) được làm nhạc nền khi bức tường Ghetto được xây lên vào đoạn đầu phim.
Frédéric Chopin là một nhà soạn nhạc vĩ đại thiên tài người Ba Lan, sinh ra và lớn lên ở chính Warsaw, bối cảnh của bộ phim. Cả tuổi thơ ấu cho đến năm 21 tuổi của Chopin gắn bó với các giai điệu dân gian của vùng đồng bằng Ba Lan, với sự thanh khiết, đặc sắc, giàu âm hưởng dân vũ, chính vì thế, âm nhạc của Chopin mang nặng tình quê hương và là niềm tự hào của dân tộc Ba Lan. Đối với The Pianist, âm nhạc của ông được đạo diễn Polanski sử dụng ẩn dụ như một thứ sức mạnh phản kháng vô hình.
Có 10 tác phẩm của Chopin được sử dụng trong bộ phim, tuy nhiên nổi bật nhất là ba phân đoạn mang đầy đủ ý nghĩa và tâm tư mà Polanski muốn truyền tải đến người xem.
1. Nocturne No.20 in C-Sharp Minor Op. post
Nocturne No.20 được tách làm hai phần: Đoạn đầu tiên được Szpilman chơi khi mới bắt đầu bộ phim và phần còn lại được ông hoàn thành sau khi hòa bình, tại đài phát thanh Warsaw, cũng chính là nơi ông đã chơi phần đầu còn dang dở.
Đây có thể coi là bản Nocturne đặc biệt nhất của Chopin, được viết năm 1930, tặng cho người em gái Ludwika trước khi ông buộc phải rời Ba Lan đến Pháp vào mùa thu năm 1931 để sống những năm tháng cuối đời. Khi ra đi, ông không hề biết sau đó mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình sẽ chìm vào chiến tranh và mãi mãi ông không thể quay trở lại được nữa. Chopin gửi gắm vào bản Nocturne này là nỗi day dứt, nhớ thương và sự khắc khoải về quê hương. Bản nhạc như tiếng lòng của Chopin cũng như mọi người con Warsaw xa xứ.
Nocturne No.20 in C-Sharp Minor Op. post được công diễn lần đầu tiên vào năm 1970, 21 năm sau khi Chopin qua đời, bởi nữ nghệ sĩ người Do Thái Natalia Karp, người sống sót sau cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã.
Lựa chọn bản nhạc này làm khúc mở đầu và kết thúc, Polanski muốn gửi gắm nỗi niềm của ông về tình yêu nước, sự u sầu và đau đớn mà những người Do Thái Warsaw phải đón chịu trong suốt thời kỳ u tối đó trong suốt các trường đoạn tiếp theo của bộ phim.
2. Grande Polonaise brillante in E-flat major
Đây là bản nhạc mà tôi đã nhắc đến ở Phần II (Những sự tương phản nghiệt ngã) của bài viết, được Szpilman chơi trong tưởng tượng, khi ông thấy lại chiếc dương cầm trong căn nhà trú ẩn.
Trái với sự u buồn của Nocturne No.20, đây là một tác phẩm có âm điệu nhẹ nhàng và trong sáng. Polonaise là một giai điệu trong âm nhạc dân gian của Ba Lan, bản Grande Polonaise Brillante của Chopin chứa đựng những nốt cao bay bổng, giai điệu tươi vui, mang đậm linh hồn Ba Lan.
Dù là chơi trong tưởng tượng, thế nhưng đó cũng là một khoảnh khắc rất hiếm hoi sau nhiều năm trốn chạy Szpilman đã mỉm cười. Ông cười bởi niềm hạnh phúc được chơi đàn, nhưng ẩn sau đó là nỗi niềm đau đớn của người đàn ông đã mất tất cả, toàn bộ gia đình, sự nghiệp, cuộc sống êm đềm và phải đối diện với những mất mát, kinh hoàng của chiến tranh.
Đây cũng là bản nhạc được Szpilman chơi hoàn thành trong buổi hòa nhạc ở cuối phim cùng đoạn credit, khi ông chơi thành tiếng trong đoàn giao hưởng hoành tráng, như một thông điệp rằng mọi điều dang dở đều sẽ được hoàn thành, vì nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi mà thôi.
3. Ballade No. 1 in G Minor, Op. 23
Đây là đoạn nhạc mà Szpilman chơi cho viên sĩ quan Đức Quốc Xã Hosenfield tại căn nhà trú ẩn cuối cùng trước khi Liên Xô chiếm đóng Warsaw, và đây cũng là một bước sáng tạo tinh tế vô cùng của đạo diễn Polanski và cũng là phân đoạn tôi thích nhất bộ phim
Trong cuốn hồi ký có thật của mình, nguyên tác của The Pianist, Szpilman đã kể lại rằng, bản nhạc ông chơi lúc đó vốn là bản Nocturne của Chopin; thế nhưng khi đọc kịch bản, đạo diễn Polanski đã thay đổi thành Ballade No. 1 in G Minor, Op. 23, một bản nhạc hùng tráng và quật cường hơn.
Trước đó, khi trốn trên căn gác xép, Polanski đã vô tình nghe thấy tiếng đàn của Hosenfield chơi bản Moonlight Sonata vô cùng nổi tiếng của Beethoven. Điểm độc đáo, đó là Beethoven là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, vì vậy, để đáp lại, Polanski quyết định sử dụng âm nhạc của Chopin, nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan.
Phân cảnh chỉ gồm có tiếng đàn, cảm xúc hòa trộn giữa người chơi và người thưởng thức, thế nhưng đằng sau đó là sự đấu tranh bằng âm nhạc, giữa Chopin và Beethoven; giữa Ba Lan và Đức Quốc Xã, chứ tuyệt nhiên không phải giữa con người với con người trong chiến tranh.
Ballade No. 1 được Szpilman chơi bằng tất cả nỗi niềm đau đớn nhất, bắt đầu từ những giai điệu từ tốn, chậm rãi, rồi được đẩy nhanh dần lên, những đoạn nghỉ và những đoạn nối đầy căm hận cứ quyện chặt vào nhau. Đây cũng là lúc duy nhất mà ông thể hiện sự cay đắng, phẫn nộ và cả sự căm hận chiến tranh đã cướp đi của ông quá nhiều điều quý giá.
Hai người đàn ông ở hai bên chiến tuyến, một chiếc đàn và những bản nhạc, phải chăng có là thực tại tàn nhẫn thế nào đi nữa, cảm xúc chân nguyên nhất của con người cũng luôn chạm được vào nhau. Đó là cách mà bộ phim đã đưa những khắc khoải vào trái tim từng khán giả.
MINH CHỨNG LỊCH SỬ
Chẳng cần đao to búa lớn, cũng chẳng cần phải tô vẽ thêm vẻ hào hùng gì cho bức tranh vốn dĩ đã quá u tối thời điểm đó, trong ngần ấy năm tháng bị bỏ lại ở Warsaw, tất cả những gì Szpilman làm chỉ là chạy trốn, chạy trốn và chạy trốn.
Hành trình chạy trốn đã vô tình đưa Szpilman trở thành một chứng nhân lịch sử. Theo bước chân ông, chúng ta được chứng kiến một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của đất nước Ba Lan nói chung và người dân Do Thái nói riêng trong Thế chiến thứ II.
The Pianist được đạo diễn Roman Polanski nhấn mạnh qua 4 khoảnh khắc lịch sử lớn nhất trong suốt 6 năm Đức Quốc Xã chiếm đóng Warsaw.
1. Khởi đầu chiến tranh Thế giới lần II bắt đầu bằng cuộc không kích của Đức Quốc Xã ngày 01/09/1939
Vào những phút đầu tiên của bộ phim là đoạn diễn văn rất nổi tiếng được phát trên radio của Phó thủ tướng Anh Neville Chamberlain ngày 03/09/1939, tuyên bố Anh sẽ tham gia vào Thế chiến thứ II khi Đức Quốc Xã đã không phản hồi việc rút quân khỏi Ba Lan:
Chi tiết này cũng giống với chi tiết bước ngoặt trong bộ phim The Dig (2021) của đạo diễn Simon Stone, nhưng trái với sự lo lắng căng thẳng trong The Dig, gia đình Szpilman và cả Warsaw đều cảm thấy vui mừng khôn xiết, bởi họ biết các nước Đồng minh đã vào cuộc, niềm tin vào tương lai hòa bình trở nên thật sự mãnh liệt.
Nghiệt ngã thay, thực tại lại không phải như vậy, sự can thiệp của Anh không đủ áp lực khiến Warsaw trụ vững, theo sau là một cuộc bao vây sát hại hàng chục ngàn thường dân và tàn phá các di tích lịch sử của Ba Lan. Bị cắt nguồn điện, nước và lương thực, 25% nhà cửa trong thành phố bị phá hủy, Warsaw buộc phải đầu hàng quân Đức vào ngày 27/09/1939; đó cũng là thời điểm những bức tường Ghetto được xây dựng để đưa toàn bộ hơn 500,000 người Do Thái của Warsaw vào tập trung trong không gian chưa đầy 2ha.
2. Cuộc nổi dậy của ZOB (Żydowska Organizacja Bojowa - Tổ chức Do Thái Kháng chiến) ngày 09/4/1943 - 16/5/1943 tại Warsaw
Đây chính là kế hoạch mà Majorek đã lập ra và Szpilman đã tham gia vào công tác vận chuyển vũ khí trong trại tập trung Ghetto Warsaw.
Tháng 04/1943, chỉ huy Đức Quốc xã Heinrich Himmler đã thông báo rằng khu Ghetto Warsaw phải được giải tỏa để tôn vinh ngày sinh nhật của Hitler. Đức Quốc Xã đã điều động hơn 1,000 lính SS tấn công khu vực giam cầm người Do Thái với xe tăng và pháo binh hạng nặng, buộc tổ chức ZOB của người Do Thái phải phản công để giành hi vọng sống sót.
Đáng tiếc rằng sau hơn 1 tháng cầm cự, với lượng vũ khí nghèo nàn phải mua với giá cao, cùng với hỏa lực áp đảo của Phát xít Đức, ZOB đã thất bại. Trong cuộc nổi dậy, khoảng 300 lính Đức đã bị giết, và hàng ngàn người Do Thái đã bị tàn sát. Hầu như tất cả những người còn sống sót sau Cuộc nổi dậy đều được đầy tới Treblinka để hỏa thiêu.
3.Cuộc nổi dậy Warsaw (The Warsaw Uprising) ngày 01/8/1944 - 02/10/1944
Chúng ta được chứng kiến một phần của cuộc chiến này ở nửa cuối bộ phim, khi Szpilman trốn trong bệnh viện quân y Đức, và quan sát bên ngoài thông qua một lỗ vỡ trên ô cửa sổ nhà vệ sinh.
Nếu chỉ là xem bộ phim, chúng ta dễ hiểu lầm rằng Liên Xô đã giải phóng Warsaw, giải phóng Ba Lan, như một điều tốt lành mà quân Đồng Minh đã làm cho Thế giới, nhưng thực chất không hẳn là như vậy, mà đó cũng là những toan tính chính trị của Stalin và sự bỏ mặc nhằm chia chác và giảm thiểu tổn thất cho Liên Xô mà thôi.
Theo dòng lịch sử, Ba Lan là đất nước đầu tiên bị xâm lược trong Thế chiến thứ hai, bị kéo vào một trong những thời kỳ thảm sát u tối nhất của lịch sử, nhưng khi có hi vọng được giải phóng bởi Liên Xô, Ba Lan lại phải đứng trước một lựa chọn đau thương: hoặc bắt đầu cuộc nổi dậy trong tình hình chính trị khó khăn và có nguy cơ thiếu sự hỗ trợ của Liên Xô, hoặc không thể nổi dậy và đối mặt với việc nếu Ba Lan được giải phóng bởi Hồng quân, thì Ba Lan sẽ bị lệ thuộc vào Liên Xô và mất đi Chính phủ hiện tại.
Trước sự hững hờ và có dấu hiệu trì hoãn của Stalin, Ba Lan buộc phải tiến hành kế hoạch này với hi vọng vừa là một biểu hiện chính trị của chủ quyền Ba Lan vừa là một hoạt động trực tiếp chống lại quân Đức chiếm đóng.
Cuộc nổi dậy đã diễn ra và thất bại trong 63 ngày với rất ít sự hỗ trợ từ bên ngoài. Đây là nỗ lực quân sự lớn nhất được thực hiện bởi bất kỳ phong trào kháng chiến châu Âu nào trong Thế chiến thứ hai. Kết quả là toàn bộ Warsaw bị phá hủy gần như hoàn toàn, gần 200 nghìn người Ba Lan bị sát hại hoặc bị bắt giữ.
4. Giải phóng Warsaw ngày 17/01/1945 của Hồng quân và quân đội chính quy Ba Lan – The First Polish Army
Đây là khoảnh khắc mà Szpilman thấy Hồng quân Liên Xô kéo vào Warsaw, anh vui mừng chạy ra ôm lấy mọi người, khi biết chuỗi ngày hòa bình đã bắt đầu trở lại.
Một chi tiết đáng buồn trong lịch sử mà có lẽ chúng ta cần phải đánh giá lại góc nhìn về Liên Xô trong bộ phim này, đó là ngay khi Đức Quốc Xã xâm lược Ba Lan ngày 01/09/1939 từ phía Tây, thì ngày 17/09/1939 Liên Xô cũng xâm lược Ba Lan từ phía Đông!
Sau khi cuộc nổi dậy The Warsaw Uprising thất bại, dẫn đến những thiệt hại cực kỳ khủng khiếp cả về nhân lực, vật lực của Ba Lan, Hồng quân Liên Xô mới tiến vào đẩy nốt phần còn lại của Đức Quốc Xã khỏi Ba Lan trước khi ký hiệp định biên giới Ba Lan - Liên Xô vào ngày 16/8/1945 dưới sức ép của Chính phủ Anh.
THAY CHO LỜI KẾT
Bộ phim đạt vô số giải thưởng, nhưng danh giá nhất là 3 giải Oscar cho 3 hạng mục quan trọng: Đạo diễn xuất sắc nhất Roman Polanski; Diễn viên chính xuất sắc nhất Adrien Brody và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất Ronald Harwood sau khi có được 7 đề cử vào lễ trao giải lần thứ 75 năm 2003.
Những lời khen dành cho Polanski tôi đã nói quá đủ trong phần nội dung của bài Đánh giá; nhưng để đưa tác phẩm thành hình, truyền được đầy đủ và chân thật nhất cảm xúc cho người xem, không thể không nhắc đến diễn xuất quá tuyệt vời của Adrien Brody với vai diễn Władysław Szpilman!
Để thực hiện bộ phim, Brody phải khổ luyện đàn dương cầm trong nhiều tháng ròng rã và phải giảm 14kg cho đúng với thể hình của Szpilman thời điểm đó. Mọi cảm xúc, nội tâm và nỗi khắc khoải đau đớn nhất của Szpilman được Brody chuyển thể quá hoàn hảo qua đôi mắt xanh đầy ma mị của mình. Vai diễn Szpilman cũng ám ảnh Brody trong suốt 15 năm sau dó. Anh hoàn toàn xứng đáng khi trở thành diễn viên trẻ nhất từng đạt danh hiệu này năm 29 tuổi.
-
"Crash" (1996) là một bộ phim của đạo diễn David Cronenberg, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của J.G. Ballard. Phim khám phá những mối liên hệ giữa tình dục, bạo lực và công nghệ trong xã hội hiện đại.
