Jump to content

1 Screenshot

Crouching Tiger, Hidden Dragon (tựa tiếng Việt: Ngọa Hổ Tàng Long; tựa gốc: Wò Hǔ Cáng Lóng) là bộ phim điện ảnh Đài Loan thể loại kiếm hiệp diễm tình ra mắt vào năm 2000, được đạo diễn bởi Lí An, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vương Độ Lư. Được coi là một trong những cột mốc quan trọng nhất của điện ảnh châu Á, tác phẩm sau khi ra mắt đã nhận được thành công vang dội ở mặt thương mại khi thu về 213,5 triệu đô so với kinh phí 17 triệu và ở mặt chuyên môn với những lời tán dương từ các nhà phê bình cũng như chiến thắng nhiều giải thưởng, ví dụ như 4 giải Oscar, 4 giải BAFTA, 2 giải Quả Cầu Vàng, 8 giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông,... Các lời khen nhắm đến phong cách đạo diễn, kịch bản đột phá, kĩ thuật điện ảnh và các màn chiến đấu võ thuật đẹp mắt.
PHẦN I: SỰ VƯỢT TRỘI SO VỚI CÁC PHIM VÕ THUẬT THÔNG THƯỜNG
Sự vượt trội đầu tiên của tác phẩm phải nói đến cấu trúc kịch bản. Các phim võ thuật đương thời thường có kịch bản 3 hồi đơn giản, không được đầu tư về tâm lí nhân vật, xây dựng thế giới. Bộ ba biên kịch Vương Huệ Linh, Thái Quốc Vinh và James Schamus đã xây dựng 2 tuyến truyện: "Lí Mộ Bạch và Du Tú Liên" là phần truyện được kể trước, giới thiệu về khoảng thời gian, địa điểm, các nhân vật cũng như mâu thuẫn chính của phim; tuyến truyện còn lại xuất hiện như hồi 2, kể về sự hình thành mối tình của "Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ". Từ đó xây dựng nền tảng cho hồi 3 của phim, khi 2 câu truyện phải dẫn đến một kết thúc. Lời thoại chỉn chu, ngôn ngữ giàu chất thơ, được lãng mạn hóa; mỗi nhân vật đều có cá tính, tiểu sử và động cơ riêng, giống như các mảnh ghép nhỏ để tạo nên một câu truyện lớn hoàn chỉnh.
Đây là tác phẩm thể loại võ thuật đầu tiên của đạo diễn Lí An và như ông đã nhiều lần chia sẻ đây là trải ngiệm làm phim khó khăn và thử thách nhất trong sự nghiệp. Phim được làm ở Bắc Kinh, quay ở các tỉnh An Huy, Hà Bắc, Giang Tô và vùng thiên nhiên ở Tân Cương; điển hình là lúc ghi hình ở sa mạc Gobi. Đạo diễn từng nói ông phải làm việc liên tục suốt 8 tháng, không có nổi nửa ngày để nghỉ, lắm lúc tưởng bản thân sắp nghẹt thở. Nhưng với tài năng và sự chuyên nghiệp, Lí An đã chứng minh ông là một trong những nhà làm phim đương đại xuất sắc nhất thế giới. Ông kiểm soát chặt chẽ mọi cảnh phim để đảm bảo an toàn cho diễn viên, ông tự chuyển các đoạn hội thoại tiếng Quan thoại sang tiếng Anh để đảm bảo ý nghĩa. Quan trọng hơn hết, ông đã làm ra một tác phẩm kiếm hiệp mà mang phong cách kể chuyện, dàn cảnh riêng biệt, cách ông thay đổi nhịp độ phim qua các phân cảnh hiệu quả và kĩ thuật làm phim vượt trội.
