Điện Ảnh
Bộ sưu tập phim chất lượng remux 4K với điểm IMDb từ 6.6 trở lên
1,724 files
-
Thor phần 3 có một câu chuyện cực kì đơn giản. Kẻ xấu xuất hiện, anh hùng phải chặn kẻ xấu và hết. Nếu các bác muốn một phim hại não và xoắn quẩy hoặc có tông đen tối thì đây không phải phim dành cho các bác. Ngược lại, nếu các bác muốn có thời gian vui vẻ cười xả láng thì đây là lúc nên đặt vé. Thor Ragnarok như theo lời đại diễn Taika Waititi nói thì đây là một phim hài và các bác nên đón nhận nó như một phim hài. Và quả thật, phim rất hài. Và đôi khi quá hài các bác sẽ quên mất mình đang xem một phim về siêu anh hùng.
Hồi 1 của phim bị kéo quá nhanh, giới thiệu nhân vật dồn dập mà không để lại dấu ấn gì. Cảnh bị dập liên tiếp khiến người xem khó bắt kịp tiến độ phim. Minh chứng là cảnh ở trên vùng Na Uy và cảnh với Sherlock. Hồi 2 của phim thì lại hơi dài quá, cảm quá chúng ta ngồi trên Skaar quá lâu và một số đoạn có thể bị cắt đi để dành cho những điều ý nghĩa hơn như việc xây dựng mối quan hệ giữa Thor, Hulk và Vilkery. Tuy nhiên, bù vào đó chúng ta có một hồi 3 mãn nhãn với những đoạn hội thoại không thể tốt hơn xuyên suốt phim. Hela là nhân vật có những đoạn thoại thú vị nhất cả phim, Cate Blanchet là một diễn viên tuyệt vời.
Phim có vài cảnh chiến đấu chính và nó khá là thú vị. Cá nhân tôi thấy không mãn nhãn lắm vì những cảnh chiến đấu này không hoành tráng lắm nếu so sánh với những đoạn như cảnh sân bay của Civil War hay cảnh Zod đấu với Superman trong Man of steel. Tuy nhiên, mỗi cảnh chiến đấu đều có mục đích của nó và rõ ràng nhà làm phim đã làm rất tốt trong việc thể hiện cái này.
Chúng ta có cảnh Thor chiến đấu cùng búa Mjolnir theo cách mà chưa bao giờ có trên màn ảnh rộng. Nếu có ai đó đang theo dõi đầu truyện Mighty Thor của ANAD Marvel do Jason Aaron viết thì sẽ hiểu ý tôi là sử dụng búa kiểu gì. Đó là cảnh đánh nhau đúng chất Thor nhất mà cả 2 phần trước đều chưa thực sự thể hiện được.
Chúng ta có Hela đấu với Asgard và ta đã thấy sự bá đạo của Hela và nó đã cho ta được thấy điều mà chúng ta hằng mong đợi, một mỹ nữ cực mạnh có khả năng cân team.
Tuy nhiên cảnh mà ai cũng muốn xem là lúc Thor đối đầu với Hulk và xin phép được thể hiện đúng cảm xúc của tôi lúc trong rạp khi đến đoạn này: “SƯỚNG VÃI ***”. Hulk là một cánh tay cơ bắp của Midgard và Thor là một cánh tay cơ bắp của Asgard. Tất cả mọi phim trước đây đều không thể hiện được sức mạnh của 2 người vì hầu hết đều là đánh nhau với kiến cỏ. Nhưng! Ở Skaar, Hulk và Thor được phép thả hết sức, tha hồ đập phá và ăn miếng trả miếng với nhau. Chúng ta được chứng kiến sức mạnh thật sự của Thor và tôi xin cam đoan nếu bác không nổi da gà hoặc hú hét vào đoạn này thì bác nên xem lại phim vài lần để hết choáng. (So fucking awesome!)
Kết quả hình ảnh cho thor ragnarok
Và không thể nào bỏ qua đoạn đấu cuối phim khi các anh hùng phải chống lại kẻ thù chính. Một khi 2 ông carry về late mà đã đủ 6 slot thì ai mà đỡ được chứ? Đã thế lại còn bật Ulti lên để choảng nhau nữa. Trận chiến cuối cùng thể hiện được rõ sự trưởng thành của Thor và cho chúng ta thấy rằng anh là một người xứng đáng với cương vị Mighty Thor.
Cảnh đẹp truyện hay nhưng nếu không có nhân vật thì phim cũng chả ra gì đúng không? Về khoản nhân vật, Thor Ragnarok đã thực sự khiến chúng ta phải nhìn lại quãng đường mà Thor phải trải qua và tôi cực kì thích điều này.
Chúng ta sẽ ưa thích nhân vật có sự thay đổi hơn là một kẻ mãi mãi luôn như cũ. Thor từ một kẻ khờ trẩu tre trở thành người hùng thầm lặng sau Thor 1 rồi trở thành người bảo vệ của 9 Realms trong Thor 2 và đến đây chúng ta được thấy một Thor đã trưởng thành, khôn ngoan hơn và chín chắn hơn. Đó là cả 1 quá trình phát triển mà cá nhân tôi thấy cực kì hoàn hảo đối với một trilogy lép vế so với những anh hùng khác của Marvel.
Thor Ragnarok đào sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Lần đầu tiên chúng ta được thấy Thor và Loki làm anh em thực sự với nhau. Tôi có một người anh và đến cảnh “Get help" tôi đã không thể nào thỏa mãn hơn vì tôi cũng chính là Loki trong lúc đó, bị ném ra như một con đồ chơi. Bên cạnh đó chúng ta cũng được thấy một Hulk có cá tính hơn thay vì một con quái vật chỉ biết đập phá. Tôi bước ra khỏi rạp và không thể nào quên được cái tính trọi dừa của Hulk trong phim và tất nhiên ai mà quên được bờ mông quyến rũ màu xanh ấy chứ?
Thêm vào đó, Hulk cũng có những cảnh rất đậm tình người và khiến chúng ta phải ngồi lại và ngẫm về hành trình của anh từ năm 2008 đến giờ. Tôi thấy các bác nên để ý khi xem đoạn Hulk và Thor tâm sự trên giường khi Hulk đang bán khỏa. Đây có lẽ là cảnh tốn giấy ăn nhất của phim đó.
Valkery cũng hay , có thể nói là nhân vật đột phá nhất phim bên cạnh Hela. Hiếm khi chúng ta được thấy một nhân vật nữ mạnh mẽ và có khả năng tự vững trên đôi chân của mình. Nếu vũ trụ DC có Wonder Woman thì có lẽ MCU sẽ rất tự hào khi có Valkery. Bên cạnh đó chúng ta còn được chứng kiến câu chuyện của cô, tại sao Valkery lại ở trên Skaar và tại sao Skaar lại như thế. Tôi nghĩ nếu MCU mở rộng về vũ trụ của Asgard thì Valkery xứng đáng có một phim riêng cho mình.
Một số review khác cũng công nhận rằng Villian của Ragnarok - Hela hay hơn hẳn các Villian khác. Cá nhân tôi thấy Kate Blanchet đã làm được điều mà có lẽ không nữ diễn viên nào trong Hollywood có thể. Hela là một nhân vật mạnh mẽ, thể hiện sự quyến rũ và quyền lực cùng một lúc. Giọng nói của cô phải vừa lôi cuốn và vừa đáng sợ cùng một lúc. Xem trailer tôi đã biết được rằng mình sẽ bị hút voà nhân vật này và khi xem phim tôi còn bị cuốn hơn. Nếu bác nào đã xem rồi thì chắc sẽ hiểu được ý tôi. Nếu không phải Kate mà là một diễn viên khác có lẽ đây đã là một Hela rất dở.
Chúng ta được thấy những hình ảnh đậm chất jack “the legend” Kirby trong đây. Từ cảnh Hela xuất hiện cho đến từng bức tường trong Skaar cho đến từng chi tiết nhỏ trên vũ khí mà các đấu sĩ sử dụng cho đến trang phục từng nhân vật mặc. Tôi là người rất thích Jack Kirby và nếu các bác là fan của huyền thoại này thì các bác sẽ cực kì hài lòng với Thor Ragnarok. Ngoài ra về khoản âm thanh và hình ảnh, phim không được quay đẹp như GoTG hay La La Land nhưng sự thay đổi trực tiếp trong tạo hình không gian của Asgard và Skaar đã cho chúng ta thấy một thế giới rộng hơn nhiều so với những gì Thor 1 và 2 làm ra.
Bên cạnh đó chúng ta còn được thấy một Asgard sinh động hơn nhiều và đây chính là điều tôi cực thích của phim. Âm thanh cũng khá ổn, không bị loãng như Thor 1 và 2, mọi cảnh chiến đấu đều có âm nhạc tốt. Mặc dù Immigration Song được lạm dụng hơi nhiều nhưng cũng không sao, tôi thích nhạc Rock và tôi thích “Led Zeppelin”
Nhiều review cho rằng Thỏr Ragnarok đã quá lạm dụng yếu tố gây cười mà không tập trung cốt truyện. Cá nhân tôi thấy Thor Ragnarok đã làm tốt một việc đó là tạo ra những giây phút giá trị cho người xem. Tôi đi cùng bạn bè, hầu hết bọn họ đều không biết gì về comics nhưng sau khi xem xong họ đều thoả mãn và hiểu hết về phim. Đây là điểm chí mạng của Holllywood hiện hay khi nhà làm phim luôn làm những phim yêu cầu người xem phải tự biết trơ]sc nhiều điều. Nó khiến người xdem ra khỏi rạp mà chả hiểu cái gì và hầu hết đều không hiểu đc cốt lõi của phim. Cốt truyện Thor Ragnarok cực đơn giản nhưng vì thế nên người xem đã cực kì thoả mãn và tôi đánh giá đây là điều khiến Thor có điểm cao hơn hẳn những phim khác cùng thời điểm.
Thor Ragnarok là một phim hoàn toàn khác biệt so với những phim khác của MCU và cho chúng ta thấy một thế giới hoàn toàn mới với một Thor dễ gần hơn bao giờ hết. So với 2 phần trước hơi nhạt thì đây là một tiệc buffet cực ngon dành cho những ai thích Comedy. Nếu các bác có thời gian thì hãy sắp xếp đi xem bởi vì đây có lẽ là một trong top 5 những phim hay nhất của MCU tính đến thời điểm hiện tại. Nếu không có thời gian thì hãy cố gắng bởi vì các bác sẽ không thấy bị phí tiền đâu. Chúc các bác có một buổi xem phim vui vẻ.
-
Sau một quãng trầm kéo dài kể từ khi Kỷ nguyên Infinity kết thúc với bộ phim "End Game", cộng với ảnh hưởng của dịch COVID khiến quá trình quay lẫn khởi chiếu của nhiều bộ phim bị trì hoãn, "Thor: Love and Thunder" là một cú bứt tốc hoàn hảo để MCU lấy lại phong độ. Bộ phim là minh chứng hoàn hảo của mệnh đề “Old but Gold” - tạm dịch: Cũ nhưng Chất, một tư tưởng đơn giản được triển khai đúng đắn và tinh gọn, thành công sẽ là ở trong tầm tay.
“Thor: Love and Thunder” có đầy đủ các yếu tố để trở thành một bộ phim siêu anh hùng xuất sắc nhất: một tư tưởng chính nghĩa đơn giản, một nam chính cổ điển, những cuộc phiêu lưu hài hước, những pha hành động xuất sắc, nhạc phim hay, và đặc biệt, một vai phản diện xuất sắc.
Nếu có một từ để miêu tả ý tưởng chủ đạo, xuyên suốt cả dự án “Thor: Love and Thunder”, thì đó chính là “old school” – những điều đã cũ nhưng vẫn giữ nguyên giá trị trường tồn. Trong những năm gần đây, sự cải tiến của dòng phim siêu anh hùng khiến công chúng được quen mặt với những nhân vật hiện tại, đa diện và phức tạp, với một ví dụ điển hình là nhân vật gã phản-anh-hùng Deadpool. Tuy nhiên, khi nói về khái niệm siêu anh hùng ở dạng ban sơ và cổ điển nhất, người ta sẽ phải kể tên Thor của Chris Hemsworth. Một người hùng bước ra từ thần thoại, đẹp trai nam tính, thân hình đô con, mang trong mình sức mạnh vô song cùng tư tưởng sống và chiến đầu vì chính nghĩa, bảo vệ kẻ yếu trước sự hiểm ác.
Những tưởng điều đó đã trở nên cũ kỹ hay lạc thời, nhưng ở bộ phim “Thor: Love and Thunder”, đạo diễn Taika Waititi lại tiếp tục mang hình tượng người anh hùng cổ điển sống lại qua nhân vật Thor. Ở phần phim này, trên hành trình đi kiếm tìm tình yêu và cùng lúc đương đầu với cái ác, khán giả lại thấy được một gã Thor dũng mãnh, ngang tàng, mà cũng không kém phần giản đơn, thật thà, thậm chí ngờ nghệch trong tình yêu – một hình ảnh chính nghĩa kinh điển dễ dàng chinh phục khán giả mọi lứa tuổi.
Toàn bộ nội dung dự án này là một ý tưởng thống nhất, từ nội dung phim cho tới các hoạt động quảng bá. Trong phim, những hình ảnh màu sắc tươi vui, cùng những manh mối văn hóa gắn với thập niên 80s xuất hiện liên tục, điển hình là việc kết hợp sử dụng âm nhạc ban nhạc huyền thoại như Gun N’ Roses trong phần nhạc phim. Ở nước Mỹ, quê hương của loạt phim siêu anh hùng này, thập niên 80s thường được nhắc đến như là một thập kỷ rực rỡ tạo nên bởi những cải tổ trong văn hóa, thời trang và công nghệ. Những nội dung trên cũng được lặp lại một phần nữa trong các hoạt động quảng bá toàn diện và thông minh: phần poster phim màu sắc với nam chính Thor trong thời trang của một rocker, các sản phẩm merchandise của phim mang đậm hơi hướng những năm 80s v…v
Như một lẽ thường tình, mọi câu chuyện siêu anh hùng sẽ có thể trở nên vô cùng thiếu sót nếu không có một nhân vật phản diện phức tạp và đáng gờm phía bên kia chiến tuyến. Và lần này, diễn viên được Marvel chọn mặt gửi vàng không ai khác là Christian Bale.
Nhân vật Gorr xuất hiện ở ngay câu chuyện mở màn – thân thế và nguồn cơn khiến hắn ta trở thành Kẻ Diệt Thần. Dù chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn nhưng Bale đã giới thiệu đầy đủ cho khán giả về động cơ của nhân vật của anh, thậm chí còn tài tình khiến người xem phải tỏ ra đồng cảm với kẻ phản diện này.
Có rất nhiều lý do khiến người hâm mộ sẽ rất hài lòng với “màn chào sân” trên màn bạc MCU của Christian Bale. Thứ nhất, Bale là một tên tuổi diễn xuất của Hollywood, và vai diễn của anh chính là một đối thủ xứng tầm với Thần Sấm Thor của Hemsworth. Thứ hai, trước đây, tại thời điểm dòng phim siêu anh hùng chưa trở thành một làn sóng văn hóa mãnh liệt toàn cầu như hiện nay, Bale đã từng thủ vai một trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất – Người Dơi của “vũ trụ điện ảnh” DC, vốn được cho là đối thủ của MCU. Nam diễn viên sinh năm 1974 này cũng được công nhận là diễn viên xuất sắc nhất từng đóng vai này. Chi tiết trên càng khiến giới hâm mộ nóng lòng đón chờ “màn xông đất” của Bale, một diễn viên từng thủ vai chính diện chuyển sang phản diện sẽ là như thế nào.
Cuối cùng, cũng trong dự án kể trên, Bale đã hợp tác với một huyền thoại vai phản diện của Hollywood – Heath Ledger, cố diễn viên thủ vai “Joker”. Trong phim, Bale đã thể hiện đầy xuất sắc nhân vật Gorr – Kẻ Diệt Thần. Từ những phân đoạn nguy hiểm táng tợn với cách nhả chữ trầm âm, chậm rãi, dường như muốn làm hụt nhịp tim của đối thủ, Gorr là một kẻ đáng hận. Và cho tới những phân cảnh cao trào cảm xúc, Gorr hiện ra nhỏ bé, chịu khuất phục trước tình yêu, hắn lại là một kẻ đáng thương. Gorr là minh chứng tiếp theo thể hiện sự tài tình của Marvel trong việc xây dựng nhân vật – phương pháp mà đã được sử dựng hết sức thành công trong quá trình xây dựng nhân vật Wanda mà đỉnh cao là ở bộ phim công chiếu ngay trước đó – “Doctor Strange: Đa Vũ Trụ Điên Loạn“.
Với những người ai tò mò rằng, liệu Ledger có chút ảnh hưởng nào trong quá trình chuẩn bị của Bale dành cho vai Gorr, câu trả lời chỉ Bale mới biết. Tuy nhiên nếu cố tình kiếm tình, thì xuyên suốt màn thể hiện của Gorr trong Thor – Tình yêu và Sấm sét, người hâm mộ có thể bắt gặp đâu đó, hình ảnh huyền thoại của một Joker của Ledger năm nào.
