Jump to content

1 Screenshot

Tôi đến với Ender’s game không trực tiếp từ trang giấy mà từ bộ phim chuyển thể cùng tên của nó ra mắt vào năm 2013 và vừa được chiếu trên HBO đầu tuần này. Cả phim lẫn nguyên tác đều chứa nhiều khía cạnh đáng bàn mà khuôn khổ một review không thể thỏa mãn nên tôi quyết định sẽ viết hẳn bài cảm nhận cho hai tác phẩm tuy hai mà một, tuy một mà hai này.

Cũng như bất kì một bộ phim (điện ảnh hoặc truyền hình) chuyển thể nào, phiên bản điện ảnh Ender’s game (2013) của đạo diễn Gavin Hood đứng trước thử thách biến những điều Orson Card viết thành hình ảnh, thành âm thanh, thành chuyển động… với một linh hồn riêng vừa gắn vừa không gắn với nguyên tác. Ở đây, Gavin Hood đã cho thấy ông lựa chọn chỉ truyền tải gần như một nửa những gì Card đã thể hiện trên trang sách của mình. Bằng cách lược bỏ những chi tiết chính trị liên quan đến Nga, về hiệp ước Vacsava (đương nhiên trong khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết hư cấu), vai trò của Valentine và Peter, đạo diễn chỉ tập trung vào Ender thay vì một phổ rộng hơn là Ender và những đứa trẻ thiên tài giống thằng bé, tập trung vào việc tái hiện một cách sống động, trực quan hành động của nhân vật cùng hiệu ứng hình ảnh phù hợp với thể loại khoa học viễn tưởng thay vì khai thác tâm lý nhân vật – điều thực ra được Card quan tâm hơn, xác định là trọng tâm trong tác phẩm của mình.

Trước sự lựa chọn của Gavin, tôi hoàn toàn không thể đánh giá phiên bản điện ảnh của Ender’s game là thành công hay thất bại, là sát hay không sát với tiểu thuyết, là đáng xem hay không đáng xem… về mặt nội dung, tư tưởng. Nhưng có một điều chắc chắn, tôi tìm đọc nguyên tác bởi diễn xuất của Asa Butterfield (thủ vai Ender) cùng những diễn viên trẻ khác. Trong phạm vi hạn hẹp khoanh cho mỗi nhân vật trong phim, từng cô bé cậu bé diễn viên đã làm hết sức mình để mang lại sự sống thật sự, cá tính thật sự, nhân cách thật sự cho từng vai diễn ấy. Và thêm một lý do cá nhân, tôi luôn yêu những anh chàng mắt xanh (đa phần đều là người Anh, thật kì lạ) và mắt của Asa thì quá đẹp, quá thần kì, đôi mắt biết nói nhiều hơn cả ngôn từ. Đã từng được lĩnh giáo đôi mắt này trong Hugo (2011) rồi nhưng đến bộ phim này, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Gavin đã có những thay đổi nhỏ khá tinh tế, phù hợp với tác phẩm điện ảnh đại chúng như việc giảm nhẹ những tình tiết hơi gay gắt, hơi khắc nghiệt quá (cái chết của Bonzo không được đề cập đến trực tiếp), nâng cao hơn một chút tình cảm đồng đội của những cô cậu bé dưới quyền Ender nhất là trong cuộc diễn tập cuối cùng. Phim cũng nêu được hết những gạch đầu dòng về nội dung cơ bản, thể hiện tinh thần hòa bình, khoan dung mà Card muốn nói đến.

Sau khi đọc xong Trò chơi của Ender, tôi cảm thấy phiên bản điện ảnh hoàn toàn không làm mất đi hứng khởi của tôi khi theo dõi truyện. Một bên đó là sự thỏa mãn thị giác như được nhìn thấy nhân vật (với tôi Asa là Ender hoàn hảo nhất), tái lập không gian, kĩ xảo mãn nhãn, hoành tráng. Điều này khá quan trọng vì Card quả thực không chú trọng việc miêu tả trong tác phẩm của mình. Còn một bên là sự trải nghiệm vào thẳng xúc cảm, suy tư của nhân vật, điều mà phim ảnh đề cập đến nhưng không đủ thời lượng để trở nên sâu sắc. Có thể tạm coi là đây là điều kì lạ khi phim và truyện không bài trừ lẫn nhau mà trở thành sản phẩm sóng đôi, thứ này bổ khuyết cho thứ kia để đạt đến sự trọn vẹn.

