
Files posted by Joker
-
Xếp thứ 17 trong danh sách phim hay nhất mọi đại do tạp chí Time bình chọn, “Trùng Khánh Sâm Lâm” là một trong những bộ phim quyến rũ và ám ảnh nhất về nỗi cô đơn.
Nhạc dồn dập theo nhịp tiết tấu nhanh, máy quay lia ngẫu hứng bằng những chuyển động chao đảo, hình ảnh nhòe mờ, rung giật, các chuyển động đứt nối, những gương mặt vô hồn lướt qua khuôn hình và lao vào những khu ngõ hẻm của thành phố không ngủ về đêm. Vương Gia Vệ đưa người xem nhập cuộc với một cơn thôi miên bằng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh như thế. Tưởng như ta vừa nhấp ngụm rượu đầu tiên trong một đêm không ngủ, hơi nồng và gắt vừa bất ngờ sộc lên mũi, cơn say vừa chớm, thì bộ phim bắt đầu…
“Chúng ta giáp mặt những người khác hàng ngày. Chúng ta có thể không biết nhau… nhưng chúng ta có thể trở thành bạn tốt một ngày nào đó”. Lời dẫn đó gợi mở ra những cuộc gặp gỡ đầy ngẫu hứng của các nhân vật trong phim. 223 là một cảnh sát thất tình, có sở thích sưu tập những hộp dứa hết hạn vào ngày 1/5 (sinh nhật anh). Anh quyết định sẽ yêu người phụ nữ bất kỳ đầu tiên bước vào quán rượu anh ngồi.
663 là một cảnh sát khác, cũng thất bại trong tình yêu đã quyết định bỏ nghề, mua lại một quán đồ ăn nhanh và chờ đợi lời hẹn của cô gái bí ẩn về “giấc mơ California”. Bộ phim được kéo dài bởi hai câu chuyện, hai mối quan hệ mà cho đến cuối cùng, khó có thể chắc rằng đó là tình yêu. Nhưng trên chính trạng thái lơ lửng đó, họ đã chạm vào nhau, đồng thời chạm vào tận cùng nỗi cô đơn không lời.
Lối kể chuyện đặc biệt và đầy ngẫu hứng của Vương Gia Vệ có thể sẽ là một thử thách đối với người xem khi câu chuyện này chưa đi qua, câu chuyện khác đã đến. Nhưng cũng chính vì thế mà dù nhập cuộc ở bất cứ đoạn nào của bộ phim, chúng ta vẫn có thể thưởng thức và nhấm nháp một cơn say chếnh choáng kéo dài bất tận dư vị của nỗi cô đơn. Chungking Express của Vương Gia Vệ không chỉ là một câu chuyện nhiều trăn trở trong cảm thức của con người hiện đại. Hơn hết, đó còn là một cuộc chơi tài hoa bằng ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn họ Vương.
Với hai thế giới đối lập, một đông đúc, ồn ào và một trống trải, tĩnh lặng; Vương Gia Vệ đã phác họa nên những khuôn mặt khác nhau của Hong Kong những năm 1990. Nếu như thế giới thứ nhất – thế giới ngầm với ma tuý, gái điếm, rượu, thuốc phiện trong những nhà thổ về đêm, chủ yếu được quay với nhịp phim nhanh, chuyển động máy liên tục, cắt cảnh và chuyển cảnh dứt khoát thì ở thế giới thứ hai, không gian và thời gian dường như được kéo dài ra vô tận. Đó là căn phòng khách sạn quá rộng dành cho hai người, là bóng đêm lạnh lùng quanh chân người cảnh sát đứng gác, là căn hộ cũ kỹ và ẩm mốc sau những cuộc yêu đương.
Để cho các nhân vật mang số hiệu thay vì tên riêng, mang kính đen để giấu đi một khuôn mặt thật, Vương Gia Vệ đã chủ ý khắc họa chân dung đám đông trong thành phố ồn ào, náo nhiệt của mình. Nhân vật chính của bộ phim không phải bất kỳ một con người cụ thể nào mà chính là bản thân thành phố này, như chính đạo diễn Vương Gia Vệ từng tâm sự.
Họ có thể xuất thân khác nhau, làm nghề khác nhau nhưng dưới thế giới ngầm của thành phố, giữa rượu, ma túy, thuốc phiện; họ đều trở thành những con rối lạnh lùng đi qua màn hình, tuyệt nhiên không cảm xúc. Chúng ta bắt gặp một thành phố hừng hực khí thế về đêm qua những bàn tay thoăn thoắt đếm tiền, những cánh cửa nhà chứa mở ra, khép vào nườm nượp, những đôi giày đủ loại đan nhau qua những con hẻm tối. Đó là cuộc sống hối hả đang trôi đi và con người đôi khi mắc kẹt với nỗi cô đơn của chính mình ở một góc nào đó.
Những ảo giác hình ảnh trong bộ phim không chỉ được tạo bởi hiệu ứng tua nhanh hay chậm, những chuyển động máy bất ngờ, ngẫu hứng mà còn bởi những khuôn hình độc đáo và tài hoa. Những khuôn hình cắt làm đôi, làm ba; góc quay lộn ngược 180 độ hay những vòng quay đảo trục bất ngờ của máy quay tiếp tục mang đến những trải nghiệm hình ảnh thú vị cho khán giả.
Đặc biệt, Vương Gia Vệ đã sử dụng tấm gương như một đạo cụ đắc lực để soi chiếu và khắc họa sắc nét gương mặt của con người hiện đại. Đằng sau những bộ trang phục điệu đà, kiểu cách; khi soi vào tấm gương như một nhát cắt lạnh lùng giữa khuôn hình, các nhân vật vẫn bắt gặp mình trần trụi dưới cái bóng của sự cô đơn.
Cùng với lối phân thân bằng hình ảnh đó, hình thức phân thân để độc thoại nội tâm cũng là một thủ pháp khác mà đạo diễn họ Vương dùng để khắc hoạ chân dung nỗi cô đơn trong phim. Mỗi lời bộc bạch về tình yêu, về niềm tin và ước mơ sẽ dẫn dắt người xem đến với mỗi câu chuyện cụ thể, về một chàng trai thích ăn dứa, một cô gái sợ bị tổn thương hay một kẻ si tình bị phản bội.
Nếu không phải là tự nói với mình, các nhân vật hầu như chọn cách im lặng để lấp đầy những khoảng trống trong nhau. Họ có thể bên nhau một đêm không nói, không làm tình hay có thể im lặng đợi chờ một lời hẹn. Nhưng ở tột cùng của im lặng đó, họ tìm thấy nhau trong tiếng gọi yếu ớt của niềm đồng điệu, của tình yêu thương.
Sự nhập vai và diễn xuất ăn ý của dàn diễn viên cũng là một yếu tố quan trọng khác góp phần làm nên thành công của Chungking Express. Lâm Thanh Hà với mái tóc vàng tân thời và cặp kính đen bí ẩn, hiện đại trở thành một đối cực hoàn hảo với Vương Phi trong mái tóc ngắn cùng nét hồn nhiên, tinh nghịch. Cùng với đó, 223 và 663 làm nên hai hình ảnh người đàn ông đa tình và thất tình đáng yêu theo những cách khác nhau.
Ở 223 (Kim Thành Vũ) là vẻ chân thành, đáng thương đến tội nghiệp toát lên từ đôi mắt rầu rầu lúc nào cũng như vừa cạn nước mắt. Trong khi đó, 663 (Lương Triều Vỹ) lại là vẻ quyến rũ, mê hoặc khó cưỡng của một người đàn ông với đôi mắt nồng nàn. Tất cả làm nên những màu sắc sinh động khác nhau trong bức tranh Trùng Khánh Sâm Lâm qua cách nhìn của Vương Gia Vệ.
Sẽ thật khó để kể lại câu chuyện trong Chungking Express rằng nó bắt đầu từ đâu, diễn ra khi nào, kết thúc ra sao… Chỉ biết rằng khi mở bộ phim ra ở bất cứ trường đoạn nào, chúng ta cũng sẽ bắt gặp những khuôn hình độc đáo, những góc máy đầy thách thức và cá tính của Vương Gia Vệ. Cũng như đi về phía nào của khu rừng Trùng Khánh, chúng ta cũng va phải nỗi cô đơn.
Tuy nhiên, hướng chuyển động của bộ phim cuối cùng vẫn là từ đêm tối ra ánh sáng, từ những khu ổ chuột nhếch nhác ra những căn hộ trên cao với khung cửa sổ ngập nắng ngày đẹp trời. Khi cô gái dọn dẹp và hong khô những bụi bặm trong căn nhà mốc meo kỷ niệm của anh cảnh sát thất tình xong cũng là khi cô quyết định ra đi để chuẩn bị cho tương lai tinh tươm và sáng sủa của mình. Bộ phim kết thúc khi hai người chỉ vừa kịp tìm thấy nhau, chưa có một lời yêu nào được thổ lộ. Và khán giả vội vàng muốn xem lại, để lần dở lại câu chuyện từ đầu, truy tận cùng ngọn nguồn nỗi cô đơn rồi biết chăng gặp mình ở đâu đó…
-
Ngày 9/10/1992, bộ phim Nơi dòng sông chảy qua (A River Runs Through It) ra rạp tại Mỹ và tạo tiếng vang lớn, đặc biệt với diễn xuất ấn tượng của Brad Pitt trong vai chính điện ảnh đầu tiên của anh - Paul.
Phim được chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng cùng tên của nhà văn Norman Maclean, kể về hai người con trai của một mục sư gốc Scotland lớn lên ở vùng nông thôn phía tây bang Montana. Đây cũng là một sự nối tiếp thành công trong sự nghiệp của đạo diễn Robert Redford sau các giải Oscar cho Ordinary People (Người bình thường) và The Milagro Beanfield War (Cuộc chiến bãi đậu Milagro).
“Bản giao hưởng của ánh sáng và dòng sông”
Lấy bối cảnh vùng nông thôn Montana giữa những năm 1910 và 1935, phim tái hiện cuộc sống của hai anh em Norman và Paul (Craig Sheffer và Brad Pitt) - những người đàn ông có đức tính ngay thẳng, mạnh mẽ được nuôi dạy bởi người cha nghiêm khắc (Tom Skerritt thủ vai) và người mẹ kiêu hãnh (do Brenda Blethyn đảm nhiệm). Xuất phát điểm đó đã khiến anh em nhà Maclean khó lòng thừa nhận sự yếu đuối hay bộc lộ thứ người ta gọi là cảm xúc.
Họ dường như chỉ có thể thể hiện sự thân thiết khi người cha và hai con trai đến sông Big Blackfoot - nơi hợp lưu của các con sông đầy cá hồi ở miền tây bang Montana tươi đẹp - để chia sẻ niềm yêu thích câu cá, một niềm đam mê giống như thiền định đối với họ. Sự thân thiết được mô tả một cách thú vị bằng hình ảnh: vung cần theo nhịp 4 của âm nhạc từ góc 10 giờ đến góc hai giờ và người cha “sẽ không cho phép ai không biết câu cá dám “làm nhục” cá bằng cách câu chúng”. Không còn là câu cá nữa, mà đó là một thứ nghệ thuật thực thụ.
Và thời gian cũng trôi qua như dòng chảy của con sông, hai anh em quyết định đi theo những con đường khác nhau. Norman lớn tuổi hơn, nghiêm túc hơn, thừa hưởng chính tình yêu với ngôn từ của cha mình, trở thành một giáo sư tiếng Anh; trong khi Paul tự do, lôi cuốn, trở thành một người viết báo thành công, đồng thời là kiểu người hay giao du với các phần tử sai trái.
