Điện Ảnh
Bộ sưu tập phim chất lượng remux 4K với điểm IMDb từ 6.6 trở lên
1,724 files
-
Bạn có tin vào định mệnh không?
Là định mệnh về sự tồn tại một người nào đó, chỉ dành riêng cho ta. Rằng trong thế giới rộng lớn với 7 tỷ con người, có hai người chỉ thuộc về nhau. Với số phận được sắp đặt sẽ gặp nhau. Như sợi tơ hồng được nối vào hai đầu của hai ngón tay út của hai bàn tay khác nhau. Bất kể họ có ở nơi đâu, thì sợ tơ ấy vẫn sẽ kéo họ về bên nhau...Bạn có từng tin vào điều đó?
Nếu là người mộng mơ, Kimi no Na wa sẽ khiến bạn say đắm. Nếu là người thực tế, thì Kimi no Na wa sẽ khiến bạn xúc động vì những cảm xúc mạnh mẽ mà bộ phim chứa đựng. Và có lẽ, nó sẽ khiến bạn tạm quên đi những thực dụng mà tin vào cái giả thuyết huyền ảo mà phim đưa ra. Tôi đoán là ít hay nhiều, thì bạn cũng sẽ tin.
Một cô gái thôn quê tỉnh dậy trong cơ thể một cậu trai thành phố và ngược lại, cậu trai ấy cũng tỉnh dậy trong cuộc sống đời thường của cô gái. Hai con người khác nhau, sống ở hai địa điểm khác nhau ở nước Nhật - một cổ xưa, một hiện đại. Vậy bí mật nào đã đưa họ tới với nhau?
Kimi no Na wa là một bộ phim chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc. Đoạn mở đầu với sự hài hước, đoạn giữa tiếp nối bằng hồi hộp - bí ẩn và đoạn cuối thì giống như một cú bùng nổ cực đại, hệt như ngôi sao chổi đâm sầm vào Trái đất và làm nổ tung mọi giác quan của người xem. Mọi diễn biến phim diễn ra dồn dập, với tiết tấu nhanh chậm đan xen nhịp nhàng. Khiến cho người xem không thể rời mắt, từ háo hức ở giây đầu tiên cho tới sự nuối tiếc ở những giây cuối cùng.
Trên tất cả, Kimi no Na wa là một câu chuyện tình yêu trong sáng, nhẹ nhàng nhưng cực kỳ lãng mạn, pha chút liêu trai. Mối tình trong phim rất đơn giản, quan hệ giữa hai nhân vật cũng chưa được phát triển sâu sắc nhưng được kể lại khéo léo, tinh tế khiến cho ta thực sự tin rằng: tình yêu và phép màu mà họ tạo ra thực sự có tồn tại.
Xem Kimi no Na wa, rất khó để dùng lý trí để phân tích và giải thích cho nguyên nhân gây ra những diễn biến trong phim. Bởi điều đó là bất khả. Ta cứ mãi lạc lối trong những điều giả tưởng, huyễn hoặc khó tin ấy. Nhưng dù có cố phủ nhận sự phi lý đó như thế nào, thì cuối cùng Kimi no Na wa cũng sẽ khuất phục cái sự bướng bỉnh của lý trí bằng ngọn lửa bừng cháy của con tim. Phim xen lẫn nhiều chi tiết giả tưởng, với xuyên không, với truyền thuyết và đức tin về thần linh, về đất trời. Lời giải thích duy nhất và hợp lý hóa cho tất cả bí ẩn trong phim, chính là phép màu của tình yêu.
Vậy thì làm sao để tìm ra người đó? Khi mà tôi không biết người đó ở đâu, làm gì và thậm chí, cả cái tên của người ấy, tôi cũng không kịp nhớ ra...sau giấc mơ? Trong tín ngưỡng dân gian của người Nhật, cái tên chứa đựng những quyền năng vô hạn và cực kỳ quan trọng. Trong phim, hai nhân vật chính luôn khắc khoải gọi tên nhau, cố nhớ lấy tên của đối phương nhưng bất thành. Vì cái tên là chìa khóa quan trọng bị giấu mất. Và để tìm ra nó, sẽ là nhiệm vụ của thứ cảm xúc tới từ trái tim. Vì nhờ có nó, thì dù không biết tên, chưa từng gặp mặt. Nhưng chỉ cần lướt qua thôi, là ta sẽ nhận ra nhau.
Thành công của Kimi no Na wa với doanh thu khủng 3.8 tỷ Yên (61.2 triêu USD) sau 10 ngày công chiếu, chính là nhờ khả năng kết nối trái tim khán giả với câu chuyện của nhân vật. Ta hồi hộp, lo lắng và quan tâm tới họ. Ta xúc động, ta nghẹn thở và cuối cùng, ta tin rằng câu chuyện của họ là có thật. Hay ít nhất, là ta từng tin là nó có.
Nếu ở Mỹ, có những phim tình cảm rất nhàm chán những vẫn đạt doanh thu khủng (50 Sắc thái, Twlilight...). Thì ở Nhật, một bộ phim hoạt hình 2D lãng mạn tưởng bình thường nhưng lại đứng đầu phòng vé, với doanh thu cao kỷ lục. Thì chắc chắn là ta không cần phải bàn cãi về chất lượng của nó. Có lẽ, ở một thị trường khó tính như Nhật, thì gu thẩm mỹ và đánh giá của họ cũng khắt khe nhưng chuẩn xác hơn.
Khán giả điện ảnh thế giới thường chỉ biết tới anime do Ghibli và Hayao Mizayaki sản xuất. Nhưng với những ai yêu hoạt hình nói chung và điện ảnh Nhật nói riêng, thì nước Nhật còn có một Makoto Shinkai cũng cực kỳ xuất sắc. Nếu Hayao làm phim cho cả trẻ con lẫn người lớn, thì Makoto lại đơn thuần chỉ làm phim dành riêng cho người lớn. Bởi thứ cảm xúc đầy trăn trở, những câu chuyện nhiều suy tư và đong đầy hoài niệm trong anime của Makoto chỉ thực sự hay với những ai đã trưởng thành, với trải nghiệm và nhận thức nhất định về cuộc đời lẫn con người. Sau những The Place Promised in Our Early Days, Children Who Chase Lost Voices và The Garden of Words, Makoto Shinkai lại tiếp tục thành công với Kimi no Na wa.
Ngoài ra, phim còn được so sánh là một phiên bản khác với anime từng làm bao khán giả rưng rưng đổ lệ, 5 Centimeters Per Second. Có một cảnh quay khá giống ở cả hai phim. Hoặc, cũng có thể coi phim là prequel của 5 Cm/s cũng là hợp lý.
Bên cạnh hình ảnh lung linh, rực rỡ và huyền ảo, Kimi no Na wa.còn có âm thanh xuất sắc. Và bạn sẽ càng thấy hay hơn, khi hiểu được lời bài hát cho từng phân đoạn phim hay và ý nghĩa tới chừng nào.
-
Bộ phim có nội dung chính là cuộc trò chuyện giữa nhà làm phim tài liệu - Genya và nữ đại minh tinh nổi tiếng một thời Chiyoko Fujiwwara. Họ trò chuyện về chính cuộc đời Chiyoko, vì sao cô lại chọn bắt đầu trở thành diễn viên ở cái tuổi 16, và người hoạ sĩ mà cô theo đuổi từ thời thanh xuân đến lúc cuối đời là ai... Tất cả sẽ được Kon Satoshi khéo léo kể lại bằng những khung cảnh đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo hoà quyện với nhau để làm nổi lên những cảm xúc chân thật nhất. Những cảm xúc, kí ức của cả một đời người về tình yêu với người đàn ông vô tình chạm phải trong mùa đông phủ tuyết trắng kia.
Nếu bạn đã xem Perfect Blue và Paprika chắc hẳn bạn đã quen thuộc với phong cách làm phim của vị đạo diễn được mệnh danh là bậc thầy về ảo giác này, cuộc đời của Chiyoko không những chỉ được thể hiện qua những lời kể về các thời điểm trong quá khứ của cô, mà nó còn lồng ghép bằng những phân đoạn trong những bộ phim cô đóng trong suốt sự nghiệp của mình. Những khung hình sẽ được nhảy liên tục, từ hình ảnh của cô bé 16 phải lòng thương người hoạ sĩ chống chính quyền mà bị truy nã, đuổi theo người đến ga tàu và lỡ gặp, chỉ kịp hét lên lời hứa trong nước mắt "Em sẽ đi tìm anh" mà bỗng chốc đã chuyển cảnh thành bộ phim đầu tay của cô. Rồi sau đó là hàng loạt những vai diễn giả tưởng khác, lúc là một công chúa của toà thành thất thủ, lúc là chiến binh, geisha, y tá....sự chuyển đoạn nhịp nhàng xen kẽ hiện tại khiến người xem trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, đồng thời đẩy nhanh nhịp phim lên, như một tiếng trống hối thúc càng làm người xem chăm chú và hồi hộp hơn.
"Vai diễn ngàn năm" - đúng như tên gọi của nó, chuyện ngàn năm và xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại không đơn thuần là chỉ qua các vai diễn của Chiyoko, nó cảm giác như tình yêu của cô như đã từ ngàn năm trước và vẫn sẽ mãi mãi bền bỉ dù thời gian có trôi đi bao lâu đi nữa, vẫn nồng nhiệt mà chạy đi tìm người đàn ông khiến cô rung động từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng liệu cô có thể chạy theo mãi khi thời gian trôi cũng đồng nghĩa với việc cô sẽ già đi, không còn tuổi xuân bên cạnh trong khi đó cuộc sống vẫn xoay vần khắc nghiệt.
Ta có thể thấy được cuộc sống của Chiyoko được chia làm những phân đoạn gắn theo từng thời kì của nước Nhật. Là cô giai đoạn trước, trong chiến tranh, và trong thời bình khi nước Nhật vực dậy sau hậu quả chiến tranh to lớn, và cuối cùng là hiện tại, nơi có những thứ trong quá khứ đã rơi vào dĩ vãng, cảnh xưởng phim Ginei bị dỡ bỏ - hãng phim mà cô đã gắn bó và làm nên tên tuổi của một Chiyoko đại minh tinh một thời như bây giờ, nhưng đó đã là chuyện của 30 năm trước, liệu còn có ai nhớ về cô, ngưỡng mộ cô như Genya kia chứ. Nhưng thật sự những năm tháng làm diễn viên để có thể kiếm tìm người hoạ sĩ ấy của cô luôn là những năm tháng nhiệt huyết nhưng cũng đầy vui buồn và sóng gió trong cuộc đời cô nhất.
Bạn chắc hẳn sẽ thắc mắc điều gì đã khiến Chiyoko kiên trì với tình yêu mơ hồ đó đến vậy, cô không biết tên người đàn ông đó, không biết nơi anh ta sống, chỉ có những lời nói chuyện kể với nhau trong căn nhà kho cũ, nơi cô đã chăm sóc anh bị thương, dưới ánh sáng mập mờ của một đêm trăng 14 âm lịch. Người hoạ sĩ kể cho cô nghe về khung cảnh và bức tranh anh sẽ hoàn thành, dưới nền tuyết trắng bao phủ vạn vật, về ánh trăng đêm 14 có nghĩa là sẽ còn ngày mai, là hy vọng, những điều đó như mở ra trong trí tưởng tượng và tâm hồn của cô gái trẻ ấy một thế giới thật khác, thật đẹp. Và chiếc chìa khoá sẽ là vật dụng mở khoá cho cô biết tất cả mọi thứ về thế giới mới đó.
Chiếc chìa khoá cũng chính là thứ giúp cô níu giữ những kí ức này về người đàn ông kia. Chính là thứ hữu hình nhất, khiến cô biết rằng mọi thứ không phải là mơ, không phải là một kí ức không chính xác, mà nó là thật, những cảm xúc của cô là thật và chiếc chìa khoá giúp cô nhắc nhở điều đó, để cô không bị thời gian làm lãng quên.
Và thật vậy, "ngàn năm" đâu phải là ngắn khi những thông tin cô biết được về anh quá ít, đến mức khi cô bị người cảnh sát có vết sẹo bắt lại tra khảo về anh cô cũng không khai gì hết bởi vì cô đâu có biết gì mà khai chứ, điều cô biết chỉ là cô yêu anh, yêu anh đến mức đậm sâu. Giữa bao biến cố của thời cuộc, chiến tranh, ngôi nhà thơ ấu bị phá huỷ, cuộc sống hiện đại, cô bắt đầu trầm lại, chuyển từ sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tìm mong tình yêu, cô chờ đợi. Trong khoảng thời gian đó, cô có bị sao nhãng hay không khi người đạo diễn luôn tìm cách lấy lòng cô ? Tôi nghĩ là có, với một thứ tình cảm tựa như mơ ảo như vậy, ắt hẳn có lúc cô sẽ vô tình bỏ lại nó, và khi đó âm thanh vang lên từ chiếc chìa khoá sẽ như kéo cô trở lại thực tại, kéo cô khỏi những hoài nghi, những mây mù thời gian đang thử thách tình yêu của cô.
Nửa đầu của phim ta sẽ thấy một Chiyoko trẻ trung xinh đẹp, và có vẻ như tình yêu của cô luôn làm cho cô trở nên rực rỡ, mạnh mẽ và đầy sức sống hơn, nhưng đến nửa sau khi cô bắt đầu phải chịu đựng những thực tế, những vấn đề của mình, về tuổi tác, về mong muốn ổn định gia thất của người mẹ, đó là lúc cô trở nên yếu đuối hơn, và rồi cao trào xảy ra. Chiếc chìa khoá biến mất, cô dường như đã gác lại sự chờ đợi của mình, lên xe hoa với người đàn ông khác, cất giữ chàng hoạ sĩ kia ở trong lòng, sống như một người phụ nữ, người vợ bình thường. Nhưng chiếc chìa khoá, đó là một vật thật sự tồn tại, nó chẳng thể biến mất thành hư không được, nó lại xuất hiện dưới chồng sách của người chồng kia, nó như một sợi dây kết nối mỏng manh giữ lấy tình yêu của cô, nó chẳng thể biến mất, như chính tình cảm của cô vậy.
Bộ phim luôn tràn ngập những tình tiết nhanh, dồn dập và luôn có những hành động đuổi bắt, chạy của Chiyoko, cô luôn chạy đi, chạy để với tới tình yêu của mình nhưng mãi không thể chạm đến, đến lúc gặp được người rồi, sự đuổi bắt lại tiếp tục đẩy họ ra xa, có khi chỉ là cách nhau một cánh cửa thôi, nhưng cũng không thể gặp. Có sót xa không khi người con gái ấy luôn phải cầu xin, đập cửa để chỉ gặp người một lần nữa. Nhưng cô không bỏ cuộc. Khi cô dường như muốn chậm lại, muốn nén lại tình yêu này, thì những kí ức về chàng hoạ sĩ lại nhỏ giọt vào trái tim cô, để cô lại duy trì cái hy vọng heo hắt ấy, rằng một ngày nào đó, cô sẽ gặp lại được anh, đưa tận tay anh chiếc chìa khoá. Đó chính là bức tranh anh vẽ cô trên tường nhà kho cũ, may mắn còn vẹn nguyên sau cuộc dội bom, là bức thư cũ kĩ anh gửi cho cô từ người cảnh sát chính quyền hậu thời, tất cả những điều đó khiến cô có thêm hy vọng, nhưng cũng rất nguy hiểm với tình yêu vốn dĩ mơ hồ này. Để rồi cô lại chạy đi, chạy đi ngay giữa trời mùa đông tuyết trắng để tìm anh, bon chen giữa xa lộ đông người, cố gắng lội trong tuyết chỉ đến nơi anh đã từng hẹn, một nơi mênh mông là tuyết, có một khung tranh mà không có người hoạ sĩ, một khung tranh vẽ một người đã quay lưng chỉ còn bóng dáng đằng xa xôi. Cuối cùng cô đã tới điểm hẹn, nhưng làm sao cô có thể đuổi theo anh vào cả trong tranh cơ chứ, có lẽ đó là giây phút cô thực sự đã biết được rằng để gặp được anh là điều không thể trong thế giới hay vũ trụ này, thế liệu cô có thể gặp được anh ở một thế giới khác hay vũ trụ khác hay không. Khung cảnh phim cô bước lên tàu con thoi, với đôi mắt buồn nhưng không đau thương, chỉ có sự thanh thản nhẹ nhàng "Em sẽ đi tìm anh..". Tình yêu của cô như vượt qua tất cả những gianh giới, những khoảng cách xa xôi nhất, chỉ để đến tới người hoạ sĩ mà cô đã từng bật khóc vì chẳng thể nhớ nổi khuôn mặt, giọng nói, cô chẳng còn nhớ gì về sự tồn tại của anh, ngoài những kí ức đã quá lâu về những câu chuyện trong căn nhà kho mờ sáng và tình yêu sâu đậm chẳng thể phai mờ. Điều cô biết, chỉ là cô yêu anh, nếu không gặp được anh ở kiếp này, thì em sẽ tìm gặp anh ở kiếp sau.
