Jump to content

1 Screenshot

Lần đầu trải nghiệm xem phim giữa lưng chừng thành phố tại BK6! Cảm giác thật tuyệt khi vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm nhìn từng dòng xe nối đuôi nhau giữa Sài Gòn và thưởng thức những bộ phim có “gu” hay tuyệt!

Gặp lại hai “người quen” nhiều kỷ niệm Harrison Ford và Gary Oldman trong một bộ phim cũ nhưng không kém liên quan đến thời sự: Air Force One của đạo diễn Đức lừng danh Wolfgang Petersen. Air Force One – Không lực 1 chính là tên của một trong những chiếc phi cơ hiện đại nhất hành tinh cũng là “Nhà Trắng trên không” của Tổng Thống Mỹ.

Những ngày qua câu chuyện về Tổng thống Mỹ Barack Obama và chuyến công du của ông đến VN cũng gây ồn ào và tốn giấy mực kinh khủng khiếp. Tất tần tật những gì thuộc về ông Obama cũng được mọi người quan tâm và tìm hiểu. Chính vì thế, một bộ phim lấy bối cảnh chính là chiếc chuyên cơ đặc biệt dùng để chuyên chở ông trong mọi chuyến công du khắp thế giới cũng tạo ra thật nhiều háo hức khi xem phim.

Phim lấy bối cảnh những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, viên tướng  Ivan Radek trở thành một nhà độc tài ở  Kazakhstan.  Ông ta âm mư lật đổ chính phủ Nga do Tổng thống Petrov lãnh đạo, khiến tình hình thế giới trở nên vô cùng căng thẳng. Chính vì vậy, để ngăn chặn âm mưu này, một nhóm đặc nhiệm Mỹ đã tiến hành đột kích dinh Tổng thống Kazakhstan, bắt Radek về Moscow xét xử.

Và thế là, chuyến bay của Tổng thống Mỹ hư cấu có tên là James Marshall (do ngôi sao kỳ cựu Harrison Ford thủ vai) đến thăm Nga để tỏ lòng cám ơn về vụ bắt giữ Radek đã bất ngờ bị những tên không tặc người Nga tấn công. Tổng thống ngay lập tức được đưa vào khoang cứu sinh rời khỏi Air Force One, song vợ con ngài cùng hơn 50 nhân viên vẫn bị bắt giữ lại làm con tin. Lúc này bọn khủng bố, đứng đầu là Egor Korshunov (do chú “Sirius Black” Gary Oldman thủ vai) muốn chính phủ Mỹ phải thả viên tướng Ivan Radek ra nếu không sẽ bắn chết mọi con tin. Phim có nội dung cũng rất dễ đoán khi đột nhiên có một nhân vật bí hiểm mà ai-cũng-biết-là-ai-đấy xuất hiện trên máy bay và hạ gục từng tên khủng bố! Diễn biến phim thế nào mời các bạn xem phim sẽ rõ vì cũng không có quá nhiều chi tiết đặc sắc để kể trừ những pha giáp lá cà khá “cảm giác”.

Mình cũng khá thích cách đạo diễn Wolfgang Petersen (người từng làm Troy, The Perfect Storm) xây dựng các tuyến nhân vật rất chặt chẽ, tính cách rõ ràng, có lớp lang, cấu tứ mạch lạc theo đúng kiểu tư duy của người Đức. Diễn biến phim không bị rối rắm mà chuyển cảnh hợp lý. Diễn viên trong phim ngoài Harrison Ford mình cũng ấn tượng với vai phản diện Egor Korshunov do Gary Oldman đóng – không quá xuất sắc song gương mặt rất giàu biểu cảm. Ngoài ra, mình cực kỳ thích ba nhân vật nữ trong phim là Phó tổng thống Mỹ Kathryn Bennett (của nữ diễn viên Glenn Close), Đệ nhất phu nhân Mỹ Grace Marshall (của Wendy Crewson) và cô con gái  Alice Marshall (của Liesel Matthews). Cả ba đều vô cùng hợp vai với thần thái của những người có tầm ảnh hưởng lớn. Bà PTT Mỹ cứng rắn sắt đá, là hậu thuẫn vững chắc cho TT và không bị lung lay bởi những thế lực muốn hạ thấp quyền lực hay phế truất TT. Đệ nhất phu nhân Mỹ lại toát ra một vẻ đẹp quý phái và cốt cách quả cảm, dù phải chết cũng không muốn chồng nhượng bộ để thả tên tướng Radek. Alice tuy còn nhỏ tuổi và phải chứng kiến những cảnh giết chóc kinh hoàng, nhưng cô bé có đôi mắt ngời sáng ấy vẫn giữ được sự bình tĩnh cần thiết, sự ấm áp và nhân hậu khi nói những lời động viên cha trong giây phút thập tử nhất sinh.harrison-ford-air-force-one-1997-movie-photo-GC

Đặc biệt, nhân vật Tổng thống James Marshall do Harrison Ford thể hiện đã thể hiện khá đạt vẻ đa mưu túc trí , văn võ song toàn. Tuy vậy, theo mình, Harrison Ford vào vai Tổng thống Mỹ chưa hẳn bộc lộ được hết thần thái của Tổng thống. Bởi đã quá nổi danh với các vai người hùng trong Indiana Jones và Star Wars do đó nét diễn của Harrison hơi “cao bồi”  lãng tử thiên về anh hùng hành động hơn.