Câu chuyện xoay quanh một nhóm người có niềm đam mê kỳ lạ với tai nạn xe hơi. Nhân vật chính, Vaughan (James Spader), là một nhà quay phim vừa trải qua một tai nạn xe hơi. Sau tai nạn, anh gặp gỡ và bị cuốn vào một thế giới của những người có sở thích tình dục kỳ lạ liên quan đến những vụ tai nạn. Vaughan cùng với một người phụ nữ tên là Catherine (Deborah Kara Unger) và một người chồng tên là Graham (Eric McCormack) khám phá những giới hạn của bản thân và mối quan hệ giữa tình dục và cái chết.
Phim đặt ra nhiều câu hỏi về sự ám ảnh, sự tha hóa trong xã hội hiện đại và cách mà con người kết nối với nhau qua những trải nghiệm cực đoan. Với hình ảnh táo bạo và chủ đề gây tranh cãi, "Crash" đã tạo ra nhiều phản ứng mạnh mẽ từ khán giả và giới phê bình, trở thành một tác phẩm gây tranh cãi và mang tính biểu tượng trong điện ảnh.
-
Tôi xem Tâm trạng khi yêu (In the mood for love) rồi mới xem đến Vượng giác ca môn (As tears go by). Giữa hai bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ là khoảng cách hơn một thập kỉ, Tâm trạng khi yêu ra mắt năm 2000 còn Vượng giác ca môn là 1988. Bộ phim năm 2000 được đánh giá là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của vị đạo diễn họ Vương, còn bộ phim năm 1988 chính là tác phẩm đầu tay của ông.
Như rất nhiều tác phẩm đầu tay, Vượng giác ca môn có một vẻ ngây thơ, đơn thuần của những người mới bước chân vào con đường nghệ thuật. Tôi nghĩ những người mới bắt đầu sáng tạo đều như vậy: rất nhiệt tình, thuần khiết, mơ mộng và cũng rất ngây thơ, có phần bồng bột. Cũng giống như tuổi trẻ trong Vượng giác ca môn vậy.
Nội dung phim cũng không quá phức tạp, xoay quanh chuỗi ngày quẩn quanh đòi nợ - vay nợ - trả hộ nợ - đánh nhau – thôi không đánh nhau của hai anh em xã hội đen trẻ tuổi Hoa (Lưu Đức Hoa) và Fly (Trương Học Hữu), cùng mối tình giữa Hoa và Nga - cô em họ của anh (Trương Mạn Ngọc). Chỉ vậy thôi mà tôi lại thích phim rất nhiều. Có thể vì Trương Mạn Ngọc của phim này còn quá trẻ, đôi mắt trong sáng chưa trải qua thời gian như những bộ phim sau. Cũng có thể vì những khung hình đẹp như cắt ra từ những bức tranh.
Một trong những khung hình đọng lại thật lâu trong kí ức của tôi về bộ phim là cảnh những tán cây xanh mướt xào xạc trong gió. Những nhân vật trong phim cứ giải quyết các ân oán (vặt vãnh) chốn giang hồ, mải yêu đương rồi lại chia tay, còn những chuyến xe bus màu vàng vẫn cứ đều đều lướt qua nhau, người đi rồi về, hoặc đi rồi không bao giờ quay trở lại, và cây lá cứ xanh rì, vi vu. Xanh như tuổi trẻ bốc đồng và khờ dại.
Có lẽ chỉ khi còn trẻ người ta mới bất chấp mọi lý lẽ để yêu một người mà mình biết là khó có tương lai. Khi A Nga bỏ anh bác sỹ lại để chạy đi tìm Hoa, hẳn cô cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ đơn giản là không muốn trốn chạy tình cảm của mình thêm một chút nào nữa. Khi cô vừa khóc vừa tiễn Hoa ở bến xe, có lẽ cô cũng bất an về một ngày anh sẽ không bao giờ trở lại. Cô biết hết, biết hết chứ, về kết cục không mấy tươi sáng cho mối quan hệ của hai người. Chính A Nga đã chứng kiến cuộc sống lộn xộn, nguy hiểm của Hoa, cũng chính cô lại mua cho anh những chiếc cốc mới để thay cho những chiếc cốc anh đã làm vỡ.
Tuổi 30, 40, bạn có thể thôi gật gù theo những bản nhạc pop vào một sáng đẹp trời, cất những bộ quần áo thùng thình vào xó tủ. Nhưng tuổi 20, bạn đủ điên cuồng để yêu mà không nghĩ đến ngày mai, để lên một chuyến xe mà chưa rõ điểm đến.
Tuổi 20, có đôi lúc bạn muốn làm anh hùng, thấy cảnh sống đời tẻ nhạt sao mà chán chết. Fly (Trương Học Hữu) cứ muốn phải trở thành một cái gì đó khác với con người hắn hiện tại. Hắn cứ ăn nói bạt mạng, đánh nhau tơi bời, lắm lúc gây ra toàn chuyện phiền phức cho đàn anh A Hoa, cũng chỉ vì hắn không biết phải làm gì với đời mình. Những màn trừng phạt, gây hấn liều mạng trong phim giữa hai anh em A Hoa – Fly và băng đảng của anh áo sọc nhiều lần khiến tôi nghĩ rằng, hay là tất cả xã hội đen trẻ tuổi trong phim này đều vậy, đều không biết phải làm gì với đời họ nên cứ đi đấm, đá, thụi, bịch chỉ vì những lý do hết sức cỏn con?
“Những người như chúng ta làm gì có ngày mai”
Nhân vật Fly trong Vượng giác ca môn khiến tôi nghĩ tới Betty Blue trong bộ phim cùng tên của điện ảnh Pháp. Cả hai đều hành động bột phát, không ai biết sắp tới họ sẽ làm gì, và buồn thay, hành động nào cũng chỉ dẫn tới sự tự hủy hoại mình. Betty rạch luôn chiếc lược sắt vào mặt gã biên tập đã buông lời miệt thị tác phẩm của người đàn ông cô yêu, còn Fly nổi khùng khi đám lâu la của kẻ thù châm chọc việc anh đứng bán cá viên ở lề đường, để rồi nhận lấy những trận đòn nhừ tử. Bán cá viên à? Bán cá viên thì có gì là oách, tôi đây muốn làm anh hùng cơ, muốn làm một người có vị thế cơ, Fly nghĩ vậy, nên anh ta tung hứng cái kéo cắt cá viên rồi để kéo rớt luôn vào nồi nước, khi cảnh sát hỏi đến thì đốp chát lại, dùng kéo cắt… lông mũi, rồi kết cục cũng bỏ luôn xe bán cá. Khi Fly mang điều hòa về cho mẹ, mẹ anh ta từ chối không nhận, anh ta cũng vứt luôn cái điều hòa xuống sông.
Thằng nhóc Holden Caufield trong Bắt trẻ đồng xanh cũng chẳng từng muốn đến làm việc ở trạm xăng, rồi giả câm giả điếc để không phải trò chuyện với ai đấy thôi. Tuổi trẻ có thừa những lúc bơ vơ và cô đơn đến như thế. Khi tuổi trẻ qua đi, những cô gái như A Nga rất có thể sẽ quay về với anh bác sỹ hiền lành, công việc ổn định, bỏ lại sau lưng mối tình chớp nhoáng và say đắm thời mắt còn biếc, ánh nhìn còn thơ ngây. Những kẻ lạc lõng, không có nổi một mái nhà để tìm về như A Hoa hay Fly hoặc là tự hủy hoại mình, hoặc là sẽ tìm một công việc bình lặng, đàng hoàng hơn để bắt đầu lại. Họ có thể sẽ ổn, hoặc không ổn, nhưng dù gì đi nữa, thì cái màu xanh rì mướt mắt của những tán cây ngày hôm ấy, tuổi trẻ ngốc nghếch một thời ấy, sẽ không còn bao giờ quay trở lại nữa.
-
"When Harry Met Sally..." (1989) là một bộ phim hài lãng mạn do Rob Reiner đạo diễn và được viết bởi Nora Ephron. Phim kể về câu chuyện tình yêu giữa Harry Burns (Billy Crystal) và Sally Albright (Meg Ryan), diễn ra trong suốt nhiều năm.
Câu chuyện bắt đầu khi Harry và Sally gặp nhau trên một chuyến đi từ Chicago đến New York. Họ có những quan điểm khác nhau về tình yêu và tình bạn giữa nam và nữ. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, cả hai trở thành bạn bè, nhưng với những trải nghiệm tình cảm và các mối quan hệ riêng của họ, sự căng thẳng và cảm xúc dần phát triển.
Phim khéo léo khám phá những câu hỏi về tình yêu, tình bạn và sự khác biệt giữa hai giới. Những đoạn đối thoại thông minh và hài hước, cùng với những khoảnh khắc đáng nhớ, khiến bộ phim trở thành một tác phẩm kinh điển. Câu nói nổi tiếng “I’ll have what she’s having” từ một cảnh trong phim đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng.
-
"Ghost Dog: The Way of the Samurai" (1999) là một bộ phim của đạo diễn Jim Jarmusch, kết hợp giữa thể loại hành động và tâm lý. Phim kể về Ghost Dog, một sát thủ người Mỹ gốc Nhật, do Forest Whitaker thủ vai. Anh sống theo triết lý của samurai và tuân thủ những nguyên tắc của cuốn sách "Hagakure".
Ghost Dog làm việc cho một ông trùm mafia, nhưng khi một nhiệm vụ sai lầm xảy ra, anh trở thành mục tiêu của chính những người đã thuê mình. Phim khám phá mối quan hệ giữa văn hóa Nhật Bản và cuộc sống hiện đại ở New York, cũng như những xung đột giữa đạo đức và nghĩa vụ.
Câu chuyện tập trung vào hành trình của Ghost Dog trong việc giữ vững nguyên tắc samurai giữa một thế giới đầy bạo lực và phản bội. Với phong cách kể chuyện độc đáo, nhạc nền ấn tượng và hình ảnh nghệ thuật, phim mang đến một cái nhìn sâu sắc về danh dự, lòng trung thành và bản chất con người.
-
"The Swimming Pool" (1969) là một bộ phim tâm lý kinh dị của đạo diễn Jacques Deray, với sự tham gia của nữ diễn viên Romy Schneider và Alain Delon. Câu chuyện xoay quanh một cặp đôi, Jean-Paul và Marianne, đang nghỉ hè tại một biệt thự bên bờ biển.
Khi Marianne mời một người bạn cũ, Penélope, đến nghỉ ngơi cùng họ, mối quan hệ giữa các nhân vật trở nên phức tạp. Tình cảm ghen tuông, sự bí ẩn và những mâu thuẫn giữa họ dẫn đến một chuỗi sự kiện căng thẳng. Những mối quan hệ phức tạp và những bí mật dần được tiết lộ, tạo nên không khí kịch tính và hồi hộp.
Phim không chỉ khám phá tình yêu và sự ghen tuông mà còn phản ánh về bản chất con người trong những tình huống khó khăn. Với những hình ảnh đẹp và nhạc nền lôi cuốn, "The Swimming Pool" đã để lại ấn tượng mạnh mẽ và trở thành một tác phẩm kinh điển trong thể loại tâm lý.
-
Nhắc đến những bộ phim về những con quái vật mang đến thảm họa nhân loại trên màn ảnh rộng xứ Hàn, không thể không kể đến những tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho. Cùng với những tên tuổi nổi bật như Park Chan Wook, Kim Jee Won,… Bong Joon Ho được xem là đại diện cho thế hệ đạo diễn đứng đầu Hàn Quốc đã có thành tựu trên phim trường quốc tế.
Trước khi trình làng với bữa tiệc quái vật thật sự trong The Host (Quái Vật Sông Hàn), đạo diễn Bong Joon Ho cũng đã thành công khắc họa những con "quái vật" là hiện thân của những góc khuất và tối tăm của loài người. Trong Memories of Murder (Hồi Ức Kẻ Sát Nhân), con quái vật của Bong Joon Ho chính là một tên sát nhân liên hoàn không khác gì "ông kẹ" chui nhủi trong bóng đêm và liên tục xuất hiện gieo rắc sự tuyệt vọng cho người dân ngôi làng. Còn trong Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá), con quái vật lại là những kẻ bóc lột ở tầng lớp giai cấp thống trị của chủ nghĩa tư bản.
Song, con quái vật "hàng thật giá thật" trong The Host lại mới là nguyên do đưa tên tuổi của đạo diễn Bong Joon Ho lên một tầm cao mới, là tiền đề cho siêu phẩm Mother đã đoạt giải Rồng Xanh cho phim điện ảnh xuất sắc nhất năm 2009. Với diện mạo dữ tợn cùng hàm răng sắc nhọn có khả năng nuốt trọn một người trưởng thành, lớp da bầy nhầy và cái đuôi to dài quật tất cả chướng ngại vật cản đường nó, con quái vật đã mang đến ác mộng thật sự cho những người dân thủ đô Seoul.
Tuy rằng những hiệu ứng đặc biệt vẫn chưa thật sự trau chuốt, nhưng con quái vật cảm hứng từ màn trình diễn hoang dã của Steve Buscemi trong Fargo của đạo diễn Bong Joon Ho cùng với đội của ông đã thật sự gây ấn tượng mạnh với khán giả theo dõi The Host. Một con quái vật có hình dạng tương tự sinh vật thần thoại Chimera sống trong lòng sông và cống rãnh có cấu tạo mồm kì dị khiến người xem ám ảnh, vừa cực kì đáng sợ song cũng ngu ngốc đơn thuần như bản tính động vật. Tất cả đã khiến con quái vật ẩn chứa đầy bất ngờ và ngạc nhiên cho đến tận những phút cuối cùng của bộ phim. Khán giả sẽ không thể đoán được lúc nào con quái vật xuất hiện, hay thứ gì sẽ được nôn ra từ cái miệng đầy kì dị của nó. Tuy nhiên, ẩn số lớn nhất mà The Host mang đến lại chính là sự thôi thúc khiến khán giả phải thật sự "nhìn" vào nội tâm con quái vật đáng sợ này.
Vào thời điểm đó, việc đạo diễn Bong Joon Ho theo đuổi điều không tưởng và tạo dựng một bộ phim về quái vật theo bước bộ phim đình đám Godzilla là một điều vô cùng tự nhiên. Cụ thể hơn, ông đã áp dụng công nghệ hiện đại vào bộ phim để bình luận về tương lai vô định của một quốc gia châu Á vừa bước ra khỏi chiến tranh và đang cố gắng vượt qua hậu quả của cuộc chiến.
Suy cho cùng, việc đạo diễn Bong Joon Ho tạo dựng hình tượng một con quái vật thật sự trong khi những bộ phim còn lại của ông đã cho thấy sự hiện hữu của quái vật là không có thật, vốn chỉ là ẩn dụ của góc khuất con người là một việc khá kì quái và còn thể gây phản tác dụng. Và quyết định sử dụng hình tượng quái vật làm trọng tâm của phân đoạn đầu của phim đã định rõ được đặc trưng của bộ phim.
