Jump to content

1 Screenshot

Sự nghiệp của Hitchcock gắn liền với những bộ phim giật gân (suspense) đã trở thành hệ quy chiếu cho rất nhiều những nhà làm phim sau này. Một trong những yếu tố liên tục xuất hiện trong những kiệt tác của ông chính là sự do thám, hay ở trên tiêu đề tôi dùng từ là “rình mò” (voyeurism), có nghĩ là khán giả sẽ theo chân một nhân vật quan sát một (hoặc nhiều) nhân vật khác, tìm hiểu chuyện đời tư của họ mà không để bị phát hiện. Rear Window chính là một tác phẩm lấy sự hiếu kỳ, theo dõi, thậm chí là tọc mạch làm trung tâm, đã trở thành một cái tên không thể thiếu trong bất kỳ danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại nào.

Nhân vật chính của Rear Window là L.B. Jeffries (James Stewart) – một nhiếp ảnh gia tạp chí, đang mắc kẹt trên chiếc xe lăn cùng một chân bị bó bột. Vốn là một người quen xê dịch, đi đến tận cùng các ngóc ngách trên thế giới để săn những tin độc nhất, nay lại bị giam cầm trong chính căn hộ bé nhỏ chán chường giữa đô thị New York chật chội. Thú vui duy nhất của Jeff là quan sát những người hàng xóm của mình, cả ngày lẫn đêm, qua những ô cửa sổ.

Anh quen thuộc và thích thú với việc đó đến mức đặt tên và thuộc lòng những thói quen của những người xa lạ ấy, nào là nàng Torso – vũ công Bale xinh đẹp, gợi cảm cùng những buổi tiệc tùng cùng vài ba gã đàn ông, cô Lonelyhearts (Trái tim cô đơn) – người ăn vận đẹp đẽ và ăn tối, uống rượu cùng với những người đàn ông tưởng tượng, một anh chàng nhạc sĩ dương cầm lo lắng cho sự nghiệp của mình, cặp vợ chồng trung niên cùng một chú chó, cặp vợ chồng mới cưới đầy tình tứ, bà chủ nhà thích điêu khắc và quan trọng hơn cả – ông Thorwald – một doanh nhân cùng bà vợ với tính khí thất thường và bệnh nặng không bao giờ rời giường của ông.

Nhân vật chính Jeff của chúng ta chỉ có ai vị khách thường xuyên viếng thăm, đó là bà y tá và cô bạn gái Lisa của anh (Grace Kelly). Tuy nhiên, việc trị liệu cho cái chân và ở bên người yêu cũng không quan trọng bằng việc quan sát những người hàng xóm. Mặc dù con người ta rất ghét bị soi mói hay bị theo dõi, những lại rất hứng thú với chuyện của thiên hạ, và nếu có cơ hội, chúng ta thậm chí thích tiến hành một cuộc điều tra nho nhỏ đầy ly kỳ về cuộc đời người khác để thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Và đó chính xác là những gì Jeff đã làm trong phim. Việc quan sát của anh sẽ chỉ là một thú vui giải khuây thông thường cho đến một sáng nọ, anh phát hiện bà vợ liệt giường của ông Thorwald biến mất và bắt đầu suy đoán rằng ông chồng chính là kẻ sát nhân. Từ đây, việc dõi theo những người hàng xóm không còn là một cách giết thời gian nữa. Đó trở thành một cuộc điều tra của Jeff. Anh quan sát ông Thorwald từ trong căn hộ mình bằng chiếc máy chụp hình có gắn telephoto lens (loại ống kính dài), báo về vụ giết người mà anh tin là có thật với ông bạn thám tử Doyle và thuyết phục Lisa cùng bà y tá tìm ra chân tướng của vụ mưu sát này.

