Jump to content

1 Screenshot

Lúc tui xem cảnh đua xe đầu tiên, tui đã thấy khá phê, trong đầu chợt nghĩ có lẽ đây là một trong những màn đua xe hành động cool nhất tui từng xem. Té ra đó là cảnh đua xe dở nhất trong Mad Max: Fury Road. Xuyên suốt cả bộ phim là những pha rượt đuổi hoành tráng của những chiếc xe độ vô cùng chất, giữa một sa mạc mênh mông không có điểm dừng, với hiệu ứng cháy nổ và kỹ xảo đẹp tuyệt vời. Nói ngắn gọn, nếu cả năm nay bạn chỉ muốn đi xem rạp đúng một phim, hãy xem Fury Road, bộ phim thuần đua xe hành động xuất sắc nhất trong nhiều năm trở lại đây mà tui được xem.

Fury Road là phần thứ tư trong loạt phim Mad Max của đạo diễn người Úc George Miller, ra mắt 30 năm sau phần ba vào năm 1985. Vào thời điểm đó, loạt phim này nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình cũng như khán giả, nên những kỳ vọng của khán giả vào màn tái xuất này là rất cao, và theo quan sát của tui trên mạng thì đại đa số đều vô cùng hài lòng với Fury Road. Tui thì thú thực là chưa xem ba phần đầu, trước khi xem Fury Road chỉ đọc sơ qua về bối cảnh của phim. Mặc dù câu chuyện của Fury Road độc lập với các phim trước, cách khai thác nhân vật Max Rockatansky (Tom Hardy) là tương đối mơ hồ với những khán giả mới (tuy nhiên, điều này không thực sự quan trọng, tui sẽ giải thích thêm ở dưới). Câu chuyện của phim khá đơn giản: cuộc gặp gỡ giữa Max và Imperator Furiosa (Charlize Theron) và hành trình của họ thoát khỏi Citadel – nơi tên lãnh chúa điên Immortan Joe (Hugh Keays-Byrne) thống trị – để tìm đến một sự giải thoát cho tâm hồn (redemption). Bộ phim không nút thắt, không cao trào nhưng đó là dụng ý của đạo diễn để tập trung toàn bộ cho các cảnh hành động – linh hồn của bộ phim này.

Nói một chút về các pha hành động. 80% các cảnh trong phim là đều được dàn xếp thật và CGI phần lớn chỉ được dùng để mở rộng bối cảnh sa mạc Namibia. Vì thế, các pha cháy nổ và oánh nhau thật vô cùng. Tui đã há hốc mồm khi nhận ra mẹ ơi, cảnh vừa rồi thiệt sự là có một thằng cha vừa rớt xuống trước mũi một chiếc xe độ đầy gai tua tủa. Nó đem lại một cảm giác thật đến rợn người mà các phim đầy CGI không bao giờ làm được. Đúng như cái tên của phim, cảnh hành động trong Fury Road điên cuồng, sởn gai ốc nhưng cũng đẹp vô cùng. Những màn rượt đuổi trong bão cát sấm sét oánh đùng đùng, những pha xe mô tô bay lượn trên không như GTA, tất cả đều được dàn xếp vô cùng hoàn hảo để tạo ra những cảnh phim vô cùng mãn nhãn và đã mắt. Nhịp phim dồn dập và diễn biến cực nhanh, gần như không cho người xem một giây phút nào để xả hơi, tim lúc nào cũng đập thình thịch như lần đầu nắm tay gấu chó. Một điểm rất đáng khen là sự tập trung hoàn toàn vào các pha hành động, không vướng vào những chiêu trò điển hình của Hollywood. Không có những pha tự nhiên lôi sữa ra uống trong cảnh người máy đánh nhau để chọc cười khán giả. Không có những nụ hôn vô duyên trước khi chàng lao vào chỗ chết – xong rồi nhờ sức mạnh từ nụ hôn mà chàng éo chết. Không có những plot twist nửa vời kiểu một thằng cha giả vờ sám hối để nhận lòng thương của nhân vật chính đầy vị tha để rồi mười phút sau đâm sau lưng cho một nhát. Không có những cảnh dạng như Max đang đánh nhau rất hoành tráng thì bị một gã to con đè ra hấp, trong phút thập tử nhất sinh thì bà già của băng Many Mothers huơ gậy đập đầu gã kia một phát ngất xỉu, xong phán xanh rờn đừng coi thường bà già nhé. Nhiều người sẽ không thích sự thanh niên nghiêm túc có phần thái quá này của Fury Road, nhưng theo tui đó là điều tạo ra sự khác biệt và nét rất riêng của Fury Road trong bối cảnh Hollywood tràn ngập phim hành động CGI hài hước.

