Điện Ảnh
Bộ sưu tập phim chất lượng remux 4K với điểm IMDb từ 6.6 trở lên
1,724 files
-
Để thực sự miêu tả đươc trọn vẹn điện ảnh Hollywood đầu thập niên 1970 trở đi quả là một điều gần như không thể: Nó đa dạng, hỗn loạn và phong phú y hệt như tình hình chính trị nước Mỹ lúc ấy. Khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn cuối và phong trào phản văn hóa hippie cũng đã chấm dứt, để lại dư âm là sự thiếu tổ chức và một nhà nước chuyên quyền bên dưới cái văn hóa “tự do” của một thể chế lắt léo, với những kẻ tiêu thụ chính là thế hệ baby boomer. “Giấc mơ đã kết thúc”, như những gì mà John Lennon đã nói, và thập niên 60 mơ mộng kết thúc để nhường chỗ cho một thập niên 70 khốc liệt và tàn tạ.
Cuộc chiến tranh vô nghĩa cũng đã để lại không ít những tổn thất to lớn cho nền kinh tế, quân sự, và trên hết là nhân sự. Những người lính Mỹ đã trở về - không những là về với hai bàn tay trắng - mà họ trở về với tâm trí và cơ thể không còn nguyên vẹn nữa. Họ được chẩn đoán với căn bệnh tâm lý PTSD - rối loạn stress sau sang chấn và phải học cách tái hòa nhập với xã hội một cách miễn cưỡng cùng những suy nghĩ càng lúc càng xa rời thực tại.
Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn mới nổi tài năng hiện thời, đặc biệt là những đạo diễn trong phong trào Làn Sóng Mới như Francis Ford Coppola (Apocalypse Now), Martin Scorsese (Taxi Driver), hay một cái tên ít được biết hơn là Michael Cimino với tác phẩm The Deer Hunter.
The Deer Hunter là một tác phẩm kết tinh của những gì làm nên điện ảnh thập niên 70: Nội dung gai góc, lối diễn xuất tự nhiên bồi thêm bằng kịch bản như có sự ứng tác tự nhiên hơn là sự giả tạo như ở các thập niên trước, thể hiện qua những góc máy lột tả vạch trần được sự bẩn thỉu đen tối. Với những diễn viên có tiếng tăm nhất thời điểm ấy như Robert De Niro, Christopher Walken và Meryl Streep, The Deer Hunter đã được đề cử Oscar vào năm 1979.
Những gì bộ phim chạm đến, đơn giản là nỗi đau và mất mát. Nhưng những nỗi đau mà Cimino khắc họa trong Deer Hunter nó dường như sâu hoắm hơn bất cứ tác phẩm về chiến tranh nào khác. Nếu như Apocalypse Now của Coppola tập trung vào sự ác liệt tàn khốc vô nghĩa mà những binh lính phải trải qua, Deer Hunter lại muốn khán giả cảm nhận những hậu quả dai dẳng đeo bám họ nhiều năm sau cuộc chiến.
Một phần ba đầu phim được Cimino dành trọn để xoay quanh lễ cưới...Đó là khoảng thời gian dành trọn cho sự hồn nhiên trong trắng của những người lính trước khi bị lấy đi bởi sự khốc liệt bom đạn mang lại. Khoảng thời gian mà những người bằng hữu ngân lên giai điệu “Can’t Take My Eyes Off Of You”, đánh bi-a, uống bia và trêu đùa nhau thay vì nơm nớp lo sợ ngày qua ngày rằng mạng sống của bản thân sẽ bi tước đoạt vì một viên đạn của phe địch, hay là của chính bản thân.
Đúng vậy, một chủ đề lớn nữa trong Deer Hunter chính là trò chơi mang tính sinh tử: Russian Roulette - Nòng xoay Nga. Một trò chơi đầy sự phi nhân tính và tàn khốc tuy không thực sự tồn tại trong chiến tranh Việt Nam song vẫn được thêm vào phim, đóng vai trò tô điểm và nhấn mạnh nỗi khổ tâm, đồng thời là ẩn dụ cho cuộc chiến tổng thể lớn hơn. Về cơ bản, cách chơi của Russian Roulette bao gồm một khẩu súng sáu nòng revolver và một viên đạn. Người chơi bỏ một viên đạn vào nòng, xoay lên, chĩa súng vào đầu, rồi bóp cò. Năm ổ trống và một ổ có đạn. Tỷ lệ là một trên sáu, chỉ một trên sáu, cho cuộc đời của một con người.
Những người lính Mỹ trong phim đã bị ép buộc phải chơi nòng xoay Nga, bao gồm hai nhân vật chính là Michael và Nick. Đến cảnh quay ấn tượng nhất của bộ phim, khi Nick và Michael bị ép buộc phải chơi Russian Roulette với ba viên đạn. Đây chính là một trong những cảnh quay căng thẳng và chân thực nhất từng được đưa lên màn ảnh của Hollywood. Cả Robert De Niro, Jon Savage và Christopher Walken đều ở giai đoạn đỉnh cao nhất của sự nghiệp trong Deer Hunter; thế nhưng vai diễn Nick của Walken mới tỏa sáng hơn cả với sự biểu hiện chuyển biến tâm lý sau dư chấn của chiến tranh. Nick như trở thành một con người khác hoàn toàn, một con người dường như sau khi đã chạm đáy nỗi khốn cùng đã vực dậy và trở nên vô cảm hoàn toàn sau bao nhiêu lần cận kề với cái chết.
Đoạn kết của phim với bài hát “God Bless America” được cất lên có phần chua cay, cắt sâu vào lòng tự tôn dân tộc của những công dân Mỹ với một niềm tin một mực vào Đế quốc hùng mạnh với một lý tưởng, một giấc mơ chung cùng những cuộc chiến tranh được họ gán ý nghĩa. Chúa phù hộ cho nước Mỹ, thế liệu Chúa có phù hộ cho Việt Nam?
Lần đầu tôi xem bộ phim này, tôi mới chỉ là một thằng nhóc lớp 9. Một thằng bé chưa có đủ sự trải đời và kinh nghiệm sống cũng như một cái nhìn cảm quan trưởng thành về phim ảnh. Thế nhưng ngay sau khi bộ phim kết thúc, tôi biết mình vừa chứng kiến một kiệt tác điện ảnh lịch sử đương đại. The Deer Hunter đã chạm vào một cái gì đó sâu thẳm nhất bên trong tôi, một nỗi lòng, một sự đồng cảm, một niềm oán hận chất chứa bên trong đối với không chỉ là với những cựu binh Mỹ, cựu binh Việt, mà là bất kỳ những ai đã từng trải qua cái gọi là mất mát, cam chịu và khổ đau. Bao gồm cả người ra đi và người ở lại.
Bỗng chợt, những câu hát của cô Thanh Tuyền trong Rừng Lá Thấp lại văng vẳng trong đầu tôi:
“Sao Không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa
Sao không hát cho những bà mẹ hằng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua.”
Michael Cimino không có bất cứ bộ phim nào thành công như Deer Hunter nữa. Dự án Heaven’s Gate tốn kém của ông tiếp theo sau đó đã lụn bại một cách thê thảm trên cả hai phương diện nghệ thuật và thị trường, thậm chí còn được mệnh danh là “thất bại nặng nề nhất trong lịch sử điện ảnh”. Cimino mất vào năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi.
-
Phim Parasite, giống như “The Host” hay “Snow Pierce”, đào sâu vào cách biệt giàu – nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội (Hàn Quốc nói riêng, và bất cứ quốc gia nào nói chung). Giàu và nghèo, có tất cả và không có gì cả, trên cao và dưới thấp, ánh sáng và bóng tối, mênh mông và chật chội, ngây thơ và toan tính… Khán giả sẽ bắt gặp rất nhiều những phạm trù đối lập xuất hiện trong bộ phim này, nhiều tới độ, bản thân bộ phim giống như một cuốn sách về sự đối lập vậy đó.
Lưu ý bài viết review và ý nghĩa phim Ký Sinh Trùng (Parasite) tiết lộ nhiều tình tiết trong phim, vì vậy nếu chưa coi phim thì hãy lưu lại để coi xong thì vào đọc. Nếu đã coi phim rồi và chưa hiểu thì tiếp tục.
Sự đối lập giữa bối cảnh sống và giai cấp xã hội thể hiện trong “Parasite” xoay quanh góc nhìn về “sự giàu có” của gia đình bốn người nhà Ki-taek. Đây thực sự là một gia đình thú vị theo cách châm biếm đầy hài hước và cay đắng.
Nhà Ki-taek sống trong một căn hộ dưới tầng hầm, làm nghề dán vỏ hộp pizza với tiền công bèo bọt để kiểm sống trong họ đều đang ở độ tuổi lao động. Người bố Ki-taek, theo như giới thiệu từ những khung hình đầu phim từng là một vận động viên, ông thậm chí còn từng dành huy chương. Nhưng rồi chỉ có vậy. Ở độ tuổi trung niên, ông ta sống chen chúc cùng vợ con trong một căn hộ nằm ở đáy của đáy thành phố, nơi mà một người đi đường say xỉn cũng có thể tè bậy vào nhà họ qua ô cửa sổ sát mặt đất. Cuộc sống đắp đổi giật gấu vá vai ấy cứ tiếp nối ngày qua ngày cho tới khi cậu bạn của người con trai cả sắp đi du học mang đến cho gia đình này một tảng đá phong thủy với ý nghĩa mang lại giàu sang phú quý, và đề nghị cậu con trai tới thay cậu ta gia sư cho một cô tiểu thư nọ, với mong muốn thực sự là nhờ cậu bạn thân “giữ chỗ” hộ mình trong trái tim cô tiểu thư ấy.
Sự kiện ấy mở ra phần thứ hai của bộ phim, với trọng tâm là kế hoạch “đổi đời” của nhà Ki-taek, được lên kế hoạch bởi cô con gái út – “mastermind” của cả gia đình. Trường đoạn này làm mình nhớ đến một cảnh trong bộ phim Hồng Kông mình xem hồi tháng trước có tên “House with a View” cũng có một cảnh cả gia đình cùng đồng tâm hiệp lực cho một mục tiêu lớn. Sự đoàn kết của gia đình trong bộ phim ấy cuối cùng cũng biến gã hàng xóm cơ hội trở thành một cái xác bị ném xuống biển, còn trong “Parasite”, sự hợp lực của gia đình Ki-taek cuối cùng cũng giúp họ thao túng được gia đình nhà Park, một sự thao túng ngầm mà những con người giàu có nhưng ít va vấp với cuộc đời kì không hề nhận ra.
“Người giàu tốt vì họ giàu, hay họ giàu vì họ tốt?” – Câu hỏi của Ki-taek chính là dấu chấm khép lại phần thứ hai của bộ phim, khi cả gia đình họ nhân lúc nhà Park đi dã ngoại mừng sinh nhật cậu con trai mà kéo đến ăn nhậu xay xỉn trong căn biệt thự vắng chủ. Đúng là từ đầu phim, gia đình Park luôn cử xử hòa nhã, đối đãi rộng rãi với gia đình Ki-taek, họ nghe bất cứ điều gì mà gia đình này nói ra, không mảy may nghi ngờ hay tò mò tính xác thực. Kế hoạch của cô con gái nhà Ki-taek cũng được xây dựng trên sự cả tin này, và thành công rực rỡ cũng nhờ nó. Gia đình Park ngây thơ đến nực cười. Cứ như thể cuộc sống giàu sang về vật chất chính như một môi trường vô trùng đầy an toàn nuôi dưỡng họ quá lâu, khiến họ mất đi hoàn toàn sức đề kháng trước sự tấn công của hiện thực khắc nghiệt trong dáng hình của gia đình bốn người kia.
Quay lại với câu hỏi lớn. Tốt vì giàu hay giàu vì tốt, gia đình Ki-taek ngay lập tức đã được đặt vào một tình huống thử thách để tìm ra câu trả lời. Người quản gia đã bị đuổi đi bỗng chốc xuất hiện trong đêm mưa gió, xin được vào trong nhà để lấy món đồ bà ta để quên dưới tầng hầm. Sự xuất hiện trở lại của người quản gia này mở ra phần thứ ba của bộ phim, khi gia đình Park – hiện thân của tầng lớp thượng lưu tạm thời rút khỏi bộ phim, nhường lại sân khấu cho những người cùng một giai tầng và những vấn đề của riêng họ. Nếu phần thứ hai của phim làm mình thích thú vì kế hoạch được xây dựng tỉ mỉ, thì phần thứ ba của phim lại khiến mình hồi hộp vì sự vô kế hoạch của nó. Và khi con người hành động không có kế hoạch hay phán đoán cụ thể, thì thứ dẫn dắt họ tiến về phía trước chính là ham muốn và bản năng.
Ban đầu, người quản gia cũ cư xử với gia đình Ki-taek như những người cùng cảnh ngộ – nghèo khổ, phải đi làm thuê cho nhà chủ để kiếm tiền nuôi thân. Sự cảm thông này nhanh chóng bị xóa bỏ, và câu chuyện trở thành trận chiến giành thế thượng phong – một cái “thế thượng phong” khó hiểu khi cả hai bên đều phải lén lút. Điểm chung duy nhất giữa họ chỉ là ngày qua ngày họ đều bí mật “chấm mút” một chút từ gia đình nhà Park để vun vén cho bản thân mình.
Phim Parasite cũng đặt ra một ranh giới. Tiến đến ranh giới đó, bạn là người mưu cầu no ấm và hạnh phúc, đặt chân lên ranh giới đó bạn là kẻ sa ngã, còn vượt qua ranh giới đó, bạn rơi. Cũng không phải điều gì đặc sắc đúng không? Nhưng cách mà Bong Joon-ho thể hiện “cú rơi” đó lại khiến khán giả theo dõi bộ phim của ông cảm thấy đăng ngắt trong lòng.
Gia đình Park phải bỏ dở chuyến cắm trại vì trời mưa, quay trở về nhà trong đêm. Tình huống bất ngờ ấy đặt nhà Ki-taek vào một cuộc chạy trốn khổ sở và nhục nhã. Họ thoát ra được khỏi ngôi nhà, chạy chân trần trong cơn mưa, xuống ga tàu điện ngầm, xuống hết bậc thang này đến bậc thang khác để trở về ngôi nhà của mình. Nước mưa rơi xuống từ trời, thấm ướt khoảng sân vườn của biệt thự nhà Park, chảy theo đường đồi thoải xuống lối đi dưới ga tàu điện ngầm, rồi qua các rãnh nước, các đường cống ngầm, cuốn theo mọi thứ bẩn thỉu bụi bặm ở phía bên trên. Ba người nhà Ki-taek cũng chạy cùng hướng với dòng chảy ấy để về ngôi nhà của mình. Cứ như thể cơn mưa kia cũng đang cố gắng cuốn họ đi khỏi thế giới thượng lưu trên những quả đồi cao kia như người ta cố gắng rửa trôi rác bẩn.
Trường đoạn chạy trốn ấy, kết thúc bằng cảnh trong ngôi nhà ngập khép lại phần thứ ba của “Parasite”. Gia đình Ki-taek giống như chú nhện trong bài đồng dao con trẻ, Con nhện trèo lên máng nước, trèo mãi trèo mãi. Rồi một cơn mưa lại cuốn nó về điểm bắt đầu.
Sau cơn mưa là một ngày quang đãng đẹp trời. Gia đình Park quyết định tổ chức một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ cho con trai họ. Và đây chính là lúc khán giả thấy được mép vực sâu hoắm ngăn cách giữa hai giai cấp – trên cùng và dưới cùng của xã hội. Bữa tiệc trong vườn không chỉ ê hề đồ ăn thức uống, nó còn quy tụ ở đó những gia đình thượng lưu khác, có ca sĩ hát opera, có những câu chuyện mà cả đời gia đình nhà Ki-taek cũng chẳng nói với nhau. Nhà Ki-taek vốn tự đắc họ nắm thóp được gia đình nhà Park, lừa đảo và kiếm tiền được từ họ, nhưng hóa ra đến phút sau cùng, những tổn thất mà họ gây ra cho gia đình thượng lưu kia lại chẳng bõ bèn gì. Ngược lại, bản thân họ vì cố gắng đeo bám nó mà đã tự sa vào vũng lầy không lối thoát, đánh mất cùng lúc cả nhân tính và chuỗi ngày sống thanh bần bên nhau.
Nói Bong Joon-ho làm “Parasite” để bênh vực người giàu vạch tội người nghèo cũng chẳng đúng, mà bảo là vạch tội người giàu thương cảm người nghèo lại càng đâu đâu. Nhưng chắc chắn bộ phim này nhắc nhở khán giả xem nó rằng có những giới hạn không nên vượt qua, mọi tội ác đều phải trả giá trước thứ công lí mang tên nhân – quả… và có lẽ con người sống tốt nhất khi là chính họ dưới ánh mặt trời chứ không phải núp dưới thứ vỏ bọc giả dối và bóng bẩy nào.
