Jump to content

1 Screenshot

Một bộ phim của năm 2017 mà tình cờ pop up trên pubvn. Phim khá ngắn so với những bộ phim tâm lý/hành động mà mình từng xem, nhưng chất lượng thì không hề kém cạnh. Nếu bạn tìm đọc blog của mình thì chắc hẳn bạn đã xem phim rồi. Bài review này mình sẽ chỉ tập trung vào giải tích và phân tích các chi tiết trong phim.

Quá khứ

Những bạn chưa quen với thể loại phim như này sẽ thấy có chút khó hiểu, vì có những cảnh phim chả biết từ đâu nhảy vào phim làm ngắt mạch câu chuyện. Thật ra những cảnh phim vụn vặt đó là những mảnh vỡ trong ký ức của Joe, nhân vật chính của chúng ta. Tuổi thơ của Joe là những hình ảnh đầy đau thương khi nhìn thấy bố dùng búa đánh đập mẹ, là hình ảnh Joe sợ hãi trốn trong tủ quần áo vì không muốn nghe và chứng kiến mẹ mình khóc trong đau đớn. Ngột ngạt và sợ hãi đã phủ một tấm màn lên tuổi thơ của Joe và ảnh hưởng tới tính cách của Joe khi anh lớn lên.

Mảnh ghép thứ 2 trong ký ức của Joe là khi anh vẫn còn phục vụ trong quân đội. Trong một nhiệm vụ phá đường dây buôn bán trẻ em vị thành niên làm nô lệ tình dục, Joe và đồng đội đã thất bại. Kết quả là họ đều chết ngạt trong container. Đoạn này trong phim xảy ra vô cùng chớp nhoáng và không đi sâu vào chi tiết, nhưng mình đoán là chiếc container đó chở các bé gái châu Á bị bắt cóc và bán cho đường dây mại dâm xuyên biển. Đó là lý do tại sao khi được nhờ chụp ảnh cho một cô gái châu Á và nhóm bạn, những hình ảnh trong quá khứ lại ùa về, làm Joe tưởng tượng ra nước mắt trên khuôn mặt của cô gái. Hình ảnh các bé gái chết ngạt trong container đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với Joe. Anh không thể quên được cái chết của họ và có lẽ sâu trong tiềm thức Joe luôn tự đổ lỗi cho bản thân mình. Anh tự trừng phạt bản thân bằng việc làm ngạt chính mình, như để gợi nhớ lại những bé gái đó đã phải chết đau đớn như thế nào. (FYI: trong các kiểu chết thì chết ngạt là đau và khó chịu nhất)

Hiện tại

Cuộc sống của Joe là những chuỗi ngày bị tra tấn bởi những mảnh vụn ký ức, là những giây phút bình dị nhưng không vắng tiếng cười của Joe và người mẹ già lẩn thẩn. Anh chăm sóc cho mẹ rất tận tâm. Bạn có nhớ chi tiết Joe nói chuyện với mẹ trước cửa phòng tắm trong khi cố tình thả con dao rơi vào bàn chân mình không? Đây là chi tiết tác giả tiết lộ những bất ổn trong tâm lý của Joe. Joe giết người tàn bạo không ghê tay, nhưng ẩn sâu bên trong hình hài khổng lồ đó lại là một tâm hồn yếu đuối. Joe sống trong nỗi ám ảnh về quá khứ, chán ghét cuộc sống hiện tại. Trong hoàn cảnh của Joe, nhiều người sẽ tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho tâm hồn. Joe không sợ chết, nhưng anh không chắc mình có muốn chết hay không. Mỗi lần Joe tự làm ngạt chính mình, hoặc mỗi khi anh muốn làm đau bản thân là một lần Joe tiến lại gần ranh giới của sự sống và cái chết. Joe muốn cảm nhận nó, Joe muốn chạm vào nó để thoả mãn cái khát khao được chết trong tâm hồn. Nhưng Joe lại không thể chết, vì anh còn phải chăm sóc cho mẹ. Joe chưa sẵn sàng để người mẹ già một mình chống chọi với thế giới.

