Điện Ảnh
Bộ sưu tập phim chất lượng remux 4K với điểm IMDb từ 6.6 trở lên
1,724 files
-
Trong một năm điện ảnh chán chường như năm nay, Rogue One: A Star Wars Movie là một sự cứu rỗi. Đây là phim tôi yêu thích nhất trong loạt Star Wars, tốt hơn rất nhiều bộ phim copycat The Force Awakens năm ngoái. Rogue One là một phim hoành tráng đúng cách nó hứa hẹn, với các nhân vật có chiều sâu và thuyết phục, được hỗ trợ bởi phần nhạc nền xuất sắc của Michael Giacchino. Hơn tất cả, phim có được sự trọn vẹn đáng quí – vốn đang ngày càng hiếm hoi hơn: Khi phim kết thúc, chúng ta biết rằng nó đã thật sự kết thúc.
Rogue One là bản anh hùng ca của những người hùng vô danh. Những người được số phận lựa chọn để thay đổi hoặc nắm giữ kết cục của một cuộc chiến, nhưng không ai biết đến. Trong phim ảnh và lịch sử, có rất nhiều người như họ. Như chiến công thầm lặng của Alan Turing được miêu tả trong Imitation Game (2014). Nếu không có ông, quân Đồng Minh có thể đã không chiến thắng trong thế chiến II, hoặc tốn thêm rất nhiều thời gian và sinh mạng để chiến thắng. Nhưng cuộc đời về sau của Turing không hề được đối xử xứng đáng với công trạng ấy.
Có một Turing khác trong cuộc chiến ngoài vũ trụ của Star Wars, đó là cô gái trẻ Jyn Erso (Felicity Jones). Trùng hợp là cuộc chiến giữa phe Đế Chế và lực lượng Kháng chiến trong loạt phim cũng được xây dựng từ cảm hứng thế chiến II. Sử dụng thông minh các chi tiết từ các phần phim Star Wars trước, phần ngoại truyện Rogue One khắc họa cuộc phiêu lưu duy nhất của cô gái trẻ Erso, mà nếu không có cô, sẽ không có A New Hope, hay Luke Skywalker, công chúa Lea, hay bất kì chuyện gì xảy ra như cả thế giới đã biết. Vũ trụ Star Wars hẳn sẽ nhàm chán đi rất nhiều, bởi sự thống trị tuyệt đối của Darth Vader.
Lấy thời điểm ngay trước các sự kiện trong A New Hope, Rogue One kể về giai đoạn Darth Vader đang xây dựng Death Star, thứ vũ khí tối thượng có thể hủy diệt cả hành tinh trong nháy mắt. Erso là con gái của Galen Erso (Mads Mikkelsen), kĩ sư trực tiếp thiết kế nên Death Star. Vốn không muốn phục vụ cái ác, Galen đã cùng gia đình trốn chạy, nhưng không thoát được sự truy lùng của Đế Chế mà trực tiếp là sĩ quan Krennic (Ben Mendelsohn). Gã đã giết chết vợ của Galen để ép ông phải chế tạo Death Star. Cô con gái bé nhỏ Jyn may mắn trốn thoát, nhờ sự giúp đỡ của thủ lĩnh quân Kháng chiến đồng thời là bạn thân của cha Saw Gerrera (Forest Whitaker).
Mở đầu của Rogue One dễ khiến những người khó tính thở dài. Tôi đã nghĩ rằng, dường như cứ lấy một đứa trẻ bị bỏ rơi, rồi đặt vào các mâu thuẫn hoặc quan hệ phức tạp với cha, là có thể bắt đầu bất kì bộ phim Star Wars nào. Một kiểu melodrama vũ trụ. Tất nhiên, phải đưa cho đứa trẻ ấy một nhiệm vụ. Sau nhiều năm bị kìm kẹp, Galen đã tìm cách gửi thông điệp về cách phá hủy Death Star cho một phi công, nhờ chuyển cho Saw. Phi công ấy lọt vào tầm ngắm của cả Đế Chế lẫn một nhánh khác quân Kháng chiến. Một người lính trẻ tên Cassian Andor (Diego Luna) được giao nhiệm vụ tìm kiếm viên phi công ấy. Con đường duy nhất của anh là thông qua Jyn, bởi mối quan hệ giữa cô và Saw. Cùng với người máy đồng hành K-2SO, gần như buộc phải có theo công thức phim, họ lên đường.
Bộ phim sẽ đưa người xem du hành đến rất nhiều địa điểm, nhiều hành tinh trong dải ngân hà. Những khán giả không phải fan Star Wars hoặc chưa từng xem các phần trước, có thể cảm thấy hơi rối loạn. Nhưng khi cốt truyện dẫn đến thánh địa Jedha, mọi thứ trở nên đơn giản hơn nhiều. Cả ba gặp được viên phi công, và biết cách duy nhất để phá hủy Death Star là cho nổ lò phản ứng – nơi Galen đã cài sẵn một điểm yếu. Vấn đề là họ phải có một bản thiết kế của thứ vũ khí này, và nó được bảo vệ cẩn mật ở hành tinh Scarif. Cùng với sự giúp sức của hai thành viên mới là chiến binh mù Chirrut Îmwe (Chân Tử Đan) và sát thủ Baze Malbus (Khương Văn), họ thành lập một đội quân đột nhập đánh cắp bản thiết kế sống còn.
Luôn là phải cho nổ một lò phản ứng nào đó, bạn có thể nghĩ thế. Rogue One quả thật không mới mẻ về nội dung, nói chính xác là giống đến 80% The Force Awakens ở nhiệm vụ chính. Nó cũng sử dụng vài chi tiết để câu kéo tình yêu các fan lâu năm, như sự xuất hiện của bộ đôi robot R2-D2 và C-3PO, hay các nhân vật nổi tiếng khác. Có vài khoảnh khắc, tôi có cảm giác như đang xem một clone của phần 7. Nhưng luôn là như thế: Một bộ phim chỉ nên được đánh giá khi dòng credit hiện lên. Nửa sau Rogue One là phần thưởng tuyệt vời, một trải nghiệm đáng giá. Ở mặt hành động hoành tráng, nó chạm đến tầm mức thỏa mãn của Mad Max: Fury Road năm ngoái, với một hồi thứ ba tuyệt vời. Ở mặt cảm xúc, nó trọn vẹn và đáng nhớ, bởi nhân vật đủ sâu sắc để chúng ta quan tâm đến. Rogue One là bộ phim bi thương bậc nhất trong loạt Star Wars, vì nó dám để những người hùng trở lại mặt đất. Không có ai được chọn hay đặc biệt trong các nhân vật chính, thậm chí họ không có gươm ánh sáng hay thần lực, và họ không chiến đấu để chiến thắng. Họ chiến đấu cho sự cứu rỗi, cả tâm hồn lẫn niềm tin của mình.
Nữ diễn viên người Anh Felicity Jones là linh hồn của phim. Nhưng khi nói “linh hồn” không có nghĩa là cô thay thế hết cho những người khác, hay mọi thứ khác. Sự khác biệt của những diễn viên giỏi là họ tạo ra nhân vật chỉ bằng việc hiện diện, ngay cả khi không có nhiều lớp nền. Jones trong Rogue One là diễn viên như thế. Nhờ đó cô đã cứu được mọi điểm yếu tồn tại trong phim. Phần kịch bản không hoàn hảo đã đặt Jones vào thế khó ở những cảnh lâm li quá sớm, hoặc các bài diễn thuyết quá công thức. Nhưng bất kì lúc nào nhìn vào Jyn, chúng ta đều thấy sự quyết tâm và tinh thần quả cảm của cô, lớn đến mức chạm vào trái tim ta. Từ đó, mọi thứ khập khiễng đều trở thành tự nhiên.
Các nhân vật khác cũng có chỗ của họ. Chàng lính trẻ Andor với quá khứ tội lỗi có đủ không gian cho sự phức tạp nội tâm. Anh chân thực, bởi ta có thể nhìn thấy ở bất kì đâu: Những người lính phải giết chóc vì lý tưởng, và mất lòng tin vào điều họ từng tin. Chiến tranh là một thứ lý tưởng hấp dẫn, nhưng không dành cho người tốt. Con robot K-2SO làm tốt vai trò hài hước của nó, và trong một cốt truyện mọi thứ đều có thể xảy ra, những kẻ hài hước dễ làm mủi lòng nhất. Hai diễn viên đến từ Trung Quốc là Chung Tử Đan và Khương Văn, không hề xuất hiện cho có như các trường hợp trước. Họ có tương tác với nhau, có đất diễn, có vai trò trong đường dây kịch bản, có dấu ấn. Các màn võ thuật được sử dụng hợp lý, không đến mức choáng ngợp nhưng mang đến sự mới mẻ và thú vị cho thế giới Star Wars.
Là một đứa trẻ lớn lên múa may với kiếm ánh sáng, đạo diễn Gareth Edwards đã thực hiện Rogue One với tình yêu và sự tôn trọng. Ở những gì lặp lại, như các cảnh chiến đấu bằng phi thuyền, anh cố gắng thực hiện đúng tinh thần Star Wars nhất và chỉnh chu nhất. Cảnh cuối là màn xuất hiện của nhân vật mà mọi fan Star Wars đều muốn xuất hiện, và Edwards làm nó đầy xứng đáng. Tôi có thể tưởng tượng cả phòng chiếu phim ngập đầy những tiếng hú hét và tràng pháo tay, tất nhiên là ở nước ngoài. Còn điều mới mẻ, là Edwards đưa vào Rogue One không khí điện ảnh hiện đại, nghĩa là hiện thực hơn, nghiêm túc hơn, và đáng tin hơn. Chúng ta biết sức mạnh của Death Star, nhưng nó chưa bao giờ đáng sợ hơn trong Rouge One, khi ta được nhìn thấy hàng tấn đất đá khổng lồ dâng lên cao như ngày tận thế. Và làm sao bạn có thể làm một phim chiến tranh hay, nếu không có sự hi sinh? Rogue One có được sức nặng tâm lý cần thiết, mà ngay cả các phần chính cũng hiếm khi có được.
Điện ảnh hiện đại có một hướng phát triển không mấy hay ho, là phim theo phần. Dĩ nhiên, có những nhân vật khán giả sẽ muốn theo dõi hết lần này đến lần khác, và các nhà sản xuất sẵn sàng chiều lòng, miễn là họ có tiền ra rạp. Nhưng điều này đang giết chết một trong những niềm vui thú nhất của điện ảnh, là việc thưởng thức trọn vẹn một bộ phim. Người ta chỉ cho bạn ở mức đủ, không bao giờ ở mức cao nhất, vì phải để dành lần sau. Tại sao ta phải ra rạp chỉ để xem một phim truyền hình chiếu trên màn ảnh rộng? Thứ khiến điện ảnh khác biệt, sức sống cơ bản nhất của nó, là việc người xem có thể hòa mình vào thế giới khác một lần duy nhất, sống cùng các nhân vật một lần duy nhất, không thể tìm lại. Tính duy nhất đó khiến ta có thể yêu một bộ phim mãi mãi.
Rogue One giống như một lời nhắc nhở, rằng việc được thưởng thức trọn vẹn từng khoảnh khắc đẹp đẽ đến thế nào. Nó cũng gần giống cách ta sống cuộc sống này. Và tôi sẽ đáng bị lưu đày nếu không nhắc đến phần nhạc nền của Michael Giacchino. Như mọi khi, một phần nhạc nền xuất sắc phải bắt được đúng không khí phim, đúng cảm xúc của nhân vật. Đó là điều nhà soạn nhạc từng đạt giải Oscar với Up (2009) mang đến cho Rogue One. Ông thổi hồn cho những giai điệu cũ và biến chúng thành ma thuật, trong khi mang đến những bản nhạc mới giàu cảm xúc, bi tráng, nâng tầm cho các cảnh phim. Rất nhiều trái tim sẽ tiếp tục đập mạnh khi bản “The Imperial March” vang lên. Và cuối cùng, chúng ta có một phần ngoại truyện sẽ làm hài lòng những người hiếm hoi theo dõi loạt phim từ năm 1977 và cả những khán giả không biết Star Wars là gì.
TỔNG KẾT: Một phần ngoại truyện xuất sắc hơn bản chính của Star Wars.
-
Tuyệt vời, đây là từ có thể diễn tả cảm xúc của tôi đối với War for the Planet of the Apes ngay lúc này. Nếu ai trông chờ vào những trận chiến quy mô lớn giữa người và khỉ với súng ống, cháy nổ ác liệt thì sẽ hơi bị hụt, vì những thứ đó không phải là đại ý chính của phim. Và nếu ai từng mê mẫn series này cũng sẽ biết, phim không phải làm ra để phô diễn những điều kể trên.
Khởi đầu không mấy rầm rộ với Rise of the Planet of the Apes năm 2011, nhưng những hiệu ứng cực kỳ tốt của khán giả đã dẫn đến thành công vô cùng to lớn cho phần phim tiếp theo năm 2014 mang tên Dawn of the Planet of the Apes. Và năm nay, War for the Planet of the Apes sẽ khép lại một cách tinh tế và hoàn hảo cho hành trình đầy oai hùng, bi tráng của chú khỉ Caesar.
Mang hai chữ "đại chiến" và được xem là trận chiến cuối cùng của người và khỉ, nhưng thật sự điều mà phim gửi gắm là một ý nghĩa khác sâu xa hơn. Xuyên suốt phim là trận chiến của tư tưởng, đấu tranh tâm lý, sự thù hận, ích kỷ, cũng như lòng vị tha và cảm thông. Chúng ta sẽ thấy được sự tàn bạo của con người và không có giống loài nào ác độc hơn con người.
Phim nối tiếp cho cuộc chiến được khai mở ở phần 2. Chúng ta sẽ chìm mình vào một màu tối sẫm và u ám, với một sự áp chế của quân đội loài người. Tuy hơn 60 chú khỉ ngã xuống nhưng thủ lĩnh Caesar đã xuất hiện và xoay chuyển tình thế. Tưởng chừng như cục diện đã khác và sẽ có một trận chiến hỗn mang hơn, nhưng Caesar lại quyết định di cư để trốn khỏi sự truy sát của loài người. Với một quyết định mang nghĩa cử hoà bình nhưng điều mà Caesar nhận được lại là một thứ vô cùng đau đớn và khốc liệt.
Nhịp điệu của phim khá chậm, nhưng nếu bạn đã quen ở phần 2 thì sẽ không còn lạ lẫm bởi sự tĩnh lặng đó. Với thời lượng khá dài khoảng 140 phút, thoại ít và đa phần chỉ là biểu cảm của khuôn mặt, cử chỉ hay cảm xúc, nhưng không phải vì vậy mà nhàm chán. Ngược lại, bạn sẽ không tài nào rời mắt khỏi màn hình, theo dõi từng bước chân của Caesar để chờ đợi hồi kết cho cuộc đại chiến này. Đôi khi im lặng và chỉ cần hành động hay cử chỉ, cũng là thứ đắt giá nhất để đẩy cảm xúc người xem lên cao.
Chúng ta sẽ được theo dõi phần khỉ nhiều hơn phần người, nhưng không phải vì vậy mà ta lại nghiêng về phe khỉ nhiều hơn. Thông qua cách nói chuyện, những ký hiệu ra dấu và cách mà Caesar lãnh đạo đồng loại khiến cho chúng ta càng cảm thấy mặt tối của loài người lộ rõ hơn. “Ngay cả loài khỉ cũng có tình, cũng suy nghĩ được điều đó, vậy tại sao con người lại không?” là câu hỏi mà khán giả sẽ luôn đặt ra trong đầu. Mọi điều tốt đẹp của loài khỉ trong phim là một sự nghịch đảo, khỉ tốt điều gì thì người lại xấu mặt đó. Nhưng để hiểu được điều đó và trở thành một người hoàn hảo hơn lại là chuyện khác. Trong thời kỳ đen tối này, mọi quyết định được đưa ra đều phải chịu áp lực và trách nhiệm nặng nề. Ngay cả hình tượng Caesar trong phim cũng vẫn bị sa vào sự ích kỷ, sự thù hận. Cho đến khi cậu ấy nhận ra và quay đầu thì đã phải nhận lấy một phần hậu quả to lớn nào đó từ hành động thiếu suy nghĩ mang tính cá nhân.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ lại về phe con người thì sẽ chợt thấu hiểu, vào thời điểm này, với những chuyện đã xảy ra, thì cách giải quyết của loài người không hề sai. Điều hay nhất của phim là tạo ra được sự mâu thuẫn mà mỗi bên đều có cái lý của mình và phải giải quyết bằng cách khiến cho phe đối địch phải tuân phục. Tôi xin dành lời khen cho khâu biên kịch đã làm quá tốt khi tạo ra tình huống và cách giải quyết của mỗi bên. Và cách mà bộ phim kết thúc sẽ khiến người xem phải rùng mình để suy nghĩ về nó, sau mọi đấu tranh từ cả hai bên thì cuối cùng tất cả đều như nhau. Khỉ cũng như người mà người cũng giống như khỉ.
Trong phần 3 này, ta sẽ thấy được một Caesar vô cùng nội tâm, phải đấu tranh tâm lý về mọi mặt. Cậu vừa chiến đấu bên trong lẫn bên ngoài, vừa vì cảm xúc cá nhân, vì gia đình vừa vì cả đồng loại của mình. Caesar cũng là một sinh vật như con người, không hề toàn diện và cũng sẽ có những lúc bị sự ích kỷ chi phối. Bị ám ảnh đến mức hầu như chính cậu đã thừa nhận mình dần trở thành Koba. Tuy nhiên, Caesar cuối cùng cũng đã tìm lại được lòng trắc ẩn và chứng minh rằng cậu là một vị thủ lĩnh xứng đáng. Hình tượng của Caesar trong phần này sẽ được nâng lên một tầm cao mới, chúng ta sẽ thấy được một vị lãnh đạo vĩ đại, một vị thánh của loài khỉ.
Thể hiện hầu như không nhiều, nhưng qua nhân vật phản diện Colone, Woody Harrelson đã khắc hoạ rõ nét sự đáng sợ của loài người. Hắn sẵn sàng chống lại tất cả, làm mọi thứ có thể, bất tuân đạo lý xã hội, để giữ được mạng sống, để đạt được mục tiêu. Đó là điều tồi tệ và thật sự ghê tởm, nhưng ta có thể hiểu rằng trong hoàn cảnh ấy, trong cái xã hội không còn được gọi là xã hội nữa, hắn buộc phải thành một kẻ mang rợ như thế kia. Thật sự không quá xuất sắc nhưng Woody Harrelson đã thể hiện rất tốt nhân vật của mình, qua từng câu nói, ánh mắt và cái cách kể chuyện. Mọi thứ được nghe từ hắn sẽ khiến bạn phải lặng người đi mà suy ngẫm.