Bức tranh chân dung người hoạ sĩ đã vẽ trên tường kho nhà Chiyoko trong thời gian anh ẩn mình ở đây. Và nó vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh. Việc tìm thấy bức tranh ấy, như tiếp thêm hy vọng cho Chiyoko tin tưởng vào tình yêu của mình.
Bức tranh vẽ người hoạ sĩ không rõ mặt ( như ám chỉ rằng cô đã quên mất khuôn mặt của anh) đang đi dần xa trên nền tuyết trắng. Khung tranh cũng đặt trên nền tuyết trắng, tạo hiệu ứng như chính hình ảnh trong tranh đang tiếp nối không gian của hiện tại.
Điều thú vị và làm cách dẫn truyện trở nên độc đáo hơn chính là sự diễn xuất của anh fan cuồng của Chiyoko giờ là một nhà làm phim tài liệu - Genya, và anh trợ lý quay phim đi kèm -Ida. Nếu Chiyoko là người kể chuyện, thì Genya chính là người hỗ trợ cô kể câu truyện của mình. Cả hai người như nhập tâm và biến câu truyện của Chiyoko thành những thước phim thực thụ với sự chuyển cảnh lồng ghép liên tục vào những bộ phim mà cô đã đóng, đến mức đôi khi chẳng còn biết đâu là phim đâu là thực. Còn anh chàng quay phim kia như đại diện cho chính khán giả chúng ta, lúc đầu là kêu ca khó hiểu, ú ớ, kinh ngạc hết lần này đến lần khác nhưng rồi lại trở nên thích thú, nhập tâm hơn vào câu truyện, tinh ý hơn cả Genya, lia máy quay, chạy theo từng bước của Chiyoko như đúng rồi. Còn Genya, ông không chỉ với vai trò là người trò chuyện làm phim về cuộc đời của Chiyoko mà ông thực sự là một fan đích thực. Cách ông hỗ trợ Chiyoko, luôn xuất hiện như là một vai diễn phụ bên cạnh để bảo vệ cô, che chở cho cô trước những nguy hiểm ngăn cản, đồng thời cũng đỏ mặt bén lẽn thể hiện tình yêu thầm kín của mình, luôn quan sát từ xa và bảo vệ người mình yêu. Tất cả những điều đó khiến 78 phút phim cuốn hút người xem từng giây một so với cái cốt truyện nghe qua tưởng quá đỗi bình thường này. Và Kon Satoshi sẽ chẳng làm bạn thất vọng khi một lần nữa xoá nhoà cái gianh giới giữa thực và ảo để người xem phải ngẫm nghĩ ngay cả sau khi 78 phút đã trôi qua.
Vai diễn ngàn năm" là một bộ phim tình cảm, nhưng không phải về sự yêu đương lãng mạn, mà là về nội tâm của một con người với tình yêu bền bỉ kiên trì khiến người ta phải thán phục. Đó còn là hành trình hoài niệm, tiếc nuối của Chiyoko về những kỉ niệm, những giấc mơ về một nơi mênh mông tuyết trắng, về thế giới mở ra bởi chiếc chìa khoá kia. Là hành trình tìm lại bản thân mình, về nỗi ám ảnh, và bản chất thật sự của nó mà cô đã từng lảng tránh. Là thước phim cuối cùng hoàn thành "Vai diễn ngàn năm" của cô, để cô tự do, tự do để theo đuổi tình yêu của mình.
"Vai diễn ngàn năm" là một trong những tác phẩm xuất sắc của cố đạo diễn Kon Satoshi mà thật sự bạn không nên bỏ lỡ. Không có gì trong bộ phim là thừa thãi và mỗi người đều có một vai trò riêng biệt giúp bộ phim trở nên trôi chảy liền mạch trong 78 phút. Nếu bạn muốn một lần nữa hoà mình vào sự pha trộn lồng chéo giữa quá khứ- hiện tại, giữa thực và ảo thì hãy xem bộ phim này và cảm nhận, cảm nhận từng thước phim, từng giá trị, cảm xúc, nó sẽ làm bạn cười, cũng như làm bạn rưng rưng ở đôi mắt. Đừng bỏ lỡ.
-
Là một người theo dõi xuyên suốt 7 phần của series phim hành động này kể từ khi tác phẩm đầu tiên được ra mắt vào năm 2009, tôi vẫn luôn có một xúc cảm đặc biệt mỗi khi ngồi xem lại Fast and Furious 5. Cái xúc cảm đó mạnh mẽ tới nỗi, Fast 6 hay cả Fast 7 sau này cũng chẳng thể nào đem lại cảm giác tương tự. Có thể nói, trước Fast 5, Fast and Furious là một series phim hành động hạng 2 chỉ biết câu kéo khán giả bằng những màn đua xe kịch tính, thế nhưng, vào mùa hè 2011, loạt phim này đã có sự chuyển mình xuất sắc để sau này trở thành một cái tên có thể khiến những người yêu điện ảnh nào cũng phải nức lòng khi nghe tới.
Hành động, đó chắc chắn là thứ “đặc sản” mà không một phần phim Fast and Furious nào lại thiếu, tuy nhiên, có một thứ khác biệt, một thứ mà chỉ có Fast 5 mới có đã khiến phần phim này nổi bật cũng như trở thành dấu mốc chuyển mình của series phim hành động này, đó chính là một kịch bản vô cùng hấp dẫn. Thật khó có thể tưởng tượng được cái cách mà đạo diễn Justin Lin và biên kịch Chris Morgan thổi hồn vào trong tác phẩm lại có thể hào hứng đến như thế, xuyên suốt bộ phim là những cảnh hành động với những pha chuyển cảnh nhanh, cách xử lý tình huống rất gọn cũng như những quãng nghỉ ngắn để giúp cho mạch phim được liền mạch, Fast and Furious 5 đã thực sự khiến cho khán giả phải hồi hộp và chú tâm theo dõi đến tận những giây phút cuối của bộ phim.
Điểm ấn tượng thứ 2 đó chính là cái cách đạo diễn phân bố vai trò của những diễn viên trong phim, Fast and Furious 5 là lần đầu tiên mà băng nhóm của Dominic Toreto (Vin Diesel) lại có thể đông đủ và nổi bật như vậy. Nếu như theo dõi như phần phim trước, chúng ta có lẽ sẽ chỉ thấy được những mối quan hệ rời rạc, những nhân vật ngoài gia đình Toreto làm nền cho nhân vật chính thì ở phần phim này, vai diễn nào cũng được tỏa sáng và có những vai trò rất riêng. Cái hay của biên kịch chính là cái cách anh phân bố thời lượng lên sóng của từng nhân vật, chẳng có ai bị thiếu đất diễn, chẳng có ai không có một thời khắc tỏa sáng cho riêng mình. 11 nhân vật chính trong cốt truyện cũng chính là 11 cá tính rất riêng, 11 tài năng rất riêng mà khi xem xong, chẳng có ai bị rơi vào quên lãng. Cá nhân tôi cho rằng, đây thực sự là cách xây dựng nhân vật đỉnh cao mà Fast 5 đã làm được.
Thêm vào đó, những cảnh quay trong phim cũng được đánh giá rất cao. Lấy bối cảnh là đất nước Brazil xinh đẹp, khán giả có thể được chiêm ngưỡng những bãi biển xanh, những cây dừa cao vút, tượng chúa cứu thế sừng sững trên đỉnh núi cũng như những khu dân cư có đặc trưng rất riêng của đất nước Nam Mỹ này. Kĩ thuật dùng “fly-cam” của phim khá tốt, chúng khiến cho người xem có thể nhìn thấy được những khung cảnh rất rộng, bao quát tốt những cảnh hành động đuổi bắt nhưng không quá lạm dụng để dẫn tới sự khó chịu. Hình ảnh xuất sắc là vậy, âm nhạc của phim cũng ấn tượng không kém. Có thể nói, nền bài hát Danza Kuduro sôi động chứa đượm phong cách Nam Mỹ mỗi khi vang lên đều làm cho khán giả phải sởn gai ốc bởi chúng kết hợp quá khéo giữa các tình huống hành động nghẹt thở của bộ phim. Đặc biệt hơn, bài hát này còn được thể hiện bởi Don Omar, ca sỹ đồng thời là một người trong băng nhóm của Dominic Toreto.
Không chỉ như vậy, Fast and Furious 5 còn hấp dẫn ở chỗ, màn đấu trí và hành động của băng nhóm Dominic Toreto theo được một sự logic nhất định, thứ mà phần lớn những bộ phim hành động đều bị yếu bởi kịch bản quá chú trọng đến những pha đánh đấm và rượt đuổi để nhằm thu hút khán giả. Những nút thắt mở, những tình huống trong phim đều được đạo diễn giải thích và xử lý rất hiệu quả, tôi đánh giá rất cao tình huống “plot-twist” cuối phim mà tác giả gửi gắm, đó thực sự là một chi tiết khiến cho toàn bộ người xem phải vỡ òa trong cảm xúc bởi cái cách mà bộ phim mang lại quá gay cấn cũng như hồi hộp.
Đây cũng là bộ phim đánh dấu một bước thành sao của những diễn viên như Paul Walker hay Gal Gadot, có thể thấy rằng Fast 5 là một bộ phim thành công ở khá nhiều phương diện khi mà nó có thể giúp cho những vai diễn trong phim tỏa sáng và tạo được nhiều ấn tượng trong lòng những khán giả.
Sau khi công chiếu, Fast and Furious 5 thu về 626,137,675 đô la, là bộ phim có doanh thu lớn thứ 5 của hãng Universal Studios. Cùng với đó, bộ phim cũng nhận được rất nhiều lời khen cũng như đánh giá cao từ giới chuyên môn và cả những khán giả bình dân.
Quả thực, giờ đây mỗi khi nhắc đến dòng phim rượt đuổi và hành động, cái tên hiện lên đầu tiên trong tâm trí những người yêu điện ảnh chắc sẽ là Fast and Furious. Trải qua hơn 6 năm phát triển cũng như với 7 phần phim, vị thế của series phim này ngày càng được củng cố và lớn mạnh hơn trong lòng khán giả. Nếu bạn là người ưa thích dòng phim hành động, Fast and Furious chắc chắn là một cái tên khó có thể không đoái hoài, và, Fast and Furious 5 sẽ luôn luôn giữ vị trí đứng đầu như vốn dĩ nó thuộc về trong bảng xếp hạng của Fast and Furious.
-
The Babadook là bộ phim sẽ khiến bạn khiếp đảm về cả hình ảnh lẫn nội dung.
Nếu bạn thực sự muốn thoát khỏi cảm giác chán ngán từ những phim kinh dị có những màn jump-scare vô tội vạ chỉ để khiến khán giả giật mình, thì The Babadook chính là bộ phim đưa bạn thoát ra khỏi những điều đó. Là bộ phim đầu tay của vị đạo diễn Jennifer Kent với kinh phí $2 triệu ít ỏi, The Babadook đã thu về tận $10 triệu nhờ vào nội dung chất lượng và hình ảnh đầy ma mị mà không cần tới những cảnh hù dọa rẻ tiền.
The Babadook kể về cuộc sống chật vật của hai mẹ con Amelia và Sam. Sau cái chết của người chồng trong vụ tai nạn năm xưa vào đúng ngày mà Sam ra đời, cuộc sống của cô ít nhiều bị ảnh hưởng, Sam thì nghịch ngợm khiến cô phải đau đáu suy nghĩ, còn cô thì mệt mỏi bởi công việc, thế nhưng, cô vẫn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ khi nuôi dạy Sam. Mọi thứ tưởng chừng như sẽ êm đẹp, thì cô và Sam vô tình đọc được một quyển sách kì lạ có tên là Mr. Babadook, rồi mọi chuyện kì dị bắt đầu kéo tới khi dường như sinh vật bên trong cuốn sách đã bằng cách nào đó ám lấy ngôi nhà, đe dọa tính mạng của hai mẹ con.
Phim có bối cảnh không khác mấy so với các phim cùng thể loại, một ngôi nhà bị ám, một đồ vật bị nguyền, một sinh vật kì dị... nhưng đừng để những điều đó đánh lừa bạn rằng phim chỉ đơn thuần là vậy. The Babadook không chỉ để bạn bước vào hành trình hù dọa của một con quái vật lên hai mẹ con, mà sâu trong đó còn là những ám ảnh của một bà mẹ chịu nhiều sự tổn thương về mặt tinh thần, về tình yêu thương và sự bảo vệ vô bờ bến của người mẹ dành cho đứa con khi không biết mình phải đối mặt thứ gì.
Sự khủng hoảng và kinh dị của bộ phim không chỉ đến từ sinh vật trong cuốn sách đó mà còn do những vấn đề tâm lí của người mẹ sau cái chết của người chồng, mọi thứ cứ như vừa xảy ra ngày hôm qua, những thứ này phần nào đã khiến bộ phim vốn ảm đạm lại càng thêm phần nặng nề. Màu sắc của phim khá trầm và xám xịt, ngầm ám chỉ sự u uất từ tâm lí của người mẹ. Ngoài ra, phim còn sử dụng những cảnh slow-motion, hay lạ hơn là fast-motion để diễn tả trạng thái bất ổn của nhân vật. Tạo hình mập mờ khi xuất hiên trong bóng tối, tiếng khò khè, âm thanh ghê rợn mà con quái vật tạo ra khi mò mẫm trong nhà, tất cả điều này đã góp đưa Babadook sánh ngang với hàng ngũ những quái vật nổi bật trong phim kinh dị như Sadako (The Ring), Kayako (Ju-On), Mẹ Ma (Mama)...
Phim sử dụng nỗi sợ nguyên thủy của con người là bóng tối để tạo cảm giác hồi hộp. Đa phần những cảnh đáng sợ đều được thực hiện trong ánh sáng mờ ảo từ những ánh đèn, một góc tối nào đó mà không ai biết thứ gì thập thò trong đó, nỗi sợ đến từ trí tưởng tượng luôn luôn để lại dấu ấn hơn là những cảnh gây giật mình đơn thuần.
Sự thành công của phim không chỉ đến từ những yếu tố kể trên mà còn nhờ vào diễn xuất tuyệt với của Essie Davis trong vai Amelia, cô không chỉ diễn tả xuất sắc hình ảnh một người mẹ đau khổ, yêu thương con trai đến cùng cực dù phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống, mà còn thể hiện được hình ảnh một người mẹ giận dữ, luôn dồn nén cảm xúc và mang một tâm lí bất ổn, cùng với hình ảnh xơ xác phờ phạc từ những đêm thiếu ngủ. Noah Wiseman trong vai Sam cũng thuyết phục không kém khi thể hiện hình ảnh một cậu nhóc bướng bỉnh đến mức khó chịu, nhưng lại dần khiến cho người xem trở nên thương cảm cho cậu bé nhiều hơn.
The Babadook không chỉ là một bộ phim kinh dị hấp dẫn, làm người phải nhìn trân trân vào trần nhà hay góc tường vì sự hoang tưởng mà nó tạo ra, mà còn làm cho ta cảm động khi thấy được tình mẫu tử vô bờ bến vượt qua mọi thử thách. Phim là làn gió mới cho dòng phim kinh dị vốn số lượng nhiều hơn chất lượng.