-
Phim bắt đầu bằng cảnh Lawrence như một thường dân lái xe mô tô xuống một con đường nông thôn hẹp ở Anh và bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong khi ông cố tránh va chạm với hai người đi xe đạp. Tang lễ của ông diễn ra tại nhà thờ Thánh Paul. Các phóng viên cố tìm hiểu về người đàn ông bí ẩn này từ những người biết về ông, nhưng họ chỉ thu được rất ít thông tin. Sau đó, phim đưa khán giả trở lại Cairo trong Thế chiến I, Lawrence đang là một trung úy trong quân đội viễn chinh Anh và nổi tiếng nhờ sự ngạo mạn và kiến thức về bộ lạc Bedouin. Dù bị tướng Murray (Donald Wolfit) nghi ngờ về năng lực, anh vẫn được ông Dryden (Claude Rains) của văn phòng Ả Rập gửi đến giúp ông Hoàng Feisal (Alec Guinness) trong cuộc nổi dậy chống lại quân Thổ, đồng minh của Đức.
Trong cuộc hành trình của mình, người Bedouin hướng dẫn anh bị tộc trưởng Ali (Omar Sharif) giết vì uống nước từ giếng của ông ta mà không xin phép. Ngay bên ngoài lều trại của Feisal, Lawrence gặp sĩ quan giám sát của mình, đại tá Brighton (Anthony Quayle), và ngài ra lệnh cho anh giữ im lặng trước khi giới thiệu anh với ông Hoàng rồi bỏ đi.
Nhưng Lawrence đã bỏ qua những mệnh lệnh này khi trò chuyện với Feisal. Tính cách thẳng thắn của anh gây ấn tượng cho ông Hoàng. Brighton khuyên lãnh tụ Ả Rập rút lui sau một thất bại lớn, nhưng Lawrence tiến cử giải pháp thay thế: tấn công thành phố chiến lược Aqaba. Nếu chiếm được thành phố này, nó sẽ cho quân Anh một cảng để bốc dỡ những tiếp tế cho quân nổi dậy, đồng thời bảo vệ họ chống lại một cuộc tập kích từ phía biển. Lawrence thuyết phục Feisal cho anh 50 người, trong đó có Sherif Ali và hai thanh niên mồ côi Daud (John Dimech) và Farraj (Michel Ray) vốn là người hầu cận của anh. Toán quân băng qua sa mạc Nefud khắc nghiệt mà chính người Bedouin còn phải ngán ngại. Họ đi suốt ngày đêm để sớm đến nơi có nước uống. Gasim (I. S. Johar), một thành viên trong đoàn bị ngủ gật và ngã khỏi lạc đà khi đêm xuống mà không ai hay biết. Những người còn lại đến được ốc đảo, nhưng Lawrence quyết định quay trở lại tìm đồng đội, dù biết làm vậy là nguy hiểm tính mạng. Khi anh cứu được Gasim, Ali thực sự cảm kích và chấp nhận anh là bạn. Sau đó Lawrence gặp Auda abu Tayi (Anthony Quinn), lãnh đạo bộ lạc Howeitat đầy quyền lực cai quản khu vực này và thuyết phục Tayi chống lại quân Thổ.
Kế hoạch của Lawrence tưởng như bị phá sản, khi một người của Ali giết thủ hạ của Auda vì nợ máu. Anh tuyên bố sẽ tự mình xử kẻ sát nhân, nhưng sững sờ khi biết đó chính là Gasim, người anh đã cứu. Dù vậy, Lawrence vẫn bắn Gasim như động thái nhằm xóa bỏ hận thù giữa hai bộ tộc. Liên minh được tái lập, đoàn quân tiến đến Aqaba và chiếm được thành phố một cách không mấy khó khăn. Lawrence trở về Cairo để báo tin chiến thắng cho tướng Dryden và chỉ huy mới của anh, tướng Allenby (Jack Hawkins). Nhưng dọc đường, Daud chết khi ngã vào xoáy cát. Lawrence được thăng hàm thiếu tá, được cho vũ khí và tiền để chi viện cho người Ả Rập. Anh hỏi Allenby có phải liệu điều người Ả Rập nghi ngờ, quân Anh sẽ chiếm đất nước họ sau khi quân Thổ rút đi là đúng? Vị tướng nói ông không phải là nhà chính trị, nên không thể trả lời câu hỏi này. Nhưng sau đó ông lại khẳng định quân Anh không hề có ý đồ này.
Được giải tỏa mối nghi ngờ, Lawrence mở cuộc chiến tranh du kích, đánh tan nhiều chuyến tàu hỏa của người Thổ và liên tục quấy rối phe địch. Phóng viên chiến trường Mỹ Jackson Bentley (Arthur Kennedy) biến anh thành người nổi tiếng thế giới, bằng cách công bố những chiến công của anh. Khi mùa đông đến, nhiều người bộ lạc trở về nhà nên quân số ngày một mỏng dần khó có thể tiếp tục cuộc chiến. Trong một cuộc bố ráp, Farraj bị thương nặng trong lúc đặt thuốc nổ trên đường ray. Để tránh cho Farraj lọt vào tay quân Thổ và bị tra tấn, Lawrence buộc phải bắn chết đồng đội trước khi đào thoát. Chỉ còn 20 người, anh cùng Ali cải trang lẻn vào thành phố Daraa đang bị quân Thổ chiếm giữ. Họ bị bắt cùng với nhiều người Ả Rập khác và được đưa đến trình diện tướng Thổ Bey (Jose Ferrer). Tại đây Lawrence phát hiện ra Tướng Bey là một người đồng tính và có ý xâm hại anh, Lawrence cự tuyệt ông ta để rồi bị quân Thổ đánh đập một cách tàn nhẫn và bị ném ra ngoài đường. Nếm trải những kinh nghiệm đau thương, Lawrence ngưng chiến đấu và tìm cách trở lại cuộc sống bình thường.
Đến Jerusalem, Allenby khuyên anh quay về với hàng ngũ và tham gia cuộc tấn công lớn vào Damascus và hứa sẽ cung cấp tiền bạc cùng khí tài quân sự đầy đủ cho anh. Lúc đó Lawrence đã là một người khác, độc ác hơn. Anh ra lệnh giết chứ không giữ tù nhân, dẫn đến cuộc thảm sát những người lính Thổ tháo chạy tại Tafas. Đa số người tham gia đạo quân của Lawrence là vì tiền hơn là vì người Ả Rập. Dù vậy, họ vẫn chiếm được Damascus trước Allenby. Người Ả Rập thành lập một hội đồng để cai quản thành phố, nhưng hành xử công việc như những người xuất thân từ các bộ lạc, chứ không từ một quốc gia. Không có điện, điện thoại và nước, họ thường xuyên đụng độ với nhau và không lâu sau giao gần hết Damascus cho người Anh. Lawrence được thăng hàm Đại tá rồi quy cố hương, chuyển những cuộc thương lượng chia sẻ quyền hành cho ông Hoàng Faisal, người Anh và người Pháp.
-
Phim bắt đầu với việc Jake Blues (John Belushi) mới ra tù sau một thời gian ở trong tù. Anh tái hợp với anh trai mình, Elwood Blues (Dan Aykroyd), và họ quyết định tiếp tục con đường âm nhạc của nhóm nhạc blues mà họ đã từng đứng đầu trước khi Jake bị bỏ tù.
Jake và Elwood khám phá ra rằng tu viện nơi họ lớn lên, do các nữ tu quản lý, đang gặp nguy cơ bị đóng cửa vì thiếu tiền để trả thuế. Họ quyết định rằng họ cần phải giúp đỡ để cứu lấy tu viện. Với sự trợ giúp của bạn bè và các nghệ sĩ trong giới âm nhạc, họ lập kế hoạch để kiếm tiền bằng cách tổ chức một buổi biểu diễn và thu hút sự chú ý của công chúng. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, Jake và Elwood gặp phải nhiều tình huống éo le và gây cười. Họ bị truy đuổi bởi cảnh sát, các nhóm đối thủ và nhiều kẻ thù khác, đồng thời gặp gỡ nhiều nhân vật kỳ quặc và tham gia vào các cuộc rượt đuổi gay cấn.
Phim nổi bật với nhiều màn trình diễn âm nhạc blues và soul, với sự xuất hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng như James Brown, Ray Charles, Aretha Franklin, và nhiều người khác. Những màn trình diễn này không chỉ là điểm nhấn của phim mà còn góp phần tạo nên không khí sôi động và đầy năng lượng.
Sau nhiều tình huống dở khóc dở cười và rượt đuổi, Jake và Elwood cuối cùng thực hiện được kế hoạch và quyên góp đủ tiền để cứu tu viện. Bộ phim kết thúc bằng một cảnh tượng hoành tráng với một màn biểu diễn đặc biệt và một cảnh truy đuổi kịch tính của các nhân vật chính với cảnh sát và các kẻ thù.
-
Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua cái tên Tom Cruise hay loạt phim hành động "Nhiệm Vụ Bất Khả Thi" của nam diễn viên này. Nhưng có lẽ bạn sẽ ít nghe đến một bộ phim hành động nổi tiếng khác của Tom Cruise, bộ phim đã đưa ông đến sự thành công. Hãy ngược về quá khứ để khám phá Top Gun – bộ phim kinh điển của Tom Cruise.
Tom Cruise – Nam diễn viên người Mỹ nổi tiếng với hàng loạt phim như Endless, The Mummy,…và đặc biệt ông quen thuộc với khán giả Việt Nam thông qua loạt phim Nhiệm Vụ Bất Khả Thi. Trước khi ông thành công với loạt phim hành động này, ông đã có một phim hành khác là Top Gun, bộ phim đã đưa ông đến sự thành công như ngày hôm nay cũng như là bước đầu trong những dự án phim hành động của Tom Cruise.
Top Gun được ra mắt vào năm 1986 do bàn tay của vị đạo diễn tài ba Tony Scott. Bộ phim xoay quanh nhân vật trung úy Pete “Maverick” Mitchell do tài tử Tom Cruise thủ vai, là một quân nhân trẻ thuộc Không Quân Hoa Kỳ. Bộ phim kể về những đấu tranh tâm lý của Maverick ở những trận chiến đầy căng thẳng trên bầu trời và đồng thời là câu chuyện tình yêu của anh và chuyên viên cũng là giảng viên của trường quân sự Top Gun - Charlotte "Charlie" Blackwood. Sau khi ra mắt, Top Gun đã gặt hái dược nhiều thành công, trở thành phim có doanh thu cao nhất nước Mỹ năm 1986 với 353,8 triệu đô. Nhạc phim - bài hát do hai nhạc sĩ Giorgio Moroder và Tom Whitlock đồng sáng tác “Take My Breath Away” với sự trình bày của ban nhạc Berlin sau đó đã nhận được giải Oscar và giải Quả cầu Vàng cho ca khúc trong phim hay nhất.
Bên cạnh đó Top Gun còn tác động mạnh mẽ đến rất nhiều người trẻ ở Mỹ. Đơn xin gia nhập các lớp đào tạo của Hải quân và Không quân Mỹ tăng lên đột biến do hình ảnh của các nhân vật trong phim. Không chỉ ở Mỹ, phim còn lan rộng ra khắp Thế Giới. Trung úy Misashi Matsushima trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Nhật, nữ phim công đã nói: “Từ lúc xem phim Top Gun thời tiểu học, tôi luôn hâm mộ những phi công lái máy bay chiến đấu trong phim. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Như đã thấy bộ phim không chỉ thành công về mặt danh thu còn mang lại ý nghĩa về nội dung. Bây giờ hãy ngược về quá khứ và khám phá bộ phim Top Gun của Tom Cruise.
Maverick là một anh chàng không quân tài năng, thừa hưởng từ người cha quá cố của anh. Nhưng anh lại có một cá tính mạnh, anh luôn chiến đấu không theo những quy tắc được chỉ huy. Anh luôn muốn khẳng định năng lực bản thân, yêu thích sự mạo hiểm và liều lĩnh. Tuy có lúc thành công và thất bại nhưng không ai pủ nhận tài năng của Maverick. Mong muốn Maverick trở thành một không quân chín chắn và học thêm nhiều bài học hơn, cấp trên đã cử anh đến trường đào tạo những không quân giỏi nhất Top Gun và mọi chuyện bắt đầu từ đây. Tới Top Gun, Maverick không còn là không quân giỏi nhất như ở đơn vị cũ, anh phải sống ở một môi trường nhiều những người giỏi, họ kỷ luật và tôn trọng sự tác chiến, điều này hoàn toàn khác với phong cách chiến đấu của anh. Và rồi cú sốc đầu tiên đến với anh, thất bại một vố nghiêm trọng trước những người bạn học, đã làm lật đổ đi niềm tự tin và sự tự hào, kiêu hãnh bấy lâu nay của anh. Tài năng cá nhân thôi vẫn chưa đủ nó vẫn bị khuất phục bởi tinh thần tập thể.
Cú sốc thứ hai như giáng vào lòng tự trọng của Maverick khi anh và tất cả các học viên trong lớp biết được câu chuyện về cha anh, cũng là một phi công tài năng nhưng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong một lần tác chiến khiến những đồng đội bên ông phải bỏ mạng. Và đỉnh điểm của sự đấu tranh tâm lý của nhân vật Maverick là trong một lần tham chiến cùng người bạn thân đã đồng hành cùng anh rất lâu - Goose đã hy sinh. Từ đây, anh luôn trách bản thân mình vì đã gây ra cái chết ấy mặc dù tòa án đã tìm được nguyên nhân không phải do anh. Vì nhận ra phẩm chất và cho rằng sau cú sốc lớn về tâm lý này anh sẽ trở nên kỷ luật, cấp trên vẫn tiếp tục cho anh bay lượn. Và rồi anh không thể nào thoát khỏi cái bóng tâm lý ấy. Cho đến một ngày, anh được cấp trên giao trọng trách cùng với đội của người giỏi nhất đi tham chiến. Sau nhiều nghi ngờ của những người đồng đội khác, Maacerick đã lấy lại được sự bình tĩnh và chiến đấu một cách tuyệt vời, anh đồng đội và kỷ luật hơn cho bản thân.
Nhân vật Maverick được “đo ni đóng giày” cho Tom Cruise nên không gì phải bàn cải về sự thể hiện hoàn hảo của nam diễn viên tài ba này. Những đấu tranh tâm lý của nhân vật Maverick cũng phần nào đưa ra bài học cho chính bản thân chúng ta về sự tự tin và kiêu ngạo. Tưởng chừng một bộ phim hành động chỉ có những cảnh chiến đấu khô khan nhưng đâu đó vẫn lồng ghép ý nghĩa, bài học cho mỗi người. Tài năng cá nhân sẽ không bao giờ có thể thắng nổi tinh thần tập thể. Chỉ có kỷ luật mới tạo sự hùng mạnh. Bộ phim sẽ trở nên buồn chán khi không có thêm gia vị của tình yêu.
Goose – anh chàng bạn thân nhất của Maverick, anh là anh chàng vui tính và anh đã có gia đình, một gia đình vui vẻ kiểu Mỹ. Anh và Maverick là cặp đôi tham chiến từ lúc ở Không Quân Hoa Kỳ. Chuyển sang trường Top Gun, họ vẫn tiếp tục là đồng đội của nhau. Mặc dù Maverick là một anh chàng cá tính, liều lĩnh nhưng anh vẫn luôn ở bên cạnh tham chiến cùng người bạn của mình. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta gặp được tri kỉ trong đời. Tình bạn của Goose và Maverick cũng vậy. Anh cảm thấy nguy hiểm khi bay nhưng anh không bao giờ bỏ rơi anh bạn của mình. Để rồi không may, tai nạn đã xảy ra với anh. Cả trường quân sự đều thấy thương tiếc cho anh. Và không ai khác người đau khổ nhất là Maverick, cái chết của anh coi như là cột mốc lớn nhất tạo ra sự thay đổi cho nhân vật do Tom cruise thủ vai.
Tình đồng đội còn thể hiện và là chi tiết khiến tôi rất nhớ, khi Iceman nhân vật đứng đầu trường Top Gun, an ủi Maverick, cả trường đều buồn và thương tiếc cho Goose. Mặc dù họ cạnh tranh nhau nhưng tình người, tình đồng đội vẫn luôn trong họ. Bộ Phim không hề có nhân vật phản diện và những trò chơi khăm nhau trong trường. Top Gun chỉ tập trung vào diễn biến tâm lý của nhân vật. Không chỉ Maverick mà còn những người xem phim cũng sẽ nhận ra tình đồng đội đáng quý biết bao. Tinh thần tập thể được đề cao trong trường Top Gun.