Kết
Trong hoàn cảnh mà dòng phim siêu anh hùng đang dần trở nên bão hòa với rất nhiều cái tên mới. Cộng hưởng với doanh số phòng vé giảm do đại dịch COVID khiến cho nhiều bộ phim bị trì hoãn lịch trình hoặc không thể trình rạp, việc ra mắt phần 4 phim lẻ của Thor là một lựa chọn thông minh của MCU để thu hút fan hâm mộ quay lại rạp phim. “Thor: Love and Thunder” hứa hẹn sẽ là một bữa tiệc màn ảnh lẫn văn hóa mãn nhãn dành cho người hâm mộ. Bộ phim đã một lần nữa thể hiện thành công nhân vật Thor ở tư cách một siêu anh hùng của trường phái cổ điển.
-
Tác phẩm của Guillermo del Toro khai thác mối tình dị biệt giữa cô gái và thủy quái theo hướng lãng mạn và tràn ngập khát khao thể xác.
Đầu thập niên 1960, Elisa (Sally Hawkins đóng) là cô gái lao công câm làm ở phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ. Hàng ngày, cô dọn dẹp ở căn cứ bí mật, sau đó trở về căn hộ nằm trên một rạp phim. Một ngày nọ, các nhân viên đưa về một thủy quái hung tợn từ Nam Mỹ. Elisa tò mò tìm đến và bắt đầu giao tiếp với sinh vật, rồi cả hai nảy sinh tình cảm kỳ lạ. Chuyện tình dị biệt này gặp nhiều trắc trở, nhất là từ gã đại tá tàn nhẫn Richard Strickland (Michael Shannon đóng).
Del Toro cho biết xây dựng tác phẩm từ phim quái vật Creature from the Black Lagoon (1954), nhưng đặt góc nhìn từ phía thủy quái chứ không phải những người săn đuổi. Tác phẩm bắt đầu với cú máy hơn hai phút dưới nước, máy quay dần tiến vào căn phòng ngập nước có màu xanh huyền ảo, lia qua đồ vật rồi đến cô gái đang lơ lửng, sau đó chuyển về cảnh đời thực. Kết hợp với lời dẫn chuyện gọi hai nhân vật chính là "công chúa" và "hoàng tử", trích đoạn giống một giấc mơ mang màu sắc cổ tích.
Tuy nhiên, những khán giả trông chờ một câu chuyện đẹp đẽ, thơ mộng kiểu Beauty and the Beast dễ bối rối với hai phút tiếp theo. Vai chính lộ diện là cô gái câm có phần kém sắc, làm một số việc rồi khỏa thân thủ dâm trong bồn tắm. Năm phút đầu phim phản ánh tinh thần của tác phẩm - một câu chuyện cổ tích nhưng tràn đầy dục tính và gai góc.
Del Toro mượn lớp vỏ cổ tích làm phông nền, nhưng cách kể của ông đi ngược các câu chuyện quen thuộc. Nhân vật nữ của phim không hề xinh đẹp, còn thủy quái từ đầu đến cuối là một sinh vật ghê rợn chứ không có hoàng tử điển trai nào nấp bóng. Cả hai đều xấu theo tiêu chuẩn đánh giá của xã hội loài người và suốt phim cũng không hề tìm cách hòa nhập vào cộng đồng đó. Chuyện phim tương phản các tác phẩm như The Little Mermaid hay Beauty and the Beast - đều mô tả sinh vật kỳ dị nỗ lực vươn tới chuẩn mực của con người và đau buồn khi không đạt được chúng (nàng tiên cá muốn có đôi chân, còn quái vật sống khép kín bởi vẻ ngoài).
Đặt tên phim là The Shape of Water (Dáng hình của nước), đạo diễn sử dụng nước như chủ đề trung tâm - biểu tượng cho sự tự do. Ý tưởng của nhà làm phim thể hiện qua hai cảnh tình dục trong phim. Ở cảnh Elisa tự thỏa mãn đầu phim, không gian bó hẹp trong bồn tắm. Cô đồng thời đặt một đồng hồ để canh giờ luộc trứng. Sự thỏa mãn tính dục của nhân vật giống như một công việc thường nhật, không có yếu tố tình cảm và diễn ra trong sự hối thúc.
Ngược lại, ở cảnh cao trào khi Elisa âu yếm thủy quái, nước tuôn tràn khắp nơi, biến căn phòng thành bể chứa khổng lồ. Hiệu ứng quay chậm (slow-motion) khiến thời gian như ngưng đọng. Nhân vật đạt được sự giải phóng tối đa về tình dục, thoát khỏi thế giới thông thường cả về mặt vật lý và tâm lý. Đây là cảnh quay vừa lãng mạn vừa tràn đầy khát khao thể xác. Từ cô gái câm với cuộc sống nhàm chán ban đầu, Elisa đã tìm được tự do và tình cảm gắn kết với sinh vật nhìn thấy sự đẹp đẽ của cô.
Như đa phần tác phẩm của Del Toro, yếu tố tôn giáo được cài cắm ở nhiều cảnh. Đầu phim, máy quay lia đến rạp phim, màn ảnh đang trình chiếu tác phẩm The Story of Ruth (1960). Phim này dựa trên một truyền thuyết trong Kinh Thánh, kể về một người phụ nữ chấp nhận Chúa.
Ngoài ẩn dụ cho sự tự do, nước còn là biểu tượng cho sự vĩnh hằng và thanh tẩy trong đạo Thiên Chúa, giúp Elisa được gột rửa khỏi thế giới coi thường cô. Nhân vật phản diện - đại tá Strickland - thường xuyên trích dẫn Kinh Thánh, nhất là câu chuyện về người hùng Samson. Sự ngược đời nằm ở chỗ, dù thường xuyên nhắc đến Chúa, hắn lại là người tàn nhẫn và không hiểu gì về các "phép màu" xung quanh mình.
Strickland kiêu ngạo và đòi hỏi những kẻ cấp thấp hơn khuất phục hắn vô điều kiện. Tuy nhiên, chính hắn lại khó khịu khi bị cấp trên ép buộc. Viên đại tá đại diện cho một xã hội khắc nghiệt, mang nhiều áp bức và lý tính. Trong khi đó, những người đối chọi với hắn đều chiến đấu cho tự do và cái tôi cá nhân. Nhóm này bao gồm những người hỗ trợ Elisa - cô lao công da màu tên Zelda (Octavia Spencer đóng), người đàn ông đồng tính tên Giles (Richard Jenkins đóng) và điệp viên Nga (Michael Stuhlbarg đóng). Elisa và Giles tranh đấu cho tình yêu nằm ngoài chuẩn mực xã hội, Zelda cứng cỏi, phản ánh nữ quyền và chống phân biệt chủng tộc. Còn điệp viên Nga thể hiện ý chí tự do khi có quyết định dựa trên đạo đức, phá vỡ nguyên tắc của tổ chức.
Thông điệp chính trị của phim khá đơn giản khi đặt viên đại tá người Mỹ vào thế đối đầu với nhóm còn lại, phản ánh sự phân biệt đối xử với người yếu thế trong xã hội. Phim cũng đưa cái nhìn thân thiện hơn với người Nga - vốn là đối thủ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh và thường bị tô vẽ như những kẻ ác độc trong các phim Hollywood thập niên 1960 - 1970.
Các yếu tố kỹ thuật của phim đều đạt chất lượng cao, thể hiện qua 13 đề cử Oscar - cao nhất trong mùa giải này.
Lối vận động của máy quay dập dìu như đang trôi trong nước, bảng màu ngả xanh lá, hầu hết cảnh đều được mở đầu bằng chuyển động nhân vật, giống như sự vận động không ngừng của nước. Phần nhạc nền của Alexandre Desplat cũng được đánh giá cao. Tất cả hòa hợp dưới sự chỉ đạo của Del Toro - người chăm chút từng khung hình và tạo ra một phong cách thống nhất, thể hiện rõ chủ đề về nước. Trong đó, cảnh quay cuối phim đẹp và giàu chất trữ tình nhất.
Trong dàn diễn viên, Sally Hawkins và Doug Jones (người đóng vai thủy quái, được hỗ trợ bởi hóa trang và kỹ xảo) đảm nhận phần việc khó nhất. Họ đều diễn mà không dùng lời nói, Hawkins truyền tải cảm xúc qua ánh mắt và cử động tay, còn Jones chuyển động tay và đôi khi cả cơ thể. Ở những trích đoạn hai nhân vật giao tiếp, khán giả vẫn cảm nhận được sự gắn kết mà không cần đến ngôn từ.
The Shape of Water phát huy thế mạnh của Del Toro trong việc kể chuyện qua hình ảnh và ẩn dụ. Tuy nhiên, cách xây dựng tình tiết của phim còn vội vã khi để cô gái và thủy quái phải lòng nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên mà thiếu các tình huống dẫn dắt. Tuyến truyện phản gián được đẩy mạnh ở nửa sau có phần lạc tông, đẩy tác phẩm đôi lần chệch hướng khỏi đường dây chính.
Ở khoảng hai phần ba phim, một cuộc trao đổi của hai nhân vật được chuyển hóa thành màn khiêu vũ tưởng tượng. Trích đoạn này vừa lãng mạn vừa kỳ quặc, gợi nhớ đến bài nhảy giữa người đẹp và quái vật trong Beauty and the Beast, đồng thời mang tính hoài cổ với màu đen trắng và ca khúc You’ll Never Know của Alice Faye trong phim Hello, Frisco, Hello (1943) và Four Jills in a Jeep (1944). Dù vậy, nó được cài cắm khá đột ngột trong mạch phim, không ăn khớp với tình huống trước và sau đó.
-
Câu chuyện xoay quanh một hành trình anh hùng của một thanh niên tên là Jen. Jen là một Gelfling, một loài sinh vật nhỏ bé với sự kết hợp giữa con người và elfin, đang sống trong một thế giới bị chia rẽ. Các Gelfling đã bị suy giảm số lượng sau khi một nhóm sinh vật xấu xa gọi là Skeksis chiếm đoạt quyền lực và áp bức các loài khác.
Jen được giao một nhiệm vụ quan trọng: tìm một mảnh vỡ của một viên pha lê tối (Dark Crystal) để cứu thế giới khỏi sự tàn phá của Skeksis. Viên pha lê này có khả năng giữ cân bằng cho thế giới, và nó đã bị phá hủy, dẫn đến sự lộn xộn và thống trị của Skeksis.
Trong hành trình của mình, Jen được hỗ trợ bởi một Gelfling nữ tên là Kira và những sinh vật kỳ bí khác như những con quái vật dạng chó gọi là Landstriders và những con vật bảo vệ tên là Mystics. Cả hai phải đối mặt với những thử thách khó khăn và chiến đấu chống lại sự tàn ác của Skeksis để khôi phục lại sự cân bằng cho thế giới.
Bộ phim nổi bật với kỹ thuật hoạt hình dừng hình độc đáo và thiết kế búp bê phức tạp, mang lại một thế giới tưởng tượng đầy màu sắc và chi tiết. "The Dark Crystal" không chỉ là một câu chuyện phiêu lưu hấp dẫn mà còn có nhiều chủ đề sâu sắc về sự hy sinh, sự tái sinh và sự hòa hợp với tự nhiên.
-
Bộ phim hoạt hình ngợi ca sự tự do, tình bạn cũng như phô bày những mặt trái của môn thể thao đấu bò.
Ferdinand là phim hoạt hình mới nhất của Blue Sky Studios (xưởng phim đã tạo ra hai loạt phim thành công Ice Age và Rio). Tác phẩm dựa trên tiểu thuyết The Story of Ferdinand của nhà văn Mỹ Munro Leaf. Dự án gây chú ý khi mời võ sĩ đấu vật John Cena lồng tiếng cho vai chính. Trước ngày ra mắt ở Mỹ (15/12), Ferdinand nhận cú hích khi được đề cử giải Quả Cầu Vàng "Phim hoạt hình xuất sắc".
Câu chuyện kể về chú bò Ferdinand, vốn được nuôi dưỡng và huấn luyện để trở thành bò đấu. Trong khi những người bạn luôn khao khát trở thành đấu sĩ dũng mãnh, Ferdinand từ nhỏ không thích đánh nhau mà chỉ thích ngửi hoa. Nhân một lần chủ trại sơ hở, cậu trốn thoát và lạc đến trang trại của một người nông dân. Tại đây, chú bò lớn lên và có tình bạn đẹp với cô chủ Nina.
Năm tháng trôi đi, Ferdinand trở thành chú bò cường tráng với sức mạnh vô địch. Vì gây ra một sự cố ở lễ hội hoa, cậu bị bắt quay lại trang trại huấn luyện bò ngày trước. Ferdinand cố thuyết phục những người bạn mình từ bỏ mộng chiến đấu và lập kế hoạch trốn thoát.
Mượn nhân vật và câu chuyện từ văn học, các nhà làm phim sáng tạo kịch bản trở nên phức tạp, lớp lang và cuốn hút hơn. Phim điện ảnh không chỉ là câu chuyện về một chú bò yêu hoa chạy nhởn nhơ trên đồng cỏ như truyện mà còn phản ánh khát vọng tự do, chống lại sự sắp đặt của số phận. Để có được sự tự do, Ferdinand trải qua rất nhiều thử thách, thậm chí phải đánh cược cả tính mạng.
Mô-típ động vật chạy trốn vì tự do từng được thể hiện qua nhiều phim trước đó như Chicken Run, loạt phim Madagascar, Finding Dory. Tuy nhiên, các nhà làm phim vẫn tìm được khía cạnh mới để khai thác cho Ferdinand khi lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống Tây Ban Nha như đấu bò, lễ hội hoa, những vũ điệu đường phố.
Phim phơi bày sự tàn nhẫn của trò đấu bò - môn thể thao giải trí đặc trưng của người Tây Ban Nha nhưng cũng vấp phải rất nhiều chỉ trích vì tính đẫm máu. Ở trò chơi này, những con bò nắm chắc cái chết, nếu không phải dưới tay đấu sĩ trên đấu trường thì cũng là ở lò mổ. Những chú bò lực lưỡng ôm mộng tỏa sáng trên đấu trường không hay biết rằng cơ bắp của chúng không thể nào đấu lại bộ não tinh khôn đã qua nhiều triệu năm tiến hóa của loài người.
Giữa đám cơ bắp ấy lại xuất hiện một chú bò “tướng vạm vỡ, tim ngây thơ”, khác biệt với số đông. Vì sự đối lập giữa ngoại hình đồ sộ và tính cách hiền lành, Ferdinand gây ra hàng loạt những tình huống hài hước. Tuy nhiên, kịch bản không hướng chú bò theo hướng hậu đậu, vụng về để gây cười đơn thuần, mà xây dựng một nhân vật có chiều sâu trong tâm lý.
Ferdinand từ chối chiến đấu không phải vì nhút nhát, mà đơn giản là bởi không muốn đi theo vết xe đổ của cha mình hay những con bò hung hăng và hiếu thắng khác. Chính tính cách này đã biến Ferdinand trở thành con bò tỉnh táo và khôn ngoan nhất trong đám cơ bắp. Chú bò không chỉ biết tận hưởng cuộc sống của riêng mình mà còn hết lòng vì bạn bè, hy sinh bản thân để cứu người khác.
Về nội dung, Ferdinand hội tụ đủ những yếu tố để làm hài lòng nhiều đối tượng khán giả. Người xem tìm thấy những tiếng cười vui vẻ nhưng cũng có những giây phút lặng đi vì xúc động, tiêu biểu như tình tiết liên quan đến cha của Ferdinand. Tác phẩm cũng đan cài nhiều pha hành động, rượt đuổi hồi hộp khi nhân vật đứng giữa ranh giới sống chết. Chú bò và đồng đội có những lần vào sinh ra tử, cứu nhau khỏi lưỡi cưa sắc lạnh của lò mổ, đối mặt với lưỡi kiếm sắc nhọn trên đấu trường, chạy trốn khỏi sự rượt đuổi ráo riết của con người.
Bên cạnh điểm cộng về câu chuyện, phim cũng thành công về mặt hình ảnh. Trong phim xuất hiện hai bối cảnh đối lập. Một bên là trang trại huấn luyện bò đấu với tường bê tông kiên cố, hàng rào sắt, dây kẽm gai có dòng điện. Một bên là trang trại của một người nông dân với những triền đồi cỏ xanh tươi tốt, những loại hoa đua nhau khoe sắc. Bối cảnh trại huấn luyện bò phản ánh sự tù túng, khắc nghiệt, đôi khi được đẩy cao trong những đêm trăng lạnh lẽo. Trong khi đó, ở nông trại kia, Ferdinand tìm thấy cuộc sống yên bình và tự do mà cậu hằng ao ước.
Năm tháng trôi đi - từ khi Ferdinand chỉ là một cậu bê đến khi trở thành một con bò lực lưỡng - được thể hiện bằng hình ảnh và âm nhạc, không có một câu thoại nào. Lối mô tả khái quát hóa giúp khán giả cảm nhận được độ dài của thời gian, cũng như sự êm đềm trong cuộc đời Ferdinand, trước khi những sóng gió ập đến.
