Jump to content

Joker

Quản Trị
  • Joined

Everything posted by Joker

    • 0 downloads
    Hãy để thằng bé đi - Let Him Go là một bộ phim chính kịch của Mỹ được sản xuất vào năm 2020, được viết và đạo diễn bởi Thomas Bezucha, dựa trên cuốn tiểu thuyết năm 2013 cùng tên của nhà văn Larry Watson. Bộ phim có sự tham gia của Kevin Costner trong vai cảnh sát trưởng đã nghỉ hưu và Diane Lane vợ ông lên đường tìm đứa cháu trai duy nhất của họ sau khi con trai họ qua đời. Mở đầu câu chuyện, Blackledge cùng chung sống với gia đình của cậu con trai gồm James, vợ anh Lorna(Kayli Carter) và đứa con trai sơ sinh tên là Jimmy. Nhưng khi James mất trong vụ tai nạn khi cưỡi ngựa, thế giới vốn dĩ rất yên bình của họ bỗng dưng tan biến. Vài năm sau, Lorna tái hôn với Donnie Weboy (Will Brittain), nhưng những dấu chỉ chẳng lành đến ngay từ buổi lễ thành hôn, khi Lorna đưa má của mình cho Donnie khi cậu ta đang cố hôn môi cô ấy. Sau cuộc gặp tình cờ trong thị trấn, Margaret đã nhìn thấy Donnie đánh cháu trai bé nhỏ của cô và Lorna cũng bị đánh, điều quan trọng là Lorna không thể bảo vệ đứa con của mình. Cách biểu cảm khi biết cháu trai mình đang gặp nguy hiểm, từ xa qua cửa kính chắn gió của chiếc xe cũ mang lại một sức hút đáng kinh ngạc, dễ dàng nhận thấy nỗi kinh hoàng và giận giữ trên khuôn mặt của Margaret. Quyết tâm đi giải cứu cháu trai duy nhất của mình, Marget đã nhanh chóng đưa ra quyết định mà không cần suy nghĩ. Một chiếc bánh chanh thơm được làm gọn đẹp với nụ cười tươi, nhưng khi đến thị trấn thì cô nghe tin cháu trai của mình đã được bố mẹ đưa đi tới một nơi xa. Sau đó cả hai vợ chồng già đã quyết định mạo hiểm tới Bắc Dakota để gặp cháu trai của mình, hiện đang ở tại gia đình Weboy. Sau khi tìm được đến nơi, họ chợt nhận ra mình phải đối mặt với Blanche Weboys (Lesley Manville) - một người mẹ đầy quyền lực trong gia đình nhiều thế hệ.
    • 0 downloads
    Last Year at Marienbad (1961) là một bộ phim nghệ thuật do Alain Resnais đạo diễn, nổi bật với phong cách kể chuyện phi tuyến tính và hình ảnh ấn tượng. Nội dung phim xoay quanh một cuộc gặp gỡ tại một khách sạn sang trọng, nơi một người đàn ông (do Giorgio Albertazzi thủ vai) cố gắng thuyết phục một người phụ nữ (do Delphine Seyrig thủ vai) rằng họ đã gặp nhau năm trước tại Marienbad và có một mối quan hệ tình cảm. Phim đi sâu vào những chủ đề như trí nhớ, thực tại và ảo tưởng, với cấu trúc không theo trình tự thời gian, tạo ra một bầu không khí bí ẩn và khó hiểu. Những cuộc đối thoại giữa các nhân vật thường đầy tính ngụ ý và gợi mở, khiến khán giả phải tự suy ngẫm về ý nghĩa và sự thật của câu chuyện. Với hình ảnh đẹp và âm nhạc ám ảnh, "Last Year at Marienbad" đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong điện ảnh, khơi gợi nhiều cuộc tranh luận và phân tích về cách mà chúng ta nhớ và cảm nhận thời gian.
    • 0 downloads
    Review Kingdom of the Planet of the Apes (Hành Tinh Khỉ: Vương Quốc Mới): bộ phim có thời lượng dài 2 giờ 25 phút, dài nhất trong số các phần phim trước đây. Nó dễ hiểu vì để có thể mô tả tất cả những sự kiện diễn ra trong phim và giữ nhịp điệu như nhưng bộ phim trước thì đây là khoảng thời gian phù hợp, mặc dù cá nhân vẫn cảm thấy phần cuối phim giải quyết khá vội vàng. Nửa đầu của Kingdom of the Planet of the Apes tạo được sự hấp dẫn, mới mẻ so với nền tảng cốt truyện quen thuộc. Tuy nhiên nửa sau phim lại không giữ được điều đó khi phim bộc lộ các lỗ hổng logic, miễn cưỡng phát triển các tình tiết một cách vụng về để kết thúc câu chuyện và tạo nền móng cho những phần phim tiếp theo được lên kế hoạch. Kingdom of the Planet of the Apes có thể được xem là một phần phim độc lập mới, chỉ sử dụng lại nền tảng câu chuyện về trái đất hậu tận thế sau khi một loại thuốc dựa trên virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm đã khiến cho loài khỉ trở nên thông minh hơn và loài người thì dần ngu ngốc đi. Một chú khỉ Caesar đã dẫn dắt giống loài của mình bắt đầu hành trình tiến hoá đầu tiên và sau đó trở thành huyền thoại. Tuy nhiên thế giới 300 năm kể từ khi Caesar qua đời dường như đã đi chệch với những gì mà ông mong muốn. Loài khỉ giờ đây được chia thành hai nhóm và cả hai đều xuyên tạc mong muốn của Caesar khi một bên tránh xa con người hết sức truyền bá những điều tệ hại về loài người, bên kia lại muốn trở thành kẻ thống trị thật sự giống như con người lúc trước. Trong khi con người vì chịu ảnh hưởng của virus nên dần trở nên giống khỉ và không thể nói chuyện được nữa. Và Kingdom of the Planet of the Apes dựa trên bối cảnh đó để xoay quanh câu chuyện về Noa (Owen Teague), một chú tinh tinh bình thường đã khiến cả tộc mình bị tộc khỉ đeo mặt nạ bắt làm nô lệ. Noa vượt qua những nỗi sợ về việc bước ra khỏi thế giới quen thuộc của mình nhằm tìm cách đưa những người trong tộc về nhà. Trên đường đi cậu gặp Raka (Peter Macon) một chú khỉ luôn gìn giữ những di sản của Caesar và Mae (Freya Allan), một trong những con người cuối cùng không bị ảnh hưởng của virus. Hành trình của ba người với ba tư tưởng khác nhau đã tạo nên một sự kết hợp hấp dẫn trong mối quan hệ giữa con người và loài khỉ. Phim không có nhiều yếu tố hài hước nhưng tương tác của cả ba đem đến sự châm biếm nhẹ nhàng khi vai trò của họ bị đảo ngược với nhau. Kingdom of the Planet of the Apes là bộ phim khoa học viễn tưởng hậu tận thế tiếp nối thành công từ bộ ba Rise of the Planet of the Apes (2011), Dawn of the Planet of the Apes (2014) và War for the Planet of the Apes (2017). Nhịp điệu phim không có nhiều thay đổi so với các tác phẩm trước và nhờ đó nó tạo được một mở đầu tương đối hấp dẫn. Đưa người xem tiếp xúc với một nền văn minh mới của loài khỉ, giới thiệu nhân vật chính Noa còn có chút vụng về và thiếu sót. Bộ phimKingdom of the Planet of the Apes tiến vào những cảnh hành động mạnh mẽ hơn cho các phần kịch tính sau đó. Tuy nhiên so với những phần phim trước yếu tố hành động của phim không được đánh giá cao, thậm chí có chút hời hợt và kết thúc đơn giản. Có vẻ như phim tập trung vào các triết lý nhân sinh, mối quan hệ giữa loài người và loài khỉ, cũng như các bước tiến hoá nhẹ nhàng theo chân hành trình trưởng thành của Noa. Mối quan hệ giữa Noa và Mae mang đến cảm xúc khi dường như cả hai đều có hành trình tương tự nhau đối với giống loài của mình, mặc dù câu chuyện của Mae không được mô tả khá sâu. Dù phần chuyển biến trong quan điểm của Noa khá miễn cưỡng lúc đầu, nhưng sau đó mọi thứ dần tốt hơn (tất nhiên không có gì sâu sắc trong cốt truyện này cả, nó chỉ hợp lý hơn chút thôi) và nhờ đó bộ phim đã tạo dựng được một mối liên minh yếu ớt giữa hai giống loài cho những gì xảy ra trong tương lai sau này. Phần được đánh giá tốt nhất của Kingdom of the Planet of the Apes có lẽ là hình ảnh nhờ kỹ thuật quay và các hiệu ứng đặc biệt. Bối cảnh một thế giới hậu tận thế với tàn dư còn sót lại của con người và cảnh vật thiên nhiên như thời tiền sử đan xen mang đến bầu không khí khá tốt. CGI cho loài khỉ cũng được thực hiện chi tiết, một vài nhận định cử động của loài khỉ hơi giống người, nhưng có thể đây là ý đồ cho sự tiến hoá. Vì Kingdom of the Planet of the Apes khai thác khá nhiều tuyến truyện cùng một lúc: hành trình trưởng thành của Noa, mối quan hệ giữa loài người và khỉ, cuộc đấu tranh nội bộ giữa hai tộc khỉ, đặt các nền tảng tương lai cho những phần phim tiếp theo… nên phim có cảm giác ôm đồm và không thật sự khai thác một cách sâu sắc được bất cứ vấn đề nào. Người xem cảm thấy phim làm khá tỉ mỉ cho phần mở đầu, nhét tá lả thứ ở phần giữa và kết thúc vội vã cho phần kết.