Charlie là một nữ chuyên viên cũng như là giảng viên của trường Top Gun, một nữ chuyên viên xinh đẹp, bản lĩnh. Tuy rằng bộ phim tập trung vào diễn biến tâm lý của Maverick nhưng với tôi, cô thể hiện cho hình tượng một cô gái tuyệt vời, xinh đẹp, lại giỏi giang, trở thành chuyên viên phân tích đường bay, giảng viên cho những người không quân giỏi nhất. Chuyện tình của cô và Charlie bắt đầu ở một quán bar, khi cả hai người không biết danh tính của nhau. Và rồi họ gặp nhau trong trường, tình cảm của họ bắt đầu nảy nở. Những cảnh xuất hiện của cả hai được khéo léo thể hiện trên nền nhạc “Take My Breath Away”, làm người xem cảm thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn khi trải qua cảm xúc nghẹt thở của những trận chiến trên không.
Tưởng chừng câu yêu của họ suôn sẽ nhưng không, tình yêu giữa cậu học trò bướng bỉnh và giảng viên xinh đẹp cũng gặp nhiều khó khăn và rào cản. Họ cũng trải qua những khó khăn và vấn đề của riêng mình. Nhưng cả Maverick và Charlie đều dành vị trí của nhau trog trái tim chân thành. Họ xa nhau nhưng sau tất cả họ cũng về với nhau. Cuộc gặp gỡ tạo sự kết thúc nhẹ nhàng cho Top Gun.
Tuy sự có mặt của nhân vật khác chỉ xuất hiện rất ít trong phim nhưng họ vẫn để lại những dấu ấn riêng. Vợ của Goose cho chúng ta một cảm giác thân thiện, vui vẻ, khi Goose qua đời, cô khóc nhưng vẫn thể hiện sự mạnh mẽ của người phụ nữ Mỹ. Tiếp theo là nhân vật sỹ quan Mike Retcalf, ông là sỹ quan giỏi, trên thế giới khó có người thứ hai. Ông phải vệ bí mật quân sự về cha của Maverick nhưng ông vẫn giúp đỡ anh và tiết lộ bí mật cho anh biết, cha anh không phải là người bỏ mặt đồng đội mà đã hy sinh cho đồng đội của mình. Cuối cùng, nhân vật Iceman, người đứng đầu Top Gun, với dáng vẻ ngông cuồng, có lẽ ai cũng cho rằng anh rất khó thân thiện, nhưng với tôi anh là một con người có tính đồng đội cao, sự kỷ luật đã đưa anh trở thành người đứng đầu. Những câu nói của anh dành cho Maverick không là lời trêu chọc mà là nói lên những sự nguy hiểm của Maverick trong cách chiến đấu. Trong sự ra quân cuối cùng, anh cũng nói với sỹ quan Mike về sự có mặt của Maverick. Câu nói khá ấn tượng, anh không hề mang tính cá nhân, trong một nhiệm vụ lớn, Maverick lại vừa có tâm lý không tốt. Tất nhiên sự nghi ngờ sẽ có, Iceman tôn trọng tính đồng đội và sự an nguy của cả tập thể. Từng nhân vật dù vai chính hay chỉ đóng góp một phần nhỏ trong phim đều thể hiện rất tốt, đem lại dấu ấn khác nhau cho người xem.
Bộ phim là sự kết hợp hoàn hảo giữa hình ảnh người chiến binh đầy dũng cảm trên không và câu chuyện tình yêu lãng mạn như sự hòa quyện giữa cương và nhu. Những góc quay sáng tạo làm bộ phim trở nên hồi hộp trong những pha chiến đấu. Top Gun tuy rằng không phải bộ phim quá hoàn hảo nhưng lại một bộ phim đầy thành công trong việc xây dựng một hình ảnh đẹp mạnh mẽ và đầy quyến rũ của người không quân đã tác động lớn đến giới trẻ ở Mỹ và nhiều nước trên Thế Giới. Bên cạnh đó từ nhạc phim, phong cách của các nhân vật trong phim cũng trở nên nổi tiếng vào năm 1986. Top Gun còn là bộ phim giúp Tom Cruise vụt sáng trở thành một ngôi sao phim hành động lớn.
-
Onward là bộ phim xen kẽ phù thủy với hiện đại, nhưng cũng không hẳn là phim đầu tiên lấy bối cảnh hiện tại xen kẽ phép thuật, tuy nhiên nếu xét về vai trò hiện đại và phép thuật thì với Onward đã làm rất tốt với vai trò về gia đình, quá khứ và phép thuật.
Không chỉ có thế, Onward lấy giá trị nhân sinh, tình cảm, mâu thuẫn giữa anh em và sự nương nhờ, đồng tính, chủng tộc đưa vào trong phim như một sự trọng tâm, một điều nữa là Onward cũng lấy giá trị đi tìm năng lực của bản thân mà đã bị lãng quên, điều này khá là nói rõ ràng, như các nhân vật “ông tiên nhỏ”, và cô nàng The Manticore chưa bao giờ biết bay.
Khi đó, Barley là người truyền năng lực cho việc đi tìm những điều quá khứ, hoặc là khả năng mỗi con người, mỗi người điều có khả năng gì đó mà đã bị lãng quên hoàn toàn, hoặc là bản chất tôi là ai, tôi là ai, tôi có nên đi tìm lại bản thân mình không? Chính vì điều này mà bộ phim Onward giành được lòng người rất cao, bởi đây là điều cốt lõi mà Onward đã truyền tải, trọng tâm của bộ phim.
Khi cả hai nhóc Barley và Ivan tới để gặp The Manticore tìm bản đồ, The Manticore đã như hóa điên khi chính bản thân cô đã đánh mất giá trị bản thân vốn sẵn có và khả năng bẩm sinh của mình nên cô đã biết rằng mọi thứ hiện tại đã đi quá xa mà so với nguyên thủy vốn có của cô, cô là ai?
Nên cô đã nổi điên, làm mọi thứ tan tành. The Manticore đã thật sự tìm lại bản thân cô khi cô tìm lại thanh kiếm và bay lên trời, chiến đối với con rồng, đó mới thật sự là bản chất thật sự của cô, so với thời hiện đại, cô không còn là cô khi thế giới nguyên thủy là phép thuật, phưu lưu, chiến đấu đã biến mất, nhường chỗ cho những cỗ máy.
Đó mới thật sự gọi là sự biến mất của nền văn minh quá khứ, đôi khi chúng ta cần phải bảo tồn, thậm chí trong cảnh phim Barley đã ngăn cản mọi người đập phá di tích của nền văn minh cũ, đó là những bộ phim muốn truyền tải.
Bộ phim Onward không dừng lại ở đó, thêm vào một việc thiếu thốn tình cảm của người cha dù có người cha dượng, yếu kém trong giao tiếp, gầy gò, thể lực kém, và mọi thứ không đủ tự tin để làm như Ivan, sẽ không bao giờ dám mạo hiểm như người anh trai, như việc lái xe là minh chứng cho việc cậu sợ hãi như thế nào, nhưng cũng may nhờ anh trai khuyến khích và là người tạo ra động lực đã khiến cho cậu trở nên tự tin hơn tất cả mọi thứ.
Rào cản tâm lý có thể vượt qua nếu chúng ta có một người động viên hoặc chính chúng ta động viên là thứ cốt yếu mà phim Onward đã nhắc, lập đi lập lại để nhắc nhở mọi người hãy mạo hiểm, vượt qua mọi thứ dù bản thân gặp bệnh tật hay bất cứ gì đó thì hãy vượt qua nó và hãy thực hiện giấc mơ, đừng để mọi thứ quá muộn.
Phim Onward đã gợi cho mình về các game thể loại Nhập Vai (RPG) mà mình đã từng chơi trước kia, khi mà hai anh em Barley và Ivan bước qua cây cầu, đi đến địa bàng mới, đi vào bên trong hang động, vượt qua những bãy, đánh bại con rồng, thi triển phép thuật, đó là thứ gây cho mình cảm giác mạnh, mạnh đến nỗi mình xem xong bộ phim phải search game nào đó chơi để tìm lại cảm giác.
Chính vì thế mà Onward đã nổi bật, tạo ra nguồn cảm hứng mà người xem muốn chơi game, chủng tộc là thứ quan trọng trong bộ phim, đó cũng là thứ mà Onward nhấn mạnh một lần nữa sau chủ nghĩa cá nhân, khi mà nước Mỹ đang trong tình trạng phân biệt chủng tộc nặng nề và bộ phim muốn nhắc nhở tất cả mọi chủng tộc điều bình đẳng, điều có thế mạnh riêng.
The Manticore là tượng trưng cho nữ cường, cũng là lesbian, khó có thể chấp nhận nổi nhân vật này phải không? Nhưng nếu bạn để ý trong tình tiết khi The Manticore lên xe của Laurel và nói “tôi thích cô rồi đấy.” cũng như mọi hành động có phần mạnh mẽ và thích thú với Laurel chính là nó. Nói hơi phiến diện thế thôi chứ mọi người có thể nghĩ kiểu khác cũng được, chỉ là mình thấy trong cuối cảnh của bộ phim, trong quán của The Manticore thì có hai nhân vật nữ cạnh nhau chụp ảnh mấy đứa con đang nghe kể truyện, và kể lần đầu tiên hai anh em nhà Lightfoot bước chân vô cũng đã thấy hai người mẹ này đang chụp ảnh.
-
Bộ phim bắt đầu với một chiếc tàu ma quái cập bến New York, trên tàu có một người chết sống lại. Cảnh sát và bác sĩ được gọi đến để điều tra và phát hiện rằng người này đã bị nhiễm một loại virus kỳ lạ biến họ thành zombie.
Một nhà báo tên là Peter West (Ian McCulloch) và một người bạn tên là Anne Bowles (Tisa Farrow) điều tra nguồn gốc của loại zombie này và tìm thấy một cuốn nhật ký của bác sĩ, cho thấy sự liên kết với một hòn đảo nhiệt đới ở Caribbean. Cùng với nhóm thám hiểm, họ lên đường đến hòn đảo này để tìm hiểu nguyên nhân.
Tại hòn đảo, nhóm thám hiểm phát hiện ra rằng các cư dân địa phương đã bị biến thành zombie bởi một bác sĩ điên cuồng, người đang thực hiện những thí nghiệm quái đản để chữa bệnh và bất tử. Những cư dân này đã bị biến đổi thành zombie và bắt đầu tấn công bất cứ ai đến gần.
Khi nhóm thám hiểm cố gắng rời khỏi hòn đảo, họ phải đối mặt với những xác sống khát máu và những thử thách tàn khốc. Phim xây dựng bầu không khí căng thẳng và ghê rợn, với nhiều cảnh hành động và bạo lực nổi bật.
-
"Justice League Dark: Apokolips War" (2020) là một bộ phim hoạt hình siêu anh hùng của DC, được đạo diễn bởi Matt Peters và Christina Sotta. Đây là phần tiếp theo của "Justice League Dark" (2017) và là một phần trong chuỗi phim hoạt hình DC Animated Movie Universe. Phim tiếp tục câu chuyện về cuộc chiến chống lại Darkseid và thế lực của hắn.
-
Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhắc đến Top Gun (1986) là một bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp của nam tài tử Tom Cruise; hay phong cách thời trang gắn liền với thanh thiếu niên thời điểm đó như chiếc áo bomber, kính Aviator… Thậm chí theo thống kê của Hải Quân Mỹ vào năm 1987 – tức một năm sau khi bộ phim công chiếu – số lượng thanh niên tình nguyện đăng ký nhập ngũ đã tăng lên tới 500% so với những năm trước đó. Thành công của Top Gun (1986) vượt ngoài sức tưởng tượng, trở thành một di sản văn hóa đại chúng của người dân Mỹ. Vì vậy, khán giả lo sợ họ sẽ phải xem một phần hậu truyện nhạt nhòa, thiếu sức sống và ăn theo phiên bản năm 1986. Song Top Gun: Maverick (2022) đã vượt xa kỳ vọng của khán giả và giới phê bình, trở thành một hiện tượng phòng vé vào thời điểm ra mắt. Nhà phê bình chính của trang Variety là Peter Debruge còn khẳng định rằng bản thân cũng bị sốc khi yêu thích tác phẩm này.
Bộ phim dẫn ta tới chàng Maverick điển trai ngày nào giờ đây đã là một anh lính già sắp nghỉ hưu. Trong khi bạn bè đã trở thành những vị Tướng hay Đô đốc thì anh vẫn còn giữ chức Đại tá và né tránh việc được thăng chức. Trong một nhiệm vụ đặc biệt, Maverick được điều trở lại lực lượng không quân tham gia một chiến dịch bất khả thi. Tuy nhiên lần này anh sẽ không trực tiếp tham chiến mà phải đào tạo cho những phi công trẻ. Tại đây anh gặp con trai của một chiến hữu đã hy sinh trong quá khứ và điều này làm anh khó xử. Đó là quá khứ tội lỗi mà anh cần buông bỏ và tha thứ cho chính mình.
Top Gun: Maverick (2022) là một câu chuyện đơn giản, một motip thường thấy của những bộ phim chủ nghĩa anh hùng dân tộc Mỹ vào những năm 70- 80 của thế kỷ trước: một anh hùng dân tộc bị quên lãng hay thất thế tìm cách chứng minh lại bản thân sau những sai lầm của quá khứ. Rõ ràng về mặt cấu trúc, Top Gun: Maverick không quá đặt nặng việc giải quyết những mâu thuẫn cá nhân hay vấn đề về mặt cảm xúc nhân vật. Điểm sáng lớn nhất giúp bộ phim duy trì được nhịp điệu căng thẳng của mình là những trải nghiệm của nhân vật khi đối mặt với khó khăn và thử thách. Một mặt, Maverick cần huấn luyện những phi công trẻ này thành công trong một nhiệm vụ bất khả thi – cho dù họ là những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Mặt khác, anh cần giải quyết mối bất hòa của mình với Rooster – con trai của người đồng đội đã hy sinh – cũng như tìm cách tha thứ cho sai lầm của bản thân mình.
Với một cấu trúc và nội dung đơn giản như vậy, Top Gun: Maverick rất có khả năng đi theo vết xe đổ của những bộ phim hậu truyện đã thất bại khác. Song điều đó đã không xảy ra, khi bộ phim sở hữu một cốt truyện vững chắc làm nền tảng. Sự cân bằng giữa các nhân vật cũng rất quan trọng, khi bộ phim khai thác tất cả tính cách của những nhân vật phụ đủ để mà không hoàn toàn tập trung vào Maverick. Từ đó, những nhân vật trong phim hiện lên với những tính cách rõ ràng và không bị mờ nhạt hay lép vế trước một Maverick huyền thoại. Đó là một Jake “Hangman” Seresin kiêu ngạo nhưng tài năng, một Bradley “Rooster” Bradshaw luôn hết mình vì đồng đội nhưng bảo thủ, và một Pete “Maverick” Michell huyền thoại nhưng không hoàn hảo. Tất cả những nhân vật đó đều có khiếm khuyết và điều đó đã giúp họ giống một nhân vật gần gũi mà ta dễ dàng bắt gặp ngoài đời hơn trong điện ảnh. Bên cạnh đó, đạo diễn Joseph Kosinski đã khéo léo lồng ghép những chi tiết hồi tưởng có chủ đích, để từ đó thúc đẩy những nhân vật tiến tới giải quyết những vấn đề mà bản thân mình còn thiếu sót.
Mặt khác, sức hấp dẫn lớn nhất của bộ phim đến từ những phân cảnh hành động. Mặc dù gần như cả bộ phim, khán giả sẽ không được chứng kiến kẻ thù của những phi công là ai. Tất cả chỉ được mô phỏng qua mô hình địa hình mà họ cần luyện tập. Mãi cho tới khi bộ phim gần kết thúc, ta mới thấy 3 chiếc chiến cơ tối tân của kẻ thù xuất hiện. Việc sử dụng những góc máy từ trên cao để quay cảnh bay lượn của chiếc máy bay trong những phân cảnh luyện tập hoặc chiến đấu, rồi đột ngột chuyển sang góc nhìn thứ nhất trực tiếp vào khuôn mặt những phi công làm khán giả trở nên căng thẳng. Đó là khi Coyote ngất xỉu trong quá trình luyện tập và chiếc máy bay lao thẳng xuống đất; là khi Hangman và Rooster phải luyện tập cách chịu áp lực của lực G khi phải lao máy bay thẳng đứng tránh những ngọn núi; là lúc Rooster phóng quả tên lửa vào mục tiêu hay lúc Maverick phải đối mặt với không quân địch.