-
Khán giả được du lịch tới vùng biển Địa Trung Hải đầy nắng gió và thưởng thức những ca khúc bất hủ của ABBA qua những câu chuyện tình say đắm, lãng mạn. Bộ phim như dấu lặng tinh tế trong mùa hè 2008 đầy ắp những siêu anh hùng và các cuộc chiến khốc liệt.
Vở nhạc kịch Mamma Mia ra mắt lần đầu tiên tại London, Anh, cách đây 9 năm tại nhà hát Prince Edward đã thành công vang dội và sau đó được trình diễn tại hơn 140 thành phố trên khắp nước Mỹ. Nghĩ đến khả năng Mamma Mia có thể mang lại một thành công rực rỡ hơn thế, nhà sản xuất Judy Craymer bắt đầu tìm người hợp tác và bộ phim ca nhạc được mong đợi đã ra đời.
Mamma Mia! mở ra với khung cảnh tuyệt vời của hòn đảo ở Hy Lạp vùng Địa Trung Hải năm 1999 với những bãi cát trắng, làn nước trong xanh và không gian thoáng đãng. Điểm trên nền thiên nhiên tươi mát là những người phụ nữ xinh đẹp và ngập tràn sức sống. Cô con gái Sophie (Amanda Seyfried đóng) của bà chủ khách sạn Donna (Meryl Streep) đang chuẩn bị một đám cưới lãng mạn với vị hôn phu Sky (Dominic Cooper). Trước ngày cưới, Sophie đã mạo hiểm gửi thiệp mời đến 3 người đàn ông mà cô nghĩ có thể là cha ruột của mình khi lén đọc nhật ký của mẹ.
Ba người đàn ông là doanh nhân Sam Carmicheal (Pierce Brosnan), nhà thám hiểm Bill Anderson (Stellan Skarsgard) và nhân viên ngân hàng Harry Bright (Colin Firth) không hẹn mà cùng quay trở về vùng đảo từng làm họ mê đắm 20 năm trước. Cuộc hội ngộ của Donna với ba mối tình xưa chất chứa đầy những hoài niệm, niềm vui và cả nước mắt. Mamma Mia! đã vẽ nên một câu chuyện ấm áp về tình yêu của hai người phụ nữ đại diện cho hai thế hệ, một câu chuyện có thể thuyết phục được mọi đối tượng bất chấp tuổi tác, giới tính.
Bộ phim là sự kết hợp hài hòa của hơn 20 ca khúc nổi tiếng của ban nhạc huyền thoại ABBA như Mamma Mia, I have a dream, Money Money Money, Dancing Queen… Những ca khúc “vang bóng một thời” nay được sống dậy đầy tươi mới. Tất cả bài hát trong Mamma Mia! đều do chính các diễn viên thu âm trước khi quay. Khán giả được đắm mình trong tiếng hát trong trẻo của nữ diễn viên trẻ Amanda Seyfried, giọng êm ái của bà hoàng phim tâm lý tình cảm Meryl Streep, giọng trầm ấm của tài tử Pierce Brosnan...
Không chỉ có ca hát, các diễn viên còn thực hiện những màn nhảy múa vui vẻ, rộn ràng giữa không gian bao la rộng lớn. Để thực hiện những cảnh quay này, hầu hết diễn viên lẫn nhà biên đạo đều phải tham gia các lớp pilates, yoga, uốn dẻo để có cơ thể dẻo dai phục vụ cho những động tác vừa nhảy vừa hát.
Xem Mamma Mia!, khán giả được thưởng thức một bữa ăn nghệ thuật thịnh soạn khi được ngắm những cảnh quay đẹp mắt và lắng nghe những giai điệu ngọt ngào. Tất cả được kết hợp hài hòa đem đến nguồn cảm hứng không dứt kể cả khi bộ phim đã khép lại, giống như những ca khúc còn sống mãi của ABBA.
-
Perfume là cuộc đời của người nghệ sĩ làm nước hoa thiên tài Jean Baptiste Grenouille với khứu giác siêu nhạy. Mỗi thước phim là những bước đi của Jean từ một đứa bé mới lọt lòng mẹ tới người thanh niên mang trong mình tình yêu vô tận với mùi hương.
Có một cảm giác rất rõ rệt ngay sau khi xem xong bộ phim này, đó là sự nuối tiếc về một cái gì đó chưa trọn vẹn, rất có thể là bởi sự ngưỡng mộ mà mình dành cho Jean Baptiste là khá lớn, và mình không đành lòng để điều đó ra đi. Người thể hiện vai Jean Baptiste là Ben Wishaw, một diễn viên người Anh tài năng và quả thực mình luôn bị ấn tượng mạnh bởi những vai diễn mà Ben thể hiện. Quay trở lại bộ phim thì nhân vật Jean Baptiste có cuộc đời rất đặc biệt, ngay từ khi lọt lòng cho tới khi lớn lên và trưởng thành, tất cả đều báo hiệu về một người đàn ông xuất chúng, có điều, ngay cả khi có một mục đích tốt, ta vẫn có thể phá hỏng nó bởi những phương tiện sai lầm.
Mình thích cái cách mà đạo diễn của Perfume miêu tả tâm hồn nhân vật Jean Baptiste, tất cả được diễn giải theo lời kể của người dẫn chuyện và cái cách Jean hành động, giao tiếp; và điều mình yêu nhất ở Jean chính là tình yêu của anh dành cho mùi hương. Đó không chỉ là một sự yêu thích đơn thuần, mà là sự ám ảnh chân chính nhất ở bất kì hình hài nào. Anh bị ám ảnh bởi mùi cỏ ướt, mùi đá khô, mùi gỗ, mùi kim loại, mùi nắng, mùi của những cô gái bước đi trên phố, những anh chàng ướt đẫm mồ hôi… tất cả đều là sự ám ảnh đối với Jean.
Vì đây là thể loại tâm lý, kinh dị nên dĩ nhiên sẽ không tránh khỏi những cảnh giết người, miêu tả sự điên rồ của Jean Baptiste khi cố pha chế ra loại nước hoa tuyệt nhất thế giới. Không hiểu mọi người khi xem có sợ hãi hay thấy chán ghét nhân vật này hay không, nhưng đối với mình thì chỉ có sự thương cảm thuần khiết. Mẹ mình khi xem cùng đã phải hô lên rằng: “Sao nó ác thế?” – đó chính là phương tiện của Jean Baptiste. Trong khi mục đích của Jean Baptiste được xuất phát từ một ý nghĩ hết sức thánh thiện là có thể chế ra loại nước hoa tốt nhất (khiến cho những người dù chỉ ngửi thoáng qua nó vài giây cũng cảm thấy như mình đang lơ lửng trên thiên đường) nhưng phương tiện của anh thì lại là cái ác. Mình thấy thương Jean bởi anh thực sự rất giỏi, rất đam mê và điều anh mà đạt được hoàn toàn vượt xa khỏi sự tưởng tượng của nhân loại.
Một số ý kiến cho rằng bộ phim không thể sánh được với cuốn tiểu thuyết gốc, còn mình thì vì chưa có cơ hội được đọc tiểu thuyết nên hoàn toàn không có bình luận nào về điều này hết. Phần âm nhạc rất được, ăn khớp với bộ phim, dàn diễn viên cũng làm khá tốt vai trò nuôi dưỡng cốt truyện.
Tuy là phim kinh dị nhưng nói thật là nó chỉ thiên về phần tâm lý thôi nên mọi người sẽ không thấy sợ đâu, ngoài ra thì trong quá trình xem cũng nên dành thời gian xem chăm chú một chút, sẽ cảm thấy hay hơn là vừa xem vừa làm thêm việc riêng gì đó…
-
"Apollo 11" (2019) là một bộ phim tài liệu ghi lại chuyến bay lịch sử của tàu Apollo 11, đưa con người đầu tiên lên mặt trăng vào năm 1969. Bộ phim không có người dẫn chuyện mà chủ yếu sử dụng hình ảnh, âm thanh gốc và tư liệu từ NASA, mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực và sống động về sự kiện vĩ đại này.
Nội dung phim tập trung vào những ngày chuẩn bị cho chuyến bay, hành trình lên mặt trăng và các hoạt động của phi hành đoàn Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins. Khán giả được chứng kiến những khoảnh khắc quan trọng như việc phóng tên lửa Saturn V, cuộc sống trên tàu vũ trụ và cảnh Neil Armstrong bước chân lên mặt trăng, nói câu nói nổi tiếng "Đó là một bước nhỏ cho một người, một bước khổng lồ cho nhân loại."
Bằng cách sử dụng công nghệ phục chế hiện đại, "Apollo 11" mang đến những hình ảnh chưa từng thấy trước đây, tạo nên một trải nghiệm đầy cảm xúc và sống động cho người xem, tái hiện lại khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử nhân loại. Bộ phim không chỉ tôn vinh những nỗ lực của các phi hành gia mà còn khắc họa tinh thần khám phá và sáng tạo của con người.
-
Nhật ký tiểu thư Jones (2001) thuộc top những bộ phim kinh điển những năm 2000, một trong những câu chuyện tình được bao người thế hệ 8x, 9x phải xem vài ba lần như Notting Hills, Love Actually, The Notebook…
Nhật ký tiểu thư Jones được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hellen Fielding, cuốn sách đưa Hellen Fielding xuất bản lần đầu vào năm 1996, trở thành tiểu thuyết Anh của năm 1998. Cuốn sách này trở thành hiện tượng xuất bản, trở thành biểu tượng văn hóa của thập niên 1990 và một trong những tác phẩm tiêu biểu của thể loại chick-lit. Chick lit là một thể loại văn học phổ biến, thường dành cho độc giả nữ, tập trung vào cuộc sống, tình yêu, sự nghiệp, và các mối quan hệ của phụ nữ hiện đại. Từ “chick” là tiếng lóng chỉ phụ nữ trẻ, còn “lit” là viết tắt của “literature” (văn học), tạo nên khái niệm “chick lit” – văn học dành cho phụ nữ trẻ hoặc xoay quanh trải nghiệm của phụ nữ.
Bộ phim chuyển thể đạt doanh thu 281 triệu USD, gấp 10 lần kinh phí thực hiện là 26 triệu USD. Tác phẩm cũng đem về cho Renée Zelleweger, nữ diễn viên chính thủ vai Briget Jones một đề cử Oscar, hai đề cử Quả cầu vàng. Và dù sau đó, Rene Zelleweger có trở thành một trong số ít nữ diễn viên Hollywood đã đạt được 2 giải Oscar cho hạng mục nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất, thì người ta vẫn chủ yếu nhớ đến cô trong bộ dạng của cô gái Anh, tóc vàng, hơi mập và vụng về trong Nhật ký tiểu thư Jones (2001).
Thực ra, dù Nhật ký tiểu thư Jones là một bộ phim kinh điển được ca ngợi, nhưng mỗi lần xem trích đoạn, mình lại không muốn xem bộ phim này. Mình không thích kiểu nhân vật nữ không biết chăm chút bản thân và dường như cô ấy không đam mê hay hoài bão gì cả. Đoạn mình xem là cảnh nữ chính phì phèo khói thuốc, nói nhăng cuội trước một anh đẹp trai, và mình tự hỏi sao tôi lại xem một người phụ nữ thế này. Đó là lý do tại sao, sau bao năm mình không xem Nhật ký tiểu thư Jones.
Nhưng tại sao mình lại xem? Tuần vừa qua, chung kết Anh trai say Hi, và các chương trình thực tế khác cũng không chiếu. Do vậy là khi ăn cơm, gia đình không còn chương trình gì xem, và lướt một loạt Netflix, thấy gợi ý Nhật ký tiểu thư Jones, bạn mình nói xem thử. Review ngắn gọn, phim hay hơn mình nghĩ. Và sau khi xem phim, mình mình đã vừa mua cuốn sách Briget Jones’s diary, bản bìa cứng, kỷ niệm 25 năm xuất bản, một trong những cuốn sách đẹp nhất mà mình từng có. Có lẽ là mình nên xem nhiều phim kinh điển hơn, vì không phải tự nhiên đó lại trở thành phim kinh điển.
Nhật ký tiểu thư Jones kể về Bridget Jones (do Renée Zellweger thủ vai), cô gái người Anh làm việc trong một nhà xuất bản tại London vừa bước sang tuổi 32. Bước sang tuổi mới, Bridget hạ quyết tâm sẽ kiểm soát cuộc sống cũng như cân nặng của mình. Cô thấy mình hút thuốc quá nhiều, ăn quá nhiều, công việc làng nhàng và đặc biệt là chưa có bạn trai. Cô bắt đầu viết nhật ký ghi lại những cảm xúc của mình.
Mọi người xung quanh luôn hỏi cô về chuyện tình yêu của cô, và bố mẹ cũng cố gắng mai mối cho cô. Trong tiệc giáng sinh tại nhà người quen, cô gặp Mark Darcy (Colin Firth thủ vai), một người được bố mẹ cô mai mối. Vì không có ấn tượng tốt với anh ngay trong lần gặp đầu tiên nên cô đã cố tình tỏ ra thô lỗ và bất cần. Sau đó Bridget sa vào lưới tình với sếp của cô, Daniel Cleaver (Hugh Grant thủ vai), một người đàn ông thành đạt, quyến rũ nhưng đa tình. Đến cuối cùng, Bridget sau khi trải qua nhiều tình huống hài hước và vụng về trong cuộc sống hàng ngày cả những đổ vỡ, và cuối cùng nhận ra rằng tình yêu không phải chỉ dựa vào vẻ bề ngoài hay sự lôi cuốn, mà là sự chân thành và thấu hiểu từ người bạn đời.
Đây cũng từng là lý do khiến mình không xem bộ phim này (Đơn giản vì một đứa nghiêm túc không thích phim hài và không thích những điều lệch chuẩn như hình tượng của nữ chính trong phim). Với những bộ phim Anh cùng thời đó, những năm đầu thập niên 2000, nhân vật nữ chính trong phim hài lãng mạn thường được miêu tả là hoàn hảo, đẹp đẽ, thông minh, cá tính và thành công ũ, kiểu như Julia Robert, Keira Knightley, Anne Hathaway thủ vai và không nữ chính nào bê tha như Bridget Jones cả. Zellweger phải tăng khoảng 10 kg để có nọng cằm và cầm điếu thuộc phì phèo, tạo nên một Bridget Jones khác biệt như vậy. Nhân vật nữ chính thất bại trong sự nghiệp, lo lắng về tuổi tác và thường tự nghi ngờ bản thân. Nhưng chính sự thiếu hoàn hảo và vụng về này đã khiến nhân vật trở nên gần gũi, dễ liên hệ với nhiều phụ nữ trong đời thực bởi vì cơ bản chúng ta không thể trở thành Anna Scott trong Notting Hills (Rulia Robert) lang thang trong hiệu sách và gặp Willliam Thacker của đời mình.
Vào đầu những năm 2000, xã hội vẫn có nhiều áp lực đối với phụ nữ trong việc kết hôn và ổn định cuộc sống trước tuổi 30 (hình như xã hội giờ cũng vậy). Bridget Jones, với cuộc sống độc thân ở tuổi 30 và không lo lắng về việc tuân theo các chuẩn mực xã hội, đã mang lại một cái nhìn hiện đại, tiến bộ về hôn nhân và tình yêu. Điều này như nói lên tiếng lòng của nhiều khán giả nữ. Dù bộ phim cũng tạo cho họ những hi vọng về tình yêu, rằng dù bạn thế nào rồi tình yêu của bạn cũng sẽ đến, nhưng nó cũng lại dội một gáo nước lạnh vào những mộng tưởng, rằng anh chàng hào hoa phong nhã kia không dành cho bạn.
