Jump to content

1 Screenshot

Chúng ta thật may mắn vì là những kẻ sinh sau đẻ muộn, được tiếp cận những bộ phim hay nhất của mọi thời kỳ, điểm mặt gọi tên từng ngôi sao đã định hình nền công nghiệp điện ảnh ngày nay. Nhưng cái may mắn nhất là khán giả hiện đại là được chứng kiến những sự kết hợp độc đáo, những huyền thoại trong cùng một khung hình khi giới hạn điện ảnh ngày càng được xóa mờ. Một trong những sự kết hợp tuyệt vời mà tôi muốn nói tới chính là bộ đôi Al Pacino và Robert De Niro trong phim Heat của Michael Mann.

Tất nhiên tôi biết họ đều từng xuất hiện trong The Godfather II, nhưng họ đâu thực sự sánh vai nhau trong cùng một cảnh quay. Cho đến tận 21 năm sau, những người yêu điện ảnh mới được chiêm ngưỡng một kiệt tác với sự góp mặt của hai siêu sao như vậy. Tuy dần về sau này, khi khái niệm “auteur” – đạo diễn là tác giả của bộ phim càng được đề cao hơn, kéo theo những yếu tố khác được chú trọng phân tích nhiều hơn như màu sắc, góc máy, âm thanh,… nhưng đã là phim thì diễn xuất chính là yếu tố tiên quyết. May mắn thay, trong Heat, người xem được thưởng lãm kỹ năng diễn xuất đỉnh cao và thuần khiết của cả Robert De Niro và Al Pacino.

Sau The Godfather, cả hai đều vụt sáng thành những ngôi sao lớn nhất cho đến nay. Những vai diễn của họ thường cùng thuộc thể loại là trinh thám/hình sự /tội phạm. Đó là lý do tôi nghĩ họ không xuất hiện cùng nhau trong một bộ phim. Mãi đến Heat, chúng ta mới thấy được sự hội ngộ này. Robert De Niro vào vai Neil – một tên cướp nhà băng sừng sỏ và chuyên nghiệp, Al Pacino thủ vai Vincent – một tay cớm lành nghề chuyên truy lùng những kẻ như Neil. Tuy là thế, nhưng tôi lại có cảm giác chẳng có định nghĩa chính diện – phản diện ở đây. Khán giả có thể thấy được những mặt tốt và logic trong nhân vật Neil, nhưng cũng lắc đầu e ngại với mức độ sử dụng bạo lực và đe dọa của Vincent. Họ không đại diện rạch ròi cho tà ác và lương thiện, họ sống và làm việc với hai yếu tố luôn song hành. Điều có thể định nghĩa họ là cách mỗi người để yếu tố nào trội hơn và dùng bên nào làm nền tảng lý trí cho những hành động của mình. Nếu bạn có thấy ý tưởng này quen quen, thì có lẽ bạn đã từng bắt gặp nó trong The Dark Knight của Christopher Nolan. Và bạn có biết không, đây chính là bộ phim truyền cảm hứng cho kiệt tác để đời của Nolan, về cả mặt nội dung lẫn hình ảnh.

Chờ đợi cho một cuộc hội ngộ lâu đến thế, nhưng tới tận giữa bộ phim, ta mới thật sự thấy De Niro và Pacino cùng xuất hiện trong một khung hình. Nhưng trước khi đến đến đó, tôi muốn nói sơ qua về hoàn cảnh dẫn tới đã. Ngoài việc hai nhân vật là hai phía đối nghịch nhau trong pháp luật, cả tính cách của họ cũng chẳng hề giống nhau. Trong khi tên cướp nhà băng Neil luôn cố gắng giữ mọi thứ vào guồng quay, lúc nào cũng bình tĩnh và tỉ mỉ thì tay cảnh sát Vincent lại hung hăng, hay la lối và đi những bước đầy rủi ro. Trong khi nhân vật của De Niro dành thời gian để lên những bước tiếp theo trong kế hoạch thì nhân vật của Pacino cố gắng đẩy nhanh mọi thứ hết mức có thể để bắt được Neil. Ở một mức độ nào đó, họ là hai cá thể hoàn toàn đối lập. Sự trái ngược khiến chúng ta trông chờ vào một cao trào, có thể là một màn ẩu đả gay cấn hay một động thái bất ngờ đầy hồi hộp. Nhưng không, cao trào của phim đến ta không thể ngờ trước, nhẹ nhàng như một cái nhấn phanh từ từ để hai chiếc xe cùng dừng lại.