Tom Cruise và toàn bộ đoàn làm phim đã phải trải qua những giờ tập bay căng thẳng thực sự và đạo diễn Joseph Kosinski cũng rất tiết chế sử dụng CGI trong tác phẩm của mình. Sự chân thực đến trần trụi khi khán giả liên tục chịu những cú “xô đẩy” vô hình từ những cú lia máy chóng mặt, tới những khung hình bị đảo lộn trong buồng lái. Cùng với đó là tiếng gió rít và động cơ đã cho chúng ta cảm giác như thể chính mình đang điều khiển chiếc F-18 trong đội hình bay của Maverick vậy. Sự chân thực ấy đã tạo nên một không khí căng thẳng nghẹt thở từ đầu cho tới cuối bộ phim, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
Nhà phê bình phim Peter Debruge đã viết, rằng không gì trong Top Gun: Maverick làm bạn ngạc nhiên, ngoại trừ việc nó làm gần như tất cả những điều mà khán giả muốn và mong đợi nó làm tốt như thế nào. Thực vậy, bằng sự khéo léo và tài tình, cùng thái độ làm việc nghiêm túc, nỗ lực không mệt mỏi, Top Gun: Maverick (2022) đã tránh được cái bẫy chết người của một phần hậu truyện dễ mắc phải. Tác phẩm giống như một buổi tiệc chiêu đãi khán giả sau nhiều năm chứng kiến những tác phẩm hậu truyện nửa vời và nhạt nhòa. Cho dù khán giả chưa từng xem phần đầu của tác phẩm cũng hoàn toàn có thể nắm được nội dung và thưởng thức nó như một tác phẩm độc lập hoàn chỉnh. Top Gun: Maverick (2022) là một trong những ứng viên nhận được đề cử giải Oscar cho “Phim xuất sắc nhất” năm 2023. Và đứng trước những “đối thủ” sừng sỏ khác, liệu chàng phi công Maverick có thể chiến thắng thêm một lần nữa hay không? Chúng ta cần phải chờ tới ngày 13/3 năm nay để tìm câu trả lời cho chính mình.
-
Hình tượng người hùng trừ gian diệt bạo, chống lại cường quyền và giúp đỡ dân nghèo xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim của Hollywood. Một trong số những người hùng đó là Zorro.
Zorro là một nhân vật hư cấu do nhà văn Johnston McCulley xây dựng từ năm 1919. Nhân vật mang tính biểu tượng cao này đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học, kịch và phim truyền hình từ đó tới nay. Vì thế, thật dễ hiểu khi các nhà làm phim Hollywood quyết tâm đưa nhân vật đầy hấp dẫn này lên màn bạc. Và The Mask of Zorro (Mặt nạ của Zorro) đã ra đời.
Sau nhiều năm trừ gian diệt bạo, người hùng Zorro đã bắt đầu bước vào ngưỡng tuổi già. Trong một lần hành động, ông vô tình để lộ thân thế. Cái giá phải trả rất đắt: vợ ông bị sát hại, con gái bị bắt cóc và bản thân Zorro bị cầm tù. 20 năm sau, Zorro vượt ngục và nung nấu quyết tâm trả thù và tìm lại cô con gái. Việc đầu tiên ông phải làm là tìm một môn đồ, người sẽ tiếp bước ông để trở thành Zorro.
The Mask of Zorro được coi là bộ phim hay nhất về nhân vật anh hùng này. Bộ phim có kịch bản chặt chẽ, nhiều nút thắt mở gây bất ngờ. Xen kẽ trong cả bộ phim là những pha đuổi bắt trên lưng ngựa ở tốc độ cao, những màn đọ kiếm nảy lửa và những pha đấu trí căng thẳng. Thành công của The Mask of Zorro còn những diễn xuất của bộ ba diễn viên tài năng bậc nhất tại Hollywood: Antonio Banderas, Catherine Zeta-Jones và Anthony Hopkins.
Với một tác phẩm rực lửa, lôi cuốn và hấp dẫn từ đầu đến cuối như The Mask of Zorro (Mặt nạ của Zorro), khán giả yêu thích phim hành động chắc chắn sẽ có cảm giác thỏa mãn và hài lòng.
-
Ở phần hai của phim ăn khách Maleficent (2014), nàng tiên do Angelina Jolie đóng tiếp tục gắn bó với con gái nuôi Aurora (Elle Fanning). Tuy nhiên, quan hệ giữa họ rạn nứt khi Aurora thông báo sắp cưới hoàng tử Philip của nước láng giềng. Dù ban đầu phản đối cuộc hôn nhân, Maleficent sau đó nhún nhường vì hạnh phúc của con gái, đồng thời chấp nhận cơ hội kết giao giữa xứ tiên và xứ người vốn không đội trời chung. Tuy nhiên, tiên hắc ám vẫn rơi vào cái bẫy của hoàng hậu Ingrith, dần mất kiểm soát và bị ám hại.
Maleficent được tộc tiên cứu sống, phát hiện những sinh vật cùng giống loài với cô đang sống chui lủi vì sự săn đuổi của con người. Vì sự chèn ép của loài người, Maleficent sát cánh cùng tiên tộc chiến đấu. Cô trở thành sứ giả hòa bình của hai nước.
Trang The Verge nhận xét Maleficent: Mistress of Evil đã hoàn toàn thoát khỏi cốt truyện Sleeping Beauty (Người đẹp ngủ trong rừng) từng tạo cảm hứng cho phần một. "Bộ phim tựa một câu chuyện ngụ ngôn, gửi gắm thông điệp phản đối chiến tranh, khuyến khích con người thuộc các chủng tộc khác nhau chung tay xây dựng hòa bình", chuyên gia của trang này viết. Phim còn đề cao tính nữ quyền khi để hai chiến binh nữ - Maleficent và nữ hoàng Ingrith - đứng đầu hai chiến tuyến.
Diễn xuất của Angelina Jolie thu hút khán giả. Ngoài vẻ lạnh lùng, quyền uy, phần 2 khắc họa những khía cạnh con người hơn của tiên hắc ám. Maleficent học cách giao tiếp, mỉm cười với con người, chấp nhận dùng khăn che đi cặp sừng của mình khi gặp gỡ để bàn bạc về cuộc hôn nhân của con gái. Nội tâm nhân vật thể hiện rõ qua đôi mắt, đặc biệt trong cảnh tiễn đưa đồng loại đã khuất hay lúc thấy con gái Aurora gặp nguy hiểm.
Hoàng hậu Ingrith do Michelle Pfeiffer thể hiện sinh động, biến hóa tốt trong các cảnh quay. Nhân vật có vẻ ngoài phúc hậu nhưng che giấu nhiều âm mưu độc ác bên trong. Khi đã "ngửa bài" với mọi người, Ingrith để lộ vẻ nham hiểm qua từng cái lườm nguýt, bĩu môi, nhíu mày và những câu thoại hằn học.
Aurora của Elle Fanning không có nhiều đất diễn so với hai nhân vật còn lại trong bộ ba nữ chính. Tuy nhiên, so với phần một, công chúa xinh đẹp chủ động hơn trong việc tìm kiếm hạnh phúc, đấu tranh vì lợi ích của xứ tiên. Tuyến nhân vật phụ như ba bà tiên tí hon Knotgrass (Imelda Staunton), Thistlewit (Juno Temple) và Flittle (Lesley Manville), quạ Diaval (Sam Riley) tiếp tục gây cười cho khán giả bằng nhiều câu thoại ngô nghê.
Phim gân ấn tượng với khán giả ở phần kỹ xảo đẹp mắt, do hai hãng Move Picture Company và Mill Film thực hiện. Thế giới thần tiên với cây cỏ, núi non hiện lên sinh động. Các cảnh chiến đấu diễn ra đẹp mắt, hùng tráng. Tạo hình của các nhân vật đa dạng, phù hợp tính cách. Maleficient không chỉ bó mình trong áo choàng đen, mà có lúc xuất hiện với váy bó, xẻ cao khoe vóc dáng. Đôi cánh của Maleficent khá chân thật trong cảnh quay cận. Aurora diện nhiều trang phục lấy cảm hứng từ hoa cỏ, với các gam xanh, hồng pastel, phù hợp tính cách của công chúa ngây thơ. Mỗi nhân vật trong tộc tiên có cặp sừng, đôi cánh với màu sắc, hình dáng khác nhau, không tạo cảm giác lặp lại và nhàm chán.
Các yếu tố giả tưởng khiến Maleficent 2 hấp dẫn không kém các tác phẩm Jupiter Ascending (2015) hay Valerian và City of a Thousand Planets (2017). Âm nhạc trong phim, dưới bàn tay của Geoff Zanelli, biến tấu lúc trầm bổng, nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ. Nhờ đó, tác phẩm tạo ra không khí tươi sáng, bớt u ám hơn phần một.
-
Beauty and the Beast là một bộ phim xuất sắc cả về hình ảnh và nội dung. Được làm lại từ phiên bản hoạt hình năm 1991, Beauty and the Beast chỉ thêm rất ít chi tiết khác với nguyên tác, khiến phim trở nên thân thuộc và gần gũi hơn với thời đại mới.
Hình ảnh trong phim được Disney đầu tư vô cùng công phu. Lâu đài của quái vật trong phim được xây dựng thật ngoài đời, chỉ để phục vụ cho bộ phim. Từng cảnh quay và kĩ xảo khiến người xem vô cùng choáng ngợp, từ ngọn đồi xanh ngút tầm mắt ở thị trấn nơi Belle ở, lâu đài với hàng triệu ánh nến lung linh, ánh bình minh rọi qua lâu đài đang chuyển mình, đến khung cảnh tuyệt đẹp khi giai điệu “Be Our Guest” vang lên,… Màu phim khá tối so với tưởng tượng của tôi, nhưng không vì thế mà kém phần lung linh huyền ảo.
Nhạc phim đậm tính nhạc kịch lộng lẫy rực rỡ quá đỗi, mang lại cảm giác choáng ngợp cho người xem. Ngoài những bài đã gắn liền với tác phẩm như “Belle”, “Beauty and the Beast” hay “Be Our Guest”.., nhiều bài hát mới được viết thêm, góp phần truyền tải cảm xúc nội tâm của các nhân vật.
Với hình tượng Belle, Disney đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về nữ quyền ở thế kỉ 21. Hình tượng này rõ nét và để lại ấn tượng hơn hình tượng Belle của nguyên tác hoạt hình. Một cô gái khác biệt với vẻ đẹp nội tâm. Một cô gái yêu thương hiếu thảo hết mực. Một cô gái thông minh, lãng mạn, có tình yêu lớn với sách và những con chữ. Một cô gái giàu tình yêu thương, luôn muốn giúp đỡ mọi người. Một cô gái có phần cứng đầu và luôn làm theo điều trái tim mách bảo. Một cô gái mạnh mẽ, không hề biết sợ hãi. Một cô gái yêu tự do, luôn tò mò và không ngừng khát khao khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Một cô gái dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn muốn được làm chủ cuộc sống của chính mình…
Tình yêu trong Beauty and the Beast chắc chắn là một hình mẫu lý tưởng. Tình yêu xuất phát từ những tâm hồn đồng điệu, cùng chung sở thích, cùng cảm thông về quá khứ của nhau và cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc hiện tại. Tình yêu vượt lên trên định kiến, vượt lên những ấn tượng ban đầu. Tình yêu đủ lớn, đủ mãnh liệt để thay đổi con người, giúp họ tìm lại bản thân đã đánh mất. Tình yêu cứu rỗi con người.
Các diễn viên được lựa chọn cũng rất giống với nguyên tác. Emma Watson xuất hiện xinh đẹp trong từng cảnh phim. Dường như Belle thông minh cá tính ấy cũng chính là một phần trong Emma. Dan Stevens (vai quái vật) chỉ xuất hiện rất ít ở cuối phim nhưng đủ khiến người xem ấn tượng với đôi mắt sâu thẳm hút hồn. Luke Evans và Josh Gad cũng rất thành công với vai Gatson và LeFou.
Một bộ phim làm lại từ nguyên tác tất nhiên sẽ không tránh khỏi việc bị so sánh với nguyên tác. So với bản hoạt hình, bộ phim đã khéo léo lồng vào giây nhỏ cho cảnh gay, không hề gượng gạo hay khó coi mà vô cùng ăn ý với toàn bộ phim.
Bản live action cũng có thêm chi tiết về quá khứ của Belle và quái vật với nỗi đau mất mẹ từ nhỏ. Ta như thấy được góc khuất nội tâm của cả hai. Tình yêu của hai người xuất phát từ những cảm xúc đồng điệu nên cũng vì thế mà hợp lý và tự nhiên hơn.
So với nguyên tác, tôi khá thích phần Belle tâm sự với quái vật vào buổi sáng tuyết phủ và sau khi hai người khiêu vũ, nó bộc lộ rõ hơn tâm hồn của Belle và khiến quyết định trở về gặp lại cha của Belle ít gượng hơn nguyên tác.
Khi Belle đã rời đi, nguyên tác có một câu tôi rất thích và muốn được nghe lại ở bản mới, câu quái vật trả lời lí do để Belle đi: “Vì ta yêu nàng.” Một câu nói đánh dấu sự thay đổi trong tâm hồn của anh, một trái tim đang yêu, yêu đến mức chấp nhận chịu tổn thương vì người mình yêu. Nhưng ở bản mới, tôi khá thất vọng vì người nói câu đó lại là bà Potts (ấm trà). May thay, ngay sau đó, cảnh quái vật hát với cảm xúc thật từ tận đáy lòng có chút vớt vát lại nỗi thất vọng của tôi.
Emma rõ ràng rất hợp với vai Belle, nhưng biểu cảm và cách diễn của Emma dường như có phần thiếu phong phú và hơi đơ. Diễn xuất mà tôi thích nhất trong phim có lẽ là của Luke và Josh.
Ở cuối phim bản mới, khi tất cả đều được trở lại làm người, mỗi người đều có hạnh phúc với gia đình nhỏ của riêng mình. Bản mới đã nâng định nghĩa hạnh phúc lên một tầm mới. Hạnh phúc không chỉ là có cơ hội trở lại làm người, mà còn là được yêu thương, chăm sóc với tư cách là con người. Hạnh phúc không chỉ tập trung ở cặp đôi chính mà lan toả rộng khắp, mang sự ấm áp đến tất cả mọi người.
Beauty and the Beast là một bộ phim đáng để bạn bỏ tiền ra rạp xem, để một lần nữa bước vào thế giới cổ tích tuyệt đẹp, ngân nga giai điệu đã thuộc lòng từ bé, và lắng nghe câu chuyện mãi trường tồn với thời gian.
Vẫn biết cổ tích chỉ là một giấc mơ, nhưng Beauty and the Beast không phải một giấc mơ hão huyền, mà là một giấc mơ mọi cô gái đều hoàn toàn có thể theo đuổi và nắm bắt – giấc mơ về một cuộc sống tự do được là chính mình, về một cuộc sống bản thân được làm chủ, không phải phụ thuộc hay chịu ảnh hưởng của bất kì ai.
-
Năm 1964, sau khi vợ là Trương Vĩnh Thành qua đời vài năm, Diệp Vấn phát hiện ra mình bị ung thư vòm họng do hút thuốc. Sau khi người con trai Diệp Chính phản kháng chống lại một học sinh côn đồ và bị đuổi học, Diệp Vấn quyết định đến San Francisco để tìm cho con một trường học tốt hơn. Tại đây, đệ tử cũ của ông là Lý Tiểu Long đã làm đảo lộn giới võ thuật người Hoa bằng cách mở một võ đường Vịnh Xuân quyền, dạy võ cho người Mỹ và viết một cuốn sách tiếng Anh về võ thuật.[5]
Diệp Vấn biết được rằng nếu muốn cho con mình nhập học tại đây thì phải có thư bảo lãnh từ Tổng hội người Hoa. Vạn Tông Hoa, Hội trưởng Tổng hội người Hoa, từ chối viết thư bảo lãnh vì Diệp Vấn không đồng ý việc ép buộc Lý Tiểu Long phải theo quy tắc của giới võ thuật người Hoa bảo thủ. Trong khi rời khỏi trường học sau cuộc gặp mặt hiệu trưởng, Diệp Vấn tình cờ gặp Vạn Nhược Nam, một nữ sinh người Hoa, và giải cứu cô khỏi nhóm bạn côn đồ do Becky Walters, một thành viên đội cổ vũ, cầm đầu. Khi đưa Nhược Nam về, Diệp Vấn mới biết cô chính là con gái của Vạn Tông Hoa. Tông Hoa chỉ trích Diệp Vấn đã sử dụng con gái mình để lấy lòng mình và tìm cách xin thư bảo lãnh. Ông thách đấu Diệp Vấn và cuộc giao đấu giữa hai cao thủ Vịnh Xuân quyền và Thái cực quyền diễn ra bất phân thắng bại, chỉ dừng lại khi có một trận động đất xảy ra. Diệp Vấn nói rõ là ông chỉ muốn hộ tống Nhược Nam về nhà an toàn, sau đó ông ra về.
Trong lúc bắt nạt Nhược Nam, Becky vô tình tự cắt vào mặt mình bằng một cây kéo nhưng lại đổ tội cho Nhược Nam cố tình hại mình. Andrew Walters, bố của Becky đồng thời là quan chức của Sở Di trú và Nhập tịch, đã gây áp lực cho Tổng hội người Hoa, bắt buộc họ chịu trách nhiệm và sẵn sàng trục xuất bất cứ người Hoa nào liên quan đến vụ việc trên.