  1. Joker posted a file in Điện Ảnh
    • 0 downloads
    Drive (2011) là kiểu phim hành động hiếm còn được chứng kiến trên màn ảnh rộng nữa. Và điều đó thật đáng buồn. Drive của đạo diễn Nicolas Winding Refn chứng minh thể loại hành động không nhất thiết phải trở thành một bộ phim cháy nổ vô hồn để hấp dẫn người xem. Sử dụng đúng lúc, hai chữ hành động (action) có thể làm nên một kiệt tác. Drive kể về một tay tài xế không được gọi tên (Ryan Gosling). Chúng ta hãy tạm gọi anh ta là Tay Lái. Ban ngày, anh ta làm nghề đóng thế trong các bộ phim, chuyên những cảnh đua xe nguy hiểm. Về đêm, Tay Lái nhận chở các tên cướp tẩu thoát khỏi phi vụ của chúng. Tuy nhiên, Tay Lái chỉ cho chúng 5 phút kể từ khi xe chạy. Sau 5 phút, dù cho lũ cướp có là ai hay xe đang ở đâu, Tay Lái sẽ đứng dậy, mở cửa và quay người ra đi, bất chấp lũ cướp có đến được điểm an toàn hay không. Luật lệ kỳ quặc là thế, Tay Lái vẫn “đắt hàng” những tên cướp cần một chiếc xe tẩu thoát. Nhưng rồi anh ta dính vào lưới tình với người phụ nữ và đứa con của cô ấy, vô tình đẩy bản thân vào tham vọng của một tên Mafia nguy hiểm. Drive có xe cộ, có những đường lái đẹp, tiếng gầm rú của động cơ và những pha đối đầu đẫm máu, nhưng Drive không phải là một bộ phim về tốc độ kết hợp trộm cướp. Trên thực tế, Drive là một bộ phim mang sắc thái hoài cổ của thể loại hành động vào những năm 90, có nét thành thị cổ điển của thể loại “pulp”, đậm đặc phong thái của “phim noir”, một cốt truyện điển hình của thể loại hành động hiện đại và sự bức phá đáng ngạc nhiên. Phim hành động lâu nay luôn được gắn liền với nhịp điệu nhanh, tiết tấu dồn dập và những màn cháy nổ dữ dội. Nhất là sau sự thành công của thương hiệu Fast & Furious, công thức này càng nhận được sự tin tưởng của các nhà làm phim. Vậy mà Drive và đạo diễn Refn lại tiếp cận câu chuyện hoàn toàn ngược lại: mở màn thật chậm rãi với các pha đối đầu rãi rác. Thật kỳ lạ là một phim hành động lại chọn xếp yếu tố này ra sau, nhưng ở đây, Refn đã làm điều đó vô cùng hiệu quả. Drive diễn ra theo hướng dồn nén dần để bùng nổ đúng lúc. Sau cuộc rượt đuổi gây cấn đầu phim, phim rơi vào phân đoạn trầm lắng và yên tĩnh hơn. Trong chính khoảng lặng này, Tay Lái được thể hiện dưới góc nhìn mềm mại và lãng mạn hơn. Nhưng đó không phải kiểu lãng mạn ướt át. Ryan Gosling thể hiện vẻ mong manh của bản thân trước tình yêu dành cho Irene (Carey Mulligan) qua ánh mắt sâu thẳm biết nói. Nhân vật của anh vốn đã nói rất ít trong đây. Nhưng cử chỉ lại thay lời một cách hoàn hảo. Yếu tố lãng mạn này được truyền tải thật âm trầm và lặng lẽ với độ thân mật cao. Nó được thể hiện với sự thấu cảm đến từ 2 phía mà không cần đến bất cứ lời thoại nào – điều được củng cố bởi diễn xuất điệu nghệ của dàn diễn viên (ngay cả các nhân vật phụ). Sự mong manh Gosling thể hiện, dù khá ngắn ngủi tạo nên sự tương phản với không gian quánh đặc của phim, nơi mà người xem đã âm thầm biết được biến cố nào đó sẽ xảy đến ngay thôi. Quả thật không lâu, chồng của Irene ra tù, đoàn tụ với vợ con. Và nam chính lại quay về với cái vỏ lặng im của mình. Như thường lệ, không cần đến một lời thoại nào, Ryan cũng nhấn nhá được sự thay đổi của nhân vật mà anh đóng. Cũng trong sự lặng yên này của phim, Ryan Gosling làm được nhiều hơn tất thảy với vai diễn Tay Lái. Không chỉ ở bề mặt diễn xuất, Tay Lái để lại ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. Lầm lì là thế, Tay Lái truyền tải được nét bí ẩn vô cùng cuốn hút. Rõ ràng là nhân vật này có nhiều hơn để kể, nhưng Drive lai không đào sâu bằng phân đoạn hồi tưởng hay lời kể của nhân vật khác. Ngược lại, phim cho hành động của nhân vật thế chỗ các phân đoạn này. Và sự bí ẩn vẫn lẩn quẩng nhân vật cả bộ phim. Nó có làm Tay Lái thêm thu hút không? Có đấy, mà vẻ lãng tử của Gosling chỉ đóng góp một phần nhỏ trong đây. Tay Lái gợi nhớ cho các mọt phim cứng hình ảnh của huyền thoại Clint Eastwood thời mà ông còn làm chủ mảng phim hành động với gương mặt góc cạnh và sự nam tính trầm tĩnh nguy hiểm. Và cũng giống Eastwood của thập niên 90 trong Unforgiven (1992) và Bridges of Madison County (1995), Tay Lái bộc lộ nét ngang tàng, phản anh hùng không khoan nhượng, cũng là sự chơi vơi không có nơi thuộc về, đã quen với cuộc đời lang bạt, nhưng cũng có khao khát tình yêu hoặc một mái ấm. Dù luôn giữ vẻ mặt lạnh, sự cô độc của anh ta vẫn rỉ ra xung quanh. Trong khi Ryan hài hòa hai khía cạnh hiếm khi nằm trong một nam chính trong thể loại “action film” ngày nay, thì Refn rất mát tay trong việc hài hòa sự bạo lực thuần túy chỉ có trong phim hành động hạng B, chất tội phạm băng đảng của thập niên mà A Few Good Men ra đời và sự trữ tình mà nhân vật chính đem lại. Hệ quả là chúng ta đươc chiêm ngưỡng các cảnh quay vô cùng đậm chất nghệ trên các ca khúc du dương làm phim thêm phần ma mị đúng lúc. Drive có nhiều cảnh phim đắc giá. Phân cảnh thể hiện hết cái chất của Refn là khi nam chính trao cho Irene một nụ hôn nồng cháy trong thang máy, trước một tên sát thủ đang lăm le bạo lực. Và sau sự trầm tĩnh của khoảnh khắc ấy, mọi thứ lại bùng nổ khi Tay Lái dẫm nát đầu của hắn ta trước mặt người tình. Drive đi ngược với số đông về cách kể chuyện. Kịch bản không hề mới và dễ đoán của phim lại được thể hiện với sự phá cách và diễn xuất không thể xuất sắc hơn đến từ mỗi diễn viên trong đây (ngay cả phản diện cũng không hề một màu kia mà). Các cảnh quay đẹp. Và quan trọng là nhân vật – cái hồn của phim – được trau chuốt và nhân tính hóa. Nhưng hiện tại, chúng ta hiếm khi có cơ hội được xem những phim như thế này. Trong bối cảnh các khán giả tìm đến phim hành động mong mỏi các pha cháy nổ, tốc độ và các người hùng một màu để tạm thời thoát ly thực tại. những bộ phim như Drive có vẻ là một canh bạc mạo hiểm. Nhiều khi các bộ phim như Drive sẽ biến mất trong tương lai và đó thật đáng buồn.
    • 0 downloads
    Tại 1 quán Bar ở Tabasco, Mexico, 1 người Mỹ tên Buscemi kể lại chuyện anh ta gặp một người mang đồ đen với một hộp guitar chứa đầy súng gây ra vụ thảm sát một băng nhóm tội phạm tại một quán bar. Mọi người không quan tâm cho đến khi Buscemi đề cập đến cái tên "Hội Trưởng". Trong lúc đó, Mariachi trải qua một giấc mơ khi gặp lại Moco-tên trùm ma túy đã bị anh giết chết ở phần trước. Tuy nhiên Moco thực chất cũng chỉ là một ông trùm nhỏ dưới quyền một ông trùm lớn hơn là Hội Trưởng. Khi Buscemi đến, Mariachi thức giấc tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm và trả thù Hội Trưởng. Trên đường đi, Mariachi đã gặp một cậu bé được tiết lộ là có người cha chơi guitar. Anh dạy cho cậu bé một số thuật chơi guitar. Tại quán bar ở Tabasco, Mariachi đã có một trận đấu súng với một băng nhóm tội phạm của Tavo-tên thuộc hạ của Hội Trưởng và kết quả là anh giết hết chúng trong đó có cả Tavo. Tuy nhiên sau trận đấu súng, anh bị thương nặng do đã che chắn cho 1 người phụ nữ tên là Carolina. Cô đưa anh về hiệu sách của mình để cứu chữa vết thương. Biết tin, Hội Trưởng liền đến quán bar để điều tra vụ thảm sát. Hắn điên cuồng ra lệnh cho các đàn em phải săn lùng bằng được người mặc đồ đen. Tại hiệu sách, Carolina đã cứu chữa vết thương cho Mariachi. Trong lúc anh ngủ, cô vô tình phát hiện ra chiếc cặp guitar chứa đầy súng và đồng thời biết anh là ai. Mariachi nhờ cô tìm ra chỗ ở của Hội Trưởng nhưng cô từ chối. Mariachi đến nhà thờ nói chuyện với Buscemi. Buscemi cố gắng thuyết phục Mariachi rửa tay gác kiếm vì cho rằng việc trả thù sẽ chẳng đi đến đâu. Bên ngoài nhà thờ, 1 người đàn ông lạ mặt mặc đồ đen phóng dao giết chết Buscemi và khiến Mariachi bị thương. Cùng lúc đó, nhóm sát thủ của Hội Trưởng xuất hiện và giết chết người đàn ông lạ mặt đó vì lầm tưởng hắn mặc đồ đen. Hội Trưởng nhận ra các thuộc hạ của hắn đã giết lầm Navajas, tên sát thủ được một băng đảng ở Colombia gửi đến để săn lùng El Mariachi. Về phần El Mariachi, anh bị thương, bị sốc vì cái chết của người bạn thân Buscemi, gặp lại đứa trẻ chơi guitar. Anh phát hiện ra rằng bên trong cây đàn thực chất là ma túy giấu bên trong. Anh còn biết mọi người trong thị trấn đều làm việc cho Hội Trưởng. Anh trở về và phát hiện thêm hiệu sách của Carolina đang được chính Hội Trưởng bảo kê. Cùng lúc đó Hội Trưởng bất ngờ ghé thăm hiệu sách. Carolina vội vàng giấu Mariachi và giả vờ không biết cuộc đấu súng ở quán bar. Mariachi được Carolina cứu chữa vết thương lần nữa. Cô còn tặng anh cây guitar mới và chỉ dạy cho anh cách chơi lại guitar. Giữa 2 người nảy sinh tình cảm say đắm. Trong lúc đó, Hội Trưởng phát hiện Carolina đang nói dối hắn. Vào một buổi sáng, 1 toán sát thủ tìm đến và tấn công hiệu sách của Carolina. Mariachi và Carolina cùng nhau chiến đấu và chạy thoát nhưng hiệu sách bị đốt cháy. Mariachi trông thấy Hội Trưởng rút súng định bắn hắn nhưng cuối cùng anh lại không bóp cò khiến Carolina cảm thấy khó hiểu. Anh và cô chạy trốn đến một khách sạn trong tâm trạng rối bời. Hội Trưởng tập hợp tất cả đàn em lại và kiên quyết giết hết những ai khả nghi. Nhận thấy băng Hội Trưởng săn lùng quyết liệt, Mariachi nhờ đến sự giúp sức của Campa và Quino cũng là 2 sát thủ có tiếng. Cả ba người tham gia cuộc giao tranh quyết liệt với băng nhóm của Hội Trưởng. Sau cuộc giao tranh cả Campa và Quino đều hi sinh trong khi Mariachi phát hiện cậu bé chơi guitar mà anh đã gặp bị thương liền đem cậu bé vào bệnh viện chữa trị. Không còn cách nào khác, Mariachi và Carolina liền quyết định đến gặp Hội Trưởng. Một sự thật trớ trêu Hội Trưởng chính là Cesar là anh trai ruột của chính Mariachi-tên thật là Manito. Hội Trưởng ép Mariachi rời đi với điều kiện sẽ giết Carolina vì cô phản bội hắn. Không thể cảm hóa được anh trai mình, Mariachi buộc phải rút súng giết chết hắn cùng với các thuộc hạ của hắn. Cả hai người đến thăm cậu bé ở bệnh viện. Mariachi tự ra đi một mình. Tuy nhiên Carolina đã bắt kịp anh. Cả hai lái xe và mang theo hộp đựng guitar chứa đầy súng. Vai diễn
    • 0 downloads
    Jean-Luc Godard. Jean-Luc Godard. Jean-Luc Godard. Huyền thoại điện ảnh Pháp, cũng là huyền thoại điện ảnh thế giới. Không một ngôn từ nào, không một bài xã luận đơn thuần nào có thể nói hết được nghệ thuật điện ảnh của Godard, dù nhiều người đã cố, và cũng có nhiều người thất bại. Godard vẫn làm cái việc mà ông làm giỏi nhất: làm ra một bộ phim mà để người ta hoảng hốt khi nó ra đời, nhưng hăng say tận hưởng nó, và vẫn cứ tiếp tục bàn tán về nó cho đến mãi sau. Alphaville là một sản phẩm đậm chất Godard, với một cách làm phim dị biệt mà theo ông mô tả là "lao vào rạp chiếu bóng như những người tối cổ lần đầu bước vào Cung điện Versaille của Louis XV" (nguyên văn: "We barged into the cinema like cavemen into the Versailles of Louis XV" [1]), cùng thời với những François Truffaut hay Agnès Varda giữa Làn sóng mới (tiếng Pháp: La Nouvelle Vague). Cách Godard tiếp cận đề tài và nhào nặn kịch bản theo đúng hình hài mà ông tìm kiếm là điều thú vị bậc nhất khi xem phim của ông, mà điều này chúng ta sẽ được thấy rất rõ trong Alphaville. Alphaville được công chiếu lần đầu tại Pháp vào năm 1965. Kịch bản do chính Godard chắp bút, nhưng mang nhiều màu sắc ứng biến. Trong phim, nam diễn viên người Mỹ Eddie Constantine thủ vai chính Lemmy Caution, và Anna Karina - nàng thơ của Làn sóng mới Pháp, trong vai Natacha von Braun. Phim đã giành giải Golden Bear tại Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 15. Phim lấy bối cảnh vị thám tử Lemmy Caution trong một lần thực hiện nhiệm vụ tại Alphaville - một thành phố vị lai với chính quyền, dân cư và cách thành phố vận hành khác xa với thành phố New York truyền thống. Nhiệm vụ của Caution trong phi vụ lần này là tìm hiểu về sự mất tích của một nhân vật bí ẩn, cũng như là tìm cách giải phóng thành phố khỏi sự trị vi độc tài này. Trong suốt quá trình phá án thì Caution dẫn người xem đi vào từng ngõ ngách nhỏ của thành phố, gặp những con người, những cái máy vô hồn, từ đó phê phán một xã hội giả định, mà ở đó người dân không có quyền nói lên tiếng nói, nơi mà họ chỉ giống như những cái máy di động, sống và làm việc dưới chỉ thị của cấp trên, nơi mà việc suy nghĩ, trí tò mò bị cho là lạ thường và bị cấm đoán. Ý tưởng này thực chất hết sức quen thuộc, đối với cả điện ảnh và văn chương. Một chủ đề tương tự đã được George Orwell khai thác trong hai tác phẩm để đời của ông là 1984 và Trại súc vật (Animal Farm), nhưng Alphaville đã đưa được yếu tố công nghệ vào, mô tả cái cách nó điều khiển xã hội loài người mà các phim trước đó chưa làm được. Alphaville cũng là một xã hội rất khác với xã hội nổi loạn trong The Matrix, hay một xã hội thiếu vắng tự do ngôn luận và tự do cá nhân như V for Vendetta - một bộ phim dystopian (tương lai giả tưởng) mà mình đặc biệt yêu thích. Phim là một sản phẩm đậm chất Godard, đậm chất Pháp và cũng vì thế nên nó tương đối khó xem, khó theo dõi. Đối với đối tượng khán giả tìm kiếm một bộ phim giải trí thông thường, thì Alphaville có lẽ không phải là một sự lựa chọn sáng suốt. Suốt phim, bạn sẽ được dẫn đi với đôi mắt mở to và cái đầu không được phép ngừng suy nghĩ, vì nếu không bạn sẽ bỏ lỡ chi tiết. Phim thực hiện đúng tuyên ngôn làm phim kiểu mới, "show, not tell" (chỉ cho thấy, chứ không kể), nên nếu bạn không phải là một fan của dòng phim hàn lâm hay phim noir, và cũng chưa từng có dịp tiếp xúc với dòng phim Làn sóng mới của Pháp, thì Alphaville sẽ không phải là phép thử phù hợp. Cuối cùng thì làm phim nhằm mục đích gì nếu không thể truyền tải được một thông điệp có tính ảnh hưởng đến người xem? Alphaville là một xã hội mà ở đó người và máy như một, con người được mã hóa, gắn số và bị điều khiển. Dù được viết ra dưới dạng giả định, nhưng điều gì làm chúng ta dám chắc rằng trong tương lai sẽ không lặp lại những điều đã thấy trên màn ảnh? Dù gì, con người vẫn sẽ phấn đấu không ngừng nghỉ cho một xã hội mà ở đó mọi thứ đều hoàn hảo, hiệu quả kinh tế cao, đời sống được công bằng. Câu hỏi ở đây lại là: Để đạt được điều đó, điều chúng ta phải đánh đổi lại là gì? [1] Brody, Richard, Everything is Cinema: The Working Life of Jean-Luc Godard, Henry Holy & Co., 2008, pg. 72.