Nhật ký tiểu thư Jones và Kiêu hãnh và định kiến
Nhật ký tiểu thư Jones có nhiều điểm tương đồng với Kiêu hãnh và định kiến. Chính tác giả Hellen Fielding cũng thừa nhận, bà là fan của Janes Austen và tác phẩm của Janes Austen là cảm hứng cho nhật ký tiểu thư Jones. Bridget và Elizabeth đều là những phụ nữ không tuân theo các quy tắc xã hội truyền thống và thách thức những kỳ vọng xã hội đặt ra cho phụ nữ đương thời. Cả hai câu chuyện đều xoay quanh các nhân vật nữ chính có những hiểu lầm trong tình yêu với nhân vật nam chính. Trong Kiêu hãnh và định kiến, Elizabeth Bennet ban đầu không có cảm tình với Mr. Darcy do những hiểu lầm và định kiến về tính cách của anh. Tương tự, trong Nhật ký tiểu thư Jones, Bridget Jones cũng có định kiến với Mark Darcy, cho rằng anh là một người khô khan, nghiêm nghị, và kiêu căng. Tên của nhân vật Mark Darcy trong Nhật ký tiểu thư Jones rõ ràng được lấy cảm hứng từ Mr. Darcy trong Kiêu hãnh và định kiến. Cả hai đều là những người đàn ông có vẻ ngoài lạnh lùng, khó gần, nhưng thực ra rất chân thành và đáng tin cậy. Mark Darcy do Colin Firth thủ vai, và điều thú vị là Firth cũng từng đóng vai Mr. Darcy trong bản chuyển thể truyền hình nổi tiếng của Kiêu hãnh và định kiến năm 1995. Cả hai câu chuyện đều đặt nữ chính trong câu chuyện mâu thuẫn giữa 2 người đàn ông. Trong Kiêu hãnh và định kiến, Elizabeth phải đối mặt với sự lựa chọn giữa Mr. Darcy và Mr. Wickham, một người có vẻ ngoài hấp dẫn nhưng thực ra không chân thành. Trong Nhật ký tiểu thư Jones, Bridget bị kẹt giữa Mark Darcy và Daniel Cleaver, một người đàn ông quyến rũ nhưng không đáng tin cậy. Và cả hai người phụ nữ đề phải trải qua hành trình tự khám phá, trong đó họ học cách vượt qua định kiến ban đầu và hiểu được giá trị của một mối quan hệ chân thành.
Với nguồn cảm hứng này, Nhật ký tiểu thư Jones một lần nữa đưa ra lời tuyên ngôn cho phụ nữ và tình yêu, những thông điệp đến nay vẫn còn rất thời thượng.
Hai nam thần điển trai xuất hiện ngay đầu phim là người sếp hào hao giỏi tán tính Daniel – (Hug Grant nam chính trong the Notitnghil, tổng thống trong Love Actually) và Mark Darcy – Colin Firth, người đàn ông lạnh lùng nhưng trong lòng rực lửa. Thực ra khi bạn mình hỏi mình nghĩ ai mới làm nam chính, thì mình đoán là Mark, bởi vì nếu chọn một người hào nhoáng như Daniel thì thông điệp của phim sẽ là gì nhỉ?
Chuyện tình giữa Bridget và Daniel có những khoảng thời gian nồng cháy, họ yêu nhau. Có một điều khó hiểu là một người đàn ông như Daniel lại chọn một cô gái như Bridget. Có lẽ anh ấy chỉ tìm một hương vị lạ, và đó không phải tình yêu. Sau tất cả những lừa dối và Daniel đã làm cũng không thể khẳng định rằng Daniel không yêu Bridget. Nhưng cách yêu của Daniel dường như không trọn vẹn, anh yêu Bridget này nhưng cần thêm nhưng điều kiện khác. Đoạn này tự nhiên mình lại nhớ đến một đoạn trong phim Love Next Door. Đại loại là “Anh nhận ra mình yêu em không đúng cách. Anh đã luôn cố gắng kéo em lên, nhưng chưa bao giờ sẵn sàng xuống đáy của em”.
Tình yêu không dựa vào sự hoàn hảo và Bridget là một cô gái không hoản hảo như vậy. Có lẽ câu quotes hay nhất phim đó là khi Mark tỏ tình.
Cách thể hiện tình cảm của Mark với Bridget cũng rất giản dị. Giúp cô trong công việc phóng viên, là người đến gõ cửa chỉ đến chúc mừng cô sau thành công mà cô có, giúp cô nấu một bữa tiệc sinh nhật và đơn giản là nói lời tỏ tình chân thành. (Anh còn là luật sư nổi tiếng nữa, không kém gì tổng biên tập đẹp trai kia cả)
Sau khi chia tay với Daniel, thay vì vội vã tìm một người thay thế, Bridget quyết định thay đổi bản thân, tìm công việc mới, tập thể dục, đọc sách về nữ quyền. Nhưng phim không đưa ra một viễn cảnh vịt hóa thiên nga sau một đêm, mà Bridget vẫn là cô gái với ngoại hình kém hấp dẫn và vụng về như vậy, nhưng cách cô sống và lựa chọn mới thể hiện sự thay đổi từ bên trong. Bridget không còn về cân nặng, ngoại hình, tình trạng độc thân và cuộc sống cá nhân lộn xộn, mà vẫn vui vẻ với cuộc sống độc thân bên những người bạn và gia đình. Và chính bởi thế khi Daniel quay lại nói lời xin lỗi hay Mark tiếp tục theo đuổi, cô không mù quáng sa vào lưới tính một lần nữa.
Trái tim bạn luôn biết mình cần gì
Khi biết yêu thương và tôn trọng bản thân, chúng ta sẽ biết mình xứng đáng với điều gì. Một trong những đoạn mình thích nhất, đó là sau khi Mark và Daniel đánh nhau, Daniel nằm xuống và Bridget chạy về phía Daniel. Cô không quên cáu gắt với Mark rằng tại sao anh lại đối xử thô lỗ như vậy. Lúc này Daniel dường như giành chắc phần thắng nhưng Bridget lại hiểu ra rằng tình yêu mà cô mong muốn không phải như thế này. Cô không thể sống với những điều không chắc chắn.
Người thực sự yêu bạn sẽ không tự ái vì những điều nhỏ nhặt
Mô típ nụ hôn dưới tuyết đêm giáng sinh cũng khá quen thuộc. Trong suốt từ đầu tới cuối phim, Bridget luôn nghĩ xấu về Mark sau lời thêu dệt của Daniel. Sau đó anh còn đọc được đoạn nhật ký mà Bridget nói xấu về anh. Nhưng thay vì tự ái và bỏ đi, Mark chạy ra ngoài mua cho Bridget cuốn nhật ký mới để cô viết lại câu chuyện cuộc đời mình. Đó là một lời yêu thật ngọt ngào bởi tình yêu không yêu cầu sự hoàn hảo. Điều quan trọng là chúng ta trung thực với bản thân và với đối Phương để có thể cùng nhau viết một câu chuyện hạnh phúc mãi về sau.
Kết luận
Nhật ký tiểu thư Jones là một bộ phim hay, và mình thấy nhiều sự đồng cảm trong đó. Nó là một bộ phim mang theo những hi vọng về tình yêu, sau những hoài nghi vậy liệu sẽ có ai yêu con người thực của mình không, liệu mình có cần phải thay đổi để hợp guu với ai đó, liệu mình có cần chơi trò chơi mồi chài kéo thả. Những câu hỏi “Chuyện yêu đương dạo này ra sao”, ngoài đời nghe nhiều khó chịu nhưng lên phim nó trở nên hài hước, giúp chúng ta có thể nhẹ nhàng bước qua những xét nét và quy chuẩn xã hội để tự tin sống cuộc đời của chính mình. Bộ phim gửi gắm một thông điệp cho những cô gái: chúng ta luôn có quyền được hạnh phúc và ước mơ dù mình là ai, ở độ tuổi nào, dù bạn có những khuyết điểm, khi biết thương yêu bản thân sẽ có một người yêu thương bạn một cách trìu mến, dịu dàng và chân thành như Mark Darcy.
-
Là một bộ phim dán mác trinh thám, 21 Cây Cầu sở hữu cốt truyện dễ dãi và kết cục không hề bất ngờ.
Chadwick Boseman đang là một trong những diễn viên gốc Phi sáng giá ở Hollywood hiện nay, sau màn hóa thân thành vị thẩm phán tòa án tối cao gốc Phi đầu tiên Thurgood Marshall (2017) được đánh giá rất cao và anh có thành công lớn tại phòng vé với Black Panther (2018), có thể thấy Chadwick có thực lực chứ không phải nổi tiếng nhờ ánh hào quang từ phim siêu anh hùng. Đạo diễn của phim Brian Kirk thường biết đến nhiều ở các phim truyền hình, tuy nhiên các tập phim do ông đạo diễn cũng được đánh giá khá cao, chẳng hạn như: Boardwalk Empire (làm 1 tập mùa 1), Game of Thrones (3 tập mùa 3) hay Great Expectations (3 phần phim ngắn). Giữa cơn khủng hoảng thiếu phim kịch bản gốc ở Hollywood liệu sự kết hợp của họ có đem lại thành công cho 21 Cây Cầu hay không?
Phim21 Cây Cầu kể về hành trình thanh tra đội trọng án Andre (Chadwick Boseman) và thanh tra đội phòng chống ma túy Frankie (Sienna Miller) truy tìm 2 tên tội phạm Michael (Stephan James) và Ray (Taylor Kitsch). Manhattan bị cô lập, 21 cây cầu cùng mọi phương tiện ra vào hòn đảo nổi tiếng này bị chặn đứng, đội cảnh sát có 4 giờ để phá án trước khi trời sáng và buộc phải mở lại các tuyến giao thông toàn New York. Vụ án có vẻ càng rắc rối hơn khi truy lùng họ lại phát hiện thêm những âm mưu to lớn và sự phản bội từ những tên cảnh sát biến chất bán mình vì đồng tiền bẩn. Giữa lằn ranh thiện ác, tình đồng đội và phẩm giá Andre vẫn chọn cho mình con đường chông gai nhưng ngay thẳng nhất.
Kết cấu cốt truyện phim theo dạng tuyến tính, toàn bộ diễn biến đều theo một chiều thời gian, các tình tiết được phát hiện và giải quyết ngay tức thì, rất nhanh và gấp gáp. Điều này tạo nên hiệu ứng kể chuyện rất tốt, nhất là với thể loại trinh thám hình sự, nó khiến người xem bị cuốn hút không thể lơi lỏng bất cứ phút giây nào vì mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Tuy thế, vấn đề lớn nhất của phim này là nó quá dễ đoán, nếu theo dõi sẽ rất dễ dàng đoán ra được những “cú lật” (plot twist) trong câu chuyện và biết được ngay thủ phạm chính của vụ án. Nếu phim này thuộc các thể loại khác (như tình cảm, hài) có thể chẳng là vấn đề gì lớn nhưng với thể loại trinh thám hình sự thì không còn tính bất ngờ là điều tối kỵ. Các gợi ý được đưa ra quá lộ liễu làm sự hứng thú, tò mò của khán giả giảm đi rất nhiều.
Thanh tra Andre do Chadwick Boseman thủ vai được miêu tả là người lạnh lùng, thẳng thắn trong lúc điều và không để cảm xúc chi phối công việc, sẵn sàng ra tay tiêu diệt tội phạm khi cần thiết. Kiểu nhân vật “ngầu” này có vẻ hợp với chủ đề phim tuy nhiên những mô tả bằng lời nói của các nhân vật trung gian không thể thay thế cho mặt biểu diễn bằng hình ảnh. Việc thiếu các chi tiết để bộc lộ cá tính nhân vật khiến người xem không thể tạo ấn tượng cảm xúc trực quan – một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong xây dựng nhân vật trên phim ảnh. Các nhân vật phản diện cũng không có nhiều phân cảnh đắt giá để thể hiện hết cá tính và số phận đưa họ đến hành động tội ác. Trong hai nhân vật tội phạm thì Michael có đất diễn nhiều hơn nhưng Ray lại thành công hơn trong việc khắc họa nhân vật.
Sau thất bại nặng nề của John Carter (2012) tên tuổi của Taylor Kitsch bị ảnh hưởng nặng nề, anh phải tìm đến các vai diễn trong các bộ phim nhỏ hơn nhưng Kitsch đã được đánh giá khá cao qua các vai diễn chiến binh (trung sĩ Alex Hopper trong Battleship; Michael P. Murphy trong Lone Survivor) hay tội phạm (Chon trong Savages), điệp viên (Ghost trong American Assassin)… Ở bộ phim này, Kitsch vào vai cựu binh bất mãn muốn kiếm tiền để giúp người em trai của bạn thân đã qua đời, sự tàn nhẫn dứt khoát lẫn nghĩa khí giang hồ với Michael được anh khắc họa tốt và khiến người xem đồng cảm. Ngược lại Stephan James chưa đủ thuyết phục khi diễn vai Michael thông minh, có lý trí và đang dằn vặt vì tội lỗi, chỉ có phân cảnh trước khi chết được anh thể hiện khá tốt.
Màn diễn xuất đáng thất vọng lại đến từ diễn viên lão làng J.K. Simmons (Đội trưởng McKenna), đáng lý đây là nhân vật khá hay nhưng không hiểu vì thiếu đầu tư hay kịch bản quá nông mà nhân vật này không được nổi bật. Từng là một sĩ quan tiếng tăm, yêu thương cấp dưới dần sa ngã trước sự thất vọng với hệ thống công quyền và sức hấp dẫn của đồng tiền, đội trưởng Mckenna có đủ chất liệu để phát triển. Nhưng, ngoài những màn đao to búa lớn đầu phim và cảnh đấu súng hoang đường cuối phim cộng thêm những lời thoại vô vị đã giết chết cơ hội cứu cho kịch bản thiếu tính bất ngờ của bộ phim này.
Sienna Miller vào vai thanh tra đội phòng chống ma túy Frankie có thể xem là vai diễn tệ nhất trong phim. Đây cũng là nhân vật thú vị lại bị bỏ phí, đáng lẽ có thể đẩy những mâu thuẫn đạo đức với tình yêu con gái khiến Frankie bị dằn xé khi liên tục nhúng chàm. Cô và Andre có thể là 2 mặt của đồng tiền, một ẩn dụ về sự biến chất khi không thể duy trì sự chính trực thế nhưng kịch bản phim không đủ để làm người xem thấy được điều này và do đó khiến nhân vật này rất nhàm chán và không đủ sức thuyết phục cho phần kết.
Điểm sáng của phim ngoài phần tốc độ, nhịp phim mau chóng dồn dập được tiếp thêm bởi yếu tố nhạc nền rất hay và hợp với các phim trinh thám hình sự. Ngoài làm tốt ở các phân đoạn hành động thì nhạc phim ở những cảnh thể hiện khí phách của người cảnh sát chính trực cũng rất ấn tượng và giàu cảm xúc. Các cảnh quay hành động nói chung vừa đủ nhưng chưa có cảnh nào quá hấp dẫn hay mới mẻ để người viết phải trầm trồ. Thêm một điểm là phần tựa đề, 21 Cây Cầu, nhưng những cây cầu hầu như không đóng vai trò gì quan trọng lắm trong bộ phim này, đáng lý có thể tạo các cảnh hành động ngoạn mục trên cầu hay thậm chí dùng sự chia cắt của những cây cầu như sự ẩn dụ nào đó cho các tuyến nhân vật trong phim thì sẽ tốt hơn nhiều. Phim chỉ có kinh phí khá thấp (khoảng $33 triệu) nên cũng khó trách những màn cháy nổ không được chú trọng, vẫn còn phảng phất mùi của những phim hành động hạng B.
Dù có sự kết hợp của dàn diễn viên tốt nhưng thiếu một kịch bản hay khiến phim không đạt như mong đợi. Ở một khía cạnh khác, việc phim dễ đoán lại đi một dòng thời gian có thể đem tới một lựa chọn tốt cho những khán giả chỉ muốn tìm một bộ phim giải trí không cần mệt não suy nghĩ nhiều.