Hartman Wu, một Trung sĩ người Mỹ gốc Hoa trong lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, cố gắng thuyết phục Trung sĩ Barton Geddes đưa võ thuật Trung Hoa vào huấn luyện cận chiến tay không. Tuy nhiên, Geddes cho rằng Karate hiện tại của Thủy quân lục chiến là mạnh nhất và yêu cầu Hartman giao đấu với người huấn luyện viên Colin Frater. Hartman bị đánh bại một cách dễ dàng. Tuy vậy, anh vẫn không nản chí mà tìm cách thuyết phục sĩ quan chỉ huy về điều tương tự và được yêu cầu quay phim lại những màn biểu diễn võ thuật của cộng đồng người Hoa tại lễ hội Trung thu để chứng minh cho lập luận chống lại Geddes.
Geddes đề nghị Frater thách đấu các võ sư người Hoa tại lễ hội để làm mất mặt họ. Frater kiêu ngạo đánh bại vài người trong số những võ sư người Hoa cho đến khi Diệp Vấn can thiệp và đánh bại hắn. Trong khi đó, Tông Hoa bị các sĩ quan Sở Di trú bắt đi nên không thể có mặt tại lễ hội. Khi thấy Frater bị đánh đến nỗi nhập viện, Geddes tức giận xông vào Tổng hội người Hoa để tìm Tông Hoa và đánh gục nhiều võ sư ở đây. Sau đó Geddes đe dọa Walters để được phép chuyển Tông Hoa đến căn cứ Thủy quân lục chiến trước khi buộc Tông Hoa giao đấu với hắn. Nghe lời khuyên của Billy, một đệ tử của Tiểu Long, những người trong Tổng hội đã trốn thoát kịp thời trước khi các sĩ quan Sở Di trú ập vào để bắt giữ họ. Tiểu Long cũng cung cấp nơi ẩn náu cho các võ sư của Tổng hội, nhờ vậy anh có được sự tôn trọng của họ.
Mặc dù võ công cao cường nhưng Tông Hoa vẫn bị Geddes đánh trọng thương. Diệp Vấn gọi điện về Hồng Kông, tiết lộ với người bạn Ba Mập rằng ông bị ung thư, Diệp Chính dù giận cha mình nhưng khi biết tin ông bị ung thư thì rất xúc động và đồng ý nghe cuộc điện thoại của ông. Vì muốn lấy lại danh dự cho võ thuật Trung Hoa nên Diệp Vấn được đưa vào căn cứ Thủy quân lục chiến để giao đấu với Geddes và đánh bại hắn sau một trận đấu dữ dội.
Tông Hoa chuẩn bị viết thư bảo lãnh cho Diệp Vấn nhưng Diệp sư phụ nói rằng ông không cần nữa vì ông không còn muốn định cư ở Mỹ, nhận ra đất nước này không giống như ông tưởng tượng. Diệp Vấn quay về Hồng Kông đoàn tụ với Diệp Chính. Ông bảo con trai mình quay phim lại cảnh ông luyện võ với mộc nhân thung.
Năm 1972, Diệp Vấn qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 79 tuổi. Tiểu Long cũng có mặt trong đám tang của sư phụ. Dòng chữ cuối phim cho biết lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã chấp nhận đưa võ thuật Trung Hoa vào huấn luyện cận chiến từ năm 2001.
-
Flik, một con kiến có khả năng sáng chế, sống trong một đàn kiến ở một vùng khô cằn. Đàn kiến được lãnh đạo bởi công chúa Atta và nữ hoàng, mẹ của cô. Bầy kiến bị áp bức bởi một băng đảng châu chấu, đứng đầu bởi Hopper, những kẻ thường ép buộc đàn kiến phải cung cấp thức ăn cho chúng. Một ngày, khi mà toàn bộ thực phẩm dùng để cung cấp cho bầy châu chấu bị rơi xuống dòng nước do phát minh mới của Flik, một chiếc máy gặt tự động, gây ra, bầy châu chấu yêu cầu đàn kiến phải cống nạp gấp đôi như một cách đền bù. Do cảm thấy tức giận và phiền phức với Flik, đàn kiến đã lừa Flik rời tổ bằng cách chấp nhận kế hoạch thuê những "chiến binh bọ" để đánh lại bầy châu chấu của anh. Trong khi Flik thực sự tin tưởng kế hoạch này, những con kiến khác chỉ quan tâm đến việc họ sẽ được giải thoát khỏi Flik và rắc rối.
Khi đến được "thành phố", Flik lầm tưởng một gánh xiếc côn trùng vừa bị ông chủ P.T. Flea xa thải là những chiến binh mà anh đang tìm kiếm. Đồng thời, những con bọ này cũng lầm tưởng Flik là một chuyên gia tìm kiếm tài năng và chấp nhận đề nghị đi tới tổ kiến của anh. Khi đến nơi, đàn kiến và Flik nhận ra sự nhầm lẫn của họ khi xem màn biểu diễn chào mừng của bầy kiến. Dưới sự cầu xin của Flik, họ chấp nhận đóng giả những chiến binh để có thể tiếp tục nhận được sự chú ý và hiếu khách từ đàn kiến. Việc đụng độ với một con chim trước đó đã gợi ý cho Flik tạo ra một con chim giả để dọa bầy châu chấu. Trong khi con chim đang được chế tạo, Hopper dạy những con châu chấu khác về việc số lượng kiến áp đảo chúng như thế nào và lo lắng rằng đến một lúc nào đó bầy kiến sẽ chống lại chúng.
Khi con chim giả được hoàn thành, đàn kiến tổ chức tiệc ăn mừng. Khi bữa tiệc đang diễn ra, danh tính thật của đàn bọ bị bại lộ khi P.T. Flea đến để tìm chúng. Bị xúc phạm bởi sự dối trá của Flik, đàn kiến trục xuất anh và quay lại thu thập thức ăn cho bầy châu chấu một cách tuyệt vọng. Khi bầy châu chấu nhìn thấy những vật phẩm tầm thường mà đàn kiến giao nộp, chúng chiếm quyền kiểm soát cả đàn kiến, đòi lấy đi thực phẩm dự trữ cho mùa đông của đàn. Sau khi nghe lén được kế hoạch giết nữ hoàng của Hopper, Dot, em gái của Atta, đã đi tìm Flik và nhóm bọ, thuyết phục họ trở lại dùng con chim giả để cứu đàn kiến.
Kế hoạch dùng con chim giả gần thành công thì P.T. Flea, lầm tưởng đó là một con chim thật, đã đốt cháy và phá hủy nó. Hopper đánh Flik để trả thù và tuyên bố rằng kiến là loài hạ đẳng và tồn tại là để phục vụ loài châu chấu. Mặc dù vậy, Flik đã đáp trả là loài kiến thực ra là một loài độc lập mà không cần sự giúp đỡ từ châu chấu. Điều này đã cổ vũ toàn bộ đàn kiến và nhóm xiếc bọ đứng lên đánh đuổi bầy châu chấu khỏi tổ kiến. Hopper bị bắt bởi đàn kiến và khi sắp bị cho nổ thì trời bất ngờ đổ mưa. Trong khi đám kiến đang hỗn loạn, Hopper bắt cóc Flik và bay đi. Atta đuổi theo và giải cứu Flik sau khi những nỗ lực của đàn bọ gánh xiếc bị thất bại. Hopper tức giận săn đuổi họ và bị Flik lừa đến tổ của con chim mà anh đã đụng độ trước đó. Nhận nhầm con chim thật là giả, Hopper chế nhạo con chim trước khi hắn bị con chim bắt lấy và trở thành mồi cho chim con.
Một thời gian sau, những sáng chế của Flik cuối cùng cũng hoàn thiện và được đàn kiến đánh giá cao. Atta thú nhận tình cảm của mình với Flik. Đàn kiến công nhận Flik như một anh hùng, tổ chức tiệc chia tay với nhóm bọ gánh xiếc và mong rằng họ sẽ tiếp tục đến thăm trong những năm tới. Atta trở thành nữ hoàng và Dot trở thành người thừa kế cho ngôi vị.
-
“Monsters University” (MU) là prequel đầu tiên trong lịch sử hãng Pixar, khi đại gia làng hoạt hình này quyết định trở lại quá khứ, trước những sự kiện trong “Monsters, Inc” nhằm cho khán giả được biết khởi đầu tình bạn khăng khít sau này giữa Mike và Sulley.
Tại thành phố quái vật Monstropolis, mọi nguồn năng lượng sinh hoạt đều được lấy từ ... tiếng thét của trẻ em. Có những “ông kẹ” chuyên đi hù dọa con nít để lấy năng lượng và rất được trọng vọng. Nhưng để có thể thành công như vậy trong lĩnh vực hù dọa, họ đều từng trải qua những bài học vỡ lòng khó khăn trong MU.
Ngôi trường này quy tụ đủ mọi thành phần, từ cô hiệu trưởng dữ dằn Hardscarbble (Helen Mirren), nhóm những sinh viên tài năng Roar Omega Roar hay những kẻ chẳng ai thèm chú ý Oozma Kappa.
Mike là một cậu tân binh với đam mê trở thành một ông kẹ xuất sắc, nhưng ngoại hình nhỏ bé lại có phần dễ thương khiến cậu bị nhiều người xung quanh xem thường.
Quyết tâm vượt qua khó khăn, Mike chăm chỉ học hành và trở thành học sinh giỏi nhất về mặt lý thuyết. Điều này khiến cậu học trò lười Sulley – kẻ to như gấu và thuộc dòng dõi quái vật danh giá Sullivan – cảm thấy chướng mắt. Nhưng không ai ngờ rằng sau một sự cố, họ lại buộc phải bắt tay với nhau nếu muốn được ở lại học MU.
Hai kẻ trái tính trái nết này phải hợp tác với những kẻ hậu đậu Oozma Kappa để tham gia cuộc thi giữa những nhóm sinh viên ưu tú nhất trường, trong đó có cả Roar Omega Roar lừng lẫy...
Dù chưa đạt tới tầm “kỳ quan hoạt hình” như nhiều tác phẩm khác của Pixar song “Monsters Univeristy” cho thấy các bộ phim của hãng này vẫn trên tầm nhiều xưởng phim khác. Pixar nổi tiếng bởi phong cách làm phim “dành cho mọi lứa tuổi”, khi khiến không chỉ đối tượng chính là trẻ em mà cả thanh niên, người lớn cũng có thể tận hưởng bộ phim một cách thích thú. Cốt truyện thú vị, nhiều tình tiết hài hước và những thông điệp ý nghĩa ... là những yếu tố làm nên thương hiệu của Pixar.
Và tới “Monsters University”, chúng vẫn được đảm bảo khi khán giả được chìm đắm trong thế giới rực rỡ sắc màu của những quái vật. Không có ngoại hình đáng sợ, các nhân vật được thiết kế tương đối ngộ nghĩnh và với những cá tính riêng, giúp người xem dễ dàng nắm bắt được phong cách của họ.
Nếu chưa xem qua “Monsters, Inc” thì cũng đừng ngần ngại bởi Pixar có phần giới thiệu đủ để bạn “nhớ mặt thuộc tên” những Mike, Sulley hay Randy (Steve Buscemi) ... Với các em nhỏ chưa kịp đọc phụ đề thì phương án xem phim lồng tiếng Việt (Ngọc Trai cùng Hữu Châu góp giọng) là một lựa chọn hợp lý cho cả bé lẫn phụ huynh.
“Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” – “Monsters Univeristy” sẽ đưa bạn vào một thế giới của những học sinh siêu quậy, với đủ mọi chiêu trò phá phách. Các tình huống vui nhộn cũng được xuất phát từ đây, khi cuộc thi giữa các nhóm quái vật ngày càng diễn ra gay cấn sau mỗi vòng thi.
Tuy hài hước là tông chủ đạo nhưng “Monsters University” lại ghi dấu ấn bởi những câu chuyện đầy ý nghĩa. Với bối cảnh là trường đại học, bộ phim tập trung khai thác mối quan hệ giữa các học viên, đặc biệt là tình bạn giữa Mike và Sulley. Có xem phim mới biết rằng trước khi thân thiết không thể tách rời trong “Monsters, Inc”, họ đã từng là hai kẻ đối nghịch nhau hoàn toàn.
Nhưng dần dần thời gian trôi, Mike đã nhìn ra chân tướng của gã sinh viên cơ hội Randy đồng thời phát hiện ra tính tốt từ Sulley, trong khi gã khổng lồ này cũng nhận ra Mike là kẻ “không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn”.
Và từ đó, một tình bạn vĩ đại, với người này bổ sung cho khuyết điểm của người kia bắt đầu. Bộ phim còn đưa ra thông điệp rằng không có ai là kẻ vô dụng hoàn toàn mà chỉ chưa biết sử dụng năng lực của mình đúng cách.
Ví dụ tiêu biểu là nhóm Oozma Kappa, với Terry hai đầu lóng ngóng, Squishy mập ú hay “chuyên viên bán hàng” Carlton – những người bị MU xem thường – về sau đã chứng tỏ được chân giá trị và được mọi người yêu quý.
Những bài học như vậy được đan xen khéo léo qua các cảnh phim vui nhộn, với cuộc phiêu lưu càng về cuối càng hấp dẫn giúp các bé có thể xem phim mà vẫn được giáo dục. Dù chưa cảm động như câu chuyện với bé Boo ở tập phim gốc nhưng tình bạn giữa các học viên ở MU vẫn giúp “Monster University” trở thành một tác phẩm hay, lôi cuốn.
-
Một nữ phù thủy cải trang thành một bà cụ ăn xin tới gặp một chàng hoàng tử ích kỷ và kiêu căng, mong được đổi một bông hoa hồng lấy một đêm ngủ nhờ trong lâu đài của anh. Chàng hoàng tử đã cười nhạo ý định đó và đuổi bà lão đi. Để trừng phạt sự lạnh lùng và ích kỷ của anh, nữ phù thủy đã biến anh thành một con quái thú gớm ghiếc, và biến những người hầu của anh thành các vật dụng trong nhà. Bà đưa cho anh một chiếc gương thần có thể cho anh biết những gì đang xảy ra ở bất cứ nơi đâu, cùng với bông hoa hồng sẽ nở vào lần sinh nhật thứ 21 của hoàng tử. Để phá bỏ lời nguyền, hoàng tử phải học cách yêu thương người khác và phải được một người con gái yêu lại trước khi những cánh hoa hồng rụng hết, nếu không hoàng tử sẽ phải ở trong bộ dạng quái thú mãi mãi.
Một vài năm sau, có một cô gái trẻ đẹp tên là Belle sống ở một thị trấn cùng với cha mình, ông Maurice, một nhà phát minh lập dị. Là một người đam mê sách, Belle luôn mong ước có được một cuộc sống mới nhằm thoát khỏi thị trấn buồn tẻ và đơn điệu của nàng. Sắc đẹp và lối sống phóng khoáng không theo lễ nghi của nàng thu hút sự chú ý của mọi người trong thị trấn và có nhiều chàng trai muốn theo đuổi nàng, đặc biệt là Gaston, một gã kiêu ngạo luôn quyết tâm cưới nàng. Mặc dù Gaston là mẫu người được rất nhiều cô gái mong đợi và nhiều chàng trai trong thị trấn ngưỡng mộ, nhưng Belle không có chút thích thú nào với gã.
Trên đường tới hội chợ để giới thiệu chiếc máy chẻ củi của mình cùng với con ngựa Phillipe, Maurice bị lạc trong rừng sâu. Bị một đàn chó sói truy đuổi, Maurice tình cờ tới lâu đài u ám của Quái thú, nơi ông đã gặp những người hầu của hoàng tử gồm Lumière - một cây nến, Cogsworth - một chiếc đồng hồ, Mrs. Potts - một chiếc ấm trà, và con trai của bà, Chip - một tách trà con, được tiếp đãi rất chu đáo. Quái thú sau đó đã phát hiện và bắt giữ Maurice. Phillipe đưa Belle đến tòa lâu đài này, và nàng đề nghị được thế chỗ cha mình đang bị giam giữ; và Quái thú đã chấp nhận, bất chấp sự phản kháng của Maurice. Trong khi Gaston đang bực bội trong quán rượu vì cầu hôn Belle không thành, Maurice tới nhờ mọi người giúp cứu con gái ông khỏi tay Quái thú. Không ai tin lời ông nói là nghiêm túc cả nên Maurice đã lên đường một mình.
Đêm đó Belle từ chối ăn tối cùng Quái thú, làm nó tức giận điên cuồng; Lumière không nghe lời Quái thú rằng không được cho nàng ăn tối nữa. Trong khi Lumière và Cogsworth đưa Belle đi dạo quanh lâu đài, nàng bước vào Căn phòng Phía Tây cấm kỵ, và thấy bông hoa hồng kỳ diệu. Quái thú trở về, thấy Belle ở đó nên vô cùng giận dữ đuổi nàng đi. Belle tìm cách chạy trốn khỏi lâu đài với Phillipe, nhưng họ bị một đàn chó sói trong rừng tấn công. Quái thú tới giúp nàng và đánh đuổi bọn chó sói đi, nhưng không may lúc đó nó đã bị thương. Belle băng bó cho Quái thú, và nó bắt đầu có tình cảm với nàng. Nàng cảm ơn nó đã cứu nàng lúc nguy hiểm và Quái thú đã gây ấn tượng với Belle khi nó tặng cho nàng toàn bộ thư viện khổng lồ của lâu đài. Khi cả hai dành nhiều thời gian bên nhau, họ lại càng thân thiết với nhau hơn. Trong lúc đó, tên Gaston độc ác đã đút lót cho Monsieur d′Arque, quản lý trại tâm thần của thị trấn, để bắt Maurice đi nếu Belle không chấp nhận lời cầu hôn của hắn.