Vì tập trung vào hành động, các nhân vật của Fury Road không có nhiều đất để phát triển nội tâm. Thực ra, điều này lại phù hợp với thế giới của Mad Max: một thế giới chỉ xoay quanh sự sinh tồn, và mỗi con người trong thế giới đó chỉ có một mục đích đơn giản. Furiosa muốn tìm đến sự giải thoát, Max muốn tìm sự bình yên sau biến cố với gia đình anh, Nux (Nicholas Hoult) và đám War Boy muốn chết cho Immortan Joe để được tới Valhalla. Tâm lý của họ được tối giản nhưng vẫn ấn tượng nhờ cách đạo diễn George Miller xây dựng một thế giới mà qua đó ngầm truyền tải các câu chuyện đằng sau các nhân vật của ông. Lấy ví dụ Nux: hắn là một War Boy được rèn từ nhỏ để trở thành chiến binh cho đội quân của Joe, bị nhồi nhét về một lý tưởng tôn giáo “I live, I die, I live again” khiến hắn trở thành con rối kamikaze cho Joe. Cả cuộc đời Nux dường như chỉ để chết cho Joe để được tới Valhalla – tâm hồn trẻ con của Nux luôn cho rằng đó là nơi hắn sẽ thoát khỏi thế giới tàn bạo này và được cứu rỗi. Nhấn mạnh chỗ này: Nux suy nghĩ như một đứa trẻ. Đó là lý do khi Nux nhận được lòng thương của cô gái tóc đỏ vợ Joe (quên tên mất rồi), hắn đã tin và không hề nghĩ tới chuyện phản bội để lập công với Joe – như một đứa trẻ bám lấy một tình thương nó chưa từng có.

Đối với cá nhân tui, nhân vật quan trọng nhất của Fury Road là thế giới của phim, được xây dựng tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. George Miller đã tận dụng rất khéo léo cách kể chuyện từ môi trường (environmental storytelling). Cả một câu chuyện về tôn giáo trong thế giới này được truyền tải qua những gã chiến binh trắng nhách, những màn kamikaze để tìm đến thế giới bên kia, những pha hò hét “Nhìn tao đây này”, cách chúng xịt chrome vào mồm khi chuẩn bị lao vào chỗ chết, những đền thờ làm từ vô lăng, và sự điên cuồng như là chuẩn mực của cuộc sống. Chẳng cần một lời kể nào người xem cũng mường tượng được ra nhiên liệu và nguồn nước thống trị con người ra sao, phụ nữ (cụ thể là mấy cô vợ của Joe) bị đối xử như một dạng “tài sản” (property) thế nào, Furiosa đã phải làm những việc tồi tệ đến đâu. Cách làm phim “kể mà không kể” này là vô cùng liều lĩnh vì nó sẽ không phục vụ được những khán giả không chú ý đến chi tiết, nhưng tui mừng là George Miller đã quyết tâm theo đuổi nó, vì phong cách này là rất hiếm, lại càng hiếm hơn trong dòng phim hành động. Tui tin là cho dù bạn có thể không nắm bắt được hết sự tỉ mỉ của việc xây dựng thế giới trong phim, bạn vẫn cảm nhận được sự tàn khốc và điên cuồng của nó mà không cần một gã narrator nào kể kể dông dài.

Tui cũng rất thích hình ảnh trong phim và cách sử dụng tông màu cam và xanh xám chủ đạo. Lại càng thích khi George Miller đối lập nó bằng hình ảnh gã guitarist đỏ chót trên chiếc xe metal rock rất khủng. Lại càng mê tơi với hình tượng ẩn dụ khi chiếc xe bồn (chứa sữa mẹ!) giằng co với cái cây duy nhất còn sót lại trong sa mạc và cuối cùng cái cây cũng đổ gục. Những điều này cộng với âm nhạc dồn dập và hòa nhập một cách hoàn hảo với hành động trong phim càng khiến cảm xúc của khán giả được nâng lên đỉnh điểm.

Tóm lại, Fury Road là phim hành động có lẽ là hay nhất tui được xem trong nhiều năm nay, không chỉ vì các pha đua xe cháy nổ hoành tráng và rất thật mà còn vì sự tỉ mỉ trong việc xây dựng nên một thế giới viễn tưởng đáng sợ. Fury Road là bộ phim sẽ trở thành chuẩn mực để đánh giá các phim thuần hành động sau này, và là bộ phim xứng đáng bỏ tiền đi xem rạp ít nhất một lần.

User Feedback

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
  • This will not be shown to other users.
  • Add a review...