Hình ảnh bò Ferdinand từng xuất hiện trên màn ảnh một lần trong phim hoạt hình ngắn Ferdinand the Bull, ra mắt năm 1938. Trong phim mới, với lợi thế về kỹ xảo, các nhà làm phim đã tạo hình một chú bò chân thực, sống động và tinh tế trong từng biểu cảm khuôn mặt. Ở trận đấu sinh tử, người xem thấy được nét ngây thơ trong đôi mắt chú bò và những tia lửa lẫn máu trong đôi mắt người đấu sĩ. Trích đoạn phô diễn sự ngược đời khi con người còn hung hăng hơn cả bò đấu.
-
Ứng viên sáng giá của danh hiệu “Phim hay nhất” tại Oscar lần thứ 89 là tác phẩm xúc động và tinh tế về đề tài người đồng tính da màu.
Moonlight - chuyển thể từ vở kịch In Moonlight Black Boys Look Blue - là phim dài thứ hai của đạo diễn Barry Jenkins, sau tác phẩm Medicine for Melancholy năm 2008.
Khai thác đề tài xung đột xã hội và sắc tộc của người da màu Mỹ, Moonlight xoay quanh cuộc đời của Chiron. Mồ côi cha, Chiron lớn lên trong cảnh túng thiếu tại một thành phố ven biển Miami (Mỹ). Bà Paula – mẹ cậu – là một người nghiện ngập và thường xuyên đem đồ trong nhà đi bán để lấy tiền mua ma túy. Có tính khí trầm lắng và hơi yếu đuối, Chiron thường xuyên bị bắt nạt ở trường và bị bạn bè gọi là "Little". Một ngày, cuộc gặp gỡ với Juan – một gã buôn ma túy nhưng có tính cách cao thượng – thay đổi cuộc đời Chiron.
Juan và cô bạn gái Teresa dang rộng vòng tay che chở cho cậu bé đáng thương, dạy cậu những bài học để có thể tồn tại trong xã hội đầy rẫy tội ác, ma túy, kỳ thị của người da màu ở Mỹ.
Cuộc đời Chiron chia làm ba giai đoạn – khi còn bé, thời trung học và khi trưởng thành – với ba diễn viên đảm nhận. Đạo diễn Barry Jenkins không để cho họ gặp nhau trên trường quay mà ghi hình riêng rẽ vì muốn các diễn viên thể hiện vai diễn theo đúng bản năng và cách cảm nhận khi đọc kịch bản. Đề tài về xã hội người da màu ở Mỹ luôn được Hollywood khai thác hàng năm với bao câu chuyện ngọt đắng. Tuy nhiên, Barry Jenkins đã tự tách mình ra khỏi làn sóng các phim cùng chủ đề, biến Moonlight trở thành một tác phẩm ghi nhiều dấu ấn và có thể coi là một trong những phim đồng tính xuất sắc trong lịch sử điện ảnh.
Moonlight mang phong cách kể chuyện cổ điển Hollywood. Tuy vậy, lối xây dựng tình huống, xung đột và hướng giải quyết từng chi tiết một cách tinh tế đã tạo nên sức hút cho bộ phim suốt 111 phút. Cảm xúc của nhân vật Chiron từ khi còn là một cậu bé, nhận thấy mình khác biệt so với những đứa trẻ khác, lớn lên, học cách thích ứng với cuộc sống trong một xã hội bạo lực, phân biệt và rồi trưởng thành được đưa đẩy một cách gần gũi, thuyết phục. Dù thế giới xung quanh mình có khắc nghiệt đến đâu, Chiron vẫn giữ được lòng vị tha, một tâm hồn nhạy cảm.
Khi theo dõi từng bước đi trong cuộc đời của cậu bé da màu, nhiều người xem không khỏi rưng rưng, nhói lòng trước những bi kịch mà Chiron phải trải qua. Sống với một người mẹ nghiện ngập, Chiron lúc nào cũng cảm thấy cô đơn. Trong đám đông, cậu là người rụt rè, ngại tiếp xúc, va chạm. Các chi tiết nhỏ được xây dựng chẳng cần lên gân hay quá nhiều bạo lực, nước mắt nhưng ở đó, khán giả có thể hình dung được xã hội mà Chiron đang sống. Những chi tiết đắt giá có thể kể đến như trường đoạn Juan dạy Chiron tập bơi trên biển, nụ hôn đầu đời hay giấc mơ về người bạn thời thơ ấu.
Ánh trăng trong phim là hình ảnh mang tính biểu tượng, mang thông điệp về sắc tộc rất mạnh mẽ. Juan đã nói với Chiron hồi nhỏ: "Dưới ánh trăng, màu da đen trở thành màu xanh dương". Câu chuyện của Moonlight phản ánh cuộc đấu tranh nhân quyền của người da màu ở một đất nước đề cao sự tự do như Mỹ. Nhưng trên hết, đây còn là một câu chuyện đẹp về tình yêu, về những con người vượt qua giới hạn của bản thân, hoàn cảnh sống để tự đi tìm cho mình một con đường riêng dù không bằng phẳng.
Ba thời kỳ của nhân vật Chiron cũng giống như ba giai đoạn của cuộc đời – giai đoạn thơ bé ngây ngô, trong sáng, lớn lên có sự vấp ngã đầu tiên, những giấc mơ tan vỡ và rồi giai đoạn trưởng thành khi đã biết chung sống cùng những nỗi đau.
Dàn diễn viên của Moonlight có màn thể hiện xúc động. Alex R. Hibbert mang đến một Chiron của thời thơ ấu đầy trong trẻo và rụt rè. Ashton Sanders tạo nên hình ảnh Chiron thời niên thiếu dễ bị tổn thương nhưng ẩn sau vẻ ngoài yếu đuối là một ý chí đầy mạnh mẽ. Cuối cùng, Trevante Rhodes là hình tượng từng trải, rắn rỏi của Chiron khi trưởng thành.
Các diễn viên phụ cũng đảm nhận xuất sắc vai trò của mình. Đặc biệt, Naomie Harris – người vào vai bà mẹ nghiện ngập – hoàn thành vai diễn chỉ trong ba ngày. Không nhiều đất diễn nhưng nữ diễn viên người Anh gốc Jamaica và Trinidad biết tận dụng từng khoảnh khắc để thể hiện sự túng quẫn, tuyệt vọng của một bà mẹ đơn thân nghiện ma túy và cả những giọt nước mắt hối hận khi về già. Nữ ca sĩ xinh đẹp Janelle Monáe cũng cho thấy tiềm năng diễn xuất dù xuất hiện không nhiều, trong vai diễn Teresa.
Bất chấp kinh phí chỉ 5 triệu USD, Barry Jenkins vẫn cho thấy tài năng kể chuyện ở bộ phim điện ảnh thứ hai trong sự nghiệp. Từng khuôn hình của Moonlight đậm chất thơ từ bố cục, ánh sáng, góc quay cho tới cách sử dụng âm thanh, âm nhạc. Tông màu tươi sáng từ đầu phim dần trở nên u tối hơn về sau nhưng cái kết lại mang một màu sắc lạc quan, nhẹ nhàng, đủ để người xem cảm thấy hài lòng và mỉm cười khi xem xong. Moonlight là câu chuyện về người da màu nhưng thành công nhất của Barry Jenkins là chạm được tới tâm lý, cảm xúc của đại chúng, không phân biệt màu da, sắc tộc.
Moonlight được thực hiện với một êkíp khá gọn, trong đó đạo diễn hình ảnh hay hai nhà dựng phim đều là bạn thân của Barry Jenkins. Tác phẩm này gây sốt tại các liên hoan phim quốc tế cuối năm 2016, được vô số nhà phê bình phim ca ngợi với số điểm cao chót vót. Tại Quả Cầu Vàng hồi tháng 1, Moonlight giành giải "Phim tâm lý hay nhất". Khi Viện Hàn lâm công bố đề cử Oscar 2017, phim tiếp tục gây bất ngờ khi được xướng tên tranh giải ở tám hạng mục quan trọng.
Đang có mặt tại Liên hoan phim Rotterdam (Hà Lan) để ra mắt Moonlight và trò chuyện với khán giả tại đây, Barry Jenkins tỏ ra bất ngờ trước tám đề cử Oscar nhưng không kỳ vọng nhiều. Đạo diễn da màu sinh năm 1979 cho biết thay vì ở Mỹ ăn mừng sau khi Viện Hàn lâm công bố các đề cử, anh tiếp tục đưa Moonlight đi các liên hoan phim quốc tế để bộ phim đến được với nhiều khán giả hơn nữa.
-
Tác phẩm gây choáng ngợp về hình ảnh và âm thanh, bứt phá khỏi lối kể thông thường của các phim cùng thể loại.
Dunkirk đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn Christopher Nolan thử sức với dòng phim chiến tranh. Phim tái hiện cuộc di tản của quân Đồng minh khỏi Dunkirk (Pháp) đầu Thế chiến thứ hai. Ngay khi dự án bắt đầu, nhiều người đặt câu hỏi liệu một "quái kiệt" như Nolan sẽ làm thế nào để phô diễn sự khốc liệt của chiến tranh, đồng thời vẫn giữ phong cách nghệ thuật của mình.
Kịch bản phim gồm ba câu chuyện ở dưới đất, trên biển và trên không. Ở dưới đất, hơn 400.000 quân Đồng minh tụ tập ở bờ biển chờ giải cứu sau khi nước Pháp thất thủ. Trong khi đó, lực lượng cứu viện từ Anh vội tiến đến, bao gồm những con tàu của thường dân được huy động và một nhóm chiến đấu cơ.
Với cách kể bất đối xứng về thời gian, đạo diễn tạo ra sự trúc trắc trong đường dây. Hành trình của nhóm lính diễn ra trong một tuần, đoàn tàu di chuyển trong một ngày còn câu chuyện trên không trung kéo dài một giờ. Mặc dù vậy, phim không quá thách thức người xem như Memento (2000) - tác phẩm nổi tiếng của ông. Đến cuối cùng, ba tuyến chuyện nhập lại, thể hiện chủ đề chung về chiến tranh và mất mát.
Nhà làm phim 47 tuổi phá vỡ khuôn mẫu của dòng phim chiến tranh bằng việc từ bỏ những chi tiết quen thuộc. Phim không có sự xuất hiện của Thủ tướng Anh Churchill và các lãnh đạo ở London (Anh), cũng vắng bóng trích đoạn hồi tưởng của các cựu binh khi về già. Dunkirk không ca ngợi vinh quang, bởi sự kiện thực chất là một cuộc tháo chạy. Trong phim, quân Đức chẳng xuất hiện mà chỉ được thể hiện qua những trận mưa đạn bom dội xuống. Họ như một quái vật, lảng vảng xung quanh và gieo rắc nỗi ám ảnh thường trực cho binh sĩ Đồng minh.
Trong Dunkirk, Nolan triệt tiêu chủ nghĩa anh hùng cá nhân với việc không để ai là nhân vật chính. Điều này giúp tránh đi vào lối mòn của nhiều phim chiến tranh trước đây. Khán giả có lúc theo chân chàng lính Tommy (Fion Whitehead) để giành giật mạng sống, có lúc đi cùng thuyền trưởng Dawson (Mark Rylance) trong chuyến hải trình sóng gió, có lúc hồi hộp cùng chàng phi công Farrier (Tom Hardy) trong buồng lái.
Mỗi nhân vật - dù xuất hiện với thời lượng ngắn - đều để lại ấn tượng. Vai diễn của Mark Rylance là mẫu người chính trực, yêu nước - giống vai đem về cho ông giải Oscar trong Bridge of Spies. Diễn viên Cillian Murphy cho khán giả thấy mặt tối của chiến tranh trong vai người lính bị sợ hãi sau sang chấn. Dù che mặt trong hầu hết phim và có rất ít thoại, ngôi sao Tom Hardy vẫn bộc lộ sự dũng cảm qua ánh mắt. Nhân vật của anh giải quyết mọi tình huống với tác phong chuyên nghiệp và sự bình thản.
Trong khi đó, nhóm nhân vật binh sĩ tạo ra nhiều xung đột nhất. Không chỉ gặp áp lực từ kẻ thù, họ còn trải qua thử thách về thể chất lẫn tinh thần. Điều kiện sống khắc nghiệt khiến nhóm lính hao mòn, còn lòng trông ngóng cuộc giải cứu khiến họ ngày càng mất niềm tin. Khi cái chết cận kề là lúc bản tính con người bộc lộ rõ nhất và câu hỏi về sự đoàn kết của quân Đồng minh được đặt ra. Nolan khéo chơi chữ khi đặt tựa cho câu chuyện trên bộ là "The Mole", vừa có nghĩa là "đê chắn sóng" (nơi nhóm lính ẩn náu), vừa mang nghĩa "gián điệp" - ẩn dụ cho một chi tiết được khéo léo đan cài để tăng kịch tính.
Phim không nhấn mạnh vào sự kinh hoàng bằng khói lửa, mà thể hiện điều đó qua những hành động nhỏ của con người và các xung đột nội tâm. Ngoài ý nghĩa về sinh tồn và tranh đấu - vốn không mới với thể loại này, tác phẩm còn toát lên sự phức tạp của chiến tranh. Mọi người như các bánh răng trong một cỗ máy khổng lồ và mạng sống đôi khi phụ thuộc vào người khác. Mới trước đó, người phi công diệt kẻ thù để bảo vệ con tàu, nhưng khi rớt xuống nước, đến lượt anh phải cậy nhờ sự giúp sức của các thuyền viên.
Đạo diễn tiếp tục chứng tỏ trình độ bậc thầy trong việc phối hợp hình ảnh và âm thanh để tạo ra trải nghiệm độc đáo. Theo nhà làm phim, 80% cảnh được quay bằng máy IMAX để phục vụ việc trình chiếu ở những màn hình lớn hơn chuẩn thông thường. Được quay kết hợp bởi máy quay IMAX 65 mm và phim khổ 65 mm, Dunkirk phô diễn vẻ đẹp điện ảnh trong nhiều cảnh toàn, nhất là các trích đoạn máy bay chiến đấu nghẹt thở. Để thực hiện các cảnh này, nhà làm phim gắn máy IMAX lên các phi cơ và ghi hình trực tiếp khi chúng đang bay.
Góc nhìn liên tục được dịch chuyển giúp người xem chứng kiến sự kiện một cách toàn vẹn nhất. Đôi khi máy quay đi sau lưng hoặc nghiêng theo nhân vật, khiến khán giả thấy như hòa mình vào câu chuyện. Trong khi đó, cú máy đầu phim - với ba chàng lính trẻ bước đi trong mớ truyền đơn tiên đoán trước vận mệnh của họ - thể hiện rõ chất nghệ thuật của đạo diễn.
Âm thanh của Dunkirk được pha trộn giữa tiếng động của chiến tranh và phần nhạc của Hans Zimmer - nhà soạn nhạc nổi tiếng nhiều lần cộng tác với Nolan. Lối chuyển dịch âm lượng của phim luôn khó đoán. Khán giả đang chìm trong những khoảng lặng ngột ngạt thì bất ngờ bị "phủ đầu" bằng tiếng bom đạn chói tai như muốn phá vỡ không gian. Có thể nói, tiếng động trong phim như một người dẫn chuyện vô hình, dẫn dắt người xem qua từng mạch cảm xúc của các nhân vật.
Điểm hạn chế nhỏ của phim nằm ở chính lối xây dựng của Nolan. Các nhân vật là công cụ để truyền tải những ý tưởng lớn lao của đạo diễn, nhưng thiếu một chút cá tính, một chút đời thường để tạo sự gần gũi. Với những khán giả đã xem qua nhiều phim cùng thể loại, họ có thể ngợi ca toàn thể câu chuyện, nhưng ít xúc động với riêng nhân vật nào.
-
"Inception" của Christopher Nolan vẫn gây ấn tượng thị giác kèm những bí ẩn kích thích người yêu điện ảnh giải mã sau 10 năm.
Tháng 7 năm nay, phim khoa học - viễn tưởng Inception của đạo diễn Christopher Nolan kỷ niệm 10 năm công chiếu. Bộ phim đã trở thành hiện tượng phòng vé khi ra mắt với hơn 820 triệu USD toàn cầu. Inception cũng được giới phê bình đón nhận, giành bốn trên tám đề cử giải Oscar.
Inception lấy bối cảnh khi quân đội đã phát triển công nghệ chia sẻ giấc mơ, được những người như Dom Cobb (Leonardo DiCaprio) tận dụng để đột nhập vào giấc mơ của đối tượng nhằm khai thác thông tin. Năng lực này khiến Cobb được săn đón trong giới tình báo và xã hội đen nhưng cũng biến anh thành tội phạm bị truy nã toàn cầu, không thể về Mỹ gặp gia đình.
Cobb được nhà kinh doanh Saito (Ken Watanabe) đề nghị thực hiện phi vụ đặc biệt, đổi lấy sự xóa tội: gieo ý tưởng mới vào trí óc một doanh nhân, thao túng anh ta hủy bỏ cơ nghiệp do người cha mới qua đời để lại. Sát cánh cùng Cobb là một đội ngũ chuyên nghiệp, mỗi người một chuyên môn khác nhau, gồm Ariadne (Ellen Page), Eames (Tom Hardy) và Arthur (Joseph Gordon-Levitt).
