Jump to content

1 Screenshot

Ngoài kia có rất nhiều bộ phim với kịch bản xuất sắc, nhưng nếu muốn chọn ra ví dụ tốt nhất, cân bằng nhất cho những ai muốn học kịch bản phim thì chúng ta có Double Indemnity (1944). Cho dù bạn không định viết về thể loại tội phạm, Double Indemnity vẫn là hình mẫu lý tưởng để bạn học tập những điểm trọng yếu trong một kịch bản phim: cấu trúc, đối thoại, nhịp điệu, cách tạo căng thẳng, khúc ngoặc, kể chuyện bằng hình ảnh…

Double Indemnity dựa trên tiểu thuyết cùng tên của James M. Cain, cùng vụ sát hại Albert Snyder do Ruth Snyder gây ra nhằm lấy tiền bảo hiểm. Billy Wilder cùng Raymond Chandler chuyển thể câu chuyện lên màn ảnh với cách kể chuyện sắc bén, gọn gàng cùng cách diễn giải nhân vật khác biệt. Bộ phim cũng trở thành dấu ấn lớn trong sự nghiệp Barbara Stanwyck. Dù cho trước đó bà đã là diễn viên có thù lao cao nhất Hollywood với hai đề cử Oscar, vai Phyllis Dietrichson trong Double Indemnity vẫn nằm ở đẳng cấp khác.

Nội dung

Phyllis Dietrichson là vợ sau của một doanh nhân giàu có nhưng hà khắc. Cô quyến rũ và thông đồng với người bán bảo hiểm Walter Neff, lừa ông Dietrichson ký mua bảo hiểm tai nạn trị giá $50,000. Hai người âm mưu sát hại người chồng để nhận tiền bồi thường gấp đôi. Xuyên suốt bộ phim là quá trình lên kế hoạch và che đậy tội ác của cặp đôi, cũng như nội tâm giằng xé của Walter Neff khi nhận ra bản thân sa ngã vì mộy người phụ nữ.
Phyllis-Dietrichson

Bộ phim là dòng hồi tưởng và lời thú tội của Neff, từ đầu chúng ta đã biết kết cục của câu chuyện. Vậy thì còn gì hấp dẫn nữa? Thế nhưng, bạn sẽ không thể rời mắt được khỏi diễn biến. Bộ phim không còn đơn thuần tập trung vào hành động mà cân bằng với quá trình đấu tranh nội tâm của nhân vật. Thứ tạo nên kịch tính của câu chuyện với kết cục định sẵn này là màn đấu trí căng thẳng với điều tra viên bảo hiểm Barton Keyes. Đây là nhân vật thú vị dưới màn thể hiện tài ba của Edward G. Robinson, với đầy đủ nét cứng rắn lẫn duyên dáng.

Nhịp điệu, bước ngoặc

Như đã nói ở trên, Double Indemnity là bộ phim được tiết lộ trước kết cục, thế nên biên kịch phải có cách khác để giữ sự chú ý của khán giả, bằng cách chơi đùa với họ một chút. Điều đó đòi hỏi khả năng điều tiết nhịp điệu chặt chẽ. Đầu tiên là kế hoạch hoàn hảo mà Neff vạch ra, chúng ta chưa biết cặp tình nhân sẽ tiến hành nó như thế nào. Tiếp theo là những chướng ngại liên tục xuất hiện thách thức họ rồi biến mất, rồi lại xuất hiện. Bằng cách này, Chandler và Wilder đã khiến chúng ta phải nhấp nhổm trên ghế.

Xây dựng nhân vật

Double Indemnity có hai nhân vật chính đều là phản anh hùng và phản diện, thế nhưng ở một khoảnh khắc nào đó, ta sẽ hy vọng họ có được số tiền mình muốn. Nhưng như Keyes đã dự báo trước, đó là chỉ là giấc mơ xiêu vẹo và Keyes kéo chúng ta trở về hiện thực, kéo chúng ta về phe ông với tính cách thú vị và tài năng khó ai bì kịp. Vấn đề của những bộ phim lừa đảo hiện đại đó là xây dựng nhân vật tội phạm quá quyến rũ còn phía mà ta tạm gọi là “thực thi công lý” lại quá nhàm chán, nặng giáo điều.