Liệu The Host chỉ đơn thuần là một bộ phim bi hài về một gia đình bình thường ở Hàn Quốc cố gắng giải cứu thành viên nhỏ tuổi nhất, hay những gì đạo diễn Bong Joon Ho muốn gửi gắm sau bộ phim là một điều gì đó sâu xa hơn "Đừng tin những lời của chính phủ, hãy chỉ tin vào gia đình của bạn"? Đạo diễn Bong Joon Ho muốn chúng ta nhìn nhận được điều gì khi ông cho quái vật xuất hiện giữa ban ngày ban mặt và những đặc điểm đáng sợ và nhớp nháp của nó được triển lãm trước mắt người xem thay cho những hình ảnh "quái vật" quen thuộc từng được sử dụng trước đây? Vì sao bộ phim The Host nhanh chóng bình thường hoá con quái vật của mình bằng việc sử dụng những cảnh quay toàn cảnh rộng và tinh tế khiến con quái vật trở thành một phần của quang cảnh trong phim? Ở thời diểm hiện tại, thời điểm mà kỷ nguyên của CGI và những hiệu ứng đặc biệt mở ra, khi mà khán giả có thể dễ dàng xem những con quái vật thật sự trên màn ảnh, siêu phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho cuối cùng cũng có thể triển lộ sự tuyệt vời của nó.
Những thước phim của The Host đã khéo léo lồng ghép sự chỉ trích những ảnh hưởng nặng nề của tàn quân Mỹ còn sót lại ở Hàn Quốc mang đến, đồng thời còn có sự châm biếm ý nhị về hậu quả của vũ khí hủy diệt hàng loạt và chiến tranh Iraq gây ra cho quốc gia này. Lấy cảm hứng từ văn hoá và hiện thực của Hàn Quốc, đạo diễn Bong Joon Ho đã xây dựng hình tượng các nhân vật trong phim như một lũ ngốc: từ anh chàng thiện lương Song Kang Ho vụng về đến vị quan chức mờ ám trong bộ quần áo bảo hộ, người đã ngã sõng soài xuống đất khi vừa xuất hiện.
Sự thô cứng của hiệu ứng kĩ xảo trong The Host không chỉ đơn thuần là một nét cuốn hút của bộ phim mà chính là mục đích của đạo diễn Bong Joon Ho. Đây là câu chuyện về một ác nhân nhẫn tâm thải 90 lít hóa chất độc hại formaldehyde vào nguồn nước sông Hàn với khoái cảm tàn bạo để rồi nuôi dưỡng ra con quái thú này. Là câu chuyện về một quái vật sống dưới gầm cây cầu nổi tiếng nhất Seoul trước khi lên bờ để mang đến cơn ác mộng thật sự cho dân chúng.
The Host chính là câu chuyện nghiệt ngã về một xã hội mà chính phủ không ngần ngại lợi dụng cơ hội để trừng phạt những người dân yếu đuối, và về những nhà khoa học kinh tởm, những người đã công khai khoe khoang rằng họ sẽ cắt vào não bộ của nhân vật Song Kang Ho để khiến anh ta phải im lặng. Câu chuyện này cũng cho thấy rằng sức mạnh của con người được đo lường bởi sự bảo vệ mà họ dành cho những người yếu đuối nhất. Bộ phim của Bong Joon Ho bắt đầu với hình ảnh của một tiệm tạp hoá ven sông và dần phát triển theo mô tuýp của nhà văn Dickens khi hai nhân vật mồ côi xuất hiện trong phim.
Lý do The Host trở thành bộ phim đại diện cho nền điện ảnh Hàn Quốc về đề tài quái vật ở thế kỷ 21 không phải chỉ vì bộ phim đã đào sâu vào khai thác mặt tối của truyền thông chính phủ, mà còn vì The Host là bộ phim duy nhất về thể loại này mà không phải là phép ẩn dụ cho bất cứ một điều gì. Thảm họa trong The Host cực kì rõ ràng, là một Tổng thống phân biệt chủng tộc vi phạm luật cấm nhận "các khoản thù lao" từ chính phủ quốc gia khác, chà đạp lên quyền và lợi ích cũng như sức khỏe của người dân. Nền dân chủ trong The Host không khác gì một trò chơi chuyên quyền của những người thuộc cao tầng chỉ quan tâm lợi ích bản thân mà bỏ qua nhân dân của họ. Điều đó đã de dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân Đại Hàn.
Bằng những thước phim diễn tả sinh động cảnh con quái thú chạy dọc theo bờ hồ sông Hàn và càn quét tất cả sinh mạng của những người dân vô tội trên đường đi, The Host của đạo diễn Bong Joon Ho đã tinh tế truyền tải một thông điệp: Muốn sống sót, trước tiên phải thừa nhận bản thân đang đối mặt với thảm họa, đồng thời đừng quên thứ gọi là tình nghĩa. Thế giới chúng ta đang sống có thể là một thế giới tràn ngập hiềm nghi, tư tưởng cố hữu của nhân loại khiến bản thân loài người khó có thể tin tưởng vào sự tồn tại của những con quái vật, dẫn đến sự trở tay không kịp khi chúng thật sự xuất hiện trước mặt loài người.
-
Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra nhận lời thách thức từ Hoàng đế La Mã Julius Caesar xây dựng một cung điện xa hoa giữa sa mạc trong ba tháng. Nếu thành công, Caesar sẽ phải thừa nhận công khai rằng người dân Ai Cập là những người vĩ đại nhất trong tất cả các dân tộc. Để làm được điều này, Cleopatra kêu gọi Numérobis - kiến trúc sư tiên phong tràn đầy năng lượng. Nhận thức được độ khó của vấn đề, Numérobis đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ người bạn cũ Druid Getafix. Druid đến Ai Cập cùng với Asterix và Obelix. Mặt khác, Amonbofis - kiến trúc sư chính thức của Cleopatra ghen tị với việc nữ hoàng chọn Numérobis sẽ làm mọi cách để đánh bại đối thủ.
-
"DogMan" (2023) là bộ phim do Luc Besson đạo diễn, xoay quanh một câu chuyện cảm động về tình bạn giữa một cậu bé và những chú chó.
Nội dung phim kể về một cậu bé tên là Damien, người sống trong một môi trường khó khăn và bị bạo hành bởi cha mình. Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, cậu tìm thấy sự an ủi và bảo vệ từ một nhóm chó hoang. Những chú chó này trở thành bạn đồng hành và là nguồn động lực cho Damien, giúp cậu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Khi lớn lên, Damien phát triển mối quan hệ đặc biệt với các chú chó, và cậu quyết định sử dụng kỹ năng của mình để bảo vệ những sinh vật mà mình yêu quý. Câu chuyện dẫn dắt khán giả qua hành trình của Damien, từ những trải nghiệm đau thương đến những quyết định mạnh mẽ nhằm bảo vệ những người và động vật mà cậu yêu thương.
Phim không chỉ thể hiện tình yêu thương giữa con người và động vật mà còn khai thác những chủ đề về sự trưởng thành, sự tha thứ và tìm kiếm một nơi thuộc về. Với phong cách điện ảnh đặc trưng của Luc Besson, "DogMan" mang đến những hình ảnh đẹp và cảm xúc sâu sắc.
-
"The 400 Blows" (tựa gốc tiếng Pháp: "Les Quatre Cents Coups") là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn François Truffaut, phát hành năm 1959. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của phong trào điện ảnh Nouvelle Vague (Đại diện mới) của Pháp.
Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của một cậu bé 12 tuổi tên là Antoine Doinel (do Jean-Pierre Léaud thủ vai). Antoine sống ở Paris cùng với cha mẹ, nhưng cậu thường xuyên cảm thấy bị bỏ rơi và không được thấu hiểu. Cha mẹ của cậu không có mối quan hệ tốt đẹp và thường xuyên cãi vã, điều này khiến Antoine cảm thấy cô đơn và không hạnh phúc.
Cậu bé bắt đầu tìm cách nổi loạn và khám phá cuộc sống, nhưng những hành động bốc đồng của mình dẫn đến nhiều rắc rối. Antoine trốn học, ăn trộm và tìm kiếm sự tự do trong một thế giới mà cậu cảm thấy không thuộc về. Cuối cùng, khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, Antoine bị đưa vào một trại giáo dưỡng.
Bộ phim thể hiện một cách chân thực và sâu sắc những cảm xúc của tuổi thơ, sự bất mãn và khát khao tự do. "The 400 Blows" không chỉ là một câu chuyện về một cậu bé mà còn phản ánh xã hội và hệ thống giáo dục của thời đại. Với cách kể chuyện độc đáo và hình ảnh đẹp, phim đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử điện ảnh và được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh Pháp.
-
"The Wages of Fear" (tựa gốc tiếng Pháp: "Le Salaire de la peur") là một bộ phim kinh điển của đạo diễn Henri-Georges Clouzot, phát hành năm 1953. Phim dựa trên cuốn tiểu thuyết của Georges Arnaud và xoay quanh một nhóm người sống trong một thị trấn hẻo lánh ở Nam Mỹ.
Nội dung phim kể về bốn người đàn ông: Mario, Jo, Bimba và Luigi, những người sống trong cảnh nghèo khổ. Họ tìm cách kiếm tiền bằng cách tham gia vào một nhiệm vụ nguy hiểm: vận chuyển một lô chất nổ từ một công ty khai thác dầu đến một địa điểm xa xôi. Công việc này vô cùng rủi ro, vì họ phải lái xe qua những con đường hiểm trở, đầy chướng ngại vật và rủi ro có thể dẫn đến cái chết.
Khi họ bắt đầu hành trình, phim không chỉ thể hiện những tình huống hồi hộp và căng thẳng mà còn đào sâu vào tâm lý của các nhân vật, thể hiện sự tuyệt vọng và tham lam của con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Những yếu tố như tình bạn, sự phản bội và nỗi sợ hãi cũng được khai thác một cách sâu sắc.
Phim được ca ngợi vì kỹ thuật kể chuyện và cách xây dựng căng thẳng, cũng như các màn trình diễn ấn tượng của dàn diễn viên. Phim đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải Palme d'Or tại Liên hoan phim Cannes. Đây là một tác phẩm xuất sắc, phản ánh con người trong những tình huống khắc nghiệt và những lựa chọn khó khăn.
-
A Better Tomorrow (1986) quy tụ một dàn diễn viên đình đám của điện ảnh Hồng Kông với những cái tên như Châu Nhuận Phát, Địch Long, Trương Quốc Vinh, đặc biệt là có sự tham gia của đạo diễn Ngô Vũ Sâm và giám chế Từ Khắc trong vai trò diễn viên khách mời.
Sau thành công của “Bến Thượng Hải” cùng hình tượng Hứa Văn Cường, lần này Châu Nhuận Phát tiếp tục vào vai một đại ca xã hội đen. Anh diễn xuất quá “ngọt”, quá tự nhiên và duyên dáng, khiến người ta không khỏi có cảm giác nhân vật này sinh ra là để dành cho anh. Phá vỡ định kiến về việc cho rằng hễ cứ trùm mafia là phải lạnh lùng, dữ tợn, anh xuất hiện với một phong thái hài hước, hào sảng, tràn đầy nét ngông cuồng của một tay ăn chơi có hạng, kèm theo đó là nụ cười luôn nở trên môi. Không chỉ dừng lại ở đó, Châu còn thể hiện trọn vẹn hình tượng một con người trọng nghĩa khí, sẵn sàng xả thân vì bạn bè, hay một tay anh chị có lúc lên voi xuống chó với những biểu cảm sinh động và phong phú. Anh đã chứng minh được khả năng diễn xuất của mình không chỉ gói gọn trong các dạng phim hành động đơn thuần mà còn nhiều thể loại khác nữa.
Người bạn thân chí cốt của Châu Nhuận Phát trong phim, Địch Long, tuy không thật sự ấn tượng và tỏa sáng như đồng sự của mình, nhưng dầu sao anh cũng đã diễn tròn vai, giúp chúng ta cảm nhận được một Tống Tử Hào trầm ổn, già dặn, có lúc cũng đầy hối hận hay đau đớn và bất lực khi không được tha thứ, khi nhận ra không có cơ hội để mình hoàn lương.
Lúc tham gia diễn xuất trong A Better Tomorrow (1986), Trương Quốc Vinh vẫn còn là người mới và chưa nổi tiếng như này. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra ánh hào quang xán lạn phát ra từ ngôi sao mang tầm cỡ quốc tế đó. Anh cùng với sự tươi sáng và nhiệt thành của mình, hệt như làn gió xuân tươi mát nhất, thanh khiết nhất thổi vào lòng bất cứ ai xem phim.
Hình ảnh, âm thanh
Có lẽ do được sản xuất vào thập niên 80 tại Hồng Kông, kỹ xảo còn hạn chế nên A Better Tomorrow I không có những màn cháy nổ hoàng tráng, những pha rượt đuổi thót tim như trong những siêu phẩm điện ảnh Mỹ thường thấy sau này. Các cảnh hành động trong phim hầu hết là những màn đọ súng đơn thuần, tuy nhiên chúng vẫn được dàn dựng một cách bài bản, hợp lý mang lại kịch tính cao trào và những giây phút hồi hộp cho người xem.
Hình ảnh cùng màu sắc trong phim chưa có gì thực sự nổi bật, không có bối cảnh đẹp, cũng không sử dụng hiệu ứng. Chỉ thỉnh thoảng chúng ta mới thấy được một số khung hình mang tính nghệ thuật nhờ vào ánh sáng và góc quay trong những cảnh tranh tối tranh sáng hoặc quay cận cảnh để đặc tả khuôn mặt diễn viên, ngoài ra thì những phân đoạn lúc tràn ngập ánh sáng mặt trời cũng khá là đẹp mắt. Nói tóm lại thì phần hình ảnh của “A Better Tomorrow I” mới dừng lại ở mức độ chân thực và “đủ dùng”, không quá xuất sắc nhưng cũng tuyệt đối không phải tệ hại.
Trong khi tác phẩm điện ảnh này chưa để lại được ấn tượng gì nhiều về mặt thị giác, thì phần âm nhạc của nó lại thực sự là một điểm nhấn. Những đoạn có sử dụng nhạc nền chiếm đa số thời lượng của cả bộ phim. Tùy vào từng thời điểm mà nhạc nổi lên sẽ mang giai điệu sôi nổi vui tươi hay hồi hộp, kịch tính, hay da diết, bi thương. Các soundtrack được sử dụng trong phim khá phong phú, đáng nói nhất là bài hát chủ đề “Đương niên tình” qua giọng ca truyền cảm của chính Trương Quốc Vinh. Nhạc vốn hay lại còn được thể hiện tốt, không có gì khó hiểu khi ca khúc đó đã vượt ra khỏi vai trò nhạc nền và có được vị trí độc lập với bộ phim, đồng thời được yêu thích cho đến tận ngày nay.
Nội dung
A Better Tomorrow (1986) xoay quanh hai tay đàn anh trong thế giới ngầm của Hồng Kông cùng một người em trai, tréo ngoe thay, lại làm cảnh sát. “Huynh đệ cảnh tặc” không phải là một đề tài mới mẻ nhưng bộ phim đã rất khéo léo và tinh tế trong việc khắc họa, khai thác diễn biến nội tâm cũng như tính cách của từng nhân vật, khiến cho nó có chiều sâu và tạo nên xúc cảm đặc biệt cho người xem. Những sợi dây tình cảm, những mối quan hệ trong phim nhiều khi đầy mâu thuẫn và chồng chéo, một mặt chúng gắn kết các nhân vật lại, mặt khác lại khiến họ phải trăn trở, làm tổn thương nhau và thất vọng về nhau.