Redford đã lựa chọn diễn viên hết sức tinh tế, như thể không ai ngoài Craig Sheffer và Brad Pitt phù hợp với các vai diễn đó. Nếu Sheffer thể hiện trí thông minh trầm lặng, có kiểm soát thì chàng diễn viên trẻ đẹp trai Brad Pitt tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh đầy tinh nghịch, mang những nét tương đồng của Paul, người em trong câu chuyện.
Trong vai trò đạo diễn, Redford đã chỉ đạo bộ phim với sự duyên dáng, uyển chuyển hiếm có và rất ăn ý với Philippe Rousselot - đạo diễn hình ảnh từng được đề cử Oscar - để từ đó tạo thành một bộ phim xuất chúng, ghi lại bầu không khí bình dị, đẫm ánh sáng từ ký ức thời thơ ấu của Maclean. Ngay cả những phân cảnh câu cá bằng mồi giả, tưởng như không có gì thú vị, khi lên phim cũng mang không khí vô cùng kỳ diệu, đẹp như một bản giao hưởng của ánh sáng và dòng sông.
"Chừng nào cá vẫn còn bơi thì sách Nơi dòng sông chảy qua vẫn còn được in”
“Đó là một trong những câu chuyện hiếm hoi thật sự vĩ đại về tính phúng dụ, tính bi ai và chất hồi ký trong văn học Mỹ; quá mạnh mẽ và rộng lớn về tính biểu trưng, sự hối tiếc về thời gian đã mất và người em đã khuất, về cái chết của con người và ý thức về cái đẹp, đến nỗi nó trở thành một phần của những trải nghiệm cuộc đời của người đọc và trở nên không thể nào quên”, Annie Proulx, nữ nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Brokeback Mountain, đã viết trong lời giới thiệu về cuốn sách và bà nói thêm: “Norman Maclean mất năm 1990 nhưng trong lòng hàng trăm ngàn độc giả, ông vẫn còn sống mãi. Chừng nào cá vẫn còn bơi thì sách vẫn còn được in”.
Norman Maclean (1902-1990) bắt đầu viết A River Runs Through It lúc ông đã ngoài 70 tuổi, nghỉ hưu sau thời gian giảng dạy ngôn ngữ Anh tại Đại học Chicago. Ông viết sách này với sự khích lệ lớn từ hai người con và đặc biệt từ lời nói ám ảnh lúc cuối đời của cha ông: “Norman, một ngày nào đó, con hãy kể cho con cháu nghe chuyện về gia đình mình nhưng chỉ khi nào con hiểu được chuyện xảy ra và lý do của nó”.
Cuốn sách duy nhất Norman Maclean xuất bản trong đời, A River Runs Through It, đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất và đạt vị trí vĩnh viễn trong danh mục sách kinh điển của văn học Mỹ. Vào năm 1977, cuốn sách này còn nhận được đề cử cho giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết hay nhất.
Sự tương đồng giữa câu chuyện của Norman với “di sản Scotland-Ireland” chính là điều thôi thúc đạo diễn Redford đến với tác phẩm. “Cuốn sách này là một phần cuộc đời tôi trước khi tôi đọc nó. Tôi quan tâm đến rất nhiều yếu tố của nó: thời gian, ký ức, tình yêu, sự hiểu biết, sự gắn kết, vai trò của thiên nhiên và cách nó định hình cuộc sống của chúng ta” - Redford nói.
Thông qua việc gặp gỡ và trò chuyện với tác giả cuốn sách cũng như đọc những bức thư mà tác giả viết trong nhiều thập kỷ cho người vợ, Redford đã chèn thêm vào phim các chi tiết về cuộc sống của Norman mà nhà văn đã không đề cập trong sách. Đạo diễn cũng sử dụng thủ pháp tự sự để giữ lại cách kể chuyện tài tình của tác giả cuốn sách cho bộ phim.
Sự lựa chọn ngỡ phi lý nhưng lại hiệu quả đến mức khó tin. Với Brad Pitt, đó còn là sự lựa chọn đầy cảm kích vì bộ phim như thể mang anh trở về thời niên thiếu mà anh đã đánh mất, nơi những người đàn ông trong gia đình vô cùng kiệm lời và “hoàn toàn có thể yêu thương nhau mà không cần hoàn toàn hiểu nhau”. Sau phim, hễ có thời gian rảnh rỗi, Pitt lại rời Los Angeles về miền tây Montana, nơi anh cảm thấy yên bình.
Sau gần 30 năm, bộ phim đã vượt ra ngoài biên giới văn hóa Mỹ với câu hỏi thống thiết về tình yêu thương trong bối cảnh thế giới tràn ngập bất trắc. Làm thế nào để giúp đỡ một ai đó? Làm thế nào để yêu cầu được giúp đỡ? Người ta cho đi phần nào của bản thân? Tất cả cuộn thành một câu hỏi lớn về tình yêu thương, sự giúp đỡ và thấu hiểu lẫn nhau. Liệu có thể yêu thương hoàn toàn một ai đó mà không cần hiểu rõ họ? Vượt ra ngoài câu chuyện về gia đình Maclean, bộ phim sẽ làm thay đổi chúng ta mãi mãi sau khi xem.
-
Sau hơn bốn năm bị trì hoãn, bộ phim 2046 tiếp nối tác phẩm thành công trước đó của Vương Gia Vệ tựa đề In The Mood For Love cũng có dịp ra mắt khán giả vào năm 2004. 2046 là câu chuyện về một nhà văn từ giã năm 2046 để trở về quá khứ. Về Hong Kong những năm sáu mươi anh lại tiếp tục viết để kiếm kế sinh nhai, viết để tồn tại, để sống với tương lai năm 2046 và tưởng nhớ quá khứ. Cảm hứng bắt nguồn từ cuộc sống xung quanh anh, những người đàn bà anh gặp gỡ và quan sát. Cuốn tiểu thuyết với kết cấu đan xen giữa thực và ảo, bị xáo trộn giữa những con người sống ở thập niên 60 trong cơn binh biến và viễn cảnh của một cuộc sống trong năm 2046.review-2046-1
2046 là một phim về cái đẹp, mà cái đẹp thường phảng phất những ẩn ức trầm buồn. Vì vậy khán giả có thể gọi 2046 là một nỗi buồn đẹp đẽ của tình yêu.
Một bài ca mang tên Ký Ức
Bất luận mang trên mình thân phận gì, các nhân vật trong phim của Vương Gia Vệ đều có những ám ảnh về quá khứ. Những con người trong 2046 đều có những trăn trở và dằn vặt riêng, từ đó tạo nên những mối bất an không bao giờ dứt. Họ mang trong mình những câu hỏi dai dẳng về tình yêu: anh ấy có yêu tôi không, cô ấy có yêu tôi không, em sẽ đi theo anh chứ, ở lại với em đêm nay nhé… nhưng tuyệt nhiên không hề có câu trả lời. Không trả lời vì không muốn thừa nhận. Không trả lời vì không muốn tổn thương, và không trả lời đơn giản vì… không yêu. Mỗi câu hỏi như một vết kim châm cứa vào lòng nhân vật, để từ những đau đớn âm ỉ đó, họ lại lội ngược dòng tìm về quá khứ, lục tung trong mớ ký ức ấy hình hài của người yêu dấu. Câu hỏi thì nhiều nhưng câu trả lời chỉ có một: sự im lặng. Và họ mắc kẹt trong sự im lặng đó, cũng là khởi nguồn của hành trình đi tìm ký ức.
Không từ bỏ được quá khứ, họ mãi là những con chim không có chân chao liệng trong tuyệt vọng trên bầu trời để tìm quên, như lời của Lulu khi nhắc về người tình cô yêu nhất. Không từ bỏ được quá khứ, họ mãi là người tụt lại, ôm ấp những hình ảnh của ký ức dù chẳng bao giờ có thể gây dựng lại được. Họ như những chiếc hộp lưu cữu ký ức, mang ký ức ra nhìn ngắm, và đau đớn.
Trong Đông Tà Tây Độc của Vương Gia Vệ, có một lời thoại rất trùng khớp với chủ đề của 2046: ”Cô ấy nói gốc rễ vấn đề của đàn ông là ký ức. Không có quá khứ, mỗi ngày là một sự khởi đầu mới”.
Nếu không có ký ức sẽ không có đoàn tàu mang số hiệu 2046 chở hành khách về lại quá khứ. Nếu không có ký ức, con người chỉ có những cuộc hành trình một chiều tịnh tiến về phía tương lai, vui tươi và tràn đầy lạc quan, hy vọng. Nhưng lòng người thường nặng trĩu vì những điều đã qua: Tĩnh Văn mãi dùng dằng, không bao giờ dứt khoát được với mối tình tuyệt vọng của anh chàng Nhật Bản, cô yêu anh nhưng không bao giờ dám chống đối lại cha; nhà văn Châu Mộ Văn tìm quên trên cơ thể đàn bà, nhưng làm sao anh có thể quên được hình ảnh của Tô Lệ Trân, người anh yêu nhưng không thể đạt được; anh chàng người Nhật trên toa tàu viễn tưởng ấy đem lòng yêu cô gái ro-bot có hình hài giống với người con gái mình yêu, nghĩa là anh cũng chưa từng thoát được những xúc tu của ký ức. Trên hành trình đi tìm thân phận của chính mình, họ tạo nên ký ức – một chất kết dính ràng buộc quá khứ và tương lai. Dù ở trong thời điểm nào của cuộc đời, thứ ám ảnh họ nhất vẫn là ký ức.
Ký ức đóng một vai trò quan trọng trong các phim của Vương Gia Vệ và được biểu đạt ở mức cao cấp nhất qua cảm xúc nhân vật. Những tình yêu không được vọng đáp, những mơ ước và hy vọng của kẻ đang yêu bị cản ngăn hoặc biến dạng… tất cả đều được lột tả tài tình qua cách diễn xuất chuyên nghiệp, đầy xúc cảm của dàn diễn viên nổi tiếng. Tuy vẫn thường xuyên bị so sánh với người anh em In The Mood For Love trước đó, nhưng tựu trung 2046vẫn là một kiệt tác độc lập xứng đáng được ghi nhớ và tưởng thưởng của đạo diễn Vương Gia Vệ.
Kiệt tác nhạc phim
Hiếm có bộ phim nào mà âm nhạc lại được sử dụng một cách tài tình và điêu luyện như trong 2046. Vì tốn nhiều thời gian để trau chuốt thêm phần nhạc phim nên phải đến bốn năm phim mới đến được với khán giả. Mỗi thước phim, mỗi tình huống, cử động của nhân vật dường như gợi cảm hơn nhờ âm nhạc. 20 bài hát được sắp đặt gọn gàng và sử dụng xuyên suốt bộ phim, tạo điểm nhấn trong các tiến triển cảm xúc của nhân vật. Nổi bật nhất là bản nhạc không lời Adagio của nhóm Secret Garden được tái lặp nhiều lần trong phim.