Đỉnh cao của bộ phim chính là cuộc chạm trán của hai nhân vật chính. Nhưng chẳng có máu đổ, chẳng có đánh nhau. Đó chỉ là một cuộc nói chuyện quanh hai cốc cà phê của hai người đàn ông rất đỗi bình thường. Cuộc đối thoại cho thấy rằng cả hai nhân vật đều có những lỗ hổng, và cũng như những người khác, họ gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống của mình. Họ chia sẻ với nhau về giấc mơ, nỗi sợ và những mối quan hệ riêng tư của mình – điều khiến tôi khá bất ngờ vì thông thường đây sẽ là điểm yếu chết người khi hai bên đối kháng. Điều này có nghĩa là gì? Rằng cả Vincent và Neil, dù nằm ở hai cực đối lập của công lý, họ tôn trọng lẫn nhau và công việc của người còn lại. Họ công nhận khả năng của đối phương và biết chắc rằng, người kia là người nhìn thấu rõ tâm can mình nhất. Cảnh phim này thực sự rất xuất sắc, không chỉ nặng ký trong từng câu từng chữ mà còn là tiền đề cho sự giáp mặt lớn hơn về sau. Đây là một lời hứa hẹn cho người xem, rằng cuộc gặp gỡ tiếp theo sẽ không còn diễn ra dưới dạng đối thoại nữa mà cả hai sẽ phải sống chết mà đoạt mạng nhau.

Một điều cá nhân tôi nghĩ đã làm nên sự tuyệt vời của cảnh phim này chính là ở bản thân hai diễn viên. Al Pacino và Robert De Niro – họ như phiên bản đời thực của Vincent và Neil vậy. Họ có vẻ như hiểu rất rõ đối phương và tôn trọng tuyệt đối sự nghiệp của người còn lại, như Pacino đã nói như sau: “Cái quan trọng của việc có tôi và Bobby (Robert) cùng diễn xuất trong một bộ phim là vì chúng tôi ở cùng một vị trí trong sự nghiệp của mình. Chúng tôi đã trưởng thành cùng nhau. Chúng tôi, tôi nghĩ là, hay được đem ra so sánh với nhau trong suốt cuộc đời mình. Đó là môt yếu tố quan trọng trong toàn bộ câu chuyện”.

Có thể nói trong thập niên 90s thì Heat là một chuẩn mực của thể loại hình sự/tội phạm, là nguồn cảm hứng cho những phim cùng thể loại về sau, trong cách dùng góc máy rộng, sử dụng âm thanh để tạo cảm giác căng thẳng và định nghĩa lại khái niệm chính – phản diện,…. Nhưng trên hết, phải đề cập tới diễn xuất đỉnh cao của bộ đôi Al Pacino và Robert De Niro. Gừng càng già càng cay, nếu không phải là họ với sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau suốt bao nhiêu năm từ ngày còn là những diễn viên trẻ dấn thân vào con đường nghệ thuật, tạo được tiếng vang cho bản thân bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, và cùng xuất hiện khi đã là những biểu tượng thì sẽ không có một kiệt tác hiện đại như thế này.

Còn gì hợp lý hơn là xem phim này trong khi chờ đợi sự tái hợp của cặp đôi này vào năm 2019 trong The Irish Man của Martin Scorsese nhỉ?

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...