Sẽ thật thiếu sót nếu đã nói về A Better Tomorrow I mà lại không nhắc tới tình bằng hữu, tình huynh đệ sống chết có nhau đầy xúc động và đáng khâm phục giữa Mark, Hào và Kiệt. Giữa họ từng có thể xảy hiểu lầm, mâu thuẫn, hay khác biệt về quan điểm và con đường đi, nhưng cho đến phút cuối cùng, cả ba đều sát cánh bên nhau, che chở, bảo vệ và tin tưởng lẫn nhau. Đây có thể nói là những khoảnh khắc đáng giá nhất của cả bộ phim, khiến nhiệt huyết trong người ta sôi trào, khiến lệ nóng dâng tràn bờ mi, khiến ta không khỏi bùi ngùi cảm khái về hai chữ nghĩa tình.
Ngoài ra, các tình tiết trong phim được nối tiếp nhau một cách bất ngờ, mạch phim có nhịp điệu vừa phải, hợp lý, không gây nên cảm giác mất kiên nhẫn hay khó hiểu cho người xem. Những cảnh mang tính hành động không quá hoành tráng cũng chẳng sử dụng kỹ xảo hay hiệu ứng gì đặc biệt nhưng vẫn gay cấn và cuốn hút như thường. Đáng tiếc là những phân đoạn liên quan đến việc lật đổ, trả thù, thanh toán giữa các thế lực ngầm (ngoại trừ cảnh đối đầu cuối cùng) vẫn còn đơn giản và chưa thuyết phục, chưa xứng tầm với địa vị mà các nhân vật đảm nhiệm.
Tuy nhiên nếu xét đến thời điểm bộ phim được sản xuất thì những gì mà nó làm được đã là một thành công đáng nể (được chứng minh qua hàng loạt giải thưởng tại các liên hoan phim và phá vỡ kỷ lục phòng vé của Hồng Kông thời bấy giờ), đưa những cái tên như Ngô Vũ Sâm, Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh vượt ra khỏi biên giới châu Á, trở thành một bộ phim xã hội đen kinh điển của điện ảnh Hồng Kông, là chuẩn mực cho những bộ phim cùng đề tài sau này. Tác phẩm đồng thời còn xây dựng lên một “bản sắc anh hùng” mới: đầy phong cách, đầy tự tin và trọng nghĩa khí. Hình ảnh Châu Nhuận Phát đeo kính đen, hai tay hai súng, hiên ngang như đi vào chốn không người mãi là một hình ảnh đẹp và ấn tượng, in sâu vào trong tâm trí khán giả.
Có đáng xem không?
Câu trả lời tất nhiên là có bởi vì đây một bộ phim giải trí có chiều sâu, nó không quá khó xem cũng không quá nhạt nhẽo, vừa đủ hồi hộp, vừa đủ lắng đọng, nên sẽ phù hợp với khá nhiều thị hiếu. Hoặc giả nếu bạn chỉ muốn nhìn lại một đại diện của điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim, hay Trương Quốc Vinh, Châu Nhuận Phát thời trai trẻ đầy sôi nổi và nhiệt huyết thì A Better Tomorrow (1986) chính là câu trả lời chúng tôi dành cho bạn.
-
"A Touch of Zen" (1971) là một bộ phim cổ trang của đạo diễn Hoàng Dương (King Hu), nổi bật với phong cách nghệ thuật và triết lý sâu sắc. Phim xoay quanh cuộc sống của một họa sĩ tên là Yang (do Từ Tử Kỳ thủ vai), người sống trong một ngôi làng yên bình.
Câu chuyện bắt đầu khi Yang gặp một người phụ nữ bí ẩn tên là Gu Shengzhen, người đang chạy trốn khỏi một nhóm sát thủ. Gu là một nữ chiến binh được đào tạo bài bản, có khả năng võ thuật xuất sắc. Yang, ban đầu chỉ là một họa sĩ nhút nhát, dần bị cuốn vào cuộc chiến giữa thiện và ác.
Phim không chỉ tập trung vào những cảnh hành động mãn nhãn mà còn khám phá những chủ đề về tình yêu, lòng trung thành và sự giác ngộ. Bằng việc kết hợp giữa nghệ thuật võ thuật và triết lý Đạo giáo, "A Touch of Zen" đã tạo nên một tác phẩm độc đáo, góp phần định hình thể loại phim võ thuật ở châu Á.
Bộ phim được ca ngợi vì kỹ thuật quay phim sáng tạo và các cảnh hành động tinh tế, và đã giành được nhiều giải thưởng, trở thành một trong những phim kinh điển trong lịch sử điện ảnh châu Á. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các nhân vật hoặc những thông điệp cụ thể trong phim, hãy cho tôi biết!
-
"Get Out Your Handkerchiefs" (tiếng Pháp: "Les Valseuses") là một bộ phim hài của Pháp ra mắt năm 1978, do Bertrand Blier đạo diễn. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của hai nhân vật chính, Jean-Claude và Pierrot, những người trẻ tuổi sống buông thả và tìm kiếm sự tự do trong tình yêu và cuộc sống.
Câu chuyện bắt đầu khi Jean-Claude, một người đàn ông chán nản với cuộc sống và tình cảm, quyết định cùng với bạn thân Pierrot lên đường tìm kiếm những trải nghiệm mới. Họ gặp gỡ một cô gái tên là "Mimi" và tạo thành một mối quan hệ phức tạp giữa ba người, xen lẫn giữa tình yêu, ham muốn và những vấn đề về bản sắc.
Bộ phim nổi bật với các chủ đề về tình dục, tự do cá nhân và những mối quan hệ phức tạp giữa con người, đồng thời cũng mang đến những khoảnh khắc hài hước và những tình huống éo le. Với cách tiếp cận táo bạo và châm biếm, phim đã gây tiếng vang lớn và trở thành một tác phẩm nổi bật trong điện ảnh Pháp.
-
"That Man from Rio" (original title: "L'Homme de Rio") is a 1964 French film directed by Philippe de Broca. It stars Jean-Paul Belmondo as Adrien Dufourquet, a young man whose fiancée, Agnès, is kidnapped while they are in Brazil.
The plot unfolds as Adrien embarks on a thrilling adventure to rescue her, leading him through various exotic locations and encounters with criminals and treasure hunters. The film combines elements of comedy, action, and romance, with a playful tone and a focus on the charm and ingenuity of its protagonist.
The film is known for its inventive action sequences and vibrant cinematography, showcasing the beauty of Brazil. It also incorporates elements of farce and features a light-hearted, adventurous spirit that became a hallmark of Belmondo’s performances. Overall, "That Man from Rio" is a classic of the French New Wave, blending humor with a sense of adventure.
-
Bộ phim “Lãnh địa cảm xúc” (In the realm of the sense) luôn được xếp vào những bộ phim về tình dục gây tranh cãi nhất. Việc bộ phim bị cấm chiếu ở Nhật và vì nó đạo diễn Nagisa Oshima phải đối diện với tòa án khiến đây vẫn là đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Bài viết này lựa chọn một điểm trong bộ phim – cái nhìn dục tình – để bàn luận về quan điểm về tình dục xuyên suốt sự nghiệp điện ảnh của Oshima: “Ta không thể tách chúng (tình dục và chính trị – chú thích) thành hai vấn đề riêng biệt. Đây là những vấn đề tương đương nhau” (Oshima, Trích theo Joan Mellen, Voices from the Japanese cinema, Liveright, 1975, tr 271).
“Cái nhìn” (gaze) trong nghiên cứu điện ảnh ngụ ý đến mối quan hệ giữa những cái nhìn diễn ra trong bộ phim: khán giả – thế giới phim, các nhân vật trong thế giới phim đó với nhau, cũng như những quan hệ phức tạp hơn: quá trình khán giả đồng nhất mình với nhân vật trên màn hình về vai xã hội và tham gia vào cơ chế của các quan niệm giới tính, đạo đức. Trong “In the realm of the sense” chúng ta dễ dàng nhận ra “cái nhìn dục tình” tồn tại thành một mạng lưới: ở những cảnh đầu tiên là cái nhìn trộm cảnh vợ chồng Kichizo làm tình của Sada, sau đó là một loạt những cái nhìn dục tình khác nhau của vợ Kichizo, cô hầu phòng trẻ ở quán trọ, những người geisha già, và cái nhìn đã tồn tại về hiện tượng Sada Abe trên báo chí Nhật Bản trong đoạn flashback cuối phim. Những cái nhìn dục tình này không chỉ dừng lại ở vai trò kích thích cảm xúc của người nhìn và người được nhìn mà quan trọng hơn chúng được sử dụng theo lối phản thân: đạo diễn sẽ phơi bày những cơ chế tồn tại trong cái nhìn: sự áp đặt của đạo đức cộng đồng, sự kiểm duyệt của văn hóa – chính trị. Nói cách khác, bộ phim của Oshima mang tính khiêu khích, thách thức những giới hạn đối với Tính dục.
Để hiểu hơn mục đích này, chúng ta cần quay lại một chút về bối cảnh điện ảnh Nhật Bản nói chung và của Oshima nói riêng vào thập niên 50-70. Tadao Sato trong “Currents in Japanese cinema” gọi cuộc cách mạng điện ảnh mà Oshima và các đạo diễn cùng thế hệ với ông như Shohei Imamura, Suzuki Hami là “làn sóng tình dục” (sexual wave). Nhà phê bình người Nhật đi vào lý giải nguyên nhân “các đạo diễn (như Shohei Imamura, Nagisa Oshima, Suzuki Hami…- chú thích) đã sử dụng sex để diễn đạt thông điệp của họ”. Theo ông, họ “cố gắng nắm bắt bản chất của những cảm nhận nằm sâu bên trong tâm lý con người. Hơn nữa, những vấn đề nhân bản nền tảng, như mối quan hệ giữa giai cấp thống trị và bị trị, cầm quyền và nô lệ, sự hoà hợp và đối đầu, tự do và cô độc, đều có thể được nhìn thấy bên trong quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Những vấn đề này luôn luôn được xác định trong hoàn cảnh xã hội hoặc chính trị và được luận giải phù hợp” (Tadao Sato (Trans. Gregory Barrett), Currents in Japanese cinema, Kodansha internetional, 1982, tr 232 – 233).
Cái nhìn dục tình, như đã nói ở trên, chứa đựng một áp lực mạnh mẽ với cơ thể tình dục, quan hệ tình dục. Mối quan hệ giữa Sada và Kichizu phải diễn ra lén lút và thường trực trong Sada cảm giác khó chịu, ghen tị, bức bối với người vợ của người tình. Cái nhìn của vợ Kichizu là cái nhìn mang sức nặng đạo đức, qui ước pháp luật, là cái nhìn kích hoạt sự tự kiểm duyệt của Sada và Kichizu. Với riêng Sada, đó còn là cái nhìn thôi thúc khát vọng bạo lực của nàng khi nhận ra ở đó sự sở hữu, sự tước đoạt người tình. Cái nhìn dục tình vừa đem lại cảm giác được hiện diện vừa đem lại cảm giác bị loại trừ. Vai trò chủ thể vừa được hợp thức hóa lại vừa bị phế truất, gạt bỏ. Sada và Kichizu phải di chuyển sang một không gian khác, nơi mà chỉ có họ nhưng dường như Sada cũng không thể thoát khỏi lực trường của cái nhìn người vợ Kichizu. Bằng chứng là nàng và Kichizu vẫn tiến hành nghi lễ hôn nhân trước sự chứng kiến các geisha. Như thế tình dục chưa bao giờ là câu chuyện cá nhân mà nó thường xuyên có sự can thiệp, đan xen những dạng thức diễn ngôn để điều chỉnh cá nhân đi vào hệ thống. Ý tưởng này đã được thể hiện đầy đủ trong bộ phim The ceremony (Nghi lễ) trước đó.
Trong không gian quán trọ, hai nhân vật bước vào cuộc phiêu lưu tình ái triền miên nhằm kiếm tìm thoả mãn, tròn đầy về tình dục. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy hậu cảnh hầu như bị xoá bỏ. Khuôn hình lấp đầy da thịt cùng đống chăn gối, quần áo bộn bề, nhàu nát. Dụng cụ để dàn cảnh và diễn viên sử dụng là thức ăn, ruợu nhằm thoả mãn nhiều đường kênh cảm nhận xác thịt hơn. Cả hai nhân vật di chuyển trong không gian khép kín với mong muốn đắm mình vào thế giới tình dục muôn màu sắc: tình dục không chỉ được khai thác ở xúc giác mà còn là vị giác. Xã hội chia tách con người theo cái nhìn nhị nguyên tinh thần/ thể xác chứa đựng ý niệm phân tầng: tinh thần cao quí hơn thể xác và thể xác, nhục dục là hạ cấp, nhơ nhớp, sai trái. Văn hoá chứa đựng hệ thống quan niệm, định kiến khiến chúng ta nảy sinh ý thức về tính bất hợp lý, không đúng đắn của chính bản thân mình. Được ủng hộ bởi một hệ thống đồng bộ giáo dục, y tế…, nó hợp pháp hoá, tự nhiên hoá nỗi ám ảnh kiểm duyệt cơ thể. Sada và Kichi vươn đến việc xoá huỷ mọi ước lệ văn hoá khoác lên cơ thể. Ngôn ngữ họ giao tiếp với nhau là cơ quan cảm giác, “hệ thống tín hiệu thứ nhất” và lớp từ vựng thiên về diễn tả cảm nhận của tri giác. Và vì thế tình dục của họ thực sự thách thức những cái nhìn dục tình khác. Cần kể đến ở đây là cái nhìn dục tình của cô hầu phòng trẻ. Thái độ kinh ngạc xen lẫn ngại ngùng và có phần kì thị những táo bạo tình dục của đôi tình nhân chính là hệ quả của cuộc va chạm mà Oshima muốn đem lại cho bộ phim của mình: sex và đạo đức, chính trị, để từ đó người ta nhận ra vấn đề Tự do. Oshima từng đưa ra câu hỏi của mình trước tòa: “chẳng phải Nhật Bản là một trong những đất nước tiên tiến? chẳng phải Nhật Bản là bộ phận của thế giới tự do? Tự do không phải là một trong những nguyên lý nhân tính phổ quát, bao gồm trong đó là tự do diễn đạt tình dục sao?”
Sada và Kuzichi thường xuyên mỉa mai, trêu chọc thái độ ngượng ngùng đó, thứ ngượng ngùng “khiêu dâm”. Khi người ta cho phép chiếu “In the realm of the sense” nhưng phải cắt bỏ một số đoạn thì ông nói: “bằng việc cắt và che đậy, các ông làm bộ phim thuần khiết của tôi trở nên bẩn thỉu”. Bởi vì cách làm đó chẳng khác nào biến phim của Oshima thành phim khiêu dâm. Mục đích phim của ông, một phần thể hiện qua hệ sự va chạm các cái nhìn dục tình, là đặt vấn các cấm kị (taboo) và giới hạn lên Tình dục. Chính vì thế một phần tự sự nổi bật là nỗi hoang mang của Sada, là màu sắc ảm đạm ngày càng rõ rệt ở cuối bộ phim. Mặc dù cả Sada và Kichi làm tình khép kín trong không gian của riêng họ, bỏ quên dòng chảy cuộc sống bên ngoài nhưng họ vẫn không thể vượt thoát được thân phận lịch sử của mình. Biểu hiện cao nhất cho giới hạn này là cái chết: Sada thiến hoạn thi thể người tình. Một cú cận cảnh hành động cắt và một cú toàn cảnh từ trên cao Sada cầm dương vật nằm cạnh người tình bê bết máu đã gây shock trực diện đến người xem. Nó xúc phạm thô bạo kinh nghiệm văn hoá, làm khán giả hoang mang. Âm thanh ngoài hình đưa chúng ta và cả Sada về nơi mà cô ta đến, đó là bài báo kể lại sự kiện kì lạ này. Báo là thứ sự kiện thời sự thoáng chốc và với nhiệm vụ đưa tin thì nó sẽ vẫn tồn tại những điều gì đó chưa được chuyển di vào cái nhìn dục tình thịnh hành. Điều này gây ra nỗi ám ảnh về sự trôi dạt, “trượt nghĩa” của chính bộ phim vốn lấy cảm hứng từ đấy. Hiện thực Sada thiến hoạn người tình tán phát, mất mát và không thể phục hồi trong các quan niệm, cái nhìn dục tình khác.