Belle và Quái thú đã tận hưởng bữa tối lãng mạn, nhảy cùng nhau trong căn phòng khiêu vũ rộng lớn dưới nền nhạc bài hát Người đẹp và quái thú của Mrs. Potts. Belle nói với Quái thú rằng nàng rất nhớ cha mình, và Quái thú đã để nàng dùng chiếc gương thần để xem cha mình đang ở đâu. Khi thấy cha sắp chết cóng trong khu rừng vì đang cố tìm cách cứu mình, Belle vô cùng hoang mang lo lắng. Mặc dù vô cùng thất vọng, nhưng vì tình yêu, Quái thú đã cho phép Belle rời khỏi lâu đài để đi cứu cha, đồng thời tặng nàng chiếc gương để lúc nào nàng cũng có thể nhớ tới mình. Belle tìm thấy cha và đưa ông trở về nhà. Sau đó Gaston tới để thực hiện kế hoạch xấu xa của mình, nhưng Belle đã chứng minh cha mình hoàn toàn tỉnh táo bằng cách cho mọi người xem Quái thú trong chiếc gương thần. Phát hiện ra Belle đã đem lòng yêu Quái thú, Gaston kích động sự giận dữ của đám đông, nói với họ rằng Quái thú là một con quái vật ăn thịt người cần phải bị tiêu diệt, và đưa họ tới lâu đài. Gaston nhốt Belle và Maurice trong tầng hầm nhà họ, nhưng Chip, người đã trốn trong túi đồ của Belle, đã giải thoát cho hai cha con bằng chiếc máy chẻ củi của chính Maurice.
Người hầu của Quái thú đã đánh bại đám đông trong khi Gaston đi tìm Quái thú. Ban đầu, Quái thú quá chán nản và thất vọng không buồn đánh lại, nhưng nó đã lấy lại được ý chí khi thấy Belle quay lại lâu đài. Sau khi chiến thắng trong trận đấu nảy lửa, Quái thú đã tha mạng cho Gaston và bảo hắn biến đi. Khi Quái thú đoàn tụ với Belle thì Gaston bất ngờ đâm nó từ phía sau, nhưng sau đó bị mất thăng bằng, hắn đã ngã xuống vực và chết. Lát sau, Quái thú đã không qua khỏi, và Belle đã thổ lộ tình yêu của mình với nó ngay khi cánh hồng cuối cùng rụng xuống, và lời nguyền đã được phá bỏ. Quái thú tỉnh dậy và trở lại thành người, tất cả những người hầu của chàng cũng vậy. Belle và hoàng tử nhảy cùng nhau trong phòng khiêu vũ trước sự chứng kiến của Maurice, và những người hầu vô cùng hạnh phúc đứng vây quanh họ.
-
Dave Bự (Eddie Marsan), biên tập viên của tờ báo khổ nhỏ Daily Print, bị ông hoàng cần sa Mickey Pearson phớt lờ ở một buổi tiệc và thuê thám tử Fletcher, điều tra mối liên hệ giữa Pearson với Công tước Pressfield, một Nam tước với người con gái nghiện heroin. Fletcher đề xuất bán những phát hiện của mình (được đánh thành một kịch bản có tiêu đề Bush) cho cánh tay phải của Pearson, Raymond, với giá 20 triệu bảng Anh.
Sinh ra trong nghèo khó ở Mỹ, Pearson nhận được một học bổng Rhodes đến Đại học Oxford, nơi ông bắt đầu bán cần sa cho những sinh viên khác trước khi bỏ học và gầy dựng đế chế tội phạm của mình. Ông dự kiến bán cơ đồ của mình cho tỷ phú người Mỹ Matthew Berger với giá 400 triệu bảng Anh để ông sống yên ổn với vợ, Rosalind. Pearson dẫn Berger tham quan một trong những phòng thí nghiệm nơi ông trồng cần sa. Pearson sau đó gặp Mắt Ráo, một trùm dưới cho ông trùm Trung Quốc Lord George. Mắt Ráo ngỏ ý muốn mua gia tài của Pearson, nhưng bị từ chối. Trang trại của Pearson sau đó bị đột nhập bởi nhóm các võ sĩ MMA nghiệp dư và YouTuber "The Toddlers", những người đã cướp một xe tải cần sa và đăng một video rap lên mạng. Huấn luyện viên của họ, chỉ được gọi là Coach, ra lệnh xóa video và sợ hãi khi biết được số cần sa đó thuộc về Pearson.
Pearson bắt đầu chuyển những doanh trại cần sa của mình ra khỏi những chỗ cũ. Ông cũng đồng ý mang đứa con gái bướng bỉnh của Pressfield về nhà. Raymond đưa Laura về từ một chung cư nơi cô ở cùng vài tên nghiện khác. Tuy nhiên, trong lúc đánh nhau với những bạn phòng của cô, người của Raymond đẩy Aslan, một chàng trai trẻ người Nga, ra ngoài cửa sổ và chết. Mặc dù Laura về nhà với bố mẹ, cô sau đó chết vì quá liều heroin. Coach gặp Raymond, xin lỗi vì hành vi của những học trò của mình, và đề nghị làm cho ông ba việc để chuộc tội. Coach bắt Phuc, tay sai của Mắt Ráo người đã cho nhóm của Huấn luyện viên về vị trí doanh trại cần sa, tuy nhiên Phuc cố chạy trốn và chết. Pearson đe dọa Lord George về việc theo sau doanh trại của ông, và phá hủy một doanh trại heroin của George để trả thù. George mắng Mắt Ráo về hành vi ngoan cố của mình; George gật đầu cho tay sai giết Mắt Ráo, nhưng thay vào đó hắn lại giết George.
Điều Pearson không biết, Mắt Ráo đồng lõa với Berger, người muốn làm gián đoạn công việc kinh doanh của Pearson để giảm giá thành. Mắt Ráo thế chỗ Lord George và vẫn hy vọng chiếm được cơ ngơi của Pearson cho riêng mình. Mắt Ráo cố bắt cóc Rosalind. Raymond giết một tên sát thủ ngay khi hắn chuẩn bị giết Pearson; cả hai chạy đến chỗ Rosalind và giết Mắt Ráo. Fletcher kết thúc câu chuyện và Raymond yêu cầu ông ta ra khỏi nhà.
Fletcher chỉ xác nhận sự nghi ngờ của Pearson về mối liên hệ giữa Mắt Ráo và Berger. Raymond yêu cầu đệ tử của Huấn luyện viên bắt Dave Bự. Họ bỏ thuốc ông và quay ông làm tình với một con lợn, đe dọa công khai nó trên mạng trừ khi ông ngừng cuộc điều tra. Pearson và Berger gặp lại nhau ở một nhà máy cá đông, thực chất là vỏ bọc cho cơ sở phân phối của Pearson. Berger trả giá xuống còn 130 triệu bảng Anh, sau những tai nạn đã diễn ra, nhưng Pearson nói đã biết kế hoạch của Berger, cho ông thấy thi thể của Mắt Ráo và từ chối bán doanh nghiệp của mình. Pearson ép Berger vào trong tủ đông, nơi ông sẽ cóng đến chết trừ khi ông chuyển 270 triệu bảng Anh và 'nửa cân xác thịt' từ chính cơ thể của Matthew để chuộc tội đụng đến Rosalind.
Fletcher tiếp cận Raymond lần thứ hai, nhưng Raymond tiết lộ rằng ông đã theo dõi Fletcher ngay từ ban đầu. Người của Raymond cũng đã đánh cắp toàn bộ chứng cứ của Fletcher sau khi Raymond đặt thiết bị theo dõi vào ông ở lần gặp trước. Fletcher tiết lộ rằng ông cũng bán thông tin cho cha của Aslan, một tên tài phiệt Nga và cựu tình báo KGB. Coach giết hai tên sát thủ Nga được gửi đến để giết Raymond, trong khi Fletcher chạy trốn. Pearson bị bắt cóc bởi hai người Nga khác, nhưng được giải cứu bởi nhóm đệ tử của Coach. Sau đó, Fletcher quyết định bán câu chuyện thành bộ phim cho Miramax. Sau cuộc gặp, ông lên một chiếc taxi, chỉ để nhận ra Raymond ở trên xe. Cuối phim, Pearson và Rosalind trở về cơ ngơi của họ và ăn mừng cùng nhau.
-
Điệp viên ẩn danh là câu chuyện xoay quanh Lance Sterling, một điệp viên khác biệt hẳn so với phần còn lại của thế giới nhờ vào khả năng thượng thừa. Tuy nhiên, trong một nhiệm vụ ở Nhật, anh đối đầu với một kẻ có cánh tay máy, sở hữu khả năng biến đối gương mặt của hắn thành bất kì ai. Hắn đã sử dụng nhân dạng của Lance để gây án, khiến anh trở thành kẻ tình nghi số một của tổ chức điệp viên.
Trong lúc đang bị truy đuổi, anh nhớ đến Walter Beckett, người trợ lý trước đó đã bị anh sa thải, nhằm tìm một cách để có thể tạm thời “biến mất”. Tuy nhiên, thứ mà anh có nằm mơ cũng chẳng ngờ, đó là Walter biến anh thành một con…chim bồ câu, loài động vật có thể cùng lúc nhìn thấy đối thủ và mông của mình.
Không chỉ vậy, thứ khiến Lance ám ảnh hơn hết chính là 3 chú bồ câu khác liên tục bám lấy anh để chào mời gia nhập hàng ngũ, và kinh hoàng hơn khi 1 trong số đó thì chỉ muốn gạ tình anh. Từ đây, cả Lance Sterling (dưới hình dạng chim bồ câu), Walter Beckett và 3 chú bồ câu, cùng nhau hợp lực đánh bại kẻ ác nhân kia, nhằm cứu toàn bộ điệp viên trong tổ chức cũng như rửa sạch thanh danh của Lance.
Cốt truyện này có lẽ không quá phức tạp đối với bất kì ai, đặc biệt là những khán giả nhỏ tuổi. Sự đơn giản này khiến bất kì ai cũng có thể theo dõi câu chuyện mà không cần quá nhiều sự tập trung. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của một bộ phim hoạt hình.
Tuy nhiên, sự đơn giản này cũng chính là một lưỡi dao hai lưỡi, khi đối với người lớn, sẽ có những lúc diễn biến câu chuyện trở nên hơi nhàm chán. Người xem, đặc biệt là những nhà phê bình, đều hoàn toàn có thể đoán được diễn biến tiếp theo hay thậm chí là cái kết của bộ phim sau 20 phút đầu tiên. Điều này thật sự đã lấy đi sự tò mò của khán giả, khiến cho họ không còn bị cuốn theo câu chuyện. Vậy nên nếu có một cú twist nho nhỏ nữa, chắc chắn Điệp viên ẩn danh sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
Hình ảnh thì không phải chê!
Nói về khâu hình ảnh thì hầu hết những bộ phim hoạt hình trong những năm gần đây đều vô cùng xuất sắc, và hiển nhiên là Điệp viên ẩn danh không phải ngoại lệ. Khán giả có thể dễ dàng thấy từng lọn tóc của cậu nhóc Walter khi cậu bay từ trên cao xuống, hay đơn giản hơn là bị Lance Sterling nhấc bổng.
Những pha cháy nổ thì khỏi phải bàn, khi hiệu ứng của chúng là vô cùng hoành tráng. Từ những vũ khí chết người như bom, lựu đạn, cho đến pháo..kim tuyến hình con mèo đều vô cùng sinh động, và người xem chắc chắn phải chết mê chết mệt với độ lung linh kì ảo của chúng. Dù so với bộ phim hoạt hình gần nhất được công chiếu tại các cụm rạp là Frozen 2, thì có vẻ như Điệp viên ẩn danh vẫn có phần thua thiệt đôi chút. Tuy nhiên, nhiêu đó vẫn là quá đủ để quyến rũ khán giả ở bất kì lứa tuổi nào.
Những pha hành động cực mãn nhãn cũng là thứ mang lại điểm cộng vô cùng to lớn cho bộ phim, đặc biệt là khi điệp viên Lance Sterling phô diễn kĩ năng của mình để đối đầu với cả 70 tên xã hội đen, hay những pha rượt đuổi tốc độ cao quanh thành phố bằng chiếc xe đua được trang bị vũ khí từ bánh đến tận nóc.
Bộ phim hoạt hình lầy bậc nhất từ trước đến nay
Nếu được tiêu tả Điệp viên ẩn danh qua 1 từ, thì đó chắc chắn là: nhay (vô đối siêu cấp vượt ngoài tầm vũ trụ). Thật sự phải gửi lời khen ngợi vô cùng lớn đến với đạo diễn cũng như biên kịch của bộ phim, khi có thể đan xen những pha chọc cười lầy lội đến vậy xuyên suốt thời lượng phim. Đôi lúc, chỉ cần là những khoảnh khắc im lặng, cũng đủ để tạo nên sự ngượng ngùng khiến khán giả phải phì cười. Phiên bản mà mình đi coi là bản lồng tiếng, và phải công nhận rằng, bộ phim chọn dàn diễn viên lồng tiếng duyên hết sức, khi mà giọng nói và khuôn mặt của những nhân vật này dường như có một nét tương đồng rất lớn.
Ngoài ra, không chỉ là những câu nói vô cùng trend trên mạng xã hội, mà những câu ca dao, thành ngữ cũng được lồng ghép vào bộ phim, khiến cho không chỉ khán giả nhỏ tuổi, mà thậm chí là các bậc phụ huynh cũng phải lộn cả ruột. Kèm theo đó là những tình huống vô cùng tiến thoái lưỡng nan như khi bị cậu nhóc Walter ôm quá chặt, chú chim Lance đã…rụng trứng, theo đúng nghĩa đen luôn.
Dù bựa, nhưng vẫn deep
Dù xuyên suốt bộ phim là những trò đùa vô cùng hài hước, nhưng Điệp viên ẩn danh vẫn không quên lòng ghép vào những bài học sâu sắc, đáng để mọi người noi theo. Khi diễn biến trong phim dần kết thúc, người xem mới chợt nhận ra tất cả những rắc rối mà anh chàng Lance Sterling mắc phải đều do sự thù hận mà chính anh đã gieo giắt, khi liên tục sử dụng những vũ khí chết người để tiêu diệt kẻ xấu. Dẫu lý do mà anh đặt ra là để bảo vệ cho những người tốt, những người anh yêu quý, nhưng hậu quả mà anh để lại có vẻ như đã dần tích tụ đến một thời điểm, Lance chẳng thể nào kiểm soát được chúng nữa. Tất cả những gì anh yêu quý sẽ là cái giá mà anh phải trả vì quá ngông cuồng.
Chính Walter Beckett đã giúp anh thức tỉnh và nhận ra sự sai trái trong suy nghĩ của chính mình. Từ khi mẹ của Walter mất, cậu bé đã mang theo ý chí của bà để giúp đỡ những người xung quanh, thậm chí là hy sinh tính mạng của chính mình để bảo vệ cho niềm tin đó.
Thêm vào đó chính là lời động viên để mỗi người có thể phải triển theo đúng năng lực của mình mà không sợ bất kì sự dèm pha nào của xã hội. Khi cậu bé Walter với những phát minh của mình bị người khác gọi là đồ kì quặc, Walter đã tủi thân biết nhường nào. Nhưng rồi chính sự cố gắng không ngừng nghỉ đã mang đến cho cậu cơ hội đứng đầu nguyên một dự án của trụ sở điệp viên, chứ không còn là cậu nhóc với văn phòng ở ngay trước cửa phòng vệ sinh. Có thể nói, Điệp viên ẩn danh hoàn toàn không phải là một tác phẩm hài sáo rỗng, mà nó còn ẩn chứa rất nhiều bài học đáng để bất kì ai noi theo.
Tuy nhiên, nếu có một góp ý nho nhỏ cho bộ phim, thì đó chính là tiêu đề. Vì ở phiên bản tiếng anh, Spies in Disguise nghe vô cùng vần, nhưng khi chuyển qua tiếng Việt là Điệp viên ẩn danh, âm điệu đó đã biến mất. Nên nếu được chọn, có lẽ nên đặt tên lại cho bản tiếng Việt là Điệp viên trong chim.