    • 0 downloads
    "The Last Unicorn" là một bộ phim hoạt hình được phát hành vào năm 1982, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Peter S. Beagle. Bộ phim kể về một con kỳ lân duy nhất, không biết rằng mình là con cuối cùng của loài, cho đến khi nghe được tin rằng các đồng loại của mình đã biến mất. Nội dung chính xoay quanh hành trình của kỳ lân, do Mia Farrow lồng ghép giọng nói, khi cô quyết định rời bỏ rừng để tìm kiếm những con kỳ lân khác. Trong hành trình, cô gặp gỡ nhiều nhân vật, bao gồm một thợ săn tên là Schmendrick, do Jeff Bridges lồng ghép giọng nói, và một cô gái tên Molly Grue. Schmendrick, một phù thủy không thành công, và Molly trở thành bạn đồng hành của kỳ lân trong cuộc phiêu lưu. Họ phải đối mặt với những thử thách và kẻ thù, bao gồm một nữ hoàng độc ác, người đã bắt giữ các kỳ lân để giữ cho vương quốc của mình không bị lãng quên. Bộ phim khám phá các chủ đề về sự mất mát, tìm kiếm bản sắc và sức mạnh của tình bạn. Phim nổi bật với hình ảnh đẹp và âm nhạc ấn tượng, đặc biệt là bài hát "The Last Unicorn" do nhóm nhạc America thể hiện. Phim được yêu thích không chỉ bởi trẻ em mà còn bởi những người lớn, nhờ vào thông điệp sâu sắc và yếu tố huyền bí mà nó mang lại.
    • 0 downloads
    Hoàng hôn buông xuống Tử Cấm Thành. Ở lối vào, một ông lão đang mua chiếc vé cuối ngày để xem ngai vàng. Khi nhìn thấy xung quanh không có ai, ông lão bước lên chiếc ngai vàng đó. Đột nhiên một chú bé chạy tới, nhắc ông không được làm vậy. Ông lão nói cho chú bé rằng ông có thể làm vậy, bởi ngai vàng từng là nơi ông ngồi. Trong lúc chú bé băn khoăn không biết có phải liệu ông già này đã mất trí hay không? thì ông lão đã mau chóng quay ngai, lôi ra từ phía sau đó một chiếc hộp đựng dế tặng cho chú bé. Sau đó ông lão biến mất. Nhưng số phận của ông thì hoàn toàn không thể biến đi khỏi tâm trí của nhiều người, nhất là sau khi họ xem bộ phim “Hoàng đế cuối cùng” (The Last Emperor, năm 1987) của đạo diễn Bernardo Bertolucci. Bộ phim dựa trên cuốn tự truyện của cựu hoàng đế Phổ Nghi. Người trên muôn người Trong thời đại phong kiến, số mệnh của mỗi con người gắn liền với địa vị xã hội của cha mẹ và nơi chốn họ sinh ra (nếu điều này vẫn đúng ở hiện tại thì sự ám ảnh của chế độ phong kiến thật đáng sợ). Cá nhân ấy được ban cho mọi thứ (hoặc lấy đi mọi thứ) để giữ vững trật tự xã hội có lợi nhất cho việc củng cố quyền lực của tầng lớp cai trị. Phổ Nghi với các điều kiện: 03 tuổi, mang dòng họ Ái Tân Giác La, được Từ Hi Thái Hậu chỉ định là đã quá đủ để lên ngôi hoàng đế, trở thành người trên muôn người. Chú bé bình thường này cũng giống với các chú bé khác: khóc lóc khi bị mang khỏi mẹ, thích quấy phá để được nuông chiều và nghịch ngợm. Cách nuôi dạy (thực ra cũng không mấy ai dám dạy bậc thiên tử) chốn cung đình đã biến cậu nhóc thành một ông vua con. Tiểu hoàng đế Phổ Nghi dần dần thích nghi cho vừa vặn với chiếc ngai vàng của mình. Nhận thức của chú bé non nớt ấy về tầm quan trọng của bản thân được hình thành rồi củng cố theo năm tháng. Hình như ai đã làm vua rồi thì vĩnh viễn không thể quay về làm người thường được nữa. Chân dung của vị hoàng đế ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Tôi cảm nhận chỉ cần đối xử với ông vua như một vị vua thì ông ta sẽ rất dễ tính, thậm chí ngờ nghệch nhưng nếu đe dọa địa vị, thì ông ta sẽ trở nên hung hăng, thậm chí tàn nhẫn. Thiếu tình thương và sự dạy bảo chân thành, Phổ Nghi vẫn làm hoàng đế. Hóa ra làm hoàng đế có nhiều kiểu. Có kiểu cần nỗ lực, đánh đổi xương máu nhưng cũng có kiểu chỉ cần sinh ra đúng thời điểm. Nhưng vị hoàng đế này dường như không có thực quyền ngoài việc sai khiến đám hoạn quan- với cái giá đắt đỏ khi chúng bòn rút của cải triều đình. Hoàng đế Phổ Nghi đã quá nhập tâm với vai diễn được trao cho ông. Kể cả đến khi bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành, ông vẫn chưa nhận ra vở kịch đã buông màn mà vẫn cố nán lại diễn tiếp để rồi đưa bản thân vào cảnh khốn khổ. Như các vị vua trước đây, trải dài từ Đông sang Tây, không bao giờ muốn thoái vị. Vua chúa muốn nhận được những nghi thức trọng thể đến trọn đời, thậm chí kể cả sau khi hết đời thì nắm xương tàn cũng phải gửi vào trong lăng mộ bề thế. Vị vua hết thời Điều khiến tôi thấy buồn cười và cũng dấy lên sự thương cảm là suốt những năm tháng thanh thiếu niên, Phổ Nghi luôn đòi được ra khỏi Tử Cấm Thành. Nhưng đến lúc bị mời (thực chất là đuổi) ra khỏi thì ông lại dùng dằng, lưu luyến. Đây là dấu hiệu cho thấy vị vua này chưa trưởng thành, chưa có bản lĩnh. Đời sống chiều chuộng, khép kín nơi cung cấm đã làm hỏng ông. Ngai vàng đã nhào nặn nhận thức của ông thành chủ quan và thiếu đi sự sắc bén với thời cuộc. Làm hoàng đế là làm gì? Hoàng đế Phổ Nghi có lẽ chưa bao giờ tự hỏi mình về điều này. Dù đôi lúc ông cũng có hành động quyết liệt như đe dọa đám thái giám vì việc tham nhũng hoặc cắt phăng búi tóc đuôi sam phía sau. Nhưng loạt hành động thiếu suy xét ấy chưa thể hiện được khí độ của một bậc quân vương mà chỉ bộc lộ tính bốc đồng của một chàng trai mới lớn. Vị vua hết thời này giống một người mộng du kiên quyết không thức dậy. Ông trở thành một tay chơi bên ngoài, tiêu pha phung phí và vẫn tin rằng mình sẽ trở lại làm vua. Sau khi nghe tin lăng mộ của tổ tiên bị phá phách, Phổ Nghi quyết định bắt tay với Nhật để được nâng lên làm hoàng đế của Mãn Châu quốc. Quyết định này sau đó đã biến ông (thêm một lần nữa) thành vua bù nhìn. Cuối cùng, sau khi quân Nhật thất trận, ông trở thành tội phạm chiến tranh bị giam giữ, cải tạo trong 10 năm. Trong 10 năm tù tội đó, Phổ Nghi học lại những kỹ năng cơ bản của làm người như vệ sinh cá nhân, biết quan tâm đến người khác, cách buộc dây giày, trồng cây v.v. Sau khi được ra tù, ông sống với nghề làm vườn. Vào một buổi chiều tà, như bạn và tôi đã biết, có một ông lão mua vé vào thăm quan Tử Cấm Thành. Ông lão ấy vẫn tin mình là vua và ông nói ra điều ông tin tưởng. Nếu không bàn đến đúng, sai thì lòng tin mãnh liệt ấy đã giữ cho Phổ Nghi còn sống. Ý nghĩa cuộc đời đến với chúng ta hoặc được chúng ta tạo ra theo những cách riêng của mình. Có lẽ đối với ông, ý nghĩa cuộc đời là làm hoàng đế- dù chưa rõ làm hoàng đế là làm gì?. Cuộc đời bị giam cầm vĩnh viễn Chiếc hộp dế mà tiểu hoàng đế Phổ Nghi nhận được năm xưa dường như là điềm báo cho cuộc đời ông: một cuộc đời tù túng chỉ biết gáy lên những tiếng nỉ non chứng minh cho sự tồn tại của mình, thi thoảng được lôi ra ngoài để mua vui cho chủ nhân. Ông liên tục bị giam cầm trong cung điện, dinh thự rồi nhà tù và xuyên suốt tất cả chính là ký ức về những năm tháng vàng son. Dù sao ông cũng là một con người, con người hồn nhiên tin rằng mình là chủ nhân của những người khác mà quên đi rằng nếu chưa thể nắm bắt số phận của mình thì chẳng thể làm chủ nhân của ai khác. Trong phim, ông có hai người vợ là Uyển Dung và Văn Tú. Một người đã đơn phương quyết định ly dị ông, dù ông không cho phép. Còn một người thì phản bội ông vì quá yêu ông nhưng ông thì chỉ yêu ngôi vị. Nỗ lực ngồi vững trên ngai báu đã khiến ông quên đi rằng: một con người thì không nhất thiết phải ngồi trên một chiếc ghế bằng vàng thì mới sống hạnh phúc. Vị thầy giáo ngoại quốc Johnston cũng khiến cho tôi ấn tượng. Johnston khôn ngoan làm mọi việc đúng chức trách của mình. Ông lịch sự hoặc mỉa mai, thương hại nhưng cũng nhẫn tâm với Phổ Nghi khi tránh nói những điều Phổ Nghi không muốn nghe. Ông có phong cách chuyên nghiệp nhưng tôi cho rằng ông chưa hoàn thành sứ mệnh của một người thầy đúng nghĩa: đó là lòng can đảm để chân thành khuyên bảo những sai lầm của học trò. Trước khi ông rời khỏi Trung Quốc, cựu hoàng đế Phổ Nghi đã hỏi ông liệu mình có thể làm vua lần nữa không? Ông đã trả lời là có thể. Nếu như ông trả lời thẳng thắn hơn, nửa sau cuộc đời Phổ Nghi sẽ khác. Vì hoàng đế mang nỗi bất hạnh giống với các vị hoàng đế tiền nhiệm khác- không được nghe lời chân thật từ những người tưởng như thân cận nhất. Phổ Nghi của nửa đời trước được hưởng vinh hoa phú quý nhờ số mệnh, thì nửa đời sau chịu đựng khổ cực, đắng cay cũng bởi số mệnh. Quen với sự định sẵn và tính lệ thuộc nên có lẽ ông không giỏi lắm trong việc đưa ra lựa chọn của riêng mình. Những năm tháng trong tù có lẽ phần nào đã giúp Phổ Nghi nhận ra sự phục dịch từ những nô tài, cận thần quanh ông ngược lại đã biến ông thành nô lệ và vật chủ cho họ ký sinh lúc nào không rõ. Quãng đời thăng trầm của vị hoàng đế cuối cùng triều đại Mãn Thanh và chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc lặng lẽ khuất lấp như vầng mặt trời trong buổi hoàng hôn, mang vẻ hoài niệm thê lương, tiếc nuối. Tôi không mấy thương cảm cho vị hoàng đế, nhưng lại thương thay cho ông lão cựu hoàng đế bé nhỏ phải mua vé vào thăm căn nhà cũ của mình, kèm những hơi thở cuối cùng còn phảng phất chấp niệm về ngôi vị. Màn kịch khép lại, khán giả đã về hết chỉ còn người diễn viên già tận tụy diễn vai cuộc đời sắm cho mình cho tới tận phút chót. Những sự kiện cá nhân này dường như cũng bộc bạch đôi điều về bản chất, thân phận con người. Thay cho lời kết “Hoàng đế cuối cùng” là một bộ phim dài gần 3 tiếng nói về một hoàng đế sống 61 năm để nếm trải vinh nhục trên nhân gian. Tôi nghĩ 3 tiếng cho một bộ phim là dài nhưng thực ra cũng lại ngắn như giấc mộng Hoàng Lương (giấc mộng Kê Vàng). Điển tích ấy như sau: “Ngày xưa có Lư Sinh đi thi không đỗ, vào hàng cơm nghỉ chân. Có một lão già cho mượn một cái gối nằm. Lư Sinh ngủ và chiêm bao thấy đỗ tiến sĩ, làm quan to, vinh hiển hơn 20 năm, gia đình hưng vượng, con cháu đầy đàn. Tỉnh ra mới biết ấy chỉ là một giấc mộng. Nồi kê nhà hàng còn chưa chín. Ý nói giấc mộng đẹp và ngắn ngủi.” Hình như đã là người thì ai trong lòng cũng có hoặc từng có ôm ấp một giấc mộng đẹp nào đó. Nếu sống trong cõi thực thiếu mộng thì buồn tẻ, nhưng sống trong cõi mộng thiếu thực thì viển vông. Hoàng đế cũng là người, mà là người thì ai cũng cần học cách làm người, trước khi làm hoàng đế. Nếu lạm bàn một chút sang hoạt động giáo dục, thì tôi nghĩ sự chiều chuộng, bao bọc con trẻ thái quá nhưng lại không hướng dẫn về trách nhiệm, thói quen tôn trọng người khác là con đường ngắn nhất tạo ra những “ông vua con”. Những “ông vua con” này có lẽ sung sướng gấp đôi trong thời thơ ấu nhưng sẽ khổ cực và cay đắng gấp ba khi hòa nhập với đời.