Để phần nào giải thích cho ý tưởng này của Oshima, chúng ta cần nói ra ở đây “In the realm of the sense” có tên phát hành bằng tiếng Pháp là “L’Empire des sens” vốn là lối chơi chữ gợi nhớ tới tác phẩm L’Empire des signes của Roland Barthes. Trong quan niệm của Oshima, người nước ngoài thường chỉ hiểu nước Nhật qua kí hiệu. Điều đó có nghĩa, lớp văn hoá bản địa cụ thể đã bị mất mát, tán phát bên dưới hệ thống kí hiệu. Vì vậy, đạo diễn người Nhật muốn làm một bộ phim bước qua mọi kinh nghiệm, giới hạn về tính dục. Toàn bộ từ đầu đến cuối hai nhân vật Sada và Kichi làm tình đều quay “raw”, không dùng kĩ thuật đánh sáng hay làm đẹp. Oshima đã khai thác triệt để truyền thống tình dục trong văn hoá Nhật Bản với Genji monogatari, kịch Noh…. bất chấp những giới hạn của chính quyền về việc đưa tình dục lên nghệ thuật thị giác – hệ quả của cuộc cải cách Minh trị nhằm đáp ứng yêu cầu của Phương Tây. Sada và Kichi khám phá cảm giác giới tính nguyên sơ. Cái định nghĩa sự tồn tại của họ là những nắm bắt, nếm trải và nỗ lực đạt đến khát vọng tình dục hiện sinh. Càng về cuối, Sada càng chiếm ưu thế và điều khiển Kichi theo ham muốn mãnh liệt của mình. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra hiện tượng hoán đổi vị trí thứ bậc, người nữ trở nên kiểm soát, nắm lấy luật chơi tình dục. Như thế bằng việc đưa toàn bộ xã hội ổn định về lãnh địa cảm xúc, đạo diễn đã tiến hành một cuộc cách mạng thiết lập lại cấu trúc phân tầng hiện hành trong văn hóa Nhật Bản: sự ưu thế của nam giới.
Tóm lại, sinh ra trong một thời đại mà mọi giá trị truyền thống bị lung lay đến tận gốc rễ, Oshima sớm nhận lấy thiên chức phê phán, phá huỷ và kiến tạo. Vì thế phim của ông có khi tồn tại chỉ để khiêu khích những giới hạn qui ước điện ảnh trước thời đại mới. “The diary of Shinjuku thief” (Nhật kí tên trộm Shinjuku)là đỉnh cao của thể nghiệm tự do phóng túng, “The ceremony” (Nghi lễ) tinh tế, lắng đọng thì đến “In the realm of the sense” táo bạo, dữ dội. Oshima và đồng nghiệp của ông đã tạo ra Làn sóng Mới Nhật Bản mà đỉnh sóng chính là tính dục. Theo chúng tôi, một nghệ sĩ tài năng là người có khả năng vượt thoát mọi hệ luỵ, định kiến ẩn tàng trong vô số nghi lễ, khái niệm để phân tích tỉnh táo nó dù chỉ trong khoảnh khắc. Và hệ thống cái nhìn dục tình trong bộ phim “In the realm of the sense” là một thực hành như vậy.
-
Nhân vật trở thành biểu tượng của ngôi sao cơ bắp Sylvester Stallone có màn trở lại ấn tượng sau gần một thập niên.
Năm 2015, những người yêu điện ảnh được chứng kiến sự trở lại của hàng loạt thương hiệu phim từ những thập niên trước. Những Star Wars VII, Terminator Genysis, Jurassic World hay Mad Max: Fury Road... dù có mức độ thành công khác nhau nhưng đều phần nào đáp ứng niềm hoài cổ trong lòng người hâm mộ.
Nếu phải chọn ra một sự tái xuất đem lại cảm hứng nhất trên màn ảnh rộng năm qua, Creed là một ứng viên nặng ký. Đây là tập phim thứ bảy của loạt phim đấm bốc về nhân vật huyền thoại Rocky Balboa (Sylvester Stallone thủ vai). Dù không còn xuất hiện trên tựa phim và đã lui vào hậu trường thay vì thượng đài, Rocky vẫn biết cách truyền cảm hứng cho khán giả như cách mà nhân vật này từng làm được trong tập đầu tiên cách đây 39 năm.
Những phần trước đây của loạt phim Rocky xoay quanh hành trình vươn lên đỉnh cao môn đấm bốc của Rocky - chàng võ sĩ vô danh tiểu tốt. Sau khi bất ngờ được trao cơ hội thượng đài với tay đấm số một thế giới - Apollo Creed (Carl Weathers), Rocky biết cách nắm lấy cơ hội và khiến tất cả phải bất ngờ với khả năng của mình.
Hàng chục năm trôi qua từ trận đấu đổi đời ấy, Rocky giờ đây đã là một ông già trải qua nhiều thăng trầm trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp. Chỉ còn bơ vơ một mình sau khi người vợ qua đời, nhà cựu vô địch quyền anh thế giới trở thành một ông chủ nhà hàng trong sự nể trọng của người dân Philadelphia bởi ánh hào quang từ quá khứ.
Trong Creed, Rocky trở thành thầy huấn luyện của Adonis Creed (Michael B. Jordan). Chàng trai trẻ này là con rơi của Apollo Creed và dù chưa từng một lần gặp cha ruột, anh vẫn thừa hưởng đam mê lẫn tài năng đấm bốc của ông. Có một công việc văn phòng ổn định nhưng Adonis chỉ cảm thấy mình thực sự được sống khi đứng trên sàn đấu. Anh quyết định từ bỏ công việc để tới gặp Rocky “tầm sư học đạo” nhằm trở thành một tay đấm chuyên nghiệp...
Creed là tập hay nhất trong loạt phim Rocky kể từ tập đầu tiên ra mắt năm 1976. Ngày ấy, Sylvester Stallone còn là diễn viên không tên tuổi và đánh cược cả sự nghiệp vào tác phẩm này. Với kinh phí vỏn vẹn một triệu USD và được quay trong 28 ngày, Rocky trở thành hiện tượng trong lịch sử điện ảnh. Bộ phim đạt doanh thu lên tới 225 triệu USD và nhận ba giải Oscar, bao gồm cả “Phim hay nhất”. Rocky đã đi vào văn hóa đại chúng như một biểu tượng của sự bất khuất, không chịu khuất phục trước những khó khăn.
Những tập phim Rocky sau đó dù vẫn có những khoảnh khắc ấn tượng, xét về tổng thể lại không sánh bằng phiên bản gốc. Rocky của năm 1976 là sự kết hợp hài hòa của những trận chiến dữ dội trên sàn đấu lẫn cuộc đời. Chiến thắng đôi khi không nhất thiết phải tới từ phán quyết trên sàn đấu, mà là khi một con người có thể chiến thắng chính bản thân mình. Ngày ấy, Rocky còn là một tay bảo kê ngờ nghệch không có tương lai và bất ngờ được trao cơ hội đổi đời. Nhưng thứ khiến cuộc sống của anh thực sự trọn vẹn lại là tình yêu đến từ Adrian (Talia Shire) – cô gái e thẹn sát cánh anh trong mọi gian khó. Chỉ tới Creed, một sự tổng hợp hài hòa như Rocky năm nào mới được tái hiện.
Ngọn lửa nhiệt huyết của Rocky giờ được truyền lại cho Adonis - chàng trai trẻ giàu tiềm năng nhưng thiếu đi hình bóng người thầy, người cha để định hướng và đưa cho anh những lời khuyên. Vì lẽ đó, Adonis tìm đến đối thủ cũ của cha để trở nên xuất sắc hơn. Bài học quan trọng đầu tiên mà Adonis được Rocky truyền dạy là tập đấm bốc trước gương. Đây là hình ảnh giàu tính ẩn dụ, khi chàng trai trẻ phải học cách vượt qua những mặc cảm về cái bóng khổng lồ của người cha, bản tính nóng nảy của chính bản thân.
Điều khiến Creed trở nên khác biệt với những bộ phim đánh đấm thông thường là những trận chiến cam go nhất đôi khi diễn ra trong nội tâm. Khán giả được theo dõi phần lớn câu chuyện trước màn quyết đấu ở cuối phim để hiểu hơn lý do khiến những người võ sĩ thượng đài và sẵn sàng chiến đấu với hơn 100% quyết tâm.
Adonis trẻ trung đại diện cho một luồng gió mới, kế thừa ý chí mà Rocky truyền lại. Người võ sĩ ngày nào giờ ở độ tuổi xế chiều và bắt đầu bị bệnh tật hỏi thăm. Ông không thượng đài trong Creed nhưng vẫn phải “xỏ găng” để đương đầu với căn bệnh hiểm nghèo. Adonis đã tìm tới Rocky trong thời điểm mà cả hai đều cần nhau. Chàng trai trẻ đang thiếu một người thầy để đưa anh đi đúng hướng, trong khi người võ sĩ già cần tinh thần không biết sợ của tuổi trẻ để không buông xuôi.
Dù là một tác phẩm lấy đề tài đánh đấm tưởng như khô khan, Creed lại giàu tình cảm với những nốt trầm đằng sau hào quang sàn đấu. Cảm xúc của khán giả tỷ lệ thuận với những gì mà các nhân vật trải qua, trước khi vỡ òa trong trận đấu mãn nhãn ở cuối phim. Các tập phim về Rocky có sức sống tới gần bốn thập niên nhờ cách mà loạt phim này truyền cảm hứng cho người xem.
Đạo diễn Ryan Coogler đã khéo léo giữ nguyên cái khung làm nên thành công của tập phim đầu tiên, như cho anh chàng Adonis phải lòng cô ca sĩ Bianca (Tessa Thompson), đặt những nhân vật vào các “trận chiến cuộc đời” hay tái hiện hình ảnh khổ luyện của Rocky qua hình bóng Adonis chạy miệt mài trên những con phố Philadelphia.
Những chi tiết giống với bản cũ được đưa vào tự nhiên, không đem lại cảm giác gượng ép. Đồng thời, Coogler đã thổi vào đó hơi thở của ngôn ngữ điện ảnh thời đại mới, giúp Creed lôi cuốn được khán giả hiện đại. Doanh thu 180 triệu USD dù kinh phí gốc chỉ là 35 triệu USD là sự tưởng thưởng xứng đáng cho Coogler.
Sáu tập phim đầu tiên đều do Sylvester Stallone viết kịch bản nhưng tới Creed, vai trò đó được giao lại cho Coogler và biên kịch Aaron Covington. Với Creed, Sylvester Stallone và nhân vật Rocky đã tìm được người kế thừa di sản của mình qua hình hài của Ryan Coogler và Adonis.
-
Ra đời từ năm 1941, Citizen Kane (Công dân Kane) luôn được xem là kiệt tác hàng đầu của điện ảnh Mỹ và thế giới. Năm 1998, nhân 100 năm ra đời bộ môn nghệ thuật thứ 7, Viện Phim Mỹ (American Film Institute) bình chọn bộ phim này đứng đầu trong 100 phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Tờ Sight & Sound của Viện Phim Anh thì bình chọn nó đứng đầu suốt 5 thập niên liền và còn vô số cuộc bình chọn khác với vị trí “number one”… Sức ảnh hưởng về ngôn ngữ điện ảnh của Citizen Kane tác động tới rất nhiều bộ phim kinh điển sau này.
Vào đầu tháng 12 tới, bộ phim tiểu sử Mank của đạo diễn tài năng David Fincher ra mắt, được xem là ứng cử viên hàng đầu của Oscar 2021. Mank sẽ hé lộ cho khán giả những câu chuyện hậu trường chưa được kể, đặc biệt là mối quan hệ phức tạp giữa nhà biên kịch Herman J. Mankiewicz và đồng biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, nam diễn viên chính Orson Welles trong quá trình thực hiện kiệt tác mang tính biểu tượng này.
Cái nhìn thấu nghiệm về sự vỡ mộng của giấc mơ Mỹ
Citizen Kane là một sự thấu nghiệm về sự phù du của giấc mơ Mỹ. Sự vĩ đại của Citizen Kane, có lẽ trước hết phải kể đến người làm ra nó, Orson Welles đồng viết kịch bản, làm sản xuất, làm đạo diễn và đóng vai chính của bộ phim Citizen Kane lúc ông mới… 25 tuổi. 25 tuổi và nắm trong tay 4 cương vị quan trọng trong bộ phim đầu tay của mình. Thật khó tưởng tượng nổi có một trường hợp thứ hai đạt được đỉnh cao tài năng ở độ tuổi đó trong điện ảnh.
Ở tuổi đó, hầu hết giới trẻ đang loay hoay lạc lối hay vẫn tìm đường đi cho mình, thì Orson Welles đã dựng nên một câu chuyện, một cái nhìn đầy sâu sắc về cuộc đời một con người, một ông hoàng, một đế chế, một giấc mơ Mỹ, một tấn thảm kịch mang phong cách cổ điển của Shakespeare.
Và không chỉ thế, Citizen Kane còn tạo ra những bước đột phá tiên phong trong điện ảnh, về kỹ thuật, về cấu trúc, về nghệ thuật dẫn chuyện, về góc máy camera, về dàn dựng, về xây dựng tính cách nhân vật… Tất cả chúng đều ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phim lớn sau này. Đó có lẽ là lý do lớn nhất để Citizen Kane luôn nằm trong top những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất của Mỹ và thế giới.
Citizen Kane là câu chuyện về cuộc đời của Charles Foster Kane, được xem là lấy cảm hứng từ cuộc đời của ông trùm truyền thông William Randolph Hearst, người xem ra không khác mấy với Trump bây giờ. Có lẽ vì vậy mà Hearst đã dùng quyền lực và sức mạnh truyền thông có trong tay mình để đè bẹp Citizen Kane và quyết nhấn chìm Orson Welles xuống bùn.
Nhưng cho dù Hearst dùng đến thế lực của mình, Kane vẫn tự đứng vững trên đôi chân của nó để đời sau phải cúi đầu. Tại mùa giải Oscar 1942, Citizen Kane nhận tới 9 đề cử Oscar, trong đó riêng Orson Welles đã nhận tới 4 đề cử cá nhân cho 4 hạng mục quan trọng nhất ở tuổi 26 – kỷ lục tất nhiên chưa lặp lại bao giờ: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên nam chính xuất sắc nhất và Biên kịch xuất sắc nhất.