Bối cảnh chính của Ender’s game (từ đây viết tắt là EG) là khoảng không vũ trụ, không trọng lượng, không nhà cửa, không người thân, không thời gian, không xúc cảm… không có gì ngoài sự luyện tập, không ngừng luyện tập để trẻ con thành người lớn một cách nhanh chóng nhất, xuất sắc nhất. Card không dành nhiều thời gian, công sức để mô tả nền cảnh ấy như thế nào nhưng ông đã nhắc đi nhắc lại một chi tiết: trong thế giới ấy, mọi sự định vị theo trọng lực trên Trái Đất đều là vô nghĩa. Nó vô nghĩa về cả mặt định hướng không gian, và nó cần thiết để nhìn nhận chính EG theo cách đa diện nhất, táo bạo nhất khi tác phẩm đề cập đến những khía cạnh nhạy cảm, dễ gây tranh cãi một cách thẳng thừng, chính diện.

Sự nhạy cảm đầu tiên chính là nhân vật chính hay hệ thống nhân vật phụ nhưng đóng vai trò trung tâm của câu chuyện là những đứa trẻ, đứa lớn nhất mới mười ba tuổi. O.Card đã đặt trẻ con vào môi trường quân sự hạn chế đến mức tối thiểu tình thương, sự giúp đỡ, bảo vệ nhằm biến chúng thành những chiến binh thông minh nhất, thiện chiến nhất. Tôi đã khá băn khoăn khi nhảy vào thế giới của EG vì với tôi, những đối tượng vị thành niên không phải là loại nhân vật có thể tùy tiện mang ra làm trò chơi cho người lớn, nhất là những trò chơi sát phạt liên quan đến mạng người, đến những chuẩn đạo đức cơ bản mà vượt qua nó có thể xéo nát tâm hồn non nớt mà không thể cứu vãn. Đó cũng là lý do đến giờ tôi chần chừ chưa đọc Hunger Game.

EG cũng tạo ra một thế giới phản địa đàng, nơi mà những đứa trẻ bị buộc trở thành chiến binh để gánh lấy sứ mệnh phải bảo vệ cho toàn nhân loại. EG được viết theo phong cách anh hùng ca đậm đặc chất Mỹ, về đại thể là vậy. Có anh hùng cô độc, xuất chúng làm trung tâm, có kẻ thù là lũ bọ ngoài hành tinh thiện chiến đang đe dọa xóa sổ loài người, toàn những chi tiết kinh điển, thời thượng. Tuy nhiên ngay trong cái giống với nhiều tác phẩm cùng loại, cùng âm hưởng, Card đã tạo ra được sự khác biệt cho mình. Ông không tô vẽ một tượng đài cảm tử vĩ đại dù quả thực Ender là trí tuệ siêu việt nhất mà nhân loại có được, là đứa trẻ nắm quyền chỉ huy của cả phi đội loài người chống lại lũ bọ. Ông cũng không ngợi ca chiến thắng của con người trước những sinh vật ngoài hành tinh khi chúng ta nhỏ bé hơn, ít ỏi hơn và không được trang bị hiện đại bằng.

Điều tác giả lựa chọn khai thác là thế giới nội tâm của những đứa trẻ phi thường và vì phi thường, vì mang kì vọng nên mãi mãi cô đơn, mãi mãi khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng cảm ở người khác cũng như thấu hiểu chính mính. Đó là con đường đơn độc để thiên tài lộ diện, thực hiện chiến thắng cuối cùng để chiến thắng mọi cuộc chiến trong tương lai. Và EG không dừng lại ở khúc khải hoàn khi hành tinh mẹ của lũ bọ bị phá hủy, khi tương lai của “lũ xâm lược” chấm dứt. EG là khúc ca có hào hùng, kì vĩ nhưng mãi mãi là khúc ca buồn thương day dứt về “nỗi đau của người chiến thắng”.

Cho đến trước kết thúc, cuộc đời của Ender là những cuộc chơi nối tiếp nhau nhưng chắc rằng không có đứa bé nào chơi như cậu. Đó là cuộc chơi sống – chết, cuộc chơi của trí tuệ, của hoạch định chiến lược, chơi để thắng, để biết sự tồn tại của mình có ý nghĩa. Chừng như câu chuyện là trò chơi điện tử khổng lồ, tối tân nhất, sinh động nhất mà level sau khó khăn hơn level trước, là trò chơi không ai có thể chơi một mình nếu không có sự giúp đỡ, đoàn kết của những cá thể khác trong binh đoàn. Nhưng đó không là cuộc chiến giữa loài người và lũ bọ. EG mãi mãi là cuộc chiến giữa con người với con người, giữa ta với bản thân mình, giữa trẻ con với người lớn. Ấy là cuộc chiến để giành quyền tự quyết tự do rằng tôi sẽ đi con đường này, tôi sẽ trở thành người như thế này, tôi sẽ đối đãi với kẻ khác theo cách này mà không theo cách khác.

