Jump to content

1 Screenshot

Qua 4 năm, Đấu trường Sinh Tử cũng đã đến hồi kết. Cuộc chiến để dành lấy tự do, dân chủ và hoà bình cho toàn Panem sẽ được diễn ra khốc liệt nhất khi toàn bộ quân nổi dậy đánh chiếm Capitol. Nhưng chắc chắn bạn phải là một fan cuồng nhiệt của cuốn sách bán chạy nhất trong những năm qua hoặc (và) fan hâm mộ của loạt phim cùng tên này thì bạn mới có thể chấp nhận được cách mà bộ phim kể cho bạn hồi kết diễn ra như thế nào.

Trong tập cuối của sách Húng Nhại, nhà làm phim cố gắng chia làm 2 phần để có thể kể chi tiết hơn về câu chuyện của Katniss Everdeen, Húng Nhại, người con gái vởi sự dũng cảm và hành động quả quyết đã đưa Panem lên một bước tiến mới. Nhưng với việc chia ra này, dường như kịch bản phim đã quá cố gắng nhồi nhét, tô vẽ lên nữ anh hùng Panem Húng Nhại, quá tập trung vào những mảng miếng hành động và để cho người xem như được nhập vai vào cuộc phiêu lưu của Katniss đến Capitol mà bỏ sót khá nhiều chi tiết, mà vốn dĩ là những điều làm nên sự khác biệt cho bộ phim The Hunger Games.

1. Vai trò của Tổng thống Coin

Ai cũng biết rằng quận 13 được lãnh đạo bởi Tổng thống Coin, một người phụ nữ quyền uy thông minh – đối trọng với Tổng thống Snow của Capitol, đã dành nhiều thắng lợi và tạo ra liên minh giữa các quận khác nhau. Và nếu cuộc nổi dậy thắng lợi thì bà ấy trở thành một Tổng thống tạm quyền là điều hiển nhiên cho đến khi có một cuộc tổng bầu cử dân chủ diễn ra sau đó. Nhưng bộ phim gò ép một cách không thể hiểu, một tổng thống đã giúp sức cho Katniss, hoá thành một kẻ lợi dụng với đầy mưu mô chính trị, sẵn sàng hy sinh thường dân có cả trẻ em để đạt được tham vọng của mình. Vậy điều gì làm cho bà ta biến đổi như thế? Ngay từ phần 1 Húng Nhại, không có một chi tiết hé lộ về điều này và mọi thứ diễn ra chóng vánh trong phần 2, điều đó làm người xem (mà chưa đọc qua sách) bất ngờ mà không có một manh mối nào dẫn đến điều đó cả.

Có lẽ phần hay của kịch bản vẫn tập trung vào Katniss khi mũi tên của Húng Nhại đã giết chết kẻ tạo ra Húng Nhại. Khi cô biết âm mưu của bà ta, và cách mà bà ta trả thù Capitol cũng chẳng khác gì so với ông Tổng thống Snow cả. Lòng quả cảm của Húng Nhại  là điều duy nhất làm người xem thán phục, đó là do lối diễn xuất trọn vẹn của Jennifer Lawrence.

2. Diễn biến của cuộc nổi dậy

Hẳn rằng khi bạn đi coi phần 2, bạn mong muốn nhìn thấy cuộc nổi dậy của quân khởi nghĩa. Nhưng bạn sẽ chẳng thấy nhiều cảnh đó, mà chủ yếu là đội của Katniss đi sâu vào Capitol mà thôi. Hoặc những cuộc nổi dậy đó là những bài phát biểu hùng hồn của những vị lãnh đạo, những tiếng súng đạn bom nổ để người xem mặc sức tưởng tượng.

Thay vào những cảnh đó, bộ phim dẫn dắt người xem đến cuộc dấn thân của đội Húng Nhại vào Capitol, đã có những mất mát đau thương trong suốt hành trình để đến dinh thự của Snow. Nhưng thay vì thấy cảnh quân khởi nghĩa tiến công ào ạt, thì thấy được chính mưu đồ của Coin tự tay hạ sát thường dân và không phân biệt địch ta dể hòng làm mọi người nghĩ Tổng thống Snow ác độc như thế nào.