Các nhân vật còn lại như Luca, Maurice, Lake, Nova hay như anh lính đã từng được Caesar tha mạng.. mỗi nhân vật đều đóng vai trò vô cùng to lớn, mỗi người một nét riêng, cá tính riêng biểu trưng cho một thông điệp cũng như một dạng người trong xã hội. Nhân vật tôi thích nhất chính là Bad Ape. Thoạt đầu có lẽ bạn sẽ bị đánh lừa bởi sự xuất hiện cũng như những gì mà cậu ta thể hiện. Càng về sau, bạn sẽ thấy hứng thú nhân vật này hơn và cảm nhận được phần người ở cậu nhiều hơn. Bad Ape dường như là đại diện cho con người khi bị nhiễm tính cách của họ, cậu mang trong mình sự sợ hãi, nhút nhát, có chút tinh ranh nhưng không phải xấu xa.
Riêng cô bé Nova, đây có lẽ là nhân vật sẽ làm bạn dịu lại bởi những căng thẳng, mâu thuẫn và những giây phút choáng ngợp của bộ phim. Một nhân vật ngây thơ, trong sáng, cô bé đại diện cho một sự thuần khiết, một khởi đầu mới. Tuy chỉ là đốm sáng nhỏ nhưng đây sẽ là nhân vật thấp sáng cả bộ phim cũng như mang hơi ấm và sự tinh tế đến cho khán giả.
Ít hành động cháy nổ, nhưng ở cảnh chiến đấu nào cũng chất lừ là nhữn gì bạn có thể cảm nhận từ War for the Planet of the Apes. Bạn sẽ phải bất ngờ đến từng góc quay. Với sự kết hợp nhịp nhàng của âm thanh, những cảnh hành động được đẩy lên một mức độ khiến người xem chỉ biết dán mắt vào màn hình để theo dõi. Nhạc phim cũng là thứ góp phần làm cho bộ phim trở nên hoàn hảo hơn. Với công nghệ Motion Capture, Caesar và đồng loại của mình được thể hiện một cách chân thật nhất, từ ánh nhìn, nước mắt đến từng vết xẹo hay chi tiết đến từng cọng lông của chúng. Nhờ vào công nghệ này mà bộ phim có thể truyền đạt được rất nhiều cảm xúc.
Với tôi, phim không hay bằng Dawn of the Planet of the Apes vì khá nhẹ nhàng và mang tính drama nhiều hơn. Phim không tạo được một không khí lôi cuốn đến nghẹt thở từ đầu đến cuối. Ở phần 2 có những phân đoạn tôi phải nín thở thật dài để theo dõi hết diễn biến, điều mà phần 3 tôi đã không thỏa mãn được. Dù vậy, War for the Planet of the Apes vẫ là một kết thúc đẹp cho cuộc hành trình đầy hào hùng và bi tráng của Caesar, một cái kết sẽ khiến mọi người nhớ đến nó.
Phim với rất nhiều thông điệp được rải đều từ đầu đến cuối, có lẽ bạn sẽ không thể nào nghiệm hết được vì bộ phim đi rất nhanh. Với tốc độ đó phim không đẩy được khán giả lên đến đỉnh điểm của cảm xúc nhưng đổi lại người xem sẽ không hề thấy phim dài dòng, lê thê hay ướt át. Điều tuyệt vời nhất của phim chính là kết nối chặt chẽ với hai phần trước và cách mà nó phát triển câu chuyện ngày càng căng thẳng hơn, cảm xúc hơn, tinh tế hơn.
War for the Planet of the Apes không phải là bộ phim tuyệt vời nhất nhưng là một kết thúc đẹp và cực kỳ hoàn hảo cho bộ ba Planet of the Apes. Bạn sẽ nhớ đến thủ lĩnh Caesar, Caesar đã từng làm những gì và cách mà cậu đã dẫn dắt đồng loại của mình trở nên tốt đẹp hơn.
-
Một bộ phim ra rạp cách đây đã gần 6 năm với điểm IMDB rất cao của một phim hành động, có thể nói dấu ấn để lại và bài học từ cuộc sống của nó quá xuất sắc, đáng để khắc ghi làm động lực cho người đàn ông hoàn thiện mình....
Mở màn phim là những cảnh quay và đối thoại cho thấy Tommy Conlon (Tom Hardy "Mad Max"), một người lính hải quân xuất ngũ trở về gặp cha mình, người mà anh không hề muốn nhận vì đã bỏ rơi mẹ con anh để theo...rượu và người mẹ đã chết đau đớn khi bệnh ung thư hành hạ. Tom, nhờ bố huấn luyện để tham gia giải đấu UFC hạng trung với số tiền thưởng 5 triệu usd, nếu chiến thắng anh sẽ....giành hết số tiền cho người vợ của bạn mình, người đã chết khi đang là lính hải quân vì lý do? (coi phim sẽ thấy). Xen kẻ giữa những cảnh quay về Tom là Brendan Conlon (Joel Edgerton), một giáo viên vật lý từng là võ sĩ nghiệp dư, vướng vào vụ xiết nợ nhà vì số tiền anh có đã bỏ ra chữa trị cho đứa con gái bệnh tật của mình. Hết cách, anh nhờ một người bạn thân đang làm huấn luyện võ sĩ đưa anh trở lại "lồng sắt" để kiếm tiền giữ lại căn nhà cho vợ con.
Hóa ra, anh là con của Paddy Conlon, cha của Tom, vì vậy Brendan là anh ruột của Tom nhưng cả hai có một mối mâu thuẫn gay gắt với nhau cũng như Brendan hận cay đắng ông bố vì đã khiến anh không còn cơ hội thấy mẹ mình lần cuối. Ngày đó, Brendan theo đuổi bạn gái (giờ là vợ anh) thời trung học nên đã theo bố sống khi ông và mẹ ly dị, còn Tom theo mẹ. Cuộc gặp gỡ đan xen nhau của ba người đàn ông, ba cha con, mối quan hệ của họ dường như không còn có thể hàn gắn được nữa. Cuối cùng, số phận đẩy đưa hai anh em lên võ đài tranh giải...Tommy, với tình anh em quân nhân vào sinh ra tử, anh hận đời vì cái chết của bạn, quyết tâm giành giải lo cho vợ con người bạn xấu số hay Brendan, với căn nhà là chỗ dựa gia đình, sắp là tài sản ngân hàng, và người cha Paddy, hối lỗi vì quá khứ của mình, chịu mọi tủi nhục để chữa lành vết thương năm nào trong gia đình, số phận của họ ra sao???
Với Warrior, bạn sẽ không thể kìm nước mắt trong rất nhiều cảnh quay, khi ông bố bị Tom chửi rủa như một con chó, lúc anh chạy đến ôm ông trong lòng ngăn cơn tuyệt vọng của ông kéo đến, anh dỗ dành, xoa đầu cho bố. Bài học cuộc sống được đạo diễn gửi gắm trên từng cảnh quay rất "đời", không ẩn dụ, không che giấu "twisted plot", nó hiện ra ngay trong đầu người xem một cách tự nhiên, chân thật nhất. Khi Brendan, vì cuộc sống gia đình, hứng chịu rất nhiều đòn đánh dã man từ đối thủ, với một mục tiêu không bao giờ xa rời. Cùng mới những chiến thắng mang màu cảm xúc chạm đến sâu thẳm bên trong người đàn ông, nước mắt của thất bại, của hạnh phúc, của tình anh em, phụ tử kết hợp những pha đánh đậm chất UFC chất trên từng giác quan. Đây xứng đáng là một bộ phim ý nghĩa và giải trí không thể bỏ qua! Thanks for reading.
-
Kick-Ass 2 (2013) là phần tiếp theo của bộ phim siêu anh hùng hài hước "Kick-Ass" (2010), được dựa trên loạt truyện tranh cùng tên. Bộ phim tiếp tục câu chuyện về các nhân vật chính Kick-Ass (Dave Lizewski) và Hit-Girl (Mindy Macready) khi họ đối mặt với những thách thức mới trong thế giới của các siêu anh hùng đời thực.
Phim bắt đầu với Dave Lizewski, người đã từ bỏ vai trò siêu anh hùng Kick-Ass sau các sự kiện của phần phim trước, nhưng anh nhanh chóng cảm thấy nhàm chán với cuộc sống bình thường và quyết định quay lại cuộc đời siêu anh hùng. Anh tìm đến Mindy Macready, người vẫn hoạt động như Hit-Girl, để được đào tạo và trở thành một chiến binh giỏi hơn.
Mindy, dù vẫn còn đam mê với việc làm siêu anh hùng, đang cố gắng hòa nhập vào cuộc sống học đường theo lời hứa với cha nuôi Marcus của cô. Tuy nhiên, cô gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với vai trò là một thiếu nữ bình thường và thường xuyên phải đối mặt với sự bắt nạt từ các bạn học.
Trong khi đó, Chris D'Amico, kẻ thù cũ của Kick-Ass, đã quyết định trả thù cho cái chết của cha mình. Anh từ bỏ danh tính cũ là Red Mist và tự đặt cho mình biệt danh mới: The Motherfucker. Chris sử dụng tài sản của gia đình để thành lập một đội quân siêu ác nhân nhằm tiêu diệt Kick-Ass và gây ra hỗn loạn trong thành phố.
Dave tham gia vào một nhóm siêu anh hùng tự phát tên là Justice Forever, dẫn đầu bởi Colonel Stars and Stripes (Jim Carrey). Nhóm này tập hợp những người bình thường muốn đấu tranh chống lại tội phạm trong thành phố. Tuy nhiên, The Motherfucker và đội quân của hắn bắt đầu một chiến dịch tàn bạo chống lại Kick-Ass và các thành viên của Justice Forever, khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Sau khi nhóm Justice Forever bị tấn công và một số thành viên bị giết, Kick-Ass và Hit-Girl quyết định đối đầu trực diện với The Motherfucker. Trận chiến cuối cùng diễn ra tại trụ sở của Chris, nơi mà Kick-Ass và các đồng đội phải đối mặt với đội quân của The Motherfucker trong một trận đánh hỗn loạn.
Kết thúc phim, Kick-Ass đánh bại The Motherfucker, và mặc dù bị trọng thương, anh và Hit-Girl vẫn sống sót và tiếp tục đấu tranh chống lại tội phạm. Mindy nhận ra rằng cô không thể tiếp tục sống như một thiếu niên bình thường và quyết định rời khỏi thành phố để bảo vệ danh tính của mình. Dave tiếp tục vai trò của Kick-Ass, trở thành một siêu anh hùng thực thụ, nhận ra rằng anh không cần siêu năng lực để làm điều đúng đắn.
-
Xem trên Netflix cuối tuần rồi. Baby Driver, do Edgar Wright đạo diễn và viết kịch bản, cũng là người đằng sau rất nhiều tác phẩm dị và độc như Shaun of the Dead, The World’s End, Scott Pilgrim vs. the World, Hot Fuzz… vâng vâng và mây mây. Nói thế để biết Wright luôn đem tới 1 phong cách độc lạ, khác biệt cho phim của mình. Dân Anh quéo mà. Vì thế mà Baby Driver cũng là 1 trong những phim được mình xem lại ít nhất 2 lần trên rạp trong năm 2017. Theo mình đánh giá nó cùng với U.N.C.L.E (2015) là hai trong số những film bị underated và xứng có có sequel (Wright đã tặng 1 cái kết quá dứt khoát cho Baby còn U.N.C.L.E thì tới giờ vẫn chưa nghe thông tin chính thức về phần 2).
Anyway, Ansel Elgot người có 1 vai phụ không mấy nổi bật trong Divergent và trước đó đóng vai chính cùng Shailene Woodley trong The Fault in our stars đã có 1 màn trình diễn ấn tượng trong vai Baby. Bản thân BD cũng quy tụ dàn dv phụ ấn tượng với Lily James, Kevin Spacey, Jon Hamm và Jamie Fox. Kịch bản lôi cuốn cùng 1 soundtrack chất như nước cất với những bài hát vang danh như Tequila, Bellbottoms, B-A-B-Y, Easy, Brighton Rock, Sheer Heart Attack (một foreshadow của việc sau này mình trở thành fan bự của Queen)… Soundtrack của phim cũng như bản thân của phim, ko phải là dòng nhạc pop mainstream ai ai cũng biết, nhưng là playlist của những kẻ có gu. Nói vậy ko có nghĩ BD là phim bảnh choẹ chỉ dành cho giới phê bình thưởng thức. Trái lại, nó thực sự là 1 phim giải trí đúng nghĩa dành cho tất cả mọi người muốn có 2 tiếng giải trí chất lượng trong rạp. Bản thân bộ phim cũng giống nv Baby vậy, có sự gai góc, cá tính bề ngoài (những cảnh hành động rượt đuổi ngoạn mục), nhưng đi sâu tiếp vào lại là chuyện 1 cậu bé cô độc thèm khát tình thương vì mồ côi cha mẹ sớm và luôn thương tiếc cho người mẹ nghệ sĩ đã truyền cho cậu máu mê âm nhạc. Một khía cạnh khác mà phim ko cố nhấn mạnh nhưng mình thấy 1 thông điệp ngầm rất nhân văn về tình yêu và gia đình. Cậu nhỏ Baby nếu ko mồ côi cha mẹ quá sớm thì hiển nhiên sẽ ko bị kéo vào bước đường tội phạm. Di chứng của vụ tai nạn năm ấy là đôi tai cậu bị ù dẫn tới việc cậu phải luôn luôn nghe nhạc âm lượng lớn, cũng là ẩn dụ cho sự tổn thương tinh thần lâu dài của 1 đứa trẻ phải hứng chịu cho những sai lầm của người lớn. Ngoài đời, dù mồ côi hay cha mẹ ly di, tổn thương tâm lý của con trẻ là 1 vết thương ngấm ngầm và di căn tới tận lúc đứa trẻ trưởng thành. Baby dễ dàng yêu cô gái bồi bàn Debora có lẽ là điểm mà bộ phim bị chỉ trích nhiều nhất, nhưng mình lại thấy điều đó dễ hiểu và dễ đồng cảm. Thứ 1, nv của Lily James có nét tương đồng với người mẹ đã chết của Baby. Thứ 2, cô gái cũng mê âm nhạc và là 1 người ấm áp, tuy hơi nhiều lời, nhưng so với sự lạnh lùng của Baby thì đúng là mặt trời với mặt trăng. Trái cực thì hút nhau thôi. Thứ 3 nữa là cô làm việc tại đúng quán ăn mà mẹ cậu năm xưa đã làm. Baby là 1 kẻ nặng tình và đầy hoài niệm. Sở thích sưu tập và nghe ipod cũ cũng như thu âm giọng nói của người khác và biến thành nhạc là 1 đặc trưng của những kẻ sống nội tâm và giàu tình cảm. Debora thì trái lại là 1 cô gái xinh đẹp, cá tính và sôi nổi, đúng với cái tuổi trẻ mà cô đang có. Mình nghĩ chuyện tình này tuy khởi đầu chóng vánh nhưng rất dễ thương, đáng yêu và cũng rất cổ điển. Họ ko lên giường với nhau sau buổi hẹn đầu tiên. Chỉ là cái hôn rất nhẹ nhàng. Với 1 kẻ thích trường phái tình cảm cổ điển như mình thì chuyện tình này là đạt chuẩn.
Mình mạn phép ko đi sâu vào vai của cái lão tiền bối Kevin, Jon hay Jamie. Họ tuyệt đối tròn vai, Kevin như mọi khi vẫn là Kevin. Jamie Fox có 1 vai diễn đối lập với anh tài xế tốt bụng trong The Collateral mấy năm trước, rất ấn tượng. Kịch bản phim nhìn chung ko quá cliche (thật tình tìm 1 kịch bản original bây giờ rất khó, nhân loại đã làm phim hơn 100 năm rồi). Điều khiến mình lun nghĩ về Baby Driver chính là cuộc hành trình dẫn tới cái kết của nó. Baby có 1 người cha nuôi người da đen khuyết tật. Mình cũng rất thích nhân vật này cũng như cách phát triển mối quan hệ cha con giữa Baby và người đàn ông vô danh này. Cha ruột của Baby có vẻ là 1 thằng khốn vũ phu khiến mẹ cậu và cậu bất hạnh suốt thời thơ ấu của cậu. Cho nên người cha nuôi tử tế, tốt bụng như 1 sự bù đắp cho Baby, tuy nhiên ông rõ ràng là già yếu và bị điếc, nên cũng ko thể giúp cho cậu có 1 tương lai tươi sáng hơn là bao. Baby đã phải đi trộm xe hơi từ rất trẻ. Một khởi đầu cho những năm tháng trượt dài trong tội ác với Doc. Baby ký 1 bản hợp đồng với quỷ dữ để trả nợ cho những thứ mà cậu cướp của Doc. Nhưng hiển nhiên chúng ta đều thấy dc chính Doc mới là kẻ cướp đi từ cậu thanh xuân, sự trong sạch và 1 tương lai. Hắn nhận ra tài lái xe của cậu là độc nhất vô nhị và muốn dụ dỗ cậu trở thành nô lệ suốt đời giúp hắn làm giàu phi pháp. Và đó là điều mà mình thấy là bi kịch lớn nhất Baby. Cảnh phim mà khiến mình cảm thấy rất ý nghĩa và xúc động là khi Baby thực hiện xong phi vụ lẽ ra là “cuối cùng” với Doc, cậu lái xe ra bãi rác xe hơi để phi tang xác của tên cướp người Hàn bị Bats thịt rồi từ từ quay lưng bỏ đi trên nền nhạc bài Easy, bài hát mà mẹ cậu đã từng hát cậu nghe lúc nhỏ và vứt bỏ chiếc găng tay mà Doc tặng, như là 1 cách cậu tuyên bố sẽ giã từ quá khứ tội lỗi phía sau. Thực sự là 1 cảnh phim ý nghĩa.
Hiển nhiên, đời ko như là mơ và phim không như là khán giả mong muốn. Baby nhẹ lòng mời Debora đi ăn tối như đã sẵn sàng với cuộc sống mới bên cô, nhưng rồi Doc lại quay lại hăm doạ và ép buộc cậu phải steal và borrow với hắn, trở thành partner in crime trọn đời vì cậu dường như là “lucky charm” giúp mọi phi vụ của hắn đầu xuôi đuôi lọt.
