Jump to content

1 Screenshot

Có nhẽ vì tên bác Dan Brown đã nâu (Brown) lại đen (Dan) nên phim chuyển thể từ truyện của bác có số phận khá là trắc trở. Năm 2006 The Da Vinci Code ra mắt ở Cannes bị bà con la ó dữ dội, đến khi phát hành lại bị giới phê bình chê bai không tiếc lời (nhưng rốt cục vẫn về nhì với 750 triệu USD doanh thu – lý do chính khiến Columbia Pictures tiếp tục chơi con bài nâu-đen này lần nữa). Angels & Demons đến lượt mình cũng vấp phải sự phản đối của Công giáo và bị từ chối không được quay ngoại cảnh tại các nhà thờ ở Rome. Nhưng hết cơn bĩ cực cũng đến hồi thái lai, cuối cùng bộ phim lại được chính tờ Đại đoàn kết của Vatican khẳng định là vô hại.

Kể ra nếu Angels & Demons được đặt tên là Kiếp đỏ đen thì cũng không có gì vô lý, vì Ron Howard đã đem đến cho khán giả một bộ phim low-key* với màu đen linh mục (một) và sắc đỏ hồng y (đếm không xuể) là chủ đạo, và số phận những nhân vật này nói chung là rất thảm. Low-key âu cũng là điều dễ hiểu khi bộ phim xảy ra trọn vẹn trong một buổi tối mà mỗi giờ đồng hồ lại được đánh dấu bằng cái chết của một preferiti, ứng cử viên cho ngôi vị Giáo hoàng.

Như thường lệ, giáo sư biểu tượng học Robert Langdon (Tom Hanks), với sự trợ giúp (như thường lệ) của một sinh vật khả ái là nữ khoa học gia Vittoria Vetra (Ayelet Zurer) dẫn đầu cuộc săn đuổi tên sát nhân giấu mặt đã bắt cóc bốn hồng y giáo chủ và sẽ xử tử họ tại bốn địa điểm tượng trưng cho bốn nhân tố đất, gió, lửa, nước tại thành Rome. So với câu đố Robert Langdon phải giúp Tòa thánh giải đáp thì chuyện một cô gái mĩ miều dường ấy lại còn là chuyên gia về phản vật chất quả thực còn bí hiểm hơn nhiều; có lẽ chỉ thua câu hỏi hẳn không ít người đã từng tự hỏi khi xem The world is not enough: “Thế nào mà một em gái nóng bỏng rẫy ra như Denise Richards lại còn là chuyên gia vật lý hạt nhân?”

Quay trở lại với bộ phim, hành động của tên sát nhân có vẻ là một nghi thức báo thù cuộc thanh trừng của Giáo hội với Illuminati – một hội kín của các nhà khoa học ra đời từ thế kỷ 17 – và y đe dọa sẽ kết thúc nó với một vụ nổ phản vật chất (lý do giải thích sự có mặt của sự khả ái mang tên Vittoria Vetra) có sức mạnh hủy diệt cả Vatican đúng lúc các hồng y đang họp kín để bầu Giáo hoàng mới còn giáo dân đang tụ tập ở quảng trường St. Peter chờ kết quả. Vụ việc càng phức tạp hơn khi Tổng quản Vatican là Patrick McKenna (Ewan McGregor) phát hiện ra cố Giáo hoàng chết vì bị đầu độc…

Để bà con khỏi sốt ruột, người viết xin nói luôn: Angels & Demons hay hơn Da Vinci Code, và hay hơn đáng kể (lưu ý: hay hơn Da Vinci Code thôi nhé). Đây cũng là điều dễ hiểu vì Da Vinci Code bám quá sát nguyên tác; và khi cố nhồi nhét bằng hết cuốn tiểu thuyết lên màn bạc, Ron Howard đã bỏ qua những thế mạnh đặc thù của điện ảnh, khiến bộ phim trở thành một thứ minh họa vụng về cho cuốn tiểu thuyết hơn là một tác phẩm độc lập.