Nhà soạn nhạc Đàm Thuẫn và các nhạc sĩ đã sáng tác toàn bộ phần âm nhạc trong vòng 2 tuần. Các bản nhạc như "The Eternal Vow", "Sorrow" và "Farewell" được tạo nên bằng tiếng sáo trúc, đàn violin và đàn cello đưa người xem đến thế giới võ thuật chứa đựng tình cảm, sức sống và cả mối nguy rình rập. Với các phân đoạn chiến đấu, rượt đuổi, phim sử dụng các thanh âm được tạo nên từ các loại trống Tây Phi và truyền thống, que gỗ được gõ dồn dập, căng thẳng như "Night Fight". Điểm nhấn của phần nhạc là ca khúc cuối phim - "A Love Before Time" được biểu diễn bởi Coco Lee, kể về con người với khát vọng tự do, đi đến mọi phương trời để tìm kiếm tình yêu và cuộc sống đích thực.
Quay phim là một trong những điểm ấn tượng của Ngọa Hổ Tàng Long. Bào Đức Hi đã nâng các phân cảnh chiến đấu bằng võ nghệ lên một tầm cao mới bằng cách sử dụng và biến đổi liên tục nhiều góc máy: sử dụng cận cảnh để đặc tả (ví dụ ở phân cảnh Du Tú Liên đối đầu với Ngọc Kiều Long, máy quay zoom thẳng vào gương mặt Tú Liên cho thấy lợi thế của cô là kinh nghiệm và trí tuệ, còn về phía Kiều Long, máy quay nhấn mạnh vào thanh Lục Mệnh Kiếm cho thấy lợi thế của cô là một vũ khí không thể bị phá hủy), trung cảnh được sử dụng khi nhân vật ra đòn bằng tay và các đòn đánh trí mạng, các góc máy rộng phô bày vẻ đẹp của mọi động tác phi thân, võ thuật (theo mình nghĩ đã tạo ra một hiệu ứng thị giác khác xa so với bất kì phim nào cùng thể loại), bố trí khung hình và các cảnh phim ở sa mạc, núi đồi, rừng trúc hòa với tông màu trầm, ánh sáng nhẹ - đẹp tựa tranh thủy mặc.
Các bối cảnh trong phim được dựng nên chi tiết, sinh động và được tận dụng triệt để tốt hơn so với bất kì phim kinh phí lớn nào ra mắt cùng năm. Bên trong biệt phủ của Tề lão gia sắp đặt gọn gàng, đầy ắp các đồ dùng, cổ vật trang trí; quang cảnh kinh thành, cung điện sao chép đúng kiến trúc thời nhà Thanh; các khung dây cáp được bố trí trên toàn bộ diện tích quay phim để các diễn viên thực hiện các màn đấu võ, bay nhảy. Phần võ thuật được biên đạo bởi Viên Hòa Bình, người đứng sau thành công của nhiều bộ phim Hồng Kông thời điểm đó, mỗi nhân vật trong phim đều có phong cách chiến đấu riêng, giúp tính chất của mỗi người được bộc lộ tính tế, cách điệu. Ngoài ra, Ngọa Hổ Tàng Long có dàn diễn viên thể hiện trọn vẹn vai diễn; trang phục được thiết kế chính xác ở màu vải bão hòa thấp, ít họa tiết; âm thanh tự nhiên,...

PHẦN II: THẾ GIỚI KIẾM HIỆP GIANG HỒ
Triết lí ở xã hội giang hồ trong phim được định nghĩa bằng võ công. Võ công cũng giống như kiếm đạo, trà đạo và nhiều môn phái khác; người tập võ phải khổ luyện bằng các chiêu thức truyền thừa, rèn luyện tâm khí, trí tuệ thông suốt để đạt tới cảnh giới tột cùng - khi cơ thể hòa quyện, được tái tạo lại toàn bộ và trở thành một thực thể thích nghi và nắm bắt được dòng chảy của mọi sự vật. Chính vì tính chất phức tạp, đòi hỏi và thâm sâu nên võ công trở thành thước đo giá trị con người, giá trị đạo đức trong thế giới kiếm hiệp. Các thành phần giang hồ ta thấy trong phim đều có hiểu biết và khả năng tận dụng võ thuật theo một cách cụ thể, người giỏi võ thì danh tiếng được nhiều người biết đến, được ca tụng và tôn trọng.