Dường như âm nhạc đã trở thành một cốt cách không thể thiếu trong phim Vương Gia Vệ, điều này đã được kiểm chứng từ phim trước đó là In The Mood For Love. Ở 2046, nhiều bản nhạc nổi tiếng được sử dụng như Siboney, Sway, Julien Et Barbara, The Chrismast song, Polonaise, Perfidia, Lost, Adagio, Decision… khiến khán giả không khỏi thổn thức và rung động trước những giai điệu say đắm. Âm nhạc được lồng ghép vào các phân cảnh rất hợp lý, tạo nên một không gian dễ chịu, êm ái nhưng cũng trĩu năng suy tư. Những nốt nhạc bổng trầm lột tả tâm trạng bồn chồn, lo lắng, day dứt của những người đang yêu, trăn trở vì tình yêu. Tiếng viloin tha thiết và điệu rumba dàn trải của bản 2046 Maintheme mang đến một bầu không khí trầm tĩnh, đẹp đẽ nhưng cũng nhiều vấn nghi của tâm trạng những người đang kiệt quệ vì yêu. Có thể nói, âm nhạc là một trong những nhân tố quyết định ảnh hưởng đến sự thành công của phim.
Kỹ thuật dựng phim điêu luyện
Kỹ thuật quay phim được sử dụng trong 2046 cũng là một yếu tố đáng bàn. Vương Gia Vệ thường sử dụng ống kính tĩnh, góc máy xa, không cận, thường bị che khuất bởi vật thể tạo cảm giác như người xem đang nhìn trộm vào thế giới của nhân vật, đứng ở ngoài dõi theo từng tình huống, biểu đạt cảm xúc của họ bằng con mắt khách quan. Góc máy toàn cảnh nhưng bị khuất lấp ấy gợi lòng háo hức và trí tò mò nơi khán giả, khiến họ muốn vén lên bức màn bao phủ để thấu thị vào tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, hiểu rõ tâm tư tình cảm. Nhân vật đôi khi bị dồn vào một góc hẹp như cảnh Tĩnh Văn hút thuốc trên sân thượng khách sạn, hoặc bị che khuất như cảnh Bội Linh đứng nghe điện thoại… Tất cả diễn tiến đều rất tự nhiên, như thể các nhân vật đều đang tự do trong vùng trời của riêng họ.
Phim của Vương Gia Vệ dễ khiến người xem liên tưởng đến những kiệt tác điện ảnh của đạo diễn người Nhật Yasujiro Ozu. Điểm tương đồng ở đây đó là mỗi khung hình đều đẹp tựa tranh, như thể một sản phẩm nghệ thuật được phôi thai từ điện ảnh và hội hoạ. Tất cả đều đẹp đẽ và man mác buồn, một nỗi buồn rất điện ảnh khiến người ta muốn nó thẩm thấu vào trong lòng từng chút một.
Những cảm xúc tinh vi, nhiều u uẩn của các nhân vật được kiến tạo dưới các góc quay và nhịp điệu chậm rãi như những giấc mơ, gam màu đa diện, tinh tế như bước ra từ những bức tranh siêu thực, những bản nhạc tha thiết, dằn vặt được lồng ghép chuẩn xác với nội tâm nhân vật. Tất cả đều được tinh chế dưới bàn tay ma thuật của đạo diễn Vương Gia Vệ, góp phần tạo nên một diện mạo trầm tư nhưng rực rỡ cho 2046.
Chúng ta thường nhìn về tương lai với những suy nghĩ mới mẻ, nhưng ít ai nhìn về quá khứ và soi rọi những điều đã qua, những điều đã làm nên chính chúng ta ngày hôm nay. Trong một cuộc phỏng vấn, Vương Gia Vệ ví von sự hoài cựu quá khứ trong 2046 là phép ẩn dụ về nơi ông sinh sống- Hong Kong. 2046 là một phim được sáng tạo dựa trên con số và những lời hứa.
Năm 1997, Chính phủ Trung Quốc từng hứa rằng trong vòng 50 năm tới Hong Kong sẽ không thay đổi khi Anh Quốc trao trả lại Hong Kong, và 2046 là thời hạn chấm dứt của lời hứa đó. Vương Gia Vệ đang sống ở hiện tại nhưng cùng lúc ngưỡng vọng tới tương lai và ngoái nhìn quá khứ, Hong Kong trong ký ức của ông cũng đẹp đẽ và diệu kỳ như trong những thước phim, nhưng trong tương lai nó sẽ biến chuyển ra sao? Phim ảnh là cách ông giữ gìn ký ức về nơi sinh sống của chính mình, ông mãi muốn thành phố ấy luôn tốt đẹp như những gì ông giãi bày qua ngôn ngữ điện ảnh.
-
Bộ phim phim C.R.A.Z.Y (2005) kể về những tâm tư của cha mẹ về những đứa con trong gia đình trong nhữn thời điểm khó khăn nhất
Nếu nhắc đến cái tên Jean-Marc Vallée thì chắc nhiều bạn còn lạ lẫm. Nhưng nhắc đến phim của bác này như Dallas Buyers Club (bộ phim mang về Oscar cho cả Jared Leto và Matthew McConaughey), Wild, và series đình đám của HBO Big Little Lies… thì nhiều người sẽ quen thuộc hơn.
Trước khi tới Hollywood làm phim thì bác Jean-Marc Vallee đã có vài tác phẩm tạo tiếng vang, tên tuổi ở quê nhà Quebec, Canada. Trong đó nổi bật nhất là C.R.A.Z.Y.
Phim nói tiếng Pháp, bối cảnh là Quebec những năm 60 của thế kỉ trước và mang đậm dấu ấn của thời đại: từ trang phục, âm nhạc và mối quan hệ giữa các cá nhân. Cụ thể đây là chuyện come out của 1 cậu bé trong 1 gia đình có 5 anh em trai, và mối quan hệ giữa cậu và ông bố.
Xem C.R.A.Z.Y (2005) mình thấy nhẹ nhàng, tinh tế, chân thật. Một bộ phim lắng đọng cho mùa dịch, về tâm tư tình cảm của những người làm cha làm mẹ, và của những đứa con: khi mà chuyện come out với những người thân nhất trong gia đình lại là điều khó khăn nhất.
Đúng ngày Giáng sinh năm 1960, mẹ Zac vỡ ối và sinh ra cậu bé trong bệnh viện. Trước câu đã có 3 ông anh trai, sau này mẹ Zac cũng đẻ thêm 1 baby trai nữa. Zac và bố thì đặc biệt thân thiết từ khi còn là 1 cậu bé con. Ông bố đúng style hồi xưa, ở ngoài xù xì gai góc, cục cằn, yêu thương chẳng bao giờ nói bằng lời hay cử chỉ.
Cả bộ phim theo quá trình trưởng thành cả về nhận thức, tính cách của Zac. Từ khi cậu bé từ từ hiểu hơn về xu hướng tình dục của mình, về những ức chế và căm giận bản thân, Chúa. Zac sợ làm bố tổn thương và thất vọng. Cái tầm tuổi mới lớn lại mang trong mình 1 bầu trời tâm tư, Zac bị đè nén và điều này càng làm mối quan hệ giữa cậu và bố căng thẳng đến tột độ.
Trong nhà, ông anh trai thứ của Zac thì sa đà vào nghiện ngập. C.R.A.Z.Y (2005) tuy đặt bối cảnh là hồi xưa nhưng vẫn làm người xem có thể liên hệ thực tế tới hiện tại. Phim về 1 vùng đất xa xôi nhưng mối quan hệ gia đình bố con ấy thì cảm giác như ở châu Á, mà cụ thể là Việt Nam cũng không khác là bao. Kịch bản phim không phải là quá đột phá về mặt ý tưởng nhưng cách kể chuyện và thể hiện vừa vặn, giàu nhân văn.
Đặc biệt là phần nhạc phim này rất hay, hợp thời. Đúng là âm nhạc có 1 sức mạnh đặc biệt, nó như mang người nghe/ người xem về khoảng không gian và thời gian ấy, chuẩn bị tâm lý cho họ để chìm sâu vào câu chuyện, như sống cùng nhân vật.
Soundtrack toàn những bài đinh của Pink Floyd (“Shine On You Crazy Diamond,” “The Great Gig in the Sky”), The Rolling Stones (“Sympathy for the Devil”), David Bowie (“Space Oddity”), Jefferson Airplane (“White Rabbit”), The Cure (“10:15 Saturday Night”), Giorgio Moroder (“From Here to Eternity”), Elvis Presley (“Santa Claus Is Back in Town”).
Thấy bảo riêng phần nhạc của him, bên sản xuất mất hơn 2.5 năm trời đề mua được quyền sử dụng, tốn hơn 10% ngân sách làm him. Đặc biệt cho bài “Sympathy for the Devil” của Rolling Stones tốn hơn $138,000 cho 2 phút 25 giây sử dụng trong phim. Ăn chơi tốn kém ghê, nhưng mà đúng là hiệu quả nhãn tiền!!! Phim C.R.A.Z.Y (2005) dài hơn 2 tiếng và mang màu sắc hoàn toàn không Hollywood nên có phần ‘thiếu’ ngắn gọn, chỉn chu và tính thương mại kiểu Mỹ. Nhưng nhờ vậy mà nó có được vẻ mộc mạc, chân phương cần thiết cho câu chuyện, tình cha con gia đình cũng thêm gần gũi, ấm áp. Đặc biệt bạn nào tò mò/ hứng thú với những câu chuyện come out thì nên xem, truyền cảm hứng lắm.
-
Chuyện gì sẽ xảy ra khi những người bạn đồng trang lứa, từng thân thiết phải chém giết lẫn nhau?
Ra mắt vào năm 2000, cố đạo diễn Kinji Fukasaku đã để lại một bộ phim tâm lý, sinh tồn đầy kịch tính cho nền điện ảnh. Lấy bối cảnh Nhật Bản ngày một suy đồi, tỉ lệ tội phạm tăng cao, đặc biệt là trẻ vị thành niên ngày càng vô phép với người lớn, chương trình Battle Royale ra đời với mục tiêu răn đe dân chúng. Khi vừa công chiếu, Battle Royale gây tranh cãi với nhiều cảnh bạo lực đẫm máu khủng khiếp giữa các bạn học sinh còn trong độ tuổi ngây thơ, đáng lẽ phải cắp sách đến trường chứ không phải chém giết nhau.
Tiếp nối chiến thắng của một nữ sinh từ chương trình năm trước, Battle Royale giới thiệu lớp học 3-B (theo hệ thống Việt Nam là lớp 7) với tình trạng vô kỷ luật, một cậu học sinh dám đả thương giáo viên chủ nhiệm không chút sợ hãi. Một năm sau, lớp 3-B được chọn ngẫu nhiên tham gia chương trình Battle Royale. Bị đưa đến một hòn đảo biệt lập đầy xa lạ, 40 học sinh cùng lớp và 2 học sinh khoá trên tự nguyện tham gia phải chiến đấu cùng nhau cho đến khi chỉ còn 1 người sống sót. Các học sinh sẽ được cung cấp vũ khí bất kỳ và họ phải biết tận dụng một cách thông minh nhất để đương đầu lẫn nhau.
Nếu đã xem qua bộ phim The Hunger Games của đạo diễn Gary Ross, hẳn bạn sẽ đoán được những diễn biến tiếp theo của Battle Royale. Cả hai bộ phim đều thành công trong việc khắc hoạ tính nhân văn giữa một đấu trường đầy khốc liệt nhưng có vài điểm mà cá nhân người viết dành nhiều tình cảm cho Battle Royale hơn The Hunger Games. Thay vì chèn ép nhiều thông điệp về chính phủ, truyền thông bóp méo sự thật... Battle Royale tập trung vào cuộc chiến thật sự của những người bạn từng học chung một lớp nhiều năm trời, có khi ưa cũng có khi ghét nhau thật nhiều. Chỉ tiếc rằng vì thời lượng có hạn, các nhân vật phụ buộc phải ra đi sớm để các nhân vật còn lại được khai thác kỹ hơn một chút.