Rút ra bài học này, kịch bản của Angels & Demons, dù không phải là xuất sắc, tỏ ra khá linh hoạt, câu chuyện đơn giản và tập trung, không sa vào mớ bòng bong thông tin được Robert Langdon tuôn ra như suối còn khán giả chỉ biết há hốc mồm lắng nghe (và lủng bủng rủa: Đù mé, nói gì mà lắm thế!) ở phần một. Howard sử dụng hai motif quen thuộc của phim thriller là săn đuổi kẻ sát nhân và tháo bom hẹn giờ để tạo sự căng thẳng, hồi hộp và đã khá thành công khi kết hợp nó với nét tương phản đỏ-đen đầy ngụy dị trong ánh sáng u ám của toàn phim. Mặc dù vậy Angels & Demons vẫn có những chi tiết lộ và dễ đoán với một khán giả nhiều kinh nghiệm xem thriller. Tuy khá hơn Da Vinci Code nhưng Angels & Demons vẫn thiếu cái sức hút cần thiết của một phim thriller xuất sắc: khán giả không bị hút vào một cách triệt để, mà vẫn còn khoảng cách, vẫn cảm thấy mình đang đứng ngoài quan sát hơn là đồng hành cùng nhân vật.

Với tiết tấu rất nhanh (đoán rồi đuổi, lại đoán rồi lại đuổi) và một cốt truyện thiên về hành động, không có chỗ ngừng nghỉ cho cảm xúc, hầu hết các diễn viên chỉ phải đóng mà không phải diễn, trừ Ewan McGregor. Trong không khí chung của phim, Patrick McKenna dù xuất hiện không quá nhiều nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận được (dù mơ hồ, và cũng chỉ mơ hồ) một điều gì đó. Ewan đóng khéo nhưng kín đến nỗi sau khi phim hết rồi, khi đã thở phào một tiếng rồi, ta mới nhận ra rằng anh diễn tốt thật. Một điều đáng tiếc là mâu thuẫn đức tin – khoa học có thể được khai thác tốt hơn ở Langdon, khi đoạn đối thoại giữa anh và Patrick McKenna ở đầu phim hé lộ khá nhiều điều thú vị. Với nội lực của Tom Hanks, điều này hẳn không phải là quá khó. Cái khó là làm sao để lồng được nó vào cuộc truy đuổi hối hả trong năm giờ đồng hồ của Langdon mà thôi.

Cũng như ở Da Vinci Code, nhạc của Angels & Demons do Hans Zimmer đảm nhiệm, và ông làm khá tốt ở phần cuối. Cái dồn dập ở phần đầu tuy ổn, tuy hoành tráng, tuy không sai, nhưng có vẻ cứ cliché làm sao đó, chưa xứng với tầm vóc của ông, và chưa thật sự ăn khớp với cái không khí bề ngoài thì tĩnh lặng mà bên trong thì cuồn cuộn sóng ngầm của Vatican lúc đó. Phần cuối trầm lắng và giàu xúc cảm với những đoạn solo của Joshua Bell, người được trang trọng dành riêng một dòng khá lớn ở phần credit.

Nói là như vậy, nhưng để chấm điểm cho Angels & Demons thì lại hơi khó. Có lẽ phải chia làm hai thang điểm. Với những người đã đọc truyện thì cái hay chắc sẽ chẳng còn lại bao nhiêu, vì  yếu tố bất ngờ đã mất đi; và sự thú vị (nếu còn) sẽ dừng lại ở không gian tôn giáo của thành Rome mà bộ phim đã tái tạo lại khá thành công bằng ngoại cảnh, phim trường và kỹ xảo CGI. Nhưng với những ai chưa đọc truyện thì sự bất ngờ sẽ còn nguyên vẹn, và Angels & Demons sẽ là một phim giải trí xem được của tháng Năm này.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...