Từ đó ta có điển hình của một anh hùng trượng nghĩa, võ nghệ thượng thừa, vang danh khắp nơi - Lí Mộ Bạch (do Châu Nhuận Phát thủ vai). Xuyên suốt tác phẩm, con người của anh được xây dựng thông qua lời nói của các nhân vật khác và phong cách chiến đấu. Không ai trong giới giang hồ không biết Lí Mộ Bạch, đi đến đâu cũng nghe những lời chào hỏi kính cẩn, được tiếp đãi như khách quý, mấy tên giang hồ coi anh là giới hạn mà một người học võ có thể đạt tới. Lí Mộ Bạch được mọi người ngưỡng mộ vì là người trừ gian diệt bạo, khiến kẻ khác e sợ vì tài năng võ thuật và sở hữu thanh kiếm bất hoại. Khi tỉ thí với Ngọc Kiều Long, anh xuất hiện bất ngờ ở bất kì đâu cho dù cô đã phi thân, chạy trốn nhanh nhất có thể; Kiều Long với thanh Lục Mệnh Kiếm cũng không thể giáng một đòn trúng Mộ Bạch trong khi tay anh cầm một cành cây ngẫu nhiên, liên tiếp tấn công vào mọi sơ hở của cô. Trong phân cảnh rượt đuổi trong rừng trúc, Kiều Long liên tục bám víu, chân đứng chênh vênh, sức nặng của cơ thể khiến thân cây phản lại lực, cô gần như không thi triển được chiêu thức nào; Mộ Bạch nương theo chuyển động của cây trúc, không tác dụng lực lên mà như hòa làm một thể, thong dong đứng nơi ngọn trúc, nhẹ như lông vũ. Trong mọi trận đấu, ta chưa thấy một cảnh phim mà anh gặp khó khăn, Lí Mộ Bạch luôn vượt xa so với đối trọng. Lí do có vẻ đã được tiết lộ ở ngay đầu phim, Mộ Bạch đến gặp Tú Liên và kể cho cô nghe về việc bế quan luyện công. Trong khoảng khắc cảnh giới thiên địa hợp nhất, không-thời gian tiêu biến, khi bản thân anh sắp dung cùng trời đất; nếu anh tiếp tục, anh chạm đến một ý thức khác, thoát thai hoán cốt khỏi cõi tục và cảm xúc vướng bận, tu thành chính quả. Chính khoảng khắc đó, anh ta cảm nhận được sự cô đơn rợn ngợp, trống rỗng trong ánh sáng chân lí u buồn, Lí Mộ Bạch rửa tay gác kiếm vì anh chọn trở lại hữu tình, luyến tiếc tình yêu với Tú Liên, và có lẽ cả mối thù với Bích Nhãn Hồ Ly.
