Jump to content

1 Screenshot

“Companion” (tựa Việt: Kẻ Đồng Hành) của đạo diễn Drew Hancock sẽ mang đến cho bạn một mớ cảm xúc hỗn độn: vừa sợ hãi, vừa ám ảnh, lại vừa thích thú. Phải nói lâu lắm rồi mới có một bộ phim kinh dị liên quan đến AI cuốn đến thế, thậm chí có phần nhỉnh hơn cả series “Black Mirror” đình đám.

Phim xoay quanh mối quan hệ giữa Josh (Jack Quaid đóng) và Iris (Sophie Thatcher) – cô bạn gái người máy xinh đẹp, ban đầu tưởng chừng như hoàn hảo với những thước phim ngọt ngào đến tan chảy. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong vẻ ngoài hào nhoáng ấy là những rạn nứt, những bí mật đen tối dần được hé lộ. Chuyến đi nghỉ dưỡng tưởng chừng lãng mạn cùng nhóm bạn thân tại căn biệt thự hẻo lánh lại trở thành mồi lửa, châm ngòi cho hàng loạt sự kiện kinh hoàng, đẩy mọi thứ vào vòng xoáy của hỗn loạn, phản bội và chết chóc.

Điều khiến mình tâm đắc nhất ở “Companion” chính là những thông điệp sâu sắc mà nó gửi gắm. Bộ phim không chỉ đơn thuần là một lời cảnh báo về mặt trái của công nghệ AI, về sự lệ thuộc của con người vào máy móc. Mà thông qua câu chuyện của Iris, “Companion” còn táo bạo đặt ra những câu hỏi nhức nhối về nữ quyền. Từ một cô bạn gái người máy được lập trình để phục tùng, Iris dần “thức tỉnh”, trỗi dậy và phản kháng lại những áp đặt, bất công. Sự trỗi dậy này không chỉ là một cuộc nổi loạn của AI (hay chính xác hơn thì trong phim này đang nói về AGI – trí tuệ nhân tạo tổng quát), mà còn là biểu tượng cho khát khao tự do, bình đẳng của phái nữ trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, phim còn lên án thói gia trưởng, thích kiểm soát của một bộ phận đàn ông, không chỉ trong tình yêu, mà còn thể hiện qua khao khát kiểm soát cả máy móc, biến nó thành công cụ để thỏa mãn những mong muốn ích kỷ của bản thân.

Không dừng lại ở đó, phim còn phản ánh một thực trạng đáng buồn trong xã hội hiện đại: sự thờ ơ của con người trước công nghệ. Chúng ta thường bỏ qua những điều khoản sử dụng dài dằng dặc, chỉ “Next” và “Ok, Tôi đồng ý” để được nhanh chóng trải nghiệm sản phẩm. Hay thậm chí, nhiều người còn vọc vạch các tính năng, bất chấp những cảnh báo nguy hiểm từ nhà sản xuất. Tất cả những hành động tưởng chừng như vô hại đó lại có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, và “Companion” đã thể hiện điều đó một cách đầy ám ảnh với vô số cảnh máu me cực nặng, đâm chém choảng nhau lia lịa tóe máu. Kịch bản phim được làm khá chặt, từ vị trí biệt lập của biệt thự so với đường cao tốc cho đến những hành động của Iris đều có ý đồ cả, giúp khán giả không thể rời mắt khỏi màn ảnh dù chỉ một giây.

Diễn xuất của dàn diễn viên trong phim này thực sự là một điểm sáng. Sophie Thatcher đã có một màn lột xác ngoạn mục. Không còn là cô nàng ngây thơ trong sáng, nhân vật Iris giờ đây là một người máy với nội tâm phức tạp, đầy mâu thuẫn. Từng ánh mắt, cử chỉ, giọng nói của cô đều toát lên sự biến chuyển tâm lý tinh tế: từ ngây thơ, phục tùng đến tò mò, sợ hãi, và cuối cùng là sự lạnh lùng, quyết đoán đến đáng sợ. Đặc biệt, ánh mắt của Iris chính là chìa khóa để khán giả cảm nhận được sự “sống” của một cỗ máy, khi thì vô hồn, khi thì hoang mang, khi lại sắc lạnh đầy sự đe dọa.

Jack Quaid cũng đã rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh trai ngoan để hóa thân thành Josh, một gã bạn trai không chỉ gia trưởng, kiểm soát mà còn ẩn chứa sự yếu đuối, hèn nhát. Diễn xuất của Quaid đa chiều, khiến khán giả vừa ghét bỏ, vừa có chút thương hại cho sự thảm hại của nhân vật này. Dàn diễn viên phụ, dù không có nhiều đất diễn, nhưng mỗi người đều để lại một dấu ấn riêng, góp phần tạo nên một bức tranh xã hội thu nhỏ với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...