Jump to content

1 Screenshot

Không khó để bạn có thể tìm được một nhận xét nói rằng The Hate U Give là một tác phẩm quan trọng của làn sóng Black Lives Matter. Tôi sẽ không dùng từ “quan trọng”, không phải vì nó thực sự không có tầm ảnh hưởng, mà vì từ “quan trọng” quá hiền lành, mờ nhạt và có vẻ như “dễ thuần hóa” để nói về một cuốn sách như thế này.

Tựa đề cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ câu triết lý của Tupac Shakur “THUG LIFE purportedly stands for The Hate U Give Little Infants F*cks Everybody”. Cụm từ xăm dọc bụng của Tupac được coi là đã nói lên tất cả về một cách sống không lành mạnh, bụi bặm và hoang dại: Thug Life. Nhưng theo lời giải thích của Khalil cho Starr, chỉ vài phút trước khi cảnh sát bắn cậu, nó là một lời buộc tội sự bất công và thù địch có tính hệ thống của xã hội: “What society gives us as youth, it bites them in the ass when we wild out” (Tạm dịch: Những gì xã hội đối xử với chúng ta khi ta còn trẻ, nó sẽ quay lại đá đít họ khi ta nổi loạn sau này)

Tôi nhớ rằng khi tôi còn nhỏ, bố mẹ thường dặn dò tôi rằng nếu tôi chẳng may có bị lạc hay gặp vấn đề gì đấy ngoài đường, tôi nên tìm đến cảnh sát. Họ sẽ bảo vệ tôi, trông nom tôi cẩn thận và đảm bảo rằng tôi sẽ trở về với bố mẹ an toàn mà không tổn hại đến một cọng tóc. Họ là những người mà cả xã hội này nên tin tưởng. Nhưng Starr – cô gái da màu nhân vật chính của cuốn sách- lại nhận được một lời dặn dò rất khác. Về cách cư xử khi xung quanh là cảnh sát để không bị bắt giữ. Hoặc tệ hơn, bị bắn.

“I can’t breathe” - những từ cuối cùng của Eric Garner, lặp lại một lần nữa trong The Hate U Give , nhưng lần này là lời của người sống sót sau vụ xả súng kinh hoàng của một cảnh sát da trắng. Cho đến khi Starr 16 tuổi, cô đã chứng kiến cái chết của 2 người bạn thân nhất của mình, đều do bạo lực ống súng: một là do gangsters, một do cảnh sát. Hai vụ sát hại tưởng như đầy tính mâu thuẫn, được thực hiện bởi 2 thế lực đối đầu nhau, nhưng lại có điểm chung: đều nhắm vào người vô tội, để lại sự tức giận và làm cho người ta thực sự phải đặt câu hỏi và quan tâm một cách thực sự nghiêm túc.

Starr Carter, 16 tuổi và sống trong hai thế giới tách biệt: cuộc sống không mấy khá giả ở khu người da màu Garden Heights và cuộc sống ở trường trung học cho con nhà giàu da trắng Williamson. Cô tự đặt ra những luật lệ mà cô cho rằng sẽ phù hợp với hai con người khác nhau của mình. Starr làm quen với việc đổi mode liên tùng tục, cô tránh động chạm đến chính trị hay bất cứ vấn đề nhạy cảm nào để được chấp nhận như một cô gái da màu duy nhất ở Williamson; nhưng ở Garden Heights, cô lại bị chê cười vì học ở trường trung học “da trắng”, thậm chí không thể chia sẻ với ai nỗi lòng của mình vì xấu hổ. Cô nỗ lực cân bằng sự mâu thuẫn trong con người mình, không để chúng trộn lẫn với nhau. Thế nhưng mọi việc thay đổi đến chóng mặt khi cô lại là người duy nhất chứng kiến cái chết oan ức và bất công của Khalil. Cô gánh trên vai sự tức giận tột cùng và nỗi nhục nhã của cả cộng đồng nhỏ bé của cô, cộng đồng thiểu số vẫn đang nỗ lực đấu tranh cho quyền được sống và quyền bình đẳng của họ.