Có điều lucky charm này có lẽ chỉ có tác dụng khi Baby tự nguyện. Việc ép buộc cậu làm phi vụ kế tiếp đã khiến mọi việc trật đường ray, dẫn đến kết cục kẻ chết người bị tóm. Điều đáng khen là Edgar Wright đã để Baby đầu thú thay vì là tẩu thoát. Có lẽ chỉ có trả giá cho tội ác của mình cậu mới thực sự dc giải thoát khỏi quá khứ ám ảnh của mình.
Kết phim có lẽ cũng là điều gây tranh cãi nhất, khi ta ko thể chắc được rằng liệu Baby có thực sự được ân xá và ra tù sớm hay đó chỉ là giấc mơ của cậu được cùng Debora drive west on 20, in a car they cant afford, with a plan they dont have hay ko? Có lẽ là thực có lẽ là mơ. Nhưng dù sau, after all the rain, baby has finally found his rainbow.
-
Phim diễn ra ở một trại tù binh của Nhật Bản ở Thái Lan, nơi mà các tù binh chiến tranh Anh bị buộc phải xây dựng một cây cầu đường sắt qua sông Kwai. Đại tá Nicholson (Alec Guinness) là chỉ huy của các tù binh Anh. Khi đến trại, ông và các binh sĩ của mình đối mặt với Đại tá Saito (Sessue Hayakawa), chỉ huy trại tù Nhật Bản, người ra lệnh rằng tất cả tù binh, bao gồm cả sĩ quan, phải tham gia xây dựng cây cầu.
Nicholson phản đối quyết định này, viện dẫn Công ước Geneva, cho rằng sĩ quan không nên tham gia lao động cưỡng bức. Saito, nổi giận, giam giữ Nicholson trong một lò nung kim loại trong nhiều ngày dưới sức nóng và thiếu thức ăn, nhưng Nicholson vẫn không từ bỏ lập trường của mình. Cuối cùng, Saito, do áp lực phải hoàn thành cây cầu đúng thời hạn, buộc phải nhượng bộ và cho phép sĩ quan Anh được miễn lao động cưỡng bức.
Sau khi được thả, Nicholson quyết định rằng nếu người Anh phải xây dựng cây cầu, thì họ sẽ xây dựng nó với chất lượng cao nhất có thể. Ông coi đây là một cơ hội để chứng minh sự vượt trội của quân đội Anh và nâng cao tinh thần của binh sĩ. Dưới sự chỉ đạo của Nicholson, cây cầu bắt đầu được xây dựng một cách có tổ chức và tiến độ nhanh hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, Nicholson dần bị ám ảnh bởi việc hoàn thành cây cầu, đến mức quên mất rằng cây cầu này sẽ phục vụ cho mục đích quân sự của Nhật Bản.
Trong khi đó, Shears (William Holden), một tù binh Mỹ trốn thoát khỏi trại, được quân đội Anh giải cứu và thuyết phục tham gia vào một nhiệm vụ phá hoại cây cầu. Shears cùng với một nhóm lính biệt kích quay lại trại để thực hiện kế hoạch này.
Vào ngày khai trương cây cầu, Nicholson phát hiện ra kế hoạch phá hoại của biệt kích Anh. Trong một khoảnh khắc nhận ra sự điên rồ của mình, ông cố gắng ngăn cản việc phá hoại nhưng cuối cùng bị thương nặng. Trước khi chết, ông ngã xuống và vô tình kích hoạt thiết bị nổ, phá hủy cây cầu và làm đổ đoàn tàu của quân Nhật xuống sông.
-
Không giống như những bộ truyện tranh về những nhân vật siêu anh hùng khác, nhân vật chính của chúng ta - anh chàng Dave Lizewski (Aaron Johnson) - lại không có được super power. Dave đơn giản chỉ là một học sinh bình thường như bao học sinh khác, không có một đặc điểm gì nổi trội, không có siêu năng lực bẩm sinh và tất nhiên là cũng không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi một em nhện hay dơi nào đó đến cắn cả. Điều đáng chú ý duy nhất ở anh chàng này chỉ là niềm say mê một cách đặc biệt đối với những bộ truyện tranh. Và chính nhờ niềm đam mê này mà Dave đã quyết tâm trở thành một người anh hùng đi trừ gian diệt bạo, bảo vệ cho công lí bởi vì suy nghĩ rất hiển nhiên: “Tại sao ai cũng muốn là một Paris Hilton mà không phải là trở thành một Spider Man?
-
Warm Bodies, hay còn gọi là Tình yêu Xác Sống, đúng là trong phim có một cặp đôi yêu nhau mà cặp đôi này là Xác Sống (Zombie) và Con Người. Bộ phim sử dụng một đề tài cũ là sử dụng các Xác Sống với một thế giới bị nhấn chìm toàn bộ vì một loại virus nào đó, làm cho con người chết đi và sống dậy để uống máu và ăn não của đồng loại. Warm Bodies cũng sử dụng đề tài đó, nhưng làm cho hình ảnh của Xác Sống mới mẻ hơn, hoặc nói một cách khác là không đụng hàng những Xác Sống khá, là chúng có thể giao tiếp (chút ít) và có thể biến đổi để trở lại thành một Con Người bình thường. Có nhiều ý kiến cho rằng, Xác Sống như vậy là quá vô lý, định nghĩa Xác Sống là những người đã hoàn toàn không còn sự sống nữa, nên không thể và chắc chắn không có chuyện hồi sinh trở lại được, nên điểm nguy hiểm của bộ phim này khi xây dựng hình tượng Xác Sống này đã làm cho không ít những người hâm mộ của thể loại Xác Sống sốc khi thấy kiểu “dở hơi” của loại Xác Sống này. Tuy nhiên, nếu gạt bỏ điều vô lý này và cứ cho rằng đám virus trong phim này yếu quá nên mới làm Xác Sống trở lại thành người bình thường được, thì bộ phim cũng không phải gọi là quá tệ và không đáng phải bị ghép với cái mác “Twilight phiên bản Xác Sống”, vì Warm Bodies xét một cách tổng quát vẫn hơn nhiều mặt từ nội dung cho đến cách dẫn phim và diễn viên.
Đạo diễn Jonathan Levine không phải là một đạo diễn tệ, khi những bộ phim của anh đều được đánh từ khá đến tốt như phim 50/50 (2011) với sự tham gia của diễn viên Joseph Gordon-Levitt , được đề cử 2 Quả Cầu Vàng. Dàn diễn viên của Warm Bodies diễn xuất ổn và đồng đều với nhau, không làm người xem cảm thấy sự giả tạo ở nhân vật nữ Julie khi nghe tin bạn trai của mình thành bữa cho Xác Sống, cô cũng sốc, đau đớn, khóc và nếu đã so với Twilight, thì nhân vật Bella do diễn viên Kristen Steward chỉ với mỗi một gương mặt cho tất cả cảm xúc và làm người xem cảm thấy nhân vật Bella rẻ tiền và bất hiếu. Nhân vật nam chính R, do Nicholas Hoult thủ vai, cũng đã làm tốt vai trò đóng vai một Xác Sống, cách đi, cách diễn tả cảm xúc con mắt và cách nói chuyện như-một-Xác-Sống. Dàn diễn viên diễn vừa hài hước nhưng cũng không quá lố, không để người xem cảm nhận mình đang coi một bộ phim rẻ tiền hạng B hoặc phải xem một phim hạng A mà chất lượng hạng C như Twilight.
Với mặt nội dung, quả tình là phim có hơi quá, làm người xem cảm thấy khi R ăn não bạn trai của Julie thì R yêu Julie. Cho dù có như vậy, thì theo phim Xác Sống ăn não người chết có cả cảm xúc của người đó, thì không lẽ tình cảm Julie là ảo, khi bối cảnh là R cứu mạng Julie, thật lòng với cô, bảo vệ cô và trong cái thế giới đầy chóc cái chết. Nhưng trên hết, cách truyền tải thông điệp của bộ phim cho người xem thấy sự đau đớn của việc mất mát người thân, sự yêu thương của gia đình bạn bè và tình yêu là điều kỳ diệu có thể chữa lành mọi vết thương cho dù nó không thực tế cho lắm. Dù vậy, chính tình yêu thương trong hoàn cảnh trớ trếu là đám Xương Xẩu (Bones) không muốn cho những Xác Sống trở lại thành người, thì tình yêu phương thuốc biến đổi Xác Sống trở thành bạn và cũng giúp đỡ họ thành người bình thường, nói một cách ví von, tình yêu thương chân thành, sự thấu hiểu toàn tâm có thể biến kẻ máu lạnh thành người lương thiện, thay vì ghét bỏ, bắn giết nhau, thì hãy lấy tình yêu con người, tình yêu nhân loại để đối xử với nhau tốt hơn.
Vậy bạn nghĩ xem, Warm Bodies sao lại bị đối xử gán ghép cho cái mác “phiên bản Twilight về Xác Sống”, và nếu không bị ghép như vậy, bộ phim vẫn có giá trị nhiều hơn Twilight.
-
Trailer bộ phim 'Tách biệt' "Split" là bộ phim giật gân xoay quanh một gã bắt cóc sở hữu 23 nhân cách khác nhau trong tâm trí.
Thể loại: Kinh dị, giật gânĐạo diễn: M. Night ShyamalanDiễn viên chính: James McAvoy, Anya Taylor-JoyZing.vn đánh giá: 8/10
Sau thời gian dài trượt dốc với hàng loạt tác phẩm thất bại cả về doanh thu lẫn chất lượng, đạo diễn M. Night Shyamalan trở lại dòng phim kinh dị từng giúp ông gây dựng tên tuổi với The Visit (2015). Gặt hái được thành công nhất định, hơn một năm sau, nhà làm phim người gốc Ấn Độ tiếp tục mang đến Split - tác phẩm mang đề tài đa nhân cách đầy mới mẻ.
Bộ phim xoay quanh Kevin (James McAvoy), một người đàn ông mắc chứng đa nhân cách. Với 23 tính cách khác nhau trong cơ thể, gã thường xuyên thay đổi hành vi, ngoại hình và trở nên cực kỳ khó lường.
Song, vẫn còn một nhân cách thứ 24 ẩn nấp, được gọi là “Quái vật” chực bùng lên trong Kevin. Một ngày kia, vài nhân cách trong gã đã quyết định hợp tác, khiến Kevin bắt cóc ba cô gái trẻ về để làm nghi lễ đánh thức “Quái vật”.
Split là bộ phim mới của đạo diễn M. Night Shyamalan, với nhân vật trung tâm là gã đàn ông Kevin (James McAvoy) sở hữu 24 nhân cách khác nhau trong cơ thể.
Split đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong dòng phim kinh dị của Shyamalan. Phim giống như một sự kết hợp giữa thể loại siêu anh hùng, điều mà ông từng khai thác với Unbreakable (2000), với các tác phẩm trừ tà.
Toàn bộ bộ phim giải thích trọn vẹn những biểu hiện thường thấy của người bị quỷ ám, như thay đổi giọng nói, hành vi, nhận thức, hay cả hiện tượng bò đi trên tường.
Điều đặc sắc là tất cả được diễn giải và xây dựng chặt chẽ trên nền tảng tâm lý học. Hội chứng đã nhân cách vốn thường xuyên xuất hiện trong các phim kinh dị, hình sự, nhưng hiếm khi nào được giải thích cặn kẽ từ cơ chế đến hiện tượng như ở Split.
Mọi chuyện bắt nguồn từ những sang chấn tâm lý trong quá khứ của Kevin. Hàng loạt cột mốc đau đớn trong suốt quá trình trưởng thành của gã chính là lúc các nhân cách khác nhau bộc lộ, nhằm bảo vệ cơ thể và giúp gã thích nghi với môi trường xung quanh.
Do đó, Split còn như muốn ngầm đả kích những hành vi bạo hành, châm chọc người có tâm lý không ổn định trong xã hội hiện đại.
Những hiện tượng ma quỷ trong phim được giải thích theo phương diện tâm lý học trong phim và James McAvoy đã có màn trình diễn xuất sắc trong vai Kevin.
James McAvoy đã có màn thể hiện tuyệt vời trong Split. Trên thực tế, chỉ có 9 trong tổng số 24 nhân cách xuất hiện trong phim. “Giáo sư X” đã thể hiện rõ nét từng nhân cách, từ cử chỉ bên ngoài đến biến đổi tâm lý theo giới tính và độ tuổi. Ấn tượng hơn cả là khi anh thể hiện sự lém lỉnh pha chút ngây ngô của nhân cách Hedwig mới 9 tuổi, trong khi mình đã 37 tuổi.
Ngoài ra, nhân vật cô thiếu nữ Casey Crooke do diễn viên trẻ Anya Taylor-Joy thể hiện - đối trọng của Kevin - cũng để lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng. Trong nhóm ba cô gái bị bắt cóc, Casey luôn là người tỉnh táo nhất, cố gắng vận dụng kinh nghiệm sống để đương đầu với từng nhân cách của Kevin.
Có thể nói Anya Taylor-Joy là “nữ hoàng đang lên” của dòng phim kinh dị. Sở hữu gương mặt sáng cùng khả năng diễn xuất thu hút, cô đã được lựa chọn cho ba tác phẩm đáng chú ý liên tiếp của thể loại là The VVitch (2016), Morgan (2016) và nay là Split.
Anya Taylor-Joy tiếp tục khẳng định mình là cái tên đáng chú ý trong dòng phim kinh dị.
Bộ phim Split không chứa đựng quá nhiều cảnh kinh dị. Phần lớn thời lượng bộ phim khai thác quá khứ của hai nhân vật chính, nên mạch tác phẩm đôi lúc trở nên khá dài. Chỉ khi nhân cách “Quái vật” trong gã đàn ông trỗi dậy, bầu không khí đáng sợ mới thực sự bắt đầu.
Ngoài ra, giống như nhiều tác phẩm khác của M. Night Shyamalan, Split còn để lại rất nhiều câu hỏi về mặt nội dung, như cuộc sống trước đây của Casey, hay những nhân cách còn lại của Kevin. Sự bỏ ngỏ đó có thể là tiền đề để nhà làm phim tiếp tục thực hiện phần hai, dự kiến là tác phẩm kết hợp với Unbreakable (2000) và ngôi sao Bruce Willis năm xưa.
Nhìn chung, Split là một điểm sáng đáng khen của dòng phim kinh dị trong những ngày đầu năm 2017. Không phải tự nhiên mà phim có ba tuần liên tiếp giành thắng lợi tại phòng vé Bắc Mỹ trước nhiều tác phẩm có kinh phí sản xuất cao hơn rất nhiều, và các fan của James McAvoy đã bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch kêu gọi Oscar 2018 trao đề cử cho anh.
-
Wonder Woman (2017) là một bộ phim siêu anh hùng của Mỹ, thuộc vũ trụ điện ảnh DC (DCEU), được đạo diễn bởi Patty Jenkins. Phim xoay quanh nhân vật chính Diana Prince, một nữ chiến binh Amazon và cũng là Wonder Woman.
Bộ phim bắt đầu với cảnh Diana sống trên đảo Themyscira, quê hương của các chiến binh Amazon, nơi cô được nuôi dưỡng và huấn luyện bởi người mẹ Hippolyta và dì Antiope. Themyscira là một hòn đảo biệt lập, nơi mà các Amazon đã sống trong hòa bình từ khi họ được thần Zeus tạo ra để bảo vệ nhân loại khỏi chiến tranh và tội ác.
Một ngày nọ, một phi công người Mỹ tên là Steve Trevor đâm máy bay của mình xuống vùng biển gần Themyscira. Diana đã cứu anh và phát hiện ra rằng thế giới bên ngoài đang bị lôi kéo vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tin rằng Ares, vị thần chiến tranh, chính là nguyên nhân gây ra cuộc chiến này, Diana quyết định rời đảo và cùng Steve đến thế giới loài người để tìm và tiêu diệt Ares, chấm dứt chiến tranh.
Khi đến London, Diana gặp gỡ và hợp tác với một nhóm binh lính để ngăn chặn một loại khí độc chết người do tiến sĩ Isabel Maru (còn gọi là Doctor Poison) và tướng Đức Erich Ludendorff phát triển. Diana tin rằng Ludendorff chính là Ares, nhưng sau khi tiêu diệt ông, chiến tranh vẫn không dừng lại. Điều này khiến cô nhận ra rằng con người có thể tự gây ra chiến tranh mà không cần sự ảnh hưởng của thần thánh.
Cuối cùng, Diana đối mặt với Ares thật sự, người đã ẩn mình dưới hình dạng Sir Patrick Morgan, một nhà ngoại giao Anh. Trong trận chiến quyết định, Diana khám phá ra sức mạnh thực sự của mình và tiêu diệt Ares, chấm dứt cuộc chiến.
Kết thúc phim, Diana nhận ra rằng tình yêu và sự hy sinh là những sức mạnh lớn lao nhất, giúp cô trở thành Wonder Woman – biểu tượng của công lý và hòa bình. Bộ phim kết thúc với cảnh Diana tiếp tục vai trò của mình trong việc bảo vệ thế giới loài người.
-
Bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg đã đi vào lịch sử điện ảnh khi kết hợp chủ đề khoa học viễn tưởng và tình bạn của trẻ em.
Năm nay, Steven Spielberg tiếp tục ghi dấu ấn ở tuổi 76 với bộ phim The Fabelmans (tựa tiếng Việt: Tuổi trẻ huy hoàng) - kể về trải nghiệm cá nhân của ông khi cha mẹ ly hôn. Có thể nói, đây là sự kiện để lại nhiều dấu ấn trong đời nhà làm phim huyền thoại này. Một bộ phim vĩ đại khác của ông là E.T. the Extra-Terrestrial (1982 - tạm dịch Cậu bé ngoài hành tinh) cũng ra đời từ biến cố trên.
Sau khi cha mẹ chia tay vào năm 1960, cậu thiếu niên Spielberg quá buồn chán nên đã tưởng tượng ra một người bạn ngoài hành tinh đồng hành với mình. Ông xem đó như một người bạn, có thể là người anh em mà ông chưa bao giờ có và một người cha mà ông cảm thấy ông không còn nữa. Khi Spielberg gầy dựng tên tuổi ở Hollywood, ý tưởng làm một bộ phim về người bạn thời thơ ấu cứ luẩn quẩn trong tâm trí ông.