-
Tác phẩm do Han Jae Rim đạo diễn và viết kịch bản, xoay quanh chuyến bay xuất phát từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đến Honolulu (Hawaii, Mỹ). Cảnh sát trưởng In Ho (Song Kang Ho) nhận tin báo một người đàn ông đe dọa khủng bố trên máy bay. Khi điều tra, ông phát hiện nghi phạm đã lên máy bay số hiệu KI501, cùng chuyến vợ ông đang có mặt. Cùng lúc đó, Jae Hyuk (Lee Byung Hun) là phi công đã giải nghệ sau một sự cố khiến anh sợ máy bay, quyết định đến Hawaii vì sức khỏe của con gái.
Trên chuyến bay, tên khủng bố Ryu Jin Seok (Im Si Wan) bắt đầu phát tán virus chết người vào không khí. Các hành khách có biểu hiện phát ban, sốt, ho, xuất huyết dẫn đến tử vong. Sự sợ hãi và hỗn loạn nhanh chóng bao trùm không chỉ bên trong máy bay mà còn ở mặt đất. Cơ phó Hyun Soo (Kim Nam Gil) yêu cầu hạ cánh khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Sook Hee (Jeon Do Yeon) thành lập một đội đặc nhiệm chống khủng bố và phối hợp với Nhà Xanh tìm kháng thể chống lại virus.
Lấy chủ đề khủng bố trên không, phim khắc họa cách cư xử của con người khi đối mặt thảm họa. Tình tiết phim phát triển theo trục thời gian tuyến tính thông thường. Tác phẩm chia thành cốt truyện song song: Chiếc máy bay đang hỗn loạn vì loại virus bí ẩn và nhà chức trách đang tìm cách để máy bay hạ cánh, ngăn chặn thảm họa từ xa. Không khí phim căng thẳng từ những phút đầu, khi Jin Seok nói năng cộc lốc với nhân viên làm thủ tục check-in chuyến bay và lúc In Ho phát hiện có người tử vong trong khu vực báo án.
Xây dựng nhiều tình huống tiến thoái lưỡng nan, các nhân vật không có nhiều lựa chọn. Mọi người phối hợp cùng nhau ngăn chặn, cách ly kẻ thủ ác nhưng cũng có người yêu cầu những người có biểu hiện lây nhiễm virus phải đi sang khoang phổ thông cách ly. Cùng lúc, cảnh sát trưởng In Ho đến sân bay sau khi tìm ra tung tích kẻ giết người. Ông và bộ trưởng Sook Hee gặp nhiều trở ngại trong việc đảm bảo an toàn trên chuyến bay, điển hình như việc công ty Jin Seok từ chối hợp tác với cảnh sát vì không có bằng chứng vạch trần tên tội phạm.
Lòng nhân ái và sự hy sinh của con người tỏa sáng vào những giờ phút "nghìn cân treo sợi tóc". Phi công Hyun Soo bỏ qua hiềm khích năm xưa, phối hợp đồng nghiệp cũ Jae Hyuk để cứu mạng hành khách. Từ mặt đất, In Ho sẵn sàng lấy mình làm vật thí nghiệm để thử kháng thể chống virus. Trên không, chàng phi công giải nghệ vượt qua nỗi sợ máy bay để bảo vệ hành khách, sẵn sàng đáp trả những người kỳ thị con gái mình.Một phi công đang trên bờ vực đối mặt với tử thần nhưng dồn hết sức lực để cố hạ cánh. Một nữ bộ trưởng không bỏ rơi những người vô tội trong thời khắc sinh tử. Những người thân trong gia đình của hành khách và phi hành đoàn cũng đang mong chờ họ trở về...
Dàn diễn viên thực lực là điểm sáng. Nghệ sĩ Song Kang Ho tròn vai trong hình tượng một cảnh sát chính trực, hết lòng vì nhiệm vụ, mặt khác ông còn là người chồng yêu thương vợ. Lee Byung Hun cho thấy một người phi công kinh nghiệm, bình tĩnh xử lý sự cố, cứng rắn trong phán đoán nhưng mềm mại trong việc nuôi dạy con. Trở lại màn ảnh rộng, Im Si Wan rũ bỏ hình tượng mỹ nam để có vai phản diện đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất. Bên cạnh các tên tuổi có thâm niên trong nghề, diễn viên cho thấy không hề "lép vế", ngược lại có bước đột phá khi thể hiện nhân vật gặp vấn đề tâm lý.
Tình huống trong tác phẩm làm người xem liên tưởng đến Covid-19. Một trong những phân cảnh gây xúc động mạnh là lúc mọi người trên chuyến bay đều muốn hy sinh bản thân, không muốn hạ cánh để tránh lây nhiễm virus cho người trên mặt đất.
Ngoài nội dung đánh vào tâm lý người xem, với mức đầu tư lên đến khoảng 26 tỷ won, bộ phim gây ấn tượng bởi góc quay đầu tư, với các màn rung lắc ở những pha máy bay gặp sự cố. Phần bối cảnh có sự đầu tư nghiêm túc khi sử dụng thân máy bay thật.
-
"Kagemusha: The Shadow Warrior" (1980) là một bộ phim của đạo diễn Akira Kurosawa, xoay quanh một kẻ mạo danh trong thời kỳ chiến quốc Nhật Bản. Câu chuyện bắt đầu khi một lãnh chúa quyền lực, Shingen Takeda, bị thương nặng trong trận chiến. Để bảo vệ danh tiếng và quyền lực của mình, ông quyết định sử dụng một người giống hệt mình – một tên ăn trộm, để làm "kagemusha" (bóng ma).
Bộ phim theo chân cuộc sống của kẻ mạo danh, người phải học cách cư xử và điều hành thay cho lãnh chúa, trong khi chiến tranh và các âm mưu chính trị đang diễn ra. Khi Shingen qua đời, kẻ mạo danh phải gánh vác trọng trách nặng nề và bảo vệ vương quốc khỏi kẻ thù.
Phim không chỉ là một câu chuyện về chiến tranh và quyền lực, mà còn khám phá các chủ đề về danh tính, sự hy sinh và những giá trị của lòng trung thành. Phim nổi bật với hình ảnh tuyệt đẹp, bối cảnh hùng vĩ và phong cách kể chuyện đặc trưng của Kurosawa, và đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế.
-
Thời nhà Minh Đông Xưởng làm loạn triều cương đứng đầu là thái giám Tào Thiếu Khâm, Tào Thiếu Khâm đã xử trảm trung thần Vu Khiêm và còn cử tâm phúc của mình là Thiệu Đường cùng Mao Tông Hiến đuổi theo muốn diệt tận gốc gia đình Vu Khiêm. Các vị đại hiệp lúc bấy giờ không thể đứng yên nhìn Tào Thiếu Khâm tiếp tục làm ác nên đã cùng tập hợp để cứu gia đình Vu Khiêm, họ và nhóm tay sai của Tào Thiếu Khâm cũng chạm mặt tại một quán trọ tên là Long Môn.
∎ Vài lời giới thiệu:
Trong lần liệt kê này về đề tài phim võ hiệp đã nhắc đến Sở Nguyên và Trương Triệt thì không thể nào bỏ qua một cái tên tài năng như Hồ Kim Thuyên. Hồ Kim Thuyên là một đạo diễn cùng thời với đạo diễn Trương Triệt, dù làm chung một đề tài nhưng phong cách khác biệt, mỗi người đều có một đặc sắc riêng và cùng được công nhận là hai đạo diễn tiên phong của "Thế kỷ võ hiệp mới" trong những năm 60-70. Bộ phim được nhắc đến hôm nay là ý tưởng gốc <Tân Long Môn Khách Sạn> năm 1992 của Từ Khắc, đồng thời Hồ Kim Thuyên cũng là thần tượng mà Từ Khắc luôn tôn sùng. Năm đó khi nghe được những lời khen ngợi <Tân Long Môn Khách Sạn>, Từ Khắc từng nói: "Không ai có thể thay thế Thạch Tuyển, không ai có thể thay thế Thượng Quan Linh Phượng, không ai có thể thay thế Bạch Ưng. <Long Môn Khách Sạn> đã giúp Hồ Kim Thuyên phát huy hết tài năng của mình, năng lực nghiên cứu kết cấu phim của Hồ Kim Thuyên đã vượt qua cái tầm của người thường".
<Long Môn Khách Sạn> đi theo phong cách phim võ hiệp ngày xưa, nội dung đơn giản và nhân vật một chiều. Nếu Trương Triệt theo đuổi võ thuật chân thật với những cú nhào lộn, diễn xuất tự nhiên, thoải mái thì Hồ Kim Thuyên lại thích áp dụng yếu tố kinh kịch vào phim. Trong phim ông đã sử dụng tiếng chiêng trống của kinh kịch, các nhân vật cũng bước vào nhịp điệu, động tác đơn giản, ngắn ngọn và không màu mè, tiết tấu hành động và biểu cảm đều chậm nửa nhịp cộng với cách lồng tiếng đặc trưng ngày xưa tạo cảm giác cổ điển nhưng không bị gò bó, lời thoại cũng rất đơn giản và súc tích như đang đọc một quyển tiểu thuyết võ hiệp cổ. Một điểm khác nhau lớn của Trương Triệt và Hồ Kim Thuyên chính là ngoại cảnh, phim Trương Triệt thường xuyên sử dụng cảnh trong nhà hoặc cảnh giả thì Hồ Kim Thuyên đã hào phóng sử dụng ngoại cảnh cực kỳ hoành tráng, cảm giác như một bức tranh thủy mặc sắc sảo với hình ảnh ngọn đèn le lói trong đêm trăng tĩnh lặng, mà ở đó con người chỉ là những đốm đen bị lẫn trong màn sương mù mờ ảo.
Hồ Kim Thuyên từng nói: "Tôi quan tâm đến cách diễn đạt hơn là câu chuyện và chủ đề", cái gọi là cách diễn đạt có nghĩa là sử dụng ngôn ngữ hình ảnh tiết kiệm nhất để tạo nên hiệu quả cao nhất nhằm diễn đạt được ý tưởng của đạo diễn. Toàn bộ phim đều diễn ra trong không gian giới hạn trong và ngoài quán trọ, câu chuyện được kể theo trình tự trước sau, kết cấu thẳng thắn nhưng nhịp điệu đồn dập với động tác sắc bén, sống động. <Long Môn Khách Sạn> có rất nhiều cảnh quay dài để thể hiện các cảnh võ thuật, điều này đã thể hiện một cách chân thực và trọn vẹn tinh thần võ hiệp thuần túy, so với những hiệu ứng võ thuật được chỉnh sửa vào hậu kỳ thì phương pháp này chắc chắn càng gây ấn tượng hơn. Ngoài ra ông còn sử dụng tiếng nhạc kinh kịch để cắt cảnh và tạo nên độ kịch tính cho phim. Hơn nữa Hồ Kim Thuyên đã miêu tả tính cách nhân vật rất rõ ràng nhưng lại không đề cập đến thân phận của họ, trông cả phim như một lát cắt sắc lẹm kể về câu chuyện được xảy ra trong một thời gian ngắn, để rồi phần mở đầu và sau này của nhân vật đều để cho khán giả tự mình suy ngẫm.
Nếu Long Môn năm 1992 nhấn mạnh vào tình nhi nữ thì Long Môn 1967 lại thuần túy chỉ là tinh thần võ hiệp. Giang hồ là gì, hiệp khách là gì? Một bầu rượu, một quyển sách, một bức họa, một lời nói đều là giang hồ. Đi giữa đất trời, ngắm mây trên cao, chìm trong thăng trầm thế gian chẳng khác nào hiệp khách.
-
Nội dung phim xoay quanh Ryan, một vệ sĩ tài ba, được giao nhiệm vụ bảo vệ con gái của một nhà ngoại giao Trung Quốc. Khi cô gái trở thành mục tiêu của một băng nhóm tội phạm tàn nhẫn, Ryan phải đối mặt với nhiều thử thách và tình huống nguy hiểm. Phim nổi bật với các cảnh hành động mãn nhãn và những cuộc chiến đấu hấp dẫn, thể hiện kỹ năng võ thuật ấn tượng của Jet Li.
Chủ đề của phim xoay quanh lòng trung thành, danh dự và những nỗ lực để bảo vệ người thân yêu. "The Bodyguard from Beijing" đã thu hút được nhiều người hâm mộ nhờ vào sự kết hợp giữa hành động, kịch tính và cốt truyện cuốn hút.
-
"Branded to Kill" (1967) là một bộ phim của đạo diễn Seijun Suzuki, nổi bật trong thể loại phim yakuza Nhật Bản. Câu chuyện xoay quanh một sát thủ tên là Goro Hanada, người đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các sát thủ giỏi nhất.
Goro là một người lạnh lùng, nhưng sau một nhiệm vụ thất bại, anh bị sa lầy vào một cuộc chiến sinh tồn với các sát thủ khác và cả cảnh sát. Khi một nữ nhân viên của Goro xuất hiện, anh rơi vào mối quan hệ phức tạp giữa tình yêu và công việc giết người. Phim khắc họa sự hỗn loạn trong cuộc sống của Goro, từ những trận đấu với kẻ thù đến những cuộc đấu tranh nội tâm của chính mình.
Phim được biết đến với phong cách hình ảnh độc đáo, những cảnh quay sáng tạo và sự kết hợp giữa hành động và tâm lý. Dù ban đầu không được đánh giá cao, bộ phim đã trở thành một tác phẩm kinh điển và được tôn vinh trong làng điện ảnh thế giới, đặc biệt trong dòng phim nghệ thuật.
-
Khi những bộ phim làm lại gần đây của Hollywood đều chịu chung số phận hẩm hiu thì với một ekip tài năng, phim mới The Magnificent Seven đã trở thành ngoại lệ.
Quy tụ những cái tên danh tiếng mà thực lực cùng số giải thưởng đủ khiến bất kỳ đoàn phim nào e ngại, đạo diễn lừng danh Antoine Fuqua lôi kéo thêm người quen cũ Richard Wenk – biên kịch phim hay nổi tiếng The Equalizer và tác giả kịch bản Nic Pizzolatto của series truyền hình được đánh giá rất cao hiện nay – True Detective cùng chắp bút cho The Magnificent Seven 2016.
Làm lại từ bộ phim cùng tên năm 1960, The Magnificent Seven cũng lấy chất liệu từ tiểu thuyết gốc nổi tiếng đến từ Nhật Bản.
Những năm đầu sau nội chiến, những người dân ở một vùng đất Rose Creek bị gã bạo tàn Bartholomew Bogue chiếm đoạt đất đai và đuổi ra khỏi nhà cửa của chính họ. Máu đã đổ, mạng người đã mất, những cư dân hiền lành đáng thương còn bị đốt trụi “ngôi nhà của Chúa”. Được sự nhờ vả kèm theo “chiếc túi thù lao” nặng trịch của dân làng, tay thợ săn tiền thưởng Sam Chisolm quyết định kêu gọi những anh chàng cao bồi không sợ trời cao đất dày lại, giành lại Rose Creek. Thế nhưng, gã Bogue nào phải một miếng bánh mềm dễ nuốt trôi, một cuộc chiến khốc liệt hơn đã nổ ra. Trong thời điểm ngàn cân treo sợi tóc này, những gã cờ bạc, lưu manh và đánh thuê ấy nhận ra rằng có nhiều thứ còn quan trọng hơn tiền bạc.
Bộ phim mở đầu khi Quả Cầu Vàng 2015 Matt Bomer và người vợ trên phim – nàng Emma Cullen do Haley Bennett thủ diễn căng thẳng ngồi trên băng ghế nhà thờ. Cả vùng đất trù phú bỗng gặp tai họa vì những hạt bụi vàng trong đất. Top 10 nam giới gợi cảm nhất hành tinh không có nhiều thời gian trên màn ảnh. Khi mọi người cần một kẻ hy sinh để đẩy tội ác lên cao trào và khơi dậy nỗi bi thương tột đỉnh, gương mặt đẹp nhất phim đã phải nhanh chóng ra đi. Bộ phim Viễn Tây trở về đúng chất hoang dại đầy cát bụi sa mạc – nơi những gã đàn ông không phải cao bồi sẽ dễ dàng chết vì bóp cò quá chậm.
