Jump to content

1 Screenshot

Fantastic beasts and The crimes of Grindelwald tiếp tục cuộc hành trình của nhà sinh vật học phù thủy Newt Scamander, người luôn muốn sống bình yên, lặng lẽ bên cạnh những sinh vật đáng yêu, kì diệu, nhưng lại luôn bất hạnh vì bị lôi vào rắc rối. Lần này, “rắc rối” được nâng cấp trở thành hiểm họa, thành chiến tranh khi chúa tể hắc ám đầu tiên – Grindelwald – vượt ngục thành công, thoát khỏi sự kiểm soát của bộ pháp thuật Hoa Kỳ và tiến đến châu Âu. Địa điểm được định là Paris. Newt bị Albus Dumbledore, lúc này mới là giáo sư môn Phòng chống nghệ thuật hắc ám, ép buộc tham gia cuộc chiến chống lại Grindelwald với tư cách “chỉ em mới là người có thể”. Nhưng đây không phải là mạch chính duy nhất của bộ phim, bên cạnh nó còn phải kể đến hai mạch khác chiếm thời lượng nhiều không kém: quan hệ của Dumbledore và Grindelwald, cuộc hành trình đi tìm thân phận thực sự của Credence – người đã thoát chết ở phần 1. Ba mạch phim này kéo theo những đường dây phụ hơn như mối quan hệ tay tư lằng nhằng giữa Newt – Tina – Leta Lestrange – Theseus Scamander (anh trai Newt), chuyện đời ngang trái của Leta Lestrange, tình yêu cấm đoán giữa Jacob và Queenie…

Trước khi nói đến những vấn đề của FB 2 thì hãy nói về điểm mạnh của phim trước. Trang phục trong phim rất đẹp, thời trang và vừa vặn (trừ những bộ cánh của Leta) dù điều này mâu thuẫn với sự lạc hậu, lỗi mốt và hâm dở Rowling từng miêu tả trong tập đầu tiên của Harry Potter. Nhạc phim hay, đặc biệt hỗ trợ cảm xúc ở những phân đoạn chiến đấu. Màu sắc trong phim đa dạng, không ám quẻ/lạm dụng một mảng đen xỉn tăm tối như FB 1. Kỹ xảo rất tuyệt. Trong lúc xem, bất chợt tôi nhớ đến hai phần phim đầu tiên của HP và nhận ra thời gian làm nên một bước tiến rõ rệt về công nghệ và kĩ xảo điện ảnh. Không nhiều góc máy đẹp nhưng đỡ đơn điệu hơn phần 1. Cảnh phim hay nhất, gọn gàng, sắc bén, có ý đồ nhất chính là cảnh mở đầu phim. Cái cách Grindelwald vượt ngục cực kỳ ấn tượng, rất ít thoại, chủ yếu sử dụng diễn xuất của Johnny Depp lẫn những pha hành động nhưng tinh thần toát ra từ bản thân Grin lẫn toàn bộ trường đoạn này đều rất đầy đặn. Cú nổ “bang” ngay mào đầu ấy làm tôi nhen nhóm hy vọng rằng đây sẽ là một phần phim đột phá hơn FB 1. Bởi trong vài phút ngắn ngủi, tôi đã như thấy lại sức mạnh của trí tưởng tượng của Rowling khi bà sắp xếp một màn xuất hiện hoa mỹ đến thế.

Phân tích những vấn đề đã và tiếp tục tồn đọng, phát sinh trong loạt phim FB thực sự khá khó khăn vì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Xem xong phim, không phải không hiểu nhưng lại cảm giác trước mặt mình là một màn trắng xóa khi không thứ gì đọng lại. Tất cả đều chơi vơi, mông lung, nhón chỗ này một chút, chấm chỗ kia một tẹo. Đây là hệ quả tất yếu khi trong một bộ phim chỉ có thời lượng hơn hai tiếng lại phải triển khai quá nhiều mạch truyện, quá nhiều mối quan hệ trong khi các nhân vật chưa được thiết kế đủ vững vàng, người mới lẫn người cũ thay phiên nhau nhảy ra rồi biến mất trước mắt khán giả. Đây là vấn đề cơ bản nhất bên cạnh việc xây dựng kịch bản, biên tập và cắt cảnh phim theo kiểu chụp giật, xóc nảy thô thiển vốn đã khá nhức nhối trong FB 1.