Bản thân O.Card đã để những người lớn trong tác phẩm của mình gần như ẩn mặt, đứng sau dàn xếp trò chơi, sẵn sàng thay đổi luật lệ để chơi theo cách của họ mà không cần đếm xỉa đến những đứa trẻ bởi thời gian không còn, bởi lũ bọ sẽ không đợi loài người sẵn sàng nghênh đón chúng. Họ tạo ra một điều kiện tiêu chuẩn, lý tưởng và nhân tạo để định hướng sự trưởng thành của Ender theo mục đích đã định trước. Bắt đầu từ sự ra đời của cậu và cho đến trận chiến cuối cùng.

Cái giá của sự tỉnh táo, của trí thông minh, lòng quả cảm… là tuổi thơ, là tình yêu bị đánh cắp. Con người trở nên xa lạ với chính mình, quay theo hướng duy nhất về chiến thắng tối thượng. Không chỉ riêng Ender, mọi lời nói, mọi hành động của những đứa trẻ khác từ Peter, Valentine đến Petra, Bonzo… đều khiến tôi sững sỡ. Sững sờ bởi ngay trong sự ngây thơ, đứa bé nào cũng toan tính, toan tính đến mức dù thật lòng vẫn cứ mưu mô như là không thật. Sự thông minh, sáng suốt của chúng đáng được ngưỡng mộ nhưng cũng đáng để buồn.

Dọc theo bước trưởng thành đến tuổi thiếu niên của Ender, tôi luôn tự hỏi cậu bé cuối cùng của nhân loại, người sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến tranh và cái chết liệu có được bình yên không. Người ta hẳn sẽ chỉ nhớ đến chiến thắng của cậu mà không cần quan tâm cậu sẽ còn lại gì cho mình ngoài một tâm hồn rách nát, chằng chịt những rạn vỡ, khiếm khuyết sau những năm tháng vật lộn khắc khổ ở trường chiến đầu rồi trường chỉ huy. Và ngay lúc khúc khải hoàn cất lên, ngay giữa thời khắc lịch sử vinh quang nhất, mọi sự vỡ ra rằng đó đâu phải cuộc chơi giả tưởng mà là cuộc chiến thật, cuộc chiến có kẻ sống và người chết. Cuộc chiến ấy kẻ còn sống tối cao – tổng chỉ huy chiến dịch – lại là kẻ gánh lấy sức nặng của cái gọi là chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm khi những người lính dưới quyền Ender bị cậu đẩy vào những nhiệm vụ đánh đổi bằng mạng sống. Chịu trách nhiệm cho cái chết của cả một giống loài chừng như thù địch.

Trẻ em có điểm gì hơn người lớn? Tôi nhớ cách đây mấy hôm có đọc được câu này bằng tiếng Pháp đại ý rằng khi lớn lên, cái con người đánh mất đầu tiên chính là dũng khí lúc niên thiếu. Những người lớn trong EG đã lợi dụng chính dũng khí, sự quả cảm và niềm tin bất diệt của trẻ con trước cả trí tuệ của chúng để đạt được mục đích cuối cùng. Họ lừa dối chúng rằng đây chỉ là một trò chơi. Trò chơi thì không có ai chết thật. Trò chơi thì bao giờ cũng có thể restart. Trò chơi sẽ chỉ là trò chơi mà không có những mưu toan chính trị phía sau.

Thế nhưng sự thật không phải vậy.

Thế nhưng chính Ender, anh hùng của nhân loại, lại là kẻ bị khước từ mong muốn quay về Trái Đất, về nơi em chỉ muốn có một mặt hồ, một cái bè gỗ và chị của em. Cậu thậm chí còn không có quyền chọn sự lưu vong cho mình.

Sự đau khổ, bế tắc hay những vết thương không thể chữa lành của một con người còn quá trẻ chẳng là gì so với sự tồn tại của loài người nói chung. Sẽ chẳng ai biết cả. Sẽ chẳng ai quan tâm.

EG chứa đựng đầy đủ những điều tàn nhẫn nhất dành cho một đứa trẻ: không được bố mẹ yêu thương, không có quê nhà, tình yêu với người yêu nhất chỉ là kí ức, không bạn bè, không tin tưởng, không tự do và cả giết người trong một bối cảnh ấn định rằng không-thể-còn-đường-khác. Dấu ấn của định mệnh.