Với kinh phí lên đến 90 triệu $ - một con số khá khẩm cho một bộ phim cao bồi, The Magnificent Seven dễ dàng dựng nên những khung cảnh miền Viễn Tây quen thuộc như quán rượu, nhà đòn, máng cỏ, chuồng ngựa và tất nhiên không thể thiếu một gã cảnh sát trưởng chết nhát. Dù vẫn dựa trên cốt truyện cổ điển nhưng bộ phim đã được đạo diễn Antoine Fuqua thổi vào cái nhìn hiện đại cùng những tư tưởng mới lạ. The Magnificent Seven có khá nhiều thay đổi thế nhưng tinh thần nghĩa hiệp của những gã đàn ông tưởng như hoang đàng của miền Viễn Tây phiên bản 2016 cũng chẳng có gì thay đổi so với gần năm mươi năm trước.
Điểm cộng cho phần phim mới là các cảnh quay của phim nhanh, đặc sắc và dữ dội. Dưới bàn tay thần kỳ của Mauro Fiore – quay phim từng đoạt Oscar nhờ siêu phẩm Avatar, The Magnificent Seven gây ấn tượng ở sự đa dạng. Đó có thể là những khung hình sa mạc dù khô cằn vẫn đẹp đến say lòng hay những cảnh quay hành động chân thật và hoành tráng. Nhạc phim phóng khoáng, trẻ trung, đầy nổi loạn là kết quả từ sự cộng tác của hai bậc thầy âm thanh Hollywood. Đó là James Horner – nhà sản xuất âm nhạc sở hữu hai giải Oscar cùng vô số các đề cử khác và Simon Franglen – phù thủy âm thanh đứng sau hai bộ phim đình đám Titanic và Skyfall.
Tiếp cộng tác với đạo diễn đã giúp anh giành được Oscar trong Trainning Day, nam diễn viên kỳ cựu Denzel Washington trở thành gã thợ săn tiền thưởng Sam Chisolm. Hắn đơn độc, bình thản và dũng cảm đến kỳ lạ. Với biệt tài bắn nhanh như gió và chú ngựa thông minh chẳng kém Jolly Jumper cùng sự ngạo mạn từ sâu trong cốt tủy, Sam như một phiên bản đen tối (cả về màu da lẫn tính cách) của gã cao bồi Lucky Luke nổi tiếng. Đây không phải một vai diễn xuất sắc đủ để ghi dấu ấn khó phai trong sự nghiệp dày cộm của một nam diễn viên sở hữu hai giải Oscar như Denzel, thế nhưng gã thợ săn tiền thưởng này đủ sức trở thành nhân vật dẫn dắt bộ phim 113 phút này.
Là cây hài chính và có vai trò quan trọng trong mạch truyện, nhân vật của Chris Patt có tính cách cùng phong thái không khác gì hai vai diễn siêu nổi tiếng của anh trong Guardians Of The Galaxy và Jurassic World. Vẫn thông minh, tinh quái đến tưng tửng và luôn hết mình vì mọi người – Josh Faraday là vai diễn không tệ của chàng Sao Chúa. Thế nhưng, trong tương lai, anh chàng hài hước này cần chọn vai diễn đột phá hơn nếu không muốn bị đóng khung hình tượng.
Nam diễn viên sở hữu bốn đề cử Oscar Ethan Hawke trở lại hợp tác với Antoine Fuqua bằng nhân vật có tính cách phức tạp Goodnight Robicheaux. Là một người trở về từ cuộc nội chiến đẫm máu, gã cao bồi Goodnight đã đánh mất lòng tin nơi chiến trận mà chỉ sống trên vinh quang xưa cũ. Thông qua diễn xuất của Ethan, người cựu quân nhân bị hội chứng tâm lý sau chiến tranh được thể hiện hết sức sinh động và thu hút. Không may thay, đất diễn của anh lại có phần ít ỏi, chỉ được chú trọng vào những phân cảnh thể hiện tình tri kỷ với người anh em Billy Rock.
Cuộc đời Goodnight Robicheaux sẽ rơi xuống địa ngục nếu không có sự xuất hiện của Billy Rock – do nam tài tử Hàn Quốc Lee Byung Hun thủ vai. Một sát thủ châu Á dùng dao còn tài hơn súng, sắc sảo, thông minh nhưng cũng đầy tình cảm. Giữa Billy và Goodnight có sự đồng cảm, thấu hiểu vượt xa một tình bạn thông thường – sống chết bên nhau. Bỏ qua những bê bối trong đời sống riêng, diễn xuất của Lee Byun Hun không hề kém nổi cạnh khi so với các đồng nghiệp từ Hollywood. Anh là một trong những diễn viên châu Á nổi tiếng nhất tại Hollywood khi có mặt trong các phim thương mại như G.I. Joe, RED 2 hay Terminator Genisys và cả những phim thiên về hàn lâm như The Magnificent Seven.
Ở tuyến vai phản diện, Peter Sarsgaard bị hụt hơi so với dàn diễn viên còn lại. Bogue của anh quá an toàn. Từ ánh mắt, cái nhíu mày, cử chỉ đến chất giọng nhấn nhá đều quen thuộc. Cùng một vai diễn có tính cách ác độc tương tự, Calvin Candie của Django Unchained đã trở thành kinh điển qua diễn xuất tuyệt vời của Leonardo DiCaprio. Còn với Bogue, cũng những điệu bộ tương tự nhưng cái ác của gã lại có phần gượng gạo.
Những nhân vật phụ khác trong nhóm cao bồi như Vincent D'Onofrio, Manuel Garcia-Rulfo hay Martin Sensmeier đều diễn tròn vai và có những khoảnh khắc ấn tượng trên màn ảnh. Đáng tiếc, cô nàng góa phụ Emma Cullen dù có khởi đầu ấn tượng lại khá mờ nhạt ở phần sau. Nhắc đến cô nàng, khán giả xem xong chỉ nhớ tới nét đẹp mặn mà cùng những bộ cánh sexy hoang dại.
-
"The Captain" (2017) là một bộ phim chiến tranh của Đức, dựa trên sự kiện có thật trong giai đoạn cuối Thế chiến II. Câu chuyện xoay quanh một lính Đức tên là Willi Herold, người tình cờ tìm thấy một bộ quân phục của một sĩ quan cấp cao.
Khi mặc bộ quân phục, Willi bắt đầu lạm dụng quyền lực mới của mình, điều khiển và chỉ huy những người lính khác trong bối cảnh hỗn loạn của chiến tranh. Anh ta nhanh chóng trở thành một nhân vật gây sợ hãi, dùng quyền lực để truy đuổi và xử lý những người mà anh cho là kẻ thù, đồng thời cũng phơi bày bản chất tàn bạo và tham lam của con người trong những thời điểm khắc nghiệt.
Phim thể hiện sự tha hóa của Willi khi anh rơi vào vòng xoáy của quyền lực, dẫn đến những quyết định đau lòng và tàn nhẫn. Tác phẩm không chỉ nói về chiến tranh mà còn khám phá những vấn đề về đạo đức và nhân tính, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cá nhân trong những hoàn cảnh cực đoan. "The Captain" nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ diễn xuất mạnh mẽ và cách tiếp cận độc đáo về một giai đoạn lịch sử đen tối.
-
Không Nói Điều Dữ (Speak No Evil) chỉ với một câu chuyện dài 109 phút đã đem lại một trải nghiệm điện ảnh kịch tính. Đây có thể là một trong những bộ phim hay nhất của Blumhouse đến thời điểm hiện tại.
Dòng phim giật gân – kinh dị luôn là dòng phim quan trọng bậc nhất đem lại rất nhiều lợi nhuận cho các hãng phim. Sự sợ hãi là cảm xúc cơ bản nhất của con người từ lúc khởi thuỷ, nó là yếu tố quyết định của bản năng sinh tồn, là dấu ấn còn sót lại của tổ tiên động vật khi mọi cảm xúc khác không còn hiện diện.
Trong khi phim kinh dị horror (có yếu tố siêu nhiên/huyền bí) chiếm ưu thế trong vài năm gần đây thì Không Nói Điều Dữ như một luồng gió lạ của thể loại thriller làm lạnh sống lưng và tạo nhiều hứng khởi nhất cho người viết trong nhiều năm trở lại đây.
Gia đình Dalton trong chuyến đi du lịch Ý đã làm quen với một gia đình kỳ lạ, họ mời 3 thành viên Dalton đến gia trang ở miền quê phía Tây nước Anh. Nghĩ đây là một dịp giúp cô con gái Agnes (Alix West Lefler) cải thiện chứng sợ hãi và hàn gắn tình cảm vợ chồng nên Ben (Scoot McNairy) cùng Louise (Mackenzie Davis) nhận lời mời.
Chuyến thăm thú vùng quê tưởng yên bình nhưng càng lúc những dấu hiệu red flag của Paddy (James McAvoy) – một kẻ sociopath – không còn có thể che giấu được nữa thì nó biến thành chuyến đi kinh hoàng. Sự sợ hãi bao trùm và gia đình Dalton phải đoàn kết chiến đấu để tiếp tục sinh tồn.
Không Nói Điều Dữ được làm lại từ bộ phim cùng tên của Đan Mạch do đạo diễn Christian Tafdrup thực hiện năm 2022, phim remake năm 2024 có khoảng 90% tình tiết và kết cấu được sử dụng lại. Tuy nhiên, đạo diễn James Watkins đã chỉnh sửa câu chuyện dễ xem và mức độ kinh hoàng máu me được kiểm soát phù hợp cho khán đại chúng hơn.
Nhịp độ của phim rất đặc biệt, nó tăng dần cường độ. Bắt đầu từ một gia đình bình thường trong một chuyến du lịch bình thường nhưng sự kỳ lạ nhen nhóm dần đến khi họ phát hiện ra bộ mặt thật của tên Paddy thì mọi thứ dường như quá muộn.
Mức độ kinh hoàng của bộ phim Không Nói Điều Dữ cũng diễn biến theo đúng nhịp độ này. Điểm này là điều người viết đánh giá cao nhất ở kịch bản các phim giật gân, không cần tung ra mấy màn jump scare như thể loại horror hay dùng mà chính những bất thường được hé lộ sẽ gây ám ánh và khiến người xem hồi hộp dần.
Diễn viên nổi tiếng nhất trong dàn cast Không Nói Điều Dữ đương nhiên là nam diễn viên James McAvoy. Anh có màn hoá thân vào nhân vật Paddy rất tốt, thể hiện đầy đủ đặc tính của một kẻ sociopath và khác nhiều nhân vật biến thái nhân cách psychopath trên màn ảnh. Psychopath là một người không có lòng trắc ẩn hay quan tâm đến người khác, hắn luôn luôn giả vờ trong mọi mối quan hệ với người khác, thích che giấu và thấy các hành vi của bản thân là hoàn toàn đúng.
Trong khi đó, kẻ sociopath (như Paddy) có rất ít lòng trắc ẩn hay quan tâm đến người khác nhưng vẫn có khả năng thiết lập mối quan hệ tình cảm với cá nhân khác dù theo những hệ giá trị vô cùng lệch lạc do người đó đặt ra. Hắn hoàn toàn hiểu hành vi của mình là sai nhưng luôn tìm ra lý do để biện minh và đặc biệt rất hay bộc phát thành các hành vi bạo lực và chống đối xã hội. Nếu theo dõi phim thì người xem đều rợn người vì James McAvoy đã nghiên cứu rất kỹ nhân vật và các đặc điểm để làm nên nhân vật Paddy rất đáng sợ.
Nếu xét riêng về màn trình diễn thì điểm sáng nhất trong phim Không Nói Điều Dữ đến từ nhân vật người vợ Louise Dalton. Một người vợ giỏi chịu đựng, ôn hoà nhưng ẩn chứa sự quyết liệt và bạo dạng đúng lúc cần thiết. Ngược lại, người chồng Ben Dalton lại được phát hoạ hơi nhu nhược, dễ bị điều khiển nhưng bản tính thiện lương không vượt qua lằn ranh là điều khiến nhân vật này thú vị.
Cậu bé Ant (Dan Hough) đáng thương cũng là vai diễn hay trong phim, là chìa khoá để cả gia đình Dalton phát hiện âm mưu thâm độc của Paddy và vô hình cậu bé đó lại mang theo "lời nguyền" từ chính sự tàn ác của Paddy để lại. Nhân vật cô bé Agnes cũng được xây dựng tốt và là sợi chỉ dẫn dắt Ant thoát khỏi sợ hãi mà lên kế hoạch trốn thoát.
Bối cảnh phim Không Nói Điều Dữ giữa vùng đồng quê bao la trong lành nhưng hầu hết diễn biến lại bên trong căn nhà cũ kỹ rùng rợn của Paddy và Ciara (Aisling Franciosi) làm tăng thêm sự tương phản và tạo cảm giác kỳ quặc cho câu chuyện. Chính chọn lựa này rất tốt để làm nền cho một cốt truyện phim giật gân. Phần âm nhạc được chọn cẩn thận sắp xếp vào những thời điểm phù hợp khiến cảm giác khó chịu của người xem tăng dần khi bản chất khủng bố và thúc ép người khác của Paddy bộc lộ.
Khi xem Không Nói Điều Dữ bạn còn nên chú trọng các trang trí và vật dụng trong nhà vì chúng được xây dựng có dụng ý rõ ràng, ban đầu gọn gàng và có vẻ hợp lý nhưng dần dần trở nên lộn xộn và sắp xếp theo những kiểu kỳ lạ. Nếu theo dõi cẩn trọng thì thiết kế bối cảnh được sử dụng để diễn đạt bên trong nội tâm bất ổn của tên quái đản Paddy.
Điểm người viết thấy đáng tiếc là các nhà làm phim đã làm giảm bớt sự “bất thường” của phản diện trong cốt truyện của bộ phim gốc 2022, hắn thích thao túng nhưng cũng thích dùng nắm đấm với những kẻ dám thách thức kiểm soát của hắn. Có khi cần thêm “chút bạo lực gây khó chịu” sẽ làm sự giật gân và hồi hợp của người xem được trọn vẹn hơn.
Đây là một trong những phim thriller hay trong vài năm trở lại đây và điều đáng sợ là những kẻ tương tự Paddy không hiếm gặp trong đời thật. Hắn ban đầu có thể rất thu hút vì sự hoạt bát, xã giao tốt, nếu nhắm trúng con mồi thì hắn có thể rất “quyến rũ” nữa. Đôi khi cái bẫy ngọt ngào đến mức chính con mồi tự mình dính bẫy: Không Nói Điều Dữ là một trải nghiệm vừa đáng sợ vừa quyến rũ đó!
-
Mary and The witch’s Flower là bộ phim thuộc thể loại siêu nhiên, tất nhiên ai là fan của phù thủy Harry Potter thì sẽ không thể bỏ qua được bộ phim này, dĩ nhiên trong thời lượng ngắn ngủi thì Mary and The witch’s Flower không thể đáp ứng được nhu cầu thỏa mãn của mọi người để biết thêm chi tiết về thế giới phù thủy của Mary.
Nhất là mọi người cần được phù thùy chiến đấu với nhau cực đẹp mắt như Harry Potter hay khám phá ra vùng đất phù thủy, nhưng đối với bộ phim Mary and The witch’s Flower thì lại khác, chỉ trong giây phút ngắn ngủi chúng ta chỉ chứng kiến được một chút các học sinh đang học phép thuật, phòng học, một chút của phòng phù thủyMadame và tiến sĩ Dee là thôi,.
Thế nhưng việc các học sinh đang bay bằng cây chổi trong đại sảnh và phòng học tàng hình hay lớp pháp thuật hóa học không khỏi làm mình liên tưởng đến Harry Potter. Bởi vốn dĩ, trong các khung cảnh đó được thế giới phù thủy Harry Potter thể hiện rất rõ rệt nếu các bạn xem phần 1 của Harry Potter.