    • 0 downloads
    "Le Doulos" (1962) là một bộ phim tội phạm của đạo diễn Jean-Pierre Melville, được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thể loại noir Pháp. Phim xoay quanh cuộc sống của một tên tội phạm tên là Maurice Faugel, do Jean-Paul Belmondo thủ vai, người vừa mới ra tù và lên kế hoạch cho một vụ cướp. Nội dung chính của phim bắt đầu khi Faugel gặp lại một người bạn cũ, Silien, do Serge Reggiani thủ vai. Silien là một kẻ bí ẩn, có mối liên hệ với cả thế giới tội phạm và cảnh sát. Khi Faugel bị dính vào một vụ án giết người, anh phải tìm cách thoát khỏi sự giám sát của cảnh sát và bảo vệ bản thân. Phim nổi bật với các yếu tố về sự phản bội, lòng trung thành và những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật. Những cú quay chậm, ánh sáng tối tăm và bầu không khí đầy căng thẳng tạo nên một trải nghiệm mạnh mẽ cho người xem. "Le Doulos" cũng được biết đến với những cú twist bất ngờ, khiến khán giả luôn trong trạng thái hồi hộp. Với phong cách điện ảnh đặc trưng và diễn xuất ấn tượng, "Le Doulos" đã để lại dấu ấn sâu sắc trong dòng phim noir và là một tác phẩm đáng xem cho những ai yêu thích thể loại này.
    • 0 downloads
    "Just Mercy" (2019) là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật, kể về cuộc chiến của luật sư Bryan Stevenson để bảo vệ những người bị kết án oan. Bộ phim lấy bối cảnh ở Alabama vào những năm 1980 và 1990. Nội dung chính xoay quanh Walter McMillian, một người đàn ông da đen bị kết án tử hình vì tội giết người mà ông không hề phạm phải. Stevenson, do Michael B. Jordan thủ vai, thành lập tổ chức Equal Justice Initiative và quyết định can thiệp vào vụ án của McMillian. Phim khám phá sự bất công trong hệ thống tư pháp, đặc biệt là đối với người da màu, cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của Stevenson để tìm kiếm công lý. Qua quá trình điều tra, Stevenson phát hiện ra nhiều chứng cứ và sự thao túng của cảnh sát trong vụ án. Diễn xuất của Jamie Foxx trong vai Walter McMillian và Michael B. Jordan được đánh giá cao, cùng với những thông điệp mạnh mẽ về sự tha thứ và nhân quyền. "Just Mercy" không chỉ là một câu chuyện về pháp luật mà còn là một tiếng nói cho những ai bị bỏ rơi trong hệ thống tư pháp.
    • 0 downloads
    Trong bộ phim bom tấn The Bikeriders vừa ra mắt với sự tham gia của dàn siêu sao Austin Butler, Tom Hardy và Jodie Comer, đạo diễn Jeff Nichols đã bước vào một lãnh địa kinh điển: Đề tài mô tô. Giờ đây, khi Martin Scorsese - đạo diễn huyền thoại của dòng phim này - đang bận rộn với các phim sử thi, thật vui mừng khi thấy một đạo diễn trẻ tài năng nổi lên để thay thế vị trí cũ của ông. Ấp ủ trong nhiều năm Khi mới bắt đầu vào thập niên 1950 với The Wild One của siêu sao Marlon Brando, phim về những người đàn ông đi mô tô gần như chỉ là một nhánh phim phụ. Nhưng sau đó, rất nhiều bộ phim trong thập niên 1960 đã khai thác đề tài này, như The Wild Angels, Hells Angels On Wheels và nhiều phim khác - đặc biệt là Born Losers của đạo diễn Tom Laughlin. Rồi trào lưu lên đến đỉnh điểm với Easy Rider của dàn sao Peter Fonda, Dennis Hopper và Jack Nicholson - những người đã trở thành hình mẫu kinh điển trong phim về văn hóa mô tô. Còn bây giờ, đã lâu rồi, khán giả mới chứng kiến sự trở lại màn ảnh rộng của thế giới những người đi mô tô với sự ra mắt của The Bikeriders, do Jeff Nichols đạo diễn. Đây cũng là sự trở lại sau 7 năm im hơi lặng tiếng, của Nichols - người từng có 2 bộ phim ấn tượng năm 2016 là Loving và Midnight Special. Không những thế, The Bikeriders còn mang đến một luồng gió quyến rũ vô cùng về mẫu hình nam tính trong thế giới ngầm - thứ từng tạo nên thương hiệu cho đạo diễn Martin Scorsese. Đó là những màn trình diễn cực kỳ lôi cuốn, kỹ xảo quay phim tao nhã, thường xuyên có những cảnh gay cấn trên nền giai điệu bùng nổ, để lại ấn tượng sâu sắc như phim GoodFellas hay Mean Streets. Nhưng Nichols không chỉ có ý định khơi dậy một thời hoàng kim của phim về mô tô. Về cơ bản, The Bikeriders đúng là lấy bối cảnh thế giới những năm 1960 - 1970. Tuy nhiên, phim lại gợi ra những chủ đề rất đương đại về bản sắc, lòng trung thành và nhu cầu thuộc về một tập thể giữa thế giới hiện đại đang ngày một cô lập lẫn nhau. Nichols lấy cảm hứng làm The Bikeriders từ cuốn sách ảnh cùng tên của tác giả - nhiếp ảnh gia Danny Lyon. Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1967 và nhiều lần được tái bản, sách ghi lại hình ảnh câu lạc bộ mô tô Chicago Outlaws ngoài đời thực, trong khoảng thời gian 4 năm. Trong phim, Nichols đã tạo ra một câu lạc bộ hư cấu có tên là Vandals, với nhiều nhân vật được tuyển dựa trên những bức ảnh trong sách của Lyon. Bản thân hình ảnh Lyon cũng được khắc họa trong phim với vai Danny. "Như những gì tôi có thể nhớ được là từ nhỏ mình đã luôn muốn trở thành một tay lái mô tô" - vị đạo diễn này chia sẻ. Còn theo diễn viên Michael Shannon - người đã đóng trong tất cả các phim của Nichols, thì đạo diễn luôn nhắc tới dự án này trong tất cả những lần họ cộng tác kể từ năm 2004. "Ông ta nói về ý tưởng chết tiệt này không biết bao lần rồi" - Shannon từng cảm thán. Tuy nhiên, mãi tới năm 2022, Nichols mới viết kịch bản từ ý tưởng đã ấp ủ từ lâu. Câu chuyện hấp dẫn của ông lập tức tìm được đơn vị sản xuất và được các siêu sao đồng ý tham gia. Tới tháng 8/2022, phim chính thức công bố với Nichols là đạo diễn còn Jodie Comer, Austin Butler và Tom Hardy nằm trong dàn diễn viên. Một thời đại đang thay đổi Điểm tựa của bộ phim là người kể chuyện Kathy (Jodie Comer thủ vai). Là một cô gái trẻ đã ly hôn, Kathy mạnh mẽ và quyến rũ. Trong một lần tới quán rượu gặp bạn, Kathy nhanh chóng phải lòng nhân vật Benny của Austin Butler. Nếu Kathy gợi nhớ tới minh tinh Lorraine Bracco thì Benny rõ ràng là hình bóng của huyền thoại điển trai James Dean với cái nheo mắt đủ làm tan chảy trái tim bất cứ cô gái nào. Anh là người kín đáo, bị gia đình ghẻ lạnh và có một cái đầu nóng, không ngại lao vào mọi cuộc chiến. Họ kết hôn trong vòng 5 tuần kể từ khi gặp nhau. Nhưng Benny luôn là người ủ rũ và khó nắm bắt, còn Kathy thấy mình liên tục phải đấu tranh để giành được sự chú ý từ anh. "Địch thủ" của cô là Johnny (Tom Hardy thủ vai) - người cố vấn và có mối thân tình như cha con với Benny. Johnny, không nghi ngờ gì, gợi ra hình ảnh nam tính của ngôi sao Marlon Brando trong bộ đồ da quyến rũ thời The Wild One. Anh chính là người đứng đầu nhóm đi mô tô Vandals - nơi Benny cảm thấy như tổ ấm mới của mình. Benny có thiên hướng chiến đấu đến cùng, giống như Johnny, nên được coi là người kế thừa đầy tiềm năng. Tuy nhiên, anh lại không mấy hứng thú với vị trí này. Trong phim, Kathy đã hồi tưởng lại những thăng trầm của câu lạc bộ khi cô kể lại cho nhiếp ảnh gia Danny (Mike Faist thủ vai) - tức tác giả Danny Lyon ngoài đời. Đây là những gì Lyon thực sự đã làm và Nichols đã mượn nền tảng đó để tiếp tục hư cấu thêm số phận của các thành viên Vandals sau này. Bên cạnh 3 nhân vật chính, phim còn có nhiều nhân vật thú vị khác, bao gồm Zipco kỳ quặc (Michael Shannon thủ vai), Cal (Boyd Holbrook) - người thợ cơ khí si mê máy móc hơn con người, Brucie (Damon Herriman), Wahoo (Beau Knapp), Cockroach (Emory Cohen), Funny Sonny (Norman Reedus) và Corky (Karl Glusman). Mỗi người họ đều có tính cách riêng biệt, hòa quyện với nhau để tạo nên một nhómVandals đáng nhớ. Tuy nhiên, trong các vai Benny và Butler, Johnny và Hardy - với diễn xuất xuất sắc và không ngại lăn xả trong những cảnh mạo hiểm - thật sự mới thu hút sự chú ý nhất. Thoát khỏi nhân vật Elvis đầy gò bó từng được đề cử giải Oscar, Butler thoải mái hóa thân thành một kẻ nổi loạn theo phong cách James Dean, với mục đích có lẽ chỉ là sống sót. Còn Hardy biến thành một cựu chiến binh tóc hoa râm, một gã lớn tuổi được truyền cảm hứng từ Brando để lập nhóm Vandals. Tuy vậy, gã lại hiểu rõ rằng thời đại của chính mình có thể sớm lùi vào quá khứ, khi một thế hệ mới với những cảm xúc khác đang tới. Đứng đầu thế hệ đó là The Kid (Toby Wallace) - một thiếu niên tự mãn với nhóm riêng của mình và đang muốn nhập Vandals. Một trong những cảnh hay và mang tính biểu tượng nhất của The Bikeriders là khi Johnny đối đầu với The Kid - người đang cố chứng tỏ rằng mình và những người bạn có đủ tư cách để nhập nhóm. Và đó cũng là câu chuyện của thời đại đang thay đổi, khi nhu cầu kết nối chung giữa chúng ta đang được đặt ra với rất nhiều phức tạp trong đó. Ở giai đoạn giao thoa, dù sự nam tính luôn được bộc lộ nhưng có những người thành công và có người lại thất bại. Đạo diễn Nichols được nhận xét là giải quyết sự phức tạp này trong những khung hình sống động, như thể câu chuyện không quan trọng bằng thời khắc. Ông như đóng khung thời gian, địa điểm và thái độ với độ chính xác tuyệt đối. Và The Bikeriders là một bộ phim hành động nhưng vẫn đầy sự sâu sắc, để đưa đạo diễn Nichols nổi lên với những ý tưởng quanh câu hỏi: Chúng ta là ai và chúng ta sẽ trở thành cái gì?
