Jump to content

1 Screenshot

Nếu như năm qua các phim kinh dị không quá được lòng Viện Hàn Lâm trong cuộc chạy đua ở các giải thưởng điện ảnh, khi “NOPE” của Jordan Peele và “Bones and All” của Luca Guadagnino hoàn toàn vắng mặt dù chất lượng tốt (điều này có thể khiến cho Luca bỗng dưng sắp sửa trở lại với một tác phẩm mang màu rom-com thay thì chính kịch); thì trong năm sau, một cuộc “cách mạng” có thể xảy ra, khi những tin tức về các tác phẩm thuộc vào dạng này đang được đánh giá tương đối lạc quan. Và “Beau is Afraid” là một trong số đó.

Được phát triển từ một phim ngắn đã được sản xuất vào năm 2011, tác phẩm xoay quanh nhân vật nam chính giờ đã trung tuổi (do “Joker” Joaquin Phoenix thủ vai) trong cuộc hành trình về với ngôi nhà mẹ mình đang sống. Điều này sẽ rất bình thường nếu như Ari Aster không chỉ đơn thuần đi vào khía cạnh hiện thực, mà ở đâu đó ta sẽ thấy lại những gì là điên rồ nhất và cuồng loạn nhất có thể xảy đến cho một con người.

Khác “Midsommar” vào 4 năm trước khi là thước phim mang màu trong trẻo nhưng có nội dung hoàn toàn trái ngược, “Beau is Afraid” ngay khoảnh khắc đầu đã “cô đọng” mình với gam trung tính như là điềm báo cho chút gì đó của sự khó chịu. Mở đầu là cảnh Beau ngồi trị liệu cùng vị bác sĩ trong một bộ dạng có phần phục phịch, mọi thứ quanh ông có vẻ gì đó như chậm một nhịp, khiến ta không thể không liên tưởng đến nhân vật của Brendan Fraser trong phim “The Whale” cũng đến cùng hãng trong mùa năm ngoái.

Và cũng từ đây mà “chiếc hộp Pandora” dần dần mở ra, với những thế giới và những khả thể khó mà tưởng tượng. Phù hợp với hướng đi chính của A24, “Beau is Afraid” là một lát cắt gồm nhiều tập hợp của những ám ảnh cũng như nỗi sợ suốt nửa đời người. Vì sao Beau lại không muốn về nhà? Vì sao thế giới của ông trở nên hỗn loạn, nơi những ranh giới giữa thực và mơ không thể phân định?

Ari Aster đã rất mạo hiểm để bước vào trong thế giới siêu thực của não bộ người, nơi mà các nhà khoa học chưa khám phá hết, nhưng vị đạo diễn đã rất thông minh khi đưa ra được những sự ám ảnh mang tính phổ quát. Đó là một Beau lúc 8 – 9 tuổi, rồi độ 40, cuối cùng là khi gần đất xa trời. Quãng đời trường thành dường như bị bỏ rơi lại và là khoảng trống không được nhắc đến, như cho ta thấy được tính hiện thực không thuộc vào quỹ đạo chung của bộ phim này.

Ở đó ta như thấy lại bản thân đồng hành cùng với nhân vật. Nếu như ở tuổi thiếu nhi là nỗi sợ về căn gác mái, với các sinh vật kiểu Kafkaesque và một ai đó như là “ông kẹ”... thì khi về già, đó là nỗi sợ mất đi gia đình, nơi mà mọi thứ sẽ bị chia cắt trong khi chính ta không thể đoán trước, bởi lẽ chia phôi còn có thể đau hơn cả cái chết. Ở mỗi giai đoạn nỗi sợ đó không mất đi, mà với riêng Beau nó được cộng dồn và ngày càng tăng mức độ e sợ của bản thân anh.

Trong tác phẩm này, Aster đã lấy gia đình như một trụ cột, từ đó khảo sát trở lại những nỗi tổn thương cũng như là sự đau đớn từ đó gây ra. Hôn nhân thiếu đi hạnh phúc, chia cắt quá sớm từ phía người cha cũng như người mẹ đang quá bảo bọc… tất cả khiến Beau trở nên hoài nghi và rồi mong manh đến mức điên loạn. Ari Aster đã đi rất sâu vào khía cạnh này, từ đó khảo sát nguồn cơn cũng như nguyên nhân của sự yếm thế.