Ngay mở màn, cả Warner Bros lẫn J.K. Rowling đều công khai tuyên bố tham vọng của họ về việc mở rộng vũ trụ phù thủy thông qua logo Wizarding world. Rõ ràng đây là một nhãn hàng có gốc rễ vững mạnh và hứa hẹn sẽ là cỗ máy in tiền khổng lồ bên cạnh vũ trụ của DC comics. Tham vọng và thực tế trong trường hợp này có khoảng cách rất xa. Bởi, muốn triển khai một vũ trụ từ hạt nhân của nó, ở đây là chuỗi phim và truyện Harry Potter, cần có một tầm nhìn dài hơi, cài cắm những bỏ nhỏ, móc nối nhưng đồng thời vẫn phải giữ được tính tự do, độc lập tương đối của từng phim lẻ. Sự lệ thuộc quá đà vào sự chống lưng của nguyên tác, của những canon trên Pottermore, của những thông tin chính thống (vì tác giả nói thế) nhưng lại không được đưa vào phim hay truyện mà chỉ dừng lại ở nhưng mẩu tin tức bên lề thực sự không chuyên nghiệp và hạn chế việc mở rộng vũ trụ, mở rộng phạm vi khán giả. Không thể yêu cầu một người xem phim bình thường phải đọc tái đọc hồi bộ 7 cuốn Harry Potter cùng cả tá thông tin trên Pottermore để xem FB. Càng không thể vì những người xem bình thường cảm thấy hỗn độn, không thể bắt kịp ai, cái gì đang xảy ra trên màn ảnh để nói bộ phim này không dành cho những người không phải fan, không biết gì, không biết kĩ về Harry Potter. Không, không và không.

Đặt trong sự so sánh với hai vũ trụ điện ảnh đang ăn nên làm ra nhất là DC và MCU sẽ thấy rõ hơn đường hướng phát triển của thế giới phù thủy thực sự không ổn. Hai vũ trụ siêu anh hùng không hề vận hành theo hướng người ta phải biết hết, phải đọc nhiều comics mới có thể xem phim, hiểu phim. Sự độc lập tương đối của từng phim lẻ (như Wonder woman, 1 tá Bat man, Iron man, Captain american, etc.) song hành với sự tự do lựa chọn xem gì, không xem gì của khán giả. Điều này gần như không ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng hiểu phim. Có chăng với ai đã đọc comics, có theo dõi tương đối sát nhân vật thì sẽ thấy phấn khích hơn khi một chi tiết, một nhân vật nào đó được đưa lên màn ảnh lớn với những đặc điểm lấy từ nguyên tác. Sự bùng nổ tầm ảnh hưởng của DC và MCU nằm ở việc người ta có thể chỉ xem Iron man, thích rồi đi xem phim chung, phim mà nhân vật này cameo, thứ nọ dẫn vào thứ kia làm người ta thích thêm một nhân vật khác ngoài dự liệu. Wizarding world hiển nhiên muốn tái lập một điều tương tự nhưng những gì thực sự diễn ra lại co cụm trong việc dựa dẫm vào những yếu tố phi điện ảnh.

Nói bên lề, isis làm quen với internet khá muộn, tiếp cận với fandom đến giờ vẫn rất ngu ngơ ngờ nghệch. Vài năm gần đây tôi mới biết đến sự tồn tại lẫn vai trò của Pottermore, đơn giản vì tôi nghĩ những gì nhà văn muốn nói, cần nói phải được trình bày hết trong tác phẩm của mình. Tôi thực sự bất ngờ vì Rowling dành khá nhiều thời gian và tâm sức để thêu dệt, làm rõ (nói khó nghe hơn trong một vài trường hợp là vá lỗi), đính chính… những điều trong 7 cuốn sách của bà trên Pottermore. Tin tức trên site này khá hấp dẫn, nhất là khi cơn khát muốn thêm, thêm nữa vẫn luôn thôi thúc fan cuồng trong khi tác giả lại tuyên bố không viết tiếp về cậu đầu sẹo đeo kính.