Tuy nhiên Viện Hàn Lâm Mỹ đã không dám bỏ phiếu cho Citizen Kane, mà trao cho một bộ phim dưới tầm bị quên lãng từ lâu, nên cuối cùng Citizen Kane chỉ chiến thắng một giải Oscar duy nhất là Kịch bản gốc xuất sắc, chia đôi cho Orson Welles và người cộng sự của ông - Herman J. Mankiewicz.
Citizen Kane chỉ thực sự trở nên vĩ đại sau đó vài năm, và mãi mãi sau này.
"Rosebud" và đoạn kết của một con người vĩ đại
Citizen Kane mở đầu với cảnh cái chết của Charles Foster Kane, ông trùm truyền thông, ở lâu đài đang xây dang dở Xanadu. Kane nằm trên giường, cô độc một mình, tay cầm quả cầu thủy tinh. Nó lăn ra khỏi tay ông ta, rơi xuống đất và vỡ tan. Môi Kane mấp máy một từ duy nhất trước khi nhắm mắt lìa đời: “Rosebud”. Người giúp việc bước vào, đặt hai tay của Kane lên ngực và kéo vải, trùm lên mặt ông ta. Cuộc đời của một con người từng được sánh với Thành Cát Tư Hãn vừa kết thúc.
Cái chết của Kane tất nhiên trở thành tin tức lớn nhất. Một phóng sự về cuộc đời của Kane xuất hiện trên TV. Đoạn phóng sự tư liệu này được Orson Welles dàn dựng rất hấp dẫn và được coi là sự mẫu mực cho việc dàn dựng phim tài liệu chân dung sau này, trong đó có những trích dẫn cho thấy tầm ảnh hưởng của ông ta: “Đế chế của Kane trong thời đại huy hoàng của nó, đã nắm giữ 37 tờ báo, hai nghiệp đoàn thông tấn, một đài radio. Một đế chế trên mọi đế chế. Và Kane tiếp tục tấn công sang các tiệm tạp hóa, nhà máy giấy, các tòa chung cư, nhà máy, rừng, tàu viễn dương. Một đế chế trải qua 50 năm như một dòng chảy bất tận. Sự giàu có của ông được sánh với mỏ vàng lớn thứ 3 thế giới.
Nhưng cùng với những lời ca tụng về quyền lực và sự giàu sang, Kane cũng bị coi là một kẻ phát xít, kẻ khiến tầng lớp lao động bị bóc lột, mất việc và nghèo đói. Câu “tagline” (chủ đề) của bộ phim gần như nói đầy đủ những nhận xét của người đời về Kane: “Tôi ghét ông ta! Tôi yêu ông ta! Ông ta là một tên vô lại! Ông ta là một vị thánh! Ông ta là kẻ điên rồ. Ông ta là một thiên tài!”
Kane đã giúp thay đổi thế giới, nhưng thế giới của Kane giờ chỉ còn là lịch sử. Cuối đời, Kane sống một mình trong công trình nghỉ dưỡng vĩ đại chưa hoàn thiện và đang xuống cấp. Ông vua truyền thông ngày nào giờ đây chỉ còn là một kẻ cô độc, sống trên ngai vàng của mình và vẫn tự tay điều hành một đế chế đang hoang tàn cho đến ngày thần Chết đến rước ông ta đi.
Câu nói cuối cùng trên môi Kane “Rosebud” trở thành một từ khóa bí ẩn khiến báo chí nước Mỹ phải lao vào cuộc điều tra và tìm kiếm, xem ý nghĩa thực sự của nó là gì? Một người phụ nữ đẹp, một đóa hồng, hay một điều thầm kín gì khác chỉ có Kane biết được?
Và một anh chàng đã bắt tay vào cuộc điều tra, gặp gỡ những nhân vật từng gần gũi nhất với ông ta, để biết được ý nghĩa thực sự của Rosebud là gì?
Và đây mới là phần chính của Citizen Kane. Bộ phim quay ngược lại quá khứ, qua các lời kể của các nhân vật rồi lộn về hiện tại, cứ thế, dẫn dắt người xem tự sắp xếp lại những mảnh ghép trong trò chơi đánh đố về cuộc đời của một con người.
Phong cách kể chuyện phi tuyến tính của Orson Welles – vốn rất mới mẻ lúc bấy giờ, phải nói là mẫu mực, vừa theo cách kể của phim tài liệu chân dung, vừa sử dụng phong cách phim noir (hình sự đen) lật giở các mảnh ghép bí ẩn. Rất nhiều bộ phim “noir” sau này kế thừa phong cách của Orson Welles, điển hình như Chinatown của Roman Polanski.
Nghệ thuật kể chuyện đột phá
Cậu bé Kane từng có một tuổi thơ, dù nghèo nhưng hạnh phúc bên gia đình của mình ở một thị trấn nhỏ ở vùng núi Colorado. Nhưng khi người mẹ được kế thừa một mỏ vàng ngay trong khu đất của mình, Kane được gửi lên thành phố để được nuôi dạy tử tế, cho đến khi đủ tuổi 25 để kế thừa tài sản. Hình ảnh mà ta thấy về tuổi thơ của Kane là cậu bé đang trượt ván trước sân nhà dưới trời đổ tuyết, trước khi bị người giám hộ đưa đi mà không kịp thổn thức vì bị mẹ của mình bỏ rơi.
Ở phân đoạn “Colorado” sau này thường được các nhà chuyên môn và học thuật mang ra để phân tích, mổ xẻ, Orson Welles đã sáng tạo ra một thủ pháp độc nhất vô nhị lúc bấy giờ là “deep focus” (tiêu cự sâu) kết hợp với “low angle shot” (góc máy thấp) và long take (cú máy dài).
Với sự sáng tạo đột phá đó, ông có thể dựng được một phân đoạn phức tạp và giàu ý nghĩa biểu tượng trong vài cú máy, tạo được sự đồng nhất trong diễn xuất của diễn viên và tính thống nhất của thời gian và không gian. Hơn tất cả, qua thủ pháp đó, Orson Welles muốn nhấn mạnh đến bi kịch của một đứa trẻ, một con người bị định đoạt trong tay kẻ khác.
Những sáng tạo mang tính đột phá như vậy trong quay phim, âm thanh, dựng phim… làm nên tính tiên phong của ngôn ngữ điện ảnh mà hàng loạt đạo diễn lớn sau này phải chịu kế thừa. Nó cũng lý giải về con người tham vọng và gót chân Achilles của ông ta sau này: Kẻ tự tay dựng nên đế chế của mình. Một đế chế vừa đưa Kane lên cao, vừa nhốt chặt ông ta trong đó.
Cái nhìn thấu suốt về cuộc đời một con người
Citizen Kane của Orson Welles, với cái nhìn đầy thấu suốt về cuộc đời một con người, cho ta thấy, để thành công, người ta phải có một ý chí và sự quyết tâm khủng khiếp như thế nào. Nửa đầu phim, ta thấy Kane là một người hùng của nước Mỹ. Nhưng sự thành công cũng có thể đẩy người ta rơi vào những bến bờ ảo tưởng, với cái tôi khổng lồ, ngạo mạn và phản bội lại lý tưởng ban đầu của mình như thế nào.
Như Kane từng nói, “Người duy nhất trên thế giới này có thể bảo tôi làm gì, và có thể sai khiến được tôi, đó là… tôi”. Để rồi trong nửa sau phim, Kane dần dần biến thành một kẻ lố bịch, điên rồ và quái đản của nước Mỹ.
Vậy cuối cùng, từ khóa của bộ phim: “Rosebud” là gì? Liệu từ này có thể giải mã được cuộc đời của Kane? Khi một cây bút chuyên nghiệp nói rằng: “Nếu anh tìm ra được ý nghĩa của từ Rosebud, tôi đồ rằng nó sẽ giải thích được tất cả mọi chuyện”, Jerry Thompson đã trả lời rằng: “Không, Kane là một người đàn ông có tất cả những gì ông ta muốn và sau đó đánh mất tất cả. Có thể Rosebud là một điều gì đó mà ông ta không đạt được, hoặc ông ta đánh mất nó. Nhưng dù gì đi nữa, nó cũng không giải thích được bất cứ điều gì. Tôi không tin rằng chỉ một từ có thể giải thích được cuộc đời của một con người. Không. Tôi đồ rằng, Rosebud chỉ là một mảnh ghép trong trò chơi ghép chữ. Một mảnh ghép bị thất lạc.”
“Rosebud” là gì? Một mảnh ghép bị thất lạc, một tình yêu bị đánh mất? Sự hồn nhiên của tuổi thơ bị đánh cắp và định đoạt bởi kẻ khác?... Câu trả lời có ở phút cuối cùng của bộ phim, câu trả lời đến cả Jerry Thompson cũng không tìm ra được.
Orson Welles mang đến cho chúng ta một câu trả lời đầy mỉa mai và có phần cay đắng. Mỗi khán giả phải tự xem phim và tự giải mã cho mình câu đố hiểm hóc nhất và bất ngờ nhất của Orson Welles dành cho điện ảnh. Nhưng hãy nhớ lời nhắn nhủ của Orson Welles: “Tôi không tin rằng chỉ một từ có thể mô tả được cuộc đời của một con người”.
-
Bộ phim “A tale of two sisters” ở Việt Nam được biết đến với tên “Câu chuyện hai chị em” của đạo điễn Kim Jee Won mặc dù được công chiếu từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn được xem là bộ phim kinh dị đáng sợ nhất xứ Hàn. Ngay khi công chiếu, bộ phim trở thành tác phẩm kinh dị trong nước đầu tiên thu hút trên 3 triệu khán giả và được hai đạo diễn Hollywood, Charles Guard và Thomas Guard làm lại với tựa đề “The Uninvited” vào năm 2009. “Câu chuyện hai chị em” cũng được đưa vào danh sách 12 phim nước ngoài được làm lại hay nhất tại Mỹ.
Trong bộ phim của Hàn Quốc: Câu chuyện được bắt đầu khi 2 chị em Soo Mi và Soo Yeon trở về ngôi nhà của mình sau 1 thời gian dài Soo Mi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Nhưng điều khiến cô chị cảm thấy khó chịu là bên cạnh người cha của mình, cô và em gái phải sống cùng người mẹ kế. Mặc dù 2 cô bé được mẹ kế đón tiếp niềm nở nhưng Soo Mi lại luôn cảm thấy căm ghét và xa lánh bà trong khi Soo Yeon thì lại vô cùng sợ hãi. Từ khi sống chung, những chuyện kì dị bắt đầu xảy ra, ngôi nhà dường như bị ma ám. Vì những thái độ và cách hành xử rất kì quặc của mẹ kế, 2 cô bé cho rằng chính bà là người gây ra những chuyện này và càng chống đối bà hơn. Đổi lại, mẹ kế bắt đầu làm hại Soo Yeon và Soo Mi luôn cố gắng bảo vệ em gái mình. Một hôm, người cha vắng nhà, Soo Mi nhìn thấy mẹ kế lôi một chiếc bao lớn kéo theo vết máu qua một hành lang tối như mực. Cô lần theo dấu máu, cho rằng trong chiếc bao là thi thể em gái. Soo Mi đã ẩu đả kịch liệt với mẹ kế và bất tỉnh. Khi trở về, người cha phát hiện Soo Mi nằm một mình trên sàn nhà. Và từ đây, bí mật kinh hoàng về Soo Mi, Soo Yeon và câu chuyện thật sự của 4 người được hé lộ đầy bất ngờ và sâu sắc.
Nếu là 1 khán giả yêu thích 1 trong 2 phiên bản bộ phim này, chắc hẳn không thể tránh khỏi việc đưa lên bàn cân để so sánh những khía cạnh khác nhau. Vì mỗi phiên bản sẽ khai thác câu chuyện theo 1 hướng, tùy vào “gu” xem phim của khán giả ở 2 nền văn hóa. Mỗi người xem sẽ có những cảm nhận riêng nên những ý kiến so sánh sau đây chỉ thể hiện 1 phần nào đó góc nhìn của người viết.
Các nhân vật và diễn viên trong phim
1. Nhân vật chính – cô chị gái Soo Mi
Ở phiên bản Hàn Quốc, nhân vật chính cô chị Soo Mi do nữ diễn viên Im Soo Jung thể hiện. Có thể nói, cô chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất cho vai diễn này. Im Soo Jung đã thể hiện rất trọn vẹn vai diễn một cô gái trẻ có tính cách bướng bỉnh, ngang tàng, cố chấp, luôn chống đối quyết liệt với mẹ kế nhưng bên cạnh đó lại là một người chị mẫu mực và dịu dàng với em gái. Soo Mi rất yêu thương Soo Yeon và luôn bảo vệ cho em mỗi khi những chuyện kì dị xảy ra và những khi Soo Yeon bị mẹ kế ức hiếp.
Tính cách mâu thuẫn, tâm lý bất ổn và nội tâm phức tạp của nhân vật được Soo Jung lột tả qua gương mặt và ánh mắt đầy ám ảnh, khiến nhân vật trở nên bí ẩn và có chiều sâu, dẫn dắt người xem đi đến từng hồi cao trào của câu chuyện. Những đặc trưng về tính cách của nhân vật đòi hỏi diễn viên phải có nội lực diễn xuất tốt và cảm được nỗi đau thương của nhân vật cũng như sự éo le của câu chuyện.
Những phân đoạn Soo Mi gay gắt chống đối với mẹ kế, những lúc vỗ về So Yeon và những lúc tâm trạng trống rỗng mơ hồ khi xác định hiện thực đang xảy ra đều là những phân đoạn thể hiện được diễn xuất đa dạng của Soo Jung. Tưởng chừng như, vai Soo Mi chính là dành riêng cho diễn viên này.
Vai diễn tương đương với Soo Mi trong bản phim Holywood là Anne do Emily Browning thể hiện. Khác với bản gốc, lần này Anne lại là cô em hiền lành và ngây thơ cùng với những suy nghĩ phức tạp và lộn xộn. Anne có 1 chị gái là Alex và cô luôn ngưỡng mộ chị của mình bởi tính cách cứng rắn và quyết liệt.
Emily Browing có khuôn mặt xinh xắn và ngây thơ phù hợp với đặc điểm miêu tả nhân vật nhưng diễn xuất lại hơi non, những phân đoạn gút thắt đỏi hỏi phải thể hiện sự phức tạp trên nét mặt thì Emily lại diễn hơi đơ khiến gương mặt trở nên cứng nhắc và tình huống trở nên thiếu chiều sâu. Nhân vật Anne với nội tâm phức tạp và nhiều uẩn khúc vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Nếu đặt vào mặt bằng chung thì diễn xuất của Emily vẫn khá ổn, thể hiện được những nỗi bất an và chông chênh của 1 cô gái trẻ khi chứng kiến vô số những chuyện kì lạ và cố giải thích theo hướng của riêng mình.
Những phân đoạn mà Emily thể hiện diễn xuất bằng ánh mắt thành công đó là cảnh cô phát hiện ra sự thật và hoảng hốt tột độ khi thấy trên tay mình 1 con dao dính máu đồng thời nhìn thấy hình ảnh của mình phản chiếu qua gương. Phân đoạn thứ hai là ở ngay phần kết thúc phim, khi Anne bị đưa ra khỏi ngôi nhà và cô quay đầu lại nhìn người cha của mình bằng ánh mắt vừa thù hận vừa như oán trách.
Mỗi diễn viên có những cách thể hiện tính cách và tình cảm nhân vật khác nhau. Nhưng nếu đặt lên bàn cân thì diễn xuất và thần thái của nữ diễn viên Hàn Quốc lại có sự thuyết phục lớn hơn.