Có lẽ vì khác nhau ở mức độ giới hạn độ tuổi mà những cảnh chiến đấu trong Battle Royale mang lại cảm giác khắc nghiệt, đẩy cảm xúc khán giả đến mức choáng váng vì mức độ tàn bạo của nó hơn The Hunger Games. Bên cạnh đó, việc bỏ qua các yếu tố như drama tình cảm giữa hai diễn viên chính nhằm thu hút khán giả ở Capital, các nhân vật trong đấu trường sinh tử cùng một lớp thay vì bốc thăm ngẫu nhiên trong 12 quận và vũ khí là những món từ vô dụng đến lợi hại nhất thay vì được lựa chọn, giúp Battle Royale có thể vừa tập trung vào những trận chiến, vừa phát huy yếu tố nhân văn hết mức có thể. Tuy nhiên, điểm mà người viết cảm nhận The Hunger Games có thể ăn đứt Battle Royale là nhân vật Katniss. Ít ra nhân vật này cũng được tập trung xây dựng xuyên suốt, có sự đấu tranh nội tâm và biết chiến đấu hơn nữ chính bánh bèo Noriko.
Ngay từ những phút đầu tiên của các học sinh trên đảo, không khí căng thẳng tràn ngập và chỉ sau vài phút là hai cái chết thảm thương của hai học sinh dám chống đối thầy chủ nhiệm cũ. Chính hai cái chết đó thúc đẩy các nhân vật còn lại phải làm gì. Có người thì hoảng loạn quá, sẵn sàng giết bạn mình ngay từ những phút đầu của trò chơi. Có nhóm thông minh hơn, lập một team sở hữu vũ khí hạng nặng nhằm phục kích đàn anh Kiriyama. Song song đó, có những bạn lại tự tử vì quá trầm cảm trước tính man rợ của chương trình, hoặc không muốn tay họ nhuốm máu.
Thay vì phân tích về cặp nhân vật chính Shuya và Noriko, cá nhân người viết lại ấn tượng với nữ phụ xinh đẹp nhưng không kém phần tàn ác Mitsuko. Không mất nhiều thời gian để khán giả nhận ra cô nàng là một trong những phản diện ghê gớm và đúng như thế, Mitsuko là một trong những nhân vật đám gờm nhất trong đấu trường. Với trí thông minh, cô dễ dàng dụ dỗ các con mồi yếu thế hơn và đảo ngược tình thế trong chớp mắt. Giữa một hòn đảo khắc nghiệt mà các bạn cùng lớp lần lượt ngã xuống, Mitsuko vẫn thản nhiên gội đầu, thay bộ đồ khác và chuốt mascara. Mitsuko nhận thức rằng đây là sự thật và chỉ có đấu tranh mới có thể thoát khỏi đây, thay vì chỉ biết ngồi than khóc hoặc núp yên một chỗ chờ mọi chuyện qua đi. Khác với tên phản diện Kiriyama với vũ khí tận răng, từng chiến thắng đấu trường này và trở lại vì cảm giác muốn săn đuổi, Mitsuko lặng lẽ núp một chỗ, đợi thời cơ tốt rồi mới ra tay. Thậm chí, cô còn biết tận dụng nhan sắc để tước đoạt sinh mạng của hai nam sinh xấu số. Khi một phần quá khứ của cô nàng được hé lộ, hẳn không ít khán giả xót thương. Mitsuko từng là nạn nhân của tên già ấu dâm và chính cô dám đẩy hắn vào chỗ chết ngay khi mới ở độ tuổi tiểu học. Chính quá khứ như thế, trong đấu trường khắc nghiệt này, cô không thể làm gì khác hơn ngoài tận hưởng nó.
Trong hoàn cảnh nhuốm máu đó, chút ánh sáng về tình bạn, tình người vẫn còn le lói. Khán giả thấy hình ảnh 3 cậu bạn thân cố gắng phá hệ thống theo dõi và chế bom đánh sập quân đội. Nhờ việc chia sẻ tình bạn với Shuya và Noriko, Kadawa – nhân vật chiến thắng từ trước trở lại đấu trường này vì nhận ra lỗ hổng của chương trình Battle Royale, đã hiểu được nụ cười cuối cùng của Keiko, người yêu đã giúp anh chiến thắng. Tuy nhiên, giữa một nơi đầy lừa lọc, thủ đoạn như thế, tình bạn thật mong manh. Nhóm nữ sinh nơi ngọn hải đăng tưởng chừng thân thiết thế, ấy mà sự nghi kỵ lại len lỏi và chỉ cần một chút xúc tác, nhóm bạn thân sẵn sàng nã súng vào nhau không chút thương tiếc.
Có lẽ, việc đưa vào những nhân vật vốn quen biết và thân thiết với nhau từ trước đem lại nhiều cảm xúc và suy nghĩ hơn. Xuyên suốt những cảnh bạo lực ấy là những giây phút cả lớp cùng hoà nhịp vào trận bóng rổ, các bạn trai ra sức thi đấu, các bạn nữ cổ vũ nhiệt tình. Cảnh khép lại phim cũng là trận bóng rổ đó nhưng chiếu chậm những biểu cảm hân hoan của các bạn trẻ, một Mitsuko mạnh mẽ, độc ác thế cũng có lúc hoà đồng với các bạn. Có ai ngờ những bạn trẻ vô ưu ấy mà lại có lúc phải chém giết lẫn nhau. Và đau đớn thay, chính phủ lẫn xã hội vẫn để điều đó diễn ra và háo hức theo dõi ai là người chiến thắng.
-
"Henry: Portrait of a Serial Killer" (1986) là một bộ phim kinh dị của đạo diễn John McNaughton, dựa trên cuộc đời của một tên sát nhân thực sự. Phim theo chân Henry Lee Lucas, một kẻ sát nhân không có mục đích, sống lang thang cùng với người bạn Otis. Hai nhân vật này thực hiện nhiều vụ giết người một cách tàn bạo, và phim khai thác tâm lý của chúng cũng như ảnh hưởng của môi trường xung quanh.
Nội dung phim rất tối tăm và gây ám ảnh, thể hiện sự vô cảm của Henry và sự biến đổi tâm lý của Otis khi chứng kiến các hành vi bạo lực. "Henry" không chỉ là một bộ phim về tội phạm mà còn là một phân tích sâu sắc về sự mất kết nối và sự tàn nhẫn trong xã hội. Phim đã gây tranh cãi khi ra mắt, nhờ vào sự chân thực và khắc nghiệt trong cách mô tả các cảnh sát nhân.
-
The Birds là một bộ phim kinh dị năm 1963 của Mỹ được đạo diễn và sản xuất bởi Alfred Hitchcock, dựa trên câu chuyện cùng tên năm 1952 của Daphne du Maurier. Nó tập trung vào một loạt các cuộc tấn công chim bất ngờ, không giải thích được về những người của Vịnh Bodega, California trong một vài ngày. Ngôi sao điện ảnh Rod Taylor và Tippi Hedren (trong màn ra mắt của cô), được hỗ trợ bởi Jessica Tandy, Suzanne Pleshette và Veronica Cartwright. Kịch bản là bởi Evan Hunter, người được Hitchcock phát biểu để phát triển các nhân vật mới và một cốt truyện phức tạp hơn trong khi vẫn giữ được danh hiệu và khái niệm về những cuộc tấn công chim không giải thích được của du Maurier. Trong năm 2016, The Birds được coi là "văn hóa, lịch sử, hoặc có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ" của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, và được chọn để bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia Hoa Kỳ.
-
Hoài cổ. Đó là từ mà cả nhà sản xuất Steven Spielberg và đạo diễn J.J Abrams đều nhắc đến khi nói về Super 8, bộ phim hè mới nhất của bộ đôi ăn ý này. Super 8 vốn là tên thương hiệu của loại phim 8mm do Kodak sản xuất, dùng phổ biến cho các loại máy quay nhỏ, dành cho gia đình, rất phổ biến tại Mỹ trước khi băng video ra đời. Dòng sản phảm này được tung ra thị trường năm 1965 và rất nhanh chóng dẫn dắt một thế hệ trẻ em bước vào thế giới của những cú máy. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà làm phim nổi tiếng như chính bản thân J.J Abrams. Không có gì lạ khi đạo diễn này nói rằng tất cả những nhân vật nhí trong phim đều có một phần của anh: một đám trẻ tụ lại để làm một bộ phim về xác sống. Hoài cổ còn là để nhắc đến những dấu ấn của Steven Spielberg: ngay từ trong đoạn trailer khá úp mở (như vẫn thường thấy ở J.J Abrams), khán giả của những bộ phim trong thập niên 80 có thể nhận ra sự tương đồng của Super 8 với Close Encounters of the Third Kind (1977), E.T. (1984) và The Goonies (1985 – Spielberg viết kịch bản). Quả thực, có thể tóm gọn Super 8 lại như sau: một E.T. của thế kỷ XXI với kỹ xảo mãn nhãn trong một không khí kinh dị rất hiện thực như Jaws.
Bộ phim lấy bối cảnh năm 1979 tại thị trấn Lilian giả tưởng ở bang Ohio. Super 8 khởi đầu khá bi kịch, khi vào chuyện bằng cái chết của mẹ chú bé Joe Lamb (Joel Courtney), sự kiện sẽ phủ bóng lên cuộc sống của Joe và người cha Jack Lamb (Kyle Chandler), phó cảnh sát trưởng thị trấn, trong một thời gian dài. Tuy nhiên, không khí phim nhanh chóng trở nên tươi mới khi thời gian chuyển nhanh đến thời điểm 4 tháng sau. Mùa hè đã bắt đầu và nhóm bạn của Joe âm mưu thực hiện một bộ phim kinh dị / trinh thám về xác sống (zombie). Nhóm bao gồm: nhóc Charles mập (Riley Griffiths) – kẻ đầu têu, nhà sản xuất kiêm đạo diễn hách dịch, thay đổi kịch bản như chảo chớp và luôn mồm đòi hỏi về production value (một thuật ngữ tương đối khó dịch, mà nhà phát hành tại Việt Nam đã tạm dịch là “yếu tố hút khách”); kế đến là nhóc Carey niềng răng (Ryan Lee), chuyên gia cháy nổ, luôn luôn sung sướng khi được đem đống pháo hoa ra đốt tanh bành; thằng Preston tóc xù (Zach Mills) chuyên vào vai quần chúng và sai vặt; cuối cùng là thằng Martin bốn mắt (Gabriel Basso), vai nam chính, cao hơn bọn còn lại một cái đầu nhưng lại nhát cáy nhất đám. Tất nhiên, không thể thiếu Joe Lamb, thằng bé có đôi tay rất khéo léo được Charles giao cho vai trò thiết kế bối cảnh, mô hình, kiêm luôn cả hoá trang zombie và kỹ xảo máu me chết chóc. Phải nói rằng phim của lũ nhỏ này nhìn rất ấn tượng, theo đúng phong cách của phim B-movie lúc bấy giờ. Tuy nhiên, thằng Charles vẫn chưa thật sự hài lòng và quyết định cần phải để cho khán giả đồng cảm hơn với nhân vật nam chính trong chuyến phiêu lưu diệt zombie bằng cách cho thêm một cô vợ vào kịch bản. Vì mục đích đó, Charles đã rủ rê được cô bé Alice Dainard xinh đẹp (Elle Fanning) tham gia vào “đoàn phim” (còn có cả mục đích khác nữa mà nhóc mập sẽ tiết lộ ở cuối phim).Cô bé còn có một tác dụng khác, Alice chưa có bằng lái xe nhưng đã có thể lấy xe của bố đưa cả “đoàn” đi quay phim. Joe và Alice dường như có cảm tình với nhau ngay, và có vẻ mọi việc sẽ rất ngọt ngào đối với hai đứa nếu như bố của Alice không phải là người đã gián tiếp gây ra cái chết của mẹ Joe, và nhất là nếu như không có một sự kiện kinh hoàng xảy ra ngay khi mấy đứa đang quay phim: một vụ trật đường ray tàu hỏa, và từ trong chuyến tàu quân sự tối mật này, một “cái gì đó” có sức mạnh khôn lường đã thoát ra. Chẳng mấy chốc, lính tráng quân sự đã kéo đến , trước cả khi những chuyện kỳ dị bắt đầu xảy ra trong thị trấn… Một lần nữa không khí phim lại thay đổi, sự hồi hộp thót tim bắt đầu xuất hiện.