Không sao, bộ phim chỉ tập trung vào việc bà hiệu trưởng Madame và tiến sĩ Dee bị biến chất sau khi tìm thấy đóa hoa phù thủy, bà Charlotte chính là phù thủy khi xưa, là học trò của bà hiệu trưởng và tiến sĩ Dee đã trao cho hai người là đóa hoa, rồi bà chứng kiến sự biến chất ấy rồi quyết định rời xa thế giới phù thủy và lấy đi đóa hoa phù thủy.
Điều này cũng làm chúng ta suy ngẫm rằng đôi khi phép thuật mạnh mẽ đến mấy cũng không bằng việc sự tham lam, dẫn đến từ phù thủy đáng kính biến thành độc ác và ẩn chứa bên trong mới chính là ác quỷ.
Kết thúc phim bằng câu nói của Mary là cô không cần đến phép thuật nữa rồi vứt hoa phù thủy đi làm mình liên tưởng trong tập cuối sau khi Harry Potter giành lấy được cây đũa cơm nguội chiến thắng chúa tể Voldemort và Harry bẻ gãy rồi quăng xuống cây cầu.
Đó là việc tử tế nhất mà cô bé đã làm, bởi bản thân cô cũng không cần đến phép thuật và sự chứng kiến của hai con người đáng kính bỗng chốc biến thành một con người trở nên khác, bị lòng tham chi phối, dẫn đến việc dùng các học sinh của trường mình, của chính bản thân học đã dạy dỗ thành thí nghiệm của riêng họ. Đó mới là ý nghĩa của câu chuyện bộ phim truyền tải đến.
Đáng tiếc rằng, bộ phim chỉ kéo dài 1 tiếng 42 phút nên không thể truyền tải hết khía cảnh tiểu tiết khác, vì sao bà Charlotte đã từ bỏ phù thủy và không tiếp tục sự nghiệp chống đối? Vì sao cây chổi và căn nhà của bà Charlotte lại lầm tưởng cháu bà là Mary chính là bà?
Vì sao các học sinh cũ của bà hiệu trưởng và tiến sĩ biến thành thí nghiệm hết hay là đã chạy trốn, đã rời đi hay là còn một không gian rộng khác? Trong bộ phim bà hiệu trưởng Madame nói trường của bà là ngôi trường danh giá nhất, ngoài phù thủy mà bước chân vô sẽ bị trừng phạt bằng biến hình. Vậy thì còn có các ngôi trường phép thuật khác và học sinh ra trường đi đến nơi khác?
Hơn nữa, khoảng thời gian trong thế giới phù thủy và đời thực rất khác, đến nỗi khi Mary đến căn nhà cũ của bà Charlotte và các ngọt lửa bảo rằng tưởng chừng cô sẽ không quay lại nữa. Đó là câu hỏi mình đặt ra là đã bao lâu rồi nhỉ? Mọi thứ còn mới tinh như diễn ra của ngày hôm qua vậy.
Với lại, dường như trong câu chuyệnMary and The witch’s Flower này về việc phù thủy phải học thay là do năng khiếu thì mới được chọn? Nhất là bà của Mary là Charlotte vốn xưa là phù thủy vì sao không còn năng lực phù thủy nữa nhỉ? Hơn nữa gần như mọi thứ vẫn còn thắc mắc quá nhiều và chưa có được lời giải đáp nào cả.
Mặc dù nội dung phimMary and The witch’s Flower luôn đặt nặng hiện tại Marry đến ngôi trường và bị lầm trưởng là phù thủy cũng như tập trung hóa vào hoa phù thủy và chạy trốn, cứu Peter là hết, còn cái khác vẫn là khẽ hở chưa làm khán giả thỏa mãn trí tò mò, đôi khi còn khiến cho khán giả hơi bực mình và suy nghĩ về thế giới phù thủy của Mary.
Nếu như Mary and The witch’s Flower có phần 2 thì ất sẽ tập trung vào thế giới phù thủy ấy nhưng rất tiếc là chẳng có đâu nhỉ?
Nhân Vật
Các nhân vật được tạo dựng khá khéo léo, hiệu trưởngMadame và tiến sĩ Dee là nhân vật phản diện nhưng không phải là nhân vật độc nhất và đáng ghét nhất mà chính là lòng tham tạo dựng ra tính cách vừa đáng ghét vừa đáng thương hơn. Nhưng không vì thế mà châm chế cho việc biến học sinh của mình thành thí nghiệm, phải không nào?
Nhân vật hai chú mèo là Tib và Gib là hai nhân vật quan trọng nhất để dẫn dắt chúng ta vào câu chuyện thế giới phù thủy nếu như bà Charlotte đa từ giã thế giới ấy, Gib mất tích nên mèo Tib đã tìm kiếm bằng cách dẫn Mary vào rừng một lần nữa và thả hoa phù thủy vào Mary rồi đến thế giới phù thủy.
Nếu như bà hiệu trưởng Madame không lầm tưởng Mary và chú mèo có màu mắt ngọc bích là phù thủy thì có lẽ chúng ta sẽ không có phim để coi đâu nhỉ.
Các nhân vật quan trọng không kém phần nữa là các động vật, trong cuối phim chúng ta sẽ thấy các động vật đến giúp Mary chạy đến phòng thí nghiệm và đánh lừa các “nhân viên” của bà hiệu trưởng Madame, góp phần không nhỏ, đến khi bà hiệu trưởng Madame mất năng lực phù thủy cùng tiến sĩ Dee ẩn nấp vào ống, rồi khi mở ra thì gặp các động vật bao quanh. Quả là một sự trả thù ngọt ngào.
Giá như ở ngoài đời thực động vật hợp lực đánh bật ắt thống trị của loài người đòi quyền tự do ngôn luận thì hay biến mấy. Lúc đó mình sẽ ủng hộ động vật. Lol
Cuối cùng là Mary và Peter được tạo dựng hai tính cách trái ngược nhau, với Peter đảm đang và có trách nhiệm với gia đình thì với Mary – là một cô gái tóc xù và màu đỏ, thì luôn luôn vụng về, làm gì hỏng đấy, nhưng có tính khí trẻ con và dễ thương vì sống tình nghĩa, nếu như cô bé không vì chú nhóc Peter thì đêm hôm khuya khi được biết Peter mất tích và bị bà hiệu trưởng Madame dọa cho mất mật thì với trẻ con khác đã ở hẳn nhà rồi.
Đồng thời trong lúc nói chuyện với bà Charlotte thông qua chiếc gương, Mary đón nhận hoa phù thủy và được bà Charlotte khuyên bảo rằng hãy sử dụng nó mà đi về nhà, nhưng Mary lại quyết định cuối cùng là đi tìm Peter thì đó quả là chứng tỏ cô bé rất can đảm. Bà Charlotte không phải không muốn cứu Peter mà vì không biết rằng Peter bị bắt cóc để làm thí nghiệm.
Bà Charlotte chỉ muốn tốt cho Mary và cũng như không muốn dính dáng gì về thế giới phép thuật, bởi ở đó không phải là nơi để thực hiện cuộc sống bình dị và bà chọn cách bằng loại bỏ phép thuật mọi thứ, ở đó – thế giới phép thuật không phải là nơi tốt nếu chúng ta không kìm hãng lại lòng tham.
Chú cáo Flanagan đã chắp vá lại cây chổi do trước đó từ trên trời rơi xuống sắp bị gãy nửa,đến chỗ Mary và Peter rồi oán trách hai người không quý trọng cây chổi gì cả rồi cây chổi xuất hiện. Xong thì chú dồn sức cây chổi rồi biến mất vào hư trung. Đây quả là nhân vật không bao giờ quan tâm đến sự kiện chẳng mấy vui vẻ của ngôi trường mà vô tư hồn nhiên, khiến cho mình phần nào yêu thích chú cáo lùn tủn.
Tóm lại
Mặc dù cấu trúc của câu chuyện Mary Và Bông Hoa Phù Thủy vẫn còn nhiều thứ chưa được giải thích hoặc chỉ là bình phong để diễn giải nó bằng cách này hay cách khác được, nhưng không sao, bởi nó không đến nỗi quá vô lý đến khó chấp nhận mà chúng ta chỉ đang xem vào việc sự giải quyết chuyện rắc rối mà bản thân Mary đã gây ra, cũng như từ việc thất bại hết lần này tới lần khác rồi tiếp tục đứng lên để bước tiếp.
Có những chi tiết chưa được sáng tỏa lắm, nhưng không sao nếu tường tận giải thích thì chúng ta không còn được xem được đoạn kịch tính trong tình huống Mary đi giải cứu Peter nữa, dù lỗ hỏng logic khác nhau thì cũng không sao, có điểm sáng giá hơn để chúng ta đào bới. Đúng không nào?
Hơn nữa, bộ phim có giá trị tinh thần truyền tải đôi khi không có phép thuật và chỉ làm tay chân của chính chúng ta sẽ tăng giá trị lao động hơn là dựa dẫm vào nó, khiến cho mình nhớ đến lời nói của bàZenibatrong bộ phim Vùng Đất Linh Hồn rằng: “Phù thủy sinh đôi chỉ toàn rắc rối.”
Có nghĩa sự đối lập giữa hai người phù thủy, một người tham lam, tệ hại và một người giản dị, tha thứ, phép thuật rất có lợi, nhưng nó chỉ ở mức trên lý thuyết, giống như một con dao được tạo ra để làm đầu bếp, thế nhưng, có người dùng nó để giết người.
Nói chung, đây là bộ phim đáng để xem mặc dù không phải do cụMiyazaki Hayaolàm đạo diễn, ban đầu mình cũng lầm tượng đây là bộ phim chính do cụ đạo diễn, thế nhưng, đạo diễn lại là nhân viên kỳ cựu củaGhibli là Yonebayashi Hiromasa. Nếu như bạn muốn lựa chọn một bộ phim vừa nhẹ nhàng, lại thuộc về thế giới huyền bí và kỳ bí thì Mary and The witch’s Flower rất đáng coi.
Quả thực Mary and The witch’s Flower là bộ phim đánh giá cho các bạn không đặt nặng quá vào việc cốt truyện cũng như sự giải thích, về thế giới phù thủy này nọ, hơn nữa nếu các bạn kỳ vọng về phù thủy ngang ngửa với Harry Potter thì mình khuyên thật là không nên kỳ vọng vào bộ phim này.
Số điểm mình đánh giá cụ thể hơn các bạn có thể vào blog của mình để hiểu, còn không, thì không sao cả.
-
"The Gendarme of Saint-Tropez" (1964) là một bộ phim hài Pháp do Jean Girault đạo diễn, với diễn viên chính là Louis de Funès trong vai gendarme Cruchot. Câu chuyện diễn ra ở Saint-Tropez, nơi Cruchot, một viên cảnh sát nghiêm khắc và lố bịch, được giao nhiệm vụ duy trì trật tự trong khu vực đầy du khách và các sự kiện xã hội.
Khi Cruchot và đội ngũ của mình cố gắng kiểm soát tình hình, họ gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười với những nhân vật lố bịch, đặc biệt là một nhóm người bạn của Cruchot, bao gồm những du khách trẻ tuổi và những nghệ sĩ. Sự nhầm lẫn và các tình huống hài hước xảy ra liên tục, khiến Cruchot phải vật lộn giữa nhiệm vụ và những sự kiện không thể kiểm soát.
Phim không chỉ mang đến tiếng cười mà còn phản ánh những khác biệt giữa thế giới nghiêm túc của cảnh sát và bầu không khí vui vẻ, tự do của mùa hè ở Saint-Tropez. "The Gendarme of Saint-Tropez" đã trở thành một trong những bộ phim hài nổi tiếng nhất của điện ảnh Pháp và là khởi đầu cho loạt phim về gendarme Cruchot.
-
"Howards End" (1992) là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả E.M. Forster. Câu chuyện xoay quanh ba gia đình thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau ở Anh vào đầu thế kỷ 20.
Nội dung chính của phim tập trung vào mối quan hệ giữa gia đình Wilcox, gia đình Schlegel, và một người lao động tên là Leonard Bast. Margaret Schlegel, một phụ nữ trí thức và độc lập, và em gái Helen Schlegel có mối liên hệ chặt chẽ với gia đình Wilcox, đặc biệt là với ông chủ Henry Wilcox.
Khi Helen và Leonard có một mối quan hệ tình cảm phức tạp, các yếu tố của tình yêu, sự giai cấp và xung đột xã hội được khai thác. Tòa nhà Howards End, một ngôi nhà mang tính biểu tượng, trở thành điểm trung tâm cho những xung đột này, đại diện cho tài sản, di sản và giá trị con người.
Bộ phim kết thúc với một thông điệp sâu sắc về sự kết nối giữa con người và tầm quan trọng của tình cảm trong xã hội phân chia giai cấp. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi về diễn xuất, hình ảnh và cách xây dựng câu chuyện, góp phần vào việc khắc họa rõ nét những vấn đề xã hội của thời kỳ đó.
-
Sự kết hợp giữa Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ cùng với sự duy mỹ cực đoan của Vương Gia Vệ tạo ra một tác phẩm giàu tính chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu.
Phần lớn câu chuyện của Happy Together xảy ra tại Buenos Aires, thành phố được mệnh danh là Paris của Nam Mỹ, thủ đô của Argentina. Lê Diệu Huy (Lương Triều Vỹ) và Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh) cùng nhau bỏ lại Hong Kong để tìm đến một nơi hoàn toàn xa lạ với hy vọng củng cố mối quan hệ tình cảm vốn nhiều sóng gió của họ.
Tuy nhiên, đôi tình nhân nhanh chóng chia tay, đường ai nấy đi ngay khi đang trên đường tới thác Iguazu. Mỗi người tìm một cách khác nhau để tồn tại và vượt qua nỗi cô đơn nơi đất khách quê người. Diệu Huy cố gắng tìm một công việc ổn định, kiếm tiền để trở về Hong Kong trong khi Bảo Vinh lang chạ với đủ loại đàn ông và luôn tìm cách làm tổn thương Diệu Huy. Cả hai bị cuốn vào một vòng xoáy chia tay - tái hợp trong đó họ vừa yêu nhau say đắm, vừa hành hạ lẫn nhau.
Happy Together là một bộ phim nhiều tâm trạng, ít tình tiết, nhịp phim chậm, câu chuyện rời rạc. Nói cách khác, nếu bạn là người hay sốt ruột thì đừng xem phim của Vương Gia Vệ. Tuy nhiên, đối với những khán giả đã trót say mê phong cách làm phim của ông, Happy Together sẽ để lại một thứ dư vị đặc biệt, không gì sánh nổi. Với Happy Together, nói một cách hình tượng, Vương Gia Vệ đã thực sự khiến cho nỗi sầu muộn nở hoa.
Vai diễn Bảo Vinh dường như "được đo ni đóng giày" cho riêng Trương Quốc Vinh vì có nhiều nét rất giống với anh ngoài đời thật. Sự tương đồng lớn đến nỗi, có nhiều người nhận xét, Trương Quốc Vinh chẳng phải cố gắng gì, chỉ cần là chính mình thôi cũng đủ. Quốc Vinh sở hữu gương mặt trẻ thơ, nhạy cảm cùng với đôi mắt rất buồn. Nhân vật của anh có tính cách thất thường, không ổn định, có xu hướng tự hủy hoại bản thân và thích làm tổn thương người khác. Từ ánh mắt, khóe môi, dáng cầm thuốc của anh đều lột tả được sự cô đơn cùng nỗi khao khát được yêu thương, được chú ý. Dường như đối với con người này, yêu thương bao nhiêu cũng là chưa đủ.
Lê Diệu Huy, nhân vật của Lương Triều Vỹ nhẫn nại và chịu đựng hơn. Ánh mắt của anh vừa trầm tư, u sầu, vừa ẩn chứa những nét dữ dội, thô bạo. Anh có một đôi mắt biết nói với cái nhìn mạnh mẽ có sức cô đặc không gian lại, khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Với vai diễn này, anh nhận được giải thưởng điện ảnh Hong Kong cho "Nam diễn viên xuất sắc".
