Đạo diễn phim Krzysztof Kieślowski từng hóm hỉnh trả lời, việc 3 màu sắc Xanh – Trắng – Đỏ tượng trưng cho 3 bộ phim, cũng như thông điệp mà chúng chuyển tải gợi nhớ khẩu hiệu của nước Pháp: liberté, égalité, fraternité – thực ra đến từ nguyên do rất đơn giản – Pháp đầu tư cho dự án dài hơi này của ông. Nếu quốc gia khác bỏ tiền, thì có lẽ Krzysztof cũng sẽ đặt tên khác đi cho phù hợp.
Nhưng dù ông nói thế, chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng: Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái là nền tảng cho Blue (1993) – White (1994) – Red (1994) phát triển và trở thành một trong những trilogy vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh. 3 bộ phim riêng biệt được làm với 3 phong cách chẳng hề liên quan, cứ thế hòa hợp, quấn quít vào nhau, tạo nên một bản giao hưởng với đầy đủ những thăng trầm, những khoảng lặng, những cao trào bóp nghẹt khán giả.
Thực ra tôi xem bộ ba phim này cũng đã lâu, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết hay phân tích về chúng. Tôi cho rằng bản thân mình không đủ khả năng. Vậy nên vài dòng dưới đây về mỗi bộ phim, chỉ là những cảm nhận ngây ngô, ngắn gọn và đơn giản, mong bạn đừng chê (hoặc có chê thì cũng nhẹ lời thôi).
Blue (1993)
Xanh mê hoặc từ những khung hình đầu tiên.
Người ta vẫn bảo rằng, xanh là màu sắc của bầu trời, là thứ gợi nhớ cảm giác tâm linh siêu thực. Xanh kể về một bi kịch nhưng nhân vật chính của câu chuyện dường như chẳng hề muốn đối mặt; hay có chăng, cô không thể vì nó quá đau đớn. Cô chạy trốn.
Chúng ta chứng kiến quá trình một người phụ nữ bước đến tự do đích thực. Không phải là sự tự do mang tính chính trị hay thể xác, Xanh đề cập vấn đề trên khía cạnh thiên về xúc cảm. Ở bộ phim này, đạo diễn Krzysztof chỉ ra rằng: dù lựa chọn ở một mình, vứt bỏ tất cả hay từ chối – cắt đứt mọi mối liên hệ với thế giới và quá khứ, tự khóa mình vào căn phòng tối rồi ném đi chiếc chìa khóa duy nhất … bạn vẫn không có được tự do.
Bạn nhắm đôi mắt của mình lại, thậm chí trở nên vô tri, cũng chẳng thể tự do.
Âm nhạc đóng phần quan trọng trong tất cả các phần phim của trilogy Three Colors, nhưng với Xanh – nó là thứ ở vị trí dẫn dắt. Nội dung chính của tác phẩm điện ảnh này cũng xoay quanh một bản giao hưởng dở dang: với những âm thanh – tiết tấu rời rạc, những ý tưởng, những suy nghĩ bế tắc tưởng chừng không thể tháo gỡ. Bất cứ giai điệu nào vang lên cùng đồng nghĩa với việc người xem sẽ bị nhấn chìm vào dòng thác cảm xúc mãnh liệt.
Xanh chẳng cần cố gắng, bắt ép người xem gồng mình theo mạch phim. Khán giả buông bản thân trôi cùng những diễn biến của nó. Chúng ta phó mặc tất cả quyền định đoạt vào tay người đạo diễn.
Đó chính là sự tự do.
White (1994)
Khi nhắc đến bộ 3 phim Xanh – Trắng – Đỏ, đa phần cả khán giả lẫn giới chuyên môn đều sẽ say sưa ca tụng Đỏ hoàn mỹ, hay như tôi đã nói ở trên: chìm đắm với Xanh mê hoặc. Trắng thường chỉ được đề cập khi câu chuyện đã đi tới điểm kết thúc và mọi người chuẩn bị chuyển sang đề tài khác.
Nhận xét thật sự công bằng, Trắng không hề có điểm nào hấp dẫn. Khác với 2 câu chuyện còn lại được kể bằng lối ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu tượng cùng phần kịch bản đậm chất thơ, Trắng khá thô kệch và xấu xí, nó chẳng có những góc máy đẹp khiến khán giả “điếng người” hay các lời thoại sâu sắc. Nhưng điểm thú vị của tác phẩm này nằm ở chỗ: nó khiến người xem bật cười trước sự nhạt nhẽo và tuyệt vọng trong một câu chuyện phi lý tầm phào. Ngay cả cách sử dụng màu sắc phim không quá chặt chẽ như Xanh và Đỏ, khi cứt chim cũng là màu trắng, tuyết cũng là màu trắng, mây trời cũng là màu trắng, váy cưới cũng là màu trắng … lại là lí do khiến tôi thích phần phim này nhất.
Vì cứ thử nghĩ mà xem, trong Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái, rõ ràng sự bình đẳng luôn là thứ khó đạt đến mức độ hoàn hảo và nó sẽ dễ dàng bị phá hủy chỉ với một tác động nhỏ. Màu trắng ngoài đời cũng thế.
