Jump to content

1 Screenshot

Điện ảnh thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng những năm 40 – 50 của thể kỷ XX khá khó xem với những người trẻ tuổi bây giờ, phải thành thực là thế. Kiểu triển khai nội dung dài dòng, kịch bản thiếu logic, diễn xuất mang nhiều tính “kịch – sân khấu” hơn là cine … là những điều ta thường thấy, và Rebel Without a Cause (1955) cũng không phải ngoại lệ. Nhưng tôi nghĩ, cái thú vị khi xem một bộ phim có tuổi nhiều khi còn lớn hơn bố mẹ bạn, là được tham gia một chuyến hành trình quay ngược về quá khứ, hiểu hơn về những gì đã xảy ra trong một xã hội xa cách cả về thời gian lẫn địa lý. Khi xem một bộ phim cũ, hãy đặt tư tưởng của mình cùng với những nhân vật trong phim, đừng làm người ngoài cuộc phán xét là nó vô lý hay ngược đời ra sao.

Cùng tìm hiểu một chút về bối cảnh nước Mỹ trong giai đoạn này. Kể từ sau cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế Đại Suy Thoái 1930, Hoa Kỳ đã có những bước phát triển nhảy vọt về kinh tế, đời sống vật chất trở nên dư dả (nếu không muốn nói là thừa thãi), người Mỹ lại bắt đầu những chuỗi ngày ca vang điệp khúc “We Are #1” và tiếp tục giấc mơ về một thế giới hoàn hảo.

Và một vấn đề nảy sinh trong quãng thời gian đó, sự lạc lõng của những người trẻ tuổi được sinh ra và lớn lên trong cuộc sống chu cấp đầy đủ. “Tại sao chúng lại chống lại cha mẹ? Tại sao chúng lại trở nên xa cách? Không phải chúng ta đã cho chúng tất cả rồi sao?” …

Và hình ảnh James Dean say khướt trên phố lúc nửa đêm, ôm món đồ chơi bị vứt bỏ ngoài đường vào lòng như một đứa trẻ con ngay đầu bộ phim đã trả lời cho tất cả. Dù ở bất kỳ thế hệ nào, thời gian nào, đất nước nào, những người trẻ tuổi, những người “đang lớn” cũng cần được quan tâm, được lắng nghe và được cha mẹ thấu hiểu, dạy dỗ.

Làm gì có thứ gọi là “Nổi Loạn Không Lý Do”, có lý do cả đây. Khi những người trẻ phải sống trong một gia đình thay vì giải quyết những bất hòa, những khó khăn thì lại chọn cách “bỏ đi” như Jim; thiếu đi tình yêu thương của cha mẹ chỉ vì được coi là “đã lớn” như Judy; hay bị xem “của nợ”, gánh nặng của hai người không còn tình cảm như John; thì việc họ trở nên bất cần và nổi loạn dường như là tất yếu.

Điều thú vị nhất trong Rebel Without a Cause chính là việc những mối quan hệ, xung đột trong Trường Trung Học được khắc họa rất rõ ràng, dù đây không phải là bối cảnh chính của phim. Chủ đề về một cá nhân bị coi là Loser, chống lại một nhóm Popular dường như là một yếu tố không thể thiếu trong các bộ phim nói về giới trẻ của Mỹ. Ngoài ra, Rebel Without a Cause còn đề cập đến yếu tố bạo lực học đường, vốn ít được nhắc tới trong các tác phẩm điện ảnh trước đó.

Rebel Without a Cause không có nhiều tuyến nhân vật và nút thắt, nhưng chi tiết về tình cảm của John dành cho Jim là tình yêu giữa hai người con trai hay chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ, cảm mến là một việc gây tranh cãi đến tận bây giờ. Không quá quan trọng vấn đề này, nhưng tôi nghiêng về hướng John là một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, không được cha mẹ quan tâm nên thấy quyến luyến Jim, một kẻ nổi loạn ngang tàng hơn.


Thật sự, Rebel Without a Cause không hẳn là một bộ phim quá xuất sắc trong khâu kịch bản, nhưng diễn xuất tự nhiên, chân thực và gần gũi của bộ 3 diễn viên chính gồm James Dean, Sal Mineo, Natalie Wood (trong đó cả Sal Mineo và Natalie Wood đều nhận được đề cử Oscar) đã gây được thiện cảm cho người xem. Không những thế, đây cũng là bộ phim mở đầu cho dòng phim về gia đình, học đường, lứa tuổi vị thành niên, tạo ra tiền đề và nhiều “quy tắc” cho các bộ phim có cùng thể loại, chủ đề sau này khai thác và đào sâu thêm.

Quote

 

Jim: Nobody talks to children.

Judy: No, they just tell them.

 

 

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...