Sự cô đơn ùa về với Spielberg trong những ngày quay bộ phim Raiders of the Lost Ark (tựa tiếng Việt: Chiếc rương thánh tích). Quyết tâm biến dự án về người bạn ngoài hành tinh thành hiện thực, nhà làm phim đến gõ cửa các đơn vị ở Hollywood. Ngay cả với tên tuổi của Spielberg, dự án E.T. cũng gây nhiều nghi ngờ trong giới chủ hãng phim nổi tiếng là thực dụng thời đó. Cuối cùng, bộ phim tìm được một người đặt niềm tin vào nó - Sid Sheinberg, lãnh đạo ở Universal Studios.
Những gì còn lại trở thành lịch sử. E.T. the Extra-Terrestrial ra mắt ở liên hoan phim Cannes (Pháp) trước khi đến với công chúng vào tháng 6/1982. Bộ phim trở thành một trong những dự án sinh lời nhất lịch sử điện ảnh, với kinh phí chỉ 10,5 triệu USD nhưng doanh thu lên đến 792 triệu USD.
E.T. the Extra-Terrestrial vượt qua Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) để trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại, kỷ lục được giữ trong 11 năm cho đến khi bị Jurassic World (Thế giới khủng long) của chính Spielberg vượt qua. Nó nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình và được coi là một trong những phim hay nhất mọi thời đại. Tác phẩm đạt được 9 đề cử tại giải Oscar lần thứ 55, giành giải Nhạc phim gốc, Hiệu ứng hình ảnh, Âm thanh và Biên tập âm thanh.
Giá trị của E.T. the Extra-Terrestrial còn vượt xa thành công tài chính hay các giải thưởng mà nó gặt hái. Bộ phim của Steven Spielberg được nhiều người coi là một hiện tượng văn hóa và gây được tiếng vang với khán giả mọi lứa tuổi. Cho đến hiện tại, dù kỹ xảo trong phim đã lỗi thời, tác phẩm tiếp tục được khen ngợi nhờ cách kể chuyện, tác động cảm xúc và các nhân vật đáng nhớ.
Chuyện phim kể về cậu bé Elliott (Henry Thomas) kết bạn với một người ngoài hành tinh thân thiện mắc kẹt trên trái đất - được cậu đặt tên là E.T. Sinh vật này vô tình bị đồng loại bỏ lại khi họ vội vàng rời trái đất sau chuyến thám hiểm. Elliott phát hiện ra E.T. trong nhà kho ở sân sau của gia đình và cả hai dần thân thiết. Dần dần, Elliott và E.T. có những mối liên kết kỳ lạ như thần giao cách cảm.
Sức khỏe của E.T. xấu đi và sinh vật này cần liên hệ với hành tinh quê hương của mình để được giải cứu. Elliott cùng anh trai và em gái đều giúp đỡ và cố gắng đưa E.T. trở về nhà. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã hay tin và theo dõi chặt chẽ hoạt động của người ngoài hành tinh này.
E.T. the Extra-Terrestrial được biết đến với cách kể chuyện đầy cảm xúc, những nhân vật đáng nhớ và cách miêu tả về tình bạn cũng như mối quan hệ gắn bó giữa con người và sinh vật ngoài trái đất. Bộ phim có một số yếu tố khoa học viễn tưởng nhưng chúng chỉ làm nền cho ý tưởng cốt lõi về những chủ đề mà khán giả mọi lứa tuổi có thể đồng cảm, như tình bạn và tình cảm gia đình. Qua câu chuyện người ngoài hành tinh, đạo diễn đã truyền tải nhiều bài học ý nghĩa.
Một trong những thông điệp chính của bộ phim là chấp nhận những người khác biệt với chúng ta và cố gắng hiểu quan điểm của họ. Sinh vật ngoài hành tinh trong phim mang vẻ ngoài kỳ dị so với người trái đất. Với nhiều người, E.T. trông như một con quái vật mà họ muốn xua đuổi hay ít nhất là tránh càng xa càng tốt. Tuy nhiên, câu chuyện lại khắc họa tình bạn giữa cậu bé Elliott và sinh vật ngoài hành tinh này.
Bất chấp sự khác biệt về ngoại hình và chủng loại, họ gắn bó sâu sắc dựa trên sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu lẫn nhau. Ở góc độ nào đó, Elliott và E.T. dễ dàng đồng cảm do cùng mang cảm giác lạc loài. Sinh vật ngoài hành tinh bị đồng loại bỏ lại trái đất, còn cậu bé bị mọi người chế giễu, nghi ngờ khi khẳng định cậu đã bắt gặp một sinh vật lạ.
Một chủ đề thường lặp lại trong phim của Steven Spielberg là góc nhìn trẻ thơ. Trong E.T. the Extra-Terrestrial, ông tiếp tục lấy trẻ em làm tâm điểm, để khán giả thông qua đôi mắt của Elliott mà trải nghiệm một thế giới họ chưa từng thấy. Tác phẩm bắt nguồn từ một tình huống thú vị: Sẽ thế nào nếu chúng ta tương tác với người ngoài hành tinh bằng lòng trắc ẩn của một đứa trẻ? Gia đình Elliott đang tan vỡ khi thiếu vắng người cha, còn người mẹ hầu như không đủ tiền chu cấp cho gia đình. E.T. mang đến một sự khỏa lấp cho nhân vật chính khi cậu thiếu tình thương từ cha mẹ.
Xuyên suốt phim, các cách thức Elliott vận dụng để che chở hay giúp đỡ người bạn mới đậm chất trẻ thơ. Cách cậu tiếp nhận chuyện của cha mẹ hay dần thân thiết với người bạn mới cũng được xây dựng theo đúng các nhịp tâm lý đời thường của một đứa trẻ.
E.T. the Extra-Terrestrial còn cho thấy tiềm năng vô hạn ở trẻ em và cách chúng có thể đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Bằng tình bạn và lòng trung thành, Elliott và những người thân thiết cùng nhau bảo vệ và hỗ trợ E.T. Niềm tin của cậu vào người bạn của mình đã tạo ra một sức mạnh gắn kết những người khác.
Bộ phim của Spielberg cũng như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của gia đình, đặc biệt là cảm giác an toàn và tình yêu thương nó có thể mang lại. Sau nhiều thử thách và bất trắc, gia đình Elliott cũng tái kết nối và trở thành suối nguồn tình thương cho cậu.
Với những khán giả người lớn, bộ phim đề cập đến chủ đề vượt qua sợ hãi và định kiến. Trong khi những đứa trẻ tương đối dễ dàng chấp nhận E.T., các nhân vật người lớn lại sợ hãi và thù địch người ngoài hành tinh. Do họ đã trải qua nhiều va vấp và trắc trở nên tâm lý dè chừng những thứ xa lạ là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, theo diễn biến câu chuyện, họ học cách vượt qua thành kiến của mình và đón nhận điều kỳ diệu qua lăng kính trong trẻo của tuổi thơ.
Trong những cảnh quay của phim, hình tượng chiếc xe đạp bay qua mặt trăng đã trở thành kinh điển và là dấu ấn khó quên với khán giả toàn cầu. Nó như lời tóm tắt cho những tinh túy của bộ phim: sức mạnh của tình bạn, sự kết nối giữa những điều khác biệt và phép màu trong cuộc sống.
-
Bộ phim riêng về những sinh vật màu vàng dễ thương từng gây sốt trong hai tập phim “Despicable Me” hội tụ nhiều yếu tố câu khách, đặc biệt là với khán giả nhỏ tuổi.
Bộ phim hoạt hình dành cho gia đình Despicable Me (Kẻ trộm mặt trăng) từng gặt hái thành công bất ngờ khi đạt doanh thu gấp tám lần kinh phí 69 triệu USD vào mùa hè 2010. Ba năm sau, phần hai của phim còn thu được thành công vang dội hơn thế với 970 triệu USD trên toàn thế giới. Ngoài nội dung vừa hài hước vừa giàu ý nghĩa gia đình, hai tập phim còn tạo được sức hút nhờ những chú Minion da vàng siêu quậy dễ thương. Chỉ là những nhân vật phụ nhưng các Minion còn được yêu thích hơn cả nhân vật chính Gru và tạo nên cơn sốt với khán giả ở mọi lứa tuổi. Đó là cơ sở để các nhà sản xuất thực hiện riêng một bộ phim về những sinh vật này với tựa đề Minions.
Trong bộ phim Spin-off (ăn theo) này, câu chuyện xoay quanh cuộc hành trình tìm kiếm ác nhân đáng ghét nhất để phụng sự của các Minion sau khi rất nhiều chủ nhân của chúng đều lần lượt biến mất theo thời gian. Điều này khiến các Minion rơi vào trạng thái buồn bã, phiền muộn.
Đến một ngày, chú Minion có tên Kevin nghĩ ra kế hoạch đi tìm chủ nhân mới cho cả hội. Cùng Stuart nổi loạn và Bob đáng yêu, bộ ba này lên đường khám phá thế giới với hy vọng tìm ra một chủ nhân xứng đáng để phục vụ. Hành trình đó đưa chúng tới gặp Scarlet Overkill – nữ thủ lĩnh sành điệu và tai quái, luôn ấp ủ giấc mộng trở thành bá chủ thiên hạ.
Sau hai tập phim Despicable Me, rất nhiều khán giả băn khoăn về nguồn gốc của các sinh vật màu vàng này. Điều này sẽ được giải đáp một cách rõ ràng trong Minions. Xuất hiện từ thuở bình minh của Trái đất khi chỉ là các đơn bào, theo thời gian, các Minion màu vàng rực rỡ tiến hóa ra sao qua các thời kỳ là điểm đầu tiên sẽ khiến khán giả thích thú.
Cùng sự tiến hóa về hình dáng, các Minion cũng có nhiều bước đột phá về trang phục. Không còn duy nhất những bộ quần yếm Denim màu xanh quen thuộc như trong hai tập phim Despicable Me, các Minion trong phim riêng này còn có gu thời trang khá sành điệu, phù hợp với từng hoàn cảnh và thời kỳ: từ bikini sao biển, khố bằng lá cây, áo choàng Dracula, áo da thú chống rét, trang phục hoàng gia cho đến cả quần lọt khe. Khán giả chắc chắn sẽ cảm thấy bất ngờ và bật cười mỗi khi các Minion diện một bộ trang phục mới.
Hình ảnh trong Minions cũng được xử lý đồ họa đẹp mắt và tạo cảm giác dễ chịu – dù là xem ở 2D hay 3D. Bối cảnh phim từ thế giới thời tiền sử với khủng long đến đời sống thời hiện đại đều sống động và chân thực. Những chi tiết nhỏ như bông tuyết bay, hơi thở của các Minion phả vào kính hay những làn khói mỏng đều được các nhà làm phim chăm chút tới từng chi tiết.
Những khán giả nhỏ tuổi chắc chắn sẽ có 90 phút cười nghiêng ngả khi các nhà sản xuất sử dụng rất nhiều chiêu trò khéo léo để tạo nên tiếng cười. Đó là vẻ ngoài và tính cách đặc trưng của ba nhân vật chính với khuôn mặt luôn nũng nịu đáng yêu của Bob, vẻ ngu ngơ của Stuart và sự láu cá, tinh ranh của Kevin. Ngoài ra là phong cách vui nhộn, giọng nói líu ríu ngộ nghĩnh, tính cách mê ăn chuối điên dại và hậu đậu làm hại đến những chủ nhân của các Minion.
Ngoài sự hài hước, khán giả lớn tuổi còn tìm thấy những điểm thú vị khác của riêng mình. Hình ảnh quen thuộc của những sự kiện và nhân vật nổi tiếng trong lịch sử được cài cắm tinh tế trong phim. Xen kẽ với đó là nhiều ca khúc kinh điển được nhiều người thuộc nằm lòng.
Bản phim riêng dành cho Minions thú vị và vui nhộn không kém hai tập phim Despicable Me. Nhưng về mặt nội dung, tác phẩm này chưa thể bằng hai bộ phim gốc, đặc biệt là phần một. Kịch bản nhẹ nhàng và hơi đơn điệu, chưa đủ để tạo được một cao trào mạnh ở cuối phim. Đồng thời, bộ phim chưa mang đến được những cảm xúc lắng đọng hay truyền tải được thông điệp rõ nét nào.
Tuy nhiên, bản phim mới thành công khi đem lại tiếng cười, sự giải trí cho người xem mọi lứa tuổi. Khán giả yêu mến những sinh vật màu vàng rực, ngộ nghĩnh và đáng yêu này hoàn toàn có thể chờ đón những cuộc phiêu lưu tiếp theo của chúng khi những đoạn phim ngắn trong phần credit tiết lộ cuộc gặp gỡ với chủ nhân thực sự - Gru.
-
"RED 2" (2013) là phần tiếp theo của bộ phim hành động hài hước "RED" (2010). Bộ phim tiếp tục theo chân nhóm cựu điệp viên CIA đã về hưu nhưng lại bị kéo vào những phi vụ nguy hiểm.
Frank Moses (Bruce Willis) đang cố gắng tận hưởng cuộc sống yên bình với bạn gái Sarah (Mary-Louise Parker), nhưng sự yên tĩnh không kéo dài lâu khi anh bị cuốn vào một âm mưu nguy hiểm toàn cầu. Một tài liệu mật bị rò rỉ, chỉ ra rằng Frank và những đồng đội cũ của anh là một phần của một nhiệm vụ bí mật liên quan đến một vũ khí hạt nhân nguy hiểm từ thời Chiến tranh Lạnh.
Để ngăn chặn mối đe dọa, Frank phải tái hợp với đồng đội cũ của mình, bao gồm người bạn thân Marvin Boggs (John Malkovich) và nữ sát thủ Victoria (Helen Mirren). Trong cuộc hành trình này, họ phải đối đầu với nhiều kẻ thù nguy hiểm, bao gồm cả những điệp viên quốc tế và sát thủ hàng đầu. Một trong những nhân vật phản diện chính là Han Cho-Bai (Lee Byung-hun), một sát thủ Hàn Quốc, từng có mối thù cá nhân với Frank.
Bộ phim kết hợp những pha hành động mãn nhãn với những tình huống hài hước, tạo nên một câu chuyện đầy kịch tính nhưng cũng không kém phần giải trí. Frank và nhóm của anh phải đối mặt với nhiều thử thách, từ việc tìm ra nguồn gốc của vũ khí hạt nhân đến việc đối phó với những âm mưu phức tạp trong thế giới tình báo quốc tế.
RED 2 duy trì phong cách hành động hài đặc trưng từ phần đầu, với dàn diễn viên kỳ cựu cùng những màn đấu súng và rượt đuổi kịch tính.
-
Có một điều kỳ lạ ở bộ phim Red! Kỳ lạ là ở chỗ, dù dàn diễn viên tham gia toàn các bác già tuy lớn tuổi nhưng còn gân, câu chuyện không dành cho giới trẻ nhưng mọi đối tượng khán giả đều tìm thấy điểm thú vị riêng khi thưởng thức tác phẩm này. Không chỉ thế, Red còn tạo cảm giác thú vị vì phong cách hành động “đạn vãi như mưa” kết hợp với kiểu hài "tưng tửng" khác lạ.
Bruce Willis (bác già thứ nhất) trong vai Frank Moses, cựu điệp viên CIA “bị” cho vào danh sách đã nghỉ hưu nhưng cực kỳ nguy hiểm. Ở nhà rỗi việc, hàng ngày anh gọi điện để chuyện trò với cô nàng Sarah (Mary-Louise Parker), một nhân viên tổng đài đang phụ trách lương hưu cho Frank. Có lẽ trong quá trình hoạt động tại CIA, do quá mải mê thực hiện các chiến dịch tối mật, ám sát những mục tiêu nguy hiểm nên Frank chẳng có cơ hội để yêu. Vì vậy mãi đến khi chẳng còn việc gì làm ngoài ăn với ngủ, anh mới biết thế nào là chuyện tình cảm.
Nhưng nghỉ hưu không đồng nghĩa với việc nhẹ nhàng trút bỏ quá khứ. Frank nhanh chóng phát hiện ra mình trở thành mục tiêu diệt khẩu của CIA. Để bảo vệ tính mạng và sự an nguy của Sarah, anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của các chiến hữu năm xưa. Cả hai di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác để triệu tập cả đội. Họ gồm, bác già (thứ hai) Joe Matheson (Morgan Freeman) tuy mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nhưng vẫn bắn súng siêu nhanh, bác già "hâm hâm dở dở" Marvin (John Malkovich), bác già Victoria - cựu điệp viên MI6 và cả ông lão người Nga Ivan Simanov (Brian Cox). Để tìm ra sự thật, Frank đột nhập vào trụ sở chính của CIA và phát hiện ra một âm mưu khủng khiếp.
Tính từ đầu năm cho đến nay, khán giả được chứng kiến vô số tác phẩm lấy đề tài về siêu đặc vụ, siêu điệp viên. Các nhân vật thuộc dạng này lần lượt xuất hiện như nấm sau cơn mưa, từ các anh chàng trung niên trong The A-Team, The Losers, cho đến Tom Cruise trong Knight and Day, Angelina Jolie trong Salt và giờ đây là các bác già trong Red. Nội dung của những bộ phim trên na ná nhau, đều nói về các điệp viên bị cài bẫy, bị đổ oan rồi trở thành mục tiêu sát hại của chính phủ. Họ tìm cách chiến đấu, phơi bàầy sự thật ra trước công lý. Phần hành động của mỗi tác phẩm có nét đặc sắc riêng nhưng chúng lại có một điểm chung, đó là tính hài hước, dí dỏm (trừ Salt).
Với Red, đạo diễn Robert Schwentke lựa chọn phong cách hài tưng tửng cho các nhân vật. Họ đối thoại, phối hợp hành động tưởng như rất nghiêm túc nhưng lại ẩn chưa nhiều tính hài hước, giễu cợt. Đặc biệt, những trò lố bịch, ngớ ngẩn của Marvin, những màn bắn súng điên loạn không thể ngờ tới của Victoria mang lại nhiều cảm giác lý thú cho người xem. Không phải cứ cơ bắp cuồn cuộn như Arnold Schwazenegger, Sylvester Stalone, Bruce Willis thời trước mới gọi là đánh đấm, rượt đuổi, phá tan màn ảnh bằng những màn cháy nổ ngợp trời, ngay cả những bác già như John Malkovich, Morgan Freeman, Helen Mirren cũng có thể đánh đấm ra trò nếu biết cách khai thác các tình huống độc đáo.
