Jump to content

1 Screenshot

Tiếp nối sự thành công “cuộc di tản Dunkirk” của Christopher Nolan chắc chắn phải là Darkest Hour của đạo diễn Joe Wright. Cái tên Joe Wright được biết đến qua các bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học như Pride & Prejudice (2005), Atonement (2007) hay Hanna (2011). Chính vì thế, có thể nói Giờ Đen Tối là cột mốc đánh dấu cho sự trở lại đầy ngoạn mục và hoàn toàn khác biệt của Wright.

Bộ phim lấy bối cảnh khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đang bùng nổ và lan rộng khắp châu Âu. Cụ thể hơn, vào tháng 5/1940 khi Phát xít Đức đem quân tấn công Bỉ và Hà Lan thì quân đồng minh Anh và Pháp đang bị thất thế trên nhiều trận địa. Trước tình hình chiến sự căng thẳng, quốc hội Anh cho rằng thủ tướng đương nhiệm Neville Chamberlain đang có những chính sách quá nhu nhược và mềm yếu trước kẻ thù. Họ kịch liệt chỉ trích và buộc ông phải từ chức, giao trọng trách bảo toàn an ninh quốc gia cho một người khác. Cuối cùng, chiếc ghế đó đã thuộc về Winston Churchill – bộ trưởng bộ hải quân Anh quốc. Tuy được chọn giữ chức thủ tướng nhưng Churchill lúc bấy giờ không hề nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong chính phủ, điển hình như chính cựu thủ tướng Chamberlain, Halifax và thậm chí Đức Vua Geogre VI cũng hồ nghi năng lực của ông.

Quốc hội và Hoàng gia Anh hẳn phải có cơ sở cho sự do dự và nghi hoặc của họ. Nếu bạn đọc tiểu sử và tìm hiểu về cuộc đời lẫn con đường sự nghiệp của Winston Churchill, bạn sẽ hiểu tại sao một trong những vị thủ tướng quan trọng nhất xứ sở sương mù này lại không nhận được sự tín nhiệm của nhiều người đến thế. Ông vốn nổi tiếng là một kẻ nóng tính, vô cùng cứng nhắc và đã từng đưa ra nhiều quyết định, chính sách sai lầm (nổi tiếng nhất phải kể đến cuộc đổ bộ thất bại Gallipoli trong thế chiến thứ 1). Một kẻ mà sáng thức dậy với một ly whiskey và điếu cigarette luôn thường trực trên môi ắt sẽ gây ra nhiều tranh cãi khi nhậm chức. Hơn thế nữa, Churchill được chọn làm thủ tướng trong hoàn cảnh nước Anh rơi vào thời kì đen tối nhất của lịch sử. Cả châu Âu đang chìm trong biển lửa của gã độc tài người Hitler, quân đội Anh và Pháp bị Đức bao vây tại Dunkirk và có thể bị đánh bại bất cứ lúc nào. Quốc hội Anh buộc phải nhanh chóng đưa ra quyết định mang tính sống còn cho vận mệnh quốc gia: hoặc là đàm phán hòa bình với Đức, hoặc là đứng lên chiến đấu tới cùng để dành độc lập.

Dưới sự nhào nặn của Anthony McCarten, cũng chính là người chắp bút xây dựng kịch bản cho The Theory Of Everything, bộ phim tiểu sử Darkest Hour có những yếu tố ‘drama’ vừa đủ. Tổng thể bộ phim là sự cân bằng giữa yếu tố chính trị trong sự nghiệp của Winston Churchill và yếu tố đời tư của ông. Tác phẩm vẫn tập trung chính xây dựng sự gay cấn trong các quyết định mang tính chiến sự và sống còn của quốc gia, phù hợp với thể loại history mà phim theo đuổi nhưng vẫn điểm xuyết một vài yếu tố cuộc sống cá nhân của vị thủ tướng, giúp cho bộ phim không quá lan man nhưng vẫn không bị khô khan.

Nếu bạn mong chờ những cảnh đánh nhau hay bom đạn khốc liệt ngoài chiến trường, thì có lẽ Darkest Hour không phải bộ phim dành cho bạn. (Và mình suggest luôn Dunkirk lấy bối cảnh tương tự nhưng khốc liệt hơn nhiều, đầy đủ khói lửa bom đạn cho bạn tha hồ coi) Phim chủ yếu xoay quanh các tuyến nhân vật liên quan đến lịch sử và đặc biệt là diễn biến tâm lý của thủ tướng Churchill khi ông phải đưa ra câu trả lời cho câu hỏi “nên đánh hay nên hàng ?”. Chính vì thế, bộ phim khá trầm và u ám, hệt như cái tựa của nó vậy. Đoạn đầu phim có tiết tấu khá chậm rãi khiến người xem hơi buồn ngủ. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn xem đến hết bộ phim và nhập tâm cùng nhân vật, hẳn sau đó bạn sẽ cảm thấy hồi hộp đứng ngồi không yên cùng Churchill ngay.