Barton Keyes do Edward G. Robinson thể hiện không phải là kẻ như thế. Có thể ông không cao, không hấp dẫn nhưng Barton là nhân vật duy nhất phim nói nhiều (mà không thừa chữ nào) lại có ngôn ngữ hình thể rất sinh động, tạo thành đối trọng với hai kẻ lẩn lút là Neff và Phyllis vốn đang căng cứng đơ người và luôn cẩn thận chọn lựa lời nói. Dù đứng trước mặt chủ tịch hay bạn thân Neff, Barton ném thẳng mọi giả thuyết vào mặt họ, chứng minh bằng số liệu và tự tin với lập luận của mình.
neff-and-phyllis

Nhân vật Barton Keyes hắp dẫn bởi lời nói và hành động ăn nhập với nhau, rất dễ hiểu với khán giả. Còn Neff và Phyllis lại phức tạp hơn, một kẻ thao túng, người còn lại mù mờ về đạo đức, nhưng điều đó không ngăn tác giả xây dựng họ một cách nhất quán. Phim có nhiều chi tiết foreshadow, dự báo trước về mối quan hệ cũng như tính cách nhân vật, thể hiện qua góc quay, ánh sáng, lời thoại.

Một dấu hiệu báo trước vai vế trong mối quan hệ Neff-Phyllis đó là khi anh lần đầu gặp cô từ trên tầng. Từ lâu, góc quay thấp (low angle shot) là cách nhà làm phim thể hiện sức mạnh nhân vật. Phyllis đứng ở vị trí cao hơn, nhìn xuống Neff. Cô là con báo đứng trên cây xác định con mồi. Ta cũng không rõ việc cô xuất hiện với bộ dạng hở hang như vậy là vô tình hay cố ý. Chưa cần mở miệng kể chuyện luyên thuyên, mọi thứ toát ra từ Phyllis đều tiềm ẩn động cơ dối lừa: chiếc lắc chân, dáng ngồi vắt chéo, chuyến viếng thăm bất chợt.

Còn Neff thật sự là kẻ thua cuộc ngay từ đầu. Anh bị mê hoặc bởi nhan sắc Phyllis, tiếp theo là câu chuyện lâm li của cô về người chồng nóng nảy. Bạn có thể bắt lỗi rằng một nhân viên bán hàng giỏi như Neff mà lại dễ xiêu lòng vậy sao. Hãy nhớ lời Barton nhận xét về anh “Chắc anh chẳng thông minh hơn mấy, chỉ cao hơn thôi”. Có lẽ Neff giỏi bán hàng thật, nhưng anh không thông minh hơn Phyllis và Keyes. Neff cũng là nhân vật được phơi bày diễn biến nội tâm nhiều hơn, nhưng nhìn chung, anh bị mục ruỗng.

Vấn dề trong Double Indemnity là sự mục ruỗng đạo đức (corruption). Phyllis “mục ruỗng từ trong tim” (corrupted to the heart), còn Neff cũng theo người tình ngã vào bóng tối. Dễ thấy điều này khi bộ phim càng về cuối càng tối dần, bắt đầu từ lần gặp Phyllis đầu tiên giữa trưa đầy nắng cho đến khi cả hai chìm hoàn toàn trong căn phòng tối. Đây là phương thức truyền đạt không lời được sử dụng nhiều trong điện ảnh. Nhân vật không ngồi trong bóng tối cho ngầu, mà là thật sự đang ấp ủ âm mưu gì đó.

Phyllis Dietrichson của Barbara Stanwyck nhanh chóng trở thành hình tượng nữ nhân nguy hiểm (femme fatale) điển hình trong điện ảnh lẫn văn học. Theo một video essay của 100 Years of Cinema, làn sóng làm phim với những nhân vật nữ tâm cơ, độc lập, thao túng này nổi lên kể từ khi phụ nữ tham gia vào lực lượng sản xuất. Femme Fatale phản ánh tâm lý của nam giới trước chuyển biến xã hội lớn lao, nơi phụ nữ xuất hiện nhiều hơn ở các xí nghiệp, công sở. Đây có phải là con dao hai lưỡi? Đây là thái độ thù ghét phụ nữ hay truyền cảm hứng?

Double Indemnity (1944) ra mắt không lâu sau cơn Đại Suy Thoái và lấy cảm hứng từ vụ án xảy ra vào thời suy thoái. Nó phản ánh thời đại, nhưng cũng chưa bao giờ lỗi thời, minh chứng cho sức sống của một bộ phim được chế tác tốt. Double Indemnity (1944) là ví dụ hoàn hảo cho thể loại phim noir nói riêng, lẫn nghệ thuật kể chuyện nói chung.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...