Theo The Conversation, câu hỏi đâu là mơ, đâu là thực vẫn tồn tại xuyên suốt 10 năm với khán giả xem phim. Trong khi các tác phẩm khác của Nolan như Memento (2000), Insomnia (2002), The Prestige (2006) xây dựng các nghịch lý phức tạp về thời gian, không gian, những chiều kích, Inception tiến thêm một bước khi khám phá sự thao túng và biến dạng của cả ba yếu tố này. Bối cảnh câu chuyện đặt trong tiềm thức. Và không phải một thế giới tiềm thức đơn lẻ mà là hàng tỷ thế giới kết nối với nhau. Phim cũng chuyển đổi liên tục giữa trạng thái thực và mơ. Người xem khó nhận ra mình đang ở thế giới nào, trong tâm trí của nhân vật này hay nhân vật khác. Vì thế, phim khiến khán giả luôn khám phá ra điều mới mẻ mỗi khi xem lại hoặc diễn giải lại chính những gì họ nghĩ trước đó.
Suốt phim, đạo diễn gieo những "totem" (vật thể tinh thần gắn với nhân vật) để khán giả theo đó lần tìm xem nhân vật ở thế giới nào. Cái kết mơ hồ của phim - với sự xuất hiện của "totem" con quay - là một trong những điều gây suy đoán nhiều nhất. Con quay của Cobb ở đầu phim, đại diện cho thế giới trong mơ, vẫn quay ở cuối phim. Tranh cãi liệu cái kết diễn ra trong mơ hay thế giới thực vẫn được khán giả bàn luận.
Mới đây trên The Independent, nam diễn viên Michael Caine - đóng vai cha của Cobb - đưa ra lý giải của ông. Caine cho biết theo Nolan, mỗi cảnh có mặt ông sẽ là thế giới thật. Do vậy, cái kết của phim - khi Cobb đoàn tụ với các con và cha - không phải trong mơ. Theo The Conversation, đây là một cách diễn giải hợp lý, khi gia đình là động lực chính của các nhân vật trung tâm trong phim của Christopher Nolan. Ở hai phim Memento và The Prestige trước đó, nhân vật muốn trả thù cho những người vợ đã chết. Trong Inception, mong muốn đoàn tụ với con đã khiến Cobb tham gia nhiệm vụ. Tầng lớp cảm xúc này khiến Inception có kết nối mạnh mẽ với người xem hơn là chỉ tập trung thuần túy vào hành động và quy mô như những phim heist (một nhánh của dòng phim tội phạm) cùng thể loại. Nguồn tin nhận định nếu không có khía cạnh gia đình, bộ phim sẽ không có linh hồn.
Một giả thuyết khác cho rằng totem của Cobb còn là chiếc nhẫn cưới. Cobb được cho là đeo nhẫn cưới trong giấc mơ và không đeo khi ở thế giới thực. Ở cảnh cuối, Cobb không đeo nhẫn cưới. Theo Screenrant, điều này phù hợp lý giải của Michael Caine về bối cảnh kết phim.
Bản thân đạo diễn muốn mỗi người xem tự rút ra cái kết cho riêng mình. Ông nói với Wired đã cùng đội ngũ sáng tạo nhiều biểu tượng xuyên suốt phim để khán giả có thể tự chiêm ngẫm ý nghĩa của chúng.
Điểm khác khiến phim vẫn hấp dẫn sau 10 năm là phần hình ảnh, khi đạo diễn chọn quay hiệu ứng thực tế thay vì kỹ xảo. Nhà quay phim Wally Pfister giải thích với tạp chí Empire: "Ý tưởng của Chris là khi ta mơ mọi thứ phải có cảm giác thật. Vậy nên ngoại trừ những cảnh nhân vật thao túng thế giới trong mơ, anh ấy không muốn khán giả biết đây là cảnh mơ hay thực".
Đội ngũ hiệu ứng quay bối cảnh thật kết hợp đồ họa vi tính để tạo ra những trường đoạn phi thực tế. Cảnh quán cà phê ở Paris nơi Cobb và Ariadne ngồi nổ tung được thực hiện với một hệ thống súng bắn không khí để phóng mảnh vụn quanh hai diễn viên, chỉ dùng kỹ xảo để thêm chi tiết đổ vỡ.
Tương tự, cảnh nhân vật Arthur chiến đấu với hai đối thủ trong một hành lang liên tục xoay cũng được xây dựng từ bối cảnh thật. Đoàn phim đã xây dựng một hành lang với trục khổng lồ có thể xoay 360 độ, cho phép các diễn viên có thể di chuyển và chạy lên các bờ tường hay trần khi nó xoay đi. Các máy quay vẫn được giữ nguyên để tạo cảm giác trọng lực bị bóp méo trong mơ. Đạo diễn chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Wired anh lựa chọn hiệu ứng thực tế bởi quá trình sáng tạo và thực hiện chúng mới đem lại cảm giác độc đáo cho bộ phim.
Cuối tháng 8, tác phẩm tiếp theo của đạo diễn Nolan, Tenet, ra mắt. Dù nó có trở thành một trong những phim hay nhất của thập niên 2020 hay không, Inception sẽ vẫn tiếp tục đọng lại trong tâm trí khán giả bởi tính ly kỳ, quy mô và những chi tiết được cài cắm cho các lời giải mới sau mỗi lần xem.
-
Trời ạ ai viết kịch bản phim này mà đỉnh dữ vậy huhuhu. Thám hiểm vũ trụ là một đề tài rất khô khan vì nó liên quan đến vật lý mà, mấy thuyết tương đối lằng nhằng gì đó. Nhưng vào phim thì đống lý thuyết đó chỉ lướt qua như một cơn gió thôi, chủ yếu thỏa mãn người xem chính là quá trình team thám hiểm đó đi vào vũ trụ như thế nào, phải đối mặt với những rủi ro không thể lường trước. Nhân vật chính có tới 3 lần đứng trên ranh giới sinh tử, xem thót tim thực sự.
Nhưng phim không chỉ có quá trình thám hiểm vũ trụ đầy mãn nhãn, mà còn có tình cha con, tình đồng đội, tình yêu rất cảm động, tuy vậy đạo diễn vẫn tập trung vào tình cảm cha con là chính, Cooper và Murph, Amelia và Dr. Brand, trời ạ tui đã khóc 3 hay 4 lần gì ý, sưng hết mịa mắt.
Xem xong lúc hiện tên đạo diễn mới biết là Christopher Nolan, người viết kịch bản là anh của ông – Jonathan Nolan, thảo nào phim hay vậy. Và tất nhiên, đặc trưng của phim ông chính là twist, và connection, cho nên đoạn đầu chiếu một thước phim tài liệu có mấy ông bà già nói nói gì đó khiến tui khó hiểu thực sự, nhưng xem đến đoạn cuối phim người ta sẽ phải thốt lên “Ồ hóa ra là vậy.”
Đối với tui thì nội dung khá dễ hiểu, kịch tính, cảm động, đầy đủ yếu tố giữ chân tui xem hết nó. Mặc dù phim về thám hiểm hố đen nhưng đầu phim lại chỉ tập trung vào gia đình nhân vật chính – gia đình Cooper. Đầu tiên tui cứ nghĩ cô con gái Murph là main cơ, nhưng thật ra không phải, main là người bố – Cooper. Cooper trước đây từng là phi công giỏi nhất NASA, nhưng vì một vụ tai nạn khi đang bay qua eo biển mà hiện tại ông chỉ là một người nông dân mẫu mực.
Tại sao Cooper lại chọn làm nông dân? Nói về bối cảnh Trái Đất hiện tại: bụi, nấm mốc, … khiến con người đang có nguy cơ tuyệt chủng, có thể do chết ngạt hoặc do chết đói. Trái Đất giờ đây đã không còn là nơi lý tưởng cho con người sinh sống nữa, tận thế sắp đến gần khiến họ phải tìm kiếm một ngôi sao khác giống Trái Đất để sinh sống. Nhưng ai quan tâm đến nó chứ, người dân giờ đây còn không có đủ lương thực để ăn, nói gì đến chuyện thám hiểm vũ trụ. Nếu người dân đó biết chính phủ dùng những đồng tiền của họ đập vào NASA chỉ để tìm kiếm một hy vọng mong manh thì họ sẽ biểu tình mất, do vậy mà NASA hiện tại chính là căn cứ bí mật nhất thế giới, không ai có thể biết tọa độ chính xác của nó.
Nhưng Cooper và con gái ông – Murph lại tìm được tọa độ này, nhờ vào một thứ siêu nhiên huyền bí mà Murph gọi là “ghost”, đã gửi cho 2 bố con họ tọa độ NASA dưới dạng mã nhị phân mã hóa. Vậy là Cooper đã quay trở lại NASA, và NASA rất cần ông – người trước đây từng là phi công giỏi nhất của họ. Nhưng giờ đây ông phải đứng trước sự lựa chọn, ra đi hoặc ở lại.
Ra đi – Cooper sẽ lái con tàu vũ trụ với 3 nhà khoa học đồng hành nữa tìm kiếm hy vọng cứu thế giới, và bỏ lại gia đình, bỏ lại Murph yêu quý. Ở lại – Cooper được ở lại với gia đình, nhưng cuộc sống chỉ là công việc làm nông nhàm chán, không biết mình sẽ chết như thế nào, tương lai mờ mịt. Vì vậy, Cooper chọn ra đi, ra đi để được sống như một phi công bay lượn, được cống hiến hết mình trước khi kết thúc cuộc đời này, mặc cho Murph gào khóc, mặc cho thế lực siêu nhiên đó bảo ông “STAY” – Hãy ở lại.
Nhưng nhiệm vụ của Cooper đâu chỉ có thế, ông lại tiếp tục phải đứng trước sự lựa chọn, Plan A hay Plan B. Plan A – cứu tất cả mọi người trên Trái Đất, mang họ đến hành tinh mới sau khi tìm được nó. Plan B – bỏ mặc tất cả họ, mang trứng và tinh trùng thụ tinh lên hành tinh mới rồi cho nó tự sinh sôi, con người sẽ sinh sản với cấp số nhân, và cuộc sống mới lại bắt đầu. Tất nhiên, Cooper luôn chọn Plan A – vì ông luôn đặt gia đình mình lên trên hết, thế nhưng hoàn cảnh sau đó mà ông phải đối mặt lại khó khăn hơn bao giờ hết, hoặc chết, hoặc Plan B.
Lựa chọn là việc khó nhất trong cuộc đời mỗi con người mà. Đoàn thám hiểm của Cooper có 4 người, hành trình của họ rất rất dài, con tàu vũ trụ bay từ Trái Đất, qua sao Hỏa, sao Mộc để đi tới lỗ giun ở sao Thổ. Lỗ giun là thuyết tương đối của Einstein – bẻ cong không gian và thời gian cho phép bạn đi đường tắt đến một nơi cách bạn cả ngàn năm ánh sáng, kiểu giống dịch chuyển tức thời đó (ai muốn tìm hiểu kỹ hơn thì google nhá).
Vượt qua lỗ giun, Cooper đến gần với hố đen Gargantua hơn bao giờ hết, đối mặt với “chân trời sự kiện”, thứ mà ngay cả ánh sáng còn không thoát ra được. Cooper phải đánh cược, hoặc hết hy vọng, hoặc bay vào hố đen. Tất nhiên sự thật trong hố đen có gì đến nay còn chưa khẳng định được – mọi thứ rơi xuống đây đều bị lực hút khổng lồ xé nát thành bụi. Nhưng phim mà, ảo lắm, nói chung thì Cooper chui vào hố đen xong vẫn nguyên vẹn, còn được gặp lại con gái Murph yêu quý nhưng chỉ nhìn được, không chạm được. Hóa ra, thế lực siêu nhiên bắt đầu cho tất cả mọi thứ lại chính là bản thân ông ở tương lai, chui vào lỗ đen vượt không thời gian về lại quá khứ, gào thét với con gái, với bản thân mình “Đừng đi, thằng ngu.” Nhưng tất nhiên, quá khứ mãi mãi không thể thay đổi.
Cooper phải vượt qua rất nhiều khó khăn, nhưng đáng sợ nhất, khiến ông bước đến ranh giới sinh tử lại không phải tự nhiên, mà là con người. Vì sinh tồn, có thể lừa dối; vì kiêu ngạo, có thể lừa bịp; vì sống sót, có thể giết cả ân nhân của mình; con người chính là thứ đáng sợ hơn tất cả.
Nhưng vượt qua tất cả, Cooper vẫn quay về được thiên hà thân thương, trôi dạt trong vũ trụ, suýt chết vì thiếu oxi, và người cứu ông lại chính là con gái ông, Murph – giờ đây đã già lụ khụ – hấp hối trên giường bệnh. Vì chênh lệch thời gian hoàn thành quỹ đạo của một số hành tinh Cooper thám hiểm, kiểu như một giờ ở hành tinh A nào đó bằng 7 năm ở Trái Đất, nên mới có khoảng cách tuổi tác như vậy. Tính ra thì đoạn cuối phim Cooper đã 124 tuổi rồi, dù ông vẫn chẳng thay đổi gì, vậy thì tính ra con gái ông đã đợi ông hơn 84 năm rồi. Và chính nhờ tình cha con đó mà gia đình Cooper giờ đây chính là huyền thoại của thế giới, là anh hùng đã cứu Trái Đất khỏi tận thế.
Trong phim còn một nữ chính nữa, Amelia – nhà khoa học – một trong 3 nhà thám hiểm đi cùng Cooper, do Anne Hathaway thủ vai. Một từ thôi – xinh vl – ngắm Anne thôi cũng đủ đã mắt rồi. Chị Amelia này cũng là một nhân vật mấu chốt, nhưng thôi tui không nói nhiều về chị đâu, có gì thì xem phim thôi mọi người, đảm bảo không thất vọng một chút nào. Huhuhu lâu lắm rồi mới xem một bộ phim đỉnh cao như vậy. Nói thật chứ tui thấy nội dung đỉnh như vậy phải được giải Oscar cho phim hay nhất chứ, vậy mà chỉ được giải Oscar cho hiệu ứng xuất sắc nhất, đùa.
-
TDKR là tập cuối cùng trong bộ trilogy về Batman – nhân vật giả tưởng của DC Comics (Bob Kane) đã xuất hiện từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đã có rất nhiều bộ phim, nhưng đến khi nhân vật này xuất hiện trên màn ảnh rộng qua bàn tay nhào nặn của đạo diễn tài ba Christopher Nolan, hình tượng Batman mới thực sự trở thành một huyền thoại điện ảnh – một tượng đài cho kiểu phim siêu anh hùng mà có lẽ còn lâu lắm mới bị lật đổ. Chris Nolan đã thực hiện một trilogy trọn vẹn về cuộc đời của Bruce Wayne, bắt đầu từ sự sụp đổ tinh thần sau cái chết của bố mẹ (Batman Begins) đến khi yên ấm bên Selina Kyle (TDKR).
Với thành công tuyệt vời của The Dark Knight (TDK), việc khán giả kỳ vọng rất nhiều vào một phần 3 còn xuất sắc hơn phần 2 là điều dễ hiểu. Nói chính xác hơn, người ta mong chờ ở Nolan một bộ phim mới lạ, đột phá và hoàn hảo. TDKR không vươn được đến tầm như thế, thậm chí theo ý của tui, về tổng thể, TDKR chưa hẳn đã vượt qua được cái bóng của TDK. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa TDKR không hay. Đây vẫn là một bộ phim tuyệt vời của Chris Nolan, một kết thúc quá epic cho thiên anh hùng ca của thập kỷ này.
Câu chuyện của TDKR bắt đầu 8 năm sau cái chết của Harvey Dent. Batman đã trở thành kẻ ngoài vòng pháp luật trong tâm trí người Gotham vì một sự dối trá được chủ ý để đánh đổi cho sự yên bình của thành phố Gotham. Tuy nhiên, cái ác vẫn tồn tại và chờ đợi để trỗi dậy: Bane. Tui hy vọng đừng ai so sánh Bane với The Joker, thứ nhất vì sự tôn trọng dành cho Heath Ledger, thứ hai vì bản chất hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau. Không như The Joker ranh mãnh và ưa đùa giỡn, Bane sử dụng cơ bắp, sự tàn bạo và kế hoạch thâm độc của mình để khủng bố Gotham. Hắn đánh động vào tâm lý của người dân, gieo cho họ hy vọng một cuộc cách mạng sau khi hạ gục Batman dưới lòng đất rồi chiếm lĩnh thành phố của anh. Đối với Batman nói riêng và người dân Gotham nói chung, Bane là kẻ gieo rắc những nỗi đau khủng khiếp về cả thể xác và tinh thần. Có thể nhận thấy mỗi phần của trilogy đều mang một sắc thái riêng biệt: nỗi sợ trong Batman Begins, sự hỗn loạn trong The Dark Knight và nỗi đau trong The Dark Knight Rises.
