Jump to content

1 Screenshot

Đó là một căn phòng trống, nhưng không hẳn là trống. Nó ngập đầy bóng tối. Trong thứ ánh sáng mờ ảo, ta gần như không thể nhìn rõ có bóng một người đàn ông ở trên giường. Gã châm một điếu thuốc, khói cuộn lên trượt qua khe sáng từ cửa sổ. Gã ngồi vậy một lúc lâu, sau đó đứng dậy, chậm rãi, mặc quần áo, đội mũ, chỉnh vành mũ ngay ngắn với một độ chính xác tuyệt đối vô cùng tinh tế. Rồi gã bỏ lại căn phòng, bước ra ngoài.

Giống như một họa sĩ hay một nhạc công, người đạo diễn hoàn toàn có khả năng làm chủ tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ bằng vài đường nét chấm phá như thế. Jean-Pierre Melville dễ dàng dẫn dắt ta lạc trong thế giới của Le Samurai trong khung cảnh buồn ảm đạm mà không cần lấy một câu thoại nào. Ông bình thản mang vào trong đó ánh sáng lạnh lẽo như bình minh của một ngày u ám hòa lẫn vào sắc xám và xanh. Thay cho mọi lời nói thừa thãi, chỉ chuỗi hành động ngắn gọn và dứt khoát đã đủ bộc lộ sự cô độc cùng cực của gã đàn ông trong căn phòng.

Gã, tên là Jef Costello. Đó hẳn là một nhân vật đủ tuyệt vời cho Alain Delon – tài tử chuyên dòng phim nghệ thuật Pháp. Delon đã 32 tuổi khi tham gia bộ phim này. Vẻ điển trai rắn rỏi thường mang đến cho Delon nhiều những vai diễn đầy góc cạnh. Không ngoại lệ, Delon trong vai Jef Costello có dáng vẻ như một kẻ bất cần đời, và màn trình diễn đó xuất sắc đến nỗi nó tạo cảm giác cho bất cứ ai trong chúng ta rằng ông đã diễn trong một giấc mơ. Nhà phê bình phim Daivd Thomson gọi Delon là “một thiên thần lầm lạc của những con đường tăm tối”

Costello là một tay sát thủ sống bằng những hợp đồng thuê mướn. Cả bộ phim bám theo sau một phi vụ của Costello, với sự tập trung hoàn hảo vào từng chi tiết trong trải nghiệm của gã - nhân vật trung tâm -  khi cố gắng tìm chứng cứ ngoại phạm để che đậy cho hành tung của mình. Sau khi giết một chủ hộp đêm, gã lách qua những đợt hỏi cung của cảnh sát, nhưng vẫn không tránh khỏi việc bị đưa vào tầm ngắm là nghi can số một. Dính vào một cuộc đấu trí rượt đuổi với cảnh sát, gã còn bị phản bội bởi những kẻ đã thuê mình. Tuy vậy, tất cả những gì ta thấy được ở Costello vẫn là cái dáng vẻ bình tĩnh đến đáng sợ, gã không bao giờ để lộ bất cứ một thứ cảm xúc nào. Như thể, ngay từ lúc bắt đầu gã đã là một kẻ không có cảm xúc thản nhiên chơi đùa với bàn tay ma quái của số phận.

Có hai người phụ nữ đã ngụy tạo chứng cứ ngoại phạm để giúp Costello trốn thoát. Một người là tình nhân của gã – Jane (thủ vai bởi Nathalie Delon – vợ của Delon ngoài đời). Cô đã có chồng – một kẻ giàu có. Và Costello biết điều đó. Người còn lại là Valerie – một ca sĩ da màu thường chơi piano trong hộp đêm. Cô khai rằng cô chưa từng gặp gã, dù sự thật là cô đã nhìn thấy gã bước ra trong khói thuốc súng từ phòng tay chủ hộp đêm vào đêm hôm đó. Tại sao cô che giấu giúp Costello? Câu hỏi này đè nặng lên tâm trí chính Costello khi gã nhận ra mình bị những kẻ thuê mướn phản bội và sau đó quyết định tìm gặp cô. Nhưng Valerie không hề tỏ ra sợ hãi dù Costello hoàn toàn có thể giết cô bất cứ lúc nào. Ở đây ta thấy, những người phụ nữ bên cạnh Costello đã phản chiếu chính hình ảnh của gã: hoàn thành bổn phận của mình với kế hoạch kín kẽ và kỹ năng chuyên nghiệp, gần như vô danh, đắm chìm trong trạng thái tồn tại. Và cuối cùng, gã không để chỗ cho bất cứ thứ cảm tình nào hiện diện trong đời. 