Du Tú Liên (do Dương Tử Quỳnh thủ vai) từng hứa hôn với bạn thân của Lí Mộ Bạch, người mà về sau đã tử trận trong một trận đấu, cô và Mộ Bạch từ đó đã trải qua nhiều chuyện cùng nhau, lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy. Tuy vậy, vì thanh danh của người đã khuất mà hai người chưa bao giờ bày tỏ tình cảm. Đó là một trong nhiều mẫu mực đạo đức mà phái nữ trong xã hội phong kiến phải noi theo, ta hiểu được Tú Liên tuy sống trong giang hồ, nhưng là người phụ nữ truyền thống, có lòng tự trọng, tính khuôn khổ. Cô chăm chỉ (điều hành công việc kinh doanh riêng, tay cô chai vì luyện tập), nề nếp (giao tiếp tử tế với mọi người), nhân ái (lắng nghe và cố gắng giúp đỡ bất chấp sự bồng bột của Ngọc Kiều Long) và chân thành (ánh mắt dịu dàng, cử chỉ ân cần với Mộ Bạch). Khi anh phân trần rằng sư phụ bảo trên đời vạn vật đều là không, bản thân anh ta cũng đã từng nghiệm qua cảm giác ấy. Cô bèn áp tay mình vào mặt anh, hỏi rằng “Chẳng lẽ tay em cũng không phải là thật sao?”. Câu hỏi như triết học, khúc mắc một đời người hiện lên qua lời nói giản đơn Tú Liên, cô nhìn ra được mâu thuẫn trong suy nghĩ, khoảng trống trong tâm hồn của Mộ Bạch. Bên cạnh đó cô cũng là người cứng rắn, nghiêm khắc. Cô không ngại trách mắng Kiều Long vì những suy nghĩ quy chụp, ích kỷ; quyết tâm ngăn Long rời đi với bảo kiếm, từ đây khán giả được xem màn so tài đáng nhớ nhất phim giữa hai người phụ nữ, cô gái mang tài năng võ thuật bẩm sinh và thanh kiếm bất hoại cũng không thể vượt qua một Du Tú Liên giàu kinh nghiệm, linh hoạt sử dụng mọi loại vũ khí, sức mạnh của cô thể hiện qua các đòn đánh phá hủy môi trường và tư thế chiếm tỉ lệ khung hình.
Đánh lừa sự chú ý bằng thân phận gia sư của Kiều Long, Bích Nhãn Hồ Ly (do Trịnh Phối Phối thủ vai) là một sát thủ khét tiếng với võ công cao cường đã hạ độc sư phụ của Lí Mộ Bạch. Người xem dễ dàng nhận định đây là một nhân vật phản diện qua những việc bà ta làm trong phim: dụ dỗ Kiều Long đi theo con đường của mình cũng như đánh thuốc thủ tiêu cô; giết ông quan mật thám Sài - người mà cố trả thù vì bà ta đã giết vợ của ông; và không thể bỏ qua cây phi tiêu tẩm độc đã khiến một bậc thầy như Lí Mộ Bạch mất mạng. Tuy vậy, trong lần đầu thấy bà ta đối đầu với Mộ Bạch, câu thoại: "Sư phụ ngươi đã coi thường phụ nữ. Hắn ngủ với ta nhưng không chịu truyền võ công cho ta. Hắn đáng chết dưới tay đàn bà!" đã làm thay đổi suy nghĩ của mình. Bích Nhãn Hồ Ly không phải một người phụ nữ đơn giản, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của võ nghệ, khao khát trở thành một cao thủ để được nể sợ, ngưỡng mộ, bà ta sẵn sàng làm mọi thứ để tạo ra vị thế cho riêng mình trong giới giang hồ, kể cả hi sinh thân thể của bản thân. Đây có lẽ là lí do vì sao y có thể làm thầy dạy cho Kiều Long, sự đồng điệu về ước mơ được tự do, làm chủ cuộc đời của chính mình. Khi thấy học trò của mình có thể đấu tay đôi với Lí Mộ Bạch, mà chỉ vài phút trước với mọi loại vũ khí giấu tay và võ thuật học từ bí kíp Võ Đang, bà ta cũng suýt bị anh giết, Bích Nhãn Hồ Ly đau đớn nhận ra mình bị phản bội bởi học trò của mình, người mà bà thừa nhận là người thân duy nhất (10 năm cuộc đời nuôi dạy, chăm sóc, ở cạnh nhau) và kẻ thù duy nhất (Kiều Long nắm rõ được toàn bộ bí kíp nhưng không thể tiết lộ ra vì cô còn hoang mang và sợ hãi, bà ta không thể phát huy được hết võ công trong khi khả năng của cô không ngừng phát triển). Bích Nhãn Hồ Ly hận học trò của mình như cái cách bà ta hận sư phụ của Mộ Bạch, cùng động cơ dẫn đến hành động trả thù. Đây cũng là một quan điểm được cài cắm trong phim, ông quan mật thám bị giết vì trả thù cho vợ, để lại đứa con một mình; Lí Mộ Bạch bị trúng độc vì quyết định phải báo thù bằng được cho sư phụ; Bích Nhãn Hồ Ly mất mạng vì bị hận thù che mắt, liều mình tiêu diệt Kiều Long - sự thù hận là cách cảm xúc thao túng con người và để trả thù, ta phải đánh đổi. Đến lúc quy tiên, Bích Nhãn Hồ Ly vẫn chẳng phải một cao thủ võ thuật, chết trong đau đớn về thể chất, tổn thương về tinh thần - bi kịch của một con người với mong muốn sống cuộc đời lớn lao, đi ngược lại với những định kiến mà xã hội áp đặt.