2. Cô em gái Soo Yeon
Vai diễn Soo Yeon trong A Tale of two sisters do Moon Geun Young thủ vai. Lúc nhận vai, Geun Young mới 16 tuổi nhưng diễn xuất của diễn viên trẻ lại rất cuốn hút và có thần.
Soo Yeon là cô bé ngây thơ và rất hiền lành so với cô chị mạnh mẽ và cứng rắn của mình. Trong suốt câu chuyện phim, Soo Yeon có phần hơi yếu đuối, ít phản kháng, ít giao tiếp, chỉ trò chuyện cùng với Soo Mi, luôn luôn bên cạnh Soo Mi và thường phụ thuộc vào người chị rất nhiều thứ, luôn cần chị bảo vệ che chở, luôn nghe lời và yêu thương chị.
Ở phiên bản Holywood, nhân vật này chính là Alex do diễn viên Arielle Kebbel thủ vai. Trái với phiên bản Hàn, nhân vật này lại là một cô chị thông minh và tinh ranh, là người luôn tin tưởng và sát cánh bên Anne trong mọi tình huống và cho cô em gái những lời khuyên. Với bản tính thẳng thắn mạnh mẽ, cô luôn là người động viên tinh thần, bảo vệ Anne và cùng em gái khám phá những điều bí ẩn diễn ra trong ngôi nhà và thậm chí là truy tìm nguyên nhân cái chết của người mẹ ruột.
Diễn viên đã thể hiện được hình ảnh cô chị gái mạnh mẽ và thông minh, và có phần tự tin, phóng khoáng mà không bị gượng hay cứng nhắc.
Nhân vật này ở 2 phiên bản phim tuy đóng vai trò như nhau nhưng về tính cách và tình huống lại không giống nhau nên rất khó để so sánh. Chỉ có thể nói rằng, sự tồn tại của nhân vật này trong phim thể hiện sự đau đớn và muốn tìm lối thoát của nhân vật chính. Cả 2 diễn viên đã cho thấy 2 hình tượng nhân vật hoàn toàn khác và kể nên 2 câu chuyện hoàn toàn khác.
3. Người mẹ kế
Diễn viên thể hiện vai diễn này trong phiên bản Hàn là Yeom Jeong Ah . Có thể nói, ấn tượng đầu tiên khi lần đầu nhìn thấy tạo hình của nữ diễn viên trong phim là “đúng bản chất mẹ kế”. Với ánh mắt sắc sảo và gương mặt lạnh lùng, nhân vật của bà chính là nỗi khiếp sợ của Soo Yeon và là cái gai trong mắt Soo Mi. Bề ngoài, bà vẫn đối xử niềm nở với 2 chị em nhưng thật ra, bà cũng không hề yêu thương 2 đứa con riêng của chồng. Có nhiều hành động lạ lùng và tính cách quái dị, sự xuất hiện và tồn tại của nhân vật này cho đến phút gần chót lại là những nút thắt quan trọng và là 1 trong những bí mật đáng sợ của câu chuyện.
Có thể nói diễn xuất của Yeom Jeong Ah rất sắc bén và thuyết phục. Cô đã thể hiện được rất nhiều trạng thái và mâu thuẫn của nhân vật. Khi xem phim, đôi lúc, nhân vật có những cách hành xử vô cùng kì lạ, khiến cho người xem không thể hình dung được bản chất thật sự của nhân vật này. Và Yeom Jeong Ah đã đánh lừa nhận thức của khán giả 1 cách thuyết phục.
Trong Uninvited, vai diễn này được giao cho nữ diễn viên xinh đẹp Elizabeth Banks đảm nhận. So với bản gốc thì Elizabeth xử lí nhân vật rất thiếu chiều sâu, không tạo được cảm giác đáng sợ và bí ẩn như theo mạch diễn biến phim. Ngoại hình, vẻ đẹp, và cách thể hiện cảm xúc của Elizabeth dường như không hợp với phim kinh dị khiến nhân vật không có sức thuyết phục.
4. Nhân vật người cha
Vai trò của nhân vật này trong cả hai bộ phim tương đối nhạt nhòa. Tình huống mà 2 nhân vật này gặp phải trong 2 bản phim tuy có vài nét tương đồng nhưng lại rất khác nhau. Sau khi vợ mất, ông đi thêm bước nữa với người phụ nữ từng là y tá chữa trị cho vợ mình. Vì biết vợ sau không được lòng các con nên ông cố vun đắp tình cảm cho gia đình. Sau khi những bi kịch xảy ra, ông đã sống trong đau khổ và dằn vặt vì những sai lầm trong quá khứ.
Trong phim của Hàn, từ đầu tới gần cuối, những hành động và lời nói của nhân vật người cha do diễn viên Kim Gap Soo thể hiện rất mâu thuẫn và dường như chẳng ăn nhập với tình huống, khiến khản giả vô cùng băn khoăn và khó hiểu. Những lúc ông đối thoại với cô con gái hay người vợ kế đều cho thấy ông là người có phần nhu nhược và không có chính kiến. Chỉ khi bức màn được hé mở, những mâu thuẫn trên lập tức đều có câu trả lời. Bên cạnh người mẹ kế, đây là nhân vật thứ 2 đóng vai trò gây nhiễu trong nhận thức của khán giả trong suốt gần hết bộ phim nhưng lại góp phần không nhỏ để kết thúc trở nên thuyết phục và nhân văn.
Kết: Vì mỗi bộ phim có những cách kể chuyện và tuyến nhân vật khác nhau sao cho phù hợp với văn hóa phương đông và phương tây, nên cách thể hiện nhân vật nếu đem ra so sánh đương nhiên sẽ có phần không phù hợp. Nhưng nếu nét về mặt bằng chung thì tuyến nhân vật của The Uninvited có mối quan hệ rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn nhưng ở bản phim Hàn thì lại đem đến cảm giác nhập nhằng và mơ hồ, một gia vị thường thấy trong các phim kinh dị châu Á. Về diễn xuất thì có thể thấy dàn diễn viên A tale of two sisters lại mang đến chiều sâu và nhiều sắc thái cho từng nhân vật hơn.
-
8:15 ngày 6 tháng 8 năm 1945 quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” đã được thả xuống thành phố Hiroshima, 3 ngày sau đó ngày 9 tháng 8 năm 1945 quả bom tiếp theo mang tên “Fat Man” được thả xuống thành phố Nagasaki. Cả 2 quả bom được thả xuống Nhật Bản với mục đích là chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2, đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 nghìn người, tàn dư phóng xạ của nó vẫn ảnh hưởng đến tận ngày nay. Và dù cho chiến tranh đã đi qua, nhưng những ám ảnh của người Nhật nói riêng và thế giới nói chung về vũ khí hạt nhân vẫn chưa bao giờ kết thúc. Và Godzilla, con quái vật mang trong mình sức mạnh của vũ khí hạt nhân chính là hình tượng mà người Nhật đã tạo ra để liên hệ với chính thứ vũ khí hủy diệt kia. Tuy nhiên theo thời gian, đặc biệt là với sự phát triển của mô hình vũ trụ điện ảnh như ngày nay, hình tượng Godzilla đã được người Mỹ thay đổi đi phần nào.
Godzilla trong vũ trụ Monsterverse được khắc họa giống như 1 anti-hero, 1 quái vật với mục tiêu chính là bảo vệ cho sự cân bằng của trái đất, thậm chí gần đây nhất trong Godzilla x Kong: The New Empire, Godzilla càng lúc càng có phần giống như 1 siêu anh hùng của vũ trụ Marvel hay DC nhiều hơn là 1 quái vật với sức mạnh đe dọa đến sự tồn vong của toàn nhân loại. Với 1 người xem phim như mình, từ sau Godzilla 2014 thì mình đã luôn giữ 1 suy nghĩ rằng phim về những con Kaiju như Godzilla, Kong thì chỉ cần xem giải trí thôi, hay như cộng đồng mạng hay dùng từ đó là: Tắt não đi xem là hay rồi. Bằng chứng là những Godzilla vs Kong, Godzilla: King of The Monster hay gần đây nhất Godzilla x Kong: The New Empire đều mang lại cho mình cảm giác đã con mắt, sướng lỗ tai nhờ những màn chiến đấu long trời, lở đất. Để rồi sau khi được xem xong tác phẩm mới nhất đến từ chính quê nhà của Godzilla là Godzilla Minus One, mình mới chợt nhận ra điều mà mình đã tìm kiếm bấy lâu nay ở dòng phim này, đó là 1 bộ phim dù lấy đề tài quái vật nhưng vẫn vô cùng chất lượng ở mặt kịch bản và chiều sâu nhân vật. Đây là 1 bài review của mình về Godzilla Minus One.
GIỚI THIỆU
Godzilla Minus One hay Godzilla -1, là phim điện ảnh sử thi lấy đề tài quái vật ra mắt năm 2023 của Nhật Bản, do Yamazaki Takashi đạo diễn, biên kịch kiêm xử lý phần hiệu ứng hình ảnh, đồng thời được Toho Studios, Robot Communications sản xuất và phân phối bởi Toho. Bộ phim xoay quanh cuộc đối đầu của người dân Nhật Bản thời kỳ hậu chiến với mối đe dọa khổng lồ mang tên quái vật Godzilla – thứ biến quốc gia này đang trong tình trạng mất hết tất cả trở về con số âm.
NỘI DUNG
Nhật Bản chỉ còn là con số 0
Godzilla Minus One lấy bối cảnh nước Nhật năm 1945 thời điểm chiến tranh thế giới thứ 2 đã kết thúc, với việc Nhật đã đầu hàng phe đồng minh. Nước Nhật giờ đây chỉ còn lại là 1 đống đổ nát hoang tàn, từ kinh tế, quân sự, đời sống của người dân đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, niềm tin của người dân vào chính phủ Nhật đang dần cạn kiệt. Tưởng như mọi thứ đã không thể nào tồi tệ hơn được nữa, thì từ ngoài biển khơi, sau những cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của người Mỹ, Godzilla, 1 con quái vật mang trong mình sức mạnh của hạt nhân tràn vào và tấn công nước Nhật, biến tình trạng của nước Nhật từ con số 0 giờ đây còn lùi thêm 1 bước nữa để trở thành.. -1. Phim thực sự đã làm cực kỳ tốt trong việc khắc họa bối cảnh có phần u ám, ảm đạm, thậm chí là có chút ám ảnh với chính cá nhân mình về 1 nước Nhật giai đoạn đầy tăm tối, dường như chẳng có lấy 1 tương lai tươi sáng nào cho người dân cả và nước Nhật. 1 cảm giác ngột ngạt, khó chịu và còn có phần bí bách là những gì mà mình cảm thấy mỗi khi nhìn vào nước Nhật trong Godzilla Minus One, 1 nước Nhật đã bị tổn thương quá nặng nề từ cuộc chiến tranh đã qua và rồi là cảm giác tuyệt vọng đến cùng cực khi mà Godzilla xuất hiện. Đây có lẽ là lần đầu tiên mình có được cảm giác này khi xem phim Godzilla, bởi nếu so sánh với phiên bản Godzilla do Hollywood làm, thì ngoài bản phim năm 2014 cho mình 1 cảm giác con người thật nhỏ bé trước Godzilla ra, các bộ phim khác chưa bao giờ tạo được sức nặng trong bối cảnh cả. King of The Monster dù vẫn làm rất tốt việc khắc họa bối cảnh khi mà các titan đồng loạt được Ghidorah gọi dậy, xong sự tàn phá mà nó mang lại chỉ cho mình thấy được sức mạnh của đám titan và mình vẫn hoàn toàn có thể tin được rằng con người hay phe thiện sẽ lại giành chiến thắng thôi mà. Chính vì điều đó mà những bộ phim Godzilla do Hollywood làm chưa thể mang đến cho mình cái cảm giác không còn hy vọng như trong Godzilla Minus One.
Nỗi ám ảnh với thảm sát hạt nhân
Nhắc đến Godzilla mà không nhắc đến vũ khí hạt nhân thì quả thực là 1 sự thiếu sót vô cùng lớn. Bởi suy cho cùng, Godzilla vẫn được tạo nên từ nỗi sợ và những ám ảnh của người dân Nhật Bản từ thứ vũ khí hủy diệt này. Godzilla xuất hiện trong phim tuy không quá nhiều, xong cứ mỗi lần con quái vật này xuất hiện, sức tàn phá mà nó mang lại luôn khiến người xem phải cảm thấy lo sợ, bất an và cũng là cảm thấy bản thân mình thật là nhỏ bé đến nhường nào trước sức mạnh của nó. Điều đáng sợ hơn là sức tàn phá của Godzilla cứ mỗi lần nó xuất hiện sẽ ngày một lớn hơn, và cứ như vậy, con quái vật dường như không chỉ là đại diện cho sự tàn phá mà bom hạt nhân mang lại, nó có lẽ còn đại diện cho cả thiên tai, thậm chí là cả chiến tranh nữa. Với sức mạnh khủng khiếp của mình, Godzilla hiện lên chẳng khác gì một thảm họa biết đi, và khiến cho mình, hay người xem, chỉ mong muốn tìm ra cách làm sao để chấm dứt được cái thảm họa đáng sợ này. Nhưng nhìn vào thực tại trong phim, con người quả thực là quá nhỏ bé và vô vọng trước 1 sức mạnh tuyệt đối như Godzilla. Minus One thực đã làm quá tốt trong việc đưa người xem nhớ lại hình tượng phổ biến nhất của Godzilla trong mắt người Nhật, con thằn lằn hạt nhân trong suốt 70 năm lịch sử hình thành và phát triển, đúng là đã từng được xây dựng giống như là 1 phản anh hùng, 1 vị vua quái vật và là kẻ bảo vệ cho sự cân bằng của thế giới giống như cách mà Hollywood đã và đang làm. Tuy nhiên nguyên mẫu đúng nhất của Godzilla, thì nó vẫn là đại diện cho thảm họa, thiên tai, cho cơn thịnh nộ của thiên nhiên và đặc biệt nhất là sự tàn phá khủng khiếp mà bom hạt nhân đã gây ra cho đất nước mặt trời mọc này.