Joe làm cho một đơn vị tư nhân, chuyên xử lý những người “cần phải được xử lý”. Mọi công việc giao tiếp đều qua một bên trung gian mà trong phim chính là chủ cửa hàng tạp hoá. Do cậu con trai ông chủ cửa hàng vô tình nhìn thấy Joe trong lúc anh đang “xử lý công việc”, Joe đành phải chấm dứt làm ăn với ông chủ cửa hàng. Joe trực tiếp tìm gặp boss và nói họ cần phải tìm một bên trung gian mới. Đây là lúc anh nhận nhiệm vụ giải cứu con gái của thượng nghị sĩ, Nina. Nina bị bắt cóc bởi đối thủ (William) của bố Nina (Votto) trên chính trường để phục vụ cho một âm mưu chính trị. William là một tay chính trị gia bẩn thỉu với sở thích ấu dâm với các bé gái. Bắt cóc Nina vừa gây áp lực với Votto, vừa đáp ứng nhu cầu cá nhân của minhg. Một mũi tên trúng 2 đích. Bố Nina thuê Joe đi tìm con gái và trả thù những kẻ đã bắt cóc con gái ông. Nhưng khi Joe cứu được Nina rồi thì Votto lại bị William ám sát và nguỵ tạo một vụ tự sát, đồng thời William cũng cho người truy đuổi Joe để bắt Nina trở về. Những kẻ truy sát đã bắt lại Nina, tìm đến nhà Joe và giết mẹ của anh. Khi Joe tìm đến văn phòng của boss và phát hiện ra boss đã ra lệnh giết cha con chủ cửa hàng tạp hoá để bịt đầu mối, Joe đã tự tay giết boss. Điều này cho thấy Joe vẫn có tình người, anh trả thù cho những linh hồn vô tội bị giết. Khi trở về nhà và phát hiện ngừoi mẹ yêu quý bị giết, trong khi 2 kẻ sát nhân vẫn còn đang quanh quẩn trong chính ngôi nhà của anh, Joe đã bắn bọn chúng. Trước khi chết, 1 trong 2 tên đã kịp nói cho Joe thông tin về Nina. Viên thuốc mà Joe đưa cho tên sát nhân đang quằn quại chờ chết, mình nghĩ là cocain, giúp hắn bớt đau đớn hơn. Joe nằm xuống bên cạnh kẻ sát nhân, và nắm lấy tay hắn lúc hắn chết. Hơn ai hết, Joe hiểu tên sát nhân chỉ là một công cụ, giống như chính bản thân Joe, và một sự đồng cảm sâu sắc cho một linh hồn tội lỗi đang rời bỏ thế gian. Không còn mẹ, Joe đã định tự sát, nhưng hình ảnh về Nina đã níu kéo Joe trở về với sự sống.

Joe lần theo dấu vết và phát hiện nơi Nina đang bị giam giữ. Khi tìm đến phòng ngủ, Joe phát hiện William đã bị giết. Đến lúc này mình có thể đoán ra ngay ai đã giết William. Nhưng Joe thì không :))) Anh đau đớn, đến nỗi bật khóc, toàn thân run lên và khẽ thì thầm “I’m weak”. Anh tưởng mình mất dấu Nina rồi, cho đến khi anh xuống phòng ăn và nhìn thấy Nina đang ăn tối với bàn tay run rẩy đầy máu. “It’s okay”, Nina vuốt tóc Joe an ủi. 2 người rời đi đến một quán ăn trong thành phố. Joe tưởng tượng ra cảnh mình tự sát với khẩu súng lục nhắm vào họng, nhưng lại một lần nữa Nina kéo anh về với thực tại. Có lẽ từ bây giờ, Nina sẽ thay thế mẹ của Joe trở thành thứ duy nhất ngăn cản anh tìm đến cái chết.

Có một chi tiết mình rất thích, đó là cảnh đếm ngược. Bạn có thể nghe thấy một giọng nam và một giọng nữ cùng đếm ngược 1 lúc. Giọng nam là của Joe, giọng nữ mình đoán là Nina. Nhưng tại sao? Joe đếm ngược trong lúc anh đang tự làm ngạt chính mình, đếm ngược những giây phút tối tăm nhất trong cuộc đời anh, khi anh đi giữa làn ranh của sự sống và cái chết. Còn Nina, cô bé đếm ngược trong những giây phút tối tăm nhất của cuộc đời lúc cô bị bọn ấu dâm làm nhục, khi cơ thể cô bé thì vẫn sống nhưng con người thì đã chết. Cả Nina và Joe, họ có lẽ đếu tin tưởng và hy vọng rằng khi họ chạm đến số 0, những giây phút đau khổ đó sẽ qua đi.

You were never really here, cái tên khắc hoạ cho những con người khát khao sự giải thoát, họ sống giữa ranh giới của sự sống và cái chết, của quá khứ và hiện tại, của sự tàn bạo và yếu đuối. Họ không biết mình thuộc về nơi nào, hoặc chính xác hơn họ không biết nơi nào dành cho họ. Họ cần được giải thoát, nhưng không chắc đó có phải thứ họ mong muốn hay không. Kết luận lại là, cuộc sống bao quanh bởi những mặt đối lập mà bạn phải học cách sống với nó, chỉ đơn giản là bởi vì bạn không bao giờ có thể thực sự ở 1 trong 2.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...