Không ít người chê TDKR nhàm chán lặp lại motif kẻ thù xuất hiện – đánh gục anh hùng – anh hùng được bơm doping tâm lý – anh hùng chiến thắng. Xin thưa, tất cả các bộ phim anh hùng đều phải như thế. Cái hay của TDKR không nằm ở một nội dung mới lạ như Inception mà nằm ở cách phim kể chuyện cho chúng ta. Vẫn là một cách khai thác tâm lý quen thuộc của Chris Nolan, tìm về quá khứ của nhân vật để giúp khán giả thấu hiểu, sử dụng những cắt cảnh chồng chéo nhưng gọn gàng, Nolan chỉ trong nửa tiếng đầu phim đã nhanh chóng giúp chúng ta biết về một phần cuộc đời của tất cả các tuyến nhân vật quan trọng: Bruce Wayne, Alfred, Bane, Selina Kyle, John Blake v.v. Việc dàn trải quá nhiều nhân vật là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bộ phim thất bại, nhưng dưới bàn tay khéo léo của Chris Nolan, các câu chuyện được kể liền mạch, cuốn hút, không hề gây rối rắm cho người xem và vẫn giữ trọn được sự hứng thú của họ. Thật ngả mũ cho tài năng của ông. Nhờ cách kể chuyện này, TDKR đánh động vào cảm xúc của người xem, khiến tâm trí họ như tồn tại ở Gotham và hồi hộp, lo sợ theo dõi diễn biến số phận của các nhân vật. Cộng hưởng với âm nhạc tuyệt vời của Hans Zimmer, được sử dụng hợp lý đến từng giây, các khán giả của TDKR thấp thỏm, nổi da gà, thậm chí là rơi nước mắt là điều dễ hiểu.
Lần này tui không khen dàn cast trong phim diễn tốt nữa, vì họ dường như đã hóa thân 100%, trở thành nhân vật chứ không còn là diễn. Tui đặc biệt muốn nhắc tới Joseph Gordon-Levitt và Anne Hathaway. Joseph ngày càng chứng tỏ anh xứng tầm là sao loại A của Hollywood với một John Blake được thể hiện hoàn hảo. Blake là nhân vật được phát triển kỹ lưỡng nhất trong TDKR, hơn cả Batman. Anh có một vai trò then chốt trong việc thắp lại ngọn lửa hy vọng cho người dân Gotham, dàn xếp cho một cái kết đậm chất anh hùng. Anne Hathaway thì vượt qua tất cả sự mong đợi với một phiên bản Catwoman xuất sắc nhất tui từng được biết.
Hình ảnh của phim thì khỏi phải nói khi 2 thiên tài Chris Nolan và Wally Pfister kết hợp. Không thiếu những hình ảnh ẩn dụ, mà người ta kêu là ngôn ngữ điện ảnh. Nhà tù Pena Dura với cái hố sâu thông với mặt đất, là nguồn sáng cho mọi tù nhân chính là thử thách quan trọng nhất để Bruce Wayne vượt qua nỗi sợ hãi của mình, vượt qua mọi nỗi đau để trở về cứu giúp thành phố anh yêu. Hình ảnh Batman rực cháy trên cầu chính là đại diện cho sự trỗi dậy của Bruce, là ngọn lửa thắp lại hy vọng cho người dân Gotham, đồng thời cũng là sự đối đầu với bóng tối của Bane.
Khi xem lại lần thứ 2, tui nhận ra TDKR vẫn còn để lại một chút gợn. Không hiểu sao, TDKR rất dài, gần 3 tiếng đồng hồ, nhưng xem xong vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Có cảm giác như các nhân vật chưa được phát triển đến mức hoàn thiện. Chưa kể, cái chết của Bane là hết sức phản cao trào (để chuyển sang nhân vật phản diện Talia), khiến xung đột giữa Batman và Bane không được đẩy đến tột cùng. Phim cũng có plot hole, điển hình như quả bom hạt nhân nổ giữa biển như thế mà không tạo ra được một gợn sóng thần (?!). Tất cả những điều trên đều có thể bỏ qua được nhờ cái kết quá cảm xúc, quá tuyệt vời của phim. Nói như bạn N, cái kết đó là một sự toàn vẹn, viên mãn, happy ending cho cả trilogy. Tuy nhiên, với cá nhân tui, cái kết này làm tui lăn tăn hết sức. Vốn xem phim của Nolan quá nhiều, tui nhận thấy rất ít khi ông kết thúc bộ phim một cách trọn vẹn như thế. Tui nghi ngờ rằng Warner Bros. đã đề nghị một kết thúc rõ ràng đặng vài năm sau làm quả Justice League đối chọi với Avengers. Theo thiển ý của tui -
Câu chuyện bắt đầu với cuộc chiến khốc liệt giữa hai nhóm robot từ hành tinh Cybertron. Autobots, do Optimus Prime lãnh đạo, muốn cứu thế giới và bảo vệ loài người, trong khi Decepticons, do Megatron lãnh đạo, tìm cách chiếm đoạt Trái Đất để sử dụng nó như một nguồn năng lượng cho Cybertron.
-
Naboo, một hành tinh yên bình dưới sự trị vì của nữ hoàng trẻ và sáng suốt Amidala, đang đối mặt với nguy cơ từ phái Trade Federation, một nhóm xâm lược do chúa tể Sith và đệ tử của hắn, Darth Maul, điều khiển. Thống đốc Palpatine đang đảm nhận vai trò quân sư chính cho nữ hoàng, tuy nhiên ông đã nảy sinh nhiều nghi ngờ trong lòng mọi người.Để đối phó với tình hình khẩn cấp này, hai hiệp sĩ Jedi Qui-Gon Jinn và Obi-Wan Kenobi đã được triệu tập và gửi đến Naboo để can thiệp và giải quyết cuộc xung đột. Trên đường đi, họ đã gặp và nhận thêm một đệ tử Jedi trẻ tuổi, Anakin Skywalker, người sau này trở thành Darth Vader.
-
Bộ phim diễn ra sau cuộc chiến tranh dãy thiên hà kéo dài ba năm và cuộc chiến vô tính đang dần đến hồi kết thúc. Trong tình hình này, Hội đồng các hiệp sĩ Jedi giao nhiệm vụ cho Obi-Wan Kenobi để bắt giữ tướng Grievous, người đứng đầu đội quân ly khai Separatist, và đưa hắn ra xét xử vì tội lỗi đã gây ra. Trong khi đó, trên hành tinh Coruscant, thủ tướng Palpatine ngày càng gia tăng quyền lực của mình. Ông ta sử dụng sức mạnh chính trị để biến đổi chế độ cộng hòa thành đế quốc Galactic, nơi quyền lực và sự tham lam trỗi dậy. Đối với đồng minh thân cận, Anakin Skywalker, Palpatine dần hé lộ bản chất ác độc và hứa hẹn với phe Force để lôi kéo anh ta vào con đường tà ác...ính trị của ông ta đã từng bước biến đổi thể chế cộng hòa từng xa lánh chiến tranh thành một đế quốc Galactic hùng cường hiếu chiến. Đối với đồng minh thân cận nhất của mình, Anakin Skywalker, ông ta dần hé lộ bản chất thật sự của quyền lực nơi ông ta muốn hướng đến và lời hứa bí mật với phe Force trong một nỗ lực chiêu dụ anh đứng về phía ác...
-
Cậu bé Anakin đã trở thành một anh chàng Jedi đầy dũng cảm và quyến rũ sau mười năm. Đồng thời, nàng Padmé Amidala cũng trở thành một cô gái xinh đẹp và tuyệt vời. Trong quá trình quay trở lại để bỏ phiếu phản đối việc thành lập Đế chế Cộng hòa, Padmé đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ ám sát không thành công...Sau mười năm, cậu bé Anakin đã trưởng thành thành một chàng Jedi lớn mạnh và lôi cuốn. Đồng thời, nàng Padmé Amidala cũng trở thành một người phụ nữ xinh đẹp và tuyệt vời. Trong quá trình trở lại để tham gia cuộc bỏ phiếu chống lại việc thành lập Đế chế Cộng hòa, Padmé đã trở thành mục tiêu của một loạt vụ ám sát nhưng không một vụ nào thành công...
-
"Hostile" (Ngày Sinh Tồn) một lần nữa khai thác chủ đề hậu tận thế, nơi mà con người gần như đã biến mất sau một đại dịch do chính họ tạo ra. Dù trailer mang dáng dấp của một phim kinh dị, nhưng thực sự thì phim này lại có yếu tố tình cảm chiếm phần lớn thời lượng.
Juliette là một trong số ít người còn sống sót và lành lặn sau một đại dịch khủng khiếp đã quét sạch gần như tất cả các thành phố có con người sinh sống. Trong một chuyến đi kiếm nhu yếu phẩm, Juliette bị lạc tay lái, khiến chiếc xe lộn mấy vòng và bị lật. Tỉnh dậy, cô thấy trời đã tối mịt, chiếc xe bị lật úp, còn chân của mình thì bị gãy lòi xương ra ngoài. Trong đêm, những sinh vật lạ lùng và đáng sợ lại xuất hiện, luôn rình mò xung quanh Juliette để ăn thịt cô.
Đề tài mà bộ phim Ngày Sinh Tồn khai thác không hề mới, nó đã được khá nhiều phim điện ảnh cũng như phim truyền hình dài tập sử dụng làm nội dung chính, đơn cử như loạt phim đình đám The Walking Dead cũng đem chủ đề hậu tận thế ra để làm phim. Có lẽ nhà sản xuất biết được khán giả đã gần như chán đề tài cũ mèm này cho nên họ đã đưa vào trong phim một câu chuyện tình cảm đơn giản, câu chuyện đó đủ tốt để khán giả cảm thấy buồn khi xem tới đoạn kết.
Chỉ có một điều chưa hài lòng ở Ngày Sinh Tồn đó là cách họ kể chuyện đôi khi gây rối và làm khán giả khó hiểu khi hai mốc thời gian khác nhau diễn ra đan xen nhau trong cùng một bộ phim. Mặc dù đã có sự phân tách khá rõ về bối cảnh (hậu tận thế và thời kỳ trước đó) nhưng vẫn thiếu đi sợi dây liên kết ở khoảng nửa đầu của phim, làm cho người xem phân vân không hiểu chuyện gì đang diễn ra, hai câu chuyện ấy có liên quan gì với nhau hay không. Rất may ở ở nửa cuối, nếu tinh ý thì bạn sẽ dần nhận ra sự liên kết của hai mốc thời gian ấy.
Suốt bộ phim thì hầu như chỉ có nhân vật Juliette (Brittany Ashworth vào vai) đảm nhận trọng trách “gánh team”. Cũng may là diễn viên này có khả năng diễn xuất ở mức khá, tạo ra được những phen thót tim khi nữ chính bị những sinh vật lạ săn lùng. Những hành động như la hét trong tuyệt vọng, phòng thủ trong chiếc xe bị lật, tìm mọi cách để lẩn trốn khỏi nguy hiểm đều được nữ diễn viên Brittany Ashworth thể hiện tốt, các cảm xúc không bị lẫn lộn vào nhau, kể cả những trước và sau dịch bệnh.
Thật bất ngờ khi mà kinh phí sản xuất của Ngày Sinh Tồn chỉ có 1 triệu 200 ngàn USD nhưng vẫn mang lại hiệu ứng âm thanh tốt và ấn tượng. Khi Juliette bị sinh vật lạ dòm ngó, bạn sẽ cảm nhận được rất rõ từng chuyển động của nó, vòng từ trước ra sau, từ trái qua phải, tạo nên cảm giác hồi hộp và gay cấn cho khán giả. Những tiếng động khác cũng được thể hiện chân thật và đủ lực để đánh mạnh vào tâm lý sợ hãi của nhiều người. Thế nhưng có lẽ quá chú trọng âm thanh nên phần hình ảnh có đôi chút “sạn”.
Rõ nhất là khi phim vừa bắt đầu, lúc nhân vật chính lái xe chạy trên một vùng đất hoang tàn, tại thời điểm này thì tên của hãng phim cũng như một số người quan trọng trong đoàn phim được hiển thị, và bạn sẽ thấy rõ phần chữ bị nhòe đi cùng với nền hình ảnh phía sau nó. Chưa hết, sau đó tầm một phút, hình ảnh bầu trời và mặt đất cũng nhanh chóng xuất hiện hiện tượng mờ nhòe, nhất là khi các cảnh quay có chuyển động nhanh. Điều này có lẽ đến từ việc bitrate của file phim quá thấp, dẫn đến không đủ thông tin để máy tính tái tạo hình ảnh.
Đối với phần tạo hình những sinh vật lạ (chính xác là những người bị biến đổi bởi chất độc hóa học), những sinh vật này mang dáng dấp gầy gò với lớp da đã bị thay đổi hoàn toàn. Không biết nhà sản xuất đã sử dụng kỹ xảo máy tính hay là dùng người thật để đóng, nhưng nhìn vẻ ngoài gầy gầy của chúng lại rất chân thật.
Nhân vật nữ chính (Juliette) trước kia là một người có cuộc sống bất ổn, thậm chí nghiện ngập. Trong một lần đến phòng tranh, Juliette gặp được Jack. Jack quyết tâm đưa Juliette trở về cuộc sống bình thường, cưới cô làm vợ. Cả hai chung sống được một thời gian thì Juliette sinh con, tuy nhiên không may mà đứa bé đã không thể sống được khi vừa được sinh ra. Quá đau khổ, cả hai đã xảy ra những cãi vã, Jack bỏ mặc Juliette tự lái xe về, trong khi đó anh đi tàu điện ngầm về nhà. Thật không may, một cuộc tấn công hóa học đã diễn ra và Jack bị nhiễm bệnh; đoạn quan trọng này không được dịch sang tiếng Việt mà bạn chỉ thấy trên bản tin trên TV, lúc Juliette ở quán bar, nhiều bạn không hiểu tiếng Anh hoặc không chú ý thì sẽ thắc mắc là dịch bệnh ở đâu ra, hai câu chuyện liên quan gì với nhau. Sau này, khi dịch bệnh tràn lan, Jack đã trốn ra ngoài, từ đó anh biệt tích.
Juliette thì may mắn hơn khi không bị nhiễm bệnh, nhưng trong lúc đi tìm đồ ăn, thức uống, cô đã bị lật xe và phải trải qua một đêm kinh hoàng khi bị người nhiễm bệnh săn đuổi. Thật không ngờ rằng sau khi chống chọi dữ dội và bắn liên tiếp mấy phát vào kẻ nhiễm bệnh, tới sáng Juliette nhận ra rằng đó chính là Jack. Cô ôm anh này và dùng súng để kết liễu cả hai.
Bộ phim Ngày Sinh Tồn sẽ đan xen hai câu chuyện của hai mốc thời gian lại với nhau, ban đầu có thể khó hiểu nhưng cỡ nửa phim là bạn sẽ hiểu thôi. Giờ thì bạn đã hiểu nội dung phim rồi đúng không nào?
-
"Grease" là một bộ phim âm nhạc và hài kịch lãng mạn được phát hành vào năm 1978, đạo diễn bởi Randal Kleiser và dựa trên vở nhạc kịch cùng tên của Jim Jacobs và Warren Casey. Phim diễn ra vào cuối thập niên 1950 và diễn tả cuộc sống của các thiếu niên trong một trường trung học ở Mỹ.
-
-
Màn trình diễn của Charlize Theron trong Atomic Blonde được bao quanh bởi hình ảnh, âm nhạc và một cốt truyện nằm ở mức khá ổn
Charlize Theron, "đả nữ" Nam Phi có màn trình diễn không mấy ấn tượng trong The Fate of the Furious hồi tháng 04, nhiều người đã có đôi chút thất vọng khi nữ hacker Cipher có vẻ giống như một chiếc bình hoa di động làm nền cho "gia đình" Toretto tha hồ phá phách, khác hoàn toàn với bộ mặt của nữ chiến binh Imperator Furiosa trong tuyệt phẩm Mad Max Fury Road 2 năm về trước. Và sự thất vọng đó bỗng biến thành kỳ vọng khi người ta được thưởng thức những đoạn trailer đầu tiên của Atomic Blonde, tác phẩm dựa trên bộ truyện tranh The Coldest City dưới bàn tay của vị đồng đạo diễn John Wick phần 1, David Leitch.
Berlin, những năm chiến tranh lạnh có vẻ đã trở thành chủ đề không có hồi kết đối với thế giới điện ảnh. Trước đây đã từng có The Man From UNCLE, một tác phẩm lấy đề tài phản gián tương tự, với bối cảnh bức tường chia cắt thành phố cũng là thứ chia đôi hai ý thức hệ và những âm mưu cùng kế hoạch phản gián của điệp viên các nước để phá tan những âm mưu đó. Đan xen giữa đó là những toan tính vụ lợi của từng quốc gia, ngay cả khi họ, trên giấy tờ, là những đồng minh thân thiết.
