Jump to content

1 Screenshot

Sympathy for Mr. Vengeance công chiếu vào năm 2002, là phần đầu tiên trong Bộ ba Báo Thù- The Vengeance Trilogy của đạo diễn người Nam Hàn Park Chan Wook. The Vengeance Trilogy gồm có Sympathy for Mr. Vengeance (ngắn gọn là Mr. Vengeance), Oldboy, và Sympathy for Lady Vengeance (Lady Vengeance), với nội dung cùng về sự hận thù, bạo lực và tội ác. Tuy nói là ba phần song mỗi phim hoàn toàn độc lập về cốt truyện, và cái tài của đạo diễn Park là dù khai thác về cùng một chủ đề, sự thù hận trong mỗi phim lại thể hiện theo một cách khác nhau, không phim nào lặp lại phim nào.

Trong ba phần Oldboy hay và nổi tiếng nhất. Chủ nhân giải Grand Prize Liên hoan Cannes năm 2004 được xem là niềm tự hào, một trong những kiệt tác xuất sắc nhất của nền điện ảnh Hàn Quốc. Nói ví von, Old boy giống cái cách một nhát dao sâu xoáy vào góc tối tăm, Lady Vengeance thì thiên về sự cứu rỗi, chữa lành trong tâm hồn, Mr Vengeance lại là một lát cắt nằm ngang về sự trả thù. Mr. Vengeance có lẽ chẳng thể bằng được Oldboy, nhưng so với phần cuối Lady Vengeance cá nhân tôi thấy cốt truyện Mr. Vengeance hay hơn. Nói vậy The Vengeance Trilogy phần nào cũng có giá trị riêng của nó và vô cùng đáng xem; nếu bạn muốn đổi vị với những tác phẩm tăm tối, lột tả trần trụi tính ác của con người, thì đây chính là ba gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.

Tội ác- trả thù, mối quan hệ nhân quả này là sợi chỉ xuyên suốt liên kết toàn bộ các tình tiết. Kẻ phạm tội ác dù bất kể mục đích nào, vô tình hay cố ý, đều phải hứng chịu trở lại sự trả thù đau đớn và tàn khốc, không nương tay, khi bạo lực chính là không khí, là hơi thở của câu chuyện. Bạo lực cũng đóng vai trò hệt như vậy trong hai phần còn lại. Mỗi cuộc trả thù tức là phải tắm trong máu, trên cả thể xác lẫn trong tâm hồn. Tha thứ dường như là điều không tưởng trong thế giới ấy. Tôi từng xem Lady Vengeance, về đoạn các phụ huynh đi trả thù kẻ đã sát hại con mình, tôi nhớ một lời thoại từ một người trong nhóm phụ huynh đó, với đại ý rằng: Việc trả thù này cũng chẳng thể nào làm cho con họ sống lại. Vốn dĩ là nhóm người phải phân vân giữa việc tự tay hành quyết kẻ thủ ác, hay giao hắn cho pháp luật trừng trị (tất nhiên chỉ ngồi tù). Thường thường câu thoại như thế rơi vào các bộ phim khác tức là lúc đấy nhân vật của chúng ta dao động rồi, tiếp đến đạo diễn sẽ cho trả thù là vô nghĩa, rồi thì mủi lòng,… nói chung đại loại như thế. Nhưng trong The Vengeance Trilogy điều đó là không tưởng! Sau đó nhóm phụ huynh cầm vũ khí, từng người từng người một bước vào đâm và chém tên sát nhân kia từng nhát một, tới tận khi hắn tắt thở. Tương tự hệt vậy trong Mr Vengeance, cuối phim khi Dong Jin đẩy Ryu xuống nước, ông biết thực tình cậu là một chàng trai tốt bụng và đáng thương, Ryu đã đối xử tốt với con gái ông và cái chết chỉ là tai nạn, thế nhưng trả thù vẫn phải vẫn phải tiến hành: Dong Jin cắt gân chân của Ryu và đẩy cho cậu chết chìm dưới nước.

