Jump to content

1 Screenshot

Phim Parasite, giống như “The Host” hay “Snow Pierce”, đào sâu vào cách biệt giàu – nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội (Hàn Quốc nói riêng, và bất cứ quốc gia nào nói chung). Giàu và nghèo, có tất cả và không có gì cả, trên cao và dưới thấp, ánh sáng và bóng tối, mênh mông và chật chội, ngây thơ và toan tính… Khán giả sẽ bắt gặp rất nhiều những phạm trù đối lập xuất hiện trong bộ phim này, nhiều tới độ, bản thân bộ phim giống như một cuốn sách về sự đối lập vậy đó.
Lưu ý bài viết review và ý nghĩa phim Ký Sinh Trùng (Parasite) tiết lộ nhiều tình tiết trong phim, vì vậy nếu chưa coi phim thì hãy lưu lại để coi xong thì vào đọc. Nếu đã coi phim rồi và chưa hiểu thì tiếp tục.

Sự đối lập giữa bối cảnh sống và giai cấp xã hội thể hiện trong “Parasite” xoay quanh góc nhìn về “sự giàu có” của gia đình bốn người nhà Ki-taek. Đây thực sự là một gia đình thú vị theo cách châm biếm đầy hài hước và cay đắng.

Nhà Ki-taek sống trong một căn hộ dưới tầng hầm, làm nghề dán vỏ hộp pizza với tiền công bèo bọt để kiểm sống trong họ đều đang ở độ tuổi lao động. Người bố Ki-taek, theo như giới thiệu từ những khung hình đầu phim từng là một vận động viên, ông thậm chí còn từng dành huy chương. Nhưng rồi chỉ có vậy. Ở độ tuổi trung niên, ông ta sống chen chúc cùng vợ con trong một căn hộ nằm ở đáy của đáy thành phố, nơi mà một người đi đường say xỉn cũng có thể tè bậy vào nhà họ qua ô cửa sổ sát mặt đất. Cuộc sống đắp đổi giật gấu vá vai ấy cứ tiếp nối ngày qua ngày cho tới khi cậu bạn của người con trai cả sắp đi du học mang đến cho gia đình này một tảng đá phong thủy với ý nghĩa mang lại giàu sang phú quý, và đề nghị cậu con trai tới thay cậu ta gia sư cho một cô tiểu thư nọ, với mong muốn thực sự là nhờ cậu bạn thân “giữ chỗ” hộ mình trong trái tim cô tiểu thư ấy.

Sự kiện ấy mở ra phần thứ hai của bộ phim, với trọng tâm là kế hoạch “đổi đời” của nhà Ki-taek, được lên kế hoạch bởi cô con gái út – “mastermind” của cả gia đình. Trường đoạn này làm mình nhớ đến một cảnh trong bộ phim Hồng Kông mình xem hồi tháng trước có tên “House with a View” cũng có một cảnh cả gia đình cùng đồng tâm hiệp lực cho một mục tiêu lớn. Sự đoàn kết của gia đình trong bộ phim ấy cuối cùng cũng biến gã hàng xóm cơ hội trở thành một cái xác bị ném xuống biển, còn trong “Parasite”, sự hợp lực của gia đình Ki-taek cuối cùng cũng giúp họ thao túng được gia đình nhà Park, một sự thao túng ngầm mà những con người giàu có nhưng ít va vấp với cuộc đời kì không hề nhận ra.

“Người giàu tốt vì họ giàu, hay họ giàu vì họ tốt?” – Câu hỏi của Ki-taek chính là dấu chấm khép lại phần thứ hai của bộ phim, khi cả gia đình họ nhân lúc nhà Park đi dã ngoại mừng sinh nhật cậu con trai mà kéo đến ăn nhậu xay xỉn trong căn biệt thự vắng chủ. Đúng là từ đầu phim, gia đình Park luôn cử xử hòa nhã, đối đãi rộng rãi với gia đình Ki-taek, họ nghe bất cứ điều gì mà gia đình này nói ra, không mảy may nghi ngờ hay tò mò tính xác thực. Kế hoạch của cô con gái nhà Ki-taek cũng được xây dựng trên sự cả tin này, và thành công rực rỡ cũng nhờ nó. Gia đình Park ngây thơ đến nực cười. Cứ như thể cuộc sống giàu sang về vật chất chính như một môi trường vô trùng đầy an toàn nuôi dưỡng họ quá lâu, khiến họ mất đi hoàn toàn sức đề kháng trước sự tấn công của hiện thực khắc nghiệt trong dáng hình của gia đình bốn người kia.