Thế giới kiếm hiệp được coi là nơi con người tự do tự tại, tôi luyện võ công và trở thành anh hùng theo nhiều nghĩa, Ngọa Hổ Tàng Long chứng minh thực tế không dễ dàng như vậy thông qua nghệ thuật xây dựng nhân vật: Lí Mộ Bạch là cao thủ võ lâm nhưng không thể dứt bỏ yêu đương và thù hận để tu thành chính quả; Du Tú Liên là người phụ nữ truyền thống với tài năng và đức hạnh nhưng không có hạnh phúc vì không dám sống thật với cảm xúc cá nhân; Bích Nhãn Hồ Ly - một người bị vỡ mộng bởi một thế giới không trân trọng tài năng và trí óc của phụ nữ. Xã hội phong kiến cổ hủ, những mối quan hệ ân oán và tâm lí phức tạp đã khiến thế giới kiếm hiệp trong phim không đen trắng rạch ròi như phần lớn nhận thức của khán giả, nó có chiều sâu, thuyết phục và tinh tế hơn nhiều.

PHẦN III: NGỌC KIỀU LONG
Dưới góc nhìn của mình, Ngọc Kiều Long (do Chương Tử Di thủ vai) là nhân vật đáng nhớ nhất trong phim nói riêng và một trong những nhân vật ấn tượng nhất lịch sử điện ảnh nói chung. Câu chuyện và hành động của cô khiến các sự việc tiến triển, kết nối 2 tuyến truyện; sự phát triển và vẻ đẹp tư tưởng khiến cô trở nên khó quên và đặc biệt.
Kiều Long được giới thiệu trong tạo hình của một cô tiểu thư gia giáo, nề nếp, bộ trang phục sẵm màu như biểu hiện sự an toàn. Cô chia sẻ với Tú Liên về việc cô sắp bị gả cưới, rằng tâm trạng bất mãn vì chưa được sống cuộc đời theo ý mình muốn, bày tỏ ao ước về lối sống giang hồ lang bạt. Trò chuyện nhẹ nhàng, như chuyện phiếm, người xem không thấy bất kì điều gì đáng để tâm ở cô gái này - tỏ ra không hài lòng, nhưng vẫn an phận. Đến đêm hôm đó, một tên trộm đã đánh cắp thanh Lục Mệnh Kiếm, khi bị phát giác, y phi thân trên những mái ngói, chạy nhanh như gió khỏi lính gác, đến cả Tú Liên ra tay cũng không kịp lấy lại bảo kiếm. Khán giả phần nào đã hình dung được hình tượng của nhân vật. Kiều Long là cô gái trẻ, cứng cỏi, có phần tự phụ, khao khát một cuộc sống phóng túng, được làm điều mình thích và có tài năng võ công phi thường.