Có thể nói, J.J Abrams và dàn diễn viên nhí rất tài năng đã nhanh chóng lôi cuốn được khán giả. Với Abrams, anh đã rất khéo léo khi mô phỏng lại không khí của một “đoàn phim” nhóc thời đó, khởi đầu với một ý tưởng quái lạ nhảm nhí, làm phim dấm dúi vào bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, và khi bọn con gái tham gia vào, mọi chuyện bắt đầu phức tạp vì những “mối tình” nổ ra. Rất nhiều khán giả thuộc thế hệ làm phim Super 8 ở Mỹ đã xúc động khi cảm nhận được không khí này như một phần đẹp trong tuổi trẻ của họ. Nhưng sẽ không thể có được không khí đó nếu thiếu diễn xuất đặc biệt xuất sắc của các diễn viên trẻ, nhất là Elle Fanning và Riley Griffiths. Riley thực sự chiếm lĩnh khung hình trong vai Charles mập, hoá thân như in vào tính cách đáng yêu của một đạo diễn tương lai, dù lên mặt kể cả hay luôn mồm lý sự về cách làm phim, cũng đều khiến cho khán giả thích thú. Elle Fanning với vẻ quyến rũ tự nhiên của một cô bé tóc vàng vốn đã là một viên kẹo trên màn ảnh, nhập vai mượt mà ngay từ đầu, thể hiện những góc độ nhỏ nhưng tinh tế trong mối quan hệ với nam chính Joe. Joel Courtney vào vai nam chính cũng không hề tồi, có lẽ chỉ vì nhân vật của cậu thiếu những nét nổi bật nên khó để phát huy diễn xuất hơn hai người bạn diễn. Từ những ánh nhìn khi Joe hoá trang cho Alice, những cái ôm và nắm tay, những chi tiết như vậy dù không nhiều, nhưng hai diễn viên nhí đã diễn rất xuất sắc những nét vừa ngây thơ vừa sâu đậm của mối tình đầu đời. Cũng không nên quên cả Ryan Lee trong vai nhóc Carey thích đốt pháo, hay cả Kyle Chandler trong vai Jack Lamb đã diễn rất tốt hình ảnh của một người bố nhiều tâm sự và một người cảnh sát đại diện cho chính nghĩa.
Chỉ có một điều đáng tiếc rằng lẽ ra Super 8 đã có thể hay hơn rất nhiều nếu như chủ đề “làm phim bằng Super 8” không bị bỏ quên từ giữa phim để nhường chỗ cho tính ly kỳ hồi hộp theo công thức của một bộ phim bom tấn. Thậm chí, kết cục cuốn phim mà tụi nhỏ quay có số phận ra sao cũng không hề được đề cập đến. Đây không phải là bỏ lửng mà là sự thiếu hụt của kịch bản. Cũng có thể vì bị ám ảnh với áp lực từ khán giả, J.J Abrams đã không dám triệt để hơn với ý tưỏng về máy quay Super 8, khiến anh không muốn lặp lại một Cloverfield chăng? Không chỉ làm phim thiếu mạch lạc và tươi tắn như nửa đầu, mục đích tạo sự hút khách còn làm cho cả chủ đề về sự luyến nhớ, day dứt của bố con Joe với người mẹ đã mất cũng trở nên nhẹ đi. Chính vì vậy mà ngay cả mối quan hệ mang tính bi kịch giữa bố con Joe và bố con Alice cũng mới chỉ dừng lại ở mức khai thác vỏ ngoài, thiếu sự sâu sắc. Những mâu thuẫn tâm lý này được giải quyết quá nhanh, quá dễ, khiến cho Super 8, dù rất hứa hẹn, cũng không thể vượt qua được tầm cỡ của một bộ phim giải trí.
Tuy nhiên, Super 8 vẫn là một phim giải trí tuyệt hay, mãn nhãn và không hề ngốc nghếch. Những trường đoạn quay đầy cảm xúc như khi Joe hoá trang cho Alice và cảnh cuối phim là những điểm son của nghệ thuật làm phim. Và kỹ xảo, dù không tràn ngập như phong cách của Michael Bay, nhưng vẫn ở mức tuyệt đỉnh. Phải nói rằng trường đoạn nổ tàu hoả là một trường đoạn thực sự gây choáng váng! Kỹ xảo đã tạo được hiệu quả tối đa khi diễn tả sự đáng sợ thảm hoạ, nhất là khi mấy đứa trẻ như lũ kiến chạy dáo dác giữa một trời những sắt thép, thuốc nổ bay tứ tung, bất kỳ lúc nào cũng có thể đè bọn nhỏ dẹp lép. Trường đoạn kỹ xảo đầu tiên trong phim đã ở mức đỉnh cao, có thể nói là màn cháy nổ tàu hoả kinh hoàng nhất trong lịch sử điện ảnh! Có lẽ chủ đề lòng tham con người mới là thứ đáng sợ hơn cả những con quái vật không phải là mới mẻ, nhưng hình tượng của “cái gì đó” trong phim có nhiều nét thú vị. Nhưng có lẽ mô tả là không nên, vì J.J Abrams đã dày công cất giấu nó cho tới tận cuối phim…
Dù thế nào, cái tên J.J Abrams đã là một bảo chứng, và bạn hẳn sẽ rất nuối tiếc nếu bỏ lỡ Super 8 trên màn ảnh rộng. Chỉ có ở trong rạp chiếu, bạn mới cảm nhận được hết những gì mà đạo diễn xuất chúng này dọn cỗ cho khán giả chúng ta mà thôi!
-
"The NeverEnding Story" (1984) là một bộ phim phiêu lưu giả tưởng do Wolfgang Petersen đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Michael Ende. Câu chuyện xoay quanh một cậu bé tên là Bastian, người tìm thấy một quyển sách kỳ diệu trong một cửa hàng sách cũ.
Khi đọc, Bastian bị cuốn vào thế giới của Fantasia, nơi mà một con rồng biết nói tên là Falkor và một anh hùng trẻ tuổi tên là Atreyu đang cố gắng cứu vương quốc khỏi sự hủy diệt của "The Nothing" – một lực lượng ác độc đang nuốt chửng mọi thứ. Trong hành trình của mình, Atreyu phải đối mặt với nhiều thử thách và gặp gỡ những nhân vật kỳ lạ, trong khi Bastian dần nhận ra rằng anh có thể tác động đến câu chuyện bằng cách tham gia vào nó.
Bộ phim không chỉ mang tính giải trí mà còn chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc về sức mạnh của trí tưởng tượng, tình bạn và lòng dũng cảm. "The NeverEnding Story" đã trở thành một tác phẩm kinh điển, được yêu thích bởi nhiều thế hệ.
-
"Cold Eyes of Fear" (1971) là một bộ phim kinh dị tâm lý của đạo diễn Antonio Margheriti. Câu chuyện xoay quanh một luật sư trẻ tên là David, người đang trên đường đến thăm bạn gái thì gặp phải một tình huống nguy hiểm.
Khi David bị một tên tội phạm xâm nhập vào nhà, hắn ta bắt giữ anh và buộc anh phải hợp tác. Cùng lúc đó, David phải đối mặt với nỗi sợ hãi và cảm giác bất lực, trong khi tìm cách thoát khỏi tình huống căng thẳng này. Bộ phim kết hợp yếu tố hồi hộp với những pha hành động căng thẳng, đồng thời khám phá tâm lý con người khi đối diện với cái chết.
Phim mang phong cách điện ảnh độc đáo, với những hình ảnh mạnh mẽ và âm thanh tạo nên bầu không khí nghẹt thở. "Cold Eyes of Fear" không chỉ là một bộ phim kinh dị mà còn phản ánh sâu sắc về sự yếu đuối và sức mạnh của con người trong những tình huống cực đoan.
-
"King of New York" (1990) là một bộ phim hình sự do Abel Ferrara đạo diễn, với sự tham gia của các diễn viên như Christopher Walken, Laurence Fishburne và David Caruso. Câu chuyện xoay quanh Frank White (do Walken thủ vai), một tên tội phạm vừa ra tù, người quyết tâm tái chiếm quyền lực trong thế giới ngầm của New York.
Frank không chỉ muốn trở lại với cuộc sống tội phạm mà còn muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho thành phố bằng cách xây dựng bệnh viện cho những người nghèo. Tuy nhiên, hành trình của anh bị cản trở bởi những đối thủ, cảnh sát tham nhũng và sự đấu tranh nội tâm. Bộ phim khai thác sâu sắc các chủ đề về quyền lực, sự tham lam và đạo đức trong xã hội.
Phong cách điện ảnh của Ferrara kết hợp yếu tố bạo lực với những phân tích tâm lý phức tạp, tạo nên một tác phẩm đậm chất nghệ thuật.
-
Hôm nọ, xem xong Lady Vengeance, tôi chìm sâu vào thế giới tối tăm, báo thù và máu me của Park Chan Wook - nơi có tiếng dàn dây thánh thót vang lên mỗi khi con người rơi xuống vực sâu đạo đức, hay nhân tính, hay tội lỗi.
Và trong cơn say của một người vừa vô tình té ngã vào cái hố êm ái của điện ảnh Hàn Quốc, tôi nhanh tay tìm thêm một, hai bộ phim nữa với hy vọng sống tiếp không khí cô đặc, chậm rãi của những sự báo thù.
Đã bỏ giỏ Symphony for Mr. Vengeance, trời xui tôi tiện tay mở một tựa phim bên cạnh: JSA - Joint Security Area, một bộ phim được Park Chan Wook sáng tạo trước khi bước vào kỷ nguyên báo thù.
Joint Security Area, hay Khu vực An ninh Chung, là cái tên cải biên dựa trên một khu vực quân sự có thật kéo dài 250km cắt ngang bán đảo Triều Tiên: DMZ - Demilitarized Zone. Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, hai miền Nam Bắc đi đến một Hiệp định Đình chiến để tạm ngừng chiến tranh. Demilitarized Zone là khu vực biên giới đặc biệt nhạy cảm. Và như chúng ta biết, cuộc chiến này vẫn kéo dài cho đến hôm nay.
