Jump to content

1 Screenshot

Tiếp nối hành trình không mong đợi của anh chàng Hobbit trẻ tuổi Bilbo trong chuyến phiếu lưu nhiều chông gai thử thách đến Ngọn Núi Cô Độc nhằm khôi phục lại Vương Quốc Người Lùn Thứ 7  của gia tộc Oakenshield, khán giả sẽ được đạo diễn Peter Jackson dẫn dắt tới các địa điểm của tác gia Tolkien như ngôi nhà của Beorn, Rừng Âm U và kho báu của Smauge, có lẽ chưa bao giờ Peter Jackson lại viết một kịch bản dựa trên bộ truyện nổi tiếng của ông Tolkien mà có nhiều thêm thắt và sáng tạo đến như vậy. Sự sáng tạo đó đều có mặt tốt và xấu, tốt là đã kể những câu chuyện ngoài lề về sự trỗi dạy của Chúa Tể Sauron nhưng xấu là làm mất đi những cái hay và chất của truyện Hobbit.

Vì vậy, bộ phim này không cần bàn về hóa trang, trang phục, âm thanh, âm nhạc, kỹ xão vì tất cả đã có câu trả lời từ những bộ phim do Peter Jackson đạo diễn, vấn đề là nằm ở phần kịch bản phim.

Phần 2 của loạt phim Hobbit có sự góp mặt của chàng Tiên Legolas, vẫn là một chàng Tiên Rừng linh hoạt nhanh nhạy, do Orlando Bloom thủ vai ngay từ thời bộ Chúa Nhẫn của 10 năm về trước,   và nếu bạn là người đã từng yêu quý bộ Chúa Nhẫn biết xuất thân của Legolas là ai và đến từ nơi nào. Nhưng điều làm mình cảm thấy lạ, không hẳn là thất vọng, là nhân vật Tauriel (dựa trên một từ của Tolkien, nghĩa là Con Gái của Rừng) đã được Peter Jackson tạo nên cùng với Kili – một Người Lùn trong đoàn hành trình đến Ngọn Núi Cô Độc – đã trót có tình cảm đơn phương với Tauriel. Cách thêm thắt kiểu này sẽ khiến không ít fan của Tolkien phựt lòng vì tính quá tạo báo của nó, khi từ bộ Chúa Nhẫn đã đem một Gimli là một cặp đồng hành tuyệt vời với Legolas thì lại mang cả vấn đề tình yêu đến cho hai bộ tộc vốn dĩ chẳng bao giờ hiểu nhau được này. Có lẽ phần cuối của loạt phim Hobbit này, đạo diễn muốn đem một bất ngờ cho khán giả về cuộc tình khác loài và nêu cao quyền yêu thương vượt cả chủng loài?

Điều đó có thể gọi là mới mẻ, nhưng điều làm mình thất vọng thật sự đó chính là ngài Beorn dũng mãnh và là một vị Vua Rừng với tính cách đặc biệt, chứ không hẳn là một người hóa gấu hết sức bình thường chỉ thoáng qua trong bộ phim này, nếu đã xem truyện Hobbit, bạn sẽ bật cười với cú lừa phỉnh của Gandalf khi cho từng cặp Người Lùn vào giới thiệu ngài Beorn, và nghe những câu chuyện kể thú vị và lòng tiếp khách ưu ái của ngài, và tất nhiên là sức mạnh huyền năng của ngài nữa. Nhưng do cố ý hoặc do phải cắt bớt cho đủ thời gian chiếu rạp, mà đoạn này không có và chỉ làm người xem nghĩ Beorn là một gã từng có quá khứ đau khổ nhưng mạnh mẽ thế thôi. Thay vì bớt chút thời gian lượn lờ với cuộc tình của Kili để đầu tư kịch bản vào ngài Beorn có vẻ sẽ tốt hơn. Và mình vẫn chờ đợi xem vai trò của Tauriel thế nào trong cuộc chiến đạo quân trong phần cuối tại Ngọn Núi Cô Độc.

Khúc đầu phim không hấp dẫn và gây chán (có vẻ vì bỏ qua đoạn hay của Boern) nhưng dần dần về sau bộ phim hay hơn, với nhịp phim nhanh, sôi động, với nhiều màn chiến đấu đẹp cũng như không thể không nhắc đến nhân vật chính của phần 2 này, đó là rồng Smaug Kỳ Vĩ, tạo hình cho Smaug theo mình đó là tạo hình về rồng đẹp nhất trên màn ảnh từ trước đến giờ mà mình được xem và với tính cách của một con rồng tham lam, mưu mô và dũng mãnh như Smaug, việc thổi hồn vào một con rồng và đem lên màn ảnh là điều không dễ dàng. Nhưng ê kíp đã làm được điều ăn tiền nhất của bộ phim này cùng với giọng lồng tiếng đầy quyến rũ của nam diễn viên Benedict Cumberbatch (chàng Sherlock Holmes của loạt phim truyền hình đình đám Sherlock) đã mang lại cho rồng Smaug một sức sống mãnh liệt, cũng già cỗi như núi rừng và cũng khủng khiếp như một sinh vật mạnh mẽ nhất trong các huyền thoại.

Một điểm sáng của bộ phim là diễn xuất của Martin Freeman trong vai Bilbo, diễn xuất nhiều chỗ cũng bình thường, nhưng đoạn sau khi lấy lại chiếc nhẫn khi thoát khỏi vòng vây của lũ nhện trong Rừng Âm U là cảnh diễn tốt nhất, khi cho thấy một sự gằn xé giữa lòng tham và chân thành của người Hobbit, khi Chiếc Nhẫn đầy ma lực luôn cám dỗ người sử dụng chúng với mục đích tốt cho chủ nhân thực của nó. Cảnh quay cùng diễn xuất của Martin đã đem lại cho mình cảm giác về một Hobbit nhỏ nhắn yếu ớt nhưng luôn kiên định, mình luôn tìm kiếm những cảnh quay như vậy để mình tin rằng đó vẫn là một Hobbit bình thường và không bị Peter Jackson làm quá lên vai trò của Hobbit trong phim.

Có lẽ, nếu bạn đã từng thất vọng về phần 1 thì bạn cũng sẽ thất vọng tiếp về phần 2, ngược lại, bạn sẽ thấy phần 2 vô cùng hấp dẫn và làm sống động những di tích của Tolkien trên giấy. Nhưng còn một điều mình không ưng ý ở phim là lạm dụng các cảnh quay chỉ để miêu tả sự hùng vĩ của núi non cảnh vật kèm theo là đoàn người chạy trên đó, cách làm đó rất tuyệt ở Bộ Nhẫn nhưng khi chuyển qua Hobbit thì thật phô và không khéo. Khi tới bìa rừng Âm U mà lại có cảnh núi non cao vời vợi trải dài là cỏ biên biếc? Những đoạn đó gây dư thừa trong phim. Tất nhiên, Desolation of Smaug không phải là một bộ phim dở, nhìn chung là hay nhưng chỉ dừng lại ở mức giải trí cho người xem và làm nức lòng fan của Tolkien mà thôi.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...