Jump to content

1 Screenshot

A Better Tomorrow (1986) quy tụ một dàn diễn viên đình đám của điện ảnh Hồng Kông với những cái tên như Châu Nhuận Phát, Địch Long, Trương Quốc Vinh, đặc biệt là có sự tham gia của đạo diễn Ngô Vũ Sâm và giám chế Từ Khắc trong vai trò diễn viên khách mời.

Sau thành công của “Bến Thượng Hải” cùng hình tượng Hứa Văn Cường, lần này Châu Nhuận Phát tiếp tục vào vai một đại ca xã hội đen. Anh diễn xuất quá “ngọt”, quá tự nhiên và duyên dáng, khiến người ta không khỏi có cảm giác nhân vật này sinh ra là để dành cho anh. Phá vỡ định kiến về việc cho rằng hễ cứ trùm mafia là phải lạnh lùng, dữ tợn, anh xuất hiện với một phong thái hài hước, hào sảng, tràn đầy nét ngông cuồng của một tay ăn chơi có hạng, kèm theo đó là nụ cười luôn nở trên môi. Không chỉ dừng lại ở đó, Châu còn thể hiện trọn vẹn hình tượng một con người trọng nghĩa khí, sẵn sàng xả thân vì bạn bè, hay một tay anh chị có lúc lên voi xuống chó với những biểu cảm sinh động và phong phú. Anh đã chứng minh được khả năng diễn xuất của mình không chỉ gói gọn trong các dạng phim hành động đơn thuần mà còn nhiều thể loại khác nữa.

Người bạn thân chí cốt của Châu Nhuận Phát trong phim, Địch Long, tuy không thật sự ấn tượng và tỏa sáng như đồng sự của mình, nhưng dầu sao anh cũng đã diễn tròn vai, giúp chúng ta cảm nhận được một Tống Tử Hào trầm ổn, già dặn, có lúc cũng đầy hối hận hay đau đớn và bất lực khi không được tha thứ, khi nhận ra không có cơ hội để mình hoàn lương.

Lúc tham gia diễn xuất trong A Better Tomorrow (1986), Trương Quốc Vinh vẫn còn là người mới và chưa nổi tiếng như này. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra ánh hào quang xán lạn phát ra từ ngôi sao mang tầm cỡ quốc tế đó. Anh cùng với sự tươi sáng và nhiệt thành của mình, hệt như làn gió xuân tươi mát nhất, thanh khiết nhất thổi vào lòng bất cứ ai xem phim.

Hình ảnh, âm thanh

Có lẽ do được sản xuất vào thập niên 80 tại Hồng Kông, kỹ xảo còn hạn chế nên A Better Tomorrow I không có những màn cháy nổ hoàng tráng, những pha rượt đuổi thót tim như trong những siêu phẩm điện ảnh Mỹ thường thấy sau này. Các cảnh hành động trong phim hầu hết là những màn đọ súng đơn thuần, tuy nhiên chúng vẫn được dàn dựng một cách bài bản, hợp lý mang lại kịch tính cao trào và những giây phút hồi hộp cho người xem.

Hình ảnh cùng màu sắc trong phim chưa có gì thực sự nổi bật, không có bối cảnh đẹp, cũng không sử dụng hiệu ứng. Chỉ thỉnh thoảng chúng ta mới thấy được một số khung hình mang tính nghệ thuật nhờ vào ánh sáng và góc quay trong những cảnh tranh tối tranh sáng hoặc quay cận cảnh để đặc tả khuôn mặt diễn viên, ngoài ra thì những phân đoạn lúc tràn ngập ánh sáng mặt trời cũng khá là đẹp mắt. Nói tóm lại thì phần hình ảnh của “A Better Tomorrow I” mới dừng lại ở mức độ chân thực và “đủ dùng”, không quá xuất sắc nhưng cũng tuyệt đối không phải tệ hại.

Trong khi tác phẩm điện ảnh này chưa để lại được ấn tượng gì nhiều về mặt thị giác, thì phần âm nhạc của nó lại thực sự là một điểm nhấn. Những đoạn có sử dụng nhạc nền chiếm đa số thời lượng của cả bộ phim. Tùy vào từng thời điểm mà nhạc nổi lên sẽ mang giai điệu sôi nổi vui tươi hay hồi hộp, kịch tính, hay da diết, bi thương. Các soundtrack được sử dụng trong phim khá phong phú, đáng nói nhất là bài hát chủ đề “Đương niên tình” qua giọng ca truyền cảm của chính Trương Quốc Vinh. Nhạc vốn hay lại còn được thể hiện tốt, không có gì khó hiểu khi ca khúc đó đã vượt ra khỏi vai trò nhạc nền và có được vị trí độc lập với bộ phim, đồng thời được yêu thích cho đến tận ngày nay.