Giữa một dòng thời gian lịch sử đằng đẵng đầy những căng thẳng trên mặt trận bàn giấy lẫn thực tế ngoài chiến trận của bán đảo Triều Tiên, JSA là đoạn truyện nhỏ bé về tình bạn của những người lính Hàn Quốc và Triều Tiên. Đặt trong bối cảnh thông thường, tình bạn này tưởng rất hợp lý khi 4 người nói cùng ngôn ngữ, cùng tổ tiên và chỉ ở cách nhau một cây cầu chưa đến 300 mét. Nhưng cảm ơn sư phức tạp của chính trị và lịch sử, câu chuyện này chỉ có thể xảy ra trong những giấc mơ hoang đường nhất của đạo diễn Park Chan Wook.
Joint Security Area bắt đầu với vụ án lính Nam Hàn đào tẩu sang Triều Tiên, nhưng một trận đọ súng diễn ra dẫn đến việc 2 sĩ quan Triều Tiên tử vong. Nữ đặc phái viên của Phái đoàn Trung lập Thụy Sĩ được cử đến điều tra. Cô đi dần vào câu chuyện của những người trong cuộc và nhận ra họ không chỉ hành động vì động lực chính trị thông thường.
Khác với Crash Landing On You, series cùng đề tài nhưng lấy rất đậm chủ đề cách biệt văn hóa, hay đẩy bật những sự thú vị, lạ lùng trong văn hóa của quốc-gia-Cộng-Sản-cô-lập-nhất-thế-giới, JSA lại tập trung thể hiện sự phát triển bản năng con người khi bị đặt vào hoàn cảnh phi lý.
Sapiens có một đoạn tương đối thú vị, đại ý "nếu muốn tập hợp, kết nối và dẫn dắt được số đông hình thành nên một tổ chức để hợp tác với nhau, ta cần kể họ nghe và tin vào những câu chuyện hư cấu". Chính trị là một câu chuyện hư cấu. Hệ tư tưởng là một câu chuyện hư cấu khác. Đoàn kết đem lại sức mạnh lớn.
Nhưng giữa người với người thì khác biệt. Chỉ huy Triều Tiên không có lý do gì để gỡ mìn giúp một trung tá Hàn Quốc, nhất là khi thấy trung tá này bù lu bù loa như đứa trẻ. Ngược lại, anh lính Nam Hàn không cần cùng hệ tư tưởng để làm thân với anh bộ đội Bắc Hàn. Lý do đơn giản là "Tôi không có anh. Tôi gọi anh là anh được không". Bên trong họ, tình bạn ở phòng gác này và hệ tư tưởng mà họ tin vào là hai phạm trù tách biệt. Những lời mời gọi "đầu quân" và "đào tẩu" hoàn toàn không có một kí lô trọng lượng dù xuất phát từ phía nào đi nữa.
Tôi băn khoăn điều gì làm những người này liên kết với nhau, và hình thành một mối quan hệ gắn bó đến mức sống chết? Có phải do nhận thức rằng dù thế nào, họ cũng có cùng một tổ tiên, sống cùng một văn hóa truyền thống? Nhưng nếu tổ tiên và văn hóa cũng là những chuyện hư cấu của loài sapiens, tôi cho rằng cảm xúc hoàn toàn con người và bản năng đã kéo họ lại với nhau. Và điều đó "thuận tự nhiên".
Tuy vậy, cho đến cuối, những nhân vật đã để cảm xúc bản năng trỗi dậy vẫn phải chấp nhận để bức tường của những hệ thống đổ sập lên người. Không ai thoát ra được. Có người chết, có người tung hô lãnh tụ, có người tự tử bất thành, có người đến cùng đã vỡ vụn ra.
Tất cả các nhân vật dường như đều là nạn nhân của "cuộc chiến hèn nhát, phi lý và đáng xấu hổ", như họ tự nhận xét. Thậm chí, nữ đặc phái viên trung lập đến cuối cũng mất quyền điều tra vụ án vì cha cô là một lính Triều Tiên, và "không thể để con gái của một lính Cộng Sản điều tra được".
Dù đã vẽ ra bức tranh đáng yêu và sáng sủa về những "sứ giả hòa bình", Park Chan Wook có lẽ vẫn không thể thoát được ý nghĩ về thực tế tàn khốc trước mắt của dân tộc. Nhưng vẫn có một hy vọng nào đó, ít nhất trong giấc mơ của ông. Thời điểm là năm 2000, Hội nghị Liên Triều được tổ chức lần đầu ở Bình Nhưỡng. Hy vọng tìm thấy những thành tố quen thuộc như những cú cắt cúp bất ngờ, nhịp phim đặc nghẹt hay những câu thoại sắc lẹm, tôi hoàn toàn (không thể gọi là thất vọng, nhưng) ngạc nhiên với JSA.
Nếu Old Boy và Lady Vengeance đẩy cao trào lên mức cao nhất để khán giả phải thấp thỏm trước diễn tiến của phim, thì với JSA, Park Chan Wook chọn cách tiếp cận vừa phải, chừa chỗ thở cho người xem. Nói cách khác, trước khi thả những quả bom bi kịch mà khán giả biết buộc phải đến do nhận thức được bối cảnh lịch sử cố hữu, đạo diễn lại chọn kể một đoạn khác của câu chuyện - một đoạn đáng yêu, con trẻ và nhẹ nhàng hơn. Để rồi sau đó, khi bi kịch tiếp diễn, người xem cũng tìm được một điểm cân bằng vững chãi và đón nhận hành động của nhân vật như lối thoát nhẹ nhàng nhất.
Hơn một lần khi xem JSA, tôi phải thầm cảm ơn Park Chan Wook vì sự giải thoát này.
Tuy hình ảnh không thuộc dạng xuất sắc như những tác phẩm về sau của ông và âm nhạc cũng không quá nổi trội, Park Chan Wook vẫn biết cách để lại cho người xem âm vang cảm xúc, ngay cả khi bộ phim đã kết thúc.
Vốn không mong chờ cái kết đẹp cho một bộ phim về hai miền Triều Tiên (Tôi cho Crash Landing On You là phim giả tưởng), Joint Security Area vẫn đem lại một cảm giác thoải mái khi xem xong, có lẽ từ chính sự bế tắc gần-với-hiện-thực của nó?
Tôi cũng không biết.
-
The Frighteners (1996) là một bộ phim kinh dị hài hước do Peter Jackson đạo diễn. Phim xoay quanh nhân vật Frank Bannister, một người đàn ông có khả năng thấy ma. Sau khi mất vợ trong một tai nạn, Frank bắt đầu sử dụng khả năng của mình để lừa đảo những người dân trong thị trấn, khiến họ tin rằng ngôi nhà của họ bị ma ám, từ đó thu phí để "giải quyết" vấn đề.
Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên phức tạp khi một thực thể bí ẩn bắt đầu giết chết người dân trong thị trấn. Frank cùng với sự giúp đỡ của những linh hồn mà anh giao du phải tìm ra sự thật đằng sau những cái chết này. Phim kết hợp giữa yếu tố hài hước và kinh dị, đồng thời khám phá các chủ đề như tình yêu, mất mát và sự chuộc lỗi.
-
iếng gọi nơi hoang dã của Jack London là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất từng được viết bởi một tác giả người Mỹ. Không chỉ được biết tới như là một cuốn sách thể hiện được sự am hiểu tường tận về thiên nhiên hoang dã, những cuộc phiêu lưu và tập tính của loài chó, Tiếng gọi nơi hoang dã còn được mệnh danh là một tác phẩm mạnh mẽ khơi dậy được tinh thần chiến đấu nằm trong bản năng của mỗi người đàn ông.
Chính bởi thế đã có không ít những phiên bản điện ảnh chuyển thể của Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã (The Call Of The Wild) từ tác phẩm văn học vào những năm 1923 (phim câm), 1935, 1972, 1997. Và vào 2020, khán giả một lần nữa lại có cơ hội thưởng thức bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã trên màn ảnh rộng trong sự choáng ngợp với vẻ đẹp cùng độ chân thực mà công nghệ CGI có thể đem lại. Nhưng cùng với việc cuốn khán giả của mình vào một cuộc phiêu lưu lộng lẫy thì cái ý nghĩa nguyên thủy của câu chuyện gốc cũng đồng thời biến mất. Thay vào đó, người xem chỉ có thể thấy được sự thư giãn và chút ít thông điệp mang tính phổ thông được gài cắm một cách gượng ép.
Bộ phim kể về cuộc hành trình của một chú chó tên Buck đã được thuần hóa bị bắt cóc tại nhà chủ ở California. Sau những cuộc mua bán, đổi chác, Buck được mang tới Yukon lạnh giá để được huấn luyện như một con chó kéo xe và những gì tiếp diễn sau đó là cuộc phiêu lưu đủ dài trong thiên nhiên hoang dã để Buck có thể tìm thấy ngôi nhà và vị thế mà nó thực sự thuộc về , giúp Buck vượt qua được mọi tranh đấu giữa phần được thuần hóa với cái bản chất hoang dã vẫn luôn nằm sẵn trong nó.
Chiều chuộng khán giả nhí và gia đình nhưng bỏ rơi fan hâm mộ cùng những người yêu chó
Bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã nhắm tới đối tượng là trẻ em, gia đình và vì nhiều lý do đã khiến những người yêu chó fan hâm mộ tác phẩm văn học của Jack London không khỏi thất vọng.
Với đối tượng là trẻ em và gia đình, Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã có cho nó những chi tiết hài hước, hình ảnh đẹp mắt, những cuộc tranh đấu thú vị, cuộc phiêu lưu trong mơ cùng những thông điệp nhân văn dễ tìm thấy ở rất nhiều những tác phẩm dành cho thiếu nhi về sự trung thành, niềm hy vọng, lòng tốt cùng mong ước tìm được mái nhà thực sự của mỗi con người.
Nhưng đối với những người yêu chó thì bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã dễ dàng làm họ thất vọng. Không ít tranh cãi đã được đưa ra khi công nghệ CGI đã khiến những chú chó có biểu hiện cảm xúc cùng hành vi như một con người. Và điều đó khiến cho người yêu chó cảm thấy xa lạ với những con vật đang xuất hiện trong phim.
Còn với những fan của tác phẩm văn học, thì như đã đề cập ở trên. Cái tinh thần cốt lõi của cuốn sách đã bị đánh mất. Thay vào đó là sự chiều chuộng và giải trí. Đó là với những người hâm mộ khó tính khi đứng trước một tác phẩm điện ảnh chuyển thể. Còn với những người hâm mộ đi xem phim như là một cách để tri ân, chắc chắn họ vẫn sẽ thấy được phần nào đó sự an ủi và vẻ đẹp được đáp lại từ tác phẩm văn học mà họ vẫn luôn dành tình cảm suốt bấy lâu nay.
Từ một tác phẩm văn học triết lý và bạo lực biến thành một bộ phim nhân văn cùng những thông điệp tích cực
Những tình tiết bạo lực trong Tiếng gọi nơi hoang dã đã được giảm thiểu rất nhiều so với sách. Sự cắt lượng những chi tiết không phù hợp với trẻ nhỏ này khiến đây trở thành một bộ phim có xu hướng “rao giảng đạo đức” nhiều hơn là nhìn vào hiện thực. Sự giết chóc, đánh đập, hành hạ những con vật cùng thực thế ở trong truyện đã khắc nghiệt hơn rất nhiều với những gì được thể hiện trong phim.