Kịch bản của Red được xây dựng khá tốt khi các nhân vật được giới thiệu lần lượt theo thời gian chứ không đồng loạt xuất hiện cùng một lúc. Điều này khiến câu chuyện luôn tươi mới, ẩn chứa nhiều tính bất ngờ, khiến khán giả phải hồi hộp chờ đợi.
-
Phim bắt đầu khi cuộc sống của Peter Parker dường như đang dần ổn định. Anh đang có một mối quan hệ lãng mạn với Mary Jane Watson (Kirsten Dunst) và trở nên tự tin hơn trong vai trò Spider-Man. Tuy nhiên, một loạt sự kiện mới đã khiến cuộc sống của Peter trở nên phức tạp.
Harry Osborn (James Franco), bạn thân của Peter, vẫn ôm mối thù vì tin rằng Spider-Man đã giết cha mình, Norman Osborn (Green Goblin). Harry quyết định tiếp bước cha mình, sử dụng công nghệ của Green Goblin để trở thành New Goblin và truy lùng Peter.
Trong khi đó, một thiên thạch rơi xuống Trái đất mang theo một sinh vật ngoài hành tinh có khả năng liên kết với vật chủ, biến đổi họ về thể chất lẫn tâm lý. Sinh vật này, được gọi là Symbiote, liên kết với Spider-Man, tạo ra bộ trang phục đen quyền năng. Tuy nhiên, Symbiote không chỉ làm tăng sức mạnh của Spider-Man mà còn làm nổi bật mặt tối trong con người Peter, khiến anh trở nên kiêu ngạo và bạo lực.
Một nhân vật phản diện khác xuất hiện trong phim là Flint Marko (Thomas Haden Church), một tên tội phạm trốn chạy vô tình bị biến đổi thành Sandman sau khi tiếp xúc với một thí nghiệm hạt. Peter sau đó phát hiện rằng Flint Marko chính là kẻ thực sự đã giết chú Ben, điều này khiến Peter càng thêm hận thù và khao khát báo thù.
Câu chuyện càng trở nên phức tạp khi Symbiote bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến Peter, làm tổn hại mối quan hệ của anh với Mary Jane và đẩy anh đến việc gây hấn với người khác, bao gồm cả đồng nghiệp mới là Eddie Brock (Topher Grace). Eddie Brock, một phóng viên cạnh tranh với Peter tại tòa soạn Daily Bugle, sau này cũng trở thành vật chủ của Symbiote và biến thành nhân vật phản diện Venom.
Trong trận chiến cuối cùng, Peter nhận ra sự hủy hoại mà Symbiote đã gây ra cho cuộc sống của mình và tìm cách tách khỏi nó. Venom và Sandman sau đó hợp tác để tiêu diệt Spider-Man, dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng.
Phim kết thúc với việc Peter tha thứ cho Flint Marko sau khi biết rằng cái chết của chú Ben chỉ là một tai nạn. Harry Osborn, sau khi nhận ra sai lầm của mình, hy sinh bản thân để cứu Peter trong trận chiến với Venom. Eddie Brock, không thể chịu đựng việc mất Symbiote, đã chết trong nỗ lực bảo vệ nó.
Cuối cùng, Peter và Mary Jane hòa giải, nhưng họ nhận ra rằng mối quan hệ của họ vẫn còn nhiều thử thách phía trước. Peter học được rằng sức mạnh và trách nhiệm phải đi đôi với sự kiểm soát bản thân và lòng tha thứ.
-
Được chuyển thể kịch bản từ bộ phim truyền hình ăn khách “Firefly”, đây là câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu trong không gian của phi đoàn điều khiển con tàu Serenity, đứng đầu là thuyền trưởng Malcolm Reynolds.
Thuyền trưởng Malcom (Nathan Fillion) trở thành cựu binh sau một cuộc nội chiến trên dải ngân hà, giờ đây sống bằng nghề chuyên chở với con tàu Serenity. Ông là chỉ huy của một nhóm những con người tư tưởng phóng khoáng. Họ đối xử với nhau như người thân trong gia đình, thỉnh thoảng cãi vã vì những chuyện lặt vặt, ai cũng bình đẳng như ai và tuyệt đối trung thành mãi mãi.
Cùng với phó chỉ huy Zoe (Gina Torres), Malcom điều hành hoạt động trong Serenity với một niềm vinh dự lớn, hết lòng vì sự an nguy của con tàu và một chút lo lắng trong tâm tưởng. Bề ngoài có vẻ cương nghị cứng rắn nhưng thực ra ông là một con người sống rất tình cảm, đằng sau đôi găng bằng kim loại cứng ngắc là hai bàn tay rất dịu dàng.
Khi thuyền trưởng Malcom nhận chở hai vị hành khách mới, một bác sĩ và người em gái có khả năng ngoại cảm, thì ông đã gặp nhiều rắc rối hơn ông tưởng. Hai người đang phải trốn chạy khỏi sự truy lùng của một lực lượng liên minh đang âm mưu làm bá chủ vũ trụ.
Con thuyền đã phải bay ra sát ranh giới của thiên hà mà không nhận ra rằng họ đã bị đặt giữa hai mối nguy, một là Lực lượng Quân đội đồng minh vũ trụ và bọn Reavers, những kẻ khát máu tấn công bất cứ ai đi lại quanh vùng biên giới. Trong khi bị những kẻ thù lực lượng áp đảo truy đuổi, các phi công tàu Serenity nhanh chóng nhận ra mối nguy hiểm thực sự lại nằm ngay trong con tàu.
Bộ phim đã thực sự tạo ra một thế giới ngoài vũ trụ khiến cho khán giả có cảm giác không gian sống của con người được mở rộng hơn, không chỉ giới hạn ở địa cầu nhỏ bé. Không phải những bộ trang phục sản xuất bằng hợp chất cao phân tử, không phải những khẩu súng bắn laser hay những sinh vật giống người, một thế giới không khô cằn hoang tưởng mà hoàn toàn chân thực. Ở thế giới ấy, cuộc sống thường nhật diễn ra ở các hành tinh nhưng bối cảnh trong phim lại chủ yếu là khu vực ranh giới, nơi sức mạnh chiến đấu là vấn đề quyết định sống còn.
Theo nhận xét của các nhà phê bình, hội thoại giữa các nhân vật trong phim rất thông minh và khá là “đốp chát”, những câu nói gây cười thì được đánh giá cao hơn bất kỳ bộ phim nào trong năm nay dù thuộc thể loại hành động hay khoa học viễn tưởng. Dù không có diễn viên hàng “sao” nhưng các vai đã được thể hiện rất tốt, thậm chí các diễn viên trong phim nhập vai tốt đến mức người ta còn cho rằng họ đã thực sự hóa thân vào nhân vật. Chính những điểm này đã giúp Serenity đánh bại các đối thủ khác trong bảng xếp hạng phim ở khắp nơi trên thế giới.
Nhà phê bình Scott Weinberg nhận xét: “Serenity là cuộc phiêu lưu khoa học viễn tưởng thông minh nhất, kỳ quặc nhất, dí dỏm nhất và hoang dã nhất trong suốt 25 năm qua. Nó đúng là phi thuyền không gian tuyệt nhất tôi từng thấy”.
-
Alien: Covenant không hẳn là mới mẻ khi so với hằng hà sa số những bộ phim cùng thể loại hiện giờ, nếu so với bản đầu tiên năm 1979 thì Covenant giống như một bản copy có kỹ xảo hoành tráng hơn vậy. Nhưng nếu bạn dừng lại để suy nghĩ và phân tích theo hướng của một bộ phim khoa học viễn tưởng mang yếu tố kinh dị thì tác phẩm mới nhất của đạo diễn Ridley Scott vẫn chứa đựng nhiều điều lý thú đáng để mong đợi.
Alien: Covenant, tên tiếng Việt là Quái Vật Không Gian, nối tiếp sự kiện xảy ra trong bộ phim Prometheus (2012). Có lẽ hơi ngược, nhưng theo mình để cảm nhận được hết Alien: Covenant thì điều quan trọng nhất là bạn phải quên hết sự tồn tại của series Alien gốc (Alien, Aliens, Alien 3 và Alien Resurrection). Vì sao? Bởi lẽ series tiền truyện gồm Prometheus, Alien: Covenant, Alien: Awakening (chưa ra) và một tập chưa có tên nữa được kỳ vọng là sẽ giải đáp những bí ẩn trong thế giới của Alien. Nhưng tạm thời chúng ta vẫn còn thiếu đi 2 mắt xích quan trọng, và chắc chắn là sẽ có rất nhiều điều chưa được giải đáp. Nó cũng giống như một cuộc phiêu lưu, nếu bạn chỉ mong chờ đến đích thì sẽ không thể cảm nhận được những điều thú vị diễn ra trong chuyến hành trình ấy.
Đạo diễn Ridley Scott từng nói rằng Prometheus khởi đầu cho một series mới, cùng một vũ trụ điện ảnh nhưng không liên kết trực tiếp đến Alien. Ít nhất là cho đến khi giới phê bình và fan hâm mộ không chấp nhận điều đó. Alien (1979) là một bộ phim tuyệt vời nhưng hiệu ứng mà nó để lại như một bóng ma ám ảnh lịch sử điện ảnh đương đại. Sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa kịch bản và diễn xuất của Alien khiến cho đến tận thời điểm này, tất cả các bộ phim kinh dị lấy bối cảnh không gian sau này đều khiến người xem cảm giác một phiên bản lỗi của nó vậy. Chính cái bóng quá lớn của Alien đã làm chúng ta luôn có chiều hướng nghĩ rằng series tiền truyện của Ridley Scott vẫn thuộc thể loại kinh dị thuần tuý. Dĩ nhiên là không có gì sai cả, nhưng tại sao chúng ta lại không cho nó một cơ hội để thể hiện dưới góc độ là một bộ phim khoa học viễn tưởng theo cách mà chính Ridley Scott đã gợi ý?
Alien: Covenant hiện tại không hẳn là bộ phim mà đạo diễn Ridley Scott mong muốn. Tên công bố ban đầu của phim là Alien: Paradise Lost vốn rất nhiều hàm ý về cuộc sống, tuy nhiên sau đó đổi lại thành Alien: Covenant vào 2015 và khởi quay ngay sau đó. Bạn có thể nghĩ rằng ông đơn thuần là chọn tên con tàu trong phim để làm tựa đề như đã từng làm với Prometheus. Nhưng mình có cảm giác nó còn ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Covenant tiếng Việt có thể hiểu là sự thoả hiệp, và Alien: Covenant chính là sự thoả hiệp giữa đạo diễn Ridley Scott, fan và hãng phim FOX.
Chính vì sự thoả hiệp này, Alien: Covenant trở thành một bộ phim cố gắng làm hài lòng tất cả nhưng cuối cùng lại không ai thật sự hài lòng. Chúng ta có một bộ phim về nguồn gốc của quái vật không gian Xenomorph mà bất kỳ fan nào cũng mong đợi, nhưng vẫn chưa thể giải thích tất cả một cách thoả đáng. Chúng ta có một bộ phim kinh dị không gian chuẩn mực mà hãng phim tin rằng sẽ giúp họ kiếm được tiền, nhưng chẳng đem lại điều gì mới mẻ cho khán giả. Tuy nhiên trong mớ bình mới rượu cũ đó vẫn có một điểm sáng, và đó chính là ý tưởng về hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống mà Ridley Scott muốn khai thác ngay từ thuở ban đầu.
Nếu như bức màn bí ẩn của Prometheus được vén lên trong sự tò mò và phấn khích của các nhà khoa học, bởi ngọn lửa đam mê và mong muốn tìm lời giải đáp về thế giới, thì những sự kiện diễn ra trong Alien: Covenant được mở ra với góc độ của những con người bình thường. Vâng, thoạt nghe thì có vẻ cực kỳ ngu ngốc khi toàn bộ phi hành đoàn là những cặp tình nhân và các bi kịch nối tiếp bi kịch diễn ra trong phim chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin khẳng định rằng đó là quyết định ngu ngốc. Nhưng đứng ở một góc độ khác, một góc độ khoa học hơn thì mọi thứ đều có lý do của nó.
Covenant là tàu di cư, che chở hơn 2000 sinh mệnh trong chuyến hành trình đến vùng đất mới. Nó là một người "Mẹ", như cách mà người máy Walter gọi, để gieo mầm sống con người vào vũ trụ bao la. Phi hành đoàn của Covenant không chỉ đơn thuần là phi hành đoàn, họ là những cặp tình nhân/vợ chồng sẽ định cư và xây dựng cuộc sống mới ở hành tinh xa xôi chưa có dấu chân người. Những sự kiện của Alien: Covenant thực chất mang đậm dấu ấn của sự tình cờ, nối kết vào tuyến truyện của Prometheus như sự sắp đặt của số phận.
Phim được lồng ghép rất nhiều triết lý về cuộc sống, nhưng tiêu biểu và nổi bật nhất chính là một đoạn trong bài thơ Ozymandias của Shelley. Ẩn sau vẻ ngoài của một bộ phim kinh dị làm mát lòng fan và những kẻ kinh doanh, Alien: Covenant là câu chuyện về chu kỳ của cuộc sống. Ozymandias là vua của những vị vua, vĩ đại và đáng tôn kính. Thế nhưng không vị vua nào trị vì mãi mãi trên ngai vàng, không vương quốc nào tồn tại vĩnh cửu với thời gian. Tất cả những gì vĩ đại rồi sẽ sụp đổ và được thay thế bởi những điều vĩ đại hơn.
Alien: Covenant khởi đầu bằng cảnh Peter Weyland (Guy Pearce thủ vai), một kẻ giàu có và đầy quyền lực, muốn đi tìm kiếm nguồn gốc của loài người. Peter không chấp nhận việc con người được sinh ra từ sự sàng lọc ngẫu nhiên của tạo hoá, sự tồn tại của con người phải có ý nghĩa sâu xa hơn. Thông qua những đoạn trailer và Prometheus, đạo diễn Ridley Scott đã khéo léo xây dựng hình tượng của Peter Weyland là một kẻ cao ngạo. Cũng chính vì vậy mà hắn ta đã tạo ra David, người nhân tạo với khả năng tư duy như một con người, như một cách chứng tỏ rằng mình là một kẻ sáng tạo vĩ đại. Và vĩ đại chính là điều mà Peter Weyland được cả nhân loại thừa nhận. Nhưng đối với David, người sáng tạo ra anh thật tầm thường. Số phận của Peter Weyland đã được đạo diễn Ridley Scott gửi đến người xem trong Prometheus, và Alien: Covenant chính là sự khởi đầu của David.
Theo cảm nhận của mình, David/Walter là vai diễn rất xuất sắc của nam tài tử Michael Fassbender. Trong một bộ phim kinh dị theo kiểu mỳ ăn liền với những tình tiết được xào nấu lại cùng hiệu ứng hình ảnh hợp thời đại, anh đã một mình truyền tải một cách hoàn hảo cho những người muốn tìm kiếm ý nghĩa sâu xa mà đạo diễn Ridley Scott ẩn bên dưới. Không chỉ một mà đến 2 vai diễn, Michael đã cho người xem thấy được quy luật của cuộc sống. Bạn có biết? Không phải ngẫu nhiên mà các vị vua thời xưa đầu tư rất nhiều tiền của và công sức để tạo nên các kỳ quan. Đó là bởi vì những vị vua ấy muốn để lại dấu ấn trong lịch sử, bởi vì những kỳ quan ấy sẽ tồn tại rất lâu sau khi họ băng hà. Vĩnh viễn? Có lẽ là không, nhưng đủ lâu để nhân loại phải tưởng nhớ về họ. Giống như triều đại của Ozymandias đã chấm dứt cách đây hàng ngàn năm, nhưng người ta vẫn mãi nhớ đến ông như là vị Pharaoh vĩ đại nhất qua những bức tượng và lăng mộ kỳ vĩ. Bài thơ Ozymandias của Shelly cũng được cho là lấy cảm hứng từ việc bảo tàng Anh Quốc nhận được một phần tượng của Ozymandias.
Người máy David cũng chính là kỳ quan của Peter Weyland để lại trong lịch sử nhân loại. David là hiện thân cho những điều mà con người muốn lẩn tránh: tuổi già và bệnh tật. Và cũng chính vì vậy mà David phần nào đó xem thường Peter và cả loài người, những sinh vật không thể thoát khỏi vòng quay sinh-lão-bệnh-tử. David khiến người xung quanh e ngại, và thế là Walter ra đời. Phiên bản tiếp theo của David thể hiện sự sợ hãi của loài người trước người máy, muốn kiểm soát những thứ "hoàn hảo" hơn mình. So với David, Walter có thể mạnh mẽ hơn về thể chất nhưng yếu đuối về suy nghĩ do bị ràng buộc bởi các quy tắc.
Phải nói rằng khi xem các tình tiết trong phim, điều khiến mình ức chế nhất là cách ứng xử của con người. Những sai lầm nối tiếp sai lầm, bi kịch tiếp diễn bi kịch xảy ra liên tục, kết hợp cùng dàn diễn viên (trừ Michael Fassbender) dưới mức trung bình làm bộ phim có vẻ rẻ tiền hơn mong đợi. Tuy nhiên sự thật là những điều tưởng chừng ngu ngốc mới chính là bản chất của con người. Chúng ta quá quen với hình tượng anh hùng, những cá nhân ưu tú bậc nhất của nhân loại trên màn bạc, thế nên bị "dội" cũng là điều không mấy bất ngờ. Nhưng nếu bạn đặt mình trong hoàn cảnh của nhân vật trong phim thì sao? Vì cô vợ mà anh chồng sẵn sàng mạo hiểm tính mạng của tất cả những người trên tàu về lý là hành động cực kỳ nông nỗi, vô trách nhiệm và ngu ngốc. Nhưng khi xét về tình thì điều đó lại cực kỳ hợp lý, vâng, vì yêu mà có thể chống lại cả thế giới thì vài nghìn mạng người nhằm nhò gì? Dĩ nhiên, diễn viên kém thì vẫn hoàn kém, cái đó không có gì để phân tích thêm cả.
Đúng như lời hứa của mình, Ridley Scott đã hé lộ trong Alien: Covenant kẻ đã tạo ra những con quái vật Xenomorph mà chúng ta đã quá quen thuộc trong Alien. Hay đúng hơn là thêm vào mắt xích còn thiếu, giải đáp vì sao mà Xenomorph của Prometheus lại khác biệt với Xenomorph của Alien. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, thậm chí là còn nhiều bí ẩn mới được đưa ra. Kiên nhẫn là tên của trò chơi mà Ridley Scott đang đưa ra để thử thách khán giả, đặc biệt là các fan trung thành của Alien. Càng nôn nóng có lời giải đáp thì chỉ tổ khiến bạn ức chế mà không thể thưởng thức được những cái hay (dù bị chôn vùi dưới hàng đống fan service) của Alien: Covenant.