Phần hồi tưởng giữa phim giúp đào sâu hơn về chuyện tình của Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ (do Trương Chấn thủ vai). Trên con đường băng qua sa mạc, mẹ cô than phiền về cái nóng, về cái công việc mới của cha, Long nhìn ra bên ngoài, phía những ngọn núi đá khô cằn, ánh nắng thiêu đốt, cô bị cuốn hút bởi những thứ chẳng ai để ý, không ai quan tâm cô nghĩ gì. La Tiểu Hổ - kẻ chỉ huy băng cướp Hắc Vũ tấn công đoàn người tùy tùng của nhà họ Ngọc sau đó, cướp lấy chiếc lược cô gái trẻ đang cầm rồi đi mất. Bà mẹ sợ quá bất tỉnh nhưng Kiều Long lên ngựa đuổi theo ngay lập tức, loại bỏ mọi kẻ ngáng đường, cô đuổi theo không ngừng nghỉ đến mức ngất xỉu, chỉ vì một chiếc lược. Tỉnh dậy, cô đang ở hang ổ của Tiểu Hổ, không biết đi về đâu giữa chốn hoang vu, khoảng thời gian bất đắc dĩ ở bên Hổ đã cho Long cảm giác của tình yêu. Anh hào phóng chăm sóc mọi mặt (mang thức ăn, nước uống, chữa đôi chân nứt nẻ, kiếm nước tắm cho cô giữa hoang mạc), tôn trọng sự tự chủ của cô (không hề xâm phạm thân thể trong nhiều ngày cô hôn mê; Long từng tự tìm đường về, trước khi đi không quên chọi một viên đá vào tên cướp lược chải tóc, cô sau đó cưỡi con ngựa đi thật xa đến lúc nó chết khát, phải đi bộ đến khi ngất lịm, tỉnh dậy, nhận ra Tiểu Hổ lại tìm và cứu sống cô lần nữa) nhưng cũng có quyết định của riêng mình (trói Long lại để cô không gây hại cho bản thân cũng như chưa từng nghe theo một mệnh lệnh nào từ cô). Phân cảnh bùng nổ là khi Kiều Long đòi lại chiếc lược, Tiểu Hổ không trả đơn giản vì không thích, cô giơ cây phi tiêu đe dọa, sự kiên quyết của Hổ khiến cô chọc mạnh vào ngực anh, máu chảy, hai người xông vào vật lộn. Bất ngờ thay, những va chạm thể xác đầu tiên đã thăng hoa, kết nối hai con người lại với nhau, máu của Hổ chảy dài trên người Long. La Tiểu Hổ yêu cô vì cô mạnh mẽ, gan lì, sốc nổi, cô đấu tranh dai dẳng để đạt được thứ mình muốn, không cần sự thương hại từ người khác. Ngọc Kiều Long yêu anh vì anh trân trọng tính cách gai góc khó chiều, anh luôn che chở dù cô vươn xa tới đâu, anh để cô được tự do làm điều mình thích, không ràng buộc. Long vẫn là Long, Hổ vẫn là Hổ, phóng túng, cứng đầu, chẳng nghe ai. Họ yêu nhau vì nhân cách và tình cảm, nhưng vẫn là chính mình và được làm chính mình khi yêu. Trong một xã hội mà người ta kết hôn vì vị thế, gia tài thì còn gì đáng quý hơn một mối tình xuất phát từ tình cảm chân thành và sự bình đẳng từ hai phía.