Mr. Vengeance khác hai phim kia ở chỗ quan hệ trả thù- tội ác chằng chịt phức tạp hơn. Không đơn thuần chỉ là tay đôi anh làm hại tôi tôi trả thù anh, Mr. Vengeance gồm nhiều các cuộc trả thù lớn nhỏ. Điều tạo sự khác biệt là đạo diễn Park Chan Wook không phán xét các cuộc trả thù đó là đáng hay vô nghĩa, những nhân vật không biểu lộ cảm xúc thỏa mãn hay hối hận. Những biểu cảm hết sức dửng dưng khi họ trả thù khiến ta rùng mình, và đau lòng hơn khi vòng tội lỗi ấy rất không đáng để xảy ra. Nguyên cớ gì đã châm ngòi cho lửa hận thù? Do Ryu bị điếc nên không thể nghe thấy tiếng kêu cứu của Yu Sun, hay bởi tình cảnh cậu quá hiểm nghèo mới đẩy cậu tới bước đường cùng phải đi bắt cóc. Hay giá như Dong Jin dành nhiều thời gian hơn cho con gái, dạy con biết bơi thì đâu đến nỗi bị chết đuối? Thế nhưng dù gì đi chăng nữa, chỉ một đốm lửa nhỏ cũng đủ để thổi bùng lên ngọn lửa. Ryu (vô tình) giết Yu Sun, Dong Jin giết Yeong Mi, Ryu giết đám buôn nội tạng vì cái chết của chị gái, Dong Jin giết Ryu, rồi rốt cuộc Dong Jin lại bị tổ chức chống chính phủ của Yeong Mi giết hại. Tội ác rồi trả thù, trả thù lại sinh tội ác, vòng luẩn quẩn ấy cuốn toàn bộ các nhân vật nhấn chìm sâu vào trong, để rồi kết cục cuối cùng tất cả không một ai còn toàn mạng.

Mr Vengeance trải tông màu xám lạnh. Phim hầu như không có nhạc nền trong các cảnh quay, nên lúc nào cũng phủ một cái bóng hết sức lạnh lẽo. Phim có nhiều cảnh ghê rợn đòi hỏi thử thách thần kinh của bạn, ví như lúc hỏa thiêu bé Yu Sun sẽ thấy mồn một cánh tay bé cầm búp bê bốc cháy thành than. Rồi còn nhiều đoạn nữa thực sự tôi không tiện mô tả, thường thì những cảnh như vậy trừ những phim kinh dị nặng đô, phần nhiều các đạo diễn thường né tránh các cảnh như thế, không quay cận hay lướt qua luôn, thế nhưng cách làm của đạo diễn Park Chan Wook là… không nương tay. Mọi yếu tố đều phải đẩy tới tận cùng tăm tối, tấn công từ mọi hướng, nhiều nhất sao cho khán giả phải chịu đựng. Các góc máy đều chuẩn mực, hầu như không có cảnh quay thừa. Một vài tình tiết còn mang tính dự báo kết cục sau này của nhân vật. Ryu không dám nhảy xuống nước vì sợ nước cao quá đầu mình (thực ra do cậu tưởng mình vẫn còn bé như hồi xưa), kết cục Ryu bị cắt gân chân, chết chìm do chân không chạm xuống được đáy. Còn Dong Jin trước từng bị cứa một nhát dao lòng bàn tay trái, để lại sẹo dài, thì cuối phim bị thêm một vết nữa bên bàn tay phải, ông bị nhóm người dùng dao đâm chết.

Các nhân vật diễn xuất ổn. Cũng khó đòi hỏi kịch tính như Choi Min Sik trong Oldboy hay Lee Young Ae trong Lady Vengeance, khi Mr Vengeance có nhiều tuyến nhân vật, mà các nhân vật phần lớn dửng dưng, không biểu đạt nhiều cảm xúc. Về diễn viên Hàn Quốc tôi chỉ xem phim điện ảnh, cũng ít nên không biết nhiều cái tên, cũng chỉ nhận ra được hai người. Một là Song Kang Ho, đây là một diễn viên gạo cội của điện ảnh Hàn, anh đóng nhiều phim có tiếng tăm, tôi từng xem có The Host với Memories of Murder. Người còn lại là Bae Doona, bởi cũng từng đóng trong The Host, và Cloud Atlas.

Phim không có một chút sáng sủa nào hết, cũng như cả The Vengeance Trilogy đều tăm tối. Nếu bạn có hỏi tôi là đúc kết được gì ý nghĩa nhân bản, nhân tính, chút tốt đẹp hy vọng gì thì nói thẳng là không. Toàn bộ phim là bạo lực, trả thù và tội ác, ở cái kết chỉ còn lại nỗi đau. Bản thân tôi, tôi thích những phim độc ác và nghiệt ngã như thế, cái này thì điện ảnh Việt Nam tìm mỏi mắt hầu như chưa có (nguyên do vì sao thì dài dòng lắm, xin miễn bàn tới), còn điện ảnh Hàn Quốc lại rất nhiều tác phẩm hay. Xin chớ lầm tưởng phim Hàn chỉ toàn tình cảm yêu đương lãng mạn- mảng truyền hình thôi, thực ra các tác phẩm làm rạng danh điện ảnh Hàn lại thường là phim chiến tranh và phim hình sự tội ác.

Những phim về cái ác mà nặng đô tất nhiên Hollywood cũng chẳng thiếu, phim Nhật thậm chí còn thẳng thắn hơn đến mức… quái gở (nói thật phim Nhật tôi xem không hợp). Phim Hàn cũng bạo liệt không kém cạnh, họ thường khai thác các chủ đề cưỡng hiếp giết người, bắt cóc, lạm dụng trẻ em, buôn bán nội tạng người, thậm chí có cả ăn thịt người và loạn luân.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...