Đặc biệt với sức mạnh của kỹ xảo điện đại, sự tiến hoá của quái vật Xenomorph được thể hiện ấn tượng hơn bao giờ hết. Bạn sẽ được chứng kiến sự hoàn thiện dần của chủng loài quái vật không gian đáng sợ, từ chỉ biết chiến đấu bằng bản năng cơ bản trở thành một cỗ máy giết người hoàn hảo. Xenomorph càng đáng sợ bao nhiêu đối với con người, thì lại càng đẹp trong mắt kẻ đã tạo ra chúng. Và rồi giữa sự ngu ngốc của con người và sự tiến hoá của Xenomorph, chủng loài nào mới thật sự đáng tồn tại?
Tóm lại, Alien: Covenant không hẳn là một bộ phim xuất sắc vì thực chất nó chỉ tận dụng lại công thức cũ với kỹ xảo hoành tráng hơn. Thậm chí khó tính thì trừ sự xuất sắc của Michael Fassbender, tất cả các vai còn lại đều thể hiện sự xuống cấp thấy rõ trong chất lượng diễn viên. Tuy vậy nếu bạn là người yêu thích thể loại khoa học viễn tưởng và muốn suy nghĩ sâu xa hơn về những thông điệp mà Ridley Scott ẩn trong bản giao ước Covenant, mình nghĩ phim vẫn xứng đáng được một cơ hội.
-
"Apollo 13" (1995) là một bộ phim lịch sử dựa trên sự kiện có thật về sứ mệnh Apollo 13 của NASA, được đạo diễn bởi Ron Howard. Phim kể lại hành trình đầy thử thách của ba phi hành gia Jim Lovell (Tom Hanks thủ vai), Fred Haise (Bill Paxton thủ vai) và Jack Swigert (Kevin Bacon thủ vai) khi họ phải đối mặt với nguy hiểm chết người trong không gian.
Nội dung chính:
Sứ mệnh ban đầu: Apollo 13 là sứ mệnh thứ ba của NASA với mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng. Phi hành đoàn gồm chỉ huy Jim Lovell, phi công mô-đun chỉ huy Jack Swigert, và phi công mô-đun Mặt Trăng Fred Haise. Ban đầu, họ rất háo hức thực hiện nhiệm vụ và tin rằng mọi thứ sẽ suôn sẻ như các sứ mệnh trước.
Sự cố trong không gian: Tuy nhiên, khi đang trên đường đến Mặt Trăng, một trong những thùng chứa oxy của tàu vũ trụ phát nổ, gây ra tình huống khẩn cấp. Vụ nổ làm mất áp suất trong các thùng chứa oxy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cung cấp điện của tàu. Sự cố này buộc phi hành đoàn phải hủy bỏ kế hoạch hạ cánh trên Mặt Trăng và chuyển sang chế độ sinh tồn để tìm cách trở về Trái Đất an toàn.
Cuộc chiến giành sự sống: Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, các phi hành gia phải làm việc chặt chẽ với đội ngũ kiểm soát mặt đất do Gene Kranz (Ed Harris thủ vai) lãnh đạo. Họ phải tìm ra giải pháp để bảo toàn năng lượng, oxy và làm sao để đưa tàu vũ trụ trở về Trái Đất an toàn. Trong quá trình đó, phi hành đoàn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc chuyển đổi mô-đun, làm sạch không khí khỏi khí CO2, đến việc điều chỉnh quỹ đạo để quay lại Trái Đất.
Kết thúc: Sau nhiều nỗ lực và căng thẳng, cuối cùng tàu Apollo 13 đã quay trở về Trái Đất an toàn, và cả ba phi hành gia đều sống sót. Sứ mệnh này được coi là một "thất bại thành công" vì mặc dù không thể đạt được mục tiêu hạ cánh lên Mặt Trăng, nhưng sự trở về an toàn của phi hành đoàn đã thể hiện tinh thần đoàn kết và khả năng ứng phó tuyệt vời của NASA.
-
Ở lứa tuổi như mình, không thể nào là không biết đến series Spider Man. Có thể nói, Spider-Man ko chỉ nổi tiếng trong truyện tranh, mà còn là 1 nhân vật siêu anh hùng tiên phong trên màn ảnh. Thật ra mình KO thích Nhện của Tobey (trừ p2) vì mình khá là ghét con bánh bèo MJ và tính tính bạn PP này quá là loser. Đến giờ nhắc đến MJ vẫn cảm thấy nổi da gà vì ác cảm với nv, ác cảm nhiều đến nỗi mình chả muốn phim nào của nhện mà có ng yêu là MJ luôn. Đây là 1 trong số các lý do mà mình khá thích TASM của Nhện Andrew dù phim này bị chê ko ít, nhưng kệ. Gwen’s so cute
Dù rất tiếc Andrew, nhưng phải nói là Tom Holland lần này đã hoàn toàn chinh phục mình khi em ấy đã vượt mặt 2 đàn anh trước, thể hiện 1 Nhện Nhí vô cùng mới mẻ thuộc vũ trụ MCU trong lần reboot này. Đúng là trả về Marvel phát, cảm giác về thằng Nhện khác hẳn luôn, vừa rất gần với nguyên tác, vừa rất fresh, rất hiện đại, gần gũi với thực tế hiện tại, nhưng vẫn truyền tải đầy đủ những tinh thần dc tôn vinh ở các phần Nhện cũ, chứ ko phải reboot nhỏ tuổi cái là thiếu sức nặng đâu.
Với cá nhân mình mà nói, đây 1 lần nữa lại là thành công đúng chất của Marvel, một bộ phim vô cùng duyên dáng, nhiều cảm xúc và phát huy được thế mạnh xây dựng nhân vật vốn luôn là niềm tự hào của Marvel. Lần reboot này thật sự là Bình Mới Rượu cũng Mới. Định hướng Marvel sử dụng cho Nhện kỳ này rất trẻ trung và tươi sáng và việc đặt Nhện trong MCU đã khiến cho thế giới của thằng cu mở rộng ra nhất nhiều, tương tác được rất nhiều với các nv khác chứ ko còn lầm lũi 1 mình nữa.
Có 2 thứ đặc biệt xuất sắc ở lần reboot này, 1 – là tuyến nhân vật và 2 – là chất lượng diễn viên.
Hãy nói về chất lượng diễn viên trước, tất cả các vai chính trong Nhện kỳ này đều quá xuất sắc. Marvel vẫn dùng công thức cũ, đó là chọn 1 diễn viên “TIỀM NĂNG” kết hợp cùng dàn dv gạo cội có tên tuổi để hỗ trợ lôi kéo fan. Trong trường hợp của Tom Holland thì cậu bé ko chỉ dc 2 bác già Robert và Keaton hỗ trợ lôi kéo fan và còn hỗ trợ trong diễn xuất vô cùng nhiều luôn. Có những lúc mình nghĩ thằng cu xuất sắc như vậy là do 2 bác già thật sự “DẪN” dc nó, chứ cũng ko hẳn là do tự thân nó diễn dc đến đó nữa cơ [Đoạn trong xe hơi, mình nghĩ chú Keaton hù thằng cu sợ thật chứ chả đùa].
Tuy phần nhiều là định hướng xây dựng Nhện của Marvel, nhưng không thể phủ nhận Tom đã thể hiện Nhện Nhí kỳ này quá tốt. Không giống như Cap hay IM, Nhện và Peter Parker gần như là 2 phần tách biệt của một người. Tobey từng thể hiện thành công 1 Peter Parker vật lộn trong cuộc sống, Andrew lại thể hiện tốt 1 Nhện năng nổ vui vẻ, nhưng đến Tom Holland chúng ta mới thật sự thấy dc 2 mà 1, 1 mà 2 của Nhện và Peter. Tom đã rất xuất sắc cân bằng dc hình ảnh của 1 người Nhện và hình ảnh 1 cậu học sinh trung học 15 tuổi đang trải qua những biến đổi tâm sinh lý vô cùng bình thường. Tuy đã 21 nhưng Tom trong phim nhìn rất trẻ, rất là đáng yêu kiểu học sinh trung học. Nội chuyện thằng cu là ng` Anh, ko hiểu lắm về đời sống học đường ở Mỹ nên đã tình nguyện đi học trung học (dù chỉ dc 3 ngày) để xem ‘đời học sinh’ như thế nào là mình đã rất ưng. Suốt phim Tom có nhiều đoạn rất xuất sắc, mình sẽ phân tích kèm với phân tích nhân vật phía sau.
Diễn xuất chất lượng thứ 2 của phim đến từ chú Michael Keaton – Vulture, đúng là 1 villian xuất sắc kể từ thời Loki. Xuất sắc ở đây không nằm ở sự hoành tráng, khủng khiếp gì gì đó, mà nằng ở diễn biến tâm lý, tự thân nhân vật và diễn xuất xuất sắc (sẽ phân tích sau). Đoạn trong xe của chú với cu Tom, lần đầu mình coi mình đã nín thở hết cả đoạn đó luôn ý.
Diễn xuất chất lượng thứ 3, dĩ nhiên thuộc về lão Béo Robert. Cực kỳ xuất sắc dù thời lượng xuất hiện chắc chỉ có 5′ tổng cộng. Không hổ danh là vòng cast cuối nhóc Tom phải đóng cùng bác Robert để kiểm tra chemistry, quả thật là 2 chú cháu ăn ý cực kỳ, đẩy cảm xúc quá tốt. Ngoài ra thì 5′ thôi nhưng Robert đã thể hiện đầy đủ mọi đặc điểm tính cách của Tony, mọi sự phát triển của nv sau CW quá đã luôn ý .
Các diễn viên còn lại đều đóng tròn vai và rất tự nhiên, tạo nên 1 bối cảnh chân thực gần gũi vô cùng.
Hết phần khen diễn viên, giờ đến phần khen nội dung kịch bản và phát triển nhân vật. Lưu ý là có SPOILER nha
Đầu tiên là về Nhện Nhí lần này, mình rất mừng là phim đã thay đổi hoàn toàn so với 2 lần dựng phim trước ở khoản động lực của Peter. Về bối cảnh uncle Ben tuy lược bớt, nhưng mình nghĩ ko khác mấy với 2 phần trước (theo CW), nhưng hậu uncle Ben thì khác hẳn. Nếu 2 phần trước, động lực của thằng Nhện đều đến từ những nỗi buồn, tội lỗi và sự hối tiếc, thì phần này động lực của nó lại đến từ “Khát khao muốn làm người tốt”. Nó là 1 thằng nhóc 15 tuổi, việc quan trọng nhất trong cuộc sống của nó là đến trường hàng ngày. Nó thông minh, nó có thằng bạn thân, có crush trong sáng tuổi học trò, chứ ko phải thứ tính cảm “cần phải có kết quả, thề non hẹn biển, quằng quại đủ kiểu”. Điều duy nhất khác biệt ở đây là nó có sức mạnh, nó khao khát muốn dùng sức mạnh đó để giúp đỡ mọi người, làm người tốt. Biến cố Uncle Ben KO tạo ra khao khát ‘báo thù’ mà tạo ra khao khát ‘bảo vệ’. Đó là thứ khác biệt cơ bản nhất của Peter lần này và 2 Peter trước.
Peter lần này rất đơn thuần, hiện tại trong thế giới nó sống, làm người tốt = làm Avenger, vì Avengers cứu người, bảo vệ thế giới. Đó chính là lý do tại sao nó rất nỗ lực chứng tỏ bản thân với Tony. 15 tuổi, suy nghĩ rất đơn giản, nó nghĩ làm anh hùng là cái gì đó cao siêu lắm, cool ngầu lắm, chưa hề vấp phải những đánh đổi khó khăn. Được đi với Tony một lần mà nó nghĩ nó lớn rồi, nó đủ khả năng rồi, rất tự tin mong chờ được thể hiện, nhưng bản thân nó còn chẳng thể giữ bí mật với thằng bạn, cũng chẳng thể tự lo một mình nếu ko có bạn giúp. Nó không giống các đàn anh, chả thể tự may dc bộ suit bó ngầu lòi thế, sự thông minh, tháo vát của nó dừng lại ở chỗ chế dc dịch tơ Nhện đã là quá giỏi rồi. 15 tuổi ẩm ương dậy thì, đang ở cái ngưỡng tìm câu trả lời cho câu hỏi “ta sẽ làm gì với cuộc đời mình”, học đại học hay làm siêu anh hùng. 15 tuổi đầy tự tin và cứng đầu, luôn cho rằng mình làm đúng, bồng bột, nông nổi, đến khi đụng chuyện thì lại rất sợ hãi như bao đứa trẻ chưa lớn khác. đoạn trên phà là đoạn khắc họa đậm nét nhất cái sự thật Peter vẫn chỉ là 1 đứa trẻ, vô cùng thực tế và gần gũi trong đời sống
Mình thấy mọi người chê cảnh này rất nhiều, rằng mọi người đòi cảnh này không được hoành tráng, rằng sự xuất hiện của IM làm cụt hứng các thứ, nhưng thật ra các bạn mong gì ờ thằng nhóc 15 tuổi này, 1 mình nó giải quyết dc 1 vụ lớn thế này sao? Đoạn trên phà chính là lần đầu tiên cu Nhện nhìn thấy tận mắt thứ gọi là “trách nhiệm cho hành động của mình”. Nó chỉ đơn thuần muốn bắt bọn buôn vũ khí, nhưng bắt bọn nó đâu phải chỉ đơn giản là gô cổ về, ghi mảnh giấy như chiếc xe đạp vô chủ là xong. Và rồi khi mọi chuyện bắt đầu vượt tầm kiểm soát của thằng cu, như sự xuất hiện của FBI, vũ khí của Vulture phát nổ, nó “phải làm gì bây giờ?”. Nó đã làm hết khả năng của nó, nhưng vẫn không dc, nó phải làm sao nữa đây?. Thằng nhỏ hoang mang sợ hãi, nó chỉ biết lao ra dùng sức trâu, nhưng 1 mình nó thì thấm vào đâu dc. May mà Uncle Tony luôn theo sát nó. Làm người tốt, làm việc tốt với nó lúc này đã không chỉ còn đơn giản liên quan đến bản thân nó nữa, mà còn phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều hệ lụy đến từ hành động của mình. Đó chính là thứ “trách nhiệm” Tony muốn nó tránh xa, muốn nó hãy cứ sống hết cái tuổi tươi đẹp, làm 1 Friendly Neighborhood Spider–Man thôi, đừng vội dính vào những bi kịch, những gánh nặng làm gì.
Peter là 1 đứa trẻ có năng lực, dc trao tặng cho một món quà, là bộ suit, nhưng như bao đứa trẻ khác, bộ suit khiến nó xao nhãng, nó quên mất rằng, trước khi có bộ suit đó, nó vẫn ổn, vẫn là 1 Spider-Man, đó là bài học Tony muốn dạy nó, thế nên gã nghiêm khắc thu lại bộ giáp. Đoạn trò chuyện của 2 chú cháu này là 1 trong những đoạn hay nhất trong phim, bởi vì nó khắc họ đậm nét ko chỉ Peter mà cả Tony. Bài học về chuyện bộ giáp hay con người làm nên người hùng, Tony đã quán triệt và nay dc truyền lại cho thế hệ sau như 1 di sản
2/3 bộ phim để cho Peter sử dụng bộ suit công nghệ cao, nhiều người đã chửi rủa rằng, Nhện này mất chất, rằng thằng này là thằng Nhện muốn làm Avengers chứ ko phải người Nhện. Nhưng mình thì nghĩ khác, mình nghĩ 2/3 đó là rất cần thiết để đến arc cuối- 1/3 còn lại, càng nhấn mạnh rõ sự trưởng thành của nhằng nhỏ, để rồi suit vải, suit công nghệ hay thậm chí là suit iron cũng không còn quan trọng với nó nữa, bởi vì NÓ mới chính là Người Nhện. Khi đã nhận ra danh tính của Vulture và vẫn quyết định ngăn chặn gã, đó là quyết định quan trọng nhất trong đời Peter cho đến lúc này, bởi vì nó đã tìm dc lý do tại sao nó lại trở thành Spider Man. Nó làm spider-man không phải để thể hiện, không phải muốn làm anh hùng, không phải vì bộ suit, vì gây ấn tượng với Tony, làm Avengers hay gì gì đó to tát cả. Nó làm spider-man đơn giản chỉ vì nó là đứa trẻ lương thiện, là đứa mang khao khát ‘bảo vệ’ và không thể làm ngơ trước cái xấu.
Khác với các phim trước, quá trình trưởng thành của Peter lần này không chỉ chịu ảnh hưởng từ Tony, mà còn cả phản diện Vulture nữa. Cả 2 đoạn trò chuyện của Peter và Vulture trên xe và trong nhà kho đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định và hướng phát triển của thằng bé. Cuộc trò chuyện với Tony sau vụ chìm phà chỉ ra cho Peter về thứ “trách nhiệm cho hành động của mình”, còn đoạn trò chuyện với Vulture trong xe lại chỉ ra cho Peter thấy tầm quan trọng của ‘bí mật danh tính’ và làm người tốt, hay kẻ xấu, ko chỉ là chuyện của 1 cá nhân nữa, mà luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến những người quan trọng với mình. Ai trong chúng ta cũng có quyền lựa chọn. Vulture vì gia đình, lựa chọn nhúng chàm, Peter hoàn toàn có thể vì bản thân lựa chọn im lặng, lựa chọn, sống 1 đời học sinh vô ưu, vô lo, coi như không biết gì cả. Nhưng đó sẽ không phải là Peter, không phải là cậu nhóc rất đỗi lương thiện, không thể làm ngơ trước cái xấu.
Mình thấy ít người nhận ra, nhưng với mình, lựa chọn từ chối gia nhập Avengers của Peter phần nhiều do ảnh hưởng của Vulture. Đoạn tâm sự trong nhà kho, gã nói với Peter về bài học cuộc sống, để nó nhận ra rằng không phải cứ làm những việc to lớn mới là hay, giải cứu thế giới thì không phải ai cũng đủ sức làm được, trong khi xung quanh đó còn biết bao thường dân, chịu ảnh hưởng trực tiếp thì lại chẳng ai chú ý đến. Tony có 3 đầu 6 tay cũng ko thể nào lo hết mọi chuyện từ to đến nhỏ dc. Thế cho nên, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, nó có thể làm người tốt, làm người hùng theo cách của mình, sẽ là một Friendly neighborhood spider man, luôn ở sát mặt đất và bảo vệ cho những người dân thường, những người thấp cổ bé họng.