Atomic Blonde cũng không phải ngoại lệ, thế nhưng cốt truyện của phim lại chọn cho mình một thời điểm đầy biến động của thủ đô nước Đức, khi hai miền bị chia cắt cố gắng hàn gắn và phá vỡ bức tường chia đôi cả quốc gia. Ở trung tâm của cốt truyện là Lorraine Broughton, điệp viên MI6, được cử đến Berlin để điều tra về một bản danh sách các mật vụ nằm vùng của phe đồng minh, thứ có thể khiến mối quan hệ giữa các nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nó cũng là thứ khiến người bạn đồng nghiệp từng làm việc cùng cô, James Gascoigne bị hạ sát bởi mật vụ KGB ngay giữa lòng thủ đô nước Đức.
Cần phải nhắc lại, kể từ khi John Wick ra mắt, có không ít tác phẩm hành động bom tấn đã học hỏi cái cách những phân cảnh đánh đấm của gã sát thủ lừng danh. Không còn những cảnh quay rối rắm, chóng mặt mà thay vào đó, góc máy quay ổn định, được tính toán cẩn thận hơn rất nhiều nhưng không vì thế mà làm chậm đi tiết tấu và sức mạnh của nhân vật chính trong các cảnh phim. Atomic Blonde cũng không phải ngoại lệ. Những pha hành động của Theron trong phim thực sự chứng minh thêm một lần nữa, nàng diễn viên tóc vàng là một trong những đả nữ đẳng cấp nhất mà Hollywood đang có, bên cạnh những cái tên như Milla Jovovich, Michelle Rodriguez hay Scarlett Johannson ở thời điểm hiện tại.
Có một cảnh quay được trích dẫn trong những đoạn trailer trên YouTube chứng minh điều này. Không giống như trailer, kỳ thực nó là một cảnh hành động dài liên tục hơn 5 phút đồng hồ, không ngừng nghỉ, không cắt đổi góc quay, và đó, theo ý kiến cá nhân của tôi, là cảnh đắt giá nhất của cả bộ phim. Nó định hình cả nhân vật Lorraine lẫn phong cách hành động của cả bộ phim. Không cần đánh đấm đẹp mắt, chỉ cần thực dụng đến mức hoàn hảo kèm thêm góc máy đẹp là mọi vấn đề được giải quyết.
Trong phim, Theron không nói nhiều, mà nhường phần lời thoại cho các nhân vật khác. Cô chỉ việc làm những điều cô giỏi nhất: Hành động. Nhờ đó, bên cạnh điệp viên siêu hạng của MI6, bộ phim khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về "cuộc chơi" của các điệp viên giữa thời chiến tranh lạnh. Bộ phim hoàn toàn không có những nhân vật tốt, xấu như phim ảnh, mà chỉ có lợi ích cá nhân và quốc gia được đặt lên trên hết. Thay vào đó, khi thưởng thức bộ phim, chúng ta có thể nhìn ra được chỉ có những kẻ khôn ngoan hơn, may mắn hơn hoặc xui xẻo hơn mà thôi.
Hai điểm sáng của bộ phim chính là David Percival, do James McAvoy thủ vai, cùng nữ điệp viên Pháp gợi cảm dưới sự thể hiện của cô đào Sofia Boutella. Họ đem tới cho bộ phim "chất con người" rất riêng, với những lo lắng, bất an và toan tính riêng. Cũng phải khẳng định bản thân bộ truyện tranh The Coldest City là một tác phẩm tuyệt vời.
Nó tạo ra nền tảng để Atomic Blonde trở thành một bộ phim có chiều sâu rất riêng, không hời hợt về mặt cốt truyện như John Wick, mà cũng không quá căng thẳng mệt não như Tinker Tailor Soldier Spy, dù rằng bộ phim này và tác phẩm từng đem lại cho Gary Oldman một đề cử Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhât năm 2012 có phong cách không quá khác biệt.
Sở dĩ nói như vậy là vì, giống như xã hội nước Đức lúc bấy giờ, tương phản đến mức choáng ngợp. Nước phim ảm đạm, nhợt nhạt như chính tâm trạng con người khi ấy. Bản thân Lorraine cũng chẳng ăn vận sặc sỡ, mà thay vào đó là những bộ trang phục đen hoặc trắng, như cố gắng ẩn thân vào giữa guồng quay. Thế nhưng ở một khía cạnh khác, ánh đèn neon đầy màu sắc trong các quán bar, hay những bản nhạc rock, ballad cho đến synthwave nổi bật của những năm cuối thập niên 80 lại đóng vai trò cân bằng tiết tấu của phim.
Cốt truyện của Atomic Blonde chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được, nhưng xét chung đến những phim hành động thời gian gần đây, thì sức cuốn hút của nó có lẽ chỉ dừng lại sau John Wick Chapter 2 hay The Baby Driver. Vẫn còn những lỗi vụn vặt trong câu chuyện, bản thân những người để ý kỹ lưỡng sẽ phát hiện ra và suy đoán về plot twist của nhà làm phim, nhưng về cơ bản, những hé lộ trong tình tiết phim vẫn khiến người xem có chút bất ngờ, không quá thụt lùi so với phần hình ảnh và âm thanh vốn đã đem lại thiện cảm cho người xem.
-
Đây là một bộ phim cũ, nhưng lại mang đến cho mình nhiều bất ngờ.
Ban đầu khi nghe tên bộ phim, mình cứ nghĩ trong phim sẽ có một diễn luận nào đó về người tốt kẻ xấu, về việc thế nào là tốt, thế nào là xấu, người tốt nhiều hơn hay người xấu chiếm ưu thế, khi người ta tốt trong góc nhìn này và xấu trong góc nhìn khác thì ta phải đánh giá thế nào. Nhưng hóa ra mình đã nghĩ quá nhiều. Hoặc có lẽ đó là điều bộ phim để người xem tự suy nghĩ thay vì diễn thuyết ra. Tiêu đề của bộ phim lấy từ nội dung trong chiến dịch tuyển quân của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ những năm 1980s: “We’re looking for a few good men” – Chúng tôi đang tìm vài cậu chàng ổn áp. Bối cảnh bộ phim xoay quanh những người lính thủy quân lục chiến nghĩa vụ, chính là “một vài cậu chàng ổn áp” đó.
Ban đầu mình cứ nghĩ sẽ có một sự ghét bỏ nào đó giữa Santiago, người “bán tin” để đổi lấy cơ hội rời đơn vị và người bị bán tin, Dawson. Nhưng thực ra không có, họ thậm chí khá quý mến nhau. Dawson còn đã từng bảo vệ Santiago trong quá khứ khi các đồng đội khác muốn thực hiện Code Red với anh. Thế nhưng cuối cùng, chính Dawson và Downey đã nhận lệnh đó, và họ đã thực hiện nó.
Ban đầu mình cứ nghĩ bộ phim này sẽ dành không gian để chỉ trích Dawson và Downey, những người mà dù chỉ vô tình cũng đã trực tiếp dẫn tới cái chết của Santiago. Mình cứ nghĩ người ta sẽ xoáy sâu vào khía cạnh nhân tính, việc người ta đáng ra nên đối xử dịu dàng với những người đồng loại, hay lên án sự tàn khốc và quan hệ nghiêm ngặt đến “thiếu tính người” trong căn cứ quân sự ở Guantanamo. Bộ phim có phê phán sự áp dụng kỉ luật thép một cách cực đoan, nhưng sự phê phán đó hướng vào hệ thống, vào cơ chế chỉ huy, lãnh đạo hơn là vào cá thể thực hiện.
Bộ phim này nói những điều khác với giả định của mình, có lẽ là vì nó xây dựng trên sự khác biệt về quan niệm ở hai thế giới: một bên là thế giới thoải mái của những người bình thường, như nam chính Daniel, nơi anh có thể chơi bóng chày cả ngày bỏ bê nhiệm vụ, có thể thoải mái đưa bàn tay dính đầy nước táo ra bắt tay một vị cấp trên mới gặp lần đầu, có thể lơ đãng và thờ ơ buông lời phán quyết dự định với hai cậu lính thuỷ đánh bộ không quen biết. Bên còn lại là thế giới của Thượng tá Jessup và Dawson, Downey, Santiago nơi chỉ chạy chậm hơn đồng đội thôi đã là lỗi khiến người ta phải chịu những hình phạt nặng nề. Những con người sống trong thế giới an ổn thoải mái như Daniel ban đầu không hiểu đủ về những quy tắc cứng rắn và tàn khốc là trụ cột trong thế giới của những cậu thanh niên chỉ cách họng súng kẻ thù chưa đến 300m.
Bộ phim này cũng không đi sâu vào việc bàn luận ở tầm vĩ mô xem kỉ luật thép là tốt hay xấu, nó gây ra những ảnh hưởng gì tới đơn vị lính tại Guantanamo nói chung mà xoáy sâu vào riêng trường hợp cụ thể này, khi một người lính yếu ớt hơn thiệt mạng và hai người đồng đội khác rơi vào vòng lao lý do hệ quả của việc thực hiện, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, mệnh lệnh của cấp trên. Và lập luận mà họ đưa ra là, khi việc thực hiện mệnh lệnh dẫn đến sai lầm, thì chỉ huy là người phải chịu trách nhiệm đó chứ không phải bản thân người thực hiện mệnh lệnh.
Mình khá thích các diễn biến trên toà của bộ phim này. Trên nền tảng sự xung đột giữa quan niệm của hai thế giới, phiên toà đương nhiên tập trung vào các chi tiết xoay quanh Code Red, nhưng cũng có cả những chi tiết khác thể hiện rõ việc chuẩn bị bào chữa rất có chiến lược của Daniel và Jo, điển hình là việc biện luận để khẳng định cái chết là vô tình và lỗi có thể nằm ở phía bác sĩ của đơn vị. Những xoay chuyển bất ngờ, ví dụ như lời khai bị lật lại của Downey, là những chi tiết đắt giá khiến diễn biến phiên toà hồi hộp hơn.
Tuy nhiên có thể thấy rõ cái “chất Mỹ” của phim khi kịch bản để bên yếu thế hơn nhiều chiến thắng dù hầu như những bằng chứng mong manh của họ đều chưa đủ mạnh, chỉ dựa vào việc việc lợi dụng tính cách nóng nảy của vị chỉ huy kiêu ngạo. Có lẽ kết cục này sẽ khó xảy ra ngoài đời thật, khi vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến đấu với nhiều năm sống ngay trong tầm bắn của kẻ thù và đang gần như nắm chắc phần thắng lại bị bên biện hộ yếu thế hơn không có nhiều bằng chứng trong tay kích động đến mức tự đào hố chôn mình. Có lúc mình đã nghĩ giá mà bộ phim tìm ra một cách chiến thắng hợp lý hơn cho Daniel và Jo. Nhưng có lẽ đó là thực tế, rất khó để tìm ra kẽ hở từ nơi phòng bị chặt chẽ như căn cứ Guantanamo.
Xuyên suốt bộ phim, tâm lý của Daniel đã trải qua nhiều thay đổi, từ sự thờ ơ ban đầu, đến hứng thú khi nhận thấy “có gì đó bất thường”, sự hào hứng khiêu chiến quyền lực, cảm giác hồi hộp không biết thắng thua, rồi sự tuyệt vọng cùng cực, sự níu kéo thoả hiệp, rồi tâm trạng liều hết. Không phải lúc nào anh ta cũng giữ vững tinh thần kiên quyết chống lại cái xấu, có những lúc anh ta đã nghĩ thoả hiệp có lẽ tốt hơn, có lẽ cái lợi của thoả hiệp đủ lớn, hay có chút tiếc nuối vì mình đã lấy trứng chọi đá, như bất kỳ ai đối đầu với kẻ quyền lực hơn mình rất nhiều. Sự thay đổi cảm xúc đó làm nhân vật thật hơn, gần với một người bình thường hơn.
Mình đọc được một chi tiết nhỏ rằng có người đã hỏi tác giả kịch bản gốc của phim rằng nếu Jo và Dan không yêu nhau trong phim thì tại sao Jo lại phải là một người phụ nữ và tác giả đã trả lời rằng phụ nữ có nhiều việc để làm hơn là ngủ với Tom Cruise. Ngay trong chính bộ phim, vai trò của Jo không phải chỉ là một bóng hồng với thân hình nóng bỏng, đôi mắt mơ màng hút hồn và hương nước hoa khiến Daniel không tập trung nổi. Jo là người chủ động nhận vụ kiện, cô ấy kiên quyết kéo Daniel về hướng biện hộ cho 2 chàng trai, cô ấy cũng nắm được những điểm mấu chốt có thể giúp họ xoay chuyển tình thế, và lúc ở điểm tuyệt vọng nhất cô ấy vẫn nỗ lực tìm kiếm một cách giải quyết. Ngay cả khi vai trò của cô ấy mờ nhạt hơn Daniel trong “cuộc chiến” với hệ thống quân lệnh, rõ ràng nếu không có cô ấy câu chuyện đã theo một hướng khác.
Kết thúc bộ phim, mình cứ nghĩ mãi về tương lai của hai anh chàng “cựu” lính thuỷ đánh bộ. Họ sẽ thế nào nhỉ? Nếu họ không có ai giúp ngay từ đầu và nhận mức án 12 năm tù, nếu họ chấp nhận thoả hiệp ở đoạn giữa và nhận mức án 1-2 năm, nếu họ thua kiện và phải ngồi tù thật lâu, và kể cả hiện tại khi họ trắng án và trở về với đời thường, cuộc sống của họ sẽ ra sao sau biến cố này. Không hiểu sao xem xong phim mình cứ nhớ tới một clip từng khá nổi trên mạng, về một vị nữ thẩm phán gặp lại người bạn cấp 1 ở trên toà, cậu bé tốt bụng và sáng láng nhất trường sau bao năm tháng đã trở thành tên tội phạm đứng sau vành móng ngựa, phải chăng những biến cố dẫn đến một chút khác biệt nhỏ lâm thời qua thời gian lại tạo thành những biến đổi rất lớn trong cuộc đời mỗi người. Dawson và Downey, so với những đồng đội còn ở lại căn cứ Guantanamo sau này sẽ khác biệt ra sao? Mình nghĩ nếu có một bộ phim như vậy thì sẽ rất đáng xem.
-
“When given the choice between being right and being kind, choose kind”
Bộ phim Wonder (tựa đề tiếng việt “Điều kỳ diệu) ra rạp được hơn nửa tháng mà Cuồng phim này mới chịu đi thưởng thức. Và những thông điệp, những cảm xúc bộ phim đem lại quả thực không phụ lòng đứa lười biếng như mình.
Nếu bạn đang gặp rắc rối trong công việc và cuộc sống …
Nếu bạn đang thấy bế tắc trong tình cảm và các mối quan hệ gia đình…
Nếu bạn đang muốn sống chậm lại để cảm nhận rõ rệt từng thanh âm, từng rung động cảm xúc trước những hoàn cảnh thiếu may mắn; nếu bạn muốn được tiếp thêm nghị lực sống…
… thì Wonder chắc chắn là một sự lựa chọn tuyệt vời đầy ý nghĩa!
Một bộ phim nhẹ nhàng, không có quá nhiều mâu thuẫn, cao trào, kịch tính… mọi thứ cứ diễn ra hết sức bình dị, đều đều như nhịp sống hàng ngày. Nhưng dù vậy, cho tới cuối phim mình vẫn thấy cảm xúc mình nhận được rất trọn vẹn, đong đầy với những tình tiết, câu chuyện vô cùng sâu lắng, cảm động. Vì vậy theo dõi bộ phim giống như nghe 1 bản nhạc ballad nhẹ nhàng vậy!
Wonder kể về câu chuyện của August Pullman (Auggie) một cậu bé kém may mắn khi vừa sinh ra đã mắc 1 chứng bệnh hiếm khiến toàn bộ khuôn mặt của cậu bị biến dạng. Hãy tưởng tượng cậu bé ấy ngay từ khi chào đời đã phải đối diện với 1 cuộc sống gắn liền với những cuộc phẫu thuật chỉnh hình tại bệnh viện… hơn 27 cuộc phẫu thuật để giúp cậu bé có thể thở, có thể ngồi, có thể đi lại và có 1 cuộc sống bình thường, nhưng lại không thể giúp cậu có được 1 khuôn mặt bình thường như bao người khác.Chính vì vậy, từ lớp 1 đến lớp 4 cậu đã được mẹ dạy học ở nhà để tránh ánh mắt kỳ thị và xa lánh của mọi người. Tuy vậy, khi cậu lên lớp 5, cả gia đình Auggie đã quyết định đến thời điểm cậu phải đến trường, phải đối diện với mọi người để có thể sống độc lập sau này. Ở nơi ấy, cậu đã gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập; từ việc không chịu được sự chú ý của mọi người mỗi khi ở sân trường, cho tới cái bím tóc bị các bạn cười chê, hay việc bị người bạn thân tin tưởng làm tổn thương…Nhưng với tính cách lạc quan, hài hước của mình, cậu đã nhanh chóng chinh phục mọi người xung quanh và tìm ra cho mình những người bạn đích thực.