Bộ phim mở đầu bằng một câu trích dẫn: “Không có nỗi cô độc nào lớn hơn nỗi cô độc của một tay sát thủ. Trừ phi đó là nỗi cô độc của một con mãnh thú ở trong rừng.” Trích dẫn được cho là đã vay mượn từ cuốn The Book of Bushido, nhưng mãi sau này người ta mới phát hiện ra đó chỉ là một tác phẩm hư cấu trong trò đùa của đạo diễn. Trích dẫn đó, kết hợp với ngôn ngữ cơ thể của Delon, đã phác họa nên toàn bộ hình ảnh nhân vật Costello – một kẻ chỉ biết tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc. Tuy nhiên, Stanley Kauffman trong một bài đánh giá đã chỉ ra bộ phim đánh bẫy ta rằng: Costello đích thị là một cỗ máy, “Khi bọn phản bội biết Costello chưa bị bại lộ, chúng cố nài nỉ Costello thực hiện thêm một hợp đồng giết người mới, nhưng gã đã từ chối trong cơn thịnh nộ từ nội tâm. Gã không đơn thuần là một kẻ mù quáng vì tiền mà bỏ qua việc lòng tự trọng của mình đã bị bán rẻ. Đó là biểu hiện của một tay sát thủ hành động bằng danh dự và đạo đức. Gã có thể máu lạnh, nhưng gã vẫn còn có tính người”.
Danh dự và đạo đức mới là thứ mà Costello tôn thờ. Gã không trung thành với bất cứ ông chủ nào ngoài danh dự và đạo đức. Như một samurai thực thụ. “Một samurai phải ý thức được một điều trong tâm trí, rằng cái chết tự thân sẽ đến, bất cứ lúc nào. Cái chết nghiễm nhiên trở thành bổn phận, và là nghĩa vụ cao cả nhất. Không ngăn cản được.” Hiển nhiên, Costello đã trở thành một samurai. 

Bộ phim thành công trong việc kiểm soát phong cách diễn xuất và hiệu ứng hình ảnh. Đạo diễn Melville đặt viên thanh tra (Francois Peroer) song hành với sự lãnh cảm của Costello, như đặt cạnh nhau hai mảnh ghép đối nghịch, và điều này cho phép ông đào sâu vào sự xung đột mang tính biểu tượng cao. Costello nói ít làm nhiều với mọi cử động sắc cạnh và nhanh gọn, trong khi viên thanh tra thì ngược lại. Để buộc tội Costello, hắn bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả việc dành ra hàng giờ để vừa ngon ngọt dụ dỗ vừa khủng bố tinh thần Jane, ép Jane phải phản bội Costello mà nói ra sự thật. Nhưng hắn thất bại. Ở đây, có thể thấy lòng trung thành với danh dự và đạo đức của Costello đã vô hình chung trở thành một mẫu mực để kẻ khác tiếp tục tiếp nối trung thành với gã. Như Jane hay Valerie đã làm.

Một trong những điều thú vị của bộ phim là cốt truyện tự phát triển phức tạp cuốn theo sự chết chóc nằm ngoài dự đoán của người xem, bằng một cách vô cùng bình thản như vốn dĩ nó phải như thế. Hầu như rất ít cảnh đối thoại mà chủ yếu chỉ là những chuỗi hành động liên tiếp, bộ phim khiến ta lầm tưởng rằng nó đơn giản đến mức “chẳng có gì”, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Ta đã bị đánh lừa. Một cú lừa rất tuyệt vời, rất ngoạn mục, rất đáng để tán dương. 

Le Samourai dạy cho ta cách hành động để giải phóng căng thẳng, bởi hành động là kẻ thù của tâm lý bất ổn. Càng bất ổn trong tình thế hiểm nghèo, người ta càng phải hành động. Và mọi hành động xuất phát từ đó, hoàn hảo, tự nhiên, không có vẻ gì là được sắp đặt hay cố tình tô vẽ. Người ta có thể xem một bộ phim như thế, trong sự chờ đợi vô cùng xứng đáng cho những nút thắt mở then chốt, còn hơn phải chịu đựng một bộ phim đầy những hành động xảy ra liên tục mà không đại diện cho bất kỳ một ý nghĩa nào.

Jean-Pierre Melville (1917-1973) là một anh hùng của cuộc kháng chiến Pháp. Sau chiến tranh, ông trở về mở hãng phim của riêng mình và bắt đầu sự nghiệp làm phim độc lập. Melville cũng là một trong những người khởi đầu cho Làn Sóng Mới của điện ảnh Pháp. “Tôi không có khả năng hoàn thành bất cứ điều gì cả, ngoài việc suy tưởng về những kịch bản ở trong đầu”, ông bày tỏ. Nhưng trên thực tế, Melville cùng vớI Le Samourai đã làm mới bề mặt thô ráp của điện ảnh và đặt lại định nghĩa về giá trị thật sự của một tác phẩm nghệ thuật.

Ngày nay, với tư cách là thế hệ đi sau nhìn vào thành công của Le Samourai, ta hiểu rằng những điều Melville đã làm được còn nhiều hơn cả thế.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...