Có thể nói, đoạn trò chuyện của Peter và Vulture là phân đoạn hay nhất phim, hồi hộp ngộp thở, kèm theo diễn xuất quá xuất sắc của chú Keaton (mà mình đồ rằng thằng cu Tom nó sợ thiệt đó). Nó khiến mình cảm thấy dc toàn bộ sức nặng của câu nói kinh điển trong phần phim Nhện của Tobey “sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng nhiều” dù chẳng cần phải lặp lại câu nói đó lần nữa. Hình ảnh Peter bước đi trong bữa tiệc, đứng bên này tấm kính, nhìn theo lũ bạn ở phía bên kia, nó càng chia rõ 2 thế giới mà thằng bé đang sống. Nó chằng thể nào CHỈ LÀ 1 đứa trẻ 15 tuổi bình thường như họ dc, nó có sức mạnh và trách nhiệm phải làm.
Toàn bộ arc cuối, Peter thật yếu đuối. Không có bộ giáp, nó chỉ có nỗ lực của bản thân trước những hiểm họa nghiêm trọng mà lần đầu tiên nó phải đối mặt. Đây không chỉ là 1 chiếc ô tô mất thắng lao vào xe bus trường, không phải là cái thang máy bị hỏng, không phải những ‘ng lớn’ luôn nhường nhịn nó 1 phần. Đây là kẻ sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ danh tính và gia đình, kẻ không do dự làm tồn thương người khác. Đoạn Peter bị đè trong cái nhà kho, mình thương nó đến bật khóc, sợ hãi, yếu đuối đến bất lực của một thằng nhóc 15 tuổi không có ai bên cạnh để giúp đỡ, ko có Mr Stark lặn xuống hồ cứu nó, càng ko có Mr Stark giúp nó đẩy phà. Nó hoàn toàn chỉ có một mình, và nếu nó ko thể tin vào bản thân, không thể nỗ lực giúp chính nó, thì nó còn có thể giúp dc ai khác nữa đây.
Tiềm năng của Peter là rất lớn, thằng bé cũng vô cùng dũng cảm, lăn xả, nhưng hoàn toàn không có sát ý. Toàn bộ quá trình ‘đánh boss’ của nó, nói cho vuông chỉ là tự vệ để không bị giết, không bị rơi, giúp cái máy bay không va vào khu dân cư, ko gây thảm họa. Đổ cả 1 cái nhà kho lên đầu nó cũng không làm Peter ôm hận với Vulture, bởi vì nó lương thiện, và còn bởi vì nó là trẻ mồ côi, nó làm sao có thể nghĩ đến chuyện khiến cho 1 ng` bạn của nó cũng mồ côi. Đó là lý do mà dù bị đánh sml, nó vẫn quyết phải cứu Vulture, bởi vì nó tuy ko thể làm ngơ trước cái xấu, nhưng càng ko thể làm ngơ trước sinh mạng.
Có thể nói, đây là Peter Parker gần với nguyên tác nhất và cũng ‘sáng nhất’ trong cả 3 đời. Mình đặc biệt rất yêu thích sự đổi mới ở khơi nguồn làm nên con người của Nhện lần này, ko phải từ đau khổ, tội lỗi, hối tiếc, trả thù, mà rất trong sáng, rất thiện lương, rất cute. Nv thì cute, cháu Tom Hà Lan lại càng làm nó cute hơn gấp bội, tuy nhiên mình khá quan ngại cho sự phát triển của nv này. Nói sao ta, việc Nhện vừa về dc phát Marvel liền ưu tiên đẩy nó lên làm phim trước cả Thỏ và Báo, theo mình là vì đây là thời điểm duy nhất còn tươi sáng trong đời nó. Chứ sau IW với A4, khả năng rất cao là father figure thứ 3 trong đời nó, Tony Stark cũng chết thì đời nó đen thật chứ chả đùa, muốn tăm tối thế nào, tăm tối thế đó luôn.
Đó là về thằng Nhện, giờ hãy nói về Villain Vulture của phần này. Từ phase 3 trở đi, mình thấy villian của Marvel chất lượng lên hẳn, đều là những nv có chiều sâu và rất gần gũi, động cơ có thể thấu hiểu chứ ko phải những loại vĩ cuồng, chiếm thế giới, phá thế giới cao siêu gì đó nữa. Nói trắng ra, tất cả họ đều là những thằng đàn ông lụy gia đình. Một Zemo mất gia đình sinh ra thù hận, một Kaecilius mất vợ, chìm vào đau khổ và khao khát dc giải phóng khỏi “thời gian”, một Ego muốn tìm thằng con đít nhôm về nối dõi và giờ là một Vulture vì chăm lo cuộc sống cho vợ con mà chăm chỉ làm “kềnh kềnh”. Vulture ko hề có sức mạnh, cũng chẳng có đầu óc gì đặc biệt, không có tham vọng với thiên hạ, chẳng có âm mưu gì cao xa, gã chỉ muốn an ổn làm ăn “under rada”, để chu cấp cho vợ con gã cuộc sống ấm no hạnh phúc. Gã làm mọi thứ để bảo vệ họ, kể cả việc lừa dối họ trong một thời gian rất dài. Gã làm gì cũng nghĩ trước cho gia đình và với gã, Gia đình mới là thứ quan trọng nhất. Vulture không hẳn là tàn bạo, gã cũng có những chuẩn mực đạo đức riêng của mình, lão cũng chả muốn bức cùng diệt tận thằng Nhện, đoạn cuối, còn bảo vệ danh tính của nó trước những kẻ thù khác, bởi vì nó không chỉ cứu mạng con gái gã, còn cứu mạng gã, và hơn ai hết, gã hiểu dc tầm quan trọng của danh tính.
Cuối cùng, tuy thời lượng ngắn nhất, nhưng không thể không cuối đầu bái phục và dành sự yêu mến cho Tony Stark của bác Robert. Nói không ngoa, mình thật sự nghĩ Tony là nhân vật được phát triển xuyên suốt và tốt nhất của MCU luôn. Cứ mỗi lần xuất hiện ta lại thấy thêm 1 tầng phát triển của nhân vật. Mình khá thích cách Marvel xây dựng mối quan hệ của Peter và Tony lần này, nó rất hợp lý, cần thiết và hơn tất cả, nó gây cho mình cảm giác ấm áp vô biên. Peter sau biến cố Uncle Ben, sau khi trở thành Nhện, nó chỉ có 1 mình, không thể chia sẻ với ai, ko có một father figure bên cạnh nó để dìu dắt hướng dẫn nó, nhất là khi nó đang ở độ tuổi rất nhạy cảm. Tony sau CW, là một Tony vỡ vụn và cô đơn, gã cũng chỉ có một mình, chôn vùi bản thân trong những cảm giác tiêu cực, bị phản bội, bị bỏ rơi, cảm giác tội lỗi và áp lực từ nhiều phía. Hai con người đó tìm thấy nhau và nâng đỡ lẫn nhau. Tony sau khi biết về cái chết của các nạn nhân nói chung và nhóc Speder nói riêng, nay gặp Peter, gã hết lòng hết sức bảo bọc nó …. tất nhiên là theo cách của gã. Peter thì vừa hâm mộ, vừa không ngừng muốn chứng tỏ bản thân với Tony.
Để đánh giá Tony, đừng nghe những gì gã nói, hãy nhìn những gì gã làm. Gã nhìn thấy tiềm năng ở Peter, và thế là gã chế no nó 1 bộ suit với tất cả những trang thiết bị bảo hộ tận răng để giúp thằng nhỏ tự do tung hoành mà ko sợ bị tổn thương. Gã rút kinh nghiệm từ bản thân để trang bị cho thằng nhỏ (vụ có dù, hẳn là do lo sợ từ vụ Rhodey, chứ tính ra thằng nhọ có đu đeo nhảy nhót gì đủ cao để mà có thể bung dù chứ =)) ). Gã dặn thằng nhỏ ko làm này, ko làm kia, gã thờ ơ với nó, không thèm liên lạc với nó, cái gì cũng qua Happy, nhưng thật ra báo cáo nhiệm vụ của nó gã nghe hết, tâm sự tuổi hồng của nó gã biết hết, chỉ đường cho cụ già, dc ăn bánh gã cũng biết, nghỉ học nhạc ở trường gã cũng biết. Bộ giáp khi chưa kích hoạt, vẫn ghi hình đầy đủ mọi thứ để gã luôn quan tâm dc thằng nhỏ. Đoạn lần đầu Vulture cắp thằng nhỏ lên cao, vụ bung dù, mình nghĩ chính là do Tony điều kiển, chứ thằng nhỏ đâu đã điều khiển dc bộ đồ đâu. Nhưng bung dù mà vẫn bị rơi, thế là từ Ấn Độ xa xôi nhưng 3s sau gã vẫn lao đến cứu nó lên bờ, bât máy sưởi cho nó. Tony yêu thương, bảo bọc, dạy dỗ Peter theo cái cách mà gã nghĩ là tốt nhất, chính là tin tưởng nó và bảo vệ nó từ xa, động viên, khích lệ nó khi cần thiết.
Peter thật sự giống hệt bản sao của Tony, nhưng ở mức độ ít ‘damage’ hơn. Thằng nhỏ cũng thông mình, cũng tự tin, cũng trẻ trâu, cứng đầu, và vì đã từng trải qua chính xác những thứ đó, nên Tony muốn bảo vệ nó khỏi vết xe đổ của gã bằng cách kềm chế nó, lo cho tương lai của nó. Peter chỉ là học sinh trung học, nhưng Tony đã vạch sẵn chỗ cho nó ở MIT nếu nó muốn. Tony rất muốn cho Peter một cuộc đời bình thường và tốt đẹp nhất có thể với những kẻ như bọn họ. Peter luôn ngước nhìn Tony như ngước nhìn 1 ng cha, bản thân Tony cũng thiếu thốn tình cảm của cha, nên gã đối xử với nó bằng tất cả bù đắp mà bản thân gã chưa từng có được. Đó là một mối tương tác chữa lành cho cả 2 chiều. Đoạn Tony dạy dỗ Peter sau khi chìm phà là 1 đoạn thể hiện xuất sắc quan hệ (rất giống) CHA – CON của 2 người. Peter rất sợ làm cho Tony thất vọng, còn Tony rất lo cho thằng bé. Hai ng` cãi nhau xong, thằng bé thì về nhà khóc, còn Tony, mình tinh là gã sẽ lao vào phòng thí nghiệm nâng cấp bộ giáp cho nó (mới đẻ ra bộ Iron Spider cuối phim) cho coi.
Tony muốn Peter “to be better”, thành ra đoạn cuối, khi Peter từ chối trở thành Avengers, mình nghĩ, có cái gì đó ở Tony cảm thấy nhẹ nhõm và an ủi. Cũng đã nhiều năm về trước, cũng trong 1 bữa họp báo, công bố mình là IM, cuộc đời Tony từ đó chất chồng những bi kịch. Nay, cũng trong tình huống y chang, Peter đã chọn 1 con đường khác, và con dg đó, biết đâu, thật sự sẽ khiến nó “to be better”. Nụ cười của gã khi đó là 1 nụ cười tự hào. Một nụ cười hạnh phúc hiếm hoi của Tony trong những ngày này.
1 điều nữa là sự xuất hiện của Pepper làm mình cảm thấy rất ấm áp và viên mãn. Sau bi kịch của CW, Tony chỉ có 1 mình, với 1 ng` bạn ko trách móc gì, nhưng chỉ nhìn thấy thôi cũng khiến gã ngập chìm trong tội lỗi, với 1 ‘thằng con’ giận thì giận mà thương thì thương. Nhưng giờ đây, ở HC, ta thấy bên cạnh Tony có Happy, có Pepper, và giờ, còn có cả Peter, họ làm gã hạnh phúc, họ yêu quý gã, đứng về phía gã. Pepperony đã đi dc đến đoạn kết viên mãn, đây vừa là niềm vui, vừa khiến mình không khỏi lo lắng nó là 1 điểm lặng trước cơn bão. Phải chăng, Tony sắp ra đi
Nhưng dù sao đi nữa, đó là chuyện của 1,2 năm nữa, giờ cứ chìm đắm trong hạnh phúc, trong sự cu teo chết ngất của 2 ‘má con’ Nhện – Sắt đi thôi. Dù năm sau, và năm sau nữa, IW với A4 có bi kịch đến thế nào, thì Spider-man, Homecoming sẽ mãi là góc ấm áp cứu rỗi tâm hồn mình.
Tóm lại là Spider-Man Homecoming rất xuất sắc, rất xứng đáng với số điểm nó nhận dc. Marvel vẫn phong độ rất ổn định ở phần xây dựng nhân vật. Và vì mình ko quan tâm mấy đến những khái niệm “đánh nhau hoành tráng, nổi da gà” gì gì đó, nên mình chỉ cần Marvel mãi thế này là dc.
Hãy đi coi đi các bạn ạ.
-
Phim bắt đầu với sự phản bội và sụp đổ của vua Uther Pendragon (Eric Bana), cha của Arthur. Vortigern (Jude Law), người chú độc ác của Arthur, dàn dựng một cuộc đảo chính, giết chết Uther và chiếm lấy ngai vàng. Arthur, lúc đó còn là một đứa trẻ, trốn thoát và được những người phụ nữ ở một nhà thổ nuôi dưỡng trong một khu phố nghèo ở Londinium (tên cũ của London).
Arthur lớn lên trở thành một người lãnh đạo tự nhiên, có khả năng sống sót trong thế giới khắc nghiệt xung quanh mình. Tuy nhiên, anh không hề biết về dòng dõi hoàng gia của mình cho đến khi định mệnh đưa anh đến thanh gươm huyền thoại Excalibur. Arthur vô tình kéo Excalibur ra khỏi đá, khiến anh trở thành người thừa kế hợp pháp của ngai vàng. Sức mạnh của Excalibur cũng giúp anh nhận ra quá khứ của mình và nhiệm vụ thực sự là lật đổ Vortigern.
Ban đầu, Arthur từ chối vai trò này vì không muốn dính dáng đến quyền lực và trách nhiệm. Nhưng với sự giúp đỡ của một nhóm chiến binh trung thành, bao gồm Bedivere (Djimon Hounsou) và The Mage (Astrid Bergès-Frisbey), Arthur bắt đầu hành trình gian nan để đối đầu với Vortigern.
Vortigern, khi biết rằng Arthur còn sống và đã nắm giữ Excalibur, quyết tâm tiêu diệt Arthur để giữ vững quyền lực của mình. Hắn cũng sử dụng ma thuật đen để tăng cường sức mạnh và tạo ra một quái vật khổng lồ để bảo vệ ngai vàng.
Trong cuộc đối đầu cuối cùng, Arthur sử dụng toàn bộ sức mạnh của Excalibur, cùng với sự khôn ngoan và lòng dũng cảm của mình, để đánh bại Vortigern và phá hủy chế độ độc tài của hắn. Arthur sau đó chấp nhận số phận làm vua và bắt đầu xây dựng một vương quốc mới, đặt nền móng cho huyền thoại của Camelot.
"King Arthur: Legend of the Sword" mang đến một câu chuyện thần thoại với phong cách hiện đại, tập trung vào hành trình tự khám phá và trưởng thành của Arthur, từ một kẻ lang thang vô danh trở thành một vị vua huyền thoại. Phim có sự kết hợp giữa các yếu tố hành động mãn nhãn, kỹ xảo đẹp mắt và nhạc nền mạnh mẽ, tạo nên một bản tái hiện đầy táo bạo của huyền thoại vua Arthur.
-
Peter Parker (Tobey Maguire) là một học sinh trung học nhút nhát và thông minh sống ở New York. Anh sống cùng người dì May (Rosemary Harris) và chú Ben (Cliff Robertson). Peter luôn bị bắt nạt ở trường và có tình cảm đơn phương với cô bạn cùng lớp Mary Jane Watson (Kirsten Dunst).
Một ngày nọ, trong một chuyến thăm bảo tàng khoa học, Peter bị một con nhện biến đổi gen cắn, và không lâu sau đó, anh bắt đầu nhận thấy những thay đổi kỳ lạ trong cơ thể mình. Peter phát hiện ra mình có được những khả năng siêu phàm như sức mạnh phi thường, khả năng leo tường, bắn tơ nhện từ cổ tay và giác quan nhện, cho phép anh cảm nhận nguy hiểm trước khi nó xảy ra.
Ban đầu, Peter sử dụng sức mạnh mới của mình để tham gia vào một cuộc thi đấu vật nhằm kiếm tiền, nhưng sau khi bị lừa dối, anh từ chối giúp đỡ một cảnh sát bắt giữ tên cướp. Sau đó, tên cướp đó đã giết chú Ben của Peter trong một vụ cướp xe. Đau khổ và đầy tội lỗi, Peter nhớ lại lời dặn dò của chú Ben: "Sức mạnh lớn đi đôi với trách nhiệm lớn." Anh quyết định sử dụng sức mạnh của mình để chống lại tội phạm và trở thành Spider-Man, một người hùng bảo vệ thành phố New York.
Trong khi đó, nhà khoa học Norman Osborn (Willem Dafoe), cha của bạn thân của Peter là Harry Osborn (James Franco), tiến hành một thí nghiệm để phát triển một loại huyết thanh tăng cường sức mạnh. Tuy nhiên, thí nghiệm thất bại và biến Norman thành một kẻ điên loạn với hai nhân cách, người sau này trở thành Green Goblin. Green Goblin bắt đầu một chuỗi hành động tàn bạo nhằm vào thành phố, bao gồm cả việc đối đầu với Spider-Man.
Cuối cùng, Spider-Man phải đối đầu với Green Goblin trong một cuộc chiến quyết liệt. Trong trận chiến này, Green Goblin cố gắng lợi dụng tình cảm của Peter dành cho Mary Jane để hạ gục anh. Tuy nhiên, Peter vượt qua được những cạm bẫy của Green Goblin và đánh bại hắn. Trong phút cuối, Green Goblin, trong thân phận Norman Osborn, tiết lộ danh tính của mình với Peter và cầu xin anh tha thứ. Nhưng cuối cùng, Norman tự gây ra cái chết của mình do chính vũ khí của mình.
