Jump to content

1 Screenshot

Bộ phim Italy thứ hai mình xem trong tuần qua là “Rapito” (tên tiếng Anh là “Kidnapped: The Abduction of Edgardo Mortara” - dịch ra tiếng Việt là “Cưỡng đoạt: Vụ bắt cóc Edgardo Mortara). Đây là một bộ phim chính kịch, lịch sử của đạo diễn Marco Bellocchio, từng được chọn tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes lần thứ 76.

Trong phim, một em bé người Do Thái tên Edgardo Mortara đã chịu lễ rửa tội và bị Nhà nước Giáo hội cưỡng chế đưa đi khỏi gia đình mình và nuôi dạy như một người công giáo. Sự việc này đã châm ngòi cho một chuỗi mâu thuẫn kéo dài hàng thập kỷ sau đó, xoay quanh nỗ lực của gia đình nhà Mortara nhằm đưa cậu con trai bé bỏng trở về nhà. 

Sinh ra và sống những năm đầu đời trong một gia đình Do Thái, nhưng lại lớn lên trong lòng Nhà nước Giáo hội và được nuôi dạy theo hệ thống tín điều của một tôn giáo hoàn toàn khác biệt, Edgardo sẽ trở thành một con người như thế nào? Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cha mẹ anh liệu có giúp gia đình ấy được đoàn tụ dưới một mái nhà?

Kịch bản của “Rapito” (2023) được giới thiệu là lấy cảm hứng từ cuốn sách “Il caso Mortara” của tác giả Daniele Scalise (đấy là Wiki nói thế). Còn trên thực tế, cả cuốn sách và bộ phim đều được truyền cảm hứng từ một sự kiện có thật - một vụ tranh cãi gây chấn động nước Ý trong các thập niên 1850-1860. Mình có đi đào bới một chút về sự kiện này, thì cơ bản là nó đã được tái hiện khá chính xác (ít nhất các mốc sự kiện chính) trên màn ảnh. 

 “Rapito” mang đến cho khán giả cùng lúc nhiều tầng bi kịch: bi kịch của thời đại, bi kịch của một gia đình và bi kịch của cá nhân con người. Hai ý sau thì bạn đọc phần tóm tắt bên trên của mình hẳn đã phần nào mường tượng ra. Còn bi kịch lớn của thời đại khi ấy chính là sự suy tàn của Nhà nước Giáo hội - một trong những quốc gia lớn nhất từng tồn tại trên bán đảo Ý từ Thế kỷ VIII cho tới khi bán đảo này bị Vương quốc Sardegna thống nhất năm 1861 và Vương Quốc Ý ra đời năm 1870 (cái này là mình tiếp tục chép bài của Wikipedia 😛)

Nhà Mortara đã làm mọi cách để thu hút sự chú ý của dư luận đương thời vào câu chuyện của mình, để có thể đưa cậu con trai về nhà. Nỗ lực của họ càng khiến cho hình ảnh của Nhà nước Giáo hội - vốn dĩ đã chịu nhiều sóng gió vào thời điểm ấy - thêm hoen ố. Ở chiều ngược lại, việc Giáo hội cương quyết không trả con cho gia đình cũng đẩy nhà Mortara tới chỗ hành động cực đoan.

Nằm giữa cuộc tranh giành ấy là Edgardo Mortara. Bị bắt xa gia đình từ năm lên 6, cậu bé vẫn cố gắng giữ gìn niềm tin tín ngưỡng Do Thái của mình. Nhưng cuộc chiến âm thầm ấy sẽ kéo dài được bao lâu khi cậu bị tách khỏi gia đình và sống giữa một cộng đồng tôn giáo hoàn toàn khác? Và quan trọng nhất, cậu còn là một phần của cộng đồng Do Thái không một khi đã chịu lễ rửa tội của nhà thờ - cũng tức bây giờ cậu đã là con của Chúa?

Trong nửa đầu “Rapito”, khán giả bị cuốn theo cuộc chiến giành con của nhà Mortara; nhưng điểm thú vị thực sự của nó phải nói đến nửa sau phim, khi khán giả (cùng nhân vật chính) khám phá cuộc đời của Edgardo - sản phẩm ra đời từ tình huống trớ trêu của lịch sử. Anh ta tự định nghĩa bản thân mình là ai? Một người Do Thái hay một mục sư công giáo? Sự nhận diện ấy dẫn dắt anh ta bước trên con đường nào? Và con đường ấy sẽ dẫn tới sự tái sinh hay suy tàn?

Cá nhân mình, khi xem “Rapito”, mình nhớ đến một ví dụ (hơi creepy) trong sách giáo khoa Sinh học hồi cấp 2, bài học về môi trường sống ảnh hưởng lên một cá thể - nôm na thế. Đại để là ví dụ ấy kể về hai anh em sinh đôi giống hệt nhau (chắc là cùng trứng) nhưng từ nhỏ họ đã sống ở những nơi rất, rất xa nhau. Đến khi lớn lên gặp lại thì dù khuôn mặt vẫn giống nhau, nhưng tính cách, giọng nói, thói quen, tác phong suy nghĩ của họ đã khác nhau hoàn toàn. Chắc đến đoạn này thì mình cũng không cần kể nốt đoạn kết luận của thí nghiệm.

Vì là một người không theo tôn giáo nào (và có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên), thì mình cũng không thực sự hiểu được sức mạnh của đức tin nằm bên trong mỗi nhân vật - cũng chính là động lực thôi thúc họ nghĩ những gì họ đã nghĩ và làm những việc họ đã làm. Mình cũng không nghĩ bộ phim nhắm tới việc tái hiện một sự xung đột nào đó giữa các đức tin. Điều mình cảm nhận được từ tác phẩm này là nỗ lực tuyệt vọng của một gia đình để được ở bên nhau, và hành trình đi tìm bản ngã của một người đàn ông với số phận khác thường. Một con đường đầy những trái ngang, bẽ bàng nhưng một khi đã đặt bước chân đầu tiên, họ buộc phải đi đến tận cùng.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...