-
Suspiria follows Suzy Bannion (played by Jessica Harper), an American ballet student who travels to Germany to attend a prestigious dance academy, the Tanz Dance Academy, in Freiburg. Upon her arrival, Suzy begins to experience unsettling and supernatural events at the school. She soon learns that the academy is hiding dark secrets.
After witnessing the violent murder of another student and encountering disturbing occurrences, Suzy discovers that the academy is actually a front for a coven of witches. The witches are led by the sinister Helena Markos (played by Alida Valli), a powerful witch who practices dark magic and has sinister plans.
As Suzy delves deeper into the mysteries of the academy, she uncovers a horrifying truth about the school's history and the true nature of its inhabitants. The film’s climax is marked by a series of grisly and supernatural events that reveal the full extent of the witches' power.
-
Những sự kiện có thật luôn là đề tài bất tận cho điện ảnh. Mỗi năm, riêng Hollywood có không dưới 10 tác phẩm dựa trên hoặc lấy cảm hứng từ những việc từng xảy ra. Năm 2017 chưa kết thúc nhưng đã có nhiều tác phẩm nổi bật dạng này như American Made, The Lost City of Z, Battle of the Sexes, Darkest Hour hay Stronger. Trong số đó, Only the Brave là tác phẩm đặc sắc về ngôn ngữ điện ảnh và truyền cảm hứng. Tác phẩm nhận được nhiều tán thưởng từ người xem lẫn giới phê bình. Phim nhận 90% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, còn khán giả trên IMDb chấm phim điểm 8,1.
Nhan đề phim được trích từ câu nói của Dionysius - nhà sử học người Hy Lạp: “Only the brave enjoy noble and glorious deaths” (Chỉ có những người dũng cảm mới tận hưởng cái chết cao quý và vinh quang). Cũng như vậy, tác phẩm mang tinh thần vinh danh và tưởng niệm 19 người lính của đội cứu hỏa Granite Mountain đã tử nạn trong vụ cháy Yarnell Hill ở Arizona (Mỹ) năm 2013. Thiên tai này được ghi nhận là một trong những trận cháy gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Mỹ, thiêu rụi 34 km vuông với sức lan chóng mặt và chuyển hướng bất ngờ.
Granite Mountain được thành lập năm 2002 với danh nghĩa một nhóm trực thuộc Cục Cứu hỏa Tình nguyện Prescott. Dưới sự dẫn dắt của Eric Marsh (Josh Brolin), nhóm trải qua quá trình huấn luyện và thử thách khắt khe để trở thành đội đặc nhiệm vào năm 2008. Thời điểm xảy ra vụ cháy Yarnell Hill, đội Granite Mountain có tổng cộng 20 thành viên. Ngoài những thành viên gạo cội như Jesse Steed (James Badge Dale), Christopher MacKenzie (Taylor Kitsch), đơn vị cũng tiếp nhận những thành viên mới như Brendan McDonough (Miles Teller) - một anh chàng nghiện ngập quyết tâm làm lại cuộc đời vì bất ngờ được làm bố.
Xuất thân của các nhân vật từ chính đến phụ đều được khắc họa đúng với hình mẫu ngoài đời. Brendan McDonough ngoài đời cũng từng là một kẻ nghiện ngập và trộm cắp vặt trước khi đến với đội Granite Mountain. Trong cuốn tự truyện My Lost Brothers, McDonough chia sẻ rằng đội Granite Mountain là những gì tốt đẹp nhất từng đến với anh.
Amanda Marsh (Jennifer Connelly) - vợ của Eric - ngoài đời cũng là một chuyên viên giải cứu và chăm sóc ngựa. Trong một phân cảnh, Amanda thể hiện sự đồng cảm của mình với McDonough và thổ lộ hai người có nhiều điểm chung. Dù trên phim không nói rõ điểm chung này là gì, ở đời thực, Amanda từng nghiện rượu, suýt hủy hoại cuộc đời mình.
Quá trình phấn đấu của đội Granite Mountain trên phim được xây dựng giống thực tế, từ khi là một đội cấp hai chuyên bọc lót cho đến khi trở thành đội đặc nhiệm. Những tình huống trong vụ cháy Yarnell Hill dẫn đến thảm kịch của đội cũng được khắc họa chân thật, không phải được tạo để tăng kịch tính cho phim. Chi tiết McDonough được cử tách khỏi đội Granite Mountain để quan sát thời tiết, bị lửa bao vây và được cứu bởi thành viên một đội khác là một trong những tình huống như vậy.
Năm ngoái, bộ phim Sully của đạo diễn Clint Eastwood từng ghi điểm khi tái hiện sự kiện cơ trưởng Sully hạ khẩn cấp một chuyến bay để cứu 155 hành khách và phi hành đoàn. Điểm chung giữa Sully và Only the Brave là sự kiện chính của phim diễn ra khá nhanh, khiến các nhà làm phim cần thêm những diễn biến khác để bù đắp cho câu chuyện. Tuy vậy, khác với Sully mang cấu trúc phi tuyến tính và tập trung vào diễn biến sau khi sự kiện đã xảy ra, Only the Brave được đạo diễn Kosinski chọn cách triển khai theo trình tự thời gian, tập trung vào những diễn biến trước sự kiện.
Đây là cách triển khai phù hợp với câu chuyện về đội Granite Mountain bởi hai lý do chính. Đầu tiên. những khái niệm và cách thức hoạt động của đội cứu hỏa thiên nhiên còn tương đối xa lạ với người xem, có nhiều điểm khác với việc cứu hỏa đô thị trong những bộ phim như Ladder 49 hay The Tower. Người xem cần một số đoạn để được giới thiệu về các kiến thức chuyên môn này. Theo diễn biến câu chuyện, khán giả phân biệt được sự khác nhau giữa cách cứu hỏa thông thường (chữa cháy bằng nước) và cách của đội "hotshot" (chữa cháy bằng lửa) - được nhóm Granite Mountain thể hiện trên phim.
Lý do tiếp theo là việc phát triển những nhân vật phụ như cô vợ của Eric hay cô con gái của Brendan, cũng như tạo ra những xung đột, mâu thuẫn trong đời sống gia đình, giúp tác phẩm phản ánh tâm tư của những người lính cứu hỏa quanh năm phải xa gia đình để đối mặt với công việc nguy hiểm. Việc xây dựng thành công yếu tố trên giúp bộ phim có nền tảng, làm bật lên được cảm xúc khi sự kiện bước ngoặt diễn ra.
Phần âm nhạc do Joseph Trapanese thực hiện là điểm nhấn trong Only the Brave. Những giai điệu trong phim góp phần đưa đẩy nhiều sắc thái cảm xúc, từ những bản rock rực lửa như It's a Long Way to the Top của AC/DC, Tush của ZZ Top, cho đến những bản đồng quê nhẹ nhàng như Riders in the Sky - do chính diễn viên gạo cội Jeff Bridges thể hiện thông qua nhân vật phụ. Ca khúc chủ đề Hold the Light của Dierks Bentley gây ấn tượng nhờ thể hiện đúng tinh thần của tác phẩm. Sự da diết của chất nhạc đồng quê cùng lời hát ý nghĩa đã truyền tải trọn vẹn sự tưởng nhớ và lời cầu chúc tốt đẹp dành cho những người con hy sinh cho mảnh đất Arizona.
Phần hình ảnh của phim được phụ trách bởi nhà quay phim Claudio Miranda - người từng tạo dựng tên tuổi với Life of Pi và The Curious Case of Benjamin Button. Miranda cũng là cộng sự quen thuộc của đạo diễn Kosinski qua hai tác phẩm TRON: Legacy và Oblivion. Sự ăn ý giữa Miranda và Kosinski giúp Only the Brave có sự kết hợp hài hòa giữa kỹ xảo máy tính và kỹ xảo thực. Tác phẩm là bộ phim hiếm hoi tái hiện chân thật và chi tiết cách thức chữa cháy bằng lửa, từ cách đội cứu hỏa di chuyển, tính toán, phát quang, đào rãnh và đốt lửa để tạo ra một “hành lang” để đám cháy lớn không vượt qua được.
Các cảnh phim gây ấn tượng nhờ những đại cảnh từ trên cao thể hiện sự hùng vĩ của thiên nhiên, cũng như sự khốc liệt của những trận cháy rừng. Những cảnh cận với lửa và khói vây quanh cho thấy sự vượt khó của các nhà làm phim trong điều kiện khắc nghiệt để mang lại hình ảnh chân thật nhất có thể. Những cảnh vô số tia lửa bay về hướng người xem đem lại hiệu ứng thị giác tốt.
Đạo diễn Kosinski cẩn thận trong việc tuyển vai khi diễn viên và nhân vật ngoài đời có ngoại hình và tuổi tác gần như tương đồng. Trong đó, các vai người miền Nam nước Mỹ được giao cho những diễn viên sở hữu đúng chất giọng như Josh Brolin và Jeff Bridges. Josh Brolin thể hiện đúng phong độ của mình khi vào vai Eric - người dẫn dắt đội Granite Mountain. Ngoài việc thể hiện sự dứt khoát cùng khí chất lãnh đạo, anh còn gây ấn tượng nhờ sự ăn ý với Jennifer Connelly trong những phân cảnh thể hiện tình cảm.
Connelly với vai Amanda cũng là điểm nhấn của Only the Brave. Diễn xuất hớp hồn bằng ánh mắt qua những phân cảnh thể hiện yêu thương hoặc giận dữ giúp cô đôi khi lấn át cả bạn diễn là Brolin. Trong khi đó, diễn viên trẻ Miles Teller tiếp tục cho thấy sự trưởng thành kể từ sau vai diễn trong Whiplash. Nhân vật McDonough của anh phải trải qua nhiều cung bậc, từ cảnh trác táng khi còn là một tay ăn chơi, đến khi sụp đổ do chứng kiến đồng đội tử nạn.
-
Dự án có kinh phí 200 triệu USD ban đầu được phát triển như tập mới trong loạt phim về X-Men của hãng Fox. Tuy nhiên, sau khi Disney mua lại Fox, họ quyết định đây sẽ là phần cuối về thế hệ X-Men này. Sau một thời gian, các dị nhân sẽ được đưa vào Vũ trụ Điện ảnh Marvel, nhiều khả năng do các diễn viên mới đóng.
Tác phẩm được ghi hình từ năm 2017, tuy nhiên phải quay lại nhiều lần trong năm 2018. Theo Indiewire, cảnh cao trào chiến đấu cuối phim phải thay đổi bối cảnh để không quá giống Captain Marvel - bom tấn ra mắt tháng 3 năm nay. Do đó, một số cảnh của Dark Phoenix tạo cảm giác rời rạc về dựng phim, chuyển đổi giữa các đoạn.
Ở phòng vé, Dark Phoenix được dự đoán không kiếm quá 40 triệu USD trong dịp mở màn, thấp nhất trong thương hiệu X-Men. Trên Rotten Tomatoes, chỉ 22% giới phê bình đánh giá tích cực về tác phẩm. Nhiều cây bút bày tỏ sự đáng tiếc khi các X-Men của Fox không có một hồi kết đủ sức ghi dấu ấn.
Câu chuyện trong Dark Phoenix diễn ra vào năm 1992, chín năm sau khi nhóm X-Men đánh bại Apocalypse để cứu thế giới. Họ được xem như người hùng, tích cực tham gia vào các hoạt động an ninh, xây dựng xã hội. Giáo sư Xavier (James McAvoy đóng) quyết gìn giữ sự hòa hợp giữa loài người và dị nhân. Còn người bạn kiêm đối thủ của ông - Magneto (Michael Fassbender đóng) - sống cùng một nhóm dị nhân ở khu biệt lập.
Trong một nhiệm vụ, đội X-Men vào không gian để giải cứu các phi hành gia. Do quay về tàu không kịp, dị nhân trẻ Jean Grey (Sophie Turner đóng) bị tác động từ một luồng năng lượng lạ. Cô may mắn sống sót, cảm thấy mạnh mẽ gấp bội nhưng dần mất kiểm soát. Cùng lúc, một nhóm người ngoài hành tinh bí ẩn do Vuk (Jessica Chastain đóng) xuất hiện ở Trái đất, theo đuổi Jean. Các dị nhân đứng trước thử thách khi vừa phải kiềm chế bạn mình, vừa chống trả những kẻ lạ mặt có mưu đồ xấu.
Đây là lần thứ hai câu chuyện về Dark Phoenix trong truyện tranh Marvel được đưa lên màn ảnh rộng, sau X-Men: The Last Stand. Kịch bản mở ra nhiều tuyến có tiềm năng khai thác như nỗi cô đơn của Jean, tình yêu của cô và Cyclops, cũng như quan hệ giữa cô và Xavier - người đã bí mật can thiệp vào ký ức để kiềm chế Jean. Tuy nhiên, cách phát triển ở từng tuyến sơ sài, ít thời lượng và không được khai thác trọn vẹn.
Trong đó, đáng tiếc nhất là nhân vật Xavier - lãnh đạo nhóm X-Men những phần trước, bỗng trở nên mờ nhạt. Dị nhân siêu tốc Quicksilver (Evan Peters đóng) - người được fan yêu thích - đột ngột bị loại khỏi câu chuyện sau nửa đầu phim. Tuyến phản diện được xây dựng thiếu chiều sâu, không để lại ấn tượng về năng lực cũng như mưu kế.
Phần thoại và chất lượng hành động của Dark Phoenix cũng không bằng các tập trước về X-Men. Dàn nhân vật như Xavier, Magneto, Beast (Nicholas Hoult đóng), Mystique (Jennifer Lawrence đóng) trò chuyện với những câu đơn giản, dù ở những phần trước họ được xây dựng có chiều sâu.
Những màn hành động ở hai phần ba đầu phim được dàn dựng khá đơn điệu, không phát huy được thế mạnh quen thuộc của loạt X-Men là các pha phối hợp, thi triển siêu năng lực. Chỉ có trận chiến cao trào gây ấn tượng với chất lượng kỹ xảo tốt, bối cảnh tàu đang chạy, dàn dị nhân đoàn kết trổ tài. Tuy nhiên, cảnh này cũng chưa thật kịch tính khi kẻ phản diện không đủ khả năng gây khó khăn cho Jean, khiến trận đấu không bất ngờ.
Diễn xuất là điểm sáng hiếm hoi của Dark Phoenix với sự góp mặt dàn sao kỳ cựu như James McAvoy, Michael Fassbender, Jennifer Lawrence và Jessica Chastain. Trong vai chính, sao trẻ Sophie Turner có nhiều nỗ lực khi thể hiện nhân vật giằng xé với siêu sức mạnh, nỗi đau cá nhân và e ngại chính bản thân mình. Người đẹp có biểu cảm đa dạng, chuyển đổi tốt từ vẻ tự tin sang hoang mang trong thoáng chốc. Tuy nhiên, cách phát triển đường dây tâm lý không tốt khiến nhân vật thiếu dấu ấn.
Ra mắt từ năm 2000, loạt phim có tuổi đời lâu hơn cả Vũ trụ Điện ảnh Marvel và được xem là thương hiệu tiên phong trong việc giới thiệu hình tượng siêu anh hùng hiện đại. Sau 19 năm, những nhân vật như Wolverine, Xavier, Magneto trở nên thân thuộc với nhiều khán giả.
-
Bí mật yêu cầu bởi bà M quá cố, Bond tới Mexico giết hai tên khủng bố định cho nổ một sân vận động. Dù Bond đã thổi tung tòa nhà và suýt chết vì vụ nổ của chính mình tạo ra. Một tên là Marco Sciarra vẫn không chết và định chuồn bằng trực thăng. Bond và hắn đánh nhau dữ dội trên trực thăng đang nhào lộn trên đầu một quảng trường đầy người khiến đám đông phát hoảng. Sau khi giết Sciarra và phi công bằng cách tống họ ra khỏi máy bay, Bond giữ được chiếc nhẫn của Sciarra, có hình một con bạch tuộc.
M hiện tại rút Bond khỏi thực địa vì hành động tại Mexico đã gây khó cho MI6 vốn đang bị sáp nhập vào Joint Intelligence Service (Lực lượng tình báo chung) dẫn đầu bởi C.C muốn tạo ra hiệp định tình báo "Cửu Nhãn" giữa chín quốc gia và dẹp chương trình 00.
Bond cãi lệnh M và tới Rome dự đám tang Sciarra. Đêm đó, anh cua vợ của Sciarra là Lucia, cô cho anh biết về tổ chức mà chồng cô tham gia và cuộc họp của họ tối hôm đó. Bond dùng chiếc nhẫn để vào họp, tự xưng là chuột Mickey. Thủ lĩnh của tổ chức này biết Bond và gọi anh bằng tên. Bị phát hiện, Bond bị Mr. Hinx, sát thủ của tổ chức rượt đuổi bằng xe vòng quanh Rome. Moneypenny báo cho Bond rằng các đầu mối anh có từ Mexico và buổi họp sẽ dẫn tới Mr. White, thành viên của Quantum (trong phim Quantum of Solace), một chi nhánh của SPECTRE. Bond yêu cầu kiểm tra cái tên Franz Oberhauser.