Quay lại với câu hỏi lớn. Tốt vì giàu hay giàu vì tốt, gia đình Ki-taek ngay lập tức đã được đặt vào một tình huống thử thách để tìm ra câu trả lời. Người quản gia đã bị đuổi đi bỗng chốc xuất hiện trong đêm mưa gió, xin được vào trong nhà để lấy món đồ bà ta để quên dưới tầng hầm. Sự xuất hiện trở lại của người quản gia này mở ra phần thứ ba của bộ phim, khi gia đình Park – hiện thân của tầng lớp thượng lưu tạm thời rút khỏi bộ phim, nhường lại sân khấu cho những người cùng một giai tầng và những vấn đề của riêng họ. Nếu phần thứ hai của phim làm mình thích thú vì kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, thì phần thứ ba của phim lại khiến mình hồi hộp vì sự vô kế hoạch của nó. Và khi con người hành động không có kế hoạch hay phán đoán cụ thể, thì thứ dẫn dắt họ tiến về phía trước chính là ham muốn và bản năng.

Ban đầu, người quản gia cũ cư xử với gia đình Ki-taek như những người cùng cảnh ngộ – nghèo khổ, phải đi làm thuê cho nhà chủ để kiếm tiền nuôi thân. Sự cảm thông này nhanh chóng bị xóa bỏ, và câu chuyện trở thành trận chiến giành thế thượng phong – một cái “thế thượng phong” khó hiểu khi cả hai bên đều phải lén lút. Điểm chung duy nhất giữa họ chỉ là ngày qua ngày họ đều bí mật “chấm mút” một chút từ gia đình nhà Park để vun vén cho bản thân mình.

Phim Parasite cũng đặt ra một ranh giới. Tiến đến ranh giới đó, bạn là người mưu cầu no ấm và hạnh phúc, đặt chân lên ranh giới đó bạn là kẻ sa ngã, còn vượt qua ranh giới đó, bạn rơi. Cũng không phải điều gì đặc sắc đúng không? Nhưng cách mà Bong Joon-ho thể hiện “cú rơi” đó lại khiến khán giả theo dõi bộ phim của ông cảm thấy đăng ngắt trong lòng.

Gia đình Park phải bỏ dở chuyến cắm trại vì trời mưa, quay trở về nhà trong đêm. Tình huống bất ngờ ấy đặt nhà Ki-taek vào một cuộc chạy trốn khổ sở và nhục nhã. Họ thoát ra được khỏi ngôi nhà, chạy chân trần trong cơn mưa, xuống ga tàu điện ngầm, xuống hết bậc thang này đến bậc thang khác để trở về ngôi nhà của mình. Nước mưa rơi xuống từ trời, thấm ướt khoảng sân vườn của biệt thự nhà Park, chảy theo đường đồi thoải xuống lối đi dưới ga tàu điện ngầm, rồi qua các rãnh nước, các đường cống ngầm, cuốn theo mọi thứ bẩn thỉu bụi bặm ở phía bên trên. Ba người nhà Ki-taek cũng chạy cùng hướng với dòng chảy ấy để về ngôi nhà của mình. Cứ như thể cơn mưa kia cũng đang cố gắng cuốn họ đi khỏi thế giới thượng lưu trên những quả đồi cao kia như người ta cố gắng rửa trôi rác bẩn.

Trường đoạn chạy trốn ấy, kết thúc bằng cảnh trong ngôi nhà ngập khép lại phần thứ ba của “Parasite”. Gia đình Ki-taek giống như chú nhện trong bài đồng dao con trẻ, Con nhện trèo lên máng nước, trèo mãi trèo mãi. Rồi một cơn mưa lại cuốn nó về điểm bắt đầu.

Sau cơn mưa là một ngày quang đãng đẹp trời. Gia đình Park quyết định tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho con trai họ. Và đây chính là lúc khán giả thấy được mép vực sâu hoắm ngăn cách giữa hai giai cấp – trên cùng và dưới cùng của xã hội. Bữa tiệc trong vườn không chỉ ê hề đồ ăn thức uống, nó còn quy tụ ở đó những gia đình thượng lưu khác, có ca sĩ hát opera, có những câu chuyện mà cả đời gia đình nhà Ki-taek cũng chẳng nói với nhau. Nhà Ki-taek vốn tự đắc họ nắm thóp được gia đình nhà Park, lừa đảo và kiếm tiền được từ họ, nhưng hóa ra đến phút sau cùng, những tổn thất mà họ gây ra cho gia đình thượng lưu kia lại chẳng bõ bèn gì. Ngược lại, bản thân họ vì cố gắng đeo bám nó mà đã tự sa vào vũng lầy không lối thoát, đánh mất cùng lúc cả nhân tính và chuỗi ngày sống thanh bần bên nhau.

Nói Bong Joon-ho làm “Parasite” để bênh vực người giàu vạch tội người nghèo cũng chẳng đúng, mà bảo là vạch tội người giàu thương cảm người nghèo lại càng đâu đâu. Nhưng chắc chắn bộ phim này nhắc nhở khán giả xem nó rằng có những giới hạn không nên vượt qua, mọi tội ác đều phải trả giá trước thứ công lí mang tên nhân – quả… và có lẽ con người sống tốt nhất khi là chính họ dưới ánh mặt trời chứ không phải núp dưới thứ vỏ bọc giả dối và bóng bẩy nào.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...