Việc Krzysztof Kieślowski sử dụng câu chuyện tình yêu có đôi chút ám ảnh bệnh hoạn, lồng ghép cả những yếu tố âm mưu – báo thù, hài hước – châm biếm không khiến Trắng mất đi tính nghệ thuật. Ngược lại, chính sự tầm thường (hay thậm chí cái không khí rẻ tiền) đó lại là điểm đặc biệt nhất, phân tách nó với Xanh và Đỏ.
Vào giây phút Trắng kết thúc, cân bằng tuyệt đối với phần mở đầu của bộ phim, ai có thể nói rằng nó đã đi sai hướng?
Red (1994)
Hãy miêu tả Đỏ ngắn gọn bằng hai từ: hoàn mỹ.
Mọi chi tiết trong bộ phim này, dù là nhỏ nhất, đều ẩn chứa những ý nghĩa tượng trưng riêng mà sau mỗi lần xem lại nó, bạn không thể thoát khỏi cơn rùng mình ớn lạnh. Ở Đỏ, đạo diễn Krzysztof thích vờn bắt cảm xúc nơi khán giả bằng lối xây dựng nội dung – nhân vật hời hợt, thiếu thông tin và dường như chẳng có chút kết nối chặt chẽ nào. Mọi thứ cứ diễn ra theo một trình tự nửa ngẫu hứng – nửa chỉnh chu, để rồi lao thẳng vào cái kết không thể bất ngờ, lạnh lùng hay đậm chất bác ái hơn.
Có lẽ chính vì thế, tôi luôn thấy … sợ Đỏ. Dường như Krzysztof Kieslowski không chỉ đặt dấu chấm hết cho The Three Colors Trilogy cũng như sự nghiệp bản thân với Đỏ, mà thậm chí ông đã dự tính mở ra một chương hoàn toàn mới cho lịch sử điện ảnh đương đại, nơi người đạo diễn có thể thách thức tất cả các rào cản đến từ giới phê bình nghệ thuật hay khán giả – những kẻ thích mọi thứ phải được diễn giải rõ ràng theo ý mình.
Nếu chúng ta đã buông trôi theo cái kết của Xanh, bất ngờ sửng sốt trước cái kết của Trắng, thì cái kết của Đỏ thật sự là cú đánh trời giáng vào sau gáy. Nó choáng ngợp đến khó thở, khiến người xem nhận ra những ý nghĩa cũng như sự vô nghĩa của cuộc đời ngay trong một khoảnh khắc.
Tôi không thể tóm tắt nội dung của Đỏ. Đó là một công việc quá sức.
Kỳ thực, tôi xem khá nhiều phim, trong đó cũng có các trilogy để lại ấn tượng sâu sắc. Yêu thích nhất vẫn là series Before Sunrise – Before Sunset – Before Midnight (Richard Linklater), hay chùm phim Việt Nam: Mùi Đu Đủ Xanh – Xích Lô – Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng (Trần Anh Hùng), cũng như bộ 3 “báo thù” Sympathy for Mr. Vengeance – Oldboy – Sympathy for Lady Vengeance (Park Chan Wook).
Tuy nhiên, một số trilogy lại không được trọn vẹn (theo cách nhìn của tôi), ví dụ như 2046 quả là chông chênh so với 2 phần phim trước đó gồm Days of Being Wild và In the Mood for Love (Vương Gia Vệ). Cũng phải kể đến Noriko trilogy của đạo diễn người Nhật – Yasujirō Ozu – mở đầu với Late Spring và kết thúc bằng Tokyo Story – những bộ phim đều có thể xem là kiệt tác khi đứng riêng lẻ, nhưng chiếc cầu nối ở giữa – Early Summer – dù chẳng hề tệ chút nào – vẫn khiến người xem không khỏi thầm tiếc nuối.
Còn ở Three Colors: Blue (1993) – White (1994) – Red (1994); Krzysztof Kieslowski đã thực hiện kiểu làm trilogy hoàn toàn mới mẻ: 3 bộ phim, 3 thể loại, 3 phong cách điện ảnh, thậm chí dùng 3 cinematographer khác nhau. Sự liên hệ giữa chúng không đến từ cốt truyện hay nhân vật; mà kết nối, bện xoắn vào nhau bằng những chi tiết cực kỳ tinh vi và nhỏ bé, chỉ nhấn nhá trong cách quay phim, sử dụng màu sắc hay tạo dựng tình huống gợi nhớ …
Tính đa dạng, phức tạp, hoàn thiện tuyệt vời của nó vượt xa hơn tất cả những ngôn từ mà tôi có thể dùng để miêu tả. Một tác phẩm xứng đáng để được lưu giữ vĩnh viễn về sau.
---GENERAL----
SIZE............: 43.5 GiB
RUNTIME.........: 1 h 38 min
---VIDEO----
Codec...........: HEVC, Dolby Vision, Version 1.0, dvhe.07.06, BL+EL+RPU, Blu-ray compatible / SMPTE ST 2086, HDR10 compatible
Resolution......: 3840x2160
Bit rate........: 60.1 Mb/s
Frame rate......: 24.000 fps
---AUDIO----
Format..........: DTS-HD Master Audio
Channels........: 6
Sample rate.....: 48.0 kHz
Bit rate........: 3 304 kb/s
Language........: French (Surround 5.1)
SUBTITLES.......: English (SRT)
Join the conversation
You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.