Jump to content

1 Screenshot

Vẫn nằm trong sự lèo lái đạo diễn Marc Webb của phần 1, TAS 2 dành hơn nửa thời lượng để khai thác tâm lý của Peter Parker (Andrew Garfield) thông qua cuộc truy tìm sự thật về cha mình, sự xuất hiện của người bạn lâu năm Harry Osborn (Dane DeHaan) và quan trọng nhất là sự giằng xé nội tâm trong mối quan hệ với cô bạn gái Gwen Stacy (Emma Stone). Peter của TAS 2 đã khác so với năm xưa. Anh đã trở thành một người anh hùng đầy bản lĩnh, rất cởi mở và gần gũi, một hình tượng Vigilante bị cảnh sát ghét nhưng người dân ngưỡng mộ. Thậm chí anh còn có fan cuồng như oppa Hàn Quốc. Chú fan cuồng này sau khi nhận ra Spider-Man éo nhớ mình là ai, chú đã phát khùng và hóa thành Electro đi giật điện cả thành phố. Trong khi đó, anh bạn thân Harry lại đòi Spider-Man hiến máu nhân đạo cho mình, sau khi bị từ chối cũng hóa điên và biến thành Green Goblin. Các bạn oánh nhau, xen giữa là vài cảnh mùi mẫn của Peter với Gwen. Kết thúc làm tui bất ngờ, vì đây là một quyết định khá lạ của nhà làm phim khi phần 3 đã được lên kế hoạch. Bạn nào xem rồi thì sẽ hiểu ý tui.

Dấu ấn của Marc Webb thể hiện rõ nét qua các màn pha trò chọc cười của Peter trong khoảng nửa đầu phim, những giây phút nhẹ nhàng và rất thoải mái cho người xem. Spider-Man có lẽ là nhân vật anh hùng duy nhất của Marvel được định hướng tới một hình ảnh trẻ trung, gần gũi và dễ khiến khán giả đồng cảm, khác xa dàn Avengers già dặn và lì lợm. Đối với Peter, thân phận Spider-Man là niềm hạnh phúc, là lẽ sống chứ không đơn giản là nghĩa vụ khi tự nhiên mình có siêu năng lực leo tường. Ở đây, chi tiết này được nhấn mạnh bởi tính cách của Peter khi anh là Peter Parker và khi anh là Spider-Man. Luôn có một không khí trầm lắng và buồn bã khi Peter Parker xuất hiện, và khán giả càng dễ mủi lòng hơn với diễn xuất và khuôn mặt khổ tâm của Andrew Garfield. Trái lại, khi Peter khoác lên mình bộ trang phục đỏ-xanh, mọi thứ như mở hội, tràn đầy niềm vui và sức sống. Hai thái cực này càng trở nên rõ ràng hơn với âm nhạc của Hans Zimmer, Magnificent Six và Pharrel Williams. Nhạc Peter lúc nào cũng trầm buồn, nhạc Spider-Man thì tưng bừng, lúc oánh lộn với Electro phim còn cho Electro giật điện thành dubstep (kiểu như trong Sorcerer’s Apprentice). Nói cách khác, Peter khiến khán giả cảm động, Spider-Man khiến khán giả bật cười; khi nhận ra cả hai chỉ là một, chúng ta dần hiểu hơn về Peter, siêu anh hùng gần gũi nhất với khán giả trẻ.

Một điểm nhấn khác là sự ăn rơ của Peter Parker và Gwen Stacy. Diễn xuất ăn ý và dễ thương của họ vừa đủ để tui thưởng thức và ủng hộ chứ không thấy khó chịu như Twilight (vâng, tui nhắc đến Twilight là vì vẫn như trong phần 1, Peter và Gwen mà lố hơn thì đã thành Edward và Bella). Marc Webb tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Gwen trong phần này, hướng sự chú ý của khán giả vào chi tiết Gwen yêu Peter (chứ không phải Spider-Man như Mary Jane) và cô tiếp tục trực tiếp tham gia vào các trận chiến của Spider-Man, dẫn đến kết thúc kỳ lạ như tui nói ở trên.

Nãy giờ toàn khen, vậy TAS 2 có vấn đề gì mà tui bảo không có gì tiến bộ so với phần 1? Cơ bản là những gì tui khen TAS 2 ở trên chính xác là những gì tui khen ở TAS 1 (xem review cũ ở đây). Marc Webb thực hiện TAS 2 gần như với đúng một công thức quen thuộc, khiến dù phim được làm tốt nhưng tui vẫn thấy hơi thất vọng một chút. Thêm nữa, điểm yếu nhất của TAS 1 – hành động – vẫn xuất hiện trong TAS 2, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Marvel có lẽ nhận ra sự phàn nàn của fan về các pha hành động thiếu lửa của phần 1 nên đã quyết định tung một cơ số villains vào trong phần 2. Tui cho rằng đây là một quyết định liều lĩnh, và thực tế cho thấy, cả hai màn giao chiến của Spider-Man với Electro và Green Goblin đã chán lại còn ngắn ngủn. Chưa kể, Marvel đã khiến người xem tưởng bở với mớ poster và trailer làm tui nghĩ Spider-Man bị hội đồng bởi một loạt kẻ thù, hóa ra bọn nó rất lịch sự xuất hiện từng đứa một cho Spider-Man dễ thở … Dù sao thì điểm yếu đó được phần nào bù đắp bởi thời lượng phim được đầu tư cho sự phát triển tâm lý của hai nhân vật này. Ví như Electro, anh từng được Spider-Man cứu, thần tượng Spider-Man và ngay khi sở hữu siêu năng lực cũng chỉ muốn kiểm soát nó, nhưng một giây phút hiểu lầm đã khiến cái ác trong lòng trỗi dậy. Harry Osborn cũng thế, nỗ lực tìm lấy sự sống đã che mờ lý trí; khi thực tế ban đầu anh không phải người xấu, những cảnh nói chuyện cùng Peter đã chứng minh điều này. Nói gì thì nói, tuy tui ủng hộ chuyện tập trung vào tâm lý nhưng cảnh hành động cũng nên được chăm chút hơn. Như hiện nay, tui thấy dường như Marc Webb muốn làm một bộ phim tâm lý tình cảm nhưng bị Marvel ép chèn mấy cảnh đánh lộn vào để câu khách, dẫn đến sự thiếu cân bằng cho phim. Một chút thất vọng khác là tui ngồi xem hết credits mà không thấy có mid hay post-credits gì cho phần 3 hết.

Tóm lại, TAS 2 là một phim tốt, xem không tiếc tiền. Xem TAS 2 thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn là Captain America: The Winter Soldier. Nếu bạn nào không thích sự nặng nề của Captain America thì TAS 2 là một lựa chọn hợp lý, và đặc biệt hợp lý để dẫn gấu đi xem.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...