Ngoài câu chuyện về nhân vật chính Auggie, bộ phim còn dành thời gian kể về câu chuyện của mẹ cậu bé (do “người đàn bà đẹp” – Julia Robert thủ vai) khi bà đã hy sinh sự nghiệp vẽ truyện tranh thiếu nhi, tạm dừng cuốn luận văn Thạc sỹ để toàn tâm toàn ý chăm sóc, giáo dục cậu bé tại nhà; hay câu chuyện của JackWill – cậu bạn thân của Auggie từ giai đoạn cậu cố gắng bắt bạn với Auggie chỉ vì lời hứa với mẹ và vì xuất học bổng của trường cho tới khi bị chính Auggie chinh phục về sự chân thành và nghị lực sống; hay câu chuyện của Via – chị gái Auggie cả tuổi thơ chỉ biết tới việc học bài và chờ đợi trong dãy hành lang bệnh viện; luôn ghen tị và tổn thương vì cả thế giới của bố mẹ chỉ xoay quanh cậu em trai (Đối với bố mẹ Auggie là the Sun còn Via chỉ là the Moon) – dù vậy cũng luôn vô cùng yêu quý người em của mình; câu chuyện của cô bạn thân Miranda – người phải đấu tranh với những tổn thương do gia đình tan vỡ và những định kiến do chính mình tạo ra.
Có thể nói, tất cả những nhân vật ấy – họ đều trải qua những tổn thương về mặt tâm lý, những mối quan hệ rạn nứt, cũng như những rào cản định kiến. Và chính cậu bé có gương mặt dị tật đã kết nối họ lại gần nhau hơn, để những khoảnh khắc lắng đọng của mỗi câu chuyện nhỏ ấy càng khiến người xem phải thổn thức.
Về mặt diễn xuất, mình thấy dàn diễn viên nhí đều diễn xuất rất tốt, rất có chiều sâu đặc biệt là diễn viên chính.. Lời thoại rất rõ ràng, dứt khoát thể hiện được tất cả những khoảnh khắc đậm chất trẻ thơ của vai diễn như hờn giận, buồn bã, tổn thương, lạc quan, vui tươi. Một đứa nhóc vừa buồn bã vô cùng nhưng ngay sau đó đã vui vẻ trở lại cùng chị mình đi xin kẹo đêm Halloween; một cậu nhóc vừa mặc cảm về âm thanh do tiếng ăn của mình tạo ra, phút chốc đã biến nó thành 1 trò chơi cực kỳ hồn nhiên; rồi những lúc lạc quan lạc lối luôn “phẫu thuật rồi mới được đẹp trai như thế đó”…:D Ngoài ra thì mình cũng thấy rất thích vẻ đẹp của cô bé trong vai Via, rất thích cách bố Nate ủng hộ con trai phải mạnh mẽ, đánh lộn là phải thắng đằng sau lưng vợ; hay những lúc thì thầm với con trai sợ vợ nghe thấy…Những khoảnh khắc ấy khiến mình cảm thấy gia đình đó thật sự rất hạnh phúc.
Tóm lại, đây là một bộ phim rất hay về tình cảm gia đình, về tình bạn, tình thân và đặc biệt là về nghị lực sống. Không quan trọng bạn là ai, bạn như thế nào, hãy sống trọn vẹn theo cách bạn muốn, đừng để ý tới những đánh giá hay định kiến mà xã hội ném về phía bạn. Và chỉ cần như thế, trao đi những cái nhìn lạc quan, trao đi niềm vui nụ cười, khi đó chính chúng ta cũng trở thành một anh hùng. Và ” chúng ta đều dành được 1 tràng pháo tay hoan nghênh ÍT NHẤT một lần trong đời”!
Đừng bỏ lỡ, nhớ xem phim này 1 lần nhé bạn!
-
"Earth: One Amazing Day" (2017) là một bộ phim tài liệu do BBC sản xuất, tiếp nối thành công của "Earth" (2007). Phim được sản xuất bởi BBC Earth và được đạo diễn bởi Richard Dale, Lixin Fan, và Peter Webber. Đây là một bộ phim tài liệu về động vật và thiên nhiên, tập trung vào việc khám phá các hoạt động và hành vi của các loài động vật trên toàn thế giới trong suốt một ngày.
"Earth: One Amazing Day" theo chân các loài động vật từ khắp nơi trên hành tinh trong suốt một ngày, từ bình minh đến hoàng hôn. Phim cung cấp cái nhìn sâu sắc về những thách thức mà động vật phải đối mặt, từ việc tìm kiếm thức ăn và nước uống đến việc bảo vệ bản thân và chăm sóc con cái.
Bộ phim giới thiệu nhiều hệ sinh thái khác nhau, từ các khu rừng nhiệt đới đến các đồng cỏ rộng lớn và các khu vực băng giá. Người xem sẽ thấy những cảnh tượng đẹp mắt và đầy cảm hứng về các loài động vật hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng.
"Earth: One Amazing Day" không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp và sự đa dạng của thế giới tự nhiên mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ hành tinh và các loài động vật. Phim nhằm nâng cao nhận thức về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hệ sinh thái và tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên.
-
Tác phẩm mới nhất của Pixar chạm đến cảm xúc người xem khi ngợi ca đam mê âm nhạc và tình cảm gia đình.
Coco là phim mới nhất của xưởng hoạt hình Pixar, do Lee Unkrich đạo diễn. Tác phẩm nhận được nhiều đánh giá tích cực của công chúng lẫn giới phê bình với điểm 9,1 trên trang IMDb, 96% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và điểm 80 trên Metacritic. Lee Unkrich cũng là đạo diễn nhiều tuyệt phẩm trước đây của Pixar như Toy Story 2, Toy Story 3 và Finding Nemo.
Nhân vật chính trong phim là Miguel - một cậu bé với niềm đam mê âm nhạc, mơ ước cầm cây đàn đi khắp thế gian như cố nghệ sĩ Ernesto de la Cruz. Tuy nhiên, gia đình Miguel nhiều đời qua đều tẩy chay âm nhạc bởi một bi kịch trong quá khứ. Vào ngày Día de Muertos (dịp tưởng niệm những người quá cố), Miguel lẻn vào lăng mộ của De la Cruz, đánh cắp cây đàn của ông để trình diễn.
Điều này khiến cậu vướng một lời nguyền và bị đưa đến thế giới của người chết, nơi những linh hồn sống dưới hình dạng những bộ xương nhưng vẫn duy trì sinh hoạt như người sống. Tại đây, Miguel gặp Héctor, một linh hồn không được ai thờ cúng đang vất vưởng tìm cách gặp lại người thân trong ngày Día de Muertos. Héctor đồng ý giúp Miguel tìm cách trở về nhà, từ đây bắt đầu một chuyến hành trình kỳ lạ và cậu bé phát hiện nhiều bí mật về gia đình.
Câu chuyện là chuỗi những tình tiết ly kỳ khiến người xem bị cuốn theo. Những mâu thuẫn liên tiếp xảy ra khi Miguel chống lại sự ngăn cấm của gia đình, rồi lúc đến với vùng đất chết lại bị những người thân quá cố ngăn cản. Vì hiểu lầm, Miguel mâu thuẫn với cả người bạn đồng hành Héctor. Hành trình của Miguel ở vùng đất chết là cuộc chạy trốn kịch tính. Cậu chạy trốn người thân để đuổi theo đam mê, người thân lại đuổi theo cậu để kéo về truyền thống gia đình.
Đạo diễn Lee Unkrich khéo dẫn dắt cảm xúc khán giả trong suốt hơn 100 phút phim qua nhiều nút thắt cả về hành động lẫn tâm lý. Tác phẩm mào đầu rất đơn giản như câu chuyện về đam mê âm nhạc, nhưng đến nửa sau, tình cảm gia đình nổi bật lên với nhiều tình tiết xúc động.
Tác phẩm gợi lên trong người xem nhiều suy ngẫm về lựa chọn giữa đam mê hay gia đình. Người cha trong phim mang theo cây đàn, bỏ lại vợ và đứa con nhỏ, nhưng sáng tác vĩ đại nhất của ông, được cả thế gian say đắm lại là bài hát ông viết riêng cho con. Chỉ có giai điệu xuất phát từ trái tim mới thật sự chạm đến trái tim người nghe. Nghệ thuật không thể thăng hoa nếu xa rời những giá trị cốt lõi của cuộc sống, trong đó có tình cảm gia đình.
Với yếu tố tâm linh, kịch bản thể hiện sự liên kết chặt chẽ của gia đình qua các thế hệ, ngay cả khi họ đã chết đi. Chỉ những linh hồn được người sống thờ cúng, mới được qua cầu, đoàn tụ với người thân trong ngày Día de Muertos. Những linh hồn vất vưởng, không được ai nhớ đến, đến một ngày nào đó sẽ tan biến.
Phim cũng phản ánh một triết lý về sự tồn tại. Độ dài ngắn đời người không phải tuổi thọ trần gian mà được đo bằng sự tưởng nhớ của những người đời sau. Con người, dẫu thân thể có tàn lụi, chỉ cần vẫn tồn tại trong tâm trí ai đó thì có thể xem như vẫn còn hiện hữu. Một người chỉ chết đi khi không còn ai nhớ đến, đó mới là cái chết sau cùng.
Coco không xây dựng nhân vật kiểu người hùng. Chàng trai Miguel chỉ đơn giản là một người bình thường, đang đi tìm lại cội nguồn, hiểu rõ quá khứ để xây dựng tương lai. Miguel có vai trò kết nối những người thân trong gia đình, gắn kết các thế hệ với nhau.
Tựa phim là Coco nhưng đó không phải nhân vật chính. Coco là một bà lão gần đất xa trời, nhân chứng duy nhất chứng kiến mọi rạn nứt, đổ vỡ trong gia đình Miguel. Qua lối tạo hình bằng kỹ xảo, nhân vật hiện lên với nét già nua mang dấu ấn thời gian, còn đôi mắt luôn đau đáu một nỗi nhớ, hoài niệm xa xăm. Tình tiết này chỉ được hé lộ trọn vẹn vào cuối phim trong một trích đoạn dễ lấy nước mắt người xem.
Với nhân vật chính là người Mexico, Coco lấy gam màu ấm làm chủ đạo, từ ánh nắng, những ngọn nến hay những bông hoa cúc vạn thọ. Bối cảnh của phim bắt mắt nhưng không quá sặc sỡ. Nếu Ratatouille đưa người xem đến Paris hoa lệ, Up là chuyến phiêu lưu ở vùng đất Nam Mỹ, Brave trở về xứ Scotland thời Trung cổ thì Coco lại mở ra một không gian văn hóa mang đậm màu sắc Latin. Ngôi làng xứ Santa Cecilia hiện ra ấm cúng, thanh bình trong ngày Día de Muertos - truyền thống văn hóa lâu đời của người Mexico, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Trong khi đó, vùng đất chết là một thành phố về đêm sôi động, lung linh ánh đèn. Những tòa nhà cao tầng xếp thành từng lớp, lửng lơ trong không gian, được nối với nhau bằng những cây cầu làm từ hàng triệu cánh hoa cúc vạn thọ. Thế giới này không hề lạnh lẽo, u ám mà lại rất gần gũi và ấm cúng. Những bộ xương di động trong phim dễ khiến người xem liên tưởng đến nhân vật trong các phim hoạt hình của Tim Burton, tiêu biểu như Corpse Bride. Tuy nhiên, chúng được thiết kế theo hướng ngộ nghĩnh, khôi hài hơn để không gây sợ hãi cho khán giả trẻ em. Nhân vật trong phim nói chung giàu tính chuyển động, thể hiện rõ năng lượng của người Mexico.
Bên cạnh phần hình ảnh, âm thanh cũng là một điểm cộng của phim với những ca khúc phóng khoáng cùng tiếng đàn guitar. Bài hát Remember Me (Hãy nhớ về cha) dễ làm lay động lòng người với điệu nhạc êm đềm và phần lời sâu lắng: "Hãy nhớ về cha dẫu cha phải nói lời tạm biệt. Hãy nhớ về cha mỗi khi con nghe tiếng guitar buồn". Khi giai điệu này cất lên ở cuối phim, nó như lời kết ngân vang cho một hành trình tìm về nguồn cội, tìm lại những giá trị nguyên bản nhất của tình thân.
-
Xoay quanh chuyện người mẹ đi tìm công lý cho con gái, phim đang tranh giải Oscar 2018 thể hiện chiều sâu tâm lý và hiện thực xã hội.
Câu chuyện của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri được đặt tại thị trấn nhỏ Ebbing (một địa điểm hư cấu). Một ngày nọ, dư luận xôn xao với hành động kỳ quặc của bà Mildred Hayes (Frances McDormand đóng) - thuê ba tấm biển quảng cáo cỡ lớn trên đường với nội dung: "Bị hãm hiếp khi đang hấp hối", "Và vẫn chưa ai bị bắt?", "Vậy là sao, hỡi cảnh sát trưởng Willoughby? Hayes phẫn uất và muốn gây sức ép lên cảnh sát - những người vẫn đang bế tắc khi điều tra vụ con gái bà bị hãm hiếp và giết hại dã man bảy tháng trước.
Ba tấm biển quảng cáo ấy giống những tiếng sét giữa trời quang ở thị trấn Ebbing. Từ chỗ ủng hộ và xót thương cho bà Hayes, cư dân mất thiện cảm với bà bởi cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson đóng) vốn được mọi người yêu mến. Khó chịu nhất với bà Hayes là Dixon (Sam Rockwell) - viên cảnh sát dưới trướng của Willoughby, người bắt đầu một loạt hành động để buộc người phụ nữ hạ tấm bảng. Bất chấp sự phản đối của nhiều người, Mildred Hayes vẫn kiên định với lựa chọn của bản thân nhằm mang công lý cho người đã khuất.
Nếu chỉ đọc qua phần giới thiệu nội dung, khán giả dễ tưởng nhầm đây là một bộ phim hình sự ly kỳ kể về hành trình truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên, vụ án mạng và những tấm biển quảng cáo chỉ là cái cớ để đạo diễn Martin McDonagh khai thác một xã hội thu nhỏ bên trong thị trấn Ebbing. Việc McDonagh chọn cho thị trấn này cái tên mang nghĩa "Dần lụi tàn" mang nhiều ẩn ý. Bà Mildred là người mẹ trải qua nỗi đau mất con và dần cạn kiệt niềm tin vào công lý. Xã hội Mỹ theo góc nhìn của kịch bản cũng đầy những bất công và tệ nạn trong sự bất lực hoặc thờ ơ của cơ quan pháp quyền.
Giữa cơn đau, Mildred quyết vực dậy bản thân, trở thành người phụ nữ sắt đá không thể lay chuyển trong mắt người khác. Đó là ấn tượng ban đầu của khán giả về Mildred, một "bông hồng cuối hạ" giống ca khúc nhạc phim The Last Rose of Summer. Những lời ca giàu tính ẩn dụ ("Bông hồng cuối hạ/Chỉ còn nở một mình/Những bông hoa khác/Đều đã héo tàn") cất lên khi Mildred xuất hiện ở đầu phim.
Theo diễn biến, người xem nhận ra sự sắt đá đến băng giá, sự phản kháng đến điên cuồng ấy của Mildred chỉ là lớp vỏ bọc che giấu nỗi đau và sự nuối tiếc khôn nguôi. Không ai đau đớn bằng bà Mildred, người không có quan hệ tốt với con trước lúc cô bé chết và không bao giờ còn cơ hội để sửa sai. Lớp vỏ bọc xù xì, thô ráp và bất cần được Mildred dựng lên để che đi nỗi đau. Ở tầng nghĩa sâu hơn, việc người phụ nữ tìm ra thủ phạm sẽ mang tới chút cứu rỗi cho bà. Nhân vật thực hiện nhiều hành động quá khích, nhưng khán giả hoàn toàn có thể cảm thông.
Mildred không phải nhân vật duy nhất trong phim được xây dựng với chiều sâu tâm lý. Cả Willoughby và gã cảnh sát Dixon đều dần bộc lộ sự thay đổi rõ nét so với ấn tượng có phần tiêu cực ở đầu phim. Ẩn sau những nhân vật tưởng như một chiều này lại là tâm lý đa chiều phức tạp với những suy nghĩ, hành động rất thực tế. Tính mơ hồ đạo đức là điểm cộng lớn nhất của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri khi không có nhân vật quan trọng nào trong phim là tốt hoặc xấu hoàn toàn.
Những người mà ta tưởng rằng ích kỷ hay lười biếng, hóa ra có những lý do mà để thấu cảm nếu ta đặt mình vào vị trí của họ. Viên cảnh sát Willoughby - đối tượng bị ba tấm bảng quảng cáo nhắm đến - đang bị ung thư và phải đối mặt với trăn trở riêng của mình. Ông không hài lòng với hành động của Mildred, nhưng không hận thù bà bởi biết nỗi đau mà người phụ nữ này đang phải chịu đựng.
Biến chuyển tích cực nhất tới từ Dixon - người đầu phim hiện lên như một viên cảnh sát vô trách nhiệm, ưa bạo lực và nặng tính kỳ thị. Tuy nhiên, theo diễn biến, nhất là từ khi nhận lời khuyên của người sếp Willoughby mà gã hết lòng kính mến, Dixon đã có màn lột xác ở nửa sau. Thông qua cách ứng xử giữa những con người trong phim, McDonagh vẽ lên một câu chuyện về cuộc sống, về cách chấp nhận thực tại và tha thứ để tìm sự thanh thản cho tâm hồn.