    • 0 downloads
    Bộ phim khởi đầu nhẹ nhàng bằng những phân đoạn tình cảm, và khi “đêm giải đố” bắt đầu, mọi chuyện trở thành “tả pí lù”. Bước chân vào rạp với tâm thế hoàn toàn không biết bộ phim mình coi sẽ có nội dung gì, những tưởng phim sẽ tiếp tục xoay quanh một câu chuyện tình hài hước, trớ trêu nào đó vì gương mặt của Rachel McAdams “to tướng” trên poster. Nhưng đúng là tôi đã lầm. Phim xoay quanh những rắc rối khi một thành viên trong nhóm và cũng là em trai của nhân vật chính trong phim - Brooks, nảy ra ý tưởng về một trò chơi đóng vai, giải đố có chủ đề về vụ bắt cóc bí ẩn. Người giải đáp được các câu hỏi và thắng cuộc sẽ giành được phần thưởng là chiếc xe hơi sang trọng. Thế nhưng, Brooks bỗng dưng trở thành nạn nhân của một vụ bắt cóc thật, trong khi mọi người vẫn nghĩ đây là trò chơi. Các tình tiết thật giả bắt đầu “lộn tùng phèo” đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bộ phim khởi đầu nhẹ nhàng bằng những phân đoạn tình cảm, và khi “đêm giải đố” bắt đầu, mọi chuyện trở thành “tả pí lù”. Nhân vật không thể phân biệt được đâu thật, đâu giả, và cả chính khán giả cũng chẳng biết đâu giả đâu là thật. Kế hoạch vốn đã định sẵn trở nên tan tành khi xuất hiện một nhóm người lạ mặt, đánh nhau ầm ĩ với Brooks trong khi các nhân vật xung quanh ngồi cười vì tưởng đây là trò đùa. Cuộc chơi khi đó chính thức bắt đầu. Bộ phim tăng tốc khi các phân đoạn hài hước và rượt đuổi, hành động liên tục được bày ra trước mắt khán giả. Các tình tiết hài không hề gượng ép mà rất tự nhiên và gẫn gũi, liên quan nhiều đến các chất liệu đời sống, có chút gì đó hơi mỉa mai, không làm người xem cảm thấy khó chịu. Tình tiết đã buồn cười, gương mặt, diễn xuất và thoại của các diễn viên càng khiến người xem muốn “lộn ruột”. Kể cả khi các nhân vật đang trong hoàn cảnh nguy hiểm và “tang thương” nhất, phim vẫn khiến người xem không thể ngậm được mồm. Cốt truyện tuy cũ mà mới, đã khiến đạo diễn có thể thoải mái biến tấu các tình huống để tạo ra sự hài hước. Thoại phim cũng rất vui nhộn, tuy một vài chỗ hơi nhanh và hài kiểu Mỹ nên khán giả Việt có thể thấy khó hiểu. Một trong những điểm thành công lớn của Game Night chính là dàn diễn viên duyên dáng. Không kể đến cặp vợ chồng “lầy bựa” Annie và Max, các nhân vật khác cũng đặc biệt có điểm nhấn chứ không hề lép vế trước hai nhân vật chính. Mỗi người đều có tính cách riêng rất rõ ràng, và cách họ phản ứng trong một số tình huống chính là điểm gây cười. Nhân vật cảnh sát có gương mặt lạnh như tiền nhiều phen dọa các các nhân vật khác chết khiếp Gary (do Jesse Plemons thủ vai) cũng là điểm sáng của phim. Đây là nhân vật khiến người ta vừa thấy yêu, vừa thấy hơi ghét, lúc lại thấy hơi tội, và đơn giản là bạn chẳng thể biết anh ta sẽ làm những gì. Điểm trừ dành cho phim đấy là tính bất hợp lý trong một số phân đoạn, chẳng hạn như bữa tiệc của một ông trùm được tổ chức và có các hoạt động trái phép. Có điều ngoài cổng lại chẳng có ai bảo vệ hoặc canh gác, để các nhân vật vô tư đi vào “như một vị thần”. Hoặc các chi tiết gần cuối phim, để tránh spoil thì chỉ xin nói đơn giản là khi tất cả mọi chuyện hạ màn, khi bạn lắp ghép các điểm lại với nhau, nó hoàn toàn không hợp lý và có chút khó hiểu. Nhưng đối với một bộ phim thế này thì việc hiểu “sơ sơ” cũng ổn cả rồi, bạn chẳng cần phải cố gắng đào sâu vào một vài chi tiết đó để làm gì. Vui là chính, nên cứ việc bỏ qua và cười “tẹt ga” với những gì bộ phim mang lại. Điểm khiến tôi khá thích ở bộ phim nữa, đấy là khi ta tưởng rằng phim không có thông điệp gì quá quan trọng, chọc cười khán giả là được, chính là lúc Game Night thể hiện một chi tiết sâu sắc mà tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng cần biết: Đừng đứng núi này trông núi nọ, rồi ganh đua và tị nạnh nhau làm gì, hãy trân trọng những gì ta có và cố gắng hết mình là được. Game Night đặc biệt thích hợp để đi xem cùng một nhóm bạn. Không khí càng đông càng vui sẽ rất thích hợp để thưởng thức phim. Một bộ phim đáng “đồng tiền bát gạo”, đổi lại bạn sẽ có những phút giây cực kỳ thoải mái.
    • 0 downloads
    "Black Mass" (2015) là một bộ phim tội phạm dựa trên câu chuyện có thật về James "Whitey" Bulger, một tên tội phạm nổi tiếng ở Boston. Phim xoay quanh mối quan hệ giữa Bulger và FBI, đặc biệt là với đặc vụ John Connolly, người từng là bạn thời thơ ấu của Bulger. Nội dung chính của phim diễn ra vào những năm 1970 và 1980, khi Bulger hợp tác với FBI để tiêu diệt một băng nhóm đối thủ. Trong khi Bulger mở rộng quyền lực và kiểm soát thế giới tội phạm, mối quan hệ của anh với Connolly trở nên phức tạp, dẫn đến nhiều tình huống căng thẳng và bạo lực. Phim thể hiện những mảng tối của quyền lực, sự phản bội, và sự thao túng trong cả giới tội phạm lẫn cơ quan thực thi pháp luật. Diễn xuất của Johnny Depp trong vai Bulger và Joel Edgerton trong vai Connolly được đánh giá cao, mang lại sự kịch tính và sâu sắc cho câu chuyện. Bộ phim không chỉ khắc họa cuộc đời của Bulger mà còn đặt ra những câu hỏi về đạo đức và sự tha hóa trong xã hội.
    • 0 downloads
    Năm 2015, bom tấnMad Max: Fury Road ra mắt và lập tức gây choáng váng giới phê bình. Không chỉ thành công phòng vé, phim còn thắng sáu giải Oscar, đồng thời được đánh giá là một trong những phim hành động hay nhất thập kỷ. Đặc biệt, nữ chiến binh Furiosa - minh tinh Charlize Theron đóng – để lại ấn tượng mạnh với khán giả, khiến các nhà sản xuất quyết định đổ tiền thực hiện ngoại truyện về nhân vật, mang tên Furiosa: A Mad Max Saga (Tựa Việt: Furiosa: Câu chuyện từ Mad Điên). Dự án tiếp tục do đạo diễn George Miller cầm trịch, với sự tham gia của hai ngôi sao Anya Taylor-Joy và Chris Hemsworth, hứa hẹn sẽ khuấy động phòng vé toàn cầu mùa hè năm nay. Quá khứ tàn bạo của Furiosa Nội dung của Furiosa khá đơn giản, bắt đầu khi Furiosa (Alyla Browne) còn nhỏ, đang sống cùng mẹ ở một vùng đất yên bình, giàu tài nguyên. Một ngày, cô bé bất ngờ bị một nhóm cướp bắt cóc và giải đến đội quân của Bạo chúa Dementus (Chris Hemsworth). Sau đó, nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra khiến cuộc sống của Furiosa đảo lộn hoàn toàn. Cô không chỉ mất đi tuổi thơ mà còn trở thành nô lệ trong tay kẻ khác, tận mắt chứng kiến sự tàn bạo và điên loạn của những lãnh chúa vùng hoang mạc. Không có ai bên cạnh giúp đỡ, Furiosa phải tự tìm cách sinh tồn, vượt qua những thử thách khắc nghiệt để từng bước trở thành nữ chiến binh huyền thoại. Kịch bản phim vẫn do George Miller chấp bút cùng cộng sự quen thuộc là biên kịch Nico Lathouris. Bộ đôi từng bắt tay làm nên thành công của Mad Max: Fury Roadnên hiểu rõ thế giới cũng như từng nhân vật họ tạo ra. Chuyện phim đơn giản, được kể theo trật tự tuyến tính để người xem dễ dàng cảm nhận được quá trình trưởng thành của Furiosa, từ một cô bé vô tư đến khi rơi vào bước đường cùng, không còn sợ bất cứ điều gì. Các nhà làm phim cũng khéo léo tạo sự kết nối với Mad Max: Fury Road. Nhiều tình tiết giải thích lý do Furiosa bị cụt tay hay để đầu trọc khi chiến đấu, giúp người xem hiểu rõ hơn về nhân vật. Hành động mãn nhãn Tác phẩm giữ nguyên tinh thần của phần trước khi khắc họa rõ nét thế giới hậu tận thế hoang tàn. Trái Đất bị biến thành một sa mạc khô cằn, thiếu nước và tài nguyên. Con người hàng ngày phải chịu đựng những cơn bão cát dữ dội, cùng ánh nắng mặt trời gay gắt. Đó cũng là nơi diễn ra những cuộc rượt đuổi nghẹt thở, khiến bao kẻ phải mất mạng chỉ trong gang tấc. Với kinh phí hơn 168 triệu USD, Furiosa được đầu tư mạnh về hành động, kỹ xảo. Thậm chí, nhiều cảnh quay còn hoành tráng và ấn tượng hơn hẳn phần tiền nhiệm. Trong thời lượng 148 phút, đạo diễn George Miller liên tục chiêu đãi người xem với loạt cảnh hành động dồn dập, nghẹt thở và đầy sáng tạo. Các pha rượt đuổi trên sa mạc, những màn đấu súng và chiến đấu bằng tay được dàn dựng công phu, tạo cảm giác hồi hộp và phấn khích. Kỹ xảo CGI trong phim được xử lý tốt, giúp tăng sự chân thực cho các pha hành động. Từng hình ảnh được chăm chút, từ tạo hình của nhân vật cho đến bối cảnh đều hiện lên sống động. Âm nhạc của phim cũng rất đặc sắc, với những giai điệu mạnh mẽ, dồn dập, được cài cắm hợp lý, giúp cho các phân cảnh hành động trở nên hấp dẫn hơn. Diễn xuất ấn tượng Ở phần trước, các ngôi sao Charlize Theron và Tom Hardy đều có những màn trình diễn xuất sắc, để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Điều đó cũng tạo nên thách thức với các diễn viên tham gia ngoại truyện. Vượt nhiều đối thủ, Anya Taylor-Joy chứng minh đạo diễn đã không chọn nhầm người. Nữ diễn viên thể hiện khả năng diễn xuất đa dạng, lột tả thành công sự mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng đầy tổn thương và mất mát của Furiosa. Cô gần như không gặp khó khăn khi tái hiện thành công một nhân vật mang tính biểu tượng, từ ánh mắt căm phẫn cho đến hành động đầy quyết đoán đều hiện rõ tinh thần Furiosa. Tài tử Chris Hemsworth cũng là bất ngờ lớn trong phim. Anh hoàn toàn lột xác, phá vỡ hình tượng Thần Sấm Thor quen thuộc để trở thành gã ác nhân hoang dại, lập dị nhưng không kém phần đáng sợ. Qua hóa thân của hai ngôi sao, các nhân vật hiện lên rõ nét và giàu cảm xúc. Màn đối đầu giữa Dementus và Furiosa thực sự là một trong những điểm nhấn, góp phần tạo nên sự căng thẳng và kịch tính cho phim. Ra mắt lần đầu tại Cannes 2024, Furiosa: A Mad Max Saga nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Phần lớn đánh giá cao kịch bản, tài đạo diễn của George Miller, cũng như diễn xuất của Anya Taylor-Joy và Chris Hemsworth. Dẫu vậy, phim vẫn còn một vài hạn chế nhất định. Vì tập trung vào các pha hành động, cốt truyện còn đơn giản và dễ đoán. Một số nhân vật phụ chưa được khai thác tốt, như Joe Bất Tử và những tên tùy tùng, khiến họ trở nên mờ nhạt và thiếu sức hút. Ngoài ra, vì kịch bản ít lời thoại, một vài tình tiết có thể gây khó hiểu cho khán giả, nhất là những ai chưa xem phần trước. Bỏ qua những hạn chế, Furiosa: A Mad Max Saga vẫn là một bộ phim hành động hấp dẫn, mang đến cho người xem những phút giây giải trí nhưng vẫn giàu cảm xúc.