Nhân vật chính của bộ phim, đương nhiên không ai khác chính là thủ tướng Winston Churchill do Gary Oldman thủ vai. Và chính diễn xuất của ông là điểm sáng cho bộ phim này. Darkest Hour có thể là một bộ phim chưa thực sự xuất sắc trong lòng người xem bởi nhiều yếu tố như thể loại, diễn biến phim, v..v nhưng bạn không thể phủ nhận diễn xuất của diễn viên gạo cội Gary Oldman trong phim được. Mình thực sự đã phải thốt lên “Đây thực sự là Gary Oldman ư?” khi nhìn vào poster bộ phim bởi lớp hóa trang cực kì xuất sắc đã giúp khắc họa nên một Winston Churchill gần gũi nhất với “phiên bản” thật. Thế nhưng để vai diễn  trong bộ phim chính kịch hoàn chỉnh và trở nên chân thật nhất thì lớp hóa trang thôi là chưa đủ. Với Churchill lần này, ta thấy được sự biến hóa khôn lường cũng như tài năng và kinh nghiệm diễn xuất của Oldman quả thật là một điều đáng được tôn vinh. Đấy là lý do mình đặt tựa đề của bài viết này là “Vai diễn để đời của Gary Oldman”. Ông thực sự đã hóa thân vào nhân vật, khiến cho người xem cảm giác như đang xem một Winston Churchill sống lại, bằng da bằng thịt. Từ điệu bộ, dáng vẻ, cái cách mà ông cầm điếu cigarette cho đến những câu quát tháo và cái đập bàn lúc ông tức giận, âm sắc và thái độ khi ông đọc bài diễn văn kêu gọi qua sóng radio, v…v. Tất cả đều vô cùng xuất sắc. Mình đã xem bộ phim trước rồi mới tìm hiểu các giải thưởng trên con đường tiến tới tượng vàng Oscar và quả không nằm ngoài dự đoán của mình, mọi đề cử cho Best Actor từ các giải lớn nhỏ của hội đồng chuyên môn đều có tên Gary Oldman bởi ông thực sự xứng đáng có được chúng cho những nỗ lực của mình, không chỉ với vai diễn Winston Churchill này mà còn cho sự cống hiến của ông trên con đường sự nghiệp.

Vai diễn của Gary Oldman nổi bật tới nỗi những vai phụ của cô thư ký đánh máy Elizabeth Layton (Lily James thủ vai) hay người vợ Clementine Churchill (Kristin Scott Thomas) trở nên lu mờ, đôi khi còn thừa thãi. Mình hiểu dụng ý của tác giả khi xây dựng hai nhân vật phụ này, nhằm phần nào nói lên ẩn sau một Churchill đáng ghét, nóng nảy thực chất là một con người tình cảm, nhân ái và quan tâm đến người khác. Dù ông có bị Chamberlain hay Halifax không ưa, dù ông có bị cả quốc hội chỉ trích thì cuối cùng ông vẫn là một người chồng hết mực yêu thương vợ và là một vị sếp biết đồng cảm với nhân viên của mình. Thế nhưng, Gary Oldman đã diễn tròn vai tới nỗi mà mình cảm giác như nếu bỏ đi Lily James hay Kristin Scott Thomas thì cũng không ảnh hưởng đến bộ phim cũng như nhân vật lịch sử này. Bởi suy cho cùng, cái mà người xem ấn tượng sau khi bước ra khỏi rạp là một tinh thần thép và ý chí dũng cảm, tinh thần quyết đoán của ông khi cương quyết đấu tranh tới cùng để bảo vệ đất nước. Như ông đã nói trong bài phát biểu của mình rằng “Tôi không có gì để cống hiến ngoài máu, sự lao động, nước mắt và mồ hôi” (“I would say to the House, as I said to those who have joined this Government: I have nothing to offer but blood, toil, tears and sweat”) hay như “Chúng ta sẽ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta, dù với bất kỳ giá nào, chúng ta sẽ chiến đấu trên đất Pháp, chiến đấu trên biển, chiến đấu với không lực ngày càng vững mạnh, chiến đấu từ bờ biển vào đất liền, từ nông thôn ra thành thị, lên miền núi, chúng ta quyết không đầu hàng.” (“We shall go on to the end, we shall fight in France, we shall fight on the seas and oceans, we shall fight with growing confidence and growing strength in the air, we shall defend our island, whatever the cost may be, we shall fight on the beaches, we shall fight on the landing grounds, we shall fight in the fields and in the streets, we shall fight in the hills; we shall never surrender.”)

Bên cạnh đó, yếu tố kỹ thuật cũng giúp bộ phim trở thành một tác phẩm tuyệt đẹp. Đạo diễn Joe Wright rất biết sử dụng ánh sáng trong các thước phim của mình. Những ánh đèn leo lắt trong phòng họp thể hiện tình thế căng thẳng của cả một quốc gia. Sự u ám trong cung điện nguy nga lộng lẫy của Vua Geogre VI cũng chính là sự u ám đang bao chùm lên nước Anh vào tháng 5 và 6/1940. Hay như Winston Churchill đến gặp vua Geogre để nhậm chức, hai người đứng bắt tay nhau khi ánh sáng hắt vào khung cửa sổ của cung điện như ngầm thể hiện cho một hy vọng, một lời tiên tri cho sự thấu hiểu và đồng cảm dần hình thành trong mối quan hệ của hai người. Không chỉ vậy, Darkest Hour sử dụng khá nhiều những cảnh quay chân dung để khắc họa tâm lý của nhân vật chính. Như khi chỉ có mình ông trong thang máy tòa nhà và bóng tối bủa vây xung quanh, hay khi ông một mình ngồi trong phòng và gọi điện cho Franklin D. Roosevelt. Tất cả chúng đều góp phần thể hiện sự tù túng và bế tắc trong diễn biến nội tâm của nhân vật.

Cuối cùng, có thể Darkest Hour không phải là một bộ phim dành cho số đông khán giả nhưng lại là một bộ phim tiểu sử, lịch sử chinh phục được mình nhờ sự hóa thân của Gary Oldman. Mình vẫn hy vọng ông chiến thắng Best Actor và mang về cho bản thân chiếc tượng vàng Oscar 2018.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...