Trong tác phẩm văn học, nhân vật John Thornton xuất hiện như một điểm dừng chân quan trọng trên hành trình của Buck nhưng trong tác phẩm điện ảnh mô tả về nhân vật này được thực hiện kỹ lưỡng hơn. Việc tăng thêm đất diễn cho nhân vật Thornton (Harrison Ford thủ vai) khiến cho vai trò của hình tượng nhân vật anh hùng được đẩy mạnh hơn. Thêm nữa việc giải thích rõ hơn về quá khứ của Thornton cũng giúp nhân vật và câu chuyện có thêm chiều sâu và điểm nhấn. Mang đến những thông điệp tích cực về sự từ chối tư lợi và khao khát có được một mái ấm.
Lời kết
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng công nghệ CGI đã giúp khán giả được trải nghiệm những “lần đầu tiên” mà một câu chuyện được kể theo cách ấy, với những hình ảnh dựng lên bằng máy tính được chải chuốt tỉ mỉ, nơi mà trí tưởng tượng và thực thế được hòa trộn vô cùng khéo léo.
Sau cùng nếu mục đích của bạn là tìm kiếm một bộ phim để có những phút giây giải trí bên cạnh những người thân yêu thì Tiếng gọi nơi hoang dã phần nào có thể đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu đó. Còn nếu bạn cần tìm kiếm nhiều hơn thứ nằm đằng sau những khung hình đẹp đẽ đáng ngạc nhiên thì bộ phim này sẽ khó lòng có thể giúp bạn đạt được kỳ vọng ấy.
-
"Croupier" (1998) là một bộ phim tội phạm và tâm lý do đạo diễn Mike Hodges thực hiện, với Clive Owen trong vai chính. Phim xoay quanh cuộc sống của Jack Manfred, một nhà văn đang gặp khó khăn về tài chính và quyết định làm việc tại một sòng bạc ở London để kiếm sống.
Jack nhanh chóng bị cuốn vào thế giới đầy cám dỗ và rủi ro của cờ bạc, nơi anh làm việc như một croupier (nhân viên chơi bài). Trong quá trình làm việc, anh quan sát những người chơi, sự lừa dối và sự tham lam của họ. Đồng thời, Jack cũng cố gắng viết một tiểu thuyết lấy cảm hứng từ những trải nghiệm trong sòng bạc.
Câu chuyện phát triển khi Jack bị cuốn vào một âm mưu phức tạp liên quan đến một nhóm tội phạm, và mối quan hệ của anh với những nhân vật khác trong sòng bạc, bao gồm một cô gái quyến rũ, khiến cuộc sống của anh ngày càng rối ren.
Phim nổi bật với cách xây dựng nhân vật và bầu không khí căng thẳng, cùng với những khám phá về tâm lý con người trong thế giới cờ bạc. "Croupier" được khen ngợi vì diễn xuất của Clive Owen và cách kể chuyện tinh tế, đã góp phần tạo nên một cái nhìn sâu sắc về sự cám dỗ và hậu quả của những lựa chọn trong cuộc sống.
-
"Robin Hood: Prince of Thieves" (1991) là một bộ phim phiêu lưu hành động do Kevin Reynolds đạo diễn, với Kevin Costner trong vai chính là Robin Hood. Phim dựa trên huyền thoại về Robin Hood, người đánh cắp của người giàu để cho người nghèo.
Câu chuyện bắt đầu khi Robin, trở về từ cuộc chiến tranh ở Thập tự chinh, phát hiện quê hương của mình đang bị thống trị bởi Chúa tể Guy của Gisbourne và Vua John, người đang áp bức dân chúng. Robin quyết định đứng lên chống lại sự bất công này và tập hợp một nhóm bạn đồng hành, bao gồm Little John và Friar Tuck.
Trong hành trình, Robin gặp Maid Marian (do Mary Elizabeth Mastrantonio thủ vai), tình yêu thời thơ ấu của anh. Cuộc chiến giữa Robin và các thế lực độc ác không chỉ là cuộc chiến vì công lý mà còn là cuộc chiến vì tình yêu.
Phim nổi bật với những pha hành động kịch tính, các trận chiến hoành tráng và hình ảnh đẹp mắt về thiên nhiên. "Robin Hood: Prince of Thieves" đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong thể loại phim phiêu lưu, đồng thời để lại ấn tượng sâu sắc với phần nhạc nền nổi tiếng của Bryan Adams, "Everything I Do (I Do It for You)."
-
"The Driver" (1978) là một bộ phim hành động và tội phạm do Walter Hill đạo diễn, với Ryan O'Neal trong vai chính. Phim xoay quanh một tay lái chuyên nghiệp, được biết đến với biệt danh "The Driver," người sống cuộc sống bên lề pháp luật.
Cốt truyện diễn ra tại Los Angeles, nơi Driver làm công việc lái xe cho những kẻ phạm tội, thực hiện các vụ cướp ngân hàng và chạy trốn khỏi cảnh sát. Tuy nhiên, sau khi một vụ cướp không suôn sẻ, anh bị một thám tử tên là Frank (do Bruce Dern thủ vai) theo đuổi, quyết tâm bắt giữ anh và những kẻ tội phạm khác.
Trong khi đó, Driver cũng phải đối mặt với một nhóm tội phạm khác, những người muốn sử dụng kỹ năng lái xe của anh cho mục đích riêng của họ. Câu chuyện diễn ra với nhiều tình huống hồi hộp, những pha rượt đuổi gay cấn và các cuộc đối đầu giữa Driver, cảnh sát và các băng nhóm tội phạm.
Phim nổi bật với những cảnh quay hành động mãn nhãn, đặc biệt là các cuộc rượt đuổi xe tốc độ cao, cùng với phong cách điện ảnh độc đáo của Walter Hill. "The Driver" được xem là một trong những tác phẩm kinh điển trong thể loại phim hành động của thập niên 70.
-
"Ludwig" (1973) là một bộ phim tiểu sử của đạo diễn Luchino Visconti, kể về cuộc đời và những biến động của Ludwig II, vua của Bavaria, một nhân vật nổi tiếng với tình yêu nghệ thuật và sự kỳ quái.
Câu chuyện bắt đầu từ khi Ludwig lên ngôi vua và khám phá những mối quan hệ phức tạp của ông với các nhân vật như Richard Wagner, nhạc trưởng và người bạn thân, cũng như các thành viên trong gia đình và chính quyền. Phim mô tả Ludwig như một nhà bảo trợ nghệ thuật, đồng thời cũng là một người cô đơn, bị áp lực bởi trách nhiệm và kỳ vọng từ xã hội.
Với phong cách điện ảnh đầy nghệ thuật, "Ludwig" không chỉ tập trung vào các sự kiện lịch sử mà còn đi sâu vào tâm lý của nhân vật, phản ánh sự đấu tranh giữa khát vọng sáng tạo và những ràng buộc của vương quyền. Bộ phim còn nổi bật với những cảnh quay hoành tráng và âm nhạc đầy cảm xúc, mang đến một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời của vị vua thần bí này.
-
"November" (2022) là một bộ phim tâm lý và chính trị do đạo diễn Rainer Sarnet thực hiện, lấy bối cảnh ở một ngôi làng nhỏ trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết "Rehepapp" của Andrus Kivirähk.
Câu chuyện xoay quanh một cô gái trẻ tên Liina, người đang sống trong một thế giới đầy rẫy những khó khăn và thách thức. Trong bối cảnh hỗn loạn của chiến tranh, cô phải đối mặt với những quyết định khó khăn liên quan đến tình yêu, lòng trung thành và sự sống còn.
Phim mang đậm tính biểu tượng và chứa đựng những yếu tố thần thoại, với những hình ảnh sống động về cuộc sống hàng ngày và những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật. Thông qua câu chuyện của Liina, "November" khám phá những chủ đề về chiến tranh, sự hy sinh và khát vọng tự do.
Với phong cách kể chuyện độc đáo và hình ảnh ấn tượng, "November" đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ cả giới phê bình và khán giả.
-
"Crooks in Clover" (1963) là một bộ phim hài của Anh, do đạo diễn Robert Hartford-Davis thực hiện. Phim xoay quanh một nhóm tội phạm không mấy tinh vi, cố gắng thực hiện một vụ cướp mà không gặp rắc rối.
Câu chuyện bắt đầu khi một nhóm tội phạm lên kế hoạch cho một vụ trộm lớn. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như dự định và họ liên tục gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. Sự vụng về và kém cỏi của các nhân vật tạo ra những tình huống hài hước, khiến người xem không thể không bật cười.
Phim khai thác các chủ đề về tội phạm theo cách nhẹ nhàng, đồng thời mang lại những bài học về sự tham lam và hậu quả của nó. Với phong cách hài hước đặc trưng, "Crooks in Clover" trở thành một tác phẩm giải trí thú vị, phản ánh sự châm biếm đối với thế giới tội phạm.
-
Câu chuyện xoay quanh Charlie Burns (Guy Pearce), một người đàn ông bị buộc phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Anh và anh trai là thành viên của một băng nhóm tội phạm, và khi bị bắt, Charlie được chính quyền đưa ra một thỏa thuận: nếu anh giết người anh trai tàn bạo của mình, Arthur Burns, thì anh sẽ được tha bổng. Ngược lại, nếu không làm như vậy, cả gia đình anh sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.
Trong hành trình của mình, Charlie phải vật lộn với cảm giác tội lỗi, tình cảm gia đình và những giá trị đạo đức. Bộ phim không chỉ là một cuộc hành trình về sự sống còn mà còn đặt ra những câu hỏi về công lý, sự trung thành và bản chất của con người.
-
"The Mad Adventures of Rabbi Jacob" (1973) là một bộ phim hài Pháp do Louis de Funès thủ vai chính. Phim kể về câu chuyện của Rabbi Jacob, một người Do Thái có tính cách hài hước, và ông bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu đầy rắc rối.
Cốt truyện bắt đầu khi một nhà lãnh đạo tôn giáo bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột chính trị. Rabbi Jacob, cùng với một nhóm người khác, phải trốn khỏi một băng nhóm tội phạm và một cuộc săn lùng do chính quyền phát động. Trong khi đó, ông phải giả mạo một người khác để thoát khỏi những tình huống nguy hiểm.
Phim không chỉ mang lại những tình huống hài hước mà còn phản ánh những vấn đề về văn hóa, tôn giáo và sự chấp nhận. Với sự kết hợp giữa hành động, hài hước và thông điệp nhân văn, "The Mad Adventures of Rabbi Jacob" đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong điện ảnh Pháp.
-
Trước khi trình bày cảm nhận của mình về bộ phim, mình lại sa vào một vấn đề khá quen thuộc với khán giả của phim này: Gian hay Gián mới là đúng? Theo nhiều cách giải thích liên quan đến tên và ý nghĩa của phim, vô gián đạo ám chỉ tới A tì địa ngục (avici) hay còn gọi là vô gián địa ngục, nơi chúng sinh mang tội phải chết và tái sinh không ngừng nghỉ, không thực sự chết mà chỉ bỏ thân này thụ thân khác để chịu hành hình đời đời (vô gián). Chữ “gián” này vừa hay cũng là “gián” trong “gián điệp” gợi liên tưởng đến hai nhân vật trung tâm của phim đều là gián điệp của phe đối diện. Tuy nhiên “gian” hay “gián” thì lại vẫn là cùng một chữ tiếng Trung thôi, sao lại có hai cách phát âm thì mình không hiểu nổi.