    • 0 downloads
    Phim xoay quanh một cascader (người đóng thế) tên là Colt Seavers, do Ryan Gosling thủ vai. Colt không chỉ là một người đóng thế mà còn là một chuyên gia trong việc xử lý các tình huống nguy hiểm trên phim trường. Khi một ngôi sao Hollywood nổi tiếng biến mất trong quá trình sản xuất một bộ phim, Colt được giao nhiệm vụ tìm kiếm và cứu anh ta. Trong cuộc hành trình này, anh cùng với một nhóm bạn bè và đồng nghiệp phải đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm, từ các vụ tai nạn trên phim trường đến những mưu đồ phức tạp trong ngành công nghiệp điện ảnh. Phim không chỉ có những pha hành động kịch tính mà còn mang lại nhiều yếu tố hài hước và sự phê phán nhẹ nhàng về ngành công nghiệp điện ảnh. Qua hành trình tìm kiếm, Colt không chỉ khám phá những bí mật đằng sau Hollywood mà còn phải đối mặt với chính bản thân và sự nghiệp của mình.
    • 0 downloads
    Cậu bé Mahito đi đến thế giới do động vật thống trị để mong gặp lại mẹ, trong phim "The Boy and the Heron". Tác phẩm do Hayao Miyazaki đạo diễn, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết How Do You Live? (1937) của nhà văn Genzaburo Yoshino. Nội dung kể về Mahito, 12 tuổi (do Soma Santoki lồng tiếng), mồ côi mẹ sau một vụ cháy ở Tokyo. Cha con Mahito chuyển về vùng nông thôn. Tại đây, cả hai sống cùng Natsuko (Yoshino Kimura), em ruột của mẹ Mahito. Sau khi về quê, Mahito dần trở nên khép mình, ít nói. Cậu thường xuyên ám ảnh về sự cố khiến người mẹ qua đời, không chấp nhận những thay đổi diễn ra xung quanh. Một ngày nọ, Natsuko bỗng dưng biến mất sau khi đi vào tòa lâu đài bí ẩn. Mahito quyết định lên đường tìm cô, đồng thời giải mã cái chết của mẹ mình. Bạn đồng hành của cậu là một con chim diệc xanh biết nói (Masaki Suda). Tác phẩm lấy bối cảnh hậu chiến ở Nhật, mở ra hành trình khám phá thế giới nửa hư nửa thực của cậu bé Mahito. Theo Guardian, phim đề cập đến sự mất mát và đau buồn, nhưng mang không khí dịu dàng, nhiều sắc màu. Ban đầu, Mahito gặp nhiều khó khăn khi thích nghi với cuộc sống mới. Cuộc gặp gỡ với con diệc xanh như một lời mời gọi, khiến Mahito bị cuốn vào thế giới kỳ lạ. Trong khi tìm Natsuko, Mahito gặp lại Kiriko (Ko Shibasaki lồng tiếng), phiên bản thời trẻ của bà lão giúp việc cho gia đình cậu. Kiriko dắt Mahito tới làng chài, nơi có sinh vật kỳ lạ Warawara. Chúng là linh hồn con người chưa được sinh ra. Khi trưởng thành, Warawara bay lên trời để trở thành người. Ngoài ra, sự xuất hiện của Himi (Aimyon) - có khả năng điều khiển lửa - khiến Mahito nhớ về người mẹ đã mất. Những nhân vật này góp phần tạo nên thế giới sinh động, nhiều sắc màu. Xuyên suốt phim là hành trình trưởng thành của Mahito. Việc mất đi người mẹ để lại cho cậu vết thương lòng khó nguôi ngoai. Khi đến vùng đất mới và gặp ông cố của mình, Mahito đứng trước hai lựa chọn: Ở lại kế thừa di sản để tiếp tục duy trì thế giới hoàn hảo, không khổ đau; hay quay về nơi đã làm tổn thương cậu. Cuối cùng, Mahito từ chối, cho rằng đau khổ là điều cần thiết cho cuộc sống, đồng thời bác bỏ lời nói dối về việc mọi vật đều hoàn hảo. Trải qua cuộc phiêu lưu cùng những người bạn, Mahito dần chấp nhận sự xung đột trong tâm hồn, đồng thời tìm thấy lẽ sống đúng đắn. Đạo diễn ẩn dụ nỗi đau như sự khởi đầu của cuộc sống, nhắn nhủ thông điệp: Con người cần mạnh mẽ, kiên cường đối diện với cái chết. Sau mọi khổ đau, điều cần làm là hướng đến tương lai, tạo ra giá trị đẹp đẽ cho cuộc sống. Âm nhạc do nhà soạn nổi tiếng Joe Hisaishi đảm nhận, mang đến giai điệu cổ điển, sâu lắng, thể hiện sự đồng cảm cho nỗi đau của nhân vật chính. Trong những đại cảnh, Joe Hisaishi sử dụng dàn giao hưởng giúp khán giả cảm nhận được sự hùng vỹ của thiên nhiên. Ở những phân cảnh sâu lắng, nghệ sĩ mượn tiếng piano hoặc cello nhằm khơi gợi cảm xúc các nhân vật. Giống các tác phẩm trước của Hayao Miyazaki, The Boy and the Heron được các họa sĩ vẽ thủ công nhiều khung hình. Theo trang Film Comment, dù các bản vẽ được chuyển đổi sang định dạng kỹ thuật số để chiếu trên màn ảnh rộng, kết cấu hình ảnh lẫn sắc thái và chuyển động của các nhân vật vẫn mang phong cách tự nhiên, đa sắc màu như Princess Mononoke (1997), Spirited Away (2001). Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá tốt. Trang Guardian viết: "The Boy and the Heron cho thấy 'phép thuật' trong điện ảnh của Miyazaki. Tác phẩm lấy cảm hứng từ trải nghiệm thời thơ ấu của đạo diễn nhằm tri ân quá khứ". Cây bút Joshua Fox của ScreenRant nhận xét: "Tác phẩm cân bằng mọi chi tiết, với nhiều khoảnh khắc hài hước lẫn xúc động. Tất cả tạo nên một câu chuyện gần như hoàn hảo". Tuy nhiên, phim cũng có một số thiếu sót. Theo ScreenRant, phần lớn dàn nhân vật phụ thiếu sự phát triển tâm lý, làm mạch phim ngắt quãng. Tiết tấu của hồi hai khá nhanh, xử lý kém thuyết phục. Nguyên lý hoạt động của thế giới mới, quá trình Mahito chấp nhận Natsuko và lý do khiến ông cố của Mahito tin vào thế giới bí ẩn không được giải thích rõ. Theo Hollywood Reporter, tác phẩm có nhiều chi tiết giống với cuộc đời nhà làm phim 82 tuổi. Nhiều nhà phê bình người Nhật cho rằng gia đình Miyazaki thoát khỏi vụ đánh bom ở Tokyo để đến vùng nông thôn Nhật Bản. Cha của Miyazaki - Katsuji - từng có một đời vợ. Katsuji cưới mẹ của Hayao sau khi người vợ đầu qua đời vì bệnh tật. Katsuji là giám đốc công ty Miyazaki Airplanes, chuyên sản xuất máy bay cho Nhật trong Thế chiến II. Gia đình Miyazaki nhiều lần chuyển nhà do các cuộc không kích của quân Đồng minh. Các tình tiết này xuất hiện qua hình ảnh người cha Shoichi Maki (Takuya Kimura) cưới dì Natsuko, gia đình Mahito dọn về quê sống ở đầu phim. Trong một số cuộc phỏng vấn, Miyazaki nhiều lần nói về mối quan hệ thân thiết với mẹ. Điều này giúp hình thành tính cách, tư duy làm phim của ông, đồng thời truyền cảm hứng cho nhân vật nữ trong các dự án. Trước khi phát hành, nhà sản xuất chỉ tung một poster phim, không tiết lộ trailer, diễn viên lồng tiếng lẫn chiến dịch quảng bá. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2017, Toshio Suzuki, người đồng sáng lập Studio Ghibli, được coi là "cánh tay phải" của đạo diễn, cho biết Miyazaki dành tặng tác phẩm cho cháu trai, như cách đạo diễn nói: "Ông sẽ sớm đi sang thế giới bên kia nhưng ông sẽ để lại tác phẩm này". Hôm 11/12, tác phẩm nhận hai đề cử giải Quả Cầu Vàng 2024, gồm Phim hoạt hình xuất sắc và Nhạc phim điện ảnh hay nhất (cho Joe Hisaishi). The Boy and the Heron còn nhận bảy giải thưởng và 21 đề cử điện ảnh, theo thống kê của IMDb.