Đối với văn hóa Á Đông, màu xanh lục đại diện cho tính nữ và biểu tượng Âm - trong quan niệm mẫu hệ cổ xưa, Âm thể hiện nữ mạnh hơn nam, sức mạnh tiềm tàng và khả năng thụ thai, sinh nở sự sống vô hạn. Hình ảnh con rồng thường dành cho thần thánh, vua chúa, quyền lực của nam giới, nhưng trong Ngọa Hổ Tàng Long, đó là tên của một người phụ nữ. Có hai vật dụng gắn liền với Ngọc Kiều Long là chiếc lược và thanh Lục Mệnh Kiếm - cả hai đều mang hai đặc trưng kể trên. Chiếc lược chải tóc có tay cầm chạm khắc hình rồng uốn lượn được làm từ ngọc bích, nhưng lại có màu trắng ngà, trong trẻo, hiện thân cho phần nữ tính, khát khao sự thuần khiết của tự do, tâm hồn trong trắng không bị lay động bởi định kiến của người đời. Kiều Long giữ gìn chiếc lược cũng như cô bảo vệ lý tưởng sống của bản thân, cô chỉ trao chiếc lược cho người biết đồng cảm và trân trọng điều đó ở cô - La Tiểu Hổ. Theo thời gian, ngọc bích già đi và ngả dần sắc lục, cũng như sức sống của Long, bị kìm nén, chờ khoảng khắc bùng nổ. Lục Mệnh Kiếm là vũ khí báu vật, được tạo nên từ kĩ thuật giả kim đã thất truyền, đã tồn tại được hơn 400 năm, bất hoại và linh hoạt; thanh kiếm đại diện cho cảm xúc giận dữ, ý chí mãnh liệt và sức mạnh thô sơ, tài năng toàn vẹn của Kiều Long. Cô cần thanh kiếm để giải phóng bản thân, ghi lại dấu ấn trên thế gian theo cách mà cô muốn; trong mọi cảnh phim cô cầm thanh bảo kiếm, cô được phô bày khả năng võ thuật vượt trội (nổi bật như phân cảnh quán ăn, Long một mình hạ gục toàn bộ các cao thủ võ lâm, nói ra mọi suy nghĩ một cách hùng hồn, ngạo mạn). Cô liên tục tìm kiếm, ăn trộm và lặn xuống dòng nước chảy xiết để có được thanh kiếm cũng như cô vẫn luôn tranh đấu để dành được sự tự do, hạnh phúc. Ngọc Kiều Long là con rồng kiêu hãnh, ích kỷ mang sinh khí của tính nữ và nguồn sống nguyên thủy mạnh mẽ, nhưng mắc kẹt trong hiện thực mà cô phải kiểm soát, che giấu và giam cầm con rồng đó - một hiện thực đau khổ, không có lối thoát.
Sau khi Lí Mộ Bạch mất, Kiều Long lên núi Võ Đang tìm La Tiểu Hổ, hai người đã có một buổi tối nồng ấm sau nhiều tháng ngày xa cách; sáng hôm sau, Tiểu Hổ tìm thấy Kiều Long đứng trên cây cầu bắc qua hai vách núi đá. Cô chưa bao giờ có được tự do mà mình muốn - được làm điều mình thích, không bị ép buộc, không phải quan tâm đến hậu quả. Gia đình muốn Long kết hôn với người mà cô không yêu chỉ vì nó mang lại lợi ích cho bố của cô. Bích Nhãn Hồ Ly dạy cô võ thuật, nhưng năng lực của bản thân ngày càng kém xa sư đồ, khiến bà ta ra sức thao túng Kiều Long cũng như kiềm hãm năng lực thật sự của cô. Lý Mộ Bạch chiêu mộ Long làm học trò không chỉ vì cô có khả năng, mà còn muốn hướng cô vào khuôn khổ, không lợi dụng võ công cho mục đích xấu, không hề để tâm xem Kiều Long thực sự nghĩ gì, có muốn hay không. Du Tú Liên muốn cô sống đúng với tình yêu, với chính mình, quay về sa mạc cùng Tiểu Hổ - do sau cái chết bất ngờ của Lý Mộ Bạch, Tú Liên hối hận vì khi anh còn sống, cô đã không có đủ dũng khí để đi ngược