Dù thế, tôi cũng không thể ghét EG, không thể không yêu Ender như cách Valentine yêu em, mong muốn bao bọc em. Có buồn cười không khi tôi thấy cả O.Card cũng như George R.R. Martin (tác giả Game of thrones hay còn tên khác là A song of Ice and Fire ) đều là những tác giả luôn trân trọng trẻ nhỏ dù hình thức hoàn toàn không phải vậy. Cả hai ông đều không kể những câu chuyện cổ tích thần tiên, ca ngợi tính thiện hay điều tốt lành mà thẳng thừng và gần như nhẫn tâm đặt những đứa bé vào hết thảy tình thế hiểm nghèo, ngang trái của giết người hay bị giết, của tin tưởng hay bội phản, của đúng và sai, của quyết định sinh tử y như một người trưởng thành. Họ cũng chẳng khen ngợi hay nêu gương những điều tốt đẹp, dễ thương ở những đứa trẻ của mình. O.Card và George R.R. Martin cùng làm một việc: thuật lại một cách trung thực nhất, đơn giản nhất (mà không lớp lang hoa mỹ, hình ảnh biểu tượng hay trò chơi ngôn từ) những điều mà trẻ con, nhất là những đứa khác-người nghĩ trong đầu, tìm hiểu xem tại sao chúng lại nghĩ thế, làm thế. Đó là sự chia sẻ mà không phán xét, luôn nhận những điều sai, những điều không nỡ nhưng phải làm về phía những kẻ trưởng thành.

Trong EG, Card vẫn bảo vệ được lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm trong tâm hồn những đứa trẻ dù chúng đã từng làm gì, đã trải qua những việc gì. O.Card đã cho thấy ông là người thông minh khi không viết câu chuyện một cách phức tạp. Đơn giản bao giờ cũng là tốt nhất để chạm đến những trái tim khác. Đơn giản cũng là lời đáp chân thành nhất, thành thực nhất trên sợi dây mong manh mà tác giả bước lên bởi chỉ cần thiên lệch, Ender sẽ trở thành một đứa trẻ tài giỏi với nhân cách giả tạo. Ender vẫn có thể khóc, vẫn tiếp tục dằn vặt rằng em không muốn giết ai, em thực sự không muốn. Peter vẫn mưu mô, vẫn nguy hiểm nhưng phải chăng sâu thẳm nhất trong sự ác nghiệt của thằng bé quả thực vẫn có thể tin vào tình người? Valentine dù gần gũi và chấp nhận lối suy nghĩ của thằng anh lớn đến đâu vẫn muốn vượt qua hố thời gian ngăn cách để hiểu đứa em mà nó chỉ luôn yêu thương mà chưa từng thấu hiểu. Trong sự áp đặt và quản thúc, những đứa bé nếu đủ tỉnh táo để trăn trở về mình thì luôn tìm được cách xoay sở để giữ lại trái tim đầy vết thương của chúng.

Cuối cùng, sau con đường học cách chiến đấu và chiến đấu, học cách chiến thắng và chiến thằng, Card nói đến sự khoan dung và thứ tha. Chiến thắng một lần để chiến thắng mãi mãi có thật nhiều cách, là im lặng vĩnh hằng khi một sống một chết nhưng cũng hoàn toàn có thể là sự tiếp nối và hữu hảo giữa hai phe. EG là câu chuyện chia sẻ thế giới riêng tư của những đứa trẻ suy nghĩ không như những đứa trẻ trong sự mường tượng của người lớn. EG là câu chuyện cho sự lạc lõng thiếu thời mà ai cũng có dù ít hay nhiều.

Quote

“Em không đi vì chị. Em không đi để làm thống đốc hay bởi vì ở đây em thấy buồn chán. Em đi bởi vì em hiểu rõ lũ bọ hơn bất kì ai khác trên đời và có lẽ nếu đến đó em sẽ hiểu chúng hơn. Em đã đánh cắp tương lai của chúng; em chỉ có thể đền đáp lại bằng cách tìm hiểu và học hỏi quá khứ của chúng”.

Những việc xảy ra không thể qua một đêm thành hư ảo. Vết thương đã mang thì buộc phải mang suốt đời. Nhưng tôi mong trong cuộc hành trình, Ender, à không, Andrew Wiggin, em sẽ tìm thấy sự bình yên cho mình.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...