Ở đây ta có thể thấy những nỗi ám ảnh mang tính “nguyên thủy” như được di truyền mang tính thế hệ - về người mẹ tóc đỏ đàng điếm, về người cha vắng mặt, cũng như tin đồn rằng ông mất đi do thượng mã phong lúc đang hoài thai đứa con trong bụng vợ mình. Bởi vũ trụ đó có nhiều ngăn kéo và nhiều ngõ ngách, nên Aster cũng đã biến nó thành một “hộp bút chì” có rất nhiều màu, để trong 3 tiếng đồng hồ theo dõi bộ phim, khán giả đã được dẫn đi hầu như thuận tình theo các diễn biến.

Cách kể độc đáo

Đó là một chút hài hước khi ta nhìn Beau phong phanh với vài cơ quan to lớn bất thường, rồi ngay sau đó khi ông về nhà và chịu tang mẹ, thì sự ám ảnh về một xác chết không không đầu hay căn bệnh cũ lập tức mang đến mảng miếng bất ngờ. Tuy vậy cũng có những lúc phần nhạc của Bobby Krkic như đưa ta vào trạng thái thôi miên của sự kinh dị và các nỗi sợ mang tính cá nhân. Aster biết cách vun vén nỗi sợ khi khuếch trương nó (như cú jumpscare lên trên trần nhà), hoặc giải tỏa nó (với cảnh quay cận những vết đâm chém và việc bám theo một cơn chạy đuổi)…

Cũng khá bất ngờ khi Aster đưa thêm chút hậu hiện đại vào tác phẩm này, với sự xen kẽ của nhiều loại hình phối hợp với nhau một cách trơn tru. Đôi khi ta thấy có vài phân cảnh nặng tính kịch nghệ, với các kỹ nghệ về mặt sân khấu tương đối ấn tượng, đôi chỗ còn có mặt nạ kịch Noh… Để rồi đến cuối, những thước phim kiểu stop motion như đánh gục người xem với phần hậu cảnh liên tục thay đổi. Chính sự thêm vào thể loại khác nhau đã mở rộng thêm không gian bộ phim, đem đến thêm sự kích thích và những dụng ý có phần tương đồng cũng như chìm khuất ở tít đằng sau.

Và dù hỗn loạn trong mặt suy nghĩ, thế nhưng Aster vẫn đưa ta vào một trật tự chung, nơi các câu chuyện được giải quyết cũng như sắp xếp một cách hoàn chỉnh. Không “rối não” như phim đa vũ trụ gây tiếng vang lớn hồi đầu năm ngoái, bộ phim lần này như vở kịch 5 hồi có các chuyển cảnh thật sự mượt mà. Do đó Aster là một đại diện cho kiểu đạo diễn đưa được vấn đề mang tính chính kịch vào một thể loại vốn vẫn được gọi như là “ba xu”. Đó là một cảm giác có các thứ bậc và được tính toán một cách rõ ràng.

Có sự tham gia của “Joker” Joaquin Phoenix, vai Beau là một trường hợp không có quá nhiều diễn viên có thể làm tốt, khi nó đòi hỏi một sự thay đổi về mặt cảm xúc diễn ra liên tục, với các tầng sâu về mặt cảm xúc là rất mâu thuẫn. Dù vậy do đã thành công với motif khác cũng có chiều hướng đen tối và bị tổn thương, nên nam diễn viên trong tác phẩm này hoàn thành một cách xuất sắc vai diễn của mình. Với việc quay cận vào các hình thể trong những khoảng đọng khung hình hay là trình diễn ở trước phông xanh, Joaquin cho thấy đề cử của một giải thưởng vào năm sau đó hoàn toàn có thể, với màn trình diễn là rất ấn tượng.

Trở thành bộ phim có kinh phí đắt đỏ nhất tính đến hiện tại của A24, “Beau is Afraid” với sự đầu tư gần 35 triệu dollar đã cho ta thấy được sự chịu chơi cũng như chấp nhận đầu tư của hãng phim này. Dẫu vậy nguồn tiền khổng lồ xứng đáng từng phút từng giây, với một tác phẩm có thể sáng ngang “Hóa thân”, “Hỏa ngục”… trong mảng văn chương.

Với tác phẩm này, Aster đã tự đặt ra một tiêu chuẩn mới, khi phim kinh dị cũng có thể nói về những vấn đề thật cốt tủy hơn và con người hơn. Có thể nói rằng từ sau “Get Out” của Jordan Peele thì mới có thêm tác phẩm kinh dị/ chính kịch hoàn toàn thuyết phục như tác phẩm này, và như đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese đã nhận xét rằng “Ari Aster là một trong những giọng nói mới, đặc biệt nhất của nền điện ảnh hiện nay”. Qua đó đạo diễn của những thánh ca kinh dị đã sở hữu thêm một tác phẩm nữa gây dấu ấn lớn, hướng anh trở thành một nhà làm phim với các tác phẩm cũng như ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn khác biệt.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...