Starr có nền tảng gia đình có thể coi là hạnh phúc: bố cô Big Mav (con trai của ông trùm xã hội đen) là chủ một cửa hàng tiện lợi ở trung tâm khu dân cư, mẹ là y tá luôn làm việc cật lực để lo đủ chi tiêu cho gia đình. Anh trai lớn Seven là con riêng của bố cô với vợ của ông trùm lúc bấy giờ; em trai Sekani. Gia đình cô sở hữu một chú chó tên Brickz, và Starr được mặc đồ của thương hiệu đắt tiền mà cô thích: Supreme, Converse, Jordan... Giấu bố, cô hẹn hò với Chris, một anh chàng da trắng cùng trường trung học thuộc lòng lyrics bài hát mở đầu series The Fresh Prince of Bel-Air. Còn rối rắm hơn nữa, người chú Carlos của cô là một cảnh sát, người đã đóng vai trò như một ông bố trong suốt tuổi thơ của cô khi chờ Big Mav mãn hạn 3 năm tù - điều làm Big Mav luôn luôn bất mãn và luôn cố gắng gây sự với em rể mình. Carlos dằn vặt giữa hai luồng suy nghĩ: bênh vực đồng nghiệp của mình và để cho anh ta thoát khỏi công lí khi đã bắn Khalil khi cậu không có vũ trang hoặc là trợ giúp cô cháu gái Starr đưa vụ việc ra ánh sáng và đối mặt với nguy cơ bị đuổi việc. Maverick thì luôn khao khát có thể làm cho khu dân cư tệ nạn này trở thành một nơi tốt đẹp hơn, và ông thực hiện nó từ những điều nhỏ nhất như giúp đỡ DeVante thoát khỏi sự truy đuổi của bọn King Lord, còn Lisa mẹ cô chỉ muốn chuyển đi để gia đình bà được an toàn.

Starr phải đối mặt với những vấn đề mà một nhân chứng của một việc làm khuất tất phải đối mặt. Khalil đã từng phạm sai lầm, từng sa đà vào nghiện ngập khi mà thức ăn thì quá đắt còn ma túy thì quá rẻ, nhưng điều đó không làm giảm đi giá trị con người cậu, khi cậu đã cố gắng quay đầu tìm kiếm sự trợ giúp; không làm cho cậu xứng đáng nhận một viên đạn thẳng vào đầu chỉ vì cầm trên tay một cái lược mà cảnh sát số 115 tưởng là súng. Starr nuốt nghẹn uất ức vào trong cổ họng khi chứng kiến bố mình bị đè sấp xuống mặt đường để lục soát bởi một cảnh sát da trắng lấy danh nghĩa thi hành nhiệm vụ, nhưng thực ra để thỏa mã tư thù cá nhân. Khi mà gã cảnh sát hét lên: “Cúi mặt xuống” tay gã vẫn chảng cách quá xa khẩu súng bên hông và sỉ vả luôn miệng ngay cả khi Big Mav đề nghị trình diện thẻ căn cước và gọi gà là “Ngài”. Khi mà những người bạn da trắng lấy màu da để làm trò cười sau đó lại nói rằng Starr đã quá quan trọng hóa vấn đề khi cô tỏ ý không hài lòng. Khi mà những sự phân biệt ngấm ngầm như thế vẫn tồn tại, Starr không tránh khỏi sợ hãi, đau đớn và mặc cảm.