Ấn tượng tổng thể của mình đối với phim là sự tỉ mỉ trong dàn dựng. Một biểu hiện rõ nét của sự trau chuốt này là phần âm thanh của phim, mà ví dụ điển hình nhất là bản nhạc Forgotten Time. Khi Giang giới thiệu với Lưu về chất lượng loa, bản nhạc phát ra thực sự đi thẳng vào lòng người nghe như lời anh nói. Để có thể so sánh, trong phần 2 Lưu cũng được giới thiệu một bộ loa không tốt lắm, tiếng nhạc nghe kém sâu sắc hơn hẳn bản nhạc anh và Giang cùng ngồi nghe ở đầu phần 1.
Mình nghĩ phim được quay và dựng thực sự tốt. Mình nhớ bản thân đã phải “ồ” lên trong một cảnh quay Lưu trong văn phòng, màn hình xoay trong một chớp mắt như chính tâm trạng anh ta, những cảnh cận của Giang và cô bác sĩ Lý rất tình dù họ đôi khi còn chẳng nhìn nhau, không gian chết lặng sau khi Giang nhìn thấy xác thanh tra Huỳnh như chính tâm trí chết lặng chơi vơi của anh vì người duy nhất chứng thực cái thân phận anh luôn vươn tới không còn nữa. Cảnh gần cuối phim khi Giang chĩa súng vào Lưu cũng là một cảnh ấn tượng. Lưu dù bị còng tay, bị áp giải vẫn quần áo chỉnh tề lịch thiệp như một ngày làm việc nhàn nhã trong sở cảnh sát, còn Giang tuyên bố mình là cảnh sát trong dáng vẻ của một tên du côn. Dù đứng dưới nắng trời rực rỡ, người ta làm sao mà phân biệt được đây? HongKong trong phim không phải chỉ có sân thượng ngập tràn ánh nắng và những quán hàng xập xề tối mù, không phải chỉ có những đường phố đông đúc nhộn nhịp và bến cảng vắng vẻ lạnh lẽo, HongKong còn có những buồng thang máy sáng choang trượt trong khoảng tối nơi người ta bước vào mà không biết mình chẳng thể bước ra.
Bình thường mình không xem nhiều phim điều tra phá án hay phim gián điệp vì cảm thấy kết cấu phim có phần “đoán trước được”. Xét cho cùng đều là quá trình tìm ra tay trong của đối phương trong nội bộ thôi mà. Tuy nhiên bộ phim này không hoàn toàn là như vậy. Mình nghĩ phim không quá tập trung vào việc mô tả quá trình hay các mánh lới phản gián và điều tra nội bộ cũng như không nhiều plot twist đến mức “xoắn não” hay đòi hỏi người xem phải chú ý tới từng chi tiết mà tập trung sâu hơn vào việc khắc họa sự bế tắc về bản ngã của hai con người đã ngụp lặn quá sâu trong môi trường của đối thủ.
Giang là một tên giang hồ thực sự, hay gây gổ đánh lộn, mình đầy vết thương, thân xác gầy gò tóc dài rũ rượi, nhìn là thấy vật vờ lông bông, đến cái sự thật anh là cảnh sát ngoài tự anh nhắc mình cũng chỉ có một người khác trên đời biết. Còn cảnh sát Lưu thì gọn ghẽ sạch đẹp, mặt mày sáng sủa quần áo phẳng phiu, cuộc đời dương quang xán lạn hanh thông dù anh là tay trong của tội phạm. Xuyên suốt cả bộ phim hai nhân vật xuyên qua nhau, xuyên qua ranh giới hai miền chính – tà vốn xoắn quyện vào nhau trong xã hội HongKong tranh tối tranh sáng. Càng về cuối phim sự bế tắc trong nhận định mình là ai, mình nên làm gì, mình có thể làm gì lại càng rõ nét. Và đặc biệt là, dần dần người xem đã phát hiện ra Giang và Lưu không phải những người nằm vùng duy nhất. Thế giới hỗn mang không chỉ đối với họ, mà cả xung quanh họ nữa. Đó mới là vô gián đạo thực sự.
Bộ phim này không tạo cho mình nhiều cảm giác hồi hộp mà nhiều hơn là cảm giác buồn, buồn tú túng như chính bài hát chủ đề Forgotten Time, buồn như quá khứ luôn ngập tràn tâm trí, ám ảnh người ta trong hiện tại, cái tôi không nói nên lời trong mỗi người. Cảnh sát Lưu yêu thích bài hát này đến thế, có lẽ cũng bởi vì nó diễn tả đúng cảm xúc của anh ta.
Bộ phim này cũng thực sự buồn khi đến cuối phim, cả thanh tra Huỳnh và Giang đều chết, nhất là Giang, sau bao tháng ngày khổ sở đằng đẵng mong đợi được làm một người đàng hoàng, được ngồi làm việc bên cửa sổ nhìn ra biển, sau gần 10 năm trời biến mình thành một tên côn đồ thực sự chỉ để được sống quang minh chính đại, lại chết ngay khi tưởng như anh đã giải quyết được vấn đề dai dẳng suốt 10 năm này, sau khi thanh tra Huỳnh và Cường chết để bảo vệ anh. Ít nhất đối với Lưu, anh ta còn sống, anh ta đã đưa ra vài lựa chọn đúng, dù đó là cái đúng ích kỉ để bảo vệ chính mình, dù sau đó anh ta dằn vặt đau khổ, thì anh ta vẫn sống dưới ánh mặt trời. Anh ta vẫn còn cơ hội lựa chọn. Giang thì khác, đi từ chỗ hăm hở tiến vào hàng ngũ tội phạm, rồi vất vưởng ba năm lại ba năm rồi lại ba năm, số người biết anh thực sự là cảnh sát từ hai chỉ còn một, rồi chẳng còn ai, rồi kết thúc mệt mỏi, rồi chết ngay khi chiến thắng đã gần kề. Giang đã luôn kiên định với lựa chọn ban đầu, nhưng hồi báo của anh không như anh mong đợi. Trong bộ phim này mình nghĩ nhân vật của Lưu là một nhân vật có nhiều không gian để khai thác hơn, bởi cuộc đời anh ta có nhiều khúc quanh hơn, có nhiều trăn trở và lựa chọn hơn.
Nếu có điểm gì đó khiến mình không hài lòng ở phim này, thì có lẽ đó là việc giản lược cuộc đời Giang. Có lẽ vì nhân vật này của Lương Triều Vĩ thực sự đánh động mình, nên mình cảm thấy muốn biết nhiều hơn về anh ta, về những dằn vặt trong bản ngã của anh, những lúc dao động, những lúc chán nản, những lúc muốn buông xuôi, những mối tình dang dở, những vết thương, … Screentime của Giang cũng như chính cuộc đời nhân vật, đã định trước là phải chìm vào bóng tối.
Sau khi xem phim mình đã xem cả phần 2 và phần 3, những phần mình nghĩ có thể tính là phiên ngoại của phim. Phần 2 là những chuyện xảy ra trước câu chuyện chính. Phần này cũng lại là một cuộc chiến mà phía cảnh sát thiệt hại nặng và nó cũng không đi sâu vào phá án mà tập trung hơn vào sự pha trộn trong bản chất mỗi người. Ta có thể thấy rõ hơn quá trình phát triển của cả Lưu và Giang để tới vị trí của họ trong phần 1. Câu chuyện về Giang rõ nét hơn, Lưu trở nên đời hơn với tình cảm ngây ngô mà bền bỉ với Mary, thanh tra Huỳnh cũng lộ rõ những điểm yếu trong thủ pháp không mấy quang minh chính đại của mình.
Phần 3 làm mình cảm giác như bị ép phải sản xuất thêm ^^. Nó dường như là một phần câu chuyện khác, được cố ghép vào câu chuyện của phần 1. Những nhân vật mới xuất hiện xen vào giữa nhóm nhân vật cũ, những tình tiết mới xuất hiện xen vào các tình tiết cũ, vẫn chỉ để khắc sâu ý tưởng chung của phần 1. Mình có cảm tưởng phần 3 chỉ làm được duy nhất một việc mà phần 1 chưa hoàn thành, là bóc trần thân phận của Lưu, mang lại cảm giác công lý phải được thực thi. Đó vẫn là một cuộc chiến mà phía cảnh sát tổn thất nghiêm trọng, và Lưu vẫn sống trong khi đối thủ của anh ta đã chết. Điều đó càng củng cố cho mình niềm tin rằng Lưu mới là nhân vật trung tâm thực sự của loạt phim này, kẻ thực sự bị vây hãm trong vô gián đạo mãi không thoát nổi.
Mình khá thích tình tiết cô bác sĩ Lý dùng cách nào đó (hoặc chẳng dùng cách nào cả) khiến Lưu tưởng rằng mình là Giang, và tìm mọi cách bắt chính bản thân mình, đó có lẽ là plot twist tốt nhất của loạt phim này. Cốt truyện sẽ rõ ràng hơn nếu cô Lý có nhiều screentime hơn, hay kịch bản đi sâu hơn vào phần thủ pháp. Nhưng cũng như phần 1, trọng tâm của phim chưa bao giờ là việc phá án, mà là những mâu thuẫn sâu sắc trong nội tâm nhân vật, nên thay vì thấy cô bác sĩ dẫn dắt Lưu, ta chỉ thấy Lưu tự mắc kẹt, tự quằn quại vùng vẫy trong nhà tù tâm trí.
-
"Infernal Affairs III" (2003) là phần cuối của bộ ba phim nổi tiếng "Infernal Affairs" từ Hồng Kông. Nội dung phim tiếp tục khai thác cuộc chiến giữa cảnh sát và mafia, với những mối quan hệ phức tạp và những cú twist bất ngờ.
Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính: Lau Kin-ming (do Tony Leung đóng), một cảnh sát chìm đang cố gắng duy trì danh tính của mình trong khi làm việc trong tổ chức tội phạm, và Yan (do Andy Lau đóng), một điệp viên nằm vùng trong cảnh sát. Phim diễn ra sau sự kiện của phần hai, khi cả hai nhân vật đều phải đối mặt với những hậu quả từ những lựa chọn của mình.
Trong phần này, một nhân vật mới xuất hiện, giúp làm sáng tỏ những bí mật và căng thẳng giữa các bên. Phim khám phá sâu hơn về tâm lý của các nhân vật, cũng như những khía cạnh về sự phản bội, trung thành và sự hy sinh.
Cuối cùng, phim dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng, với những quyết định khó khăn và các tiết lộ khiến người xem không thể ngờ tới. "Infernal Affairs III" không chỉ là một phần kết hấp dẫn mà còn là một tác phẩm sâu sắc về con người và các mối quan hệ phức tạp trong xã hội.
-
Nghê Khôn – trùm xã hội đen bị sát hại. Nghê Vĩnh Hiếu – đứa con trai, lên kế vị và phát hiện ra viên cảnh sát trẻ Trần Vĩnh Nhân là con trai riêng của cha mình. Vĩnh Nhân bị đuổi khỏi sở cảnh sát.
Đội trưởng Huỳnh nhận Nhân làm tay trong để điều tra về gia đình của Nghê Vĩnh Hiếu. Nhưng Vĩnh Hiếu rất cao tay, đã tìm ra được bằng chứng cho thấy chính Huỳnh cấu kết với mary, vợ của hán Thẩm, đã sai người giết cha hắn. Nghê Vĩnh Hiếu cho đàn em báo thù, nhưng Huỳnh và Hán Thẩm thoát chết.