Jump to content

1 Screenshot

Thời nhà Minh Đông Xưởng làm loạn triều cương đứng đầu là thái giám Tào Thiếu Khâm, Tào Thiếu Khâm đã xử trảm trung thần Vu Khiêm và còn cử tâm phúc của mình là Thiệu Đường cùng Mao Tông Hiến đuổi theo muốn diệt tận gốc gia đình Vu Khiêm. Các vị đại hiệp lúc bấy giờ không thể đứng yên nhìn Tào Thiếu Khâm tiếp tục làm ác nên đã cùng tập hợp để cứu gia đình Vu Khiêm, họ và nhóm tay sai của Tào Thiếu Khâm cũng chạm mặt tại một quán trọ tên là Long Môn.

∎ Vài lời giới thiệu:

Trong lần liệt kê này về đề tài phim võ hiệp đã nhắc đến Sở Nguyên và Trương Triệt thì không thể nào bỏ qua một cái tên tài năng như Hồ Kim Thuyên. Hồ Kim Thuyên là một đạo diễn cùng thời với đạo diễn Trương Triệt, dù làm chung một đề tài nhưng phong cách khác biệt, mỗi người đều có một đặc sắc riêng và cùng được công nhận là hai đạo diễn tiên phong của "Thế kỷ võ hiệp mới" trong những năm 60-70. Bộ phim được nhắc đến hôm nay là ý tưởng gốc <Tân Long Môn Khách Sạn> năm 1992 của Từ Khắc, đồng thời Hồ Kim Thuyên cũng là thần tượng mà Từ Khắc luôn tôn sùng. Năm đó khi nghe được những lời khen ngợi <Tân Long Môn Khách Sạn>, Từ Khắc từng nói: "Không ai có thể thay thế Thạch Tuyển, không ai có thể thay thế Thượng Quan Linh Phượng, không ai có thể thay thế Bạch Ưng. <Long Môn Khách Sạn> đã giúp Hồ Kim Thuyên phát huy hết tài năng của mình, năng lực nghiên cứu kết cấu phim của Hồ Kim Thuyên đã vượt qua cái tầm của người thường".

<Long Môn Khách Sạn> đi theo phong cách phim võ hiệp ngày xưa, nội dung đơn giản và nhân vật một chiều. Nếu Trương Triệt theo đuổi võ thuật chân thật với những cú nhào lộn, diễn xuất tự nhiên, thoải mái thì Hồ Kim Thuyên lại thích áp dụng yếu tố kinh kịch vào phim. Trong phim ông đã sử dụng tiếng chiêng trống của kinh kịch, các nhân vật cũng bước vào nhịp điệu, động tác đơn giản, ngắn ngọn và không màu mè, tiết tấu hành động và biểu cảm đều chậm nửa nhịp cộng với cách lồng tiếng đặc trưng ngày xưa tạo cảm giác cổ điển nhưng không bị gò bó, lời thoại cũng rất đơn giản và súc tích như đang đọc một quyển tiểu thuyết võ hiệp cổ. Một điểm khác nhau lớn của Trương Triệt và Hồ Kim Thuyên chính là ngoại cảnh, phim Trương Triệt thường xuyên sử dụng cảnh trong nhà hoặc cảnh giả thì Hồ Kim Thuyên đã hào phóng sử dụng ngoại cảnh cực kỳ hoành tráng, cảm giác như một bức tranh thủy mặc sắc sảo với hình ảnh ngọn đèn le lói trong đêm trăng tĩnh lặng, mà ở đó con người chỉ là những đốm đen bị lẫn trong màn sương mù mờ ảo.

Hồ Kim Thuyên từng nói: "Tôi quan tâm đến cách diễn đạt hơn là câu chuyện và chủ đề", cái gọi là cách diễn đạt có nghĩa là sử dụng ngôn ngữ hình ảnh tiết kiệm nhất để tạo nên hiệu quả cao nhất nhằm diễn đạt được ý tưởng của đạo diễn. Toàn bộ phim đều diễn ra trong không gian giới hạn trong và ngoài quán trọ, câu chuyện được kể theo trình tự trước sau, kết cấu thẳng thắn nhưng nhịp điệu đồn dập với động tác sắc bén, sống động. <Long Môn Khách Sạn> có rất nhiều cảnh quay dài để thể hiện các cảnh võ thuật, điều này đã thể hiện một cách chân thực và trọn vẹn tinh thần võ hiệp thuần túy, so với những hiệu ứng võ thuật được chỉnh sửa vào hậu kỳ thì phương pháp này chắc chắn càng gây ấn tượng hơn. Ngoài ra ông còn sử dụng tiếng nhạc kinh kịch để cắt cảnh và tạo nên độ kịch tính cho phim. Hơn nữa Hồ Kim Thuyên đã miêu tả tính cách nhân vật rất rõ ràng nhưng lại không đề cập đến thân phận của họ, trông cả phim như một lát cắt sắc lẹm kể về câu chuyện được xảy ra trong một thời gian ngắn, để rồi phần mở đầu và sau này của nhân vật đều để cho khán giả tự mình suy ngẫm.

Nếu Long Môn năm 1992 nhấn mạnh vào tình nhi nữ thì Long Môn 1967 lại thuần túy chỉ là tinh thần võ hiệp. Giang hồ là gì, hiệp khách là gì? Một bầu rượu, một quyển sách, một bức họa, một lời nói đều là giang hồ. Đi giữa đất trời, ngắm mây trên cao, chìm trong thăng trầm thế gian chẳng khác nào hiệp khách.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...