Đạo diễn McDonagh mới chỉ làm ba phim điện ảnh, trong đó hai tác phẩm đầu tay - In Bruges và Seven Psychopaths - được ngợi khen bởi các nhân vật đặc sắc và chất hài châm biếm sâu cay. Trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, nhà làm phim giảm bớt chất hài để khắc họa chiều sâu tâm lý.
Tuy nhiên, phim vẫn có một số câu thoại đặc trưng của McDonagh để giễu cợt những vấn đề ở Mỹ, tiêu biểu như: "Nếu gạt bỏ đi hết những cảnh sát phân biệt chủng tộc chắc chỉ còn sót lại ba gã, và ba gã này đều sẽ ghét người đồng tính". Nạn ấu dâm ở các cơ sở tôn giáo (dễ gây liên hệ đến Spotlight) hay sự dung túng cho cảnh sát dùng bạo lực ở các thị trấn Mỹ cũng được điểm mặt. Sự mỉa mai còn tới từ nhiều tình huống, như việc một viên cảnh sát trong phim chỉ bắt đầu làm công việc của mình sau khi... bị sa thải.
Sam Rockwell có màn nhập vai tài tình khiến cảm xúc người xem chuyển từ trạng thái tiêu cực sang tích cực khi nhìn vào Dixon. Dù ở cảnh vênh váo, bạo lực hay hối lỗi, tài tử Mỹ đều truyền tải được tâm lý nhân vật. Trong khi đó, Frances McDormand có màn trình diễn xuất sắc nhất kể từ Fargo (1996, giúp bà thắng giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc").
Nữ diễn viên 60 tuổi là một trong những người hiếm hoi từng chinh phục "Ba vương miện diễn xuất" cao quý gồm giải Oscar (điện ảnh), giải Tony (nhạc kịch, với vở Good People) và giải Emmy (truyền hình, với loạt phim ngắn Olive Kitteridge). Tại giải Quả Cầu Vàng 2018, vai diễn Mildred Hayes mang tới cho McDormand giải "Nữ diễn viên phim chính kịch xuất sắc", giúp bà trở thành ứng viên hàng đầu tại hạng mục nữ chính ở Oscar.
Cảnh đáng nhớ nhất của Frances trong phim mới là khi Mildred một mình ngồi dưới ánh bình minh, chăm sóc những khóm hoa đặt dưới ba tấm biển quảng cáo. Một con hươu chạy đến, khiến bà mỉm cười và nói chuyện tựa như với chính mình: "Sao tự dưng mày lại xuất hiện ở đây và đẹp đến dường này? Mày không phải đang cố làm tao tin vào kiếp sau phải không? Mày đẹp thật đấy, nhưng mày không phải con gái tao. Dù gì cũng cảm ơn mày đã xuất hiện".
Chỉ trong khoảng một phút, gương mặt Mildred trải qua đủ sắc thái: từ mỉm cười khi thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và chú hươu - niềm hy vọng trong chuỗi ngày tăm tối, cho tới lắc đầu chua xót nhìn chú hươu rảo bước đi, rồi trở lại thực tại mà trong đó con gái bà đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Cảnh quay ngắn ngủi ấy như tóm tắt Three Billboards Outside Ebbing, Missouri: nhiều cung bậc cảm xúc, nhân văn và đẹp. Đó là lý do Frances McDormand cũng như bộ phim trở thành ứng cử viên sáng giá tại Oscar 2018, bất chấp lúc đầu không phải ứng viên nặng ký nhất trên đường đua.
-
Tác phẩm nói về chiến dịch vây bắt lớn nhất lịch sử thực sự là một bộ phim để đời của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và minh tinh Jessica Chastain.
Hồi tháng 5/2011, nước Mỹ ăn mừng sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt sau gần 10 năm kể từ vụ 11/9 còn cả thế giới đều hướng về sự kiện chấn động này. Khi ấy, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow, người đại thắng tại Oscar 2010 với bộ phim The Hurt Locker, đã ấp ủ từ lâu việc thực hiện một tác phẩm nói về chiến dịch truy bắt thủ lĩnh al-Qaeda và sau sự kiện trên, bà đã thay đổi một số chi tiết trong dự án ban đầu của mình - từ cốt truyện giả tưởng trở thành hiện thực. Bà và một số thành viên trong đoàn phim có cơ hội tiếp cận với những thông tin tuyệt mật của chính phủ để kể lại câu chuyện này trên màn bạc, với tên gọi Zero Dark Thirty.
Với kinh phí 40 triệu USD và lời giới thiệu "câu chuyện về cuộc truy tìm người đàn ông nguy hiểm nhất trong lịch sử thế giới", phim xoay quanh nhân vật chính là Maya (Jessica Chastain), một nữ chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Cô đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch truy kích trùm Al-Qaeda. Maya đã truy tìm dấu vết của Bin Laden trong một thập kỷ từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 khiến cả nước Mỹ chìm trong đau thương. Cô không từ bỏ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất và không quản ngại đến những nơi nguy hiểm để tìm cho ra kẻ thù của nước Mỹ...
Hôm 24/2, Zero Dark Thirty chiến thắng Oscar ở hạng mục "Dựng âm thanh xuất sắc" một cách thuyết phục. Nữ đạo diễn Kathryn Bigelow dẫn dắt khán giả bước vào câu chuyện vĩ đại này không phải bằng hình ảnh, mà là âm thanh. Phim mở đầu với những tạp âm sót lại từ vụ 11/9/2001. Tiếng gọi điện thoại, những lời trăn trối cuối cùng, tiếng khóc, tiếng kêu cứu, tiếng động cơ, tiếng đổ nát... khiến người xem như mường tượng lại hình ảnh hai tòa Tháp Đôi New York - niềm tự hào một thời của nước Mỹ - sụp đổ và làm thiệt mạng hơn 3.000 người vô tội.
Trong suốt chiều dài 157 phút, Kathryn Bigelow sử dụng cách kể giả tài liệu, "đánh" trực diện vào những chi tiết quan trọng trong chiến dịch vây bắt Osama Bin Laden của CIA qua điểm nhìn của nhân vật Maya. Một số ít chi tiết là hư cấu trong đó Maya cũng không phải là một nhân vật có thật nhưng phần lớn Zero Dark Thirty đều dựa trên những sự kiện từng xảy ra sau 11/9 như đánh bom khách sạn Marriot ở Pakistan, đánh bom xe buýt ở London (Anh) hay 7 điệp viên CIA thiệt mạng ở trại Chapman...
Ngôn ngữ điện ảnh mà nữ đạo diễn 61 tuổi sử dụng trong Zero Dark Thirty rất gọn gàng, dễ nắm bắt. Phần quay phim, hình ảnh cũng tạo cảm giác dễ chịu hơn The Hurt Locker ngày trước. Kathryn cũng biết cách làm sao để một bộ phim chính trị bớt đi sự khô khan. Zero Dark Thirty thoại khá nhiều và liên tục. Nhưng khi nhịp phim đang có vẻ thẳng và đều đều thì đột ngột, một vụ đánh bom đủ làm người xem phải giật nảy mình và nín thở theo dõi tiếp câu chuyện. Khi phim được đẩy lên trạng thái căng thẳng cao, không khí cũng được giãn ra bởi những câu thoại hài hước kiểu như "Tôi là con mẹ đã tìm ra nơi này" (Maya nói với Giám đốc CIA) hay vụ mua bán xe hơi Lamborghini lúc nửa đêm ở Kuwait.
Tuy nhiên, màu sắc chung của Zero Dark Thirty vẫn là u tối, căng thẳng và có thể đó chính là lý do mà tác phẩm này khó có thể giành Oscar cho "Phim hay nhất". Viện hàn lâm thường vẫn thích những bộ phim mang màu sắc lạc quan, tươi sáng hơn dù cho câu chuyện có tăm tối đến thế nào đi chăng nữa. Cùng là đề tài chính trị nhưng trong Argo, Ben Affleck thổi vào sự tưng tửng, hài hước. Còn ở Zero Dark Thirty, Kathryn lại thể hiện yếu tố chính trị, tâm lý dữ dội hơn. Bà từng tâm sự: "Tôi ước bộ phim này không phải là một phần của lịch sử. Nhưng câu chuyện này đã và đang là lịch sử".
Tên phim, Zero Dark Thirty, mang ý nghĩa là "30 phút sau nửa đêm". Đây là một thuật ngữ quân sự ám chỉ bóng tối của màn đêm, cũng là thời điểm 0 giờ 30 phút khi nhóm hải quân SEAL đặt bước chân đầu tiên vào khu vực biệt lập để vây bắt Osama Bin Laden. Trường đoạn này trong phim thể hiện rất kịch tính, nghẹt thở. Nó cũng cho thấy tài năng của Kathryn Bigelow, dù là phụ nữ nhưng bà làm phim chiến tranh thực sự "ác chiến". Nhưng điều đó không có nghĩa là bộ phim này hoàn toàn "nam tính". Zero Dark Thirty vẫn rất "nữ tính", thể hiện ở việc xây dựng nữ chuyên viên Maya - một nhân vật hư cấu.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Maya được CIA chiêu mộ về và trong hơn 10 năm, cô chỉ tập trung nghiên cứu để tìm ra tung tích Osama Bin Laden. Đằng sau vẻ ngoài tưởng như yếu mềm và non nớt, bên trong Maya lại là một người phụ nữ dữ dội, luôn đấu tranh tới cùng và không bao giờ từ bỏ mục đích của mình. Maya còn cho thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh mạnh mẽ của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow – người làm nên lịch sử điện ảnh khi trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử điện ảnh giành giải Oscar ở hạng mục đạo diễn.
Maya cũng xứng đáng là vai diễn để đời của Jessica Chastain. Sở hữu ngoại hình hoàn hảo cho hình tượng một nữ đặc vụ CIA mạnh mẽ nên dường như cô không phải quá lên gân hay gồng mình khi diễn xuất. Jessica Chastain dẫn dắt người xem qua sự biến chuyển tâm lý của Maya đầy thuyết phục, từ sự cương quyết bảo vệ luận điểm về nơi ẩn náu của Bin Laden cho tới những lúc tưởng như buông xuôi khi mọi việc đi vào bế tắc... Hình ảnh dòng nước mắt lăn dài trên má của nhân vật Maya để lại nhiều dấu ấn và sự xúc động. Một phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân vì công việc và khi tất cả qua đi chỉ còn lại sự trống trải. Đây chính là cảnh quay làm nên sự nữ tính, yếu mềm cho Zero Dark Thirty.
Khi xem bộ phim này, có thể có người tin, có người không tin vào câu chuyện truy bắt trùm khủng bố al-Qaeda mà Kathryn Bigelow và các cộng sự của mình đã kể lại. Tuy nhiên, xét trên phương diện một bộ phim thì Zero Dark Thirty là một tác phẩm tuyệt vời, đầy cảm xúc và là dấu ấn cá tính nhất của nữ đạo diễn 61 tuổi lẫn nữ diễn viên Jessica Chastain.
Mặc dù vậy, đây có thể ví von là "phim trí tuệ", đòi hỏi người xem cũng phải vận dụng những kiến thức, sự hiểu biết xã hội khi thưởng thức. Với khán giả vốn quen theo dõi những bom tấn giải trí có tiết tấu nhanh, cảnh quay hoành tráng cháy nổ liên tục và chưa kịp nghĩ gì mà mọi thứ đã hiện lên hết trên màn ảnh thì sẽ khó để "cảm" được bộ phim này. Nhưng với những ai quan tâm tới điện ảnh và mong muốn được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao thì Zero Dark Thirty là một bộ phim hoàn toàn xứng đáng, thậm chí khi xem xong sẽ có khá nhiều người nhận định rằng tác phẩm này đáng được nhận Oscar "Phim hay nhất" hơn cả Argo của Ben Affleck.
-
Phim bạo lực của tài tử "Star Trek" đưa ra góc nhìn thâm thúy về vấn đề tranh chấp đất đai của nước Mỹ.
Hell or High Water là phim viễn Tây mới của đạo diễn David Mackenzie, quy tụ ba ngôi sao Chris Pine, Jeff Bridges và Ben Foster. Cốt truyện kể về hai anh em Tanner (Ben Foster) và Toby Howard (Chris Pine) phát hiện có mỏ dầu trên mảnh đất hương hỏa sắp bị ngân hàng tịch thu. Để có tiền nuôi trang trại, họ bất đắc dĩ phải thực hiện một loạt vụ cướp nhà băng khắp bang Texas. Ngay khi nhúng chàm, băng cướp gia đình bị hai cảnh sát biệt kích Marcus (Jeff Bridges) và Alberto (Gil Birmingham) truy đuổi.
Ngay sau cảnh mở màn gợi không gian hiện đại nhưng hoang vắng ở miền Tây nước Mỹ, tác phẩm nhấn người xem vào câu chuyện bức bối về cuộc chiến giành quyền làm chủ đất đai.
Phim mào đầu bằng khung cảnh cung đường cát bụi với những vạt cỏ xơ xác và những khối đá nằm chỏng chơ. Màu phim ngả vàng tạo cảm giác mơ hồ về thời gian cũng như ngụ ý một bi kịch thời đại đang diễn ra. Trong các thị trấn vắng vẻ với phố xá không một bóng người, lác đác người da đỏ buồn bã vì đã bị người da trắng cướp đất. Rồi những người da trắng - chủ trang trại - lại bị các ngân hàng bòn rút. Có những người chấp nhận sự thật như một điều hiển nhiên, nhưng có người vô tội bị dồn vào đường cùng và sa vào tội ác.
Hai anh em nhà Howard đại diện cho thế hệ dân nghèo bị nghiền nát dưới sức ép tàn nhẫn của guồng máy kinh tế Mỹ. Họ phản ứng lại sự áp bức bằng bạo lực, song theo những cách khác nhau. Người anh Tanner là kẻ tiệm cận điên loạn, tìm thấy lạc thú trong việc giết người, còn người em Toby chỉ muốn dùng súng đạn như một phương tiện thoát khỏi đói nghèo mà anh ta gọi là “dịch bệnh”. Nỗ lực giữ lấy đất của Toby là hành vi mang tính phản kháng lại sự tước đoạt của ngân hàng.
Hell or High Water gợi nhớ đến Bonnie & Clyde, cũng kể về một vụ cướp liên hoàn ở Texas. Mặc dù vậy, hai nhân vật chính trong phim kinh điển năm 1967 ra tay để tìm sự nổi tiếng, còn Hell or High Water đưa ra động cơ thực tế hơn - người bình thường sa vào con đường tội ác.
Trong hai vai chính, Ben Foster và Chris Pine phối hợp nhịp nhàng giữa mọi phân đoạn thoại cũng như hành động. Lúc đầu, vai diễn của Foster nổi bật hơn nhờ nét bất cần và bạo lực, nhưng càng về sau Chris Pine càng chiếm ưu thế. Nhân vật của anh mới là kẻ vạch kế hoạch tỉ mỉ và cũng mang nhiều tâm sự hơn. Lối diễn kiềm chế cùng ánh nhìn xa xăm của tài tử Star Trek khắc họa chân dung một tay giang hồ biết lo lắng cho gia đình. Đây có thể xem là vai diễn đột phá trong sự nghiệp của Chris Pine, giúp nam diễn viên thoát khỏi hình tượng “lãng tử” sau nhiều năm.
Với Jeff Bridges, nhân vật cảnh sát Marcus chỉ như cuộc dạo chơi với ông. Diễn viên 66 tuổi có thừa kinh nghiệm với kiểu cớm già ngạo nghễ sau True Grit hay Tron: Legacy. Ông chủ động kiểm soát vai diễn với nét diễn, cách thoại sắc bén. Ở cuối phim, Jeff Bridges và Chris Pine có phân cảnh ấn tượng khi hai nhân vật đe dọa lấy mạng nhau nhưng khéo léo ngụy trang bằng những từ ngữ nhã nhặn.
Hell or High Water mang màu sắc chung của phim chính kịch nhưng biên kịch Taylor Sheridan khéo léo lồng vào chất trào phúng thâm thúy. Giọng điệu phim đôi chỗ tưng tửng, các nhân vật nhiều lần dùng câu chữ để giễu cợt nhau. Hai tên cướp dù tỏ vẻ hung dữ nhưng là dân nghiệp dư, hành xử lúng túng. Ngay trong phi vụ đầu phim, chúng còn ngây thơ không tịch thu súng để một ông già có thể bắn trả. Một đoạn hài hước khác là khi hai cảnh sát bước vào quán ăn và gặp phải một nữ hầu bàn già khụ, cộc cằn với cách hỏi món như thẩm vấn thực khách.
Chất châm biếm ngầm được thể hiện qua viên cảnh sát Marcus. Là người đại diện cho pháp luật nhưng ông là kẻ coi thường Chúa và mang đầy định kiến chủng tộc. Marcus rất quý anh bạn đồng hành - một người nửa Mexico, nửa da đỏ, nhưng luôn miệng chế giễu nguồn gốc anh ta. Nhân vật này như ẩn dụ cho một nước Mỹ già cỗi, mang trong mình nhiều sự kỳ thị chủng tộc ngấm ngầm.