Happy Together đan xen những thước phim đen trắng và những thước phim màu như một cách thể hiện sự đan xen giữa hồi tưởng và hiện tại. Bộ phim ám ảnh với nhiều cảnh quay ấn tượng, giàu tính ẩn dụ.
Đáng nhớ nhất có lẽ là cảnh quay đẹp đến nghẹt thở ở thác nước Iguazu, nơi mà Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh từng định đến cùng nhau. Ngọn thác ẩn trong mình truyền thuyết về sự nổi giận của một vị thần bị thiếu nữ khước từ tình yêu đã trừng phạt đôi tình nhân trẻ bằng cách xẻ đôi dòng sông và biến họ thành những ngọn thác. Theo một nghĩa nào đó, Diệu Huy và Bảo Vinh cũng đã bị dồn đuổi đến mức dắt díu, kéo nhau xuống vực thẳm của sự cô đơn như vậy.
Christopher Doyle đã đem lại cho Happy Together những khung hình đẹp đến mê mẩn và ám ảnh - cảnh Bảo Vinh ngả đầu vào vai Diệu Huy khi cả hai đang trên xe taxi, cảnh hai người khiêu vũ trong bếp, cảnh đá bóng dưới ánh nắng vàng rực rỡ của buổi chiều tà và Diệu Huy cúi xuống châm thuốc, cảnh Trương Chấn - bạn đồng nghiệp của Diệu Huy - một mình đứng cô đơn bên ngọn hải đăng lắng nghe tiếng khóc nức nở của Diệu Huy từ băng cassette nơi "tận cùng thế giới"... Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh con tàu chạy vun vút về phía trước, dù chống chếnh, bấp bênh nhưng vẫn là tiến lên. Với Happy Together, Christopher Doyle giành danh hiệu "Quay phim xuất sắc" tại giải Kim Mã.
Happy Together vẫn được coi là một trong những bộ phim thành công nhất về tình yêu đồng giới nhưng khác với Brokeback Mountain hay The Love of Siam, tác phẩm này không nhấn mạnh đến những sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị hay những rào cản xã hội đối với người đồng tính. Có lẽ đối với Vương Gia Vệ, "yêu là yêu", ông thể hiện tình yêu của Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh như một cặp tình nhân bình thường với đủ sự phức tạp, trắc trở nội tại thường gặp, như thể họ chỉ tình cờ là người đồng tính.
Câu chuyện của bộ phim không đơn giản chỉ là một lời kêu gọi cho bình đẳng giới mà cao hơn, chính là những chiêm nghiệm về sự vô thường của cuộc sống, sự mong manh của tình yêu, nỗi bất lực trong việc gắn kết con người với nhau. Sự đồng điệu của hai tâm hồn dường như hoàn toàn là một trò may rủi, không thể đoán trước, không thể chỉ cố gắng mà giành được bởi như người ta thường nói: "điều mong manh nhất" trên đời "không phải tơ trời, không phải sương mai" mà chính là "tình yêu".
Xuyên suốt bộ phim là giai điệu ám ảnh của Happy Together, ca khúc đã được Vương Gia Vệ lấy tên đặt cho bộ phim như một ước vọng sâu thẳm về niềm hạnh phúc được sống trọn đời bên một người duy nhất: "I can't see me loving nobody but you for all my life" (Cả cuộc đời này, anh sẽ chẳng thể yêu bất cứ ai khác ngoài em), "It has to be the only one for me is you and you for me" (Người duy nhất dành cho anh là em, và em là để dành cho anh).
Tình yêu trong bài hát thật mãnh liệt, tha thiết nhưng đồng thời cũng ẩn chứa ngay trong đó sự mong manh, nguy cơ đổ vỡ khi đã đánh cược toàn bộ khả năng hạnh phúc vào một tình yêu duy nhất, một người tình duy nhất. Chính sự cần thiết "nhất định phải là người đó" đã biến Lê Diệu Huy trở nên phụ thuộc, dễ bị tổn thương và càng rời xa khả năng có được hạnh phúc.
Đạo diễn Vương Gia Vệ giải thích về tựa đề của bộ phim: "Với tôi, hạnh phúc bên nhau có thể là giữa hai người, cũng có thể là giữa một người và quá khứ của anh ta. Tôi nghĩ, một lúc nào đó khi một người có thể yên bình với quá khứ của bản thân, đó là thời điểm cho sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, có thể đem đến hạnh phúc trong tương lai".
Cuộc sống là hợp rồi tan, tan rồi hợp, đôi khi phải biết buông tay, dám từ bỏ, để lại quá khứ đằng sau lưng, con người mới có thể chạm đến sự giác ngộ, sự bình an trong tâm hồn. Về điểm này, có lẽ Vương Gia Vệ và Trịnh đã gặp nhau: "Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người - Còn cuộc đời ta cứ vui - Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai..."
-
Phim xoay quanh một nhóm sinh viên y khoa, do Nelson (Kiefer Sutherland) dẫn đầu, quyết định thực hiện các thí nghiệm để khám phá cuộc sống sau cái chết.
Các sinh viên này sử dụng một phương pháp nguy hiểm để "đưa nhau vào trạng thái gần chết," với hy vọng trải nghiệm những gì xảy ra sau khi chết. Mỗi người lần lượt trải qua những trải nghiệm siêu nhiên khi họ được hồi sinh, nhưng những ký ức và tội lỗi từ quá khứ cũng bắt đầu ám ảnh họ.
Khi cuộc thí nghiệm trở nên ngày càng nguy hiểm, họ phải đối mặt với hậu quả của việc xâm phạm ranh giới giữa sự sống và cái chết. Bộ phim khám phá các chủ đề như sự sợ hãi về cái chết, tội lỗi và sự cứu chuộc.
-
Tôi không phải là người hoài cổ. Nhưng tôi luôn ủng hộ việc xem những bộ phim lịch sử về các gia đình hoàng gia, quý tộc. Có điều gì đó rất lịch thiệp trong cách họ hành xử. Từ cách nói chuyện, cho đến cách dùng dao muỗng nĩa. Tất cả đều gợi nhớ về một thời đã qua khi chuyện hành xử lịch sự nơi công cộng là chuyện hiển nhiên.
Nếu bạn cũng như tôi, bạn sẽ mê bộ phim Downton Abbey. Đây là một serie truyền hình dài tập xoay quanh gia đình quý tộc Anh sống tại lâu đài Downton. Và serie phim truyền hình này vừa chào đón một “thành viên mới”: phim chiếu rạp Downton Abbey: The Movie.
Nhân dịp ra mắt phim Downton Abbey: The Movie, Harper’s Bazaar đã ăn mừng cùng các nữ diễn viên chính trong serie phim. Sau đó, chúng tôi nảy ra ý nghĩ này: Tại sao không đổi vai cho nhau?
Và đây là kết quả khi người hầu gái đổi sang đóng vai nữ bá tước.
Ngôi nhà trát vữa kiểu miền quê giữa khu vực phía Tây London là nơi chứng kiến thế giới của Downton Abbey bị đảo lộn tùng phèo.
“Tôi làm ngon đấy chứ,” Sophie McShera tuyên bố. Trong phim, vai của cô là cô hầu phòng Daisy Mason. Còn giờ đây, cô mặc bộ đồ organza hồng của Dolce & Gabbana, ngự trên chiếc ghế sofa nhung, để cho Elizabeth McGovern, người thủ vai nữ bá tước Cora Crawley xứ Grantham, hầu trà. Đây là một điều rất vui vẻ. “Trong phim tôi luôn phải bưng khay và mặc đồ xám ngoét!”, cô nói.
Ở phòng bên, Michelle Dockery, vai công nương Mary Crawley, hóa thân thành một cô hầu gái. Trong khi đó, Joanne Froggatt không làm hầu gái Anna Bates như thường lệ, mà lại đang ngắm nghía xem mình nên chọn mang đôi giày hiệu nào. “Sau bao năm đóng vai công nương Mary, đổi ngôi nhập vai người hầu để chụp hình cho Bazaar thật thú vị”, Dockery nói. “Nhân vật Anna năm này qua năm khác kiên nhẫn phục vụ Mary – mặc đồ, sửa đồ, rồi chải tóc. Giờ tôi mới có cơ hội được phục vụ cho Joanne đấy”.
Buổi chụp tràn ngập tiếng cười khúc khích. Sau sáu năm, với ba giải Quả Cầu Vàng, 15 giải Emmy, và một kỷ lục Guinness cho bộ phim truyền hình nổi bật nhất mọi thời đại, các cô gái Downton thật hạnh phúc khi lại được tụ tập về bên nhau. Họ thích thú đổi vai diễn cho nhau.
“Chúng tôi đã quá thân với nhân vật của mình,” Froggatt cười, nhớ tới phút lại khoác lên mình bộ đồ hầu gái. Bốn năm trước, cô tưởng đã chia tay với trang phục đó khi kết thúc loạt phim truyền hình. Thế rồi nhà sản xuất quyết định làm bộ phim điện ảnh. McGovern, với vóc dáng thực sự rất quý tộc, cho biết: “Thử thách lớn nhất là phải giữ cho nhân vật mình luôn tươi mới.”
Bộ phim điện ảnh kể về câu chuyện xảy ra một năm sau thời điểm câu chuyện trong tập cuối của series truyền hình. Biên kịch Julian Fellowes bảo: “Tôi coi bộ phim điện ảnh là Downton Cộng, – lớn hơn, hay hơn, chói sáng hơn”.
Câu chuyện của bộ phim Downton Abbey: The Movie
Đó là năm 1927, hoàng gia đến thăm Downton. Khi lá thư thông báo chuyến thăm của Vua George V và Nữ hoàng Mary, ông bà của Nữ hoàng Elizabeth II hiện nay, mọi người tá hỏa. Gia tộc này vẫn chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng sau Thế chiến I. Công nương Mary, giờ đứng đầu gia tộc, phải thuyết phục quản gia cũ Carson, (Jim Carter đóng), tạm dừng nghỉ hưu để đến giúp đỡ. Mà mình ông thì có đủ để giải quyết mọi khó khăn không?
“Đóng bộ phim điện ảnh mới này còn thú vị hơn cả hồi đóng phim truyền hình”, McShera nói. Ở ngoài đời, cô thân thiết với Lesley Nicol (vai bà Patmore) y như trong phim. Cô gọi bà là “Mẹ trong TV”. “Lúc nào chúng tôi cũng cười được”.
Đám người hầu “nhà dưới” này càng thích thú hơn nhờ có ngân sách khủng của phim điện ảnh. “Một hôm, chúng tôi đóng một cảnh trong hầm rượu hào nhoáng”, McShera kể. “Trong phim truyền hình, chúng tôi luôn nhắc đến hầm rượu, nhưng chả ai thấy vì chẳng có cảnh nào trong hầm rượu cả”.
Quý tộc có quy tắc. Hầu gái cũng có nhiều quy tắc không kém.
Nhớ cho được quy định về phục vụ là thử thách khó nhất đối với các diễn viên đóng vai phục vụ. Phải làm sao nhớ cho đúng cái bánh nào được đặt trên cái khay nào. Và lời thoại thế nào cho chính xác. Còn ở nhà trên, lại phải nhớ cho đúng các loại luật thành văn cũng như bất thành văn.
“Bộ phim điện ảnh đòi hỏi kỹ càng hơn”, McGovern nói. Bản thân là người Mỹ lấy chồng người Anh, đạo diễn và nhà sản xuất Simon Curtis, cô đã nhiều năm làm quen với phong cách sống kiểu Anh. Tập nhún người chào vua và nữ hoàng là cả một nghệ thuật. “Y như trong kịch đoàn hoàng gia Shakespeare”, cô bảo. “Tôi đau hết cả hông”.
Tổng đốc Alastair Bruce, giám mã hoàng gia chuyên coi sóc và bảo tồn các nghi thức lịch sử, đã có mặt để giúp các diễn viên: mở cửa nào, dùng nĩa nào, ngồi ghế nào và vân vân.
Vì sao bộ phim Downton Abbey lại có sức hút mãnh liệt
Các giám đốc sản xuất của bộ phim, Gareth Neame và Liz Trubridge, phải nỗ lực lắm mới tập hợp được đủ dàn diễn viên. Tất cả họ đều đã trở thành những ngôi sao lớn, với lịch làm việc kín mít.
Fellowes bảo: “Việc tập hợp đủ đội ngũ cho tôi cơ hội có thêm thời gian để hoàn chỉnh kịch bản”. “Phim điện ảnh và truyền hình khác nhau hoàn toàn. Với series phim truyền hình, ta có thể kéo dài ra. Nào là Mary có người yêu mới; các khó khăn ở trang trại; Daisy mua nón mới; vân vân. Nhưng phim điện ảnh đòi hỏi sự tâp trung và thống nhất. Mọi vấn đề phải giải quyết xong trong hai giờ đồng hồ. Lại còn phải tạo được cao trào làm ảnh hưởng đến mọi nhân vật trong phim”.
Chuyến viếng thăm của hoàng gia cũng tạo ra các nhân vật mới. Vợ trong đời thật của Jim “Carson” Carter, Imelda Staunton, đóng vai công nương Bagshaw, rồi thêm vai vua George và Nữ hoàng Mary, với ông quản gia Wilson (do David Haig đóng) của họ.
Thời gian qua đã lâu, khán giả muốn tái ngộ những nhân vật họ thấy như bạn thân. Trong thời điểm căng thẳng chuyện Brexit, người ta càng cần một Downton ấm áp. Fellowes không che giấu khả năng sẽ còn những bộ phim Downton mới.
-
"Casque d'Or" (1952) là một bộ phim lãng mạn và bi kịch của đạo diễn Jacques Becker, lấy bối cảnh Paris vào những năm 1900. Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu giữa hai nhân vật chính: Marie (do Simone Signoret thủ vai), một cô gái đẹp và độc lập, và Georges Manda (do Serge Reggiani thủ vai), một tay đua xe bị cuốn vào thế giới tội phạm.
Marie là một người phụ nữ có sức hút mạnh mẽ, được biết đến với cái tên "Casque d'Or" (Mũ Vàng) nhờ mái tóc vàng óng ánh của mình. Cô yêu Georges, nhưng mối tình của họ gặp phải nhiều cản trở do những mối liên hệ phức tạp trong xã hội và thế giới ngầm. Sự xuất hiện của một tay anh chị tên là Mario (do Claude Dauphin thủ vai) làm tình hình càng trở nên căng thẳng.
Phim khám phá các chủ đề như tình yêu, sự phản bội và số phận, đồng thời khắc họa bức tranh xã hội của thời kỳ đó. "Casque d'Or" được khen ngợi về diễn xuất, đặc biệt là của Signoret, và cách xây dựng hình ảnh đẹp nhưng bi thương, làm nổi bật sự éo le của tình yêu trong bối cảnh đầy khó khăn. Bộ phim đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong điện ảnh Pháp.
-
"Beverly Hills Cop II" (1987) là phần tiếp theo của bộ phim hành động hài nổi tiếng "Beverly Hills Cop." Trong phần này, nhân vật chính Axel Foley, do Eddie Murphy thủ vai, quay lại Beverly Hills để điều tra một loạt vụ cướp.
Câu chuyện bắt đầu khi Axel nhận được thông tin về một băng nhóm tội phạm có tên là "Jigsaw," chuyên gây ra các vụ cướp táo bạo và có tổ chức. Để giúp điều tra, Axel hợp tác với những người bạn cũ từ sở cảnh sát Beverly Hills, bao gồm Captain Andrew Bogomil và các đồng đội.
Khi điều tra, Axel không chỉ đối mặt với những tình huống nguy hiểm mà còn tận dụng sự thông minh và khả năng hài hước của mình để lật tẩy âm mưu của băng nhóm. Phim kết hợp giữa hành động kịch tính và các tình huống hài hước, thể hiện sự tương tác thú vị giữa Axel và các nhân vật khác.
"Beverly Hills Cop II" tiếp tục phát huy thành công của phần đầu, mang đến những pha hành động hấp dẫn và những giây phút giải trí vui nhộn. Phim cũng nổi bật với các yếu tố như tình bạn và sự trung thành trong cuộc chiến chống lại tội phạm.