Nhân vật nam chính của Rear Window, dù bị mắc kẹt trong chiếc xe lăn vẫn rất xông xáo tìm cho ra sự thật. Cũng giống như vậy, chúng ta – người xem tuy bị mắc kẹt sau màn hình vẫn băng băng đồng hành cùng Jeff trên hành trình công lý đó. Khán giả bị giới hạn trong chính góc nhìn và sự gò bó của Jeff. Chúng ta tự xâu chuỗi lập luận cho riêng mình, có nên tin tưởng người đàn ông này chăng vì ta thấy chính xác những gì anh ấy thấy? Hay ta nên tin vào anh chàng thám tử Doyle – người đã theo dấu những bằng chứng và chắc nịch rằng Jeff chỉ đang suy luận hoang đường.

Đặt trong một bối cảnh tối giản và một (vài) góc nhìn chủ quan lặp đi lặp lại, nhưng vị đạo diễn vẫn khiến chúng ta như “đứng đống lửa, như ngồi đống rơm” qua một số phân đoạn, mà chủ yếu nguồn cội của sự lo âu ấy đến từ sự bất lực chỉ biết ngồi nhìn của khán giả, hay cũng chính là của nam chính của chúng ta.

Đầu tiên phải kể đến chính là khi con chó của đôi vợ chồng trung niên bị giết chết, đó cũng là lần đầu tiên hầu hết các nhân vật ta quan sát từ đầu đến giờ cũng tập trung vào một mục tiêu – cái xác của chú chó. Ai trong số những kẻ “trông rất bình thường” này đã sát hại chú chó tội nghiệp này? Tại đây, khán giả bắt đầu cảm thấy hoang mang, nghi ngờ tự hỏi vì sao mình có thể bỏ lỡ một chi tiết như thế trong khi mình luôn theo dõi từ nãy tới giờ, hay có lẽ nào Jeff đã giấu diếm và lừa gạt mình ngay từ đầu phim?

Lần thứ hai là khi nàng Lisa đột nhập vào ngôi nhà mà cô (và Jeff) cho là của tên sát nhân và vướng vào cuộc ẩu đả với một người đàn ông cao lớn. Trong trường đoạn này, ta có thể thấy bạn trai cô hoàn toàn bất lực, chỉ biết thì thầm: “Ra khỏi đó ngay” mà không hề dám kêu lớn vì sợ tên sát nhân nhìn thấy mình. Hình ảnh này có quen không chứ, khi đó cũng chính là những khán giả khi xem phim kinh dị, đến đoạn kẻ sát nhân và nhân vật chúng ta yêu thích chỉ cách nhau có một cánh cửa mà thôi.

Lần thứ ba cũng chính là lúc mọi sự thật được hé lộ, nhưng cũng chính là lúc nam chính của chúng ta gặp nguy hiểm. Tên sát nhân đã tìm thấy Jeff và hắn đang ở ngay trong căn hộ với anh, trong khi anh chẳng thể chạy trốn với cái chân bó bột.

Người xem như tôi và bạn hoàn toàn đắm chìm trong cuộc đời của các nhân vật qua những khung cửa sổ và nhịp điệu của bộ phim. Chúng ta tự cho rằng mình biết hết tất cả sự thật vì ta có cái vinh hạnh “được làm khán giả”. Nhưng Alfred Hitchcock đâu thể để một trải nghiệm điện ảnh trở nên dễ dãi đến thế, ông dẫn dụ và kiểm soát tầm nhìn của chúng ta, chỉ có ta xem những điều ông ấy muốn ta thấy và giấu đi những gì ta luôn chờ đợi. Để rồi, khi đoạn cao trào tới, người xem không khỏi bồn chồn mà bám chặt vào thành ghế cũng như anh chàng Jeff trong phim níu chặt lấy cái vách tường ngăn cách anh khỏi sự sống vậy. Đấy có lẽ là điều làm nên một Rear Window bất hủ và minh chứng tỏ tường cho tài năng của “bậc thầy của dòng phim giật gân” Alfred Hitchcock.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...