    • 0 downloads
    Đó là một căn phòng trống, nhưng không hẳn là trống. Nó ngập đầy bóng tối. Trong thứ ánh sáng mờ ảo, ta gần như không thể nhìn rõ có bóng một người đàn ông ở trên giường. Gã châm một điếu thuốc, khói cuộn lên trượt qua khe sáng từ cửa sổ. Gã ngồi vậy một lúc lâu, sau đó đứng dậy, chậm rãi, mặc quần áo, đội mũ, chỉnh vành mũ ngay ngắn với một độ chính xác tuyệt đối vô cùng tinh tế. Rồi gã bỏ lại căn phòng, bước ra ngoài. Giống như một họa sĩ hay một nhạc công, người đạo diễn hoàn toàn có khả năng làm chủ tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ bằng vài đường nét chấm phá như thế. Jean-Pierre Melville dễ dàng dẫn dắt ta lạc trong thế giới của Le Samurai trong khung cảnh buồn ảm đạm mà không cần lấy một câu thoại nào. Ông bình thản mang vào trong đó ánh sáng lạnh lẽo như bình minh của một ngày u ám hòa lẫn vào sắc xám và xanh. Thay cho mọi lời nói thừa thãi, chỉ chuỗi hành động ngắn gọn và dứt khoát đã đủ bộc lộ sự cô độc cùng cực của gã đàn ông trong căn phòng. Gã, tên là Jef Costello. Đó hẳn là một nhân vật đủ tuyệt vời cho Alain Delon – tài tử chuyên dòng phim nghệ thuật Pháp. Delon đã 32 tuổi khi tham gia bộ phim này. Vẻ điển trai rắn rỏi thường mang đến cho Delon nhiều những vai diễn đầy góc cạnh. Không ngoại lệ, Delon trong vai Jef Costello có dáng vẻ như một kẻ bất cần đời, và màn trình diễn đó xuất sắc đến nỗi nó tạo cảm giác cho bất cứ ai trong chúng ta rằng ông đã diễn trong một giấc mơ. Nhà phê bình phim Daivd Thomson gọi Delon là “một thiên thần lầm lạc của những con đường tăm tối” Costello là một tay sát thủ sống bằng những hợp đồng thuê mướn. Cả bộ phim bám theo sau một phi vụ của Costello, với sự tập trung hoàn hảo vào từng chi tiết trong trải nghiệm của gã - nhân vật trung tâm - khi cố gắng tìm chứng cứ ngoại phạm để che đậy cho hành tung của mình. Sau khi giết một chủ hộp đêm, gã lách qua những đợt hỏi cung của cảnh sát, nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị đưa vào tầm ngắm là nghi can số một. Dính vào một cuộc đấu trí rượt đuổi với cảnh sát, gã còn bị phản bội bởi những kẻ đã thuê mình. Tuy vậy, tất cả những gì ta thấy được ở Costello vẫn là cái dáng vẻ bình tĩnh đến đáng sợ, gã không bao giờ để lộ bất cứ một thứ cảm xúc nào. Như thể, ngay từ lúc bắt đầu gã đã là một kẻ không có cảm xúc thản nhiên chơi đùa với bàn tay ma quái của số phận. Có hai người phụ nữ đã ngụy tạo chứng cứ ngoại phạm để giúp Costello trốn thoát. Một người là tình nhân của gã – Jane (thủ vai bởi Nathalie Delon – vợ của Delon ngoài đời). Cô đã có chồng – một kẻ giàu có. Và Costello biết điều đó. Người còn lại là Valerie – một ca sĩ da màu thường chơi piano trong hộp đêm. Cô khai rằng cô chưa từng gặp gã, dù sự thật là cô đã nhìn thấy gã bước ra trong khói thuốc súng từ phòng tay chủ hộp đêm vào đêm hôm đó. Tại sao cô che giấu giúp Costello? Câu hỏi này đè nặng lên tâm trí chính Costello khi gã nhận ra mình bị những kẻ thuê mướn phản bội và sau đó quyết định tìm gặp cô. Nhưng Valerie không hề tỏ ra sợ hãi dù Costello hoàn toàn có thể giết cô bất cứ lúc nào. Ở đây ta thấy, những người phụ nữ bên cạnh Costello đã phản chiếu chính hình ảnh của gã: hoàn thành bổn phận của mình với kế hoạch kín kẽ và kỹ năng chuyên nghiệp, gần như vô danh, đắm chìm trong trạng thái tồn tại. Và cuối cùng, gã không để chỗ cho bất cứ thứ cảm tình nào hiện diện trong đời. Bộ phim mở đầu bằng một câu trích dẫn: “Không có nỗi cô độc nào lớn hơn nỗi cô độc của một tay sát thủ. Trừ phi đó là nỗi cô độc của một con mãnh thú ở trong rừng.” Trích dẫn được cho là đã vay mượn từ cuốn The Book of Bushido, nhưng mãi sau này người ta mới phát hiện ra đó chỉ là một tác phẩm hư cấu trong trò đùa của đạo diễn. Trích dẫn đó, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể của Delon, đã phác họa nên toàn bộ hình ảnh nhân vật Costello – một kẻ chỉ biết tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc. Tuy nhiên, Stanley Kauffman trong một bài đánh giá đã chỉ ra bộ phim đánh bẫy ta rằng: Costello đích thị là một cỗ máy, “Khi bọn phản bội biết Costello chưa bị bại lộ, chúng cố nài nỉ Costello thực hiện thêm một hợp đồng giết người mới, nhưng gã đã từ chối trong cơn thịnh nộ từ nội tâm. Gã không đơn thuần là một kẻ mù quáng vì tiền mà bỏ qua việc lòng tự trọng của mình đã bị bán rẻ. Đó là biểu hiện của một tay sát thủ hành động bằng danh dự và đạo đức. Gã có thể máu lạnh, nhưng gã vẫn còn có tính người”. Danh dự và đạo đức mới là thứ mà Costello tôn thờ. Gã không trung thành với bất cứ ông chủ nào ngoài danh dự và đạo đức. Như một samurai thực thụ. “Một samurai phải ý thức được một điều trong tâm trí, rằng cái chết tự thân sẽ đến, bất cứ lúc nào. Cái chết nghiễm nhiên trở thành bổn phận, và là nghĩa vụ cao cả nhất. Không ngăn cản được.” Hiển nhiên, Costello đã trở thành một samurai. Bộ phim thành công trong việc kiểm soát phong cách diễn xuất và hiệu ứng hình ảnh. Đạo diễn Melville đặt viên thanh tra (Francois Peroer) song hành với sự lãnh cảm của Costello, như đặt cạnh nhau hai mảnh ghép đối nghịch, và điều này cho phép ông đào sâu vào sự xung đột mang tính biểu tượng cao. Costello nói ít làm nhiều với mọi cử động sắc cạnh và nhanh gọn, trong khi viên thanh tra thì ngược lại. Để buộc tội Costello, hắn bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả việc dành ra hàng giờ để vừa ngon ngọt dụ dỗ vừa khủng bố tinh thần Jane, ép Jane phải phản bội Costello mà nói ra sự thật. Nhưng hắn thất bại. Ở đây, có thể thấy lòng trung thành với danh dự và đạo đức của Costello đã vô hình chung trở thành một mẫu mực để kẻ khác tiếp tục tiếp nối trung thành với gã. Như Jane hay Valerie đã làm. Một trong những điều thú vị của bộ phim là cốt truyện tự phát triển phức tạp cuốn theo sự chết chóc nằm ngoài dự đoán của người xem, bằng một cách vô cùng bình thản như vốn dĩ nó phải như thế. Hầu như rất ít cảnh đối thoại mà chủ yếu chỉ là những chuỗi hành động liên tiếp, bộ phim khiến ta lầm tưởng rằng nó đơn giản đến mức “chẳng có gì”, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Ta đã bị đánh lừa. Một cú lừa rất tuyệt vời, rất ngoạn mục, rất đáng để tán dương. Le Samourai dạy cho ta cách hành động để giải phóng căng thẳng, bởi hành động là kẻ thù của tâm lý bất ổn. Càng bất ổn trong tình thế hiểm nghèo, người ta càng phải hành động. Và mọi hành động xuất phát từ đó, hoàn hảo, tự nhiên, không có vẻ gì là được sắp đặt hay cố tình tô vẽ. Người ta có thể xem một bộ phim như thế, trong sự chờ đợi vô cùng xứng đáng cho những nút thắt mở then chốt, còn hơn phải chịu đựng một bộ phim đầy những hành động xảy ra liên tục mà không đại diện cho bất kỳ một ý nghĩa nào. Jean-Pierre Melville (1917-1973) là một anh hùng của cuộc kháng chiến Pháp. Sau chiến tranh, ông trở về mở hãng phim của riêng mình và bắt đầu sự nghiệp làm phim độc lập. Melville cũng là một trong những người khởi đầu cho Làn Sóng Mới của điện ảnh Pháp. “Tôi không có khả năng hoàn thành bất cứ điều gì cả, ngoài việc suy tưởng về những kịch bản ở trong đầu”, ông bày tỏ. Nhưng trên thực tế, Melville cùng vớI Le Samourai đã làm mới bề mặt thô ráp của điện ảnh và đặt lại định nghĩa về giá trị thật sự của một tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, với tư cách là thế hệ đi sau nhìn vào thành công của Le Samourai, ta hiểu rằng những điều Melville đã làm được còn nhiều hơn cả thế.
  2. Joker posted a file in Điện Ảnh
    • 0 downloads
    UHF (1989) là một bộ phim hài do "Weird Al" Yankovic viết kịch bản, đạo diễn và đóng chính. Phim xoay quanh George Newman, một người đam mê sáng tạo nhưng không gặp may trong cuộc sống. Sau khi bị sa thải khỏi công việc, George được người chú của mình giao cho một kênh truyền hình địa phương đang gặp khó khăn. Tại đây, George cùng những nhân viên kỳ quặc của kênh đã tạo ra nhiều chương trình hài hước và độc đáo, giúp thu hút người xem. Những chương trình này bao gồm các nội dung như game show, sitcom và các chương trình không giống ai, khiến kênh truyền hình trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, sự thành công của họ bị đe dọa bởi một tập đoàn truyền thông lớn, với một giám đốc tham lam muốn mua lại kênh. George và bạn bè của mình phải chiến đấu để bảo vệ kênh và những gì họ đã xây dựng. Phim mang đến nhiều tình huống hài hước, những màn parodia và các ca khúc vui nhộn, thể hiện phong cách độc đáo của "Weird Al" Yankovic. Thông điệp chính của phim là về sức mạnh của sự sáng tạo, tình bạn và niềm tin vào bản thân.
    • 0 downloads
    "Gurren Lagann: The Lights in the Sky are Stars" (2009) là phần phim tóm tắt lại câu chuyện của loạt anime "Tengen Toppa Gurren Lagann." Phim tập trung vào hành trình của Simon và đồng đội trong cuộc chiến chống lại những thế lực áp bức từ dưới lòng đất cho đến vũ trụ. Câu chuyện bắt đầu với Simon, một thanh niên sống trong một ngôi làng dưới lòng đất. Cùng với Kamina, một người đầy nhiệt huyết, họ tìm thấy một chiếc mech tên là Lagann và bắt đầu cuộc hành trình thoát khỏi thế giới ngầm. Dần dần, họ thu thập được nhiều đồng minh và xây dựng một đội quân mạnh mẽ, chiến đấu chống lại những kẻ thống trị bầu trời là Beastmen. Phim không chỉ tái hiện các trận chiến hoành tráng mà còn khai thác các chủ đề về tình bạn, sự quyết tâm, và lòng tin vào bản thân. Mỗi nhân vật đều có sự phát triển rõ rệt, từ Simon nhút nhát thành một nhà lãnh đạo kiên cường, cho đến Kamina, người truyền cảm hứng cho cả đội. Phim kết thúc với một cuộc chiến hoành tráng, nơi Simon và những người bạn của mình không chỉ chiến đấu để bảo vệ thế giới mà còn khẳng định ước mơ và khát vọng tự do của nhân loại. Với hình ảnh sống động và âm nhạc mạnh mẽ, "The Lights in the Sky are Stars" không chỉ là một bộ phim hành động mà còn là một bản tuyên ngôn về tinh thần chiến đấu và ước mơ chinh phục bầu trời.
    • 0 downloads
    La Femme Nikita (1990) là một bộ phim hành động và tâm lý của Pháp do Luc Besson đạo diễn. Phim kể về cuộc đời của Nikita, một phụ nữ trẻ tuổi bị bắt vì tội giết người trong một vụ cướp. Thay vì bị xử án, cô được một tổ chức tình báo bí mật tuyển mộ và đào tạo để trở thành một sát thủ chuyên nghiệp. Nikita, do Anne Parillaud thủ vai, trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt và phải học cách sống trong một thế giới ngầm đầy rẫy sự dối trá và bạo lực. Trong khi chiến đấu với những nhiệm vụ nguy hiểm, cô cũng phải đấu tranh với danh tính của mình và những cảm xúc con người. Nikita phát triển một mối quan hệ tình cảm với một người đàn ông tên là Marco, điều này khiến cô phải lựa chọn giữa tình yêu và nhiệm vụ của mình. Phim nổi bật với các yếu tố hành động kịch tính, các tình tiết căng thẳng và những câu hỏi về bản chất của con người, sự cứu chuộc và mối quan hệ giữa cá nhân và chính quyền. "La Femme Nikita" đã nhận được sự khen ngợi từ cả giới phê bình và khán giả, trở thành một tác phẩm kinh điển trong thể loại phim hành động và ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm sau này.
    • 1 download
    Bộ phim The Zone of Interest (tựa Việt: Vùng quan tâm) của đạo diễn người Anh gốc Do Thái Jonathan Glazer là tác phẩm độc đáo bậc nhất năm qua. Đây cũng có thể xem là một trong những tác phẩm chuyển thể ấn tượng nhất tại mùa giải Oscar 2024. Phim The Zone of Interest chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quá cố Martin Amis, xuất bản năm 2014. Câu chuyện xoay quanh gia đình viên chỉ huy quản trại Auschwitz - biểu tượng tội ác Thế chiến thứ hai của Đức Quốc xã - là Rudolf Höss (Christian Friedel đóng) và bà vợ Hedwig (Sandra Hüller) đang cùng con cái họ tận hưởng những ngày viên mãn sát bên trại tập trung. Tác phẩm thách thức về đạo đức Phim The Zone of Interest ra đời sau tác phẩm về nạn diệt chủng Do Thái là Son of Saul (2015) và tròn 2 thập niên kể từ Schindler's List (1993). Hai phim trước đây từng đưa lên màn ảnh những chi tiết gây ám ảnh diễn ra bên trong trại Auschwitz, nhưng đến The Zone of Interest, các nhà làm phim di chuyển điểm nhìn sang ngôi nhà tinh tươm sang trọng của vợ chồng viên chỉ huy Rudolf Höss. Ngôi nhà này nằm cạnh trại tập trung, được phân cách bằng một bức tường, nơi hằng ngày các lò thiêu xác đỏ lửa liên tục và các cuộc tra tấn, hành hình diễn ra xuyên suốt, từ người lớn đến trẻ em. Thế nhưng, gia đình Rudolf Höss vẫn rất hạnh phúc. Họ sinh hoạt, vui chơi, mở tiệc picnic cạnh trại như không có bất kỳ chuyện gì diễn ra, trừ một việc - âm thanh tù nhân la hét, âm thanh các lò thiêu, tiếng xe lửa xình xịch chở người Do Thái vào trại để chết… - tràn vào gia đình này, len lỏi trong từng âm thanh mà các thành viên nhà này phát ra. Có nhiều chi tiết đắt giá trong phim, đó là cảnh các viên tướng ngồi bàn về cách thức hoạt động của lò thiêu, đồ đạc của tù nhân được đặt trên một xe cút kít chuyển về nhà này và đám đàn bà tranh nhau lấy, hay đứa con của họ nằm rọi đèn pin để xem răng người… Mặc dù phim không có bất kỳ cảnh tra tấn và hành quyết nào trực tiếp, nhưng sự đối lập về bối cảnh, về đạo đức này đã khiến The Zone of Interest trở thành tác phẩm "thách thức" khán giả vì vô cùng chân thực. Bản chuyển thể xuất sắc Điều mà Jonathan Glazer hấp thụ và chuyển thể The Zone of Interest của Martin Amis đó là tính chân xác lịch sử và sự kinh dị thoáng ẩn hiện trong suốt các khung hình. Đạo diễn kiêm biên kịch này đã phá vỡ cấu trúc truyện kể, thay tên nhân vật của Martin Amis và chọn điều mình quan tâm để đưa lên phim - cái ác được nhìn nhận theo chiều kích khác, tức không phải ngay nơi cái ác diễn ra mà ở cạnh bên nó, và đó là vì sao mà gia đình viên chỉ huy Rudolf Höss sống cạnh trại đã được chọn để kể. Jonathan Glazer đã kể câu chuyện một cách điềm tĩnh, lạnh nhưng sắc, về một trong những thảm họa diệt chủng tồi tệ nhất của nhân loại. Tác phẩm của Jonathan Glazer, như giới phê bình phương Tây nhận xét, là ngoài nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử tồi tệ, về một nơi đạo đức bị bỏ quên, tác phẩm chuyển thể này còn nhắc nhở rằng cái ác vẫn luôn diễn ra, điều quan trọng là ta nhìn nhận, đối mặt với nó như thế nào.