Thế đó, cuộc nổi dậy trong phim chỉ là những bước đi của Katniss, đóng vai trò là biểu tượng đấu tranh, rồi bị gạt ra như một quân cờ không còn giá trị sử dụng nữa. Trong chính trị, tất cả mạng sống của cá nhân từng người chỉ là một phần trong trò chơi đó, và Đấu trường Sinh Tử đã trở thành toàn cõi Panem, khi bất kỳ ai đều có thể giết chết nhau, nhân danh cuộc chiến.

3. Húng Nhại không còn là Húng Nhại nữa

Nếu như ở phần 1, Húng Nhại là đại diện cho tự do, tinh thần đấu tranh quật cường, thì ở phần 2, Húng Nhại không đại diện cho cái gì cả. Ở điểm này mình có chút…. thất vọng, vì ngay từ đầu đang xây dựng một hình ảnh nữ anh hùng, thì ngay phần cuối lại không thể hiện điều đó qua sự lãnh đạo, truyền cảm hứng cho mọi người một cách rõ ràng như khi tấn công kho vũ khí ở Quận 2, trốn mọi người để đến Quận 8, tất cả mờ nhạt và mờ nhạt rất nhiều so với những phần trước.

Mình không hiểu đây là do vấn đề ở kịch bản, hay là trên sách ở giai đoạn nổi dậy này, Húng Nhại không còn giá trị nào nữa, để mở đường cho một cô gái chân quê Katniss Everdeen trở về quê hương để bắt đầu lại mọi thứ chăng? Hoặc dụng ý là không xây dựng lên một nhân vật anh hùng như những phim siêu anh hùng, mà sẽ thực tế hơn?

4. Trang phục của Effie Trinket

Điểm này thì có lẽ mình hơi… vô lý. Nếu bạn đã đọc qua các bài bình luận của mình về loạt phim này từ trước, bạn sẽ hiểu tại sao mình bỏ điều này vào. Effie Trinket ngay từ đầu là một… con công, đủ màu sắc, đủ bộ cánh mà bạn phải choáng ngợp, bất ngờ. Ngay cả thời gian khó khăn nhất, Effie vẫn chứng tỏ mình làmột fashionista đúng nghĩa. Nhưng sao lại chỉ có gần 4 bộ cánh của Effie trong phần cuối này, mà lại không có gì nổi bật? Ngay cả khi Panem toàn thắng thì bô cánh đó cũng qúa tẻ nhạt buồn chán.

Có lẽ do mình quá trông đợi vào phần cuối này nên đâm ra hụt hẫng nhiều. Nhưng nhận xét khách quan thì phim xem được, đủ để giữ bạn trên ghế đến cuối bộ phim, và dù gì nếu bạn đã đón xem 3 phần trước đó, thì phần cuối là đáng phải đi coi. Diễn xuất của diễn viên vẫn đều như những phần trước, có chăng là một chút cảnh cảm xúc của Katniss khi mất em gái Prim, hạnh phúc khi bên cạnh Peeta.

Nhưng mình nghĩ, trên hết tất cả, cốt truyện chính đã nêu vấn đề cốt lõi của người làm chính trị. Làm mình chợt nhớ đến câu nói của Stalin:

Quote

Một cái chết là một bi kịch, một triệu cái chết là một con số.

Không thể phủ nhận sự độc tài của Stalin, nhưng câu nói này có ý nghĩa sâu xa cho một người làm chính trị. Mưu đồ chính trị, hoặc tham vọng bá quyền phải đi với những cái chết, và với họ chỉ là một con số thống kê không hơn không kém cho một “đại cục”. Chính vì thế mà bà Coin đã lộ diện như một diễn viên đỉnh cao, khi biết khóc than cho một Húng Nhại đã chết nhưng sẵn sàng đánh bom vào trẻ em để đạt mưu đồ của mình. Điều đó vẫn là một tội ác, và Katniss đã kết thúc một Snow tàn ác, thì không thể khoay tay để tạo ra một bà Snow tương tự như vậy.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...