Starr sợ hãi khi phải một mình đứng lên chống lại cái hệ thống xã hội mà cô biết chắc rằng sẽ không bảo vệ cô và cộng đồng của cô. Cô sợ phải đối mặt với những mất mát lớn hơn nữa, lần này là lời đe dọa đến tính mạng của gia đình cô khi cô lên tiếng. Cô sợ sẽ đánh mất mối quan hệ của mình với cộng đồng người da màu, những mối quan hệ bạn bè phức tạp, nhưng hơn tất cả, cô sợ rằng cô sẽ mất cả những gì mà bấy lâu nay cô vẫn tin tưởng: công lí cho thiểu số. Cô giận dữ đến phát khóc rằng 115 có thể trốn thoát một cách đường hoàng, rằng truyền thông ủng hộ kẻ tội đồ và làm cho Khalil mới thật sự trông như tội phạm: tàng trữ ma túy ở trong xe và đe dọa một cảnh sát da trắng. Phải rồi, khi mà bạn là người da đen, bạn nghèo và đến từ khu dân cư không mấy tử tế, thật không có khả năng bạn được nhìn nhận như một người vô tội. Với sự trợ giúp của tổ chức Just Us for Justice, sự tin tưởng, sẻ chia của cô bạn Maya (cô gái gốc Trung Quốc phải chịu thiệt thòi từ những định kiến xã hội và sự đối xử bất công đầy tính hiềm khích giống như Starr), sự ủng hộ của cộng đồng mình, Starr đã dũng cảm lên tiếng trước báo đài truyền thông, đầu tiên là ẩn danh, sau đó đường hoàng đứng lên làm chứng cho Khalil trước hội đồng thẩm phán mà cô đã luôn sợ hãi ở tòa án.

Mặc cho những nỗ lực của cô và làn sóng biểu tình đấu tranh rầm rộ, cảnh sát da trắng số 115 vẫn được xét miễn tội, vì đã thực hiện đúng “trách nhiệm” của mình và không phạm bất cứ sai lầm nào.Một kết cục không hề thỏa đáng, giống như Giết Con Chim Nhại của Harper Lee, nhưng đó không phải là sự kết thúc. Đó là khởi đầu cho những tranh đấu dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn và có sức ảnh hưởng đến từ đám đông bất mãn với thời cuộc, tức giận thay cho cộng đồng thiểu số vì những định kiến, phân biệt đối xử, những bất công ẩn khuất mà họ phải đương đầu. Đó là khởi đầu cho một cô gái như Starr bước lên con đường hoạt động chính trị, đứng lên và nói cho cả thế giới biết chuyện gì đã và đang xảy ra với người da màu, những uất ức mà họ chịu đựng và những nỗ lực giành giật quyền bình đẳng trong vô vọng.

Là một cuốn sách dành cho tuổi teen, The Hate U Give gợi cho chúng ta nhớ lại sự phổ biến của phân biệt đối xử trong bạo lực sung ống đối với lứa tuổi này (Michael mới 18 tuổi khi bị sát hại; Trayvon Martin 17 tuổi; Tamir Rice thâm chí còn chưa phải đến tuổi teen khi mới 12 tuổi). Cuốn sách thể hiện rõ ràng những người trẻ da màu lên tiếng thay cho người thân của họ có thể bị chì chiết tàn nhẫn như thế nào, giống những gì đã xảy ra với Rachel Jeantel khi cô cố gắng làm chứng chống lại kẻ đã sát hại Martin, Geogre Zimmerman. Cuốn tiểu thuyết của Thomas Angie cho chúng ta một cái nhìn thâm sâu về những nguy hiểm tiềm tàng của một kết cục đã được định sẵn cho cuộc tranh chấp giữa cảnh sát da trắng và “thug life”: Nạn nhân đã chết thì bị soi xét, phán xử gay gắt, bị quy chụp vô căn cứ, bị bới móc những sai lầm trong quá khứ của họ, chứ không phải tên sát nhân da trắng lãnh án tử hình.

Lối hành văn đời thường mang chất “thật” từ cuộc sống của Thomas dưới ngôi kể thứ nhất của nhân vật chính Starr Carter diễn tả chi tiết toàn bộ những sửng sốt, đau đớn và giận dữ của Starr trong và sau cuộc xả súng. The Hate U Give phản ánh sự phức tạp trong cuộc sống của một số độc giả, trong khi đối với ố còn lại, những người chưa từng trải qua cái tận cùng của bi kịch như Starr, nó cũng giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới ta đang sống không chỉ toàn màu hồng, vẫn còn tồn tại ngoài kia những bất công và xảo trá, nhưng cũng tồn tại những người đang hết mình đâu tranh cho một tương lại tốt đẹp hơn.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...