Câu chuyện của những con người sau thời chiến
Từ trước đến nay, vũ trụ điện ảnh quái vật hay monsterverse của Hollywood chưa bao giờ được đánh giá cao về mảng nội dung, thậm chí trong Godzilla King of the Monster hay gần đây hơn là Godzilla vs Kong, Godzilla x Kong The new empire, nội dung của phim bị đánh giá là nhồi nhét quá nhiều nhưng lại không có chiều sâu, quá nhiều tuyến nhân vật, các tuyến truyện liên kết không hợp lý và dường như chỉ để phục vụ cho tham vọng mở rộng vũ trụ phim ra nhiều hơn. Đặc biệt phải nói đến là cách xây dựng con người trong những phim này. Mình không chê các diễn viên đóng trong phim, cái mình muốn chê là cách mà đội ngũ đạo diễn, biên kịch đưa vai trò của con người vào trong phim, họ dường như đang cố tăng vai trò của con người trong phim lên, tuy nhiên kết quả đều chỉ đến mức ổn dạo gần đây chứ chưa bao giờ là xuất sắc cả. Vậy thì với Godzilla Minus One thì sao? Câu trả lời đó là phim đã làm cực kỳ xuất sắc trong việc xây dựng tuyến chuyện của con người mà không khiến cho phim trở nên nhàm chán, thậm chí là khiến cho người xem phải chú ý tới chính tuyến truyện của con người nhiều hơn. Lý do là bởi phim không chỉ coi Godzilla là nhân vật trung tâm duy nhất, mà nó còn có sự cân bằng giữa các tuyến chuyện của con người và tuyến truyện của Godzilla. Và đây cũng là lần đầu tiên mà trong 1 bộ phim về Godzilla, con quái vật có được 1 phép ẩn dụ đến chính nội tâm của nhân vật trong phim, mà ở đây mình đang muốn nói đến là nhân vật chính của bộ phim, Shikishima Kōichi, nhân vật mình sẽ nói rõ hơn ở phần sau của video. Có thể nói bước đi của Minus One là 1 bước đi khác biệt, xong không vì thế mà phim làm mất đi những giá trị đã làm nên hình tượng Godzilla như ngày nay, trái lại nó càng khắc họa sâu sắc hơn những giá trị của Godzilla, đồng thời truyền tải được những thông điệp, giá trị nhân văn mà đạo diễn Yamazaki muốn gửi đến khán giả. Những thông điệp đó được truyền tải 1 cách rất tự nhiên, không bị quá giáo điều và cũng không bị quá nhồi nhét để phim sặc mùi đạo lý nhưng lại bị sáo rỗng. Đó là thông điệp về thế hệ người Nhật Bản hậu Thế Chiến ấy đã vượt qua bóng ma của quá khứ như thế nào. Đó là câu chuyện về Chủ nghĩa quân phiệt Đế quốc và tinh thần võ sĩ đạo cực đoan đã ám ảnh cả 1 đất nước, khiến cho những người còn sống sót bị dằn xé tâm can bị mắc kẹt với cuộc chiến như thế nào dù cho cuộc chiến đã kết thúc.
NHÂN VẬT
Shikishima - nạn nhân của chiến tranh
Trong các nhân vật xuất hiện trong Minus One, nhân vật chính Shikishima Koichi, được thủ vai bởi nam diễn viên Kamiki Ryunosuke đã thể hiện cực kỳ xuất sắc vai diễn của mình, đồng thời cũng là nhân vật mà mình muốn tập trung phân tích nhiều nhất trong bài review này. Shikishima trong bộ phim là hiện thân hay nói đúng hơn là đại diện điển hình cho thế hệ người dân Nhật Bản hậu thế chiến thứ 2, những con người đang mắc kẹt trong bóng ma đáng sợ của chủ nghĩa quân phiệt Đế quốc và bị PTSD nặng do tàn dư của chiến tranh đẻ lại. Tương lai đối với họ chỉ là một màn đêm tăm tối, xám xịt hay 1 đường hầm mà đi mãi chẳng tìm ra được lối thoát. Shikishima trong phim là 1 Kamikaze, 1 thần phong hay 1 phi công cảm tử. Những người như Shikishima được đào tạo và huấn luyện với chỉ 1 mục tiêu duy nhất, chiến đấu và nhận lấy cái chết bằng việc lao thẳng máy bay vào tàu của quân địch, vì với người Nhật thời điểm đó những thần phong hay kamikaze thì việc họ ra đi đúng với tinh thần võ sĩ đạo, đúng với mệnh lệnh “hy sinh trong danh dự”. Thế nhưng cái hy sinh trong danh dự, cho tinh thần Samurai đó để làm gì chứ ? Nó chẳng có ý nghĩa gì cả, trừ việc thỏa mãn cái gọi là tinh thần võ sĩ đạo được thổi phồng đến mức cực đoan của nước Nhật thời điểm đó. Họ gọi đó là “hy sinh trong danh dự”, nhưng người chết rồi thì cần danh dự để làm gì? Để chứng minh với ai? Có lẽ chính vì điều đó mà Shikishima đã muốn sống tiếp, anh đã chọn việc hạ cánh xuống đảo Odo, lấy lý do là máy bay hỏng để không nhiệm vụ cảm tử của mình. Anh đã sợ hãi, đã tìm cách né tránh nhiệm vụ, bởi vì anh không muốn chết. Vậy Shikishima có phải là 1 kẻ hèn nhát không ? Mình nghĩ câu trả lời là không, có thể vì bất tuân mệnh lệnh thì không đáng là quân nhân. Thế nhưng đây đâu phải mệnh lệnh thông thường ? Đây là 1 mệnh lệnh mà đến chính cả 1 người thợ máy trên đảo Odo cũng đã nói, đó là cuộc chiến đã rõ kết cục, vậy thì cần gì phải mù quáng đâm đầu vào cái chết như vậy ? Shikishima muốn sống, điều ấy chẳng hề sai bởi thế cục của cuộc chiến lúc này đã quá rõ ràng, nước Nhật đã thua trước phe đồng minh mà cụ thể là người Mỹ, vậy thì sự hy sinh của những người lính như Shikishima liệu có còn có ý nghĩa gì nữa ? Vậy nên việc Shikishima muốn sống, điều ấy chẳng hề sai.
Thế nhưng người chết thì cũng được yên nghỉ, bởi nghĩa tử là nghĩa tận. Nhưng với người sống trong thời điểm này, còn sống là còn đau khổ. Bóng ma của quá khứ, của thất bại, của chủ nghĩa Đế quốc vẫn còn đó. Mặc cho cuộc chiến đã chấm dứt. Thế hệ của những người như Shikishima bị mắc kẹt ấy luôn tìm một đối tượng để đổ lỗi cho thất bại, cho chết chóc và đau khổ mà họ đang phải gánh chịu. Đó là người thợ máy Tachibana đã đổ lỗi cho Shikishima, khi mà anh đã không đủ dũng cảm để bắn con quái vật Godzilla, dẫn đến toàn bộ những đồng nghiệp của Tachibana phải bỏ mạng trước con quái vật, mặc dù Tachibana thừa hiểu rằng trước 1 sức mạnh tuyệt đối như Godzilla, súng đạn chẳng khác gì một trò đùa. Sau Tachibana thì đến cô hàng xóm Sumiko đổ lỗi cho Shikishima về cái chết của các con cô, và việc Tokyo bị tàn phá, bởi vì cô cho rằng nếu những Kamikaze như anh không hèn nhát thì chuyện đã chẳng ra nông nỗi này. Thế nhưng tất cả đều biết chuyện ấy chẳng thể thay đổi kết quả một cuộc chiến đã an bài. Và để sau những lời trách móc đó, Shikishima đã trách chính bản thân mình, anh dằn vặt, đau khổ khi nhìn thấy 1 đống đổ nát ở Tokyo, anh dằn vặt vì nếu anh sẵn sàng làm nhiệm vụ khi đó, có thể cha mẹ anh vẫn sẽ còn sống. Anh cho rằng mình là kẻ hèn nhát, là kẻ không đáng được sống và việc còn sống là 1 sự hổ thẹn với chính những người dân xung quanh. Anh chưa thể rũ bỏ được quá khứ để hướng tới tương lai. Trong thâm tâm, Shikishima vẫn cứ vô thức tìm đến cái chết, bằng cách này hay cách khác. Anh cho rằng mình không đáng có được hạnh phúc khi bao nhiêu người ngoài kia đã bỏ mạng để cho 1 kẻ như anh được sống. Anh không dám vươn tay ra nắm lấy hạnh phúc dù nó ở ngay trước mắt, tất cả chỉ vì một câu “tôi không đáng được sống” mà anh nhắc đi nhắc lại với chính mình. Đỉnh điểm của sự ám ảnh đó là khi mà Godzilla xuất hiện trở lại, những ám ảnh của quá khứ đã bao trùm lên người lính Nhật năm xưa, những cơn ác mộng ngày dày đặc, 1 hiện thực chỉ còn là 1 con số 0 giờ đây bị đẩy xuống -1, từ đáy của sự tuyệt vọng, sự xuất hiện của Godzilla giống như thể mang đến tuyệt vọng của tuyệt vọng cho người dân Nhật và cho chính Shikishima. Anh đau khổ hơn bao giờ hết, chẳng còn có lấy 1 lý do để thực sự sống, không nhìn thấy hy vọng, không còn trông thấy tương lai. Đã có những lúc đáng lẽ anh đã có thể hạnh phúc bên cạnh cô vợ nhặt Noriko và cô bé Akiko, thế nhưng những ám ảnh về chiến tranh, mặc cảm tội lỗi vẫn cứ đeo bám chính bản thân Shikishima mà anh không thể nào bước tiếp. Anh tin rằng cái hạnh phúc mà anh đang có được bên cạnh Noriko và Akiko chỉ là 1 giấc mơ, còn thực chất là anh đã chết ngoài chiến trường rồi. Nhưng thực tại thì vẫn nằm ở đó, Shikishima vẫn còn sống và anh cần phải sống tiếp. Nhưng cuộc sống trong thế giới này quá tàn nhẫn với chính anh và người dân Nhật lúc bây giờ, việc sống giống như là 1 sự trừng phạt nhiều hơn là 1 điều may mắn, bởi cứ sống trong cái sự ám ảnh như thế này thì sống còn có ý nghĩa gì nữa ? Ngày này qua ngày, Shikishima sống với sự đau khổ khôn nguôi đến từ mặc cảm tội lỗi của người sống sót, nó giống như 1 vòng lặp không thể có hồi kết vậy. Đó chính là tác hại đến từ bóng ma của tinh thần võ sĩ đạo cực đoan, của chủ nghĩa quân phiệt Đế quốc độc hại.
Chúng ta cần trở nên tốt hơn
Thế nhưng vòng lặp nào cũng cần phải kết thúc và những người trong vòng lặp đó cần phải trở nên tốt hơn. Trong những khoảnh khắc tuyệt vọng nhất đó, trong cái thực tại -1 đầy u ám đó, vẫn lóe lên 1 tia sáng hy vọng dù rằng nó vô cùng mong manh. Thế hệ những người lính, những người còn sống sót sau cuộc chiến đó đã dần rũ bỏ quá khứ tối tăm đằng sau để gượng dậy mà chống lại cơn ác mộng mang tên Godzilla, để nắm lấy tương lai và vận mệnh trong lòng bàn tay mình. Người xem chúng ta thấy rõ nhất điều này qua chính Shikishima, khi anh một lần nữa mất hết tất cả trong cuộc tấn công của Godzilla tại Ginza. Shikishima đã sợ hãi mà không nắm lấy hạnh phúc ngay trước mắt, để rồi chỉ còn biết ân hận khi vụt mất Noriko trong đống đổ nát do cơn thịnh nộ của thiên nhiên gây nên. Nếu như lúc trước Shikishima chỉ mơ hồ tìm kiếm cái chết, thì khi đã mất Noriko, anh thực sự muốn lao vào nơi cái chết đang đợi để trả thù. Có lẽ nếu Shikishima khi tham gia kế hoạch tiêu diệt Godzilla vẫn là Shikishima vừa bước ra khỏi cuộc chiến, anh sẽ thật sự lao máy bay vào và chết chung với Godzilla, với cơn ác mộng đã ám ảnh anh, bởi như Shikishima đã nói: cuộc chiến với anh vẫn chưa kết thúc. Đúng vậy, chiến tranh có thể đã kết thúc, nhưng cuộc chiến bên trong người lính không quân Shikishima Koichi vẫn còn và anh sẽ phải tự tay chấm dứt nó. Tuy nhiên, lần này mọi thứ đã khác rất nhiều, anh giờ đây không còn cô độc nữa, anh đã có bạn bè, có người mà bản thân mình muốn hy sinh để bảo vệ. Shikishima hay nói rộng ra là những người dân Nhật Bản, cũng như bao người khác, đã và đang dần bước ra khỏi bóng tối của chủ nghĩa quân phiệt Đế quốc và tinh thần võ sĩ đạo cực đoan để bước ra ánh sáng. Và để làm được điều đó, phim truyền tải đến khán giả thông điệp về sự tích cực mà ở đây là tình yêu thương, tình cảm, sự gắn kết giữa con người với con người trong những hoàn cảnh khốn khó và ngặt nghèo nhất. Bởi từ xưa đến nay con người vượt qua những khó khăn, thử thách mà thế giới này mang đến là nhờ cái gì ? Tình yêu thương, sự đùm bọc, sự kết nối của con người với con người để cùng nhau vượt qua khó khăn và trong Minus One, thông điệp này được truyền tải tới khán giả 1 cách vô cùng thuyết phục và sâu sắc.
Về các nhân vật khác xuất hiện trong Godzilla Minus One, nhìn chung họ đều thể rất tốt vai trò của mình, họ đóng góp 1 phần không nhỏ trong việc phát triển nhân vật chính là Shikishima, đặc biệt là cô vợ nhặt Noriko và anh kỹ sư sửa máy bay Tachibana, 2 người họ đã thực sự cho Shikishima lý do để bước tiếp, để sống, để tồn tại và để hạnh phúc. Bởi vì giờ đây họ không còn chiến đấu để tìm cái chết một cách vô nghĩa. Họ chiến đấu vì tương lai của mình, vì một hy vọng bản thân sẽ có được hạnh phúc. Bởi vì đơn giản thôi, con người ta ai cũng đáng được sống và ai cũng xứng đáng có được hạnh phúc cho riêng mình.
HÌNH ẢNH
Về hình ảnh, kỹ xảo trong Minus One. Mình thực sự đã cực kỳ, cực kỳ shock khi biết được rằng bộ phim này chỉ tiêu tốn chưa đến 15 triệu USD, một con số quá ít ỏi nếu để so với các bom tấn khác mà Hollywood mang đến cho khán giả. Thế nhưng từng thước phim, từng cảnh phim đều được đạo diễn Yamazaki Takashi thực hiện cực kỳ trau chuốt, tỉ mỉ đến từng khung hình. Đặc biệt là phải nói đến thứ đã làm nên thương hiệu cho Godzilla là hơi thở nguyên tử, dù cả phim số lần con quái vật này sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay, xong mỗi lần dùng chiêu thức này, cảm tưởng như cả 1 quả bom hạt nhân lại được kích nổ vậy và đạo diễn cũng đã rất tinh tế trong việc để vụ nổ mà Godzilla gây ra có hình quả nấm để liên hệ trực tiếp tới thứ vũ khí đã phá hủy nước Nhật năm xưa. Có thể nói hình ảnh của Godzilla Minus One được thực hiện 1 cách quá xuất sắc và tuyệt vời, nó cho thấy được tinh thần làm việc, tình yêu với phim ảnh và sự tôn trọng với 1 biểu tượng trong văn hóa của người Nhật là lớn đến như thế nào. Và Oscar cho hạng mục hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, là phần thưởng hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của đạo diễn Yamazaki Takashi và đội ngũ của mình.
TỔNG KẾT
Godzilla Minus One thực sự là 1 bộ phim mà đã nó đã thỏa mãn mình, không chỉ ở khía cạnh giải trí mà còn cả ở khía cạnh nội dung. Bộ phim là minh chứng cho việc hãy nỗ lực hết mình, hãy để cho những trí tưởng tượng được bay xa nhất có thể, hãy dồn hết tình yêu, sự nhiệt huyết của mình vào bộ phim thay vì liên tục vắt sữa cho ra các hậu bản, với nội dung ngày 1 nghèo nàn, hãy làm những bộ phim thật chất lượng và rồi người xem sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra vì bạn. Mình chấm bộ phim 9.5/10 với những trải nghiệm mà phim đã mang đến cho mình !!!