    • 0 downloads
    The Valiant Ones (1974) là phim hành động và võ thuật của Hồng Kông, do đạo diễn Trần Tinh Huy (Chang Cheh) thực hiện. Phim lấy bối cảnh vào thời kỳ nhà Minh ở Trung Quốc và xoay quanh những cuộc chiến đấu của những chiến binh dũng cảm chống lại quân xâm lược Nhật Bản. Câu chuyện tập trung vào nhóm chiến binh, do nhân vật chính là một người anh hùng trẻ tuổi dẫn dắt. Họ phải đối mặt với những kẻ thù mạnh mẽ và tham nhũng, đồng thời đấu tranh cho sự tự do và công lý. Những trận chiến mãn nhãn, kỹ xảo võ thuật điêu luyện và các tình tiết cảm động làm nổi bật tinh thần dũng cảm và lòng trung thành của các nhân vật. Phim không chỉ đơn thuần là một tác phẩm giải trí mà còn mang lại những bài học về tình bạn, lòng yêu nước và sự hy sinh. "The Valiant Ones" được đánh giá cao về nội dung và hình ảnh, trở thành một trong những bộ phim đáng nhớ trong thể loại phim võ thuật của thập niên 70.
    • 0 downloads
    The SpongeBob SquarePants Movie (2004) là bộ phim hoạt hình dựa trên series nổi tiếng "SpongeBob SquarePants". Phim theo chân SpongeBob và những người bạn của anh trong một cuộc phiêu lưu đầy hài hước và cảm động. Câu chuyện bắt đầu khi vua Neptune của thành phố Bikini Bottom bị mất vương miện và nghi ngờ rằng người quản lý quán ăn Krabby Patty, ông Krabs, có liên quan đến vụ mất trộm. SpongeBob, với ước mơ trở thành một người quản lý quán ăn, quyết định chứng minh giá trị của mình bằng cách tìm lại vương miện cho vua Neptune. Anh được hỗ trợ bởi Patrick, người bạn thân mến nhưng ngốc nghếch của mình. Trong hành trình, họ phải vượt qua nhiều thử thách và khám phá những khu vực chưa từng thấy của biển cả. Họ gặp gỡ các nhân vật kỳ quặc, đối mặt với những tình huống hài hước và không thể tưởng tượng nổi. Bộ phim mang lại thông điệp về sự trưởng thành, tình bạn và lòng dũng cảm. Với phong cách hoạt hình đặc trưng, những bài hát vui nhộn và những khoảnh khắc cảm động, "The SpongeBob SquarePants Movie" đã trở thành một tác phẩm yêu thích của cả trẻ em và người lớn.
    • 0 downloads
    Năm 2015 đánh dấu sự nở rộ của các bộ phim có đề tài điệp viên. Từ đầu năm đến nay, khán giả yêu điện ảnh được thức nhiều tác phẩm nổi bật như Kingsman: The Secret Service, Spy hay Mission: Impossible – Rogue Nation. Những bộ phim này cho thấy một xu hướng mới trong cách thực hiện các phim về điệp viên - kết hợp giữa phần hành động và các yếu tố hài hước, vui nhộn. The Man from U.N.C.L.E. của đạo diễn người Anh Guy Ritchie là bộ phim mới nhất đi theo xu hướng này. Những người yêu điện ảnh không còn xa lạ với Guy Ritchie. Đạo diễn 46 tuổi hiện là một trong những nhà làm phim xuất sắc của Anh. So với những đồng nghiệp khác ở xứ sở sương mù, Ritchie có phong cách làm phim khác hẳn. Những bộ phim của ông như Lock, Stock and Two Smoking Barrels, Snatch, RocknRolla hay hai tập phim Sherlock Holmes luôn mang phong cách phớt tỉnh, quý tộc kiểu Anh, có phần hơi “sang chảnh”. Đi kèm đó là sự hóm hỉnh, hài hước, châm biếm, hơi “tưng tửng” trong các tình huống, câu thoại và cách khắc họa nhân vật. Phong cách này tiếp tục được Ritchie đưa vào The Man from U.N.C.L.E. và được ông trau chuốt hơn. Được chuyển thể từ phim truyền hình ăn khách ở thập niên 1960, The Man from U.N.C.L.E. là câu chuyện về sự hợp tác bất đắc dĩ giữa Chính phủ Mỹ và Liên Xô (cũ) để ngăn chặn một âm mưu khủng bố bằng loại vũ khí nguyên tử đặc biệt trong những ngày tháng căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Đại diện cho hai cường quốc là Napoleon Solo tới từ CIA và Illya Kuryakin tới từ KGB. Gạt bỏ thù hằn sang một bên, họ buộc phải bắt tay thực hiện sứ mệnh quan trọng này. Manh mối duy nhất mà hai điệp viên có được là cô con gái của nhà khoa học người Đức vừa biến mất một cách bí ẩn. Đó cũng là chìa khóa giúp họ xâm nhập vào tổ chức tội phạm. Bộ đôi sẽ phải chạy đua với thời gian để tìm ra nhà khoa học và ngăn chặn âm mưu đen tối có nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình nhân loại. Yếu tố đầu tiên hấp dẫn người xem của The Man from U.N.C.L.E. là một dàn diễn viên trẻ đẹp và tài năng, đặc biệt là hai diễn viên nam chính - Henry Cavill và Armie Hammer. Cả hai đều sở hữu đôi mắt xanh hút hồn, thân hình như tạc tượng và khuôn mặt góc cạnh. Trong phim, Henry Cavill vào vai Napoleon Solo, một điệp viên CIA luôn mang phong cách lịch lãm, quý ông, chỉn chu và quyến rũ ngay cả khi đang đi… ăn trộm. Ngược lại, vai diễn Illya Kuryakin của Armie Hammer lại có vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ, phong trần và thô ráp. Phong thái, diện mạo bên ngoài và tính cách trái ngược cùng khả năng “tung hứng” khéo léo giữa hai tài tử này khiến bộ đôi Solo và Kuryakin cuốn hút và gây cười cho khán giả mỗi khi họ đối đầu hay hành động cùng nhau. Làm nền cho hai nam diễn viên điển trai trong The Man from U.N.C.L.E. là hai kiều nữ Alicia Vikander và Elizabeth Debicki. Được biết đến từ A Royal Affair, bộ phim từng được đề cử giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” và mới đây là phim giả tưởng Ex Machina, Alicia Vikander đang dần khẳng định tài năng của mình. Hóa thân thành cô nàng Gaby kiêu kỳ trong The Man from U.N.C.L.E., người đẹp Thụy Điển cho thấy sự đa dạng trong diễn xuất với nhiều tình huống thể hiện tính cách, tâm lý nhân vật khác nhau. Đồng thời cô cũng khiến khán giả xuýt xoa với gu thời trang thanh lịch và vẻ đẹp quý phái. Trong khi đó, mỹ nhân Australia cao 1,9 m - Elizabeth Debicki - lại toát lên sự lạnh lùng, sắc lạnh và mê hoặc của một bà trùm quyền lực. Hai vai diễn khách mời của tài tử Hugh Grant và cựu danh thủ David Beckham cũng mang lại thú vị. Nhân vật của Grant là người nắm giữ chi tiết đắt giá nhất bộ phim. Trong khi đó, Beckham cũng khiến nhiều người bất ngờ với vai diễn nhỏ chỉ xuất hiện hơn chục giây, nói một câu thoại. Có bối cảnh vào những năm 1960, The Man from U.N.C.L.E. mang không khí hoài cổ rõ nét. Đạo diễn Guy Ritchie khéo léo để hình ảnh phim có màu đậm, tối, hơi ám vàng làm gợi nhớ lại những bộ phim nhựa thời kỳ đó. The Man from U.N.C.L.E. còn mang chất độc đáo riêng nhờ phục trang và âm nhạc. Các nhân vật đều diện trang phục đậm hơi thở thời trang thập niên 1960 với mũ beret sẫm màu, kính mắt to và gọng dày, váy liền thân hay mũ rộng vành của nữ. Những bài hát trong phim cũng là các nhạc phẩm nổi tiếng đương thời với sự đa dạng về thể loại (Blues, Jazz, Rock) và ngôn ngữ (Anh, Italy, Đức). The Man from U.N.C.L.E. còn có nội dung cuốn hút với nhiều nút thắt, nút mở. Đạo diễn Guy Ritchie xây dụng bộ phim với đủ lớp lang, đưa đẩy sự kiện, tình huống để tạo nên cao trào. Phần hành động vừa phải nhưng đặc sắc, được cài cắm với các tình huống hài hước, châm biếm tinh tế. Chi tiết đắt giá nhất của The Man from U.N.C.L.E. được Ritchie giấu kín và tung ra vào lúc căng thẳng nhất khiến người xem hoàn toàn bất ngờ. Phim sẽ thêm phần đặc sắc nếu đạo diễn Guy Ritchie chăm chút hơn cho nhân vật phản diện chính đồng thời tạo thêm chút kịch tính cho màn đánh “trùm cuối”. Nhưng xét về tổng thể, The Man from U.N.C.L.E. là một tác phẩm giải trí ấn tượng làm hài lòng khán giả bởi sự cuốn hút, hài hước của nội dung, phần hành động sáng tạo và cảnh quay đẹp.
    • 0 downloads
    Phim kể về anh chàng Joel Goodson, một công tử ăn chơi trác táng vô cùng sành điệu và sĩ diện. Joel sinh ra trong một gia đình giàu có, với ông bố bà mẹ hết lòng vì con cái. Đến tuổi trưởng thành, Joel luôn có ý tưởng chống đối và xáo trộn mọi thứ. Trong một dịp bố mẹ đi xa, Joel quyết định làm bữa tiệc chia tay với trinh tiết của một gã thanh niên. Và bi kịch đã đến với Joel từ chính lần đập phá này. Sau khi “hết hồn” với cô nàng chuyển giới, Joel lại lao phải một ả yêu nữ. Từng chút đời tư bừa bãi của Joel bắt đầu lộ diện ra ánh sáng với bao rắc rối và sức ép từ mọi người xung quanh, nhưng cũng từ đó Joel đã học được một cách kinh doanh cho lợi nhuận lớn nhưng nhiều rủi ro... Bộ phim được đánh giá là “thông minh nhất, hài hước nhất, sâu sắc nhất” trong một thời gian dài. Lối đối thoại dí dỏm, những câu từ giàu hình ảnh, những hành động nông nổi của tuổi trẻ, bạn bè với những lời khuyên rất chân thành và cả thái độ nhiệt tình đưa nhau vào đời... đã đem đến những trận cười sảng khoái cho khán giả. Một trong những cảnh quay được ca ngợi nhiều nhất và trở thành hình mẫu cho những ý tưởng quảng cáo, để các fan tha hồ “chế” lại, là cảnh Joel (do Tom Cruise đóng) trong chiếc áo sơ mi màu hồng phấn, phía dưới gần như không mặc gì, nhảy múa ca hát thể hiện niềm phấn khích khi được tự do, thoát khỏi bàn tay và con mắt của bố mẹ trong vài ngày. Nét trẻ trung với khuôn mặt đẹp trai tới hút hồn thiếu nữ của Tom đã làm cảnh quay thêm nhiều nét lãng mạn đẹp đẽ. Tom Cruise là một trong những nam tài tử rất được hâm mộ, những bộ phim bom tấn Tom từng tham gia đã đem đến cho Tom vị trí số một trong danh sách những nam diễn viên được trả lương cao nhất Hollywood trong năm 2012. Anh chàng Joel Goodson là vai chính đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh của Tom, với vai diễn này Tom đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và chúc mừng từ phía giới phê bình và khán giả. Ngoài thành công trong diễn xuất của các diễn viên, âm nhạc trong phim cũng là một điểm nhấn rất nổi bật. Có chất Rock and Roll với những cuồng nhiệt sôi, có những bản ballat ngọt ngào mộng mơ thấm đẫm cảm xúc la đà.