Bond sang Áo tìm White, người đang chết dần vì ngộ độc thallium. White bảo Bond tìm tiến sĩ Madeline Swann - con gái ông — người sẽ đưa anh tới chỗ "Người Mỹ" (L'Americain), rồi sẽ đưa anh tiếp tới tổ chức; xong thì White tự sát. Bond tìm Swann, nhưng cô bị Hinx. Bond rượt Hinx bằng máy bay và cho ba chiếc xe của chúng đâm nhau để cứu Swann. Cả hai gặp Q. Q cho biết cái nhẫn của Sciarra chứa file kỹ thuật số kết nối Oberhauser, thủ lĩnh của tổ chức, với các điệp vụ trước của Bond. Swann cho họ biết tên của tổ chức là Spectre, và "Người Mỹ" là một khách sạn tại Ma rốc.
Hai người đến khách sạn "Người Mỹ" và ở trong một phòng suite mà White lui tới hằng năm. Với sự "trợ giúp" của một con chuột cống, Bond tìm ra một mật thất mà White đã xây với nhiều chứng cứ và một bản đồ chỉ nơi tiếp theo cần đi. Họ đi ra sa mạc bằng tàu hỏa và bị Hinx tấn công trên tàu. Cả hai phối hợp đẩy hắn ra khỏi tàu. Cuối cùng, họ tới một cơ sở nằm trong một hố thiên thạch giữa sa mạc. Họ gặp Oberhauser, con trai của người giám hộ Bond khi anh còn nhỏ và bị mồ côi. Khi đang tra tấn Bond, Oberhauser cho biết C là một phần của Spectre, làm tay trong giúp đưa hết dữ liệu tình báo cho chúng. Oberhauser cũng cho biết sau khi giả chết 20 năm trước đã đổi tên thành Ernst Stavro Blofeld. Khi Swann được lên chào Bond lần cuối, anh đưa chiếc đồng hồ chứa thiết bị nổ. Swann lập tức cho nổ tung Blofeld. Bond và Swann trốn thoát và cho nổ cả cơ sở của Blofeld.
Trở về London, Bond và Swann gặp M, Bill Tanner, Q và Moneypenny; họ lên kế hoạch bắt C và ngăn chặn "Cửu Nhãn" kết nối với hệ thống tình báo Anh. Swann bỏ Bond, bảo rằng cô không thể sống mà dính líu tới tình báo. Họ bị tấn công trên đường đi và Bond bị bắt, nhưng khống chế và giết hai tên bắt giữ mình khi vừa tới trụ sở cũ của MI6. Anh gặp và phát hiện Blofeld còn sống. Hắn bảo toàn bộ tòa nhà bị gắn bom và sẽ nổ tung trong ba phút nữa, và hắn nhốt Swann đâu đó trong tòa nhà. Bond chạy khắp tòa nhà tìm Swann và thành công. Họ dùng thuyền trốn thoát vừa kịp lúc tòa nhà nổ. C bị M bắt và chết khi cố trốn thoát, Q chặn được "Cửu Nhãn" vào phút chót. Tất cả rượt theo Blofeld, đang trốn thoát bằng trực thăng. Bond dùng ca nô chạy dưới sông Thames bắn chiếc trực thăng đâm xuống cầu Westminster. Blofeld bị bắt, Bond bỏ đi với Swann.
-
Cách bắt đầu mỗi câu chuyện trong phim của Disney Pixar hầu hết luôn bắt đầu bằng mệnh đề “Nếu?…”. Và lần này là ý tưởng, nếu 65 triệu năm trước, thiên thạch không đâm vào trái đất thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Ý tưởng độc đáo dẫn đến một The Good Dinosaur tuyệt đẹp, món quà dễ thương và không thể ấm áp hơn dành cho mùa Lễ tạ ơn cũng như Giáng sinh năm nay.
The Good Dinosaur (tựa tiếng Việt là – Chú Khủng Long Tốt Bụng) là bộ phim thứ 16 của Disney Pixar, đồng thời là bộ phim kỷ niệm dấu mốc 20 năm Pixar đưa khán giả phiêu lưu cùng hành trình tình bạn. Kể từ “Toy Story – Câu chuyện đồ chơi” năm 1995, Pixar luôn giữ tinh thần sáng tạo, đam mê truyền tải thông điệp sống sâu sắc qua những nhân vật hoạt hình thú vị. Cảm hứng về cuộc đấu tranh sinh tồn của con người không bao giờ là cạn kiệt, con người với môi trường, con người với con người và con người với chính bản thân. Mỗi phim của Disney Pixar là một món quà ai cũng cần cho tâm hồn mình, “dù chúng ta 6 hay 60 tuổi”.
2015 là năm đầu tiên Pixar và Walt Disney tung ra hai bộ phim hoạt hình trong cùng một năm, cả hai đều xuất phát từ những ý tưởng (kịch bản) “gốc”. Tiếp nối những thành công vang dội của Inside Out– Bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay của Pixar, “The Good Dinosaur – Chú Khủng Long Tốt Bụng” tuy có câu chuyện giản đơn hơn rất nhiều nhưng không kém cạnh về thông điệp sâu sắc, những khoảng khắc đầy rung cảm, hóm hỉnh, đặc biệt là kỹ xảo hoạt hình kết hợp hình ảnh thực, thiên nhiên về sự chân thực và trong veo đến kinh ngạc. Nhà sản xuất khẳng định “The Good Dinosaur – Chú Khủng Long Tốt Bụng” là bộ phim hoạt hình đẹp nhất của Disney Pixar từ trước đến nay.
Bộ phim đưa đến một hành trình đầy ắp sắc màu và âm nhạc để tới với một thế giới kỳ diệu. Câu chuyện xoay quanh Arlo –loài Apatosaurus – chú khủng long nhút nhát, luôn nhìn mọi sự vật xung quanh với ánh mắt đầy sợ hãi. Nhờ người cha mạnh mẽ và can đảm Poppa, luôn ở bên động viên cậu đương đầu với những nỗi sợ hãi ám ảnh bấy lâu để hiểu giá trị về dấu ấn riêng của mình trên thế giới rộng lớn này. Nhưng không may, những bài học nghiêm khắc nhưng tràn đầy tình yêu thương của Poppa dành cho con mình bỗng chốc đã biến thành thảm kịch, Arlo đã phải đối mặt với cuộc đời cam go thật sự và lớn lên từ đây. Dấu mốc quan trọng và thách thức nhất là khi Arlo bị lạc bầy và đồng ý kết bạn với kẻ cậu từng cho là kẻ thù của mình, cậu bé Spot. Cả hai cùng nhau chu du qua những nơi khắc nghiệt và bí ẩn, để học cách đối đầu với nỗi sợ và phát hiện ra khả năng tiềm ẩn bấy lâu. Bày tỏ cảm xúc về hình tượng Arlo, diễn viên lồng tiếng (giọng gốc), Raymond Ochoa chia sẻ: “Đối với Arlo, thiên nhiên hoang dã là một nơi ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, nơi mà rất nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra. Nhưng trong thực tế, rừng già chính là nơi đã giúp cậu trưởng thành và trở thành một chú khủng long dũng cảm như cậu hằng mong ước.”
Từng là họa sĩ tham gia vào những dự án phim đình đám của Pixar như là Finding Nemo, The Incredibles, Ratatouille và WALL-E, có thể thấy Peter Sohn đặc biệt quan tâm đến thiên nhiên, môi trường sống và các tác động biến đổi sâu sắc của chúng đến đời sống cuả con người như thế nào. Dù không trực tiếp là một phần của mạch phim, nhưng xuyên suốt The Good Dinosour, thiên nhiên là tác nhân chính luân chuyển cảm xúc của những tâm hồn lạc lối trong nó. “Thiên nhiên là một nhân vật, thử thách Arlo, tác động tới cậu ấy từ cả bên ngoài và bên trong.”
Sự hoán chuyển gây kinh ngạc ở chỗ khủng long được nhân cách hoá đặt ở vị trí trung tâm như con người, và con người trở thành con vật dễ thương, hoang dại, lanh lợi, ngộ nghĩnh, tình cảm, một người bạn, trợ thủ đắc lực và trung tín… như con “pet”. Spot, nhân vật có hình dáng cậu bé rừng xanh trong phim nhưng lại có biểu hiện nửa người, nửa khỉ, nửa chó…Đặc biệt Spot không hề có bất kỳ một câu thoại nào mà vẫn lay động người khác bằng nhân tính nguyên sơ của mình. Bước vào cuộc phiêu lưu cùng nhau, khủng long Arlo và cậu bé Spot hoàn toàn không cách biệt, đều có gia đình, có chung xuất phát điểm, chung nhu cầu sinh tồn và mục tiêu đấu tranh, bảo vệ nhau rồi giữ lấy nhau trong tim khi cuộc hành trình đi đến ngã rẽ khác. Phải chăng khi con người không coi mình là chủ của vạn vật thiên nhiên, họ mới trở lại nét đẹp nguyên bản, đồng vị với muôn loài, nhỏ bé để biết chiêm ngưỡng thiên nhiên kì diệu, biết sợ hãi, khiêm cung, biết mang ơn một cọng cỏ, một rây nắng nhỏ hay chỉ một làn mây mờ? Sẽ ra sao nếu một lúc nào đó muốn đắm mình trong thiên nhiên thiên nhiên, con người chỉ có thể đến rạp đeo kính 3D và xem phim hoạt hình? Và lẽ nào nếu thiên thạch không va vào trái đất, con người đã được sống ôn hoà với khủng long, hái lượm, trồng trọt, làm chuyện đáng yêu từ đời này qua đời khác…
The Good Dinosaur là một bộ phim tuyệt đẹp, một tác phẩm 3D không thể bỏ lỡ, có khả năng khiến chúng ta mê mẩn và cảm thấy hạnh phúc khi được trải nghiệm những khoảnh khắc đáng yêu qua hành trình của Arlo và Spot. Đọng lại sau hết là cảm giác ấm áp và biết ơn, biết ơn bản thân và những yếu đuối mỗi ngày của chính mình. Sự tồn tại của mỗi người không chỉ liên đới trong gia đình, bạn bè, những con người xung quanh mà còn là với mạch sống thiên nhiên đang tổn thương hằng ngày. Sức mạnh lớn lao của con người là gì nếu không phải là bảo vệ và yêu thương ?
-
Queen & Slim tells the story of an African-American couple, Queen (Jodie Turner-Smith) and Slim (Daniel Kaluuya), who are on a first date when a routine traffic stop spirals out of control. After a police officer pulls them over, the situation escalates, leading to the officer’s death in self-defense. Fearing for their lives and knowing the justice system may not be fair to them, they decide to flee the scene.
As they go on the run, their journey becomes a transformative road trip that brings them closer together and leads them to confront their own values and perspectives. Along the way, they receive help from various people who are moved by their story, turning them into symbols of resistance and resilience. The film explores themes of identity, injustice, and the pursuit of freedom.
-
Tỉnh dậy sau tai nạn, chàng nhạc sĩ Jack thấy cả thế giới đã quên sự tồn tại của The Beatles, trừ anh.
Phim Yesterday xoay quanh Jack Malik (Himesh Patel đóng) - một nhạc sĩ kiêm ca sĩ đang chật vật. Tài năng của Jack chỉ đủ giúp anh diễn tại phòng trà hoặc những lễ hội âm nhạc vắng vẻ. Lúc Jack có ý từ bỏ đam mê, một sự kiện siêu nhiên xảy ra. Khi tỉnh lại, anh phát hiện một số điều phổ biến trên thế giới trước đây bỗng biến mất như chưa hề tồn tại, trong đó có nhóm The Beatles.
Ngoài anh, không ai nhớ đến ban nhạc Anh và các tác phẩm của họ. Để thăng tiến, Jack quyết định mạo nhận ca khúc của The Beatles là của mình. Khi thành công đến, anh đối mặt góc khuất của ngành giải trí, rạn nứt với người yêu và sự dằn vặt của chính anh.
Trailer Yesterday
Trailer phim.
Hai năm qua, một số phim có chủ đề về những huyền thoại âm nhạc thế kỷ 20 gây tiếng vang, như Bohemian Rhapsody (về ban nhạc Queen) và Rocketman (về Elton John). Khác với hai tác phẩm trên, Yesterday được xây dựng theo phong cách kỳ ảo và hài hước, không dựa trên nguyên mẫu nào ngoài đời thực.
Các nhà làm phim xây dựng cách tiếp cận độc đáo âm nhạc của The Beatles, thông qua tình huống siêu nhiên. Jack được xây dựng trái ngược với kiểu nhân vật tỉnh dậy sau tai nạn. Trong nhiều phim, người tỉnh dậy quên đi một số điều, trong khi Jack lại nhớ được những gì người khác đã quên.
Yesterday được xây dựng như một tác phẩm tri ân The Beatles. Trong phỏng vấn tại Lincoln Center, đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Richard Curtis nói lòng hâm mộ ban nhạc thúc đẩy họ làm phim. Âm nhạc của The Beatles được sử dụng dưới nhiều vai trò. Đoạn giang tấu (interlude) trong ca khúc A Day In The Life được dùng làm nhạc nền cho cảnh Jack gặp tai nạn. Chất âm trong đoạn nhạc này hỗ trợ không khí phim, mang đến sự bồn chồn cho người xem trước khi tình huống bước ngoặt xảy ra.
Ca khúc kinh điển Yesterday được dùng trong một cảnh phim giàu cảm xúc, khi Jack hát tặng nhóm bạn. Ca khúc Help! được sử dụng trong cảnh Jack diễn trên nóc khách sạn Pier. Sự da diết bài này phản ánh lời cầu cứu của anh lúc bế tắc. Khi Jack hát ca khúc của nhóm, siêu sao đương thời Ed Sheeran (do chính anh đóng) công nhận đây là thứ âm nhạc trên tầm anh. Công chúng đón nhận những tác phẩm của The Beatles (thông qua Jack) theo cách tích cực và nhanh chóng biến Jack từ một ca sĩ lận đận trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Bên cạnh âm nhạc, nhiều chi tiết mang tính cá nhân về các thành viên The Beatles được đưa vào Yesterday. Cảnh Jack ngã xe và gãy mất chiếc răng tương tự một tai nạn với Paul McCartney vào năm 1966. Cảnh Jack mơ thấy hai thành viên The Beatles, các nhà làm phim sử dụng hình ảnh hai đôi chân, trong đó có một đôi chân trần. Hình ảnh gắn liền với McCartney trên bìa album nổi tiếng Abbey Road, trong đó bốn thành viên The Beatles băng qua đường và McCartney là người duy nhất đi chân trần.
Thông qua câu chuyện về Jack, tác phẩm gợi lên những khác biệt của ngành công nghiệp giải trí hiện tại với thời của The Beatles. So với thập niên 1960-70, sức sáng tạo của nghệ sĩ ở hiện tại bị giới hạn trong nhiều khuôn khổ, phải phụ thuộc vào nhà quản lý và êkíp, cũng như phản ứng dư luận. Một ví dụ là album The White Album bị từ chối vì màu da và sắc tộc - vấn đề nhạy cảm hiện nay.
Nhân vật Jack được các nhà làm phim xây dựng theo hướng dễ mến. Dù là "kẻ cắp", Jack có đam mê thật sự với âm nhạc nên mới có thể hát thành công. Bản năng nghệ sĩ cũng thúc đẩy anh tìm cách trải nghiệm những nơi chốn, hoàn cảnh mà ban nhạc lấy cảm hứng sáng tác. Jack không chỉ muốn hát hay mà còn đi tìm cái hồn của tác phẩm, khiến người xem đồng cảm chứ không ghét bỏ anh. Diễn viên Himesh Patel là nhân tố quan trọng của tác phẩm. Theo Classic FM, anh hát giọng thật mọi ca khúc trong phim, đồng thời tự trình diễn guitar và piano. Còn đạo diễn Danny Boyle nói chọn Patel nhờ giọng hát "vừa quen, vừa lạ".
Phần hình ảnh của Yesterday được thể hiện trau chuốt, đặc biệt là cảnh những vùng quê thanh bình của nước Anh. Khi Jack hát những ca khúc sâu lắng, đạo diễn lồng ghép những cảnh đời thường tạo sự gần gũi, tiêu biểu là ở bài Yesterday và The Long and Winding Road. Ngoài ra, phim có những đại cảnh ấn tượng, như màn trình diễn trên nóc khách sạn Pier, thuộc bờ biển Norfolk (Anh). Theo BBC, trích đoạn quy tụ đến 6.000 diễn viên quần chúng.
Tuy có nhiều điểm sáng, tác phẩm hơi đuối sức ở phần cuối với những tình huống dài dòng, một số mâu thuẫn giải quyết lưng chừng. Tình cảm giữa Jack và bạn gái - Ellie (Lily James đóng) - còn mờ nhạt, dù James vẫn gây ấn tượng về nhan sắc giống nhiều phim gần đây như Baby Driver, Mamma Mia! 2.