Phim kết thúc với cảnh Peter quyết định không nói cho Mary Jane biết tình cảm của mình để bảo vệ cô khỏi những nguy hiểm mà Spider-Man phải đối mặt, chấp nhận cuộc sống cô độc của một siêu anh hùng.
-
Peter Parker (Tobey Maguire) đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống học đường, công việc và trách nhiệm làm Spider-Man. Anh cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng vì phải che giấu danh tính thực sự của mình với những người xung quanh, bao gồm cả người bạn thân Harry Osborn (James Franco) và người anh yêu là Mary Jane Watson (Kirsten Dunst).
Cuộc sống của Peter trở nên phức tạp hơn khi giáo sư vật lý nổi tiếng Dr. Otto Octavius (Alfred Molina) bị biến thành Doctor Octopus sau một thí nghiệm thất bại. Với bốn cánh tay cơ học được gắn vào cơ thể, Doctor Octopus trở nên điên loạn và bắt đầu một loạt tội ác để hoàn thành mục tiêu của mình: xây dựng lại một lò phản ứng hạt nhân có thể phá hủy cả thành phố New York.
Trong khi đó, Peter bắt đầu cảm thấy mất niềm tin vào bản thân và dần mất đi khả năng sử dụng sức mạnh của mình, khiến anh cân nhắc việc từ bỏ vai trò Spider-Man để sống một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, sau khi thấy rằng người dân thành phố và những người anh yêu quý đang gặp nguy hiểm vì Doctor Octopus, Peter quyết định nhận lại trách nhiệm của mình.
Cuối cùng, Peter, trong vai Spider-Man, đối đầu với Doctor Octopus trong một trận chiến ác liệt. Trong cuộc chiến, Peter tiết lộ danh tính thực sự của mình với Octavius, và dùng lòng nhân từ để thuyết phục ông ta dừng lại. Dr. Octavius, sau khi nhận ra sai lầm của mình, hy sinh để phá hủy lò phản ứng và cứu thành phố.
Bộ phim kết thúc với việc Peter chấp nhận số phận của mình là Spider-Man, dù biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc anh phải hy sinh nhiều thứ trong cuộc sống cá nhân. Mary Jane, nhận ra tình yêu thực sự của mình dành cho Peter, quyết định ở bên anh, bất chấp những nguy hiểm mà điều đó có thể mang lại.
-
Bram Stoker’s Dracula là một bộ phim kinh dị gothic của Mỹ ra mắt năm 1992, do Francis Ford Coppola đạo diễn và sản xuất. Phim dựa trên tiểu thuyết Dracula năm 1897 của Bram Stoker và nó được nhấn mạnh ở tiêu đề để phân biệt với các tác phẩm có liên quan tới Dracula khác. Phim có sự tham gia của Gary Oldman trong vai Bá tước Dracula, Winona Ryder trong vai Mina Harker, Anthony Hopkins trong vai Giáo sư Abraham Van Helsing, Monica Bellucci trong vai cô dâu của Dracula, Sadie Frost trong vai Lucy Westenra và Keanu Reeves trong vai Jonathan Harker.
Bram Stoker's Dracula
Đây là một trong những bộ phim kinh điển mà bất kỳ cinephile nào cũng đã xem hoặc ít nhất là nghe qua, bởi nó đã quá nổi tiếng, được chỉ đạo bởi đạo diễn bậc thầy cùng dàn cast khủng nhất mọi thời đại. Mặc dù vậy, nó là bộ phim mà mình đã cố xem nhiều lần mới hoàn thành được. Với tư cách là một người đam mê nguyên tác Dracula của Bram Stoker, bộ phim của Francis Coppola thực sự gây khó chịu. Mình thấy được ý đồ của đạo diễn, nhưng lại không đồng ý với những sự thay đổi đi chệch với nguyên tác của ông.
Bram Stoker’s Dracula vẫn giữ nguyên cấu trúc chính dựa trên tiểu thuyết, tuy nhiên nó có sự thay đổi đáng kể trong cách phát triển nhân vật và xử lý tình huống, đặc biệt là đối với nhân vật nữ chính Mina Murray – vợ của luật sư Jonathan Harker. Những thay đổi này khiến bộ phim trở thành một câu chuyện tình vượt thời gian của Mina và Dracula, gạt bỏ đi tính biểu tượng của Mina trong nguyên tác. Ngoài ra phim đã khá lạm dụng các tình tiết gợi dục, khiến chúng kém tinh tế hơn so với những mô tả trong nguyên tác.
Chuyện tình của Dracula và những thay đổi về tổng thể
Phim mở đầu với sự kiện vào năm 1462, khi Vlad Tepes III của Wallachia, tức Dracula, trở về sau chiến thắng trước quân xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ và phát hiện vợ mình là Elisabeta (Winona Ryder thủ vai) đã tự sát sau khi kẻ thù tung tin giả về cái chết của ông ta. Vị linh mục nói với Dracula rằng linh hồn của vợ ông sẽ bị đày đọa xuống Địa ngục vì đã phạm tội tự sát (được xem là tội nặng nhất trong Thất Đại Tội).
Tức giận, Dracula phá hủy nhà nguyện và chối bỏ Chúa, nguyền rủa rằng ông sẽ sống lại từ nấm mồ để trả thù cho Elisabeta bằng tất cả sức mạnh của bóng tối. Sau đó, ông dùng kiếm đâm vào cây thánh giá bằng đá của nhà nguyện và uống máu chảy ra từ nó, điều này biến ông thành ma cà rồng. Đây là chi tiết hư cấu và nó không dựa trên lịch sử hay nguyên tác của Bram Stoker.
Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Stoker chưa bao giờ giải thích rõ ràng quá trình Dracula trở thành ma cà rồng như thế nào. Theo lịch sử, Bá tước Dracula được cho là đã học thuật giả kim và ma thuật đen tại học viện Scholomance trên dãy núi Carpathian, ngụ ý rằng để ngăn chặn cái chết và đạt được sự bất tử, Bá tước đã sử dụng ma thuật bí ẩn để biến mình thành một ma cà rồng.
Điều này cho thấy Dracula của Bram Stoker khác biệt như thế nào, vì hầu hết các ma cà rồng trong nền văn hóa đại chúng đều bị một ma cà rồng khác cắn để biến đổi mà thành. Thế nhưng tạo vật của Stoker dường như là một chúa tể thực sự của bóng đêm, và hắn ta có sức mạnh và trí tuệ đặc biệt mà các ma cà rồng khác không sở hữu. Vì vậy, sự thay đổi của phần phim năm 1992 vô tình biến nhân vật Dracula trở nên ẩm ương hơn nguyên tác.
Nó kéo theo việc Winona Ryder cùng lúc thủ vai Elisabeta – người vợ của Dracula vào năm 1462 lẫn vai Mina Murray – ngụ ý rằng cô là tái sinh ở hậu kiếp của Elisabeta cũng khiến bộ phim xa rời nguyên tác. Chi tiết này lãng mạn hóa mối quan hệ giữa Mina và Dracula, khiến nó thành câu chuyện tình vượt thời gian – một mô típ điển hình nhàm chán trong phim và truyện, đồng thời gạt bỏ giá trị thực sự mà Bram Stoker đã gửi gắm ở Mina.
Dracula – Câu chuyện về cách mà người phụ nữ kiểm soát dục vọng
Mina Murray là nhân vật mà Bram Stoker yêu quý nhất trong tác phẩm của ông, thông qua hình tượng người phụ nữ hoàn hảo này, Stoker đã nhắn nhủ nhiều thông điệp có sức nặng. Tác phẩm Dracula nói về nỗ lực đánh bại cái ác của giáo sư Van Helsing và các đồng đội, trên thực tế nó được viết để nói về “cách mà người phụ nữ thời Victoria kiểm soát dục vọng của mình trước phong trào New Woman”.
New Woman – “Người Phụ Nữ Mới” là một phong trào, một lý tưởng nữ quyền mạnh mẽ khởi phát vào cuối những năm 1800 và có sức ảnh hưởng lớn đến tận ngày nay. Phong trào này rất coi trọng quyền tự chủ về tình dục của người phụ nữ, thúc đẩy họ bước ra khỏi tầm ảnh hưởng của người đàn ông trong gia đình, ví dụ như chồng, hoặc cha. Tất nhiên, nó có mặt trái rõ rệt và có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Khi một người phụ nữ có quyền buông thả và thậm chí được khuyến khích để buông thả, cô ta có thể trở nên lẳng lơ, tìm kiếm quan hệ thể xác theo bản năng và làm đạo đức xã hội suy đồi, tệ hơn là lây lan dịch bệnh qua đường tình dục cho cộng đồng. Chi tiết này cũng được thể hiện thông qua cách mà Dracula biến đổi con mồi của hắn trở thành ma cà rồng giống mình. Khi bị chiếm hữu bởi Dracula – biểu tượng của dục vọng, những cô gái đã hoàn toàn bị tha hóa.
Lucy Westenra và các cô dâu của Dracula – những người phụ nữ suy đồi
Những cô dâu của Dracula và đặc biệt là nhân vật Lucy Westenra chính là ví dụ điển hình cho những người phụ nữ không thể khống chế được mình trước mặt trái của phong trào New Woman, họ đã đi quá xa khỏi mục tiêu đòi quyền lợi cho nữ giới, biến phong trào thành một cơ hội để thỏa mãn khao khát của bản thân. Ban đầu, Lucy được giới thiệu là bạn thân của Mina, và cả hai có những giá trị chung.
Về nhiều mặt, Lucy giống như Mina – người bạn thân thiết của cô, cả hai đều ở tầng lớp trí thức trong thời đại mà họ sinh sống. Lucy thậm chí là một hình mẫu của đức hạnh và sự ngây thơ, những phẩm chất ấy thu hút không chỉ một mà đến ba người cầu hôn cô ấy. Tuy nhiên, Lucy khác với bạn mình ở một khía cạnh quan trọng — cô ấy bị tình dục hóa. Cô không ngần ngại dùng nét đẹp hình thể của mình để quyến rũ đàn ông theo một cách rất tinh nghịch mà chúng ta không bao giờ thấy ở Mina.
Trong một bức thư mà Lucy gửi cho Mina, cô ấy đã than thở: “Tại sao họ không thể để một cô gái kết hôn với ba người đàn ông, hoặc với nhiều người muốn cô ấy, và cứu vãn mọi rắc rối này?” – Lucy cho thấy trong sâu thẳm là sự ham muốn không có giới hạn và nó chưa bao giờ được thỏa mãn. Stoker khuếch đại sự đa mê của Lucy lên một cấp độ khủng khiếp hơn khi ông mô tả con ma cà rồng Lucy như một sinh vật cuồng dâm.
Trong trạng thái ma quỷ ấy, Lucy chính là đại diện cho một mối đe dọa nguy hiểm đối với đàn ông và thách thức khả năng tự chủ kém cỏi của họ, và do đó, cô phải bị tiêu diệt khỏi xã hội. Cái chết của Lucy đưa cô trở lại trạng thái vô hại và thuần khiết vốn có mà người chồng Arthur hằng mong ước. Tất nhiên, kẻ đóng cọc vào ngực Lucy phải là chồng cô – Arthur, chi tiết nói lên tính chính danh và đó là cách duy nhất để trả Lucy lại vị trí một người vợ hợp pháp.
Trong phim, Francis Coppola đã tái hiện hình ảnh Lucy đúng theo nguyên tác, thế nhưng đối với Mina thì không.
Mina Murray – quý cô chuẩn mực thời Victoria bị đạo diễn bóp méo
Đây là chi tiết khiến fan của nguyên tác có thể nổi giận khi xem bản phim năm 1992, bởi Mina Murray là người phụ nữ chuẩn mực của thời Victoria. Lời khen ngợi của Van Helsing đối với Mina chứng minh thực tế rằng cô ấy thực sự là hiện thân của các đức tính mà thời đại này tôn thờ. Cô ấy là “một trong những người phụ nữ của Đức Chúa Trời, được tạo dựng bởi chính bàn tay của Ngài để cho chúng ta thấy những người đàn ông và những người phụ nữ khác rằng có một thiên đường nơi chúng ta có thể vào và ánh sáng của nó có thể ở đây trên trái đất. Thật chuẩn mực, thật ngọt ngào, thật cao cả…”
Van Helsing đã nói về Mina như vậy, trong nguyên tác, khi Mina bị kiểm soát bởi sức mạnh của Dracula, bị hắn hút máu và ép cô phải uống máu của hắn ngược lại để trở thành nô lệ vĩnh viễn, chúng ta đã thấy Mina ghê tởm chính bản thân mình. Dưới ngòi bút của Stoker, Mina chưa bao giờ chấp nhận mối liên kết giữa cô và Dracula, bởi cô xem đó là sự dơ bẩn và hổ thẹn. Khác với Lucy, Mina luôn luôn và chưa bao giờ ngừng đấu tranh với cám dỗ, bất kể nó đang chảy trong máu của cô.
Không giống như Lucy, Mina đáng chú ý không phải vì vẻ đẹp hình thể, điều này giúp Mina tránh khỏi số phận bị biến thành một ác quỷ khiêu gợi như bạn mình. Vẻ đẹp gợi dục của Mina vẫn là một bí ẩn trong tác phẩm của Bram Stoker. Mặc dù đã kết hôn, cô ấy không bao giờ nhăc đến bất cứ điều gì giống như ham muốn tình dục hoặc sự thôi thúc, điều này giúp cô ấy giữ được sự trong trắng của mình. Thật vậy, toàn bộ nửa sau của cuốn tiểu thuyết liên quan đến sự trong sạch của Mina.
Stoker tạo ra sự hồi hộp nơi độc giả về việc liệu Mina có giống như Lucy, sẽ ngã gục trước sức cám dỗ của Dracula hay không? Có thể nói, cô tượng trưng cho thành trì đạo đức cuối cùng của phụ nữ Anh Quốc trước sự cám dỗ của phong trào New Woman mà Bram Stoker muốn thể hiện trong tác phẩm của ông. Tuy nhiên, trong bộ phim của Coppola, hình tượng này đã hoàn toàn thay đổi, nó dẫn đến điểm sáng cho kết cục của bộ phim, nhưng sẽ khiến Stoker nổi trận lôi đình nếu ông được xem phim.
Ở đầu phim, Coppola đã cho Mina làm rơi một quyển sách về truyện cổ tích Ả Rập, với các hình ảnh mô tả hành vi quan hệ xác thịt, điều này chứng tỏ vị đạo diễn muốn gieo mầm mống của sự khát khao nơi cô nàng này ngay từ đầu, nó khiến cô trở nên không quá khác so với Lucy, chỉ là khéo che đậy hơn mà thôi. Chi tiết này khiến Mina của Coppola nhanh chóng sa vào lưới tình của Dracula và cô đã sớm trở nên thân mật với hắn.
Ở gần cuối phim, Mina dưới diễn xuất của Winona Ryder đã âu yếm với Dracula một cách tự nguyện, như thể cô chưa bao giờ yêu Jonathan Harker vậy. Thậm chí cô đã bước qua giới hạn khi cám dỗ Van Helsing và để ông vục mặt vào ngực mình, một chi tiết khá bôi bác nguyên tác. Tình tiết này dẫn đến việc Mina trở mặt bảo vệ cho Dracula và thậm chí đã hôn hắn để từ biệt ngay trước khi gã ma cà rồng lìa đời.
Những sự thay đổi của Francis Coppola tạo nên nguyên cớ và cái kết dễ cảm thông hơn cho Dracula. Thế nhưng nó lại biến Mina trở thành nạn nhân cho sự móp méo về tư tưởng so với nguyên tác mang tính giáo dục cao của Bram Stoker, khi mà nhân vật mang tính biểu tượng nhất của tiểu thuyết đã bị vặn xoắn đến mức rất khó có thể tha thứ. Chính chi tiết này đã khiến vai trò của Jonathan Harker do Keanu Reeves thể hiện trên phim bị coi nhẹ, bởi tình yêu thủy chung của hai người đã bị lu mờ bởi “mối duyên tiền định” của Dracula và Elisabeta trong lốt Mina.
Trên lập trường tôn trọng nguyên tác, chúng ta nên luôn xem Mina là một người phụ nữ đủ thông minh để đón nhận phong trào New Woman – tương tự như việc cô đã giữ mối liên kết với Dracula để giúp Van Helsing và nhóm của ông theo dấu và tiêu diệt hắn. Thế nhưng, Mina ấy vẫn là một người vợ, người mẹ đảm đang và sự đức hạnh của cô khiến cánh đàn ông phải hạ mình. Cuối cùng, sự hoàn hảo về mặt đạo đức của Mina nên là bất khả xâm phạm.
-
Cướp Biển Vùng Caribbean: Nơi Tận Cùng Thế Giới xoay quanh cuộc phiêu lưu đầy kịch tính và nguy hiểm của nhóm cướp biển, nhằm cứu nguy cho toàn thế giới khỏi sự đe dọa của Davy Jones - tay sai của công ty Đông Ấn. Will Turner, Elizabeth Swann và thuyền trưởng Barbossa đã hợp sức đi tìm chín tên trùm cướp biển để giải cứu Jack Sparrow và chống lại Davy Jones. Trong phần này, cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác leo thang đến mức sinh tử, mang đến những phút giây căng thẳng và ly kỳ cho khán giả. Đặc biệt, sự xuất hiện của các nhân vật từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Châu Nhuận Phát - đại diện cho châu Á, làm nổi bật hơn nữa sự đa dạng văn hóa trong bộ phim này. Cuối cùng, không thể không kể đến cảnh tận cùng thế giới được xây dựng vô cùng tinh xảo và ấn tượng, là điểm nhấn cuối cùng cho câu chuyện hấp dẫn này.
-
"Close Encounters of the Third Kind" thuộc thể loại phim phiêu lưu khoa học viễn tưởng về người ngoài hành tinh. Bộ phim kể về một nhóm người khác nhau cố gắng liên lạc với sự sống ngoài trái đất. Roy Neary, một thợ lắp dây điện, trong một lần tình cờ đã chứng kiến một vật thể lạ bay lơ lửng và bị ánh sáng của nó làm cháy da.
Tuy nhiên, không ai tin ở anh, thậm chí là vợ và con anh dần dần nghi ngờ về những gì anh đã chứng kiến khiến Roy phải miễn cưỡng chấp nhận. Tuy nhiên, sự quan tâm thái quá của anh đã dẫn anh đến gặp những người đã từng chứng kiến phi thuyền người ngoài hành tinh. Kể từ đó, Roy bắt đầu tham gia vào những cuộc thử nghiệm để liên lạc với những vị khách ngoài hành tinh.