truyền thống, bày tỏ tình cảm để hạnh phúc bên nhau, như thế chẳng khác nào cô phó thác cho Kiều Long để sống thay cho mình trong dằn vặt và nuối tiếc. Theo nhiều cách khác nhau, những người xung quanh Ngọc Kiều Long luôn muốn kiểm soát cô. Kể cả khi chạy trốn cùng với Hổ, chẳng mất bao lâu để hai nhà họ Ngọc và Cao huy động toàn bộ lực lượng truy tìm Long bằng được, điều đó hoàn toàn có thể liên lụy đến người cô yêu thương. Giấc mơ của cô tan vỡ, sẽ chẳng có bình yên trong cuộc sống phiêu bạt, người tốt luôn bị làm hại, con người sống thật là sai trái, tự do là cái cớ của nổi loạn và suy đồi đạo đức. Tưởng như sự dồn ép tột cùng khiến người phụ nữ ấy lựa chọn đầu hàng, chấp nhận số phận, cô nhớ đến câu chuyện La Tiểu Hổ từng kể:
Bọn anh có một truyền thuyết. Bất kì ai dám nhảy từ ngọn núi kia xuống. Trời sẽ ban cho người ấy một điều ước. Lâu lắm rồi, cha mẹ của một người trẻ tuổi kia bị ốm, nên anh ta nhảy xuống. Anh ta không chết. Và ngay cả không bị thương. Anh ta bay đi xa, xa mãi và không bao giờ trở lại. Anh ta biết điều mình mong ước đã thành sự thật. Nếu có lòng tin thì nó sẽ xảy ra. Người xưa có câu: "Một trái tim vững vàng sẽ làm cho điều ước trở thành hiện thực.".
Long bảo Hổ hãy nói một điều ước, anh ước anh và cô sẽ cùng nhau trở lại sa mạc. Ngọc Kiều Long sau đó đã nhảy khỏi cây cầu - cô đã lựa chọn nghị lực sống, lựa chọn dũng khí và can đảm, khẳng định rằng cô vẫn sẽ là chính mình, sống thật với tình yêu và lý tưởng. Cô gái trẻ không chết, và ngay cả không bị thương, cô bay bổng tự do, tự tại, biến mất vào những đám mây sương khói trên núi Võ Đang. La Tiểu Hổ nhìn theo không hoảng loạn, ánh mắt đượm buồn nhưng cũng vui mừng, nhẹ nhõm; Kiều Long đã bay đi không trở lại, cô không còn ở bên anh nhưng cô cũng không thuộc về một ai khác, tình yêu cô dành cho anh là thật, kí ức bên nhau ở hoang mạc cũng là thật, còn gì chân thực hơn thế? Khung hình cuối cùng của phim hiện lên sự tĩnh lặng của thiên nhiên, của dãy núi, đẹp đẽ, huyền bí và bình yên. Ngọc Kiều Long đã có được sự tự do mà cô hằng mong muốn, ước mơ của cô đã trở thành hiện thực.
PHẦN IV: TỔNG KẾT
Ngọa Hổ Tàng Long là từ dùng để chỉ những nguy hiểm ẩn nấp. Trong phim là tình cảm không môn đăng hộ đối của Ngọc Kiều Long và La Tiểu Hổ; đúng hơn là những cảm xúc, mong ước bị con người che giấu, kiềm hãm. Đạo diễn Lí An lí giải chẳng có gì là bí mật mãi mãi, dù kìm nén lâu đến mấy thì cái kim trong bọc cũng lộ ra, chẳng ai được hạnh phúc nếu không sống thật với chính mình. Đến cuối phim, chuyện tình của Tú Liên và Mộ Bạch kết thúc trong nước mắt, Bích Nhãn Hồ Ly chết với giấc mộng dở dang nhưng Kiều Long không buông bỏ, sự truy cầu tự do đã được đền đáp - tác phẩm còn là suy tư về nam nữ trong xã hội, về sự truyền thừa, tiến bộ từ thế hệ cũ sang thế hệ mới. Khi con người trở nên mạnh mẽ, can đảm, có niềm tin vững bền vào lựa chọn và lý tưởng của bản thân, ắt sẽ đạt được ước mơ, hoài bão.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...