Tuy vậy, có những lúc tôi cảm thấy những điều trên Pottermore được đăng tải hơi tùy hứng, giống như một ý tưởng thoáng qua, một cái gạch đầu dòng mà tác giả từng nghĩ đến nhưng đã loại bỏ hoặc cảm thấy không quan trọng nên không đưa vào tác phẩm xuất bản. Đơn cử như dòng thời gian. Isis chưa từng cảm thấy quá rõ rệt dấu vết thời gian trong Harry Potter, cảm tưởng như không cần phải gắn Harry vào một bối cảnh thời đại cụ thể năm nào, tháng nào trong thế giới Muggle. Điều này thực sự rất có lợi vì cả phim lẫn truyện gần như không bao giờ lỗi mốt, lạc hậu (đồng nghĩa với việc vài năm nữa thích là có thể remake ngon lành). Việc ấn định thời điểm cụ thể quá mức là không cần thiết. Thế nên isis thực sự rất sửng sốt khi biết dòng thời gian mà Rowling ấn định cho từng sự kiện, từng nhân vật trong tác phẩm của mình, ví dụ như việc James và Lily qua đời khi họ mới 21 tuổi. Trong cảm nhận dòng thời gian trong tác phẩm của cá nhân tôi, tôi đã luôn tin họ qua đời khi xấp xỉ 30. Việc viết trước những điều bên lề rồi tái sử dụng và mở rộng về sau cho thấy dường như Rowling không chuẩn bị kĩ càng cho FB nên bà phải thường xuyên ép cốt truyện và nhân vật hợp với những mốc đã trót thông báo trước đó. Không khó hiểu khi cô McGonagall nào đó xuất hiện trong FB 2 được đồn là cô của bà giáo ai cũng biết trong HP. Nhưng bố của cô McGonagall là 1 muggle mà?

Quay lại với FB 2. Việc định hướng trong hai phần phim không tốt, nhất là với franchise dài hơi. Nhà sản xuất đáng nhẽ phải làm rõ được vai trò của từng phần phim trong cả série, phải hiểu rõ sự khác biệt giữa nguyên tác tiểu thuyết – phim truyền hình – phim điện ảnh. Văn chương cho phép người viết lẫn người đọc thoải mái bay nhảy, tưởng tượng, cài cắm nhiều tuyến nhân vật, nhiều mạch nội dung. Việc đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm một cuốn sách khiến độc giả có thời gian thấu hiểu nội dung, nhân vật, nắm bắt những chi tiết phục bút, gợi ý để mở ra một câu hỏi lớn hơn. Nếu như loạt chuyện Harry Potter là câu hỏi về vận mệnh của Harry với Voldemort thì với FB, đó là loại vấn đề gì liên quan đến Newt?

Sự lan man, ôm đồm trong FB 2 dẫn tôi đến hai sự ngờ vực: hoặc là Rowling và Warner Bros muốn làm tiền trên franchise mới này bằng việc nhả ra những cái tên hot hit như Grindelwald, Albus Dumbledore, McGonnagall… để chiều lòng và tận dụng tầm ảnh hưởng của HP hòng duy trì nhiệt độ lẫn cứu vớt FB. Hoặc người ta đã hoàn toàn quên một phần phim điện ảnh kết thúc ít nhất phải giải quyết một vấn đề nào đó trước khi móc nối với phần tiếp theo. FB 2 là sự trưng bày hời hợt một loạt vấn đề, một loạt nhân vật mà không ai, không cái gì được giải quyết hay đơn giản hơn là xây dựng một cách tỉ mỉ, vững chắc. Và sẽ thật nực cười nếu yêu cầu một khán giả phổ thông phải đi xem vài lần để hiểu một tác phẩm điện ảnh. Nếu đó là một bộ phim đủ hay, người ta không cần đi xem lại để hiểu thông điệp của nó.

Các phân cảnh vụn vặt, rời rạc, chuyển cảnh đột ngột do nhảy từ mạch truyện này sang mạch truyện khác, dù hai mươi phút đầu tiên mọi việc dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các nhân vật, các tình huống không liên quan đến nhau, ví dụ như mới phút trước Dumbledore còn đang phó thác cho Newt một nhiệm vụ quan trọng thì phút sau và đến mãi gần kết thúc Newt mới nhớ ra mình có việc cần làm thay vì mải miết đi theo tiếng gọi tình yêu để tìm kiếm Tina ở Paris; rồi Jacob và Queenie giận dỗi… Càng phát triển, biên kịch lẫn đạo diễn càng trượt dài và để mặc cho sự việc diễn ra trên màn ảnh mà không có bất kì một định hướng đâu là chính, đâu là phụ, đâu cần xoáy sâu, đâu cần dứt điểm. Vậy nên để nói về FB 2, cách dễ dàng nhất có lẽ là nói về từng nhân vật.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...