Nhưng dù gì, với bộ phim có tiết tấu nhanh, hành động liên tục trong một không gian kín cách đây gần 20 năm thế này thì quả thật, Harison Ford là một trong những lựa chọn thông minh và thành công trong thời điểm đó. Nếu so với phim White House down, mình lại thấy dáng dấp một “Barack Obama” trong hình ảnh vị Tổng thống da màu do ngôi sao kỳ cựu Jamie Foxx thủ vai: nhân hậu, ấm áp, đôi lúc lập trường khá mềm mỏng nhưng cực kỳ khôn khéo để có những hành động “mấu chốt”  giúp xoay chuyển tình thế. Với mình, mình thích Tổng thống Mỹ kiểu trí tuệ như vậy hơn là kiểu vai u thịt bắp như Arnold Schwarzenegger (từng là thống đốc bang California) hay Donard Trump một đại tài phiệt đúng nghĩa với cái miệng độc địa và những phát ngôn cay nghiệt (ông đang đại diện cho Đảng CH tranh cử với bà Hilary Clinton). Hi vọng nước Mỹ sẽ tìm được vị Tổng thống mới xứng đáng thay thế cho ông Barack Obama sắp hết nhiệm kỳ.

Sau khi xem phim xong thì lan man một tẹo… bạn nào không thích có thể ngừng ở đây nghen (vì chuyển sang mood so deep rùi)!^^

Xem phim mới thấy, những hình ảnh đẹp đẽ long lanh tươi sáng của người đại diện đất nước này cũng chỉ là một phần rất rất nhỏ so với những trọng trách vĩ mô ông mang trên người dưới danh xưng kiêu hãnh ấy. Cũng như sự vất vả, hiểm nguy và áp lực khủng khiếp của đội ngũ cận vệ bởi họ không đơn thuần là bảo vệ Tổng thống Mỹ mà là bảo vệ hình ảnh của cả nước Mỹ.

Cũng chính vì vậy, trong mắt công chúng, Tổng thống Mỹ thường được xây dựng như hình mẫu của một vị lãnh tụ được lòng dân. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới, chính khách thông tuệ, người quyết sách mẫn tiệp, nhà hùng biện đại tài, nhà ngoại giao khéo léo, đồng minh đáng tin cậy, kẻ phụng sự trung thành của nhân dân mà còn là người chồng người cha ấm áp và con người giàu lòng nhân ái.

Nhưng trên hết, vai trò của Tổng thống Mỹ luôn được đặt trong một xã hội có kỷ cương, coi trọng mọi giá trị sống trên nền tảng pháp luật. Nơi mà nơi mà mỗi công dân đều có quyền làm việc, lựa chọn cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc để phụng sự cho lý tưởng TỰ DO suốt hơn 200 năm lập quốc. Một xã hội mà an ninh quốc gia, tính mạng con người không được phép đem lên bàn cân so sánh hay đánh đổi trong bất kỳ sự thoả hiệp nào với những thế lực đi ngược lại quyền con người đã được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp Mỹ.

Tinh thần Mỹ coi trọng những giá trị sống của con người, lòng quả cảm và sự trung thành đặt trên lá Cờ Hoa, dù trong phim hay ngoài đời thật luôn truyền nhiều cảm hứng cho chúng ta. Đó mới chính là bản chất thực sự của “American Dream”, một giấc mơ mà những ngày qua chúng ta đã thấy tận mắt, hay cảm nhận quá đỗi rõ ràng từ nông thôn đến thành thị, từ báo đài chính thống đến trang mạng cá nhân, từ người già cho đến trẻ em, từ một trí thức văn phòng hay lao động ngoài đường phố.
Obamaaa_zing
Và đến khi nào người dân VN còn phấn khích chào đón một vị lãnh tụ đến từ đất nước xa xôi ấy, cảm thấy ông thật gần gũi, thì khi ấy chúng ta vẫn còn mang hi vọng dù là nhỏ bé về những sự đổi thay tốt đẹp trong cuộc sống này, chí ít là nâng đỡ niềm tin và mưu cầu sự tử tế.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...