Nội dung

A Better Tomorrow (1986) xoay quanh hai tay đàn anh trong thế giới ngầm của Hồng Kông cùng một người em trai, tréo ngoe thay, lại làm cảnh sát. “Huynh đệ cảnh tặc” không phải là một đề tài mới mẻ nhưng bộ phim đã rất khéo léo và tinh tế trong việc khắc họa, khai thác diễn biến nội tâm cũng như tính cách của từng nhân vật, khiến cho nó có chiều sâu và tạo nên xúc cảm đặc biệt cho người xem. Những sợi dây tình cảm, những mối quan hệ trong phim nhiều khi đầy mâu thuẫn và chồng chéo, một mặt chúng gắn kết các nhân vật lại, mặt khác lại khiến họ phải trăn trở, làm tổn thương nhau và thất vọng về nhau.

Sẽ thật thiếu sót nếu đã nói về A Better Tomorrow I mà lại không nhắc tới tình bằng hữu, tình huynh đệ sống chết có nhau đầy xúc động và đáng khâm phục giữa Mark, Hào và Kiệt. Giữa họ từng có thể xảy hiểu lầm, mâu thuẫn, hay khác biệt về quan điểm và con đường đi, nhưng cho đến phút cuối cùng, cả ba đều sát cánh bên nhau, che chở, bảo vệ và tin tưởng lẫn nhau. Đây có thể nói là những khoảnh khắc đáng giá nhất của cả bộ phim, khiến nhiệt huyết trong người ta sôi trào, khiến lệ nóng dâng tràn bờ mi, khiến ta không khỏi bùi ngùi cảm khái về hai chữ nghĩa tình.

Ngoài ra, các tình tiết trong phim được nối tiếp nhau một cách bất ngờ, mạch phim có nhịp điệu vừa phải, hợp lý, không gây nên cảm giác mất kiên nhẫn hay khó hiểu cho người xem. Những cảnh mang tính hành động không quá hoành tráng cũng chẳng sử dụng kỹ xảo hay hiệu ứng gì đặc biệt nhưng vẫn gay cấn và cuốn hút như thường. Đáng tiếc là những phân đoạn liên quan đến việc lật đổ, trả thù, thanh toán giữa các thế lực ngầm (ngoại trừ cảnh đối đầu cuối cùng) vẫn còn đơn giản và chưa thuyết phục, chưa xứng tầm với địa vị mà các nhân vật đảm nhiệm.

Tuy nhiên nếu xét đến thời điểm bộ phim được sản xuất thì những gì mà nó làm được đã là một thành công đáng nể (được chứng minh qua hàng loạt giải thưởng tại các liên hoan phim và phá vỡ kỷ lục phòng vé của Hồng Kông thời bấy giờ), đưa những cái tên như Ngô Vũ Sâm, Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh vượt ra khỏi biên giới châu Á, trở thành một bộ phim xã hội đen kinh điển của điện ảnh Hồng Kông, là chuẩn mực cho những bộ phim cùng đề tài sau này. Tác phẩm đồng thời còn xây dựng lên một “bản sắc anh hùng” mới: đầy phong cách, đầy tự tin và trọng nghĩa khí. Hình ảnh Châu Nhuận Phát đeo kính đen, hai tay hai súng, hiên ngang như đi vào chốn không người mãi là một hình ảnh đẹp và ấn tượng, in sâu vào trong tâm trí khán giả.

Có đáng xem không?

Câu trả lời tất nhiên là có bởi vì đây một bộ phim giải trí có chiều sâu, nó không quá khó xem cũng không quá nhạt nhẽo, vừa đủ hồi hộp, vừa đủ lắng đọng, nên sẽ phù hợp với khá nhiều thị hiếu. Hoặc giả nếu bạn chỉ muốn nhìn lại một đại diện của điện ảnh Hồng Kông thời hoàng kim, hay Trương Quốc Vinh, Châu Nhuận Phát thời trai trẻ đầy sôi nổi và nhiệt huyết thì A Better Tomorrow (